Thoạt tiên tôi tưởng ông né tránh những câu hỏi của tôi, giả bộ làm một ông già lẫn cẫn không thể hiểu rằng một vụ giết người vừa xảy ra và mình là nghi phạm chính, nhưng sau đó tôi thấy ánh mắt bình thản và trong trẻo của ông đón nhận tia mắt của tôi. Tôi dừng bước trong khung cửa, cứ để ông ta kể lể và ngó quanh. Đó là một xưởng đàn vĩ cầm như trong tranh vẽ. Một hàng vĩ cầm đủ kích cỡ treo trên những móc gỗ mỏng trong tủ mở. Những chi tiết thô bằng gỗ và nhiều công cụ lạ mắt nằm vương vãi trên một dạng máy bào. Một cái thước đo. Cọ sơn. Dây kim loại. Bụi. Phảng phất mùi keo hoặc vecni.
Ông ta ngồi vào bàn và ngước nhìn tôi. “Điều đó có thể khiến một người tìm mua vĩ cầm yên tâm, nhưng những người làm đàn chúng tôi nghe thế thì nản lắm. Tôi đã tiếp quản xưởng đàn này ba mươi năm trước, tự hào và tràn đầy ý tưởng. Tôi muốn chế tác những cây vĩ cầm, những nhạc cụ bền bỉ, du dương, giống như tôi đã học ở trường dạy làm vĩ cầm ở Brienz. Còn phục chế những nhạc cụ cũ thì, hồi đó tôi nghĩ, để những người khác làm”. Ông húng hắng ho và vẩy vẩy bàn tay xương xẩu của mình trên mặt bàn như thể từ chối những đơn hàng phiền nhiễu.
Rồi ông ta lại lặng lẽ ngồi xuống ghế đẩu và tiếp tục kể: “Chẳng bao lâu tôi nhận ra rằng một ngày nào đó tôi sẽ bán lại cho người kế nhiệm của tôi đống gỗ đã được hong khô và lựa chọn kỹ mà người tiền nhiệm của tôi đã chất trên xưởng lên tới trần nhà. Chẳng ai cần những cây vĩ cầm mới cả”.
Ông vuốt mặt thở dài: “Không có nhu cầu về đàn mới. Trong năm đầu tiên, tôi đã làm mười chiếc vĩ cầm, ba trong số đó vẫn đang treo ngoài tủ bày hàng. Vì thế tôi bắt đầu phục chế đàn cổ”. Ông im lặng, chìm đắm trong dòng suy nghĩ. Một lọn tóc bạc trắng xõa xuống trán và vẻ bất mãn kéo xệch khóe miệng ông xuống. Trời đã gần trưa và lẽ ra tôi phải giao ông ta cho đồn cảnh sát ở Bern từ lâu, vì vậy tôi giục: “Rồi sao nữa? Sau đó ông đã làm gì?”. “Có lần, một quý bà vào cửa hàng và mang theo một cây Stradivari”, mắt ông ngời lên. “Một cây Stradivari?” Tôi cần một lời giải thích. Hẳn là câu hỏi của tôi đã làm ông ngạc nhiên, vì ông đứng dậy, nhướng đôi lông mày rậm rì và giảng: “Antonio Stradivari là một nhà sản xuất vĩ cầm và sống ở Cremona vào thế kỷ 17. Ông ấy đã hoàn thiện hình dáng của cây vĩ cầm, những chiếc đàn của ông làm ra đều là kiệt tác”.
“Loại đàn đó còn chơi được không?”
Ông phớt lờ câu hỏi của tôi, cúi xuống chiếc rương dựa vào tường, lấy ra một chiếc hộp đàn, đặt lên bàn và mở ra. Một cây vĩ cầm trong đó. Ông nắm cần đàn và đưa tôi. Tôi lúng túng nhận lấy - biết cầm lên tay một cây vĩ cầm ra sao? - và ngạc nhiên khi thấy nó nhẹ bổng. Nó rộng ngang, trong mắt tôi là có tỉ lệ hoàn hảo và sáng lấp lánh ánh vàng. “Một cây Stradivari?”.
Ông thành kính gật đầu, trầm ngâm: “Như đã nói, một cây vĩ cầm tốt thì bền muôn đời!”. Ông đưa tay phải vào hộp đàn và lấy cây cung ra, đứng ra trước giá để bản nhạc, xoay nó về phía ánh sáng rồi kẹp cây đàn dưới cằm, nâng cây vĩ lên, nhanh tay chỉnh âm một thoáng và bắt đầu chơi. Hừng hực và dẻo dai như một chàng trai trẻ. Người đàn ông già đã run rẩy đưa đưa cho tôi khẩu súng lục và người mà tôi thoạt nghĩ là mất trí, giờ đang biến thành một người khác đứng trước cửa sổ và chơi vĩ cầm. Với những chuyển động mềm mại, tròn trịa, ông kéo cây cung trên dây và đánh thức dậy một giai điệu đầy mê hoặc. Xưởng đàn ngập tràn những âm sắc mà ông biết cách khơi ra từ nhạc cụ, và chẳng mấy chốc tôi đã mê đắm trong thứ âm nhạc bao quanh mình, quên hết không gian và thời gian cũng như lý do tôi ở đây.
Khi ông ngừng chơi, tôi vỗ tay. Tôi không thể làm khác. Ông khẽ cúi đầu như một lời cảm ơn, đặt cây cung và đàn lại vào hộp, đóng lại và ngồi xuống bàn. Tôi nghiêng người về phía trước và hỏi: “Rồi sao nữa?”.
Ông đặt tay lên mép bàn và kể tiếp: “Tôi tháo rời cây đàn thành từng mảnh, vẽ lại các lỗ F, ghi lại tất cả các kích thước và cố gắng sao chép chữ ký của nghệ nhân viết bằng mực vào mặt trong của hộp đàn. Sau đó, tôi tìm trong nhà kho phía trên xưởng các tấm ván làm bằng gỗ thích cho mặt sau, tấm đỡ, vách bên và phím đàn và một tấm ván làm bằng gỗ vân sam với các vòng sinh trưởng sít nhau cho đáy cộng hưởng”. “Ông đã sao chép cây Stradivari?”. “Vâng”. “Và người phụ nữ nọ?”. “Một tháng sau bà ấy đến để lấy cây vĩ cầm của mình. Tôi dỗ dành bà ta rằng tôi phải sửa lại những chỗ bị mòn và lớp sơn cần chút thời gian để khô. “Nói chung, lớp sơn...”, ông ta thở dài não nuột, “chế ra lớp sơn là việc khó khăn nhất. Nó phải có màu vàng kim, tỏa sáng rực rỡ nhưng lại trông có vẻ cũ. Tôi đã thử nghiệm, sơn lót bằng sáp ong, thêm bột gỗ vàng vào vecni và cuối cùng dùng da và kem đánh răng chà cho trơn các bề mặt và góc cạnh. Sau ba tháng, bản sao đã hoàn tất. Tôi đưa nó cho người phụ nữ và giữ bản gốc”. “Để làm mẫu cho các bản nhái tiếp theo”, tôi buột miệng thốt lên. “Tôi xin ông, tôi không muốn nói về bản nhái trong trường hợp này, mà gọi là bản sao”.
“Gọi tên nào cho đúng, đó là việc dành cho thẩm phán” - tôi nói và nhắc lại bản chất hành vi: “Ông không đưa cho người phụ nữ bản gốc mà là bản sao Stradivari”. “Đúng. Và tôi đã làm thêm một bản sao Stradivari nữa. Một năm sau tôi đọc thấy một quảng cáo trên báo - Tìm mua một cây vĩ cầm Ý có xuất xứ hoàn hảo, của tư nhân hay hàng thương mại - và ngay lập tức tôi gửi lời mời. Một quý ông đứng tuổi từ Basel bắt liên lạc. Ăn vận tử tế. Cư xử lịch lãm. Ông ta đang kiếm một cây vĩ cầm của nghệ nhân cho sinh nhật thứ ba mươi của con gái mình. Cô ấy có bằng tốt nghiệp nghệ sĩ biểu diễn. Ông ta rất phấn khích bởi cây Stradivari của tôi. “Bởi bản sao”. “Vâng, bản sao. Nhưng ông ta chỉ mua khi có bản giám định của chuyên gia, và ông ta đã đề nghị nhờ tiến sĩ Wendl ở Burgdorf”. “Tiến sĩ Rolf Wendl? Người mà trước hai tiếng ở đây ông đã...”. “Xin ông”, ông xua tay quầy quậy và lại run bắn lên. “Để tôi nói xong đã”. Tôi chấp thuận.
“Cả ba người chúng tôi đến gặp tiến sĩ Wendl, và tôi thú thực rằng hôm đó tôi rất lo lắng. Tiến sĩ Wendl đợi chúng tôi, mời cà phê, rồi ông săm soi rất kỹ cây vĩ cầm, vâng, ông ấy cẩn trọng rọi đèn vào bên trong đàn và so sánh từng chi tiết với những bản vẽ và tài liệu mô tả cũ mà ông ấy đã trải lên bàn. Ông ấy kiểm tra rất lâu, đo đạc tỉ mỉ, nghiên cứu chữ ký của nghệ nhân, ngắm nghía lớp sơn dưới ánh đèn đặc biệt và đắm mình như thể đã quên chúng tôi ngồi đó. Đột nhiên ông chỉnh dây đàn, nhanh nhẹn và điêu luyện và chơi một đoạn của Joseph Haydn. Tuy nhiên, theo cảm nhận của tôi là quá nhanh, quá gấp gáp. Ông ấy có vẻ thích thú. Ngược lại thì tôi đã bình tĩnh lại và thành thật mà nói, tôi rất ngạc nhiên về âm thanh của cây vĩ cầm chỉn chu và tròn vành như thế nào. Ông biết đấy”, giọng ông đã bình tĩnh hơn một chút, “tiếng đàn trong tai người chơi luôn khác với trong tai người nghe”. Ông lại im lặng, nhưng đúng lúc tôi lo ngại rằng ông đã nói đến mệt lử thì ông trỗi dậy lần nữa. “Wendl chơi hết bản nhạc, cẩn thận đặt cây vĩ cầm vào hộp, đóng nắp lại, đặt chiếc hộp vào tay cô gái trẻ và chúc mừng hai người đã mua được cây đàn quý”.
Ông nhỏm dậy, đi đi lại lại trong xưởng và tiếp lời: “Hôm kia ông ấy trao cho tôi chứng chỉ cho bản sao thứ năm, xác nhận đó là một chiếc Stradivari. Và sáng nay, ngay khi tôi vừa mở cửa, ông ấy xông vào cửa hiệu với một cặp giấy dưới nách, chào hỏi vội vã, nói năng bỗ bã với tôi: ‘Đóng cửa hiệu lại, tớ có chuyện phải nói với cậu.’ Đây này, ngay trên chiếc bàn này, ông ấy trải bản vẽ ra, đóng hết cửa đi và cửa sổ, kéo chiếc đèn bàn lại và nói nhẹ nhàng nhưng đầy đe dọa: ‘Lần này cậu chế một cây Amati’”.
“Một cây Amati?”. Tôi lại cần một lời giải thích. Ông dừng bước và ngước lên nhìn tôi. “Nicola Amati là thầy của Stradivari. Ông ấy đã tạo ra hình dáng thực sự của cây vĩ cầm, vâng, có thể nói ông ấy là cha đẻ của cây vĩ cầm. Suốt cuộc đời mình, Amati dụng công tìm kiếm hình dáng hoàn hảo của một cây vĩ cầm, nhưng ông không bao giờ thành công. Ông thấy đấy”, ông lại lấy trong hộp ra cây vĩ cầm không thuộc sở hữu của mình, “một cây vĩ cầm, dù nhẹ đến đâu cũng phải chịu được sức căng của dây ba mươi kilôgam. Amati đã sử dụng gỗ vân sam thông thường cho tấm cộng hưởng và phải làm vồng nó lên rất nhiều để chịu được lực căng này”.
Ông cất lại cây đàn vào hộp. “Stradivari đã chế tạo những chiếc vĩ cầm chính xác như đã học được từ thầy giáo của mình, nhưng với một điểm khác biệt duy nhất: Stradivari sử dụng gỗ vân sam từ vùng núi Alps cho tấm cộng hưởng. Gỗ từ những cây mọc ở độ cao hơn một nghìn mét. Loại gỗ này có các vòng sinh trưởng hẹp, dai hơn và mặc dù có độ vồng kém hơn nhưng có thể chịu được sức căng lớn hơn. Nhờ vậy Stradivari đã tìm ra chìa khóa thành công cho cây vĩ cầm hoàn hảo”. Ông ngừng lời một lát rồi hỏi: “Giờ thì ông hiểu rồi chứ?”. Môi dưới của ông run lên.
“Đàn của Amati không phải là những tác phẩm hoàn hảo. Đàn Amati lâu đời hơn, hiếm hơn và đắt hơn đàn Stradivari. Chúng là thứ để đầu cơ!”. Ông vuốt ve như phù thủy lên hộp đàn, ánh mắt chợt lóe lên những tia điên dại. “Tôi đã làm ra những cây vĩ cầm bậc thầy. Những nhạc cụ hoàn hảo cho các nhạc sĩ tài năng. Tôi sẽ không bao giờ chế tạo những cây vĩ cầm để bị nhốt trong két sắt của những người sưu tầm. Thế là lừa dối”. Toàn thân ông run bắn. “Tôi đã cố gắng thuyết phục ông ta, nài nỉ ông ta, mời ông ta tiền; nhưng ông ta không nhượng bộ. Ông ta nói ông biết tất cả mọi chuyện. Và ông ta có địa chỉ của những khách hàng bị lừa gạt của tôi”. “Và thế là ông bắn chết ông ta”, tôi phá tan im lặng. Ông ấp hai tay lên đầu và bắt đầu khóc. “Ông không hiểu tôi sao? Tôi không phải là một kẻ lừa đảo. Khách hàng của tôi là chủ nhân đầy kiêu hãnh của những cây vĩ cầm bậc thầy”.
Trên đường đến đồn cảnh sát, tôi hỏi liệu ông có biết vì sao tiến sĩ Wendl nhận ra bản sao của ông. “Bằng khứu giác”, ông đáp. “Wendl nhận ra những cây vĩ cầm của tôi qua mùi của chúng. Một cây Stradivari thực sự có mùi giống như trà đen, ông ấy nói. Những chiếc vĩ cầm của tôi thì khác, chúng có mùi sáp ong”.
Kết Thúc (END) |
|
|