Đặt chảo lên bếp, cho chút dầu. Khi định đập trứng thì tôi dừng lại. Quả trứng trong tay tôi lạnh lẽo. Có phải chúng ta đang bước vào kỷ băng hà của loài gà?
Không cần đợi đến Halloween, đêm nào cũng đầy những chuyện quái dị. Bầu trời hôn ám hé con ngươi liếc xuống con người nhỏ xíu đứng trên sân thượng.
Như một thị dân yêu chuộng độ cao, tôi hứng thú nhìn xuống những mái nhà lởm chởm như đinh chĩa thẳng vào mặt. Cả thành phố như bãi san hô, hay những đồng cỏ lau bị vôi hóa khô cứng, lạnh lẽo. Xe cộ là con kiến cánh muốn bay không được, ôtô là bọ, con người thì khỏi nói, như bụi.
Tôi có thằng bạn, chính hắn nói vì ở thành phố không phân biệt được thùng rác hay người nên quyết định bỏ về vườn. Tôi không tin lý do này lắm. "Còn một lý do khác - hắn nói - Mọi người ở thành phố luôn cúi đầu. Cả khi đứng trên tầng cao nhất của tòa nhà cao nhất vẫn cúi đầu, chẳng bao giờ cất lên được".
"Nhưng mà có sao đâu", tôi nói.
"Có sao chứ - Hắn cãi - Nếu không ngẩng lên họ sẽ không biết mình bỏ lỡ gì đâu".
"Như là cái gì?".
"Gà bay trên trời".
"Mày điên!".
Hắn luôn nói những điều vô nghĩa như thế. Chẳng lạ gì khi hắn đột ngột chuyển nhà ra rìa thành phố và mở trại gà lấy thương hiệu trứng gà bản địa, bán với giá rẻ bằng nửa những quả trứng gà công nghiệp. Dù trứng gà bản địa chỉ to hơn trứng cút chút chút, nhưng luôn đắt hàng.
Trại gà nằm trên một quả đồi bình thường. Bầy gà thả rong bên trong hàng rào. Hắn có một căn nhà gạch ấm cúng để xem tivi từ bảy giờ đến tám giờ tối.
Tại sao lại vào giờ đó? Tôi thắc mắc. Vì giờ đó trên đài có chương trình quảng cáo. Hắn là con nghiện mua sắm, hắn có mọi thứ, từ máy cắt cỏ đến máy tách hạt dưa, dù tôi thừa biết hắn chúa ghét hạt dưa.
Tuy mắng hắn, nhưng tối đến, tại bancông căn hộ, tôi ngẩng lên nhìn bầu trời. Lần đầu tiên sau nhiều năm, tôi làm việc này một cách có chủ đích.
Đêm quang, sắc xanh tỏa rộng, trăng ngọt khắc dấu móng tay vào đêm. Chẳng có con gà nào, tôi cứ sợ chúng bị cuốn vào mây, nhưng đêm nay thậm chí không có mây bay trên đầu thành phố.
Tôi nhắn tin cho hắn. Từ lúc tao mặc chiếc áo mới chẳng thấy con gà nào bay qua.
Không trả lời.
Tôi trở vào trong, không đóng cửa bancông. Gió lạnh còn tôi thì chán. Con đang coi tivi, nó mới hai tuổi, nó chẳng hiểu những điều lói nhói diễn ra trên màn hình.
"Cô trông trẻ dạo này hay bị giật giật", vợ tôi vỗ vỗ vào đầu tivi, vợ luôn gọi nó là cô trông trẻ.
"Để mai anh đem đi sửa".
"Mua cái mới luôn đi".
"Rồi cái này bỏ đâu?".
"Bán lại, còn không ai mua thì đem ra bãi rác" - vợ nói xong thì bỏ đi.
Tôi chở cái tivi lên đồi, rẽ vào trại gà của hắn. Không có cổng hay bảng hiệu, chỉ có hàng rào lưới đã gỉ sét.
Hắn đang ngồi dưới hiên, cởi trần, mặc quần dài, tay cầm chai bia buông thõng thượt.
Tôi mở cốp xe, khệ nệ vác tivi, để dưới chân hắn.
"Gì đây?".
"Giữ giùm tao".
Hắn đánh mắt, ra hiệu tôi cứ đem vào trong nhà.
Nhưng vào trong tôi chẳng biết đặt ở đâu. Mọi khoảng trống đều bị xâm chiếm bởi những chiếc hộp đóng hàng chưa được mở. Tôi có thể thấy những dấu chuyển phát từ Mỹ, Trung Quốc, Ý, Nga và cả những nước tôi chưa từng nghe đến. Căn nhà chất đầy những chiếc máy gia dụng ngớ ngẩn hắn còn chẳng thèm khởi động.
Chỉ có cái tivi khổng lồ đang ra rả chương trình thời sự quốc tế. Tôi quyết định đặt cái tivi nhỏ bé của mình cạnh chiếc tivi của hắn. Từ giờ, hắn có thể xem hai kênh một lúc, tha hồ mà mua sắm. Tôi nghĩ thế.
Lắp xong đám dây nhợ, tôi tự mở tủ lạnh thưởng cho mình lon bia, tiện tay cầm luôn một lon.
Chẳng có cái ghế nào. Đứng vậy. Tôi thả lon bia vào lòng hắn.
Nắng đã tắt hẳn. Bầy gà lon ton đi trong sân. Một con gà con đi lạc ra bên ngoài hàng rào, gà mái mẹ tròn tròn phi ngay đến, cục ta cục tác lùa con vào.
"Chút lấy hột gà về cho vợ". Nói rồi, hắn rời mái hiên, đi vào chuồng gà, cầm ra ổ rơm đầy trứng. Mấy cái đầu tròn hồng hồng ngước lên nhìn tôi.
"Để tao về ấp thành gà luôn".
"Không nở được đâu - Hắn thờ ơ nói - Khác gì trứng gà công nghiệp".
Thấy tôi ngơ ngác, hắn giải thích thêm: "Tao định nuôi gà thịt. Trứng cũng nở ra một bầy gà bá chấy, chưa cần nửa năm là có thể lên mâm. Nhưng có những quả trứng ấp hoài không thấy nở, đập ra thì đã rữa hết. Tao thử mua một lứa khác, đổi thức ăn, chế độ chăm sóc, nhưng kết quả vẫn vậy. Dần dần, không còn trứng nào có thể nở thành gà. Lứa kia - hắn chỉ tay vào đám gà chíp - Tao mới mua để thử lại lần nữa".
"Mày không gọi thú y hả?".
Hắn chán nản, "không ăn thua, nhưng có lẽ vì vậy mà hột gà tao bán mới ngon".
"Còn những con gà trống? Lúc đầu mày nói nuôi kiểu thuần thiên nhiên mà, vậy phải có trống có mái chứ?".
"Tụi nó bay đi hết rồi".
"Tao năn nỉ, mày có dẹp giùm tao chuyện gà có thể bay".
"Thiệt. Sáng nọ, tao không nghe tiếng gà gáy nên ra coi thử. Bốn năm con đậu trên nóc chuồng. Tụi nó nhìn tao như muốn lao vào mổ. Nhưng cuối cùng tụi nó chẳng làm gì, chỉ đập cánh bay vút lên giống phượng hoàng".
"Lúc đó mày uống mấy chai rồi?".
Hắn bực dọc: "Tao tỉnh táo. Rõ ràng là tụi nó bay đi. Đêm tao nghe tiếng gáy của tụi nó. Mở cửa sổ nhìn ra thì thấy chúng đang bay về thành phố".
Nhìn gương mặt khổ sở của hắn, tôi đâm ra mủi lòng.
Con gà mái trong sân đang tất tả đi tìm bằng hết đám con của mình.
"Có khi nào, gà mẹ biết đám gà con khi lớn sẽ bị giết thịt nên quyết định đẻ ra những quả trứng không bao giờ thành gà?".
Hắn trừng mắt nhìn tôi, lon bia trong tay run run.
"Thằng khùng!".
"Mày kể chuyện những con gà trống tiến hóa đến mức có thể bay thì cũng nên tin chuyện trứng gà ta đã biến đổi để không nở thành gà chứ".
"Nếu vậy thì sẽ có công nghệ tiên tiến buộc trứng phải nở".
"Mày sẽ tìm thứ công nghệ đó trong mấy chương trình bán hàng trên tivi hả?".
Hắn nốc hết chỗ bia. "Đừng giễu tao, mày cũng vậy mà. Chẳng phải mày tống cái tivi cũ lên đây để mua cái khác lớn hơn, xịn hơn. Con người ai mà chẳng có nhu cầu sống tiện nghi".
"Tao tưởng mày bỏ lên đây để trốn cái rỗng tuếch của xã hội tiêu dùng. Mày không nói nhưng thái độ của mình lúc nào cũng khinh những người như tao, những đứa không biết sống để kiếm tiền hay kiếm tiền để sống. Nhưng mày cũng đâu khá hơn. Bỏ phố về vườn sống đời nhàn hạ chỉ là cái mốt thời thượng mới. Chẳng phải muốn có cái vườn thì mày cũng phải cắm mặt mà làm tích cóp bao nhiêu năm. Không dám ăn dám mặc, không dám yêu đương, để sống một cuộc đời đủ dị biệt mà coi thường những đứa như tao hay sao. Tao nghĩ mày nghiện mua đồ chỉ vì bù đắp cho cái quá khứ thắt lưng buộc bụng…".
Tôi chưa nói dứt câu thì nghe tiếng lon bia vò nát trong tay hắn.
"Thôi tao đi về", tôi nói, bước ra xe.
Trại gà nhỏ dần trong kính chiếu hậu. Hắn vẫn ngồi dưới hiên, tư lự, đám gà chỉ còn là những đốm hoa nhỏ rí rồi chìm dần vào ánh mặt trời đỏ tấy.
Xe đi nhanh xuống đồi, khi vào đến thành phố thì trời đã tối. Một thứ bóng tối nặng nề trùm xuống những người xe lổn nhổn trên đường.
Ngã tư. Đèn đỏ nhấp nháy. Tôi nhìn ổ trứng đặt trên ghế bên cạnh, những quả trứng sẽ không bao giờ nở. Chúng như hòn sỏi mới nhặt lên từ suối, bị nước mài nhẵn bóng.
Giống gà gì lại đẻ ra trứng bé đến thế. Tôi đưa quả trứng lên nhìn.
Radio trên xe rè rè phát bản tin, người ta vừa đào được hài cốt khủng long ở đâu đó và dựng mô hình, cam đoan rằng tái hiện chính xác hình dáng con vật khi nó còn sống. Tôi tự hỏi thủy tổ của giống gà ngày nay chúng ta hay ăn là con gì và đã bao giờ người ta làm phim tài liệu hay công trình nghiên cứu nghiêm túc về những con gà vườn hay chưa…
Thình lình, chiếc xe bị húc từ phía sau, đầu tôi đập vào vôlăng, ổ trứng thì rơi xuống sàn xe.
Tôi ê ẩm bước ra, còn chưa kịp nhìn chiếc xe tông mình hiệu gì thì gã tài xế đã lui xe, rồi rồ ga lủi đi mất. Không sao. Chiếc xe có hư hao đôi chỗ nhưng bảo hiểm sẽ lo liệu. Kể cả nếu tôi có bị thương tổn gì thì bảo hiểm cũng chăm nốt. Vợ tôi cũng được bảo hiểm. Con tôi cũng thế. Gói dịch vụ lãnh một lần vào năm hai mươi hai tuổi sẽ bảo hiểm tương lai cho nó. Chỉ có đám trứng là không được bảo hiểm.
Tôi nhìn vết thương rớm máu trong gương, máu đã bầm đặc. Lại phải lên nhà, lôi giẻ xuống để chùi sàn xe. Váng vất, lúc khom người, tôi suýt nữa chúi đầu.
Đám vỏ nát tan bám vào đống trứng lầy nhầy, bết cả vào ổ rơm. Nhưng một quả trứng bé tí hin kẹt lại nguyên vẹn. Soi nó dưới đèn, bên trong chất lỏng sóng sánh. Tôi cho quả trứng vào túi quần, bấm thang máy lên nhà.
Lúc ăn cơm vợ không chú ý đến vết thương. Vợ sẽ làm ầm lên khi thấy vết xước đuôi xe. Còn giờ, vợ đang vừa ăn vừa xem tivi. Cái tivi mới mỏng và lớn hơn cái cũ. "Trả góp", vợ nói như đáp lại ánh nhìn của tôi.
Đầu tôi ê ẩm cả đêm. Không ngủ được, tôi lại ra ngoài, nhớ đến quả trứng vẫn nằm trong túi quần, và cái quần đang nằm trong máy giặt. May thay, hôm nay không phải ngày giặt đồ. Tôi áp quả trứng cuối cùng vào tai. Chẳng có âm thanh báo hiệu sự sống nào.
Đặt chảo lên bếp, cho chút dầu. Khi định đập trứng thì tôi dừng lại. Quả trứng trong tay tôi lạnh lẽo. Có phải chúng ta đang bước vào kỷ băng hà của loài gà?
Kiếm một cái hộp, tôi lót khăn, nhẹ nhàng đặt quả trứng xuống. Tôi để cái hộp trên bàn làm việc, kéo chiếc đèn bàn áp sát quả trứng. Hình như trong lớp vỏ mỏng manh đó đang che chở cả một thế giới. Ở thế giới đó có một chú gà con chưa mở mắt đang mơ giấc mộng có thể bay lượn trên bầu trời.
Chuyện còn lại là của mày! Tôi thì thầm với quả trứng rồi ngước nhìn bầu trời đen đặc kia, xem có bầy gà nào đang bay ngang thành phố trên đường di tản. Tôi tự hỏi đến bao giờ, loài người bản địa chúng ta, trên quê hương trái đất này có thể tiến hóa đủ để sống một đời tự do, được chọn lựa như những chú gà trống chọn bay thay vì chết và những cô gà mái quyết không đẻ trứng để khỏi phải chứng kiến bầy con lần lượt bị thịt?
Nhưng có lẽ giờ chưa phải lúc. ■
Kết Thúc (END) |
|
|