Nhận lời mời của một kênh truyền hình, nhóm thương binh Nam, Minh và Thái trở lại đất nước Campuchia. Cơ duyên đến bởi các câu chuyện trên diễn đàn ký ức chiến tranh của họ chuyển thể thành phim tài liệu.
Nhận lời mời của một kênh truyền hình, nhóm thương binh Nam, Minh và Thái trở lại đất nước Campuchia. Cơ duyên đến bởi các câu chuyện trên diễn đàn ký ức chiến tranh của họ chuyển thể thành phim tài liệu. Đoàn phim khởi đi Anlong Veng. Thái làm du lịch quá quen vùng đất này, nhận làm hướng dẫn viên. Nam bồi hồi gõ vào cái chân giả hát khẽ: "Anh vẫn hành quân, trên đường ra chiến dịch…".
Đường đến Anlong Veng xưa là con lộ máu dẫn vào chiến khu Khmer Đỏ. Nơi đây được mệnh danh là xứ mìn. Mìn cài dày trong rừng ven lộ như vừng đen rắc trên tấm bánh đa. Bây giờ đường êm ru chạy. Tháng mười một xao xuyến từng cơn gió chướng. Gió lấp lánh trên cánh đồng rập rờn hương lúa. Nam hạ cửa kính xe, nhận xét: "Lúa mùa vùng này chín muộn thật". Thái làu bàu: "Ở Anlong Veng cái gì chẳng muộn. Mãi chục năm sau khi mình rút quân nó mới về với chính phủ hoàng gia".
Dãy núi Dang rek như chiếc đòn gánh màu lục xuất hiện, chắn ngang chân trời phía Bắc. Vùng đất cũ kích hoạt sự hưng phấn, gọi thức những kỷ niệm ngủ sâu. Qua thị trấn, xe dừng cạnh một kiến trúc dị thường. Trên khối sa thạch lừng lững giữa hai làn đường, ai đó đã tạc hình ba người lính chân cụt đến háng, không có đầu với vết chém nham nhở trên cổ. Hiện thân những cái chết chẳng toàn thây vì mìn trần trụi trong nét tạc thô như tượng nhà mồ. Đạo diễn vẫy tay. Các máy quay bắt đầu hoạt động. Tuyết Mai, cô phóng viên xinh đẹp, thành viên nữ duy nhất trong đoàn, bật micro.
Nam tái mặt ngồi phệt trong bóng râm khối đá, im lặng hút thuốc. Ngày đơn vị chốt ở đây chưa có khối đá cùng nhóm quái tượng này. Có thể nó đã lăn từ sườn núi trên kia xuống sau một trận mưa lớn. Nam nhớ lại trận phục kích kinh hồn. Hôm ấy, chiều cũng mưa như trút. Đang định rút quân thì thằng Phụng Huế ném hòn sỏi báo hiệu. Từ mé rừng biên giới Thái Lan, một toán lính Pol Pot hành quân qua sát mặt trung đội phục. Mười lăm thằng địch trang phục gabadin mới cứng nghênh ngang vác AK, B40. Ba đứa Pốt nữ áo bà ba đen theo sau. Hẳn chúng đã chủ quan nghĩ rằng hành quân trong trời mưa sẽ an toàn. Thằng lính trẻ nhất vồ được mấy con cá rô mề rạch trong lạch nước, lấy cọng cỏ xâu lại đưa cho con bé đeo túi thuốc cứu thương. Chúng vừa đi vừa giỡn nhau trong mưa.
Sau phát B40 khai hỏa của Phụng, trung đội nổ súng dồn dập hắt địch về phía bãi mìn bên kia đường mòn. Từng bựng khói đen bung lên tơi tả. Có tiếng la gọi thất thanh. Con bé y tá bò trở lại, xốc thằng lính trẻ lên lưng trườn vào mé rừng. Một chân nó bị mìn chém đứt, máu xối thành vệt đỏ loang trên mặt trảng. Nam ra hiệu trung đội ngừng bắn. Phụng gào lên gọi hai đứa bằng tiếng Khmer: "Quay lại đi. Vào rừng chết đấy". Không kịp rồi. Một tiếng nổ trầm hắt hai thân thể rách bươm về hai phía. Lúc lên thu súng, Nam thấy xâu cá rô vẫn sống, giãy đành đạch trong vũng nước mưa ngầu đỏ máu tươi.
Nhóm làm phim chia nhau tác nghiệp. Máy quay bám theo Minh đi thắp nhang khắp lượt cho những chiếc miếu sắp hàng ven đường, lại zoom cận cảnh mấy con kiến đang lăng xăng kiếm mồi trên khúc chân giả của Nam. Loại kiến xoài đít cong, vừa cắn vừa đái vào vết đốt rất xót. Thái chờ lâu sốt ruột càu nhàu: "Bọn ma cụt này do tụi Pol Pot tạc để tưởng nhớ đồng bọn của chúng. Thắp hương cho lũ ma quỷ làm gì?". Nam trầm ngâm: "Người lính bất kể bên nào cũng có đồng đội. Họ không được chọn bên mà là lịch sử…". Thái nghiêm giọng chỉnh: "Chỉ quân ta mới kêu bằng đồng đội. Quân địch phải gọi là đồng bọn, là lũ diệt chủng nghe bồ". Nam im lặng, vẻ không muốn tranh luận. Minh vặc lại Thái: "Hồi nãy dưới Anlong Veng mày uống nước dừa quán thằng Pốt cụt, hỏi đường nó chỉ tận tình sao không kêu nó là diệt chủng?".
Thái nín thinh. Đạo diễn hô: "Cắt!".
- o O o -
Đỉnh đèo Dang rek. Ba người lính đi theo triền nắng thoải. Nam giở bản đồ đối chiếu với địa mạo, dần nhận ra vị trí cũ. Nơi chốt xưa của tiểu đoàn giờ là một cánh rừng thưa bao quanh khu resort và ngôi chùa nhỏ mới xây. Trên những hòn đá phẳng rộng như mặt sập, khách du lịch trải đồ ngồi nghỉ ngơi ăn uống. Họ vui vẻ vẫy chào đoàn phim cùng các "nhân vật" như những bạn bè thân thiện quen biết đã lâu.
Nam bùi ngùi trước khung cảnh cũ. Trước kia rừng rậm lắm. Bọn Nam ở đây còn lính Pol Pot ở dưới chân núi kia, phía biên giới Thái. Mỗi năm chúng đốt rừng vài lần vào cuối mùa kiệt hòng thui sống tiểu đoàn lính Việt. Chỉ có cỏ tranh cháy, nhưng rừng vẫn xanh. Máy quay lia theo Nam. Dấu tích chiến địa chỉ còn lại những chiếc hầm sụt do bị cát bồi, phải tinh mắt mới thấy. Minh bới cát moi ra một nắm cát tút đạn đại liên gỉ ngoèn. Nam cầm mớ cát tút ném từng cái về phía dải rừng xa mờ chân núi như ném từng mẩu ký ức rời rạc. Ký ức không chịu gỉ đi như nắm vỏ đạn đồng. Ngày ấy từ dưới núi lên đây phải leo bộ qua ba con dốc. Hết dốc thứ nhất mồm miệng tranh nhau thở, anh em đặt tên là dốc "Há mồm". Kế đến dốc "Le lưỡi". Lính tráng mệt đến đứt hơi, lưỡi le ra như lưỡi con chó Mun đang quẩn bám theo trung đội. Dốc thứ ba nơi Nam đang đứng đây có tên dốc "Chửi thề". Lên tới đỉnh, từ quan tới lính nhất loạt thả ba lô văng ra một câu chửi. Xả xong thấy người nhẹ nhàng thơ thới hẳn. Trời ơi sướng như Tôn Ngộ Không trên đỉnh trời tiên giới đái sang đất địch. Trên đỉnh "Chửi thề" những ngày mưa dầm trời nặng, thấy mây trắng bay ngay dưới chân mình. Chẳng biết mây Tần hay mây Thái, nhưng cữ đó thường khoảng cuối thu đầu đông bên nước Việt mình. Những hôm vậy buồn lắm. Thằng Phụng Huế ngồi cửa hầm hay ngâm bài thơ nhớ quê: Mây núi hiu hiu chiều lặng lặng. Mưa nguồn gió biển nắng xa khơi. Giọng Phụng như vẫn đang nghe thấy trong tiếng gió thổi chiều nay. Nhưng Phụng chết rồi, nó lỡ đá mìn cũng vào một ngày mây trắng.
Có tiếng gọi to từ phía ngôi chùa. Một tay bảo vệ khệnh khạng bước tới trong dáng đi cứng nhắc. Thì ra gã cũng mất một giò như Nam. Minh lầm bầm: "Lại một con ma Pốt cụt". Thái bảo: "Ở Anlong Veng cứ một trăm người lại có năm người cụt". Nam không biết cái tỉ lệ đó có đúng không, nhưng cảm giác đụng địch căng thẳng ngày xưa lại dội lên. Lạnh lùng đứng chắn giữa ống kính đang quay, gã bảo vệ ra lệnh: "Dừng lại!". Thêm vài người bán rong đồ lưu niệm tò mò xúm quanh xôn xao: "Duol…! Duol…!". Nghe từ lóng xưa địch vẫn hò hét gọi mình khi đụng trận, Nam nổi khùng suýt văng một câu khiếm nhã. Thái rành tiếng Khmer chen vội vào giữa, lấy giấy phép quay phim được cấp ở Phnom Penh ra trình. Gã bảo vệ săm soi tờ giấy, không chịu, bảo các anh muốn quay phải có thêm sự đồng ý của xã trưởng. Trời ơi! Trong cái xó rừng biên này biết tìm ngài xã trưởng nhà các anh ở đâu. Chết tiệt. Thái mau mắn kẹp tờ 5 đô la vào ngón tay xin lại giấy phép. Tờ đô la biến mất nhanh như bị phù phép. Gã bảo vệ tươi cười phẩy tay, lộc cộc cái chân cụt đi về phía chùa.
Các máy quay bám theo tấm lưng gù của gã đến khi khuất hẳn. Nam nguôi tức thở dài: "Quay lại là bờ. Ma quỷ đã về nương cửa Phật". Thái mất tờ 5 đô la cay cú: "Đ…m cái bọn diệt chủng mà mày còn bênh. Có khi nó là thằng đốt rừng năm xưa cũng nên. U mê vô đạo phá đền phá chùa. Giờ lại chui vào đấy mà xin ăn mày phước lộc. Mẹ kiếp!".
Tuyết Mai bật cười. Đạo diễn nhăn nhó hô: "Cắt!".
- o O o -
Công việc hoàn thành mỹ mãn. Tiếng gà rừng gáy te te vang dội níu mặt trời xuống núi. Trời sập tối nhanh. Đường về Siem Reap còn hơn trăm cây số. Đạo diễn trẻ đề nghị nghỉ đêm luôn tại thị trấn xứ mìn, hy vọng góp nhặt được thêm vài tư liệu hay. Nam nhìn đường rừng hút mắt lo lắng: "Chú đúng là chó con không biết mùi hổ". Thái bảo: "Đoàn nào cũng nghỉ Siem Reap nhàm chết mẹ. Mai đằng nào chẳng về đó". Minh trấn an Nam:"Tụi trẻ nó không có ký ức máu ở đây. Với tụi nó thì Anlong Veng cũng vui như Phú Quốc thôi".
Sau một hồi kiếm tìm, Thái dẫn đoàn phim vào một khu homestay rìa thị trấn. Thật bất ngờ, chủ nhà ra đón khách lại chính là gã cụt bảo vệ chùa trên núi. Nom gã bây giờ thật vui vẻ và thân thiện. Chẳng việc gì phải gầm ghè tuyên chiến khi nhu cầu nghỉ ngơi và tiền bạc hài hòa gặp gỡ nhau.
Bữa tối nhanh chóng được tổ chức ngoài sân cho đoàn khách đói bụng. Bàn ghế xếp quanh đống lửa hồng rực. Món gà nướng mật ong đặc sản vùng Anlong Veng tỏa hương thơm phức. Mọi người cụng ly. Thái gặm miếng đùi gà ngập răng, ước ao: "Cảnh phim nào cũng thế này thì tốt". Tuyết Mai thích thú: "Ở đây gà rừng nhiều thật. Hồi chiều em nghe nó gáy điếc tai luôn". Minh giảng giải: "Miền rừng thưa, rừng thứ sinh nhiều ụ mối, lại gần ruộng rẫy là địa bàn cư trú lý tưởng của gà rừng". Nam dốc hết ly rượu, trầm ngâm: "Tôi thiệt cái chân cũng vì một con ma gà vùng này đấy". Đạo diễn cảm thấy bắt được tứ câu chuyện, buông chén gọi vội máy quay sẵn sàng.
- Hôm đó mây giăng mờ núi. Tôi và thằng Phụng chung ca cảnh giới chiều. Gần hết ca bỗng nghe phía trước chiến hào tiếng gà gáy vang dội. Tiếng gáy uy dũng càng lúc càng gần như khiêu khích. Có thể nó là giống gà nhà, do chiến tranh không ai nuôi nên trở thành bán hoang dã. Bọn trống choai trong đàn gà đơn vị tôi nuôi cải thiện mọi khi gáy hăng lắm giờ im thin thít. Không chỉ gà tức nhau tiếng gáy mà con người cũng vậy. Phụng cay cú bảo: "Nghe con này gáy dụ thì gà mái trung đội mình chạy ra rừng theo nó hết. Lên rình khử chết mẹ nó làm nồi cháo bây ơi!".
Bọn tôi vượt qua bãi mìn phòng thủ, nhẹ nhàng tiến dọc triền núi theo tiếng gáy. Lát sau trong bụi le khô thấp thoáng bóng con gà trống. Con gà thật đẹp. Thân hoa chuối mào cờ tai trắng, lông trổ mã bóng láng một màu đỏ rực. Nó lúc ẩn lúc hiện nên chưa có cơ hội ngắm bắn. Đến quãng rừng thưa bọn tôi mất dấu nó. Không gian tịch mịch trong bầu sương núi. Tiếng gà lúc nãy rộ lên như trêu ngươi nay bỗng im bặt. Chợt thấy cây đu đủ bốn ngọn cạnh một nóc lán hoang, tôi giật mình. Con gà đã dụ bọn tôi đi lạc khá xa, đến gần khu cứ cũ của địch. Một khu vực dày đặc bẫy mìn.
Nam ngừng nói, nhớn nhác nhìn lên phía núi như thể mìn đã được cài dày đặc quanh bóng tối. Tuyết Mai dịch ghế vào gần đống lửa, nhìn theo Nam. Trên núi Dang rek, dãy đèn khu sòng bạc cửa khẩu sáng lấp lánh như một chòm sao thấp. Đêm mùa khô lạnh sâu. Gió chướng trên cao cũng đang xạc xào câu chuyện phương xa của mình với những tàu dừa.
- Chúng tôi quay về, đặt từng bước lên dấu cỏ dập, nơi vết chân mình bước vào lúc trước. Con chim gõ kiến gõ tốc tốc cành dầu khô kế bên khiến bọn tôi giật mình. Chim gõ kiến thường chỉ ra kiếm ăn những ngày khô nắng. Chiều nay mù sương, nó đến đây gõ mõ tụng kinh ắt chẳng phải điềm lành. Gần về tới chốt, mây mù dày ướt xóa nhòe hết dấu chân qua. Phụng tức tối vùng lên bước nhanh, vừa đi vừa chửi: "Mồ tổ con gà ma định hại chúng ông".
Một ánh chớp lóe. Choáng ngợp tê dại toàn thân. Khói khét lẹt xộc vào mũi khiến tôi lơ mơ tỉnh lại. Dính mìn KP2 rồi! Trước mặt tôi dăm sáu mét, thân thể Phụng rách toang lõa máu. Chân phải tôi cũng bầm dập nát bươm. Mảnh mìn găm ngang ngực làm móp méo các băng đạn trong bao xe. Những băng đạn như tấm hộ tâm đã cứu sống tôi. Gom hết sức tàn, tôi xé áo buộc ga rô chân, hướng khẩu AK về chốt bắn gọi cấp cứu theo nhịp ba phát một.
Thanh củi gộc bỗng nổ bụp trong đống lửa tung lên đám tàn hoa đỏ khiến mọi người giật mình. Không khí bữa ăn lắng lại. Tuyết Mai ỉu xìu, lo lắng hỏi: "Thương anh Phụng quá. Vẫn được công nhận liệt sĩ phải không anh?". Nam bảo: "Sao không? Anh em tôi thương vong vì mìn, vì sốt rét hay hổ vồ rắn cắn đều là thương binh liệt sĩ cả". Minh nháy mắt: "Người đẹp nghĩ các anh ào ạt xung phong dưới chớp đạn cầu vồng, rồi trúng đạn ôm ngực, rồi gọi tên người yêu lần cuối cùng như trong phim à?". Mọi người lại cười ồ.
Lộp cộp bước chân gã cụt đến khuyến mại đoàn khách sộp chai rượu Hữu Nghị. Nam trỏ chiếc chân gỗ của gã: "Mìn 652a?". Gã ngạc nhiên nhìn Nam: "Phải rồi". Nam vén ống quần lấy thìa gõ côm cốp vào cái chân giả của mình: "KP2, KP2 đây". Minh cười lớn đỡ chai rượu rót ra các ly: "KP2 cụng với 652a. Chúc mừng cuộc hội ngộ của các chú lính chì". Thái từ chối nâng ly, cáu kỉnh nói với Minh: "Tao không có cụng ly với địch". Minh cười, giải thích với gã: "Anh này nói bác sĩ không cho phép uống nhiều".
Bữa tối chẳng vì thế mà mất vui. Gã chủ quán bộc bạch: "Tôi lên chùa vừa công quả trông nom, vừa tiếp thị dẫn khách du lịch về homestay nhà mình". Sau vài ly tới độ, gã kêu vợ ra chào đoàn. Bà chủ nhà mũm mĩm và duyên dáng như con chim đa đa mái, chắp tay cụng ly với Tuyết Mai xinh đẹp. Minh lên hứng, hát bài dân ca Chùa tháp: "Oh svai chănti, nịa ry on ơi…" Gã chủ nhà vỗ bàn theo nhịp trống sco, hòa theo bằng giọng nam trung rất ấm. Đêm vùng biên đã về khuya lắm. Giờ này trên sóng radio, người ta hay phát nốt La chuẩn cho nhạc công độc lập ở các vùng xa vắng trên Trái đất lên dây.
- o O o -
Tiếng gà gáy ran buổi sớm. Nam không ngủ được ra hiên ngồi hút thuốc. Đàn sáo nâu mỏ vàng dạn người nhảy choanh choách quanh sân. Nom chúng hệt như đám thương binh thi nhảy lò cò ở quân y viện. Nam phì cười xùy đuổi lũ sáo bay vù, gọi đoàn dậy ăn sáng chuẩn bị lên đường. Thanh toán xong xuôi, gã chủ nhà đến bên Thái rút tờ 5 đô la ấn vào tay: "Trả anh đồng tiền khước hôm qua trên núi. Bạn bè chẳng nên thu hồ của nhau làm gì". Thái khoái trá trỏ sang Nam: "Trả anh kia kìa. Chính anh ấy mới cần được đền trả". Nam bằng lòng với món lộc sớm mai, cất tờ bạc luân lưu vào túi. Mọi người vui vẻ chia tay.
Về Siem Reap trời còn sớm. Thái dẫn đoàn đi thăm đền Tà Prohm. Đoàn phim im lặng chiêm ngưỡng những bộ rễ cây khủng khiếp đang lặng lẽ xuyên đục, siết chặt từng nếp tường mái đá. Đền đài vương triều nghìn năm bất lực, rữa dần theo từng vết rễ bám nghiến ngấu. Nam cảm thấy ngạt thở như bị chính các chùm rễ kia siết họng. Ôi những loài cây huyền bí tượng trưng cho thời gian. Thực vật chốn thần linh dường như đang nói với loài người, dù chúng đời đời câm lặng. Cuộc chiến đã qua cũng chỉ là một tích tắc trong vô lượng thời gian đang hiển hiện nơi đây.
Có tiếng trống vỗ, tiếng đàn thuyền lanh lảnh vọng lại từ một gốc cây tung cổ thụ. Đạo diễn hô máy quay làm việc. Du khách quốc tế đang xúm quanh một ban nhạc đặc biệt: các nhạc công trung tuổi đều bị cụt chân quá gối. Hẳn họ là thương binh hoặc những nạn nhân của mìn. Họ đang say sưa chơi ca khúc Besame mucho trước đám du khách châu Âu.
Nam rầu rĩ thở dài. Lại gặp các chú lính chì cụt chân định mệnh. Chẳng phải nhóm quái tượng ở Anlong Veng, đây là những bức tượng sống. Biết đâu đó là tụi Khmer Đỏ năm xưa từng ngắm bắn mình? Vẫn những con người ấy trên vùng đất ấy, sao ngày trước chém giết khát máu, bây giờ hiền lành nhẫn nại nhường kia? Mình sẽ viết một câu chuyện về các chú lính chì này. Viết là dễ, như trò chơi lego tranh ghép. Chỉ việc dựng lên khuôn một anh lính buồn cô đơn ngắm núi, rồi ghép các miếng máu sống tươi ròng đời mình vào đấy sao cho vừa khít. Và quanh đó có thể vẽ thêm những con cá rô mề đang rạch ngược, hay con gà lông đỏ vẫn gáy trong những buổi chiều tà.
Lòng thấy bình tâm lạ, Nam thong thả bước đến thả tờ 5 đô la luân lưu vào chiếc âu chạm bạc. Nhóm nhạc công chuyên nghiệp nhìn lướt đoàn khách mới trong bộ đồ lính cũ, đoán chừng quốc tịch để chọn bài cho hợp. Tiếng nhạc nổi lên nghe diết da nhức nhối: Chiều mưa biên giới anh đi về đâu. Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu... Ca khúc cuộc chiến ngày xưa thằng Phụng vẫn thường hay hát. Sống mũi Nam bỗng thấy cay cay.
Kết Thúc (END) |
|
|