Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Bảy Bà Già Đi Chùa Tác Giả: Phạm Thị Ngọc Liên    
     Một Thật ra chỉ có sáu bà được gọi là già, vì đã trên dưới… “sáu bó”, còn bà kia chỉ ngoài bốn mươi nhưng vì lỡ đi chung nên đành chịu thiệt, khi có ai đó gọi chung nhóm thành một cái tên.
    Được cái bà bốn mươi không hề phàn nàn, đi theo các chị một cách ngoan ngoãn và vui vẻ, a dua theo các trò vui. Trò vui là gì? Là đi nghiêng ngó các loại cây trái, thở hổn hển khi leo dốc trong lúc nắng nôi, nằm lăn lóc trên thuyền mà… ngắm cảnh. Và chụp hình. Rất nhăng nhố là khi chụp hình. Bảy bà đi đứng rất lộn xộn, thích gì chụp nấy, người này chụp người kia, có bà chuyên rình chụp các thế “khó đỡ” của các bà khác. Cho nên cuối chuyến đi, hình đẹp có tạo dáng hẳn hoi thì ít, mà hình lung tung các kiểu dễ làm người khác ngộ nhận thì vô thiên lủng. Chuyện. Bảy bà bảy cái điện thoại thông minh, camera để chụp ảnh khá nhiều “chấm”, không biết chụp cứ giơ lên bấm cũng dư sức đẹp. Chưa tính một bà trong bọn có mang theo máy ảnh bán chuyên nghiệp, cũng zoom cũng lấy nét như ai. Cho nên, một ông hướng dẫn lúc đi hớn hở, tưởng vừa dắt đoàn đi vừa kiêm phó nhòm thì sau vài nhát chụp, đâm ra thất nghiệp, bèn buồn buồn đi chụp ảnh hồ, mây và cây cho đỡ tủi.
    Chùa, nơi các bà đến, xa thành phố hơn hai trăm cây số, nằm trên độ cao hơn tám trăm mét, giữa hàng ngàn gốc mai và vô số các loại cây khác, kể cả cây kơnia. Các bà mắt tròn mắt dẹt, thi nhau gọi tên cây mình biết. Tới đây thì phải đặt tên theo cá tính của mỗi người cho dễ nhớ. Bà bốn mươi gọi là Em Út, dễ rồi. Còn lại là bà Chị Cả, tính theo số tuổi. Bà khư khư máy ảnh trên cổ, tính hay mơ mộng, gọi là Mộng Mơ. Rồi đến bà Tần Tảo vì hay lo lắng cho mọi người, bà Cây Học do hỏi đến cây gì bà cũng biết, bà Sắc Sảo vì nói câu nào ra câu nấy và bà Tuyệt Vọng do có một “sự tích” về nhan sắc. Trong công cuộc gọi tên cây của nhóm, bà Cây Học và bà Sắc Sảo luôn phải “chỉnh đốn kiến thức” cho bà Tần Tảo và bà Mộng Mơ do trình độ thẩm cây ù ù cạc cạc, nhầm cây bàng ra cây lộc vừng, phong lan ra địa lan nên hành trình khám phá cây luôn vang lên tiếng mắng mỏ, dạy bảo và tiếng cười ha hả, rinh rích…, nói chung rất buồn cười. Nghe các bà trò chuyện, ai dám bảo đó là các bà già? Của đáng tội, thật ra các bà chưa già lắm, đúng hơn là chưa chịu già. Có lần MC trên ti vi đọc tin tức gì có câu “cụ bà sáu mươi tuổi” làm các bà vừa giận vừa buồn cười. Cụ á? Cứ đi theo các cụ đây một chuyến leo núi xem ai bở hơi tai trước nhé.
    Rõ thứ… ngồi bàn giấy múa
    bút. Nhỉ?
    Lại nói về chùa. Bảy bà, khi đến chùa, đột nhiên hết xôn xao, cứ ngẩn ra nhìn cảnh vật và không gian thanh tịnh. Người trước người sau, các bà lần lượt vào thắp nhang cúng Phật. Có lẽ giây phút này các bà mới để lộ nỗi lo âu, trăn trở riêng tư của mình qua những tiếng thì thầm khấn nguyện chỉ có đức Phật mới thấu. Gió thoang thoảng mùi hương trầm rất nhẹ. Chùa không có vách chung quanh nên hương trầm thơ thẩn bay đi khắp chốn. Bà Mộng Mơ lạy Phật xong, ra đứng trầm ngâm ngắm bông súng tím trong chiếc hồ bé tí ở một gốc cây to. Bà vốn là người hay cười nhưng phút này đột nhiên buồn thỉu. Có lẽ bà đang có nỗi niềm gì khó kể lể cùng ai. Bà cứ đứng ngắm bông súng tím duy nhất trong hồ, có vẻ muốn gửi gắm tâm tư mình cho nó rồi chợt nhận ra hoa chả hướng về bà mà đang làm duyên làm dáng trong rời rợi nắng chiều. Bà Cây Học ra hồ đúng lúc ấy, đứng phía sau, hỏi: “Đang xem gì thế?”. Bà Mộng Mơ thở phào: “À, xem hoa”. Câu trả lời giống như hương trầm, cũng bay đi, mơ hồ tan trong không gian thanh tịnh. Hai bà đi theo bước chân rất mềm của sư thầy qua phía nhà khách, nơi một sư thầy khác nhẹ nhàng đặt đĩa trái cây lên bàn và tiếng lách cách pha trà của ông hướng dẫn hòa lẫn với tiếng loạt soạt, rì rầm, lách tách trong khóm lá xa xa rồi thoắt đến gần. Hình như mưa? Bà Chị Cả kêu lên. Sáu bà khác lóng tai nghe ngóng. Ừ. Đúng mưa rồi.
    Màn mưa dày khiến dãy núi và lòng hồ phía xa trở nên mờ nhạt, thoắt ẩn, thoắt hiện. Mưa đem đến hơi gió lành lạnh, đầy mùi lá, mùi cỏ. Bà Chị Cả trò chuyện nhỏ nhẹ với sư thầy, bà Em Út loay hoay đi tìm chỗ sạc điện thoại, trong lúc năm bà còn lại mơ màng vừa ngắm cảnh sương mưa đẹp như tranh thủy mặc, vừa nghe sư thầy kể sự tích chùa trong tiếng mất tiếng còn… “Vâng… chùa có đã hai hai năm…”…
    Không gian tĩnh mịch, chỉ còn tiếng mưa rớt nhẹ trên mái chùa. Tí tách, tí tách... Các sư thầy sau buổi tụng kinh lúc chiều đã về thiền phòng sau khi nhắn nhủ, mời các vị khách đường xa xuống bếp để dùng cơm chay. Ba mâm cơm đã bày ra sẵn sàng: “Ôi nhiều thế? Ăn không hết đâu”. Một bà kêu lên. Bà khác bảo: “Để riêng một mâm ra, bọn mình giỏi lắm chỉ hết hai mâm”. Câu nhận định quả là khiêm tốn. Hai mâm hết trong một loáng và mâm thứ ba được kéo sang, chưa kể một bà còn bước hẳn vào trong khu bếp nấu để tìm chao. Ăn xong, bà Tần Tảo, như mọi lần, giành phần rửa chén bát. Bà Sắc Sảo thương quá, theo ra rửa phụ. Năm bà khác dọn sạch sẽ bàn ăn rồi nhởn nhơ kéo nhau ra uống trà tiếp. Bà Mộng Mơ có vẻ áy náy cứ lần sần không đi, bà Cây Học kéo tay, bảo: Số phận đã định thế rồi, tại hai bà kia luôn tranh phần tần tảo, không cho người khác được tảo tần như mình thôi.
    Đêm. Uống trà mãi cũng chán và có lẽ phần xương cốt suốt ngày chưa chịu già thì giờ đã thập thò lên tiếng. Các bà kéo nhau về khu nhà nghỉ dành cho khách vãng lai. Bà Cây Học kêu đau vai gáy quá, nhờ bà Mộng Mơ dán cao cho mình. Bà Em Út hóa ra chân cẳng tệ hại, rên rỉ kêu đau chân không đứng lên ngồi xuống nhiều được vì vừa ngã xe sứt đầu gối hôm trước ở Sài Gòn. Cho nên bà ưu tiên được nằm trên đi văng và hai bà kia hạ thổ. Khốn nỗi đi văng bị hở mộng, trở mình là kêu cót két ầm ĩ nên sau khi trở mình vài chặp, bà Em Út chọn cách nằm không nhúc nhích cho đến lúc hai bà dưới đất lục tục dậy đi đón bình minh mới hớn hở bật dậy, đi theo. Bốn bà còn lại ở phòng bên cạnh vẫn còn chưa mở cửa.
    Bình minh nhìn từ gác chuông đẹp muốn khóc. Trên chuông khắc mấy câu kệ, phải gí sát mắt mới đọc được. “Nghe chuông phiền não tan mây khói/Ý lặng, thân an, miệng mỉm cười/Hơi
    thở nương chuông về chánh niệm/Vườn tâm, hoa tuệ nở xinh tươi...”. Bà Mộng Mơ lách cách màn trập suốt, vừa bấm mặt trời nhô lên khỏi đỉnh núi, vừa kêu ôi, ôi. Bà Cây Học điềm tĩnh hơn, chọn một góc ngồi nhìn được cả ba phía, chụp ảnh xong, dõng dạc: “Xem tôi chụp đây này. Chụp ảnh phải thế này chứ”. Bà Em Út kêu lên: “Chụp cho em với. Chụp cho em với”. Bốn bà còn lại đã ra đến nơi, tíu tít trong tiếng nhiếc móc của bà Cây Học: “Ra giờ này mặt trời lên cao rồi còn đâu mà ngắm?”. “Kệ. Nắng đẹp kiểu nắng chứ”. Ừ thì…
    Bà Tần Tảo có vẻ tâm tư trĩu nặng, không được vui như mọi lần. Hóa ra do tần tảo mua đủ thứ cho chuyến đi, bà quên tiệt túi hành trang của mình ở nhà. Mà cái túi ấy, theo bà Cây Học nói thì “chứa cả thế giới”. Bà không có áo váy đẹp đã chuẩn bị để thay, phải mặc áo của bà khác đưa, buồn bực là phải, cho nên bà cũng có lúc nhấm nhẳng, gọi chụp ảnh thì trả lời: “Chụp chẳng để làm gì”, khiến bà kia đang hăng hái, trở nên tẽn tò, lủi thủi đi ra phía khác.
    Nắng lên óng ả, vườn chùa rực lên một màu xanh biêng biếc. Bóng nắng xuyên cây lá, đổ thành những hình kỷ hà đẹp vô cùng. Bảy bà đi lung tung trong vườn chùa, lắng nghe tiếng chim hót, tiếng vượn kêu trong núi phía xa, cho đến khi ông hướng dẫn gọi: Đi thôi các bà, mới chào chùa, chào Phật, chào các sư thầy để rời chân. Cuộc tạm biệt ngốn thêm vô số kiểu ảnh lẫn tiếng xuýt xoa tiếc nuối trên con dốc đi xuống.
    Hai
    Rời chùa, nhưng các bà chưa về ngay. Chung quanh chùa, phía dưới và xa xa kia là lòng hồ mênh mông, hứa hẹn một buổi ngồi thuyền ngắm cảnh thật đã mắt. Xe ngừng trên đường cho các bà băng qua một lối mòn đầy cỏ tranh, gai cây dương móc vào áo quần đau khiếp. May mà con đường không dài lắm và con thuyền phía dưới kia hứa hẹn tặng các bà những phút giây lênh đênh thú vị trên hồ.
    Hồ xanh ngăn ngắt, hoang sơ với những chú chim bói cá và lũ cò không biết sợ là gì, cứ nghênh ngang đậu trên những thân cây đổ ven hồ, tròn xoe mắt ngó đám đàn bà nửa già nửa trẻ đang lao xao chụp ảnh mình. Gió thổi mênh mông quanh thuyền và cái nắng gần trưa khiến con mắt các bà lim dim lim dim. Bà Tuyệt Vọng, trong chuyến đi có vẻ ít lời, lên thuyền rồi càng ít lời hơn. Trông bà còn mơ mộng hơn cả bà Mộng Mơ, lúc ấy đã thấm mùi mỏi cổ mỏi tay vì đeo máy ảnh. Bà Tuyệt Vọng đưa đùi cho bà Cây Học ghé nằm, vì trên thuyền không còn cây nữa để bà chỉ trỏ. Thoắt cái, cả thuyền im lặng, chỉ còn tiếng máy thuyền kêu lịch xịch và thỉnh thoảng tiếng ông hướng dẫn trò chuyện với chủ thuyền lúc to lúc bé. Có vẻ như thời gian đi chậm hơn một chút. Cho đến lúc giọng ông hướng dẫn đột ngột to như quát, khiến cả bảy bà đều giật mình: “Hôm nay lưới được cá gì đấy?”.
    Hóa ra thuyền đã đến một làng? Không. Xóm? Cũng không. Nhóm thì đúng hơn, một nhóm nhà thuyền ngụ cư ven hồ, nơi họ đánh bắt cá và nuôi vịt, gà để bán cho những cư dân ít ỏi sống lân cận. Chủ thuyền mua một mớ cá bé xíu chả biết tên gọi là gì, rồi vui vẻ đưa các bà leo lên ngọn đồi ngay đó để ngắm cảnh. Đường dốc, đất đỏ, có những rãnh mưa xói, cỏ dương, cỏ gà mọc lung tung, khá là khó đi với Chị Cả vốn đau gối kinh niên. Nhưng bà vẫn cố gắng đi trong tiếng cười vui vẻ của sáu bà em đi phía sau đang đòi đủn và lôi bà lên đỉnh dốc. Lên đến nơi, bà tự hào: “Chúng mày cứ giễu tao không đi được, giờ thấy chị chúng mày chưa?”. Tuy nhiên, sau câu nói, bà ngồi phịch ngay xuống chiếc ghế dưới gốc cây, nơi có con mèo tam thể lom lom chờ bà yên vị là phóc vào lòng. Nắng đã bắt đầu thấy gắt nhưng bà Mộng Mơ và cô Em Út vẫn dắt nhau ra con dốc bé xíu giữa đồi trà để chụp ảnh ảo. Trời xanh biếc thế kia…
    Đứng từ đỉnh dốc bên này nhìn sang phía chùa chỉ thấy cây và cây. Chùa đã xa khuất trong sâu và có lẽ chỉ ửng lên một vầng mây ánh vàng của ngàn mai nở khi mùa xuân đến. Các bà gật gù. Chốn thiền môn là phải vậy. Tĩnh lặng và thanh khiết. Mặc dù mới ở chùa ra nhưng các bà đều ước khách du lịch đừng biết đến chốn này. Trừ những người biết yêu thiên nhiên, kính trọng sự tịch mịch. Như các bà. (Ích kỷ thật).
    Chủ thuyền lại phá tan luồng tư tưởng của các bà khi lên tiếng mời cả nhóm về dùng bữa. Xuống thuyền, đi một đoạn nữa là đến nhà. Chủ thuyền hóa ra chính là chủ ngọn đồi các bà vừa leo và cả ngọn đồi có căn nhà tầng mới xây, nơi các bà hồ hởi ăn món cá hồ, gà đồi, rau rừng và sầu riêng vườn nhà thơm nức mũi. Thôi hôm qua ăn chay rồi, nay xa chùa ta ngả mặn. Ông hướng dẫn bảo. Rồi ông khui bia.
    Bữa cơm khiến các bà chùng cả đôi mi khi lên xe. Lác đác mưa rồi mưa to khiến không gian mát dịu hẳn. Các bà gật gù ngủ, gật gù trò chuyện, mở điện thoại xem lại ảnh. Đường về êm êm không còn bàn tán láo nháo như lúc đi. Có lẽ giờ này bà nào cũng nôn nóng muốn về đến nhà mình ngay để tắm táp, nghỉ ngơi. Nhưng đường thành phố luôn có vấn đề nên vài bà phải vào nhà muộn hơn các bà khác. Về rồi thì nhắn tin cho nhau: “Em về rồi nhé, chúc mọi người ngủ ngon”. Ảnh Zalo chíu chít qua lại. Cả chùa lẫn cây lẫn thuyền lẫn đồi lẫn cơm chay cơm mặn, đều ở lại trong vô số ảnh…

Kết Thúc (END)
Phạm Thị Ngọc Liên
» Trong Sương Sớm
» Bảy Bà Già Đi Chùa
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò
» Tuyết