Chuyến tàu ra đảo dịp cuối năm chở khá nhiều báo chí các loại. Vài tháng tàu mới từ đất liền ra đảo, báo chí là “một món ăn không thể thiếu” cho người dân và bộ đội. Thông tin trên mạng xã hội khá nhiều, nhưng người dân ngoài đảo vẫn cảm thấy đất liền gần gụi hơn khi sáng sớm mở xem những trang báo mới cập đảo đêm qua còn nhàu nhĩ thấm màu gió cát.
Trên con tàu mang số hiệu H. đầy ắp những người lính mới trẻ trung vui nhộn, những cành hoa đào phai trụi lá vì gió biển.
Ngoài những chiếc ti vi, những bì thư báo thì trên tàu còn có thêm mấy nhà báo nữa. Họ là khách quý của tàu, của đảo. Các nhà báo trẻ măng đang nếm mùi sóng gió đảo xa, túm tụm một góc tàu bàn về đề tài tác nghiệp.
Hoàng Yến, phóng viên được đào tạo về phát thanh. Đi đâu cô cũng kè kè mang theo cái máy ghi âm khá lớn, chiếc micro cầm tay và giọng nói vang xa của Yến luôn bắt đầu cho các cuộc phỏng vấn cán bộ chiến sĩ.
Yến có khuôn mặt tròn trịa, thân hình khá đậm và nụ cười hơi phảng phất buồn. Đấy là vì bố của cô, một nhà báo kỳ cựu qua đời chưa lâu, song cô vẫn xung phong đi viết về biển đảo chuyến này. Cô nói: “Bố tôi từng viết về hòn đảo này nên giờ đây tôi cũng muốn theo bước chân bố, được đặt chân lên những bãi san hô, những ghềnh đá rì rầm sóng vỗ”.
Trong chiếc ba lô của Yến có mang theo cuốn sổ viết dở và cây bút cũ kỹ của cha mình. Hẳn cô sẽ không viết gì lên đó nữa, chỉ giữ như một kỷ vật bên mình. Thần tượng công việc viết lách của bố, nên cô con gái quyết theo nghiệp phóng viên, dù cô đã thi đỗ nhiều trường đại học khác nhau.
Nguyễn Tuần là một phóng viên ảnh trẻ tuổi. Anh đầu quân cho một vài cơ quan báo chí, nhưng ở đâu anh cũng chỉ thích chụp ảnh, thích ghi lại những khoảnh khắc sống động và chân thực, không tô vẽ, không dàn dựng.
Bố Tuần cũng là một phóng viên ảnh và là đồng nghiệp, là bạn thân với bố của Yến. Mấy chục năm trước, hai người thường bảo nhau: “Biết bao giờ con mình lớn lên, trưởng thành, để chúng ta từ đồng nghiệp trở thành thông gia!”.
Rồi ngày ấy cũng đến, những đứa trẻ lớn lên và nối nghiệp cha mình. Hai gia đình cùng liên hoan, cùng mời các gia đình trong khu tập thể chia vui khi hai đứa được nhận vào hai tòa soạn báo.
Nhưng cả Yến và Tuần đều là những người cá tính, không thích người lớn sắp đặt chuyện tình cảm. “Cái thời bố mẹ đặt đâu con ngồi đó đã qua lâu rồi” - Hai đứa thường nói như vậy.
Cả Yến và Tuần đều cố gắng vùng vẫy thoát ra khỏi sự sắp đặt của gia đình về một cuộc hôn nhân. Họ phản đối việc gán ghép, dựng vợ gả chồng có từ khi những đứa con còn nằm trong bụng mẹ.
Lẽ nào những đứa trẻ sẽ phải thực hiện những lời nói của các vị thân sinh từ thời chiến tranh sao?
Vậy còn đâu những gì chúng muốn, chúng suy nghĩ?
Vậy còn đâu là tình yêu lứa đôi?
- o O o -
Buổi giao lưu gặp mặt đầu tiên của các nhà báo với nhà tàu diễn ra trên khoang, khi con tàu đi vào vùng biển lặng. Mặt nước biển vẫn tròng trành chao nghiêng và ánh nắng chiều cũng sóng sánh.
Anh Văn Liên, thuyền trưởng, rất tự hào và cũng bất ngờ với món quà các nhà báo tặng cho tàu. Đó là bức ảnh chụp con tàu H. đang rẽ sóng lướt đi giữa biển khơi.
Bức ảnh trắng đen được chụp 20 năm về trước. Người điều khiển con tàu trong bức ảnh có khuôn mặt rắn rỏi. Đứng phía sau là những người lính hải quân sạm màu sương gió.
Nguyễn Tuần, thay mặt nhóm phóng viên tặng bức ảnh cho cán bộ chiến sĩ trên tàu. Anh nói: “Tác giả bức ảnh này là bố tôi. Ông chụp trong một chuyến đi công tác ngoài này, cũng như chúng tôi bây giờ vậy, nhưng ở thời điểm hai thập kỷ trước. Nay tôi xin tặng lại cho tàu bức ảnh này để nhớ về một thời”.
Anh Văn Liên nhận bức ảnh, cám ơn và xúc động: “Chắc các nhà báo không biết đâu. Người cầm lái con tàu trong bức ảnh này chính là bố tôi. Cụ đã nghỉ hưu và hiện sống trong đất liền”.
Tiếng vỗ tay không ngớt. Nhiều chiến sĩ kêu lên: “Đúng rồi, đúng rồi, đây là ảnh của tàu chúng ta hồi mới hạ thủy, có lẽ đi biển chuyến đầu tiên”. “Người trong ảnh là bố của thủ trưởng đấy”. “Nom bố thủ trưởng giống thủ trưởng quá!”.
Bấy giờ, phóng viên Hoàng Yến tường thuật qua sóng radio. Cô nói: “Chúng tôi vừa chứng kiến một cuộc hội ngộ rất cảm động. Hình ảnh hai thế hệ chiến sĩ, hai thế hệ nhà báo, những người bố và những người con, họ đã và đang cùng một hải trình, trên một con tàu, trên một hành trình vì biển đảo thân yêu!”. Hình như cô đã gào lên, để át đi tiếng sóng biển chiều mỗi lúc một lớn dần.
Người thuyền trưởng trẻ tuổi và phóng viên ảnh Nguyễn Tuần nhanh chóng trở thành bạn thân. Điều đơn giản là bởi các ông bố của họ cũng từng là bạn trên chuyến tàu này.
Nguyễn Tuần nói: “Sau chuyến đi công tác biển đảo năm ấy, bố tôi về đất liền và viết hàng chục bài báo, đăng mấy phóng sự ảnh. Ông đã mang về tặng mẹ tôi chiếc đèn ngủ làm bằng vỏ ốc được bộ đội tặng. Đó có lẽ cũng là món quà cầu hôn của bố tôi. Gia đình chúng tôi đến giờ vẫn còn treo bức ảnh chụp tàu H. này trang trọng trong phòng khách”.
Văn Liên cũng nói: “Bố tôi trước tham gia chiến đấu trên các đảo rồi làm công tác lái tàu phục vụ hậu cần. Bố tôi rất tự hào vì một lần hình ảnh bố lái tàu được đăng trên báo! Hồi đó thư từ khó khăn lắm, nửa năm nhà mới nhận được thư. Chỉ khi xem báo, mẹ tôi mới biết bố tôi vẫn khỏe, công tác tốt trên biển. Trước đó, cũng có tin từ mấy tàu cá rằng bố tôi đã hy sinh. Cả nhà lo lắng hỏi thăm đó đây thì vừa lúc thấy hình bố tôi trên mặt báo”.
Bố anh Liên nghỉ hưu chục năm nay. Tóc cụ đã bạc, da mồi. Kỷ niệm chiến trường, kỷ niệm Trường Sa và các hòn đảo khác nữa... vẫn là một phần cuộc đời của ông. Mỗi lúc trái gió trở trời, cụ lại bảo: “Ngoài đảo lúc này biển động, gió to lắm đây! Chẳng biết anh em đã kịp che chắn cho mấy cái vườn rau chưa nhỉ?”.
Con vào bộ đội hải quân, theo những chuyến tàu rời đất liền ra các đảo, cụ rất vui. Rồi lại lo lắng thời tiết thất thường và thiếu thốn trăm bề: “Đời lính là vậy! Như Bác đã dạy: Khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng con ạ. Khi nào về, con chỉ cần mang quà cho bố là một cây bàng vuông”.
Sau khi nghỉ hưu, bố của Nguyễn Tuần không may bị bệnh và qua đời. Trước đó, ông vẫn còn nung nấu ý định sẽ trở lại những hòn đảo tiền tiêu, ghi lại hình ảnh đổi thay sau nhiều năm xây dựng. Một hôm ông ngủ say và không thức dậy nữa. Trên bàn làm việc vẫn còn chiếc máy ảnh và những tấm ảnh vừa được phóng buổi chiều. Chiếc kéo cắt ảnh vẫn còn nằm trên cuốn sổ.
Đám tang của ông có nhiều đồng nghiệp là các nhà báo tới dự, tất nhiên người ở lại lâu nhất là bố của Hoàng Yến và cả Yến nữa. Nguyễn Tuần nói với các chú, các bác: “Cháu sẽ đốt chiếc máy ảnh này, để bố cháu tiếp tục niềm đam mê ở một thế giới khác ạ”.
Những người bạn của bố anh có lời khuyên ngược lại: “Cháu hãy giữ lấy chiếc máy ảnh của bố và tiếp tục công việc của bố cháu. Cuộc sống không bao giờ dừng lại và chúng ta cũng không được phép dừng lại”.
- o O o -
Biển động.
Những con sóng cao hơn mái nhà đổ ầm xuống như muốn hất tung con tàu sắt nhỏ khỏi đại dương. Bộ đội lẫn nhà báo bị sóng đánh văng khỏi chỗ ngồi. “Chuyện thường ngày trên biển thôi mọi người nhé! Gắng ăn uống, nghỉ ngơi nhiều vào. Tối nay khi tàu cập đảo” - Thuyền trưởng nói với mọi người.
“Tôi mệt quá”- Yến lắc đầu, ôm chặt cái máy ghi âm và dựa vào vai chàng.
Nguyễn Tuần vừa bấm xong vài kiểu ảnh các chiến sĩ nấu cơm trong dông bão, ngồi lo cho người bạn đồng nghiệp. “Uống sữa, ăn củ đậu đi nàng! Cố gắng khỏe để làm tin tối nay tàu cập đảo nhé”. Chàng động viên người bạn thân nhưng bản thân mình cả ngày cũng bỏ cơm và chỉ ăn củ đậu. “Bố tôi bảo rằng đi công tác khổ thì viết sướng, chụp sướng. Lần này tôi có nhiều ảnh ấn tượng lắm”.
Yến nhá nhá từng miếng củ đậu, bảo: “Chúc mừng ông! Tôi cũng làm được nhiều phóng sự lắm. Có đi công tác biển đảo mới thấy mỗi ngày ở nơi đây đều mang nhiều ý nghĩa và tôi khâm phục những người dân và chiến sĩ canh giữ biển đảo quê hương”.
Những con sóng rồi cũng nhỏ dần, Yến bảo: “Tối nay tôi phải lên đảo. Phải khỏe để lên đảo. Bố tôi và bố ông cũng đã từng đặt chân lên công tác ở đảo này đấy”. Những giọt nước mắt rơi trên má cô nàng, chẳng biết là cô ấy mệt mỏi hay đang nhớ về người bố thân yêu của mình, hay cả hai?
Tàu thả neo, biển xanh biếc chuyển dần sang đen như mực. Những chiếc xuồng nhỏ đưa đoàn công tác lên đảo. Các chiến sĩ đón đoàn bằng bữa cơm với đồ hộp vì biển động nhiều ngày.
Hoàng Yến tặng các chiến sĩ trên đảo một bài hát về quê hương, được phổ nhạc từ thơ của bố mình. Không chỉ là một nhà báo, cô còn có giọng hát trầm ấm và diễn cảm. Một thời, cô mơ ước trở thành ca sĩ, nhạc sĩ, từng học khoa “Lý sáng chỉ” của nhạc viện. Nhưng rồi, theo bước chân bố mình, cô đã chọn nghiệp làm báo.
Tiếng vỗ tay cổ vũ nhiệt tình của khán giả đặc biệt, những người chiến sĩ một vài năm chưa vào đất liền khiến cô nhà báo trẻ cảm động.
Cô phỏng vấn bộ đội về cảm xúc sống và làm việc nơi đảo xa. Những người chiến sĩ nói: “Chúng tôi ở ngoài đảo này, chỉ ngày đêm lo cho đất liền thôi. Mọi người trong đất liền không phải lo cho chúng tôi đâu. Nghe tin đất liền ngày càng hiện đại, vui vẻ, nhiều công trình mới... anh em chúng tôi rất mừng. Nguyện vững vàng tay súng, sẵn sàng chiến đấu hy sinh bảo vệ từng tấc biển đảo của đất nước”.
Nguyễn Tuần nói với người cán bộ chỉ huy trên đảo trong lúc đi quanh chụp ảnh: “Bố tôi cũng là nhà báo và từng đến đảo này. So với những tấm ảnh bố tôi đã chụp cách đây mười mấy năm thì nay đảo chúng ta thay đổi nhiều, cơ sở vật chất tốt hơn, đầy đủ và hiện đại”.
Người cán bộ chỉ huy trên đảo tên Xuân, quê Nam Định, tóc đã bạc, đã nhiều năm gắn bó với đảo xa, từ khi là người lính đến lúc là một chỉ huy. Có lẽ anh không nhớ thật chính xác về bố của chàng phóng viên trẻ mới lần đầu đặt chân lên đảo vì đảo cũng đón khá nhiều nhà báo rồi. Anh tủm tỉm cười khi nhận được những lời nhận xét tốt về đảo. Anh nói: “Chúng tôi trên đảo toàn đàn ông với nhau, mọi công việc đều tự tay làm hết, dần dà rồi cũng tháo vát, chỉn chu chẳng kém ai. Nhà báo xem nào báo tường, nào hoa giấy... anh em tự viết vẽ và làm hết đấy. Có đẹp không?”.
Chuyến tàu đem ra khá nhiều bì thư và anh Xuân lặng lẽ ngồi đọc những lá thư cậu con trai gửi cho mình. Con của anh sắp vào đại học và phần lớn thời gian cậu ta sống với mẹ và bà nội. Những chuyến về phép của bố ngắn ngủi biết bao. Cậu viết thư hỏi ý kiến của bố xem nên thi vào trường nào. “Bố là thần tượng của con! Con muốn được làm những việc bố đã từng làm”. Chàng trai trẻ viết như vậy.
Nguyễn Tuần chụp hình ảnh người cha già tóc bạc ngồi viết thư cho con, những nét chữ khỏe khoắn và chậm rãi. Có lẽ khá lâu rồi, anh mới thấy hình ảnh người cha ngồi viết thư cho con. Vì giờ đây trong đất liền, người ta thường chăm chăm dán mắt vào điện thoại, máy tính bảng.
- o O o -
Trời về khuya, những đám mây đen dần trôi đi và hòn đảo nổi bật giữa biển đêm như một bông hoa rực sáng. Ánh trăng chiếu rọi khắp nơi thứ ánh sáng thật đặc biệt giữa đại dương vô tận.
Xa xa ngoài kia là con tàu H. vẫn đứng đó. Con tàu ấy từng đã chở biết bao người lính ra đi và trở về. Nó cũng chuyên chở những thế hệ nhà báo đến với hòn đảo này, như một người bạn đường trung thành tận tụy và dũng cảm.
Nguyễn Tuần chụp ảnh con tàu cũ. Anh biết rằng sắp tới nó sẽ được thay thế bởi con tàu hiện đại hơn. Nhưng anh, cũng như bố của anh đã và sẽ chẳng bao giờ quên con tàu H. cũng như không bao giờ quên những chuyến công tác nơi đảo xa.
Ai đó đứng sau lưng anh. “Đã xong phóng sự ảnh chưa bạn ơi!” - Hoàng Yến nghiêng đầu xem những bức ảnh Tuần vừa chụp. Mái tóc của cô che luôn cả những bức ảnh vẫn còn “nóng hổi” giữa đêm trăng.
Đảo cũng chẳng phải quá rộng nên cả hai đứng nhìn về phía đất liền, nơi trăng vẫn đang bay về với những phố xá làng mạc.
Ôi trăng đang bay về với thành phố nhỏ nơi Nguyễn Tuần và Hoàng Yến đã lớn lên bên những người bố là nhà báo. Hai đứa đọc chung những trang báo và tập tành với chiếc máy ảnh mà bố đưa cho. Bát cơm mẹ nấu chỉ có đậu phụ kho với cà chua, hai đứa chia nhau.
Bất giác, Hoàng Yến hướng về đất liền và nói: “Bố ơi! Hôm nay con và Nguyễn Tuần đã đặt chân lên hòn đảo xa nơi bố và bố của Nguyễn Tuần từng tới công tác viết bài, chụp ảnh. Đảo rất đẹp và mọi người thân thiện, dũng cảm và yêu đất nước vô ngần. Con thấy mình lớn hơn. Con cám ơn bố và nghề báo cho con được tới nơi đây”.
Nguyễn Tuần bảo: “Sao không nói với bố là mấy ngày nay con say sóng chỉ ăn củ đậu thay cơm!”.
Yến lắc đầu: “Nói ra các cụ lại lo lắng”.
Hoàng Yến nhìn người bạn thân từ thuở ấu thơ, nay đã là chàng phóng viên ảnh có hàng ria lơ thơ cả tuần chưa cạo. Nom cậu ta phong trần quá đi thôi.
Hoàng Yến bảo: “Lần đi đảo này tớ làm được nhiều phóng sự lắm. Đúng như các cụ mình đã dạy: Đi khổ thì viết sướng!”.
Kết Thúc (END) |
|
|