Hàng ngày, sáng ngủ dậy pha bình trà độc ẩm thưởng thức xong, ông Năm cầm kéo, cuốc ra sau hè chăm sóc vườn hoa. Ông hết tưới nước rồi lại cắt cành, đến xới đất. Sáng cũng như chiều, công việc ngày nào của ông cũng xoay vần như thế. Đối với lớp trẻ mới lớn, công việc mà không đem lại lợi ích tiền bạc, địa vị, thật nhạt nhẽo đến dường nào. Song đối với ông, một ông già đã trên bảy mươi tuổi, ở quê, sống một mình một nhà, không con cháu bên cạnh, chăm sóc vườn hoa ấy là niềm vui cũng như chỗ giải bày nỗi cô đơn của người già.
Ông Năm nâng niu, chăm sóc vườn hoa giống như người mẹ nuôi con. Ông xem chúng giống như con người thật, biết lắng nghe và thấu hiểu tiếng người. Lúc chăm sóc vườn hoa, ông thường hay than vãn: “ Về già, sống cô độc một mình, buồn lắm các bạn ạ!…”. Có mấy lần, ông lom khom chóng gậy, thăm bạn bè cũng như đi dạo xóm làng để nghe tiếng người cho đỡ buồn. Song, bạn bè cùng tuổi của ông không còn ai, chỉ còn một vài người nhưng đã lú lẫn. Ông vào quán nước ở đầu làng ngồi, nghe những người trẻ nói chuyện. Người trẻ họ nói toàn chuyện bóng đá, xe lật chết người, cô kia yêu anh nọ, chửa hoang. Ông thấy người này hăng say nói, người chăm chú lắng nghe, hào hứng và thích thú. Đối với ông, mấy chuyện này đã nghe mấy chục năm rồi, thật chán làm sao! Ông quay trở về nhà, lại than vãn với vườn hoa tiếp: “ Về già hiểu biết nhiều, đôi khi cũng là cái khổ! Người già ví như vị tiến sĩ trên đường đời, còn người trẻ giống như cậu học trò phổ thông. Chính vì vậy, tạo hóa mới làm cho người già sức khỏe yếu đi, chậm chạp, lú lẫn, nếu không tư duy cô độc hoặc chết thiên hạ đó. Khổ, đầu óc tôi còn minh mẫn quá, các bạn ạ!…”. Từ đó ông không đi dạo xóm làng nữa. Ngày nào ông cũng dậy sớm, chăm sóc và nói chuyện với vườn hoa, hết chuyện này đến chuyện kia. Mọi niềm vui, nỗi buồn của ông có lẽ trên thế gian này không ai hiểu rõ bằng vườn hoa.
Thời trẻ ông Năm cũng là người yêu hoa. Ông từng thích về sau lớn tuổi có vườn hoa xung quanh nhà. Song cuộc sống bận rộn, lo kiếm tiền cho con ăn học, miếng cơm manh áo hàng ngày, không có chút thời gian thảnh thơi. Giờ đây tuy cô đơn nhưng ông cũng toại nguyện. Sau khi cây hoa hồng ở vườn trổ hoa, ông cắt một cành, bỏ trong lọ thủy tinh cắm ở đầu giường. Qua ngày sau, cành hoa hồng đã héo. Ông nghiên cứu tài liệu tìm cách để hoa sống bên mình lâu hơn. Sách vở bày muốn hoa lâu tàn, phải để xa máy quạt, tránh chỗ nắng nóng, cắt dần dần phần úng dưới gốc hoa sẽ lâu tàn. Đúng vậy, song vẫn không hiệu quả lắm. Dân gian bày: “ Hoa cũng như người đàn ông, thèm nước trà. Cho ly nước trà để nguội đậm đặc là hoa sẽ lâu tàn.”. Ông làm thử. Quả nhiên thật mỹ mãn, cả tuần rồi hoa vẫn chưa muốn tàn. Thế là từ đó trở đi, ngày nào uống nước trà, ông cũng rót cho hoa một ly trà đậm, giống như bạn bè tri kỉ hay người vợ mới cưới ngày đêm quấn quýt ở bên nhau.
Đối diện nhà ông Năm là nhà của ông Tám. Nhà ông nghèo, con cái đông đúc không được học hành gì cả. Quanh năm suốt tháng, con ông làm thuê làm mướn quanh quẩn trong làng. Song được một cái, lúc điện hư có con cháu leo trèo sửa giùm. Lúc nhà có việc nặng nhọc, ông hú con gọi cháu xúm sít lại làm. Ngày lễ tết, con cái quây quần bên nhau đông đúc, hạnh phúc. Hồi năm bốn mươi tuổi, vợ mất, ông Năm ở vậy nuôi con. Mấy người hàng xóm thấy ông đơn chiếc, làm mai mối: “ Tôi thấy cô Linh chết chồng ở xóm trên xinh đẹp, giỏi giang. Ông có thích thì tôi giới thiệu, hai người đậu gạo nấu cơm chung, tối lửa tắt đèn có nhau?”. Hết người này giới thiệu, đến người khác nhiệt tình giới thiệu, song ông vẫn một mực không là không. Ông sợ cái cảnh con ông con bà, con mình nó khổ! Ông vừa làm cha, vừa âm thầm làm mẹ, chắt chiu từng đồng nuôi con ăn học khôn lớn. Giờ đây, nhìn cảnh sum vầy gia đình người ta, ông Năm sống cô độc một mình đôi khi chạnh lòng, chợt nghĩ: “ Phải chăng đứa con có học thức, chúng sẽ bay đi tìm miền đất hứa, phù hợp với trình độ công việc. Còn con cái không học, chúng ở quanh quẩn trong làng, bên mình, về già sẽ được hạnh phúc hơn? Như vậy, suy ra những đứa con ít học hiếu thảo hơn?…”. Nhưng ông nghĩ lại, con cái, chúng ăn học thành tài, vui vẻ và hạnh phúc là mình vui rồi.
Anh Quận, con của ông Năm, do hoàn cảnh công việc cũng có nhiều điều khó xử. Anh muốn hiếu thảo, lo cho ba ở quê nhưng có được đâu! Anh học xong, khó khăn lắm mới xin được việc ở thành phố. Mấy năm đầu, mới ra trường lương bổng không bao nhiêu, nhưng cuộc sống phố thị anh phải thuê nhà, cơm hàng cháo chợ, nuôi bản thân mình đã khó huống hồ chi lo cho ba mẹ. Mấy năm sau, vừa học vừa làm, cuộc sống có khá hơn, song cũng vừa đủ trang trải bản thân, giao lưu với bạn bè. Anh có tằn tiện, mỗi tháng gởi về cho ba vài trăm, nhưng một hai tháng đầu ông còn nhận sau gởi trả lại bảo: “ Có tiền rồi, con đừng gởi!”. Thỉnh thoảng, một năm vào ngày lễ tết, anh cũng tranh thủ thời gian về ba một vài lần. Anh nghĩ trong lòng để sau này có vợ, có nhà có cửa sẽ rước ba lên ở chung với mình. Chứ còn bây giờ, bản thân anh là con trai còn lười nấu cơm, giặt đồ cho mình làm sao nuôi ba cho được!
Anh Quận là người có hoài bão, có mơ ước. Từ hai bàn tay trắng, anh vừa học vừa làm, tích cóp chắt chiu từng đồng sắm được xe, mua đất cất nhà. Mấy đồng nghiệp của anh ở thành phố, ai cũng nễ phục. Đối với con người của anh, luôn luôn thiếu thời gian và tiền bạc. Lúc sắm xe, anh thiếu một chút nên vay mượn tiền bạn bè, ngày đêm phải cố gắng làm trả nợ. Sau khi trả nợ xong, anh lập ra kế hoạch mua miếng đất để cất nhà ở. Anh làm có chút ít tiền, cũng mua được miếng đất, song cũng thiếu một chút, lại vay tiền bạn bè và ráng làm trả nợ. Chẳng lẽ có đất mình lại ở nhà thuê? Thế là, ngày đêm anh làm việc để có tiền cất nhà, lại thiếu!… Có điều, tiền và thời gian luôn nghịch nhau. Anh làm việc càng nhiều tiền, thời gian của anh giành cho người thân ngày càng ít đi. Mấy năm trước, mỗi năm anh về nhà thăm gia đình một vài lần, mỗi lần một vài ngày. Còn giờ đây, chỉ vào dịp tết anh mới về thăm ba một lần rồi vội vã trở lại thành phố. Ngay cả điện thoại, ban ngày anh nhớ ba tính gọi nhưng bận rộn, đợi tối rồi lại quên!..
Anh có vợ xinh đẹp, khá giả, ăn nói khôn khéo, có công ăn việc làm ổn định ở thành phố. Đó là cũng nằm trong sự chọn lựa toan tính của anh. Lúc vợ chồng mới cưới được vài tháng, đêm nằm chung với nhau, anh Quận có bàn: “ Ở quê ba sống lủi thủi một mình, anh thấy thương quá. Anh muốn đưa ba lên ở chung với mình!…”. Cô vợ từ chối, khéo léo nói: “ Vợ chồng mình mới cưới, công việc chưa ổn định. Buổi tối anh đi học, em thân con gái ở nhà một mình với ba chồng, cũng ngại!…”. Một hai năm sau, vợ chồng anh Quận công việc vẫn luôn bận rộn, sáng làm chiều làm. Song những phút nghỉ ngơi, bên tách cà phê cốc uống vội bên đường, anh Quận chợt nghĩ: “ Không biết bây giờ ba khỏe không? Cuộc sống như thế nào?”. Đêm về, anh lại bàn: “ Anh tính đưa ba lên ở cùng!…”. Cô vợ lại khéo léo tiếp: “ Tùy anh!.. Có điều, bây giờ vợ chồng mình không có thời gian, ngay cả đón con ở nhà trẻ cũng phải tranh thủ. Ba vốn dân nhà quê, quen với cảnh ruộng vườn. Ở quê ba có bạn bè, xóm làng… Bây giờ đưa ba lên ở với mình, sống quanh quẩn với bốn vách tường, ba buồn tội nghiệp! Em nghĩ, đợi ba yếu yếu một chút, rồi đưa ba lên chăm luôn…”. Anh thấy vợ nói cũng phải, thôi ráng từ từ hẳn tính vẫn chưa muộn.
Lại thêm một hai năm nữa trôi qua. Một lần anh Quận đang làm việc, bỗng dưng ở quê ông Tám điện thoại lên báo: “ Ba cậu bệnh đã mười ngày nay rồi, đang nằm ở bệnh xá xã.”. Anh hối hả điện thoại cho vợ, chuẩn bị thu xếp về quê. Vợ than trời đất công việc nhiều quá, ba bệnh đột ngột làm sao em đi được!? Anh lo đặt vé máy bay, ngày hôm sau một mình về quê thăm ba. Lúc này ông Năm đã bắt xe ôm về nhà. Anh gặp ba quan tâm hỏi, bệnh có nặng không? Ông Năm sợ con lo lắng, nói trớ đi, bệnh cảm xoàng ấy mà, con đừng lo!… Ngày hôm sau, anh vội vã trở về thành phố, đêm về anh xót ruột bàn với vợ chuyện của ba. Cô vợ lại khôn ngoan, chuyển sang hướng khác: “ Vợ chồng mình bận rộn, lo cho ba bằng cách nào? Nếu đưa ba lên, mình phải thuê một người chăm lo cho ba như vậy chưa chắc ba đã vui, vì ba đã quen với cảnh quê rồi. Em tính cứ để ba ở dưới quê, mình thuê một người ở gần đó, hàng ngày cơm nước cho ba, đau bệnh điện thoại lên, mình về nuôi!… Như vậy có lẽ ba vui hơn, mình cũng tiện!…”. Anh thấy vợ nói cũng có lý, cũng phải, cũng không còn cách nào khác nên về quê thuê người hàng xóm để chăm lo cho ba.
Đúng vào lúc vợ chồng anh Quận đi du lịch ở Thái Lan mấy ngày, bà Nhài, người ở điện thoại lên báo ông Năm đã mất. Cái chết của ông Năm thật nhẹ nhàng, đêm ngủ, rồi đi luôn!…Bà điện thoại cho anh Quận hoài, nhưng không liên lạc được. Mấy người ở xóm bàn với nhau, cứ mua hòm về tẩm lịm, đợi lúc con ông về rồi mới đem đi chôn. Một ngày rồi hai ngày trôi qua, mấy người hàng xóm thay phiên nhau canh cái xác ông Năm. Hàng xóm xót ruột, bàn: “ Ngày mai sẽ tự quyết định coi ngày tháng đem đi chôn, chứ không thể để cái xác thối được.”. May mà, đúng buổi sáng ngày thứ ba anh Quận bước xuống sân bay, mở điện thoại ra thấy tới mấy chục cuộc gọi nhỡ của bà Nhài. Anh điện thoại lại mới biết ba mình đã chết! Anh cùng vợ con hối hả đưa nhau về, nhưng đường xá xa xôi phải hôm sau mới về quê kịp. Lúc chờ đợi vợ chồng anh Quận về, hàng xóm không biết làm gì, lấy chuyện người chết ra bàn tán: “ Lạ nghen!… Ông năm chết mà con mắt cứ mở trân tráo, có vuốt cách nào cũng không nhắm. Hồi sáng mới hay tin con ông trên đường về, ông mới chịu nhắm mắt, ra đi!…”. Một người sụt sùi nước mắt, khóc ức ử, than: “ Cái số ông Năm là cái số chờ đợi. Lúc sống ông chờ đợi con. Lúc chết ông cũng chờ đợi con!… Tội nghiệp, thương ông Năm quá!…”. Ngày thứ tư vợ chồng anh Quận về, chỉ có việc mặc áo tang trắng vào đưa ba đi chôn, không phải làm gì cả, vì mọi việc hàng xóm đã lo giúp hết rồi.
Qua ba ngày mở cửa mả xong, hàng xóm mệt mỏi ai về nhà nấy, ngôi nhà trở nên yên ắng. Khung cảnh ở quê vắng vẻ, đìu hiu làm sao. Buổi tối anh Quận leo lên giường nằm, còn cô vợ đi tắm. Cô vợ mới tắm xong trên người còn quấn cái khăn tắm hờ hững, lao đến giường ôm chồng. Cả tuần rồi vợ chồng bận rộn, giờ đây nằm chung với nhau, cô vợ bỗng dưng thấy khát khao, nói: “ Ở đây gần bàn thờ ba, có mùi nhang, mùi ẩm mốc, hăng hắt hoang dã thế nào ấy! Tự nhiên em muốn!…”. Anh Quận cũng thích nhưng còn e ngại: “ Anh nghe nói ở quê có tục lệ, cha mẹ mất, con trai trong nhà, người nối dõi tông đường trong thời gian bảy lần bảy bốn mươi chín ngày, không được quan hệ nam nữ để tỏ lòng hiếu thảo!…”. Cô vợ tỏ ra hiếu biết: “ Chết rồi, còn hiếu thảo gì nữa? Hơn nữa, mình quan hệ làm sao người ta thấy?…”. Nói xong, cô vợ leo lên người chồng!…Kề bên giường vợ chồng anh Quận nằm cách đó 3m có cái bàn nhỏ, trên bàn có lọ hoa hồng tươi thắm. Trước ngày mất, ông Năm còn trò chuyện và mang cho hoa hồng một ly nước trà đậm. Có thể chính vì vậy, hoa hồng vẫn còn nở tươi thắm. Lúc vợ chồng anh Quận đang hoan lạc, chẳng hiểu sao, cái lọ hoa không ai đụng đậy gì cả, bỗng dưng ngã rơi xuống đất. Tiếng vỡ cái lọ rơi xuống nền xi măng kêu rất lớn, làm cho vợ chồng anh Quận giật mình, hụt hẫng, không còn hứng thú tiếp tục được nữa cả. Cô vợ bực mình: “ Ở đây chuột nhiều ghê!…”. Anh Quận nghi ngờ: “ Có khi nào đồ vật, hoa hồng nhìn thấy vợ chồng mình quan hệ có lỗi với ba, hoa giận!?…”. Cô vợ lớn giọng: “ Anh mê tín, thật vớ vẩn! ….”.
Sáng ngày hôm sau, vợ chồng anh Quận ngủ dậy lo treo bảng bán nhà và chuẩn thu dọn đồ đạc của ba lên thành phố. Trước lúc đi, anh Quận tìm kiếm coi thử đồ đạc của ba còn xót cái gì quý giá không? Anh Quận đi ra xung quanh nhà, nhìn thấy cả vườn hoa của ba bỗng dưng thành một màu vàng úa. Cành lá rũ rượi, héo sầu và buồn bã. Bà Nhài vừa tưới nước cho vườn hoa, vừa khóc. Anh Quận hỏi, sao khóc? Bà Nhài nói:
– Vườn hoa thương nhớ ông Năm, có mấy cây chết theo. Tôi thương vườn hoa, có tình nghĩa!…
Anh ngạc nhiên hỏi:
– Hoa mà cũng nhớ người à?
Bà Nhài quê mùa, giải thích:
– Cậu còn trẻ, ở thành phố lâu ngày, không sống chung với cây cỏ nhiều nên không biết đó thôi. Cây cỏ, đồ vật cũng giống như con người, có ân có tình. Cây dừa, cây khế, cây mận… những loại cây ở gần nhà, gần hơi người, bao giờ cũng sai quả hơn những cây ở xa. Chính vì vậy, quê mình, có tục lệ, người mất, phải xé vải trắng, để tang cho cây cối xung quanh vườn giống như người đó. Hồi ông Năm còn sống, ngày ngày ở bên vườn hoa, trò chuyện với hoa lâu ngày nên có tình cảm. Giờ ông Năm mất, vườn hoa thiếu hơi người, thương nhớ, cành lá héo sầu, khóc chịu tang đó!…
Anh Quận tính nói: “ Giải thích vớ vẩn, làm gì có chuyện hoa khóc chịu tang, giống như trong tiểu thuyết!” Nhưng anh chợt nhớ lại hồi đêm hôm, lúc vợ chồng anh quan hệ bất chính trái với phong tục, bỗng dưng lọ hoa hồng rơi xuống nền đất, giống như la lên xua đuổi. Anh nghĩ: “ Cũng có thể lắm!…”. Không biết sự thật có phải vậy hay không, hay một sự trùng hợp? Song khi về ở thành phố, về sau nhiều năm, mỗi khi nhớ đến ngày ba mất, vườn hoa bên nhà héo sầu buồn bã chịu tang cứ luôn thổn thức ở trong lòng anh mãi theo năm tháng.
Kết Thúc (END) |
|
|