Trời hơi nồm, quần áo cảm giác phơi mấy ngày mặc vẫn ẩm. Nhanh thế, vừa mới Đại hàn nay đã lập xuân. Những sợi mưa bụi đầu mùa như sợi tóc mai vương vương trên cây lá. Hạt mưa mỏng đến mức chỉ có thể ngửa mặt lên mới cảm nhận sự chạm khe khẽ mơn man trên má, trên môi.
Vũ bật flas điện thoại soi từng chậu hoa, ngó nghiêng từng chiếc lá, từ ngồng hoa đến chồi nụ. Anh không có thói quen đụng vào chúng mà chỉ ngắm nhìn, vừa thành kính vừa chan chứa yêu thương. Những người trồng địa lan nói chung có cách thưởng địa rất riêng, không như những người ngắm và trồng phong lan thương mại một cách thực dụng. Nếu ai đó mà gí mũi sát bông địa để hít hà, hay vạch lá sờ hoa mạnh tay một chút thì các cụ thường chê là kẻ “ phàm phu tục tử”. Vũ thì không hẳn theo quan niệm ấy, mà anh chỉ không nỡ động vào những chiếc lá, như thể sợ phá vỡ những khoảnh khắc giao hòa bình yên giữa cây cối với màn đêm.
Dưới ánh đèn, từng ngồng Hoàng Vũ xanh mơn mởn uốn cong với những chiếc nụ căng đầy như bông lúa đang ngậm sữa. Dãy chậu Hoàng Kim Bảo đu đưa chùm nụ mềm mại, non tơ. Vô số những ngồng mạc xuân mập mạp lao thẳng lên trời một cách mạnh mẽ như những mũi tên, bắt ánh đèn chiếu óng lên như những hạt thóc mẩy màu nâu sẫm, sai chíu chít…
Đêm, không khí như sánh lại, đằm sâu bởi được chan đầy hương mặc đông và một vài ngồng mặc xuân nở sớm. Vũ thong thả nhận ra từng làn hương của những loài địa lan riêng biệt, cho dù chúng có được trồng lẫn vào nhau và tỏa hương cùng một lúc thì cũng không thể làm anh nhầm lẫn. Này là Đông lan nở muộn, hương ào ạt và sánh, khác với dịu nhẹ của các loài thu lan vùng Tây nguyên. Mặc xuân thì mỗi vùng miền lại có một dải hương khác nhau, khi gần, khi xa, lúc đậm lúc nhạt. Ngay cả một loài mặc xuân thôi làn hương từng vùng miền cũng có nét rất riêng mà chỉ người trồng hoa tinh tế mới phân biệt được.
Vũ chợt nhói trong người vì một làn hương bất chợt, rất mỏng, thoáng qua rồi biến mất trong những làn hương dày đặc đan xen, dù vậy nó cũng đủ làm anh rùng mình như thể một nụ hôn nhẹ phớt sau mang tai. Anh nhắm mắt, hít thở sâu trong một khỏag lặng nhỏ rồi soi đèn, chầm chậm lần theo những luống địa dày đặc nụ. Cuối vườn, một ngồng địa lan bắt ánh đèn đỏ ửng lên, trong như hổ phách. Vũ quỳ thấp xuống, xúc động ngắm nhìn. Những chiếc nụ đang phồng lên đợi cữ ban mai bung cánh mà hương đã đâu đó phát tiết. Làn hương ấy, chỉ có người trồng cây mới cảm được, như thể tri âm tri kỷ hiểu nhau vậy. Dưới ánh đèn soi đêm, nụ hoa trong như ngọc, đỏ thắm tựa bờ môi thiếu nữ độ xuân thì.
- o O o -
Hoàng và Vũ thân với nhau từ nhỏ. Lớn lên mỗi người mỗi nghề, tuy xa nhau nhưng hễ có dịp về quê là hai đứa lại tìm đến nhau ngồi cả buổi. Hoàng thích đến nhà Vũ, ở đó giống như một khu rừng thu nhỏ giữa lòng phố. Trên giàn cao lúc lỉu những giò phong lan đủ chủng loại, mùa nào cũng có thay nhau nở. Rất nhiều loài lan ở đây anh thường gặp trên rừng tự nhiên, cũng có những loài quý hiếm cần bảo tồn mà lần đầu anh biết. Đặc biệt trong khu vườn ấy có vô vàn những chum và vại, chậu hoa bằng đồ gốm, sứ được xếp ngăn nắp trên giá inoc tạo thành những bức bình phong độc đáo chưa thấy ở đâu có. Dưới nền đất được rải lót một lớp đá xám đẹp đẽ và trên đó là các dãy chậu và đôn xếp ngay ngắn trên giá thành luống, cùng trồng một thứ địa lan lá nhỏ nhìn xa mát mắt như ruộng lúa đang thời con gái. Vũ bảo đó là phần quan trọng nhất của khu vườn, ấy là địa lan. Hoàng thì chỉ mới được ngắm lá, thi thoảng bạn đăng trên fb chỉ thấy những bông hoa nâu bé tí xíu như đầu đũa, hoặc xanh xanh, vàng vàng như màu cốm, không lưu lại cảm giác đẹp như những chùm phi điệp hay những bông cát rực rỡ như đàn bướm muôn màu.
Nói về gốm sứ thì Hoàng cũng đam mê như Vũ. Hai đứa có thể cả buổi ngắm những chiếc chậu cũ từ Quảng Yên, Đông Triều, Bát tràng, Phù lãng đến những loại chậu Lái Thiêu xưa, chậu mộc Quảng Đức rồi chậu cổ cây mai… Mỗi cái chậu lại có một bức họa độc đáo riêng với tích xưa rất thú vị. Những chiếc chậu, đôn cổ và xưa có giá trị khá cao được vũ bày trên giá đã đành, không hiểu sao Vũ lại dành một phần lớn số chậu quý để trồng những cây địa lan nom qua chỉ thấy lá xanh bốn mùa như lá lúa. Hẳn là giống lan ấy có gì đó Vũ rất quý mà Hoàng chưa cảm nhận được.
Nhớ tầm này năm trước,Vũ tìm lên chỗ anh công tác, ăn ngủ nửa tháng trời để đi tầm một giống địa lan. Anh dẫn Vũ đi khắp các khu vực rừng có thể tới. Khu vực này trước đó Vũ cũng tới cả chục lần rồi, thuê cả thợ rừng đưa anh đi nhưng anh vẫn chưa tìm được cái cây mà anh ưng ý. Đôi khi Hoàng thắc mắc chỉ là cây hoa be bé nâu nâu có gì để bạn mình dốc bao nhiêu tâm lực như vậy. Vũ chỉ cười: “ Thức giả thị bảo, bất thức giả thị thảo” nghĩa là người biết chơi thì coi cây lan như báu vật, người không biết thì chỉ coi là cây cỏ. Đấy, Hoàng cũng chỉ nhìn thấy nó là cây cỏ, chả hiểu sao mà xưa kia chỉ có Vua, Quan mới được chơi, chứ không đến dân thường như bây giờ. Có lẽ tết về, phải sang nhà Vũ thưởng thức mùi hương của Địa lan xem sao. Nhất là cây lan Trần Mộng mà Vũ vẫn kể. Hẳn là làn hương ấy phải có sự quyến rũ ghê gớm nên vua Trần một đêm trong mộng thấy một nhành lan quý, có hương thơm xao xuyến. Sau khi tỉnh mộng, nhờ cận thần dốc sức và có cơ duyên nên tầm đươc một loài địa lan quý y như trong mơ, sau này dân gian gọi tên là Trần Mộng. Là một cây lan được cả sắc lẫn hương. Chỉ tiếc là hoa ấy nó nở quãng cuối thu, mà Hoàng thì bận không về được.
Hoàng nhớ, có dạo ra tết, gần cữ Nguyên tiêu, Vũ rủ đi hội triển lãm hoa lan tận Nam Định. Thật ra Hoàng cũng chẳng để ý gì ngoài việc ngắm đôn chậu gốm sứ và mấy thanh nữ hiếm hoi. Kì lạ thật, hội đa phần là đàn ông, cũng phần nhiều là các cụ có tuổi. Họ ngồi với nhau khá lâu chỉ để nhìn ngắm, bình phẩm những chậu hoa có một vài ngồng hoa nho nhỏ. Ấy thế mà có cụ bỏ ra 30 triệu chỉ để mua 1 chậu địa lan để biếu một người bạn thân. Hẳn là nó có sức hút gì đó rất đặc biệt mà Hoàng không hiểu nổi. Hoàng ngồi uống trà đá, nghe các cụ bình cây, từ bộ lá đến bộ rễ. Ngay cả ngồng hoa cũng có tiêu chuẩn riêng về số bông và cách sắp xếp, phân cần. Ban giám khảo cũng phải trầm trồ nâng lên đặt xuống, mãi mới chấm được giải cho những chậu hoa theo các tiêu chí dài dằng dặc. Hoàng cũng ngắm nhìn nhưng không thấy có gì đặc biệt cả, cây nào cũng khiêm tốn, kiệm màu và bé nhỏ. Giải thưởng thì ngược lại, khá lớn. Và đặc biệt những chiếc đôn, chậu trồng lan khác hẳn các giá thể trồng lan khác, rất giá trị và sang trọng. Có những bộ đôn chậu vài chục triệu trở lên. Hai thứ địa lan và đôn chậu cứ như cặp bài trùng, chúng tôn vẻ đẹp cho nhau một cách hoàn hảo.
Trên đường về, hỏi Vũ, hắn chỉ cười bảo: Ông không nên biết làm gì, đau đầu lắm. Chơi hoa nó vận vào người ấy, không bỏ được. Như thể ông nghiện thuốc lào ấy, không hút thì nhớ nhung, vật vã như nhớ người yêu. Hút thì say nghiêng ngả. Mà mùi hương địa ấy, ông biết không? Nó pha trộn giữa sự thanh khiết của hương trầm ngày tết, lại dịu dàng man mát tựa mùi trái phật thủ chín, nhưng hơn cả chính là mùi “tế nhị” mà người ta bị thu hút, bị quyến rũ một cách vô thức, đó là hương con gái…Ái chà, thế thì ông bạn tôi say là phải.
Hoàng cũng đã tò mò tìm hiểu trên mạng, thấy địa lan mạc xuân được xếp vào thứ Cỏ linh. Đứng đầu trong tứ đệ nhất hương. Linh- Kì- Diên- Xạ. Giờ Hoàng cũng mới biết rãi cá nhà táng còn thơm hơn cả xạ hương cơ đấy. Hóa ra bên nước bạn họ chơi địa lan rất lâu và rất bền. Ngay cả các bức họa phong thủy hay trên gốm sứ từ cổ chí kim thấy khá nhiều hình địa lan “ỷ thạch khai”. Chả hiểu ông bạn Vũ tìm kiếm gì, khi trên mạng rao bán ầm ầm những cây địa lan từ rẻ đến đắt, hàng công nghiệp, hàng lai, hàng thuần các kiểu dạng hình, màu sắc xanh vàng hồng đỏ bắt mắt hơn nhiều cái thứ hoa nâu sồng bé xíu ấy. Vườn nhà Vũ thì chật kín cây, địa lan xếp sát nhau nom xa như ruộng lúa mà vẫn bỏ cả mấy năm trời, mất bao công sức và tiền của tìm một loài cây gì đó mang về, để tận mùa xuân nó mới nở một lần cho xem hoa. Mãi mà bạn hình như vẫn chưa thấy cây nào ưng ý. Khó hơn cả tìm người yêu giữa biển người. Áp têt năm ngoái, vẫn còn phải đưa gã vào tận trong thung sâu, để hắn tìm mấy bụi cỏ mang về. Chẳng biết năm nay cây ra sao, hắn bảo khi nào nở hoa, ới về cho ngắm và thưởng hương địa vùng Đèo Gió, nơi Hoàng công tác.
- o O o -
Trời chưa sáng hẳn, tối qua đi ngủ rõ muộn mà không hiểu sao nay thức sớm, cảm giác chộn rộn như thể lúc nhỏ hóng chờ chuyến đi tham quan. Tiếng gà xa xa rộn lên báo sáng. Mùi hơi ẩm của sương đêm cùng mùi ngai ngái của mẻ bùn phơi ngoài sân tạo cảm giác ấm cúng. Trời lạnh và có chút nắng nhạt thì mẻ đất luyện sẽ khô từ từ, dẻo và mịn, không bị nứt nẻ, khô vụn ra như mùa hè. Nghề chơi cũng lắm công phu. Nhiều khi người ta bắt gặp anh áo quần thư sinh đánh xe đi ra đầm hì hụi bới móc, tưởng làm gì mờ ám. Hóa ra móc bùn hoặc nhặt ốc nhỏ. Ốc ngâm cho hoai, ủ đến hết mùi rồi nhào luyện với bùn cho thật nhừ rồi dàn ra sân phẳng, cắt ô vuông như miếng bánh khảo. Bùn khô ấy xếp cất vào bao để dùng dần. Cầu kì hơn nữa là có cụ còn nung nhẹ qua lớp than củi cho chín tới xem xém. Đất bùn ấy xếp chậu lan vừa có độ kênh, xốp, thoát nước nhanh, giữ ẩm, giữ nhiệt và đẹp. Bề mặt chậu lúc nào cũng lên lớp rêu nhung tự nhiên xanh nhẹ không như giá thể khác. Cũng có khi anh phải đi xin trấu về ủ đống rồi hun như người ta đốt đống rấm, rồi thì gạch non, xỉ than tổ ong, thậm chí cả đá thấm thủy đắt đỏ để trộn giá thể. Ấy thế mà cây lan đôi khi cũng như người con gái, quen với quê rừng núi nghèo dinh dưỡng, về thuần chậu ăn ngon quá lại héo hon vàng úa. Các cụ xưa không những cầu kì về chăm sóc mà còn chăm về yếu tố tinh thần. Coi lan như người tri âm tri kỷ. Mỗi sáng rửa mặt xong thường lấy nước lau cho lá lan sáng bóng. Tâm tốt tính hiền thì cây sáng tươi mơn mởn. Những kẻ phàm tục, mồ hôi mặn có sở hữu cây quý thì cây cũng vì thế mà lụi tàn…Các cụ bảo cây vốn hiểu người. Chuyện cây lan Đào Cơ xa xưa kể lại một vi quan tầm được một loài lan quý nhưng hễ mang về trồng là chết. Sau này ông phải mời cây lan như mời một người bạn hạ sơn theo độ cao thấp dần. Vài ba năm, cây mới chiu làm bạn với người, và ông coi lan như một người vợ tần tảo, bỏ quê theo chồng. Được nâng niu chăm sóc, cây ngày càng tốt tươi, thắm hồng. Khi ông mất, người nhà cho cây chở tang, cho dù chăm sóc thế nào cây cũng úa vàng và đi theo chủ. Dường như cây và người cũng có mối giao cảm vô hình.
Mạc xuân đễ trồng hơn phong lan nhưng cũng không hẳn, hồi mới trồng địa, anh cũng đã hỏng mất khá nhiều cây. Mỗi lần như thế lại rút ra được những kinh nghiệm. Vũ không thần thánh hóa quá mức thú chơi địa lan như các cụ mà anh kết hợp giữa kinh nghiệm của người đi trước với tư duy của khoa học. Dù là người chơi “trẻ” nhưng khi nói về địa lan anh nắm khá vững và còn có các cảm nhận tinh tế hơn rất nhiều người chơi lâu năm. Cây địa lan vốn có ở nước ta từ lâu đời, nhưng nó ít đẹp và không phong phú như những cây hàng ngoại nhập. Trên thực tế, do người chơi địa ở nước ta không phổ biến bởi quan niệm loài lan chỉ dành cho bậc đế vương. Sau này vẫn chỉ số ít người được thừa hưởng những dòng lan cổ tư các cụ truyền lại, thế nên địa lan của nước ta không bằng các nước bạn. Số người chơi địa lan rất ít và thường là ở độ tuổi cũng cao. Chơi lan như một thứ dưỡng tâm chứ không như giới trẻ lao vào làm kinh tế một cách thực dụng
Vũ chỉ muốn tìm đuọc những cây lan đẹp, đặc trưng cho từng vùng miền để không chỉ mọi người trong giới chơi lan biết đến mà còn lan tỏa ra ngoài biên giới. Mấy năm đau đáu đi tầm lan, anh không biết bao lần hy vọng rồi thất vọng. Những cây được bộ lá thì hoa không đạt, có cây hương tốt nhưng cả hoa và lá đều có nhược điểm. Có những cây khi bắt xổ lần đầu, hoa rất đẹp nhưng nở lại mùa sau khác hẳn, khác từ màu đến dáng. Nhất là bắt những bông xanh vàng, nhìn cái nụ lúc bé xanh mơn mởn nhưng càng lớn càng sẫm, hoặc lưỡi có đốm, hiếm hoi lắm mới đươc một bông trơn xanh hoặc trơn vàng nhưng bộ cánh chưa hẳn đã đẹp. Hoa cánh bay thì gọi là Múa kiêu như bông Hoàng Vũ, cánh bầu bĩnh như cánh sen gọi là Sen. Hoa cúi mặt xuống gọi là “treo đèn” thì không ai chơi, rồi thì úp cần, gác cần…rất nhiều kiểu… Ấy là chưa kể đến màu sắc. Vũ chỉ muốn tìm một bông hoa có màu đỏ mà khó quá. Ngoài bông Trần Mộng có màu sắc hồng tự nhiên của rừng Việt thì Có một vài bông đỏ do những người tầm lan nở ra, nhưng nó cũng không ổn định. Năm thì cam, năm thì đỏ, khi đậm khi nhạt. Nhất là chụp dưới ánh nắng thì đến ngồng mặc nâu cũng trở lên thắm đỏ, lung linh…Những người mới chơi rất dễ nhầm lẫn và bị lừa bởi những người buôn kiếm lời. Nhất là với công nghệ bây giờ, đến da mồi tóc bạc cũng môt giây là thành bạch tuyết môi đỏ như son…
Năm ngoái, anh nhờ Hoàng dẫn vào thung sâu trên Đèo gió, nơi Hoàng đang công tác. Hoàng vốn làm kĩ sư mỏ địa chất ở đó, nên Vũ nhờ tìm xem chỗ nào chất đất có tính kiềm, độ PH từ 8,5 trở lên. Đất màu nâu sẫm hoặc đỏ, nhiều khoáng chất, vi lượng sắt nhôm và A xít cao thì hẳn hoa ở đó cũng vì thế mà có màu hồng đỏ. Vũ không trông chờ vào giấc mơ như vua Trần, và cũng không huyền thoại hóa một bông hoa theo cách người xưa mà anh tầm loài hoa hằng khao khát cho riêng mình bằng niềm tin và khoa học. Anh đang làm công việc bảo tồn những loài địa lan quý hiếm rừng Việt của các cụ truyền lại, và tầm thêm những cây lan quý để tôn vinh, khẳng định vị thế của thiên nhiên phong phú nước mình ra thế giới bên ngoài. Vũ phân loại lan theo từng vùng miền và đặc tính của nó. Mỗi cây lan quý hiếm vừa phát hiện đều được người ta đặt tên riêng như khai sinh đứa con ruột của mình. Đại diện cho một vùng đất nơi nó sinh ra. Như Hồng Thần Hà, Triều Châu Tố Hà, Đào Cơ, Hoàng Vũ, Thanh Ngọc…mà nhắc đến ai cũng đều biết.
Tiếng chim sâu ríu rít gọi trời sáng. Nu trầm rục đã cạn khói từ bao giờ. Vũ mở cửa bước ra sân. Làn hương thoảng lôi anh như chạy về phía cuối vườn. Anh từ từ quỳ xuống. Trong làn sương sữa mỏng, ngồng hoa nổi bật lên giữa lớp lá xanh. Bông hoa đầu tiên đã mở cánh. Cánh đài vươn cao, ngay thẳng. Cánh vai mở to, mại mềm như nét mày ngài thanh tú của mỹ nhân. Vũ xúc động, lặng người ngắm nhìn màu đỏ thắm như đôi môi thiếu phụ. Khi trải qua một thời gian dài xuống núi, thay đổi khí hậu và địa chất, không những phai mờ đi mà còn đậm đà thêm. Ngồng hoa như làm bằng ngọc hổ phách, trong vắt giữa sương lành…Một cái tên chợt vang lên trong đầu, Vũ buột miệng gọi tên cây mạc xuân quý: Chu Ngọc Tần. Phải rồi, cây hoa như người thiếp yêu, chỉ sau người vợ hiền. Người thiếp có màu môi thắm đỏ như ngọc quý.
Phía xa, tiếng người đi chợ sớm trên con đường nhỏ ven ruộng râm ran. Cánh đào nhỏ đã rưng rưng xòe cánh. Chốc nữa Vũ sẽ đưa Chu Ngọc Tần lên chiếc đôn chậu đẹp nhất, mang vào để chưng trong nhà chờ đón giao thừa.
Vũ hăm hở rút điện thoại, nhấn nút gọi. Chưa kịp nói gì, đầu bên kia đã thấy giọng cười: Hoa nở chưa, để chốc tôi sang hít hà hương thơm!
Kết Thúc (END) |
|
|