Tôi lại mơ mình trở về nhà, ngồi trên bậc thềm, chân thõng xuống mặt sân. Mặt sân trải rộng, hầu như không có nắng, trên giàn phủ kín các loại thân leo. Mỗi trưa nắng, bố thường kéo khung võng ra sân nằm tòn ten, vừa rít thuốc vừa nghe radio.
Bố chăm vườn để giữ lại cảnh cũ.
Dạo này bố già đi nhiều. Trái bưởi vàng rụng bộp xuống gốc. Tôi ra lụm mới thấy bố đang lúi húi ngoài liếp cao. Hình như bố đang bọc một trái mít. Nắng chiều hắt vào người bố, tia chói, nhợt màu sau một trận mưa trưa lớn và kéo dài.
Tôi về đến nhà sau cơn mưa. Ngồi thẫn thờ ở bậc thềm. Chỉ mong má sẽ gọi từ cửa sổ vọng ra: Nhiên mới về à con. Bố từng ngồi như thế và đã nghe má kêu: “bố Linh”, chứ tên thật bố là Định. Bố má tôi thường lấy cách gọi của con cái ghép với tên chị Hai để xưng hô với nhau. Bà nội bồng bố vô Nam vào cái ngày mà sau này nhiều bạn bè hay ghẹo tôi là “Bắc Kỳ chín nút”. Trước đó vài tháng, ông nội bị rắn độc cắn chết trong lúc đang cày ruộng. Cả làng cả xã đi nên mình khăn gói theo đi, bà bảo thế.
Bố lớn lên ở Sài Gòn. Hồi bà nội còn sống, đêm nào bà cũng vừa quạt cho chị em tôi vừa khoe về thành tích học tập của con giai bà. Theo lời bà thì bố tôi thông minh, sáng láng, học ít chơi nhiều mà phần thưởng lúc nào cũng xếp cao hơn người. Có học có hơn các cháu ạ! Chả vậy mà sau đỗ tú tài, bố chúng mày được tuyển thẳng vào không quân, đóng tại sân bay Tân Sơn Nhất. Hồi ấy, bố chúng mày suýt nữa thì được làm phi công đấy. Trai tráng, to cao, lại học giỏi mà. Rồi bà nghe bảo chỉ vì vết sẹo nơi thái dương tí ti mà bị đánh trượt. Bố điều khiển được cả dàn máy IBM, nghe đâu, đó là hệ thống máy văn phòng hiện đại nhất lúc bấy giờ của Mĩ. Lương bố đủ nuôi cả gia đình, sáng đi làm có xe rước tận ngõ. Cuộc sống sung túc cho đến ngày… Bà bỏ dở câu nói, thở dài, tay ngưng quạt. Ngoài bàn, bố ngồi rít thuốc lào, khói tỏa lan quanh…
Giỏi nên má con mới lấy bố chứ! Chị Hai nằm ngoài mép giường chêm vào. Má chúng mày lấy bố chúng mày vì nghĩ cũng được sướng, không phải làm gì, không sợ thành góa phụ. Sao không sợ thành góa phụ hả nội? Thì bố mày ngồi văn phòng, có phải cầm súng ra trận đâu. Ngày đó, nếu tao không dọa cắn lưỡi tự tử, bố mày đã đi theo Việt Cộng. Có khi rũ xương lâu rồi, làm gì có chúng mày bây giờ.
Cho đến ngày…
Ngày mà theo bố kể lại là trời đất cũng làm một cuộc chuyển giao. Lính Cộng hòa cởi giáp, nón sắt vất đầy đường. Âm âm, u u một màu mây xám. Sài Gòn nửa vui nửa buồn nên không mưa cũng không nắng. Chỉ có gió xé rách tươm những lá cờ vừa được xếp đống sau nhiều năm hiên ngang giữa bầu trời thành phố.
Lúc ấy trời đã vào hạ, đầu mùa mưa, đất trời chuyển mùa nên mới như vậy á!
Vào những ngày tháng Tư của một năm không xa, tôi đã thêm vào sau câu chuyện kể của bố. Khi đó dù có đang mê mẩn ở vùng đất xinh đẹp nào, tôi cũng sẽ trở về nhà. Mà không chỉ riêng tôi, các chị cũng đều về với bố. Lúc nhỏ, vào ngày này, tôi thường thấy bố thật buồn. Trong khi ti vi đưa tin sôi nổi, hàng loạt các phóng sự về sự kiện lịch sử vĩ đại, hàng bao ánh mắt vui cười, hào hứng nói về nó, cờ hoa rợp trời, người người nô nức hát ca thì bố ngồi im lìm. Chiếc loa gắn trên cột điện trước cổng nhà phát dày đặc các chương trình chào mừng. Lá cờ bố treo ngay cổng gió quất phần phật, chực rách. Vài năm trước, tôi đã thấy nó bạc phếch, mép tua rua, xơ xác. Dịp Tết, tôi đã mang về một lá cờ mới, đặt ngay trên bàn bố hay ngồi uống trà. Trời cứ chuyển cơn, một màu mây xám đục giăng quanh nhà, bố lại bảo: Bao nhiêu năm nay trời đất vào ngày này vẫn vậy. Những lúc như thế tôi chỉ muốn mình có phép thuật để khiển nắng chiếu rọi chói chang xuống khoảng sân nhà tôi. Nếu không được thì cứ làm một trận mưa thật dữ dội, trút sạch, trút hết, nếu có thể hãy mang cả rong rêu trên khoảng sân mà nắng có gắng mấy cũng không thể xâm phạm đến. Những mảng rêu ương bướng phủ đến bạc màu qua tháng năm. Nhưng trời vẫn u ám, họa chăng lất phất vài giọt như bào chữa, như cổ vũ cho suy nghĩ trong bố thêm vững vàng.
Nỗi khó khăn, cay đắng của cuộc sống sau này, bố đổ hết cho cái ngày mà bố gọi là ngày định mệnh. Bởi hôm ấy, bố còn chưa kịp làm thủ tục lãnh lương cho vợ và hai con. Bởi vì bố chưa chuẩn bị gì cho một biến thiên thời cuộc, và vì bố chưa kịp chấp nhận được sự thật khi hai đứa con thơ không chịu ăn cơm, khóc đòi sữa Mĩ. Bố mang cả nhà chạy trốn về miền Tây, chạy trốn một sự truy vết mà người ta đồn thổi rằng nếu ra khai báo sẽ phải cải tạo đến chết trong trại. Sự sống quý giá biết bao, hơn nữa, bây giờ bố còn là rường cột của mẹ già, vợ trẻ và hai con thơ. Phải đi để chờ ngày trở về. Những cuộc chạy trốn tủi nhục và nguy hiểm ở Campuchia càng nuôi thêm nỗi sợ hãi, lo lắng và hoang tưởng. Những ý nghĩ lệch lạc. Hối hận và dằn vặt. Trách đời và trách cứ mình. Có đêm giữa rừng, nằm nghe muỗi đốt mà nhớ lại cảnh đã bước một chân lên cửa khoang phi cơ lại thụt xuống vì tiếng bà nội khóc lóc vang vang bên tai: Có chết cả nhà cùng chết. Qua bên đó, nửa vòng trái đất biết ngày nào gặp lại. Giá mà có thể buông bỏ tất cả, giá mà chả vướng bận gì… bố luôn nghĩ thế mỗi lần nhớ đến cảnh ấy. Có những đêm tháng Tư, khi khói đốt đồng chưa tắt tràn vào gian nhà, bố ngồi bàn vừa rít thuốc vừa kể cho chị em tôi nghe, mắt đứa nào cũng cay xè. Bây giờ cũng tốt mà bố. Tôi hồn nhiên pha vào câu chuyện của bố.
Tốt thì má Linh đâu có chết sớm vậy. Bố đã để má tụi bây một mình nuôi hai đứa con, một mẹ già ở chốn quê kiểng này khi trong người không có tiền, không nghề nghiệp, không vườn ruộng. Má Linh đi cắt lúa mướn, người thạo ngày cắt được một công rưỡi, người giỏi, khỏe mới hai công, bả chưa biết cầm lưỡi hái mà cũng cố được một công, mùa nước thì đi đẩy tép, đẩy cá. Có những đêm mưa dầm… Lúc bố nhận được tin chính quyền không bắt bớ nữa, trở về nhà thì bị nổi mụn độc, phải chạy vạy chữa trị khắp nơi, tưởng chết, rồi sốt rét rừng, người run bật lên dù đắp mấy lớp chăn, ra viện rồi vào viện. Cái đoạn chục năm sau thống nhất, chính quyền kêu gọi người có trình độ ở chế độ cũ ra đóng góp cho đất nước, bố đăng kí đi làm giáo làng. Họ phân công đi dạy tuốt Miệt Thứ, năm được về nhà vài bận, đồng lương èo uột, lúc đó có thêm con Tư rồi, nhà cửa con cái nheo nhóc, mình bả. Nghĩ tới nghĩ lui, bố quyết định nghỉ. Mình đi dạy dỗ con người ta, còn con mình ở nhà chơ vơ, cháo váo. Nhờ vậy, tụi bây mới được ăn học đàng hoàng, có nghề có nghiệp. Nhờ vậy mười năm sau mới có út Nhiên hả bố? Ờ. Má Linh đã gần bốn mươi mới mang bầu mày. Bố lại kể tiếp. Nhà thiếu trước hụt sau, bố má xoay sở đủ nghề để nuôi các con ăn học. Vất vả, tằn tiện, vun vén cho gia đình nên má Linh mới bệnh. Rồi có bệnh lại giấu. Khổ! Thấy nhà không tiền mà con cái còn đang học nên giấu luôn kết quả xét nghiệm. Lúc đó nếu chữa trị kịp thời thì đâu đến nỗi… Đằng này…
Tiếng thạch sùng tặc lưỡi trong đêm.
Bố bỏ lửng câu chuyện để châm điếu thuốc. Không biết do cô đơn hay tiện dùng mà “đô” ngày một tăng. Nhất là từ sau ngày má mất. Những đêm một mình trong căn nhà thênh thang gió, bố đốt thuốc nhiều hơn. Khói thuốc quẩn quanh, bàng bạc vờn trên mái đầu sương giăng. Già rồi, người cũng mỏng manh. Ngày đưa má ra đồng, mưa như trút. Trời khóc thương cho một số phận, dù số phận ấy không hiếm lắm trong các bà, các mẹ ở khắp làng quê Việt. Nhưng lí lẽ đó vẫn không an ủi được, xoa dịu được đớn đau trong lòng chị em tôi. Chị Hai gào thét ăn vạ trong đống bùn đất khi chúng đã vùi lấp má, tôi và chị Tư chết ngất, tỉnh lại đã thấy năm bố con ngồi thẫn thờ ở bậc thềm hóng ra ngõ. Trời đã dứt mưa, nắng gắng gượng xiên qua vòm lá. Sân nhà rêu bị giẫm đạp toe toét. Ở quê, những chiều hoàng hôn sau mưa thật buồn. Cả tuổi thơ, tôi luôn háo hức, chờ mong nắng hửng lên sau cơn mưa, dù đã trời chiều, dù một chút thôi, dù là yếu ớt. Thường là cầu vồng xuất hiện, thường là ra vườn lượm quả, thường là bắt cá rô ngóc lên từ miệng ao hay chỉ để thấy nắng tỏa lên trên vòm lá những sắc màu ấm áp, lóng lánh. Chỉ cần thế, rêu phong cũng sẽ không còn nhiều cơ hội mà lũ lượt phủ lấn sân nhà. Để sáng hoặc chiều, nắng còn có chỗ nhảy múa hay làm ấm lên, nóng lên những nơi tôi tha thiết nó len lỏi tới. Tôi đã luôn khao khát như thế. Những vạt nắng tỏa xuống khu vườn nhà, chút nắng chiều thật quý giá. Các con cứ yên tâm, bố ở một mình vẫn ổn. Các con có gia đình riêng rồi nên cũng phải về thu xếp công chuyện gia đình, rồi công việc, con cái; con Nhiên cũng phải lên tỉnh, nghỉ làm nhiều ngày rồi. Với lại, lòng bàn chân có cái mụn ruồi tổ chảng, kiểu gì mà ở nhà với bố được! Chị Ba mắt ứa nước, nhìn bố, chép miệng. Tiếng phật cánh thật mạnh của đôi cú mèo trên ngọn chuối nghiêng xuống miệng ao. Hình như có buồng chuối già đang chín bói. Chiều muộn, vài giọt nắng tắt, khu vườn lao xao, gió rượt đuổi rồi thốc mạnh vào hiên nhà. Cành dừa cạ vào mái tôn xào xạc tưởng như người vẫn ngồi đón đợi gió. Vài quả chín trong vườn rơi lộp bộp. Trên các vòm cây chim chóc lũ lượt bay về kêu inh ỏi. Bố vào bếp xúc chén lúa, rải xuống khoảng đất trống trong vườn.
- o O o -
Từ ngày má mất, bố sống lầm lũi hơn. Khoảng sân nhà ken dày thêm lá. Bố nằm võng hút thuốc, nghe radio. Chiều xuống ra nhổ đám cỏ quanh gốc bưởi hay ném ít phân cho hàng dừa, tỉa nhành mai rồi vào xem thời sự, nghe tin tức. Bố ăn uống đơn giản, rau trái quanh vườn và trong tủ thường tích trữ đồ hộp, sữa. Những thức ấy, mỗi bận về nhà tôi thường mua. Người già thích ăn cá, ăn rau; bố lại cứ thích ăn thịt hộp, phô mai, bơ sữa. Tôi lạu bạu khi xếp những thứ đó vào tủ lạnh, chả phải tiếc tiền hay tiếc công mang về mà thấy bố bị cao huyết áp và cả tim mạch. Tôi vờ như nói với người yêu nhưng cố ý để bố nghe thấy. Tuyệt nhiên bố không trả lời, hệt như khi tôi khuyên bố cai thuốc lá.
Đó là người yêu thứ hai tôi mang về thăm bố. Người đầu là khi má tôi còn sống. Lúc ấy, má đang nằm viện. Hai đứa đảo về nhà xách giỏ dừa bố đã lột vỏ sẵn mang ra cho má uống. Việc má đi viện nhiều khiến cả nhà lo nhưng lâu dần cũng thành quen. Tâm lí mọi người thoải mái hơn, thế là chăm ở viện thì thay phiên các chị gái, còn các anh rể vẫn tụ về khề khà với thằng em cột chèo tương lai. Bố không uống, chỉ cụng li cho có phong trào và… để hỏi chuyện. Từ sau thống nhất, bố quên hẳn việc uống rượu, như cách ông trả lời bao lần khi tôi hỏi, ông bạn phi công Mĩ của bố ấy tên gì? Ổng còn sống không bố? Con thích cái đoạn bố kể máy bay luồn vào giữa hai vách núi, cảm giác thật… yomost. Rượu mạnh nhất trong bar lúc ấy là loại nào? Cái hộp đêm bố vào chơi hằng đêm ấy, có tên gì hả bố?
Tôi xách rổ ra vườn, kêu thằng cháu trèo lên cây bẻ ổi cho dì. Nhà nó cách nhà ông ngoại hơn cây số. Bố kể nó hay chạy xe đạp ra ông suốt, sục sạo trong vườn, tiếp ông giữ thang, hái trái. Tôi đưa rổ lên hứng những quả ổi sóc thơm lựng, dò hỏi nó: Con ra chơi, thấy ông ngoại có ở nhà thường không? Ông ở nhà không hà. Chừng nào út Nhiên về mà không thấy ngoại là út biết rồi á! Biết gì? Thì biết ngoại đã được các chú công an nuôi cơm. Ba con nói vậy. Tại ngoại toàn nghe mấy đài nói xấu chế độ không hà, tiếng Tây tiếng ta đủ ráo trọi. Nãy con từ nhà bếp bước lên phòng khách chỉ nghe được câu “Trăm sự nhờ anh” cứ như ngoại gả được út rồi gửi gắm cho dượng. Để con vô trỏng nắm tình hình. Nó trượt xuống đất rồi chạy thẳng vào nhà. Cái thằng lớn lên chắc làm tình báo quá.
Tôi đưa mắt theo nó vào khoảng sân. Rất nhiều cánh chuồn chuồn la đà đậu trên giàn hoa đậu biếc. Mùa nào, tháng nào mảnh sân nhà cũng rợp lá và xanh rêu. Mát và ngợp là thứ cảm giác khiến tôi luôn chạy trốn ra khu vườn. Bố luôn ẩn mình trong khoảng sân râm mát ấy. Nằm võng và nghe radio. Đấy! Cấm có sai, năm nào ngày này trời cũng âm u. Nay lại còn mưa lắc rắc. Thằng cháu kể tiếp. Ông ngoại nói vầy với dượng. Rồi ngoại nói nhiều chuyện lắm. Chuyện gì? Ngoại bảo: Anh cũng được đào tạo ở Mĩ à? Bao lâu vậy? Anh không biết đâu chớ tôi ngày ấy là thiếu tá đấy. Thiếu tá Quân lực Cộng hòa to lắm chứ đâu phải đùa. Tôi được qua Mĩ học tập vài tháng để điều hành máy tính. Bọn sĩ quan Mĩ cái gì cũng giỏi chỉ trừ học tiếng Việt. Tôi nhạo họ học mãi mà không nói được một câu tiếng Việt ra hồn. Bọn Mĩ hỏi ra hồn là gì? Đấy, đã bảo các anh không nói được câu tiếng Việt ra hồn mà. Bọn Mĩ hay rủ tôi vô vũ trường. Ngày trẻ, tôi uống rượu như uống nước. Bọn mắt xanh mũi lõ cứ tròn miệng nhưng lịch sự, tinh tế và sòng phẳng. Ví như khi vào bar uống rượu, thằng nào uống gì trả đó. Nếu nó mời tôi, nó sẽ trả luôn phần của tôi. Còn thằng khác kệ dù đi chung. Những khi chiến sự bớt căng thẳng, bọn nó rủ tôi bay. Có khi máy bay vút lên bầu trời, lạng cánh vào giữa hai vách núi, tôi đánh đùi, cười phớ lớ. Tên phi công liếc qua tôi, gật gù. Nhưng là tôi cười gượng, không dám nhúc nhích nhiều. Bọn nó đâu biết khi máy bay nghiêng cánh vào giữa hai vách núi, tôi đã són đái ra quần rồi. Ông ngoại kể xong cười ha ha ha, xong ho sặc sụa vì không kềm được sự khoái chí á út. Giờ thì hai người chuyển qua giao tiếp bằng tiếng Anh, y như ở lớp con cô Anh văn kiểm tra phần giao tiếp. Con nghe lùng bùng lỗ tai nên chạy ra đây.
Trong nhà vọng ra tiếng cười nói. Có vẻ, bố rất hài lòng vì người yêu thứ nhất của tôi đang làm việc cho một tập đoàn của Mĩ có chi nhánh tại Việt Nam.
Sau này khi biết bọn tôi đã đường ai nấy đi, bố bảo: Sao con không lấy nó, lên đó sống, lâu lâu bố có dịp thăm lại Sài Gòn. Mà có khi, công ti điều động nó qua Mĩ, con được đi cùng, bố có dịp trở lại Mĩ. Tôi thấy bố già rồi nên lẩn thẩn chăng, vì muốn qua Mĩ thế sao ngày đó bố không làm thủ tục chứ!
- o O o -
Số phận. Bố thốt ra câu ấy sau một hơi thuốc, phả khói, ngẫm ngợi về cuộc đời của mình. Người già thường hay ôn chuyện xưa, nhớ về ngày cũ. Thật ra, tôi cũng không hiểu bố nhiều. Năm tôi học cấp ba, một buổi trưa đi học về, tôi thấy nhà rôm rả. Lúc ăn cơm mới biết đó là đồng đội của bố. Bác ấy đến vừa tạm biệt vừa để thuyết phục bố làm thủ tục xuất ngoại theo diện HO. Sau buổi đó, bố nhiều đêm thao thức, tàn thuốc rơi phủ thành lớp bụi mờ xám quanh ghế. Một đêm, khi tôi đang ôn bài thi tốt nghiệp, bố hỏi tôi: Con có muốn sang Mĩ sống không? Tôi bảo bố má muốn cứ đi, con sẽ ở lại. Thú thật, ngày ấy tôi đã thích một anh bạn gần nhà nên nhất quyết không muốn đi đâu. Còn bố, có phải do câu trả lời của tôi không mà đến nay bố vẫn nằm võng dưới khoảng sân rợp bóng, nghe radio và hút thuốc.
Tôi đưa người yêu thứ hai về thăm bố sau nhiều năm chia tay anh bạn làm cho công ti Mĩ. Rút kinh nghiệm lần trước, tôi không báo cho các anh chị biết. Lẳng lặng về trong một buổi chiều. Tôi đưa anh ghé thăm mộ má trước, chẳng phải ra mắt gì nhưng vì đường về nhà sẽ phải đi qua nghĩa trang trước. Má nằm mát mẻ giữa bao la cánh đồng. Lúa đương làm đòng mà phía chân trời đang đùn lên tảng mây xám mỗi lúc lan rộng ra. Chả sao, những cơn mưa mây mát lành. Trên bia, má đang nhìn tôi mỉm cười. Gió rượt đuổi thành từng đợt sóng trên lúa. Hơi nước lành lạnh thổi vào mặt. Tôi nhổ vội vài cọng cỏ lún phún quanh chân mộ rồi về nhà. Lòng nghĩ, có lẽ, má cũng đang thanh thản giống như lúc ngồi bên cửa sổ hóng gió thổi trên những tàu dừa.
Chúng tôi về đến ngõ thì trời ào mưa. Cẩn thận, sân nhà em nhiều rêu lắm! Tôi dặn người yêu khi bước xuống mở cổng cho anh chạy xe vào. Bố đang loay hoay đóng các cửa vòng quanh nhà. Tôi chào bố rồi đi vào bếp, chất các hộp thịt, bơ và phô mai vào tủ, quét dọn nhà cửa và nấu cơm chiều. Lòng gợn chút lo lắng…
Cơn mưa nặng hạt, không dài mà kéo buổi chiều đến sớm hơn. Vẫn như ngày thơ bé, tôi xách rổ ra vườn sau, mặt lá lấp lánh gọi mời. Sau mưa, mùi hương từ quả chín bớt nồng nhưng lại dễ nhận ra nhờ sắc màu rất thật trên lớp vỏ, nhất là khi có vài tia sáng chiếu vào. Tôi ngửa mặt lên vòm cây tìm quả. Vài giọt nước còn sót lại trên cây óng ánh rớt xuống mặt mát ngọt. Sẽ là những giọt nước thật khác nếu sau đó trời không hửng nắng lên, nuốt vào miệng sẽ thấy vị tanh tanh, lành lạnh. Cả tuổi thơ tôi vùi trong khu vườn, vui thú ăn trái chín và hớp những giọt nước đọng trên cành lá sau mưa. Cảm giác ấy vẫn nguyên vẹn. Cây cối vườn nhà vẫn đang reo, vẫy mừng tôi về thăm. Lũ chim lại chao liệng, đủ thanh âm của muôn loài cư ngụ trong khu vườn bắt đầu cất tiếng…
- o O o -
Những khi ở phố, nửa đêm thức giấc, tôi nhớ nôn nao quê nhà. Thèm nghe một tiếng gà gáy đêm hay tiếng côn trùng đủ loại thi nhau ta thán sau một trận mưa chiều. Đó là tâm tư của người phố. Còn bố, những đêm như thế, tôi lại thấy bóng bố in lặng vào tường, khói thuốc quện lại như mây bạc, vờn quanh rồi từ từ tan ra mất hút, chỉ còn khoảng không mênh mông bao lấy một dáng hình cô độc.
Có lẽ tôi nhớ quê nhà quá mà mơ được trở về, đã hơn tháng bận việc. Vả lại, tôi chưa biết phải đối mặt thế nào với bố. Tôi đã vật vã nhiều đêm mới quyết định đưa bạn trai về gặp bố vì bạn trai tôi bây giờ là bộ đội.
Trời đã sáng. Mấy năm nay, bố yếu đi nhiều, lại sống một mình nên tôi gắn camera để yên tâm hơn. Chắc đêm qua mưa lớn, những chiếc lá trong vườn còn nặng nước, gió thổi rơi rào rạt. Vài trái bưởi vàng ươm còn lủng lẳng trên cây, bố neo nó để đợi tôi về mà. Khoảng sân vẫn ken dày lá. Bởi vậy hôm nay trời có nắng chan chát thì bố vẫn đúng khi nói ngày này năm nào trời cũng âm âm, u u. Tôi xoay camera ra mép ao thì thấy bố. Bố đang xé thịt từ trong cái hộp tròn, đúng cái hộp thịt lần trước tôi mua về, để mắc vào cần câu. Dưới gốc ổi bố ngồi, con chó đang gặm xúc xích. Và xa hơn, phía chuồng heo, con mèo thong thả liếm lưỡi trong cái hộp còn rõ hình khoanh thịt.
Hôm qua khi xem camera vào buổi trưa, tôi không thấy bố nằm võng mà đang ngồi ở bàn. Bố lần tay lên từng chữ của tờ báo rất xưa cũ, màu vàng ố và nét chữ hoen nhòe. Tờ báo khẽ rung rinh trong tay, mở ra rồi xếp lại, rồi lại mở ra. Camera chạy theo độ ngập ngừng động tác của bố đến năm phút. Sau năm phút đó, vai bố nhô hẳn lên vài nhịp, bố gỡ kính, đưa tay quệt ngang đuôi mắt. Camera không soi rõ nét. Lẽ nào nó là món quà anh ấy mang về tặng bố? Tôi đã gặng hỏi trên đường đi nhưng anh ra vẻ bí mật và đến giờ chúng tôi vẫn giận nhau. Bố xếp tờ báo lại, bọc nilon bên ngoài, đặt vào cái hộp ánh kim, bọc nilon lớn bên ngoài cùng, đúng món quà của bạn trai tôi. Bố vuốt đi vuốt lại vài lượt trên mặt hộp, rồi mở tủ cất. Bố tựa lưng vào ghế, tay chân buông thõng, bao thuốc lá nằm im trên bàn.
Tôi tắt camera. Điện thoại báo vừa nhận một email. Tôi check mail và đọc thư:
Em yêu! Anh gửi em bản dịch cuốn nhật kí mà bố anh lúc còn làm phóng viên chiến trường đã vô tình lượm được của một phi công Mĩ tử trận.
“Ngày… tháng… năm…
Giờ là nửa đêm. Tiếng chuông từ nhà thờ Đức Bà bỗng vang lên, tôi nghe đủ chín tiếng rời rạc. Vài li Martell không đủ làm tôi say giấc. Có lẽ tửu lượng tăng, hay tiếng chuông quá thảng thốt giữa đêm giới nghiêm này. Một nữ linh hồn vừa ra đi, là Maria, Anna, Teresa… Tôi làm dấu và nguyện xin Chúa xót thương linh hồn vừa mới qua đời. Chắc là một bà cụ. Tôi ngờ thế và nhớ mẹ kinh khủng.
Nếu không là nửa đêm, tôi sẽ đề nghị Định đưa tôi về nhà hắn. Lâu rồi, tôi cũng gọi mẹ hắn bằng mẹ. Sống giữa Sài Gòn hoa lệ, mẹ hắn vẫn mang đặc trưng của một bà mẹ nông thôn Việt Nam. Tóc tết lại vấn vào khăn gọn vòng quanh đầu. Quần đen ống thấp ống cao. Lần nào chào tạm biệt, bà cũng chạy theo ra đến cửa, rồi ôm tôi. Bà nhỏ bé đứng chỉ đến ngang bụng tôi, tôi cúi xuống, tay chạm vào phần xương sống nhô ra giữa lưng, cong cong. Cảm giác thân thương, gần gũi như đang ôm mẹ tôi ở nhà.
Những cô gái Việt ở Slaf bar hay phục vụ trong NCO Club, họ sành điệu và táo bạo. Khi viết những dòng này, tôi vẫn nhớ như in ánh mắt e thẹn của vợ hắn mỗi lần gặp dù tôi không còn là khách lạ. Cô ấy trông xanh và gầy. Hai bé gái bụ bẫm quấn lấy tôi, sờ mắt, sờ râu, cười khúc khích. Tôi đã gặp những trẻ em Việt trên đường phố Sài Gòn, hầu như chúng đều tỏ ánh mắt sợ hãi và tìm cách chạy trốn khi tôi hỏi hay có ý đến gần. Hai bé con khiến tôi nhớ con tôi. Có lúc tôi cũng cảm thấy ngưỡng mộ và ganh tị với hắn. Đơn giản, hắn đang được sống trên quê hương mình và bên cạnh những người thân yêu.
Ngày… tháng… năm…
Lúc trưa gặp hắn ở NCO Club, tôi chủ động đến ngồi ăn chung. Khay đồ ăn trưa của hắn gồm cơm trắng, rau xào và cá chiên. Vẫn câu cũ: Người Việt chúng tôi ăn cơm mới chắc bụng. Tôi không hiểu cái lí lẽ ấy vì bánh mì, đùi gà và salad hàm lượng chất dinh dưỡng nhiều hơn. Nhưng mặc kệ. Chúng tôi tôn trọng sự khác biệt của nhau. Tôi rủ hắn buổi tối đến Slaf bar uống rượu, tiếp viên ở đấy toàn mĩ nhân tựu về. Uống rượu và ngắm gái đẹp. Giữa rực rỡ ánh đèn, người ta quên tiếng bom và cái chết. Tưởng như nó ở đâu xa lắm, không tới được nơi này. Hắn đến lúc bài hát “The house of rising sun” bắt đầu, ban nhạc The Beatles đã cất giọng và hắn cũng hát theo. Khi chai Napoleon cổ xám đã cạn, mắt hắn lừ đừ. Tôi hỏi hắn ổn không. Hắn gật đầu. Chúng ta đang phạm kỉ luật nhà binh anh biết không. Hắn cũng gật đầu. Sau này, tôi biết hắn có chiêu vừa uống vừa ngủ và khi tỉnh hẳn là hết say. Hắn mở hộp Ruby Queen, lấy ra hai điếu. Tay trái hắn đưa thuốc lên miệng tôi còn tay phải mở nắp Zippo bật lửa. Hắn biết rõ khi đó tôi cần một hơi thuốc như một sự xoa dịu. Tôi ra hiệu cho phục vụ quầy lấy chai whisky. Uống được hết li thứ hai, tôi và hắn cùng say thật. Khi ấy, dường như bar đang mở bài “California”. Tôi bật khóc vì nhớ nhà. Hắn ôm vai tôi vỗ về ngay cả khi đã ngồi trong xe giống như hôm ở Night Club Lê Văn Lộc, khi Lệ Thu hát Hạ Trắng, hắn kể rõ hoàn cảnh người nhạc sĩ sáng tác bài hát này. Tôi bật khóc. Cảm giác của sự chia li khiến tôi sợ hãi, linh hồn tôi sẽ không được an ủi vì không có người thân lúc lìa đời.
Hắn hiểu tất cả. Tối nay khi tiếp viên rót li đầu tiên, hắn đưa li rượu ra trước mặt, bộ dạng tôi bỗng nhỏ bé thu gọn trong tròng đen nghiêm nghị và chân thành của hắn. Mỗi lần nhìn tôi như thế, tôi biết hắn nghiêm túc. Hắn bảo tôi cứ yên tâm, nếu lỡ không may… hắn sẽ… Rồi hắn với vẻ mặt tinh quái, cười hỏi tên thánh tôi là Judas Iscariot phải không…”
Em à! Cuốn nhật kí chỉ còn một phần ấy ba anh đã nhờ người dịch và cất giữ mãi. Nhiều năm sau, ba xin tổng biên tập đăng lên báo. Trước hôm về thăm bố em, khi tìm tài liệu ở tủ sách trong nhà, anh tình cờ đọc được. Linh tính cho anh biết nhân vật được nhắc đến trong cuốn nhật kí này và anh nghĩ sẽ chẳng còn món quà ra mắt nào ý nghĩa hơn. Cuốn nhật kí ấy ba đã tặng bảo tàng Chứng tích Chiến tranh của thành phố. Bố em vừa điện thoại cho anh, bố muốn gặp ba anh. Những con người cùng thời, và anh tin, họ có thể đồng cảm, sẻ chia dù mỗi người từng ở bên một chiến tuyến.
- o O o -
Tôi không nghĩ nhiều những lời người yêu nói. Trong tôi, bố đã là tượng đài. Tượng đài ấy vẫn sừng sững dù bao năm thế cuộc có xoay vần. Như mảnh sân nhà bao năm không nắng, rêu phong phủ dày. Tôi rất muốn phá song lại cố bảo vệ. Mà chẳng phải riêng tôi, má đã dành chút hơi thở còn lại để căn dặn chị em tôi không được để bố biết việc bác sĩ nói, phổi má bị khô phần nhiều là do bao năm qua ngửi khói thuốc lá.
Kết Thúc (END) |
|
|