Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Người Ở Rừng Tác Giả: Lê Đức Quang    
     Ngôi nhà cấp bốn của ông Yên nằm vắt vẻo trên sườn đồi gần Trại giam. Xung quanh vườn nhà, những cây xoài, cây mận, cây mít, nhiều loại cây ăn quả. Xa hơn một chút, bốn bề là những cánh rừng xoài, rừng mía, là cánh đồng ruộng lúa. Từ đằng xa, ngôi nhà bao phủ bởi một màu xanh ngát. Ở đây sương nhiều, thời tiết luôn mát mẻ, thỉnh thoảng có những đám mây đậu vắt ngang qua mái nhà, lúc ẩn lúc hiện, ngôi nhà mờ ảo trong sương khói. Từ khu dân sinh sống đến căn nhà của ông Yên phải vượt qua mấy ngọn đèo.
    Ở trong nhà có hai vợ chồng già, đó là ông Yên và vợ, tuổi đã trên sáu mươi. Mọi vật dụng sinh hoạt trong gia đình đều đơn sơ, làm bằng gỗ, cũ kỉ đến độ dùng lâu năm gỗ bào mòn lên nước bóng loáng. Có ba thứ có thể gọi là tân tiến: Một là cái điện thoại đời cũ, chỉ dùng để gọi và nghe con cháu khi cần. Hai là cái tủ lạnh để chứa thức ăn. Ba là cái ti vi, đây cũng là cái kênh ông bà tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Hàng ngày, ông bà lục đục lo chăm mấy con dê, mấy con heo mọi, đàn gà, mấy con vịt xiêm, ao cá, ngoài ra còn làm thêm hai sào ruộng lúa nước. Làm việc cho vui tuổi già vậy, chứ ông có sổ hưu sống thong thả, hơn nữa nhu cầu ăn uống không nhiều, chủ yếu con cháu bạn bè đến thăm có cái ăn tươi sống. Nhà cách xa chợ, cuối tuần con cháu về thăm mua thức ăn biển lên để đầy trong tủ lạnh, còn không ông bà tự túc thức ăn xung quanh vườn. Cuộc sống ông bà giản dị, thầm lặng, yên bình gần như tách biệt với thế giới hối hả bên ngoài. Với lớp trẻ mơ mộng, nhiều hoài bão lớn, có thể không sống được cảnh hoang vu nơi đây, còn với ông bà được sống với màu xanh núi rừng chim chóc là niềm hạnh phúc.
    Sáng dậy, bà vừa đứng trước sân rải bắp cho gà ăn, vừa nói: “ Hôm nay thứ bảy rồi, không biết trưa nay, ngày mai con cháu có lên đây không?”. Ông Yên đang ngồi trên lán bên cạnh nhà, uống trà, chăm mấy chậu lan rừng, vừa cho chim cu cườm ăn. Cái lán này cất cao như cái nhà chòi canh gác, có bậc tam cấp, trên lợp tranh, dưới sàn lót gỗ, có cái bàn nhỏ cũng là nơi tiếp khách. Ngồi ở đây mùa đông cũng như mùa hè, gió lồng lộng, mát rượi, có thể ngắm bao quát mọi thứ xung quanh từ góc độ trên cao. Ông Yên chậm chậm đáp: “ Hết đồ ăn rồi à?”. Bà Yên: “ Không phải, đồ ăn còn cả tủ lạnh đó, ăn sao hết. Tui tính bắt con gà nhốt, nếu con cháu lên chơi có sẳn, khỏi mắc công đi bắt”. Ông Yên lừng khừng chốc lát, rồi nói: “ Thôi bà cứ bắt nhốt sẳn, vẫn hơn. Nhốt xong, nhớ lấy chén nước cho gà uống…”. Bà Yên lại vào trong nhà lấy bắp ra nhử gà.
    Vừa lúc này, có chiếc ô tô dừng lại ngoài ngõ. Trên xe, một người đàn ông bệ vệ và sang trọng, tuổi trung niên bước xuống. Ông ta khệ nệ bê món quà vào nhà. Ông Yên nhìn một chặp, hóa ra thằng Bảy Lé, môt tù nhân cũ của ông. Hắn là đứa con thứ bảy trong gia đình, mắt lé nên người ta gọi Bảy Lé. Bảy Lé học ít nhưng lanh lẹ, từ nhỏ đã quen thói cắp vặt. Lớn lên một chút, cũng vì tội ăn cắp, hắn bị bắt bị đánh, ở tù ngắn hạn nhiều lần rồi bỏ nghề, chí thú lo làm ăn thời gian nhiều năm không tái phạm. Lớn tuổi, hắn mới được có vợ, có con, bỗng dưng trở lại đường cũ, “ Cướp của, đánh người gây thương tích trầm trọng”, lãnh án mười năm tù, nhưng nhờ học tập cải tạo tốt bảy năm được về. Chẳng ai dám thuê mướn người ở tù, hắn đi mua nhôm nhựa kiếm sống, rồi dần dần mở đại lý phế liệu, thành lập công ty, cuộc sống làm ăn phát đạt. Thỉnh thoảng, mỗi lần công tác ngang qua tỉnh nơi ông ở, hắn thường mua lúc thì cân trà, khi thì ký mực, ít sách báo đến thăm ông. Bảy Lé thường bảo: “ Nhờ cán bộ, nhờ thầy mà con có được ngày hôm nay”.
    Ông Yên, chức vụ đại tá, vốn là trưởng một trại giam khét tiếng, có khi trại lên đến mười nghìn tù nhân. Ông quê ở ngoài Bắc. Thời chiến tranh, ông còn trai trẻ, được đưa đi học lớp Cán bộ An Ninh rồi vào chiến trường Miền Nam. Ông được tổ chức phân công làm Trưởng trại giam ở huyện miền núi, trực thuộc Ban an ninh của tỉnh. Giải phóng đất nước, ông điều về làm giám thị trại giam của Bộ. Ngày đầu thành lập Trại giam, mọi thứ còn lõng lẻo, lại mới giải phóng đất nước nên khó khăn trăm bề. Khu vực trại giam nơi ông ở là cánh rừng già, có nhiều cây cổ thụ to, rậm rạp và chằng chịt. Ông cùng phạm nhân phá rừng, bắt tay xây dựng trại. Họ xây chắc chắn để nhốt họ, nhưng ông thuyết phục họ lại làm rất nhiệt tình. Từ quản giáo đến phạm nhân, ai cũng ra sức lao động như nhau, cùng chịu cảnh đói khát, bệnh tật như nhau. Ông làm giám thị mấy chục năm, ở trại không có cuộc biến động nào lớn. Có thể nói cuộc đời ông sinh ra, lớn lên chỉ làm mỗi công tác quản giáo, gắn liền với núi rừng. Với ông, cái quan trọng là mình coi phạm nhân như người nhà mình bị lầm lỗi, nên động viên, khuyến khích họ cải tạo. Giải quyết sự việc gì luôn có chữ tình, chữ tâm! Chính vì vậy, trước khi về hưu, ông từng được Công an tỉnh cấp cho nhà ở Thành phố. Nhưng chỉ ở được một hai hôm, ông khăn gói trở về núi rừng, xin chút đất ở ven rừng gần Trại giam cất ngôi nhà cấp bốn, ở tạm. Mặc dù ở tận trên núi cao, nhưng nhiều phạm nhân sau khi ra trại, làm lại cuộc đời, vẫn yêu quý coi ông như là người thầy đã giúp họ hướng thiện.
    Bảy Lé vừa thấy ông, vui mừng gọi to:“ Con chào Cán bộ!”. Ông Yên gằn giọng: “ Cái thằng! Đã bảo nhiều lần rồi, tôi với anh giờ như nhau, đừng gọi như thế nữa mà…”. Bảy Lé lại lúng túng: “ Dạ! Quên, con chào thầy!”. Hắn lại lúng túng: “ Lại lộn, em chào anh”. Hắn tự nói, rồi cười hòa, ôm thẳng thùng quà vào trong nhà, giống như bà con người thân trong gia đình. Mà thật, hắn lên thăm ông nhiều lần và đã ở lại đêm, vì vậy trong ngôi nhà nhỏ ngóc ngách nào hắn cũng biết, không còn khoảng cách tên phạm tội và trưởng trại nữa. Ông Yên vẫy tay kêu đến lán ngồi uống trà và hồ hởi nói: “ Sẳn tiện hồi sáng chị mày có bắt nhốt con gà. Trưa nay, em ngồi với anh một chút rồi về nghen?”. Bảy Lé ngập ngừng như nhà có việc rồi đáp: “ Dạ”.
    Hai người ngồi uống trà với nhau trên lán trại. Một người là giám đốc công ty, ông chủ bệ vệ, ăn mặc sang trọng và quý phái. Một người mặc bộ đồ lính cũ bạc màu, làn da vàng vàng của người ở rừng lâu năm bệnh sốt rét kinh niên, đen đúa, được toi luyện săn chắc như cây chà rang. Ở ngoài nhìn vào hai người, trông giống như ông chủ đang bàn chuyện với người công nhân. Chiếc áo cà sa không làm nên thầy tu, quần áo hình thức bề ngoài cũng là nơi chen nắng gió, đôi khi con người ta không thể đánh giá hết qua bề ngoài. Ngược lại, người sang trọng lại thấy mình nhỏ bé với người đối diện, luôn kính cẩn và lễ phép, một thưa anh, hai cũng thưa anh. Giờ đây, họ ngồi với nhau không phải nhờ vả hay quan hệ lợi ích chi hết, chỉ duy nhất hai chữ “ tình người”, đẹp làm sao. Ông Yên mở lời hỏi thăm:
    – Em làm cách nào mà lên được tới đây sớm vậy?
    – Dạ. Hôm qua em ở khách sạn dưới thành phố một đêm, sáng nay em tranh thủ lên sớm, để anh em có dịp ngồi nói chuyện với nhau lâu hơn.
    – Chắc cháu Hoàng nay xinh gái lắm, học xong đại học, ra trường rồi phải không?
    Bảy Lé ngạc nhiên:
    – Dạ!…. Cả chục nghìn phạm nhân, vậy mà sao anh còn nhớ đến cả tuổi con gái của em?
    Ông Yên:
    – Anh cũng ước chừng vậy thôi.
    Ông Yên có tính rất lạ. Có nhiều chuyện động trời, nhưng không nhập tâm, mới hôm trước hôm sau ông đã quên. Cũng có nhiều trường hợp, bạn bè chơi với nhau lâu, cũng thân tình, quý mến nhưng khi gặp nhau quên bẵng cái tên. Nhưng khi nhập tâm, xúc động chuyện xa xưa có bé tí cũng làm ông nhớ mãi. Sở dĩ ông nhớ đến con gái tên Hoàng của Bảy Lé là có lần hắn kể. Hắn quyết bỏ nghề trộm cắp đã lâu, làm lại cuộc đời, có được vợ, sinh con gái hắn thích lắm. Nhưng khi mới sinh xong mấy ngày bác sĩ bảo, chân cháu bị cáng giá (bị cong), cần phải điều trị sớm. Nếu để cháu lớn, xương cứng chân khó chỉnh hơn, lớn lên sẽ đi không được bình thường, thậm chí bị cà nhắc… Bảy Lé hỏi bao nhiêu tiền, bác sĩ bảo là…. Số tiền quá lớn đối với hắn! Hắn chỉ lượm nhôm nhựa, vợ bán vé số, cuộc sống ăn uống chỉ đắp đổi cho qua ngày, tiền đâu mà điều trị cho con? Nhiều đêm hắn trăn trở cầu Trời khấn Phật, cho hắn tái phạm ăn trộm một lần nữa thôi, lần sau sẽ không tái phạm nữa. Nhưng Trời Phật nào chứng dám việc ấy, hắn đã bị bắt và kết án tù, không kịp gặp mặt vợ con. Lúc đó hắn không ân hận việc mình ăn trộm, chỉ giận mình vô dụng không giúp được con. Ở tù, hắn viết thư về hỏi thăm tình hình của con, mới biết, có nhà hảo tâm biết hoàn cảnh vợ con hắn, người ta bỏ tiền trị chân cho cháu bé. Biết thế, biết cuộc đời nhân ái và tươi đẹp bất ngờ như thế, hắn đâu đến nông nổi này. Lúc này, hắn mới vỡ òa mừng rơi nước mắt, mới ân hận việc mình làm. Chính vì vậy, ở tù hắn luôn cố gắng học tập, hăng hái lao động cải tạo tốt để mong được về gặp con gái.
    Trời cũng đã dần trưa. Bảy Lé xuống bếp phụ bà Yên làm gà. Hai người vừa làm, vừa nói chuyện vui đùa rộn ràng dưới góc bếp, giống như bà con dòng tộc, con cháu lâu ngày về nhà cha mẹ tổ chức ăn uống hay đám giỗ. Chỉ đơn giản một con gà, nhưng người ở quê miền núi thường xuyên hay làm đải khách nên có được những món ăn ngon lành, nhanh và gọn: Nửa con gà luột, nửa con làm gỏi, bộ lòng sào mướp và nấu cháo. Ông Yên lục đục dọn chén bát, bê thẩu rượu chuối rừng chắt ra chai, mang tới lán. Cả ba người ngồi trên lán vừa ăn, vừa trò chuyện. Bà Yên có thói quen ngủ trưa, nên nghỉ sớm, còn lại ông Yên và Bảy Lé. Lúc này trời đã trưa, thời tiết vào tháng ba này ở miền Trung dưới xuôi trời đã hanh hao, nắng chan chát. Ở đây, hai người ngồi trên lán vừa uống rượu, vừa tâm sự về cuộc đời, gió mát rượi, bốn bề một màu xanh lá cây ngút ngàn, thật thích thú làm sao! Bảy Lé hỏi:
    – Dạo này các bạn tù khác có thường xuyên lên thăm anh không?
    Ông Yên:
    – Có. Thỉnh thoảng một vài tháng, có một, hai người lên thăm anh. Cuộc sống của tụi nó ra tù làm lại cuộc đời, rất khó khăn, ít đứa được thành đạt như em. Hôm bữa thằng Dũng Thẹo lên, lúc về, anh thấy tội quá cho nó cặp gà, nhét trong túi nó ít tiền…
    Bảy Lé bưng ly rượu lên uống. Ly rượu chuối nước màu đỏ, đậm quách, vừa ngọt vừa cay, rồi thở dài nói: “ Dạ…Tính anh lúc nào cũng vậy”. Hắn im lặng, ngồi trầm ngâm như nhớ lại quá khứ một thời sai lầm của mình, chốc lát sau tâm sự:
    – Lần này em lên, trước là thăm anh chị, sau là báo tin vui…
    – Tin gì?
    – Hoàng con gái em, tuần sau có chồng rồi anh ạ. Nó đã học xong đại học, đi làm mấy tháng, lấy chồng cùng công ty. Chồng nó trông cũng tử tế. Cuộc đời em cố gắng làm việc coi như mãn nguyện rồi, anh ạ!…
    Ông Yên lấy chai rượu rót mỗi người một ly, rồi đưa lên cụng:
    – Anh chúc mừng em! Em cứ đưa thiệp mời cho anh, ngày đó anh chị sẽ đón xe đò đi.
    Bảy Lé xua tay, cương quyết:
    – Không, anh à! Em lên thăm anh cái chính là chỉ báo tin vui thôi… Anh chị lớn tuổi rồi, đường xá xa xôi, em không muốn!…
    Ông Yên tần ngần chốc lát, rồi nhiệt tình:
    – Thôi được, thế này, anh chị có nuôi mấy con heo mọi thả vườn. Lát nữa nhậu xong, anh em mình bắt một con, sẵn tiện em có ô tô chở về cho cháu làm đãi khách nhé?
    Bảy Lé cười hiền:
    – Anh à! Hiện nay ở miền xuôi, đặc biệt là ở thành phố dù lớn hay nhỏ, đâu còn cảnh tổ chức đám cưới ở nhà, cất rạp, mượn bàn, mượn ghế, làm heo, làm gà… đãi khách linh đình mấy ngày như xưa đâu. Bây giờ, đa phần dòng họ hai bên chỉ đến nhà biết nhau làm thủ tục lễ, rồi dắt nhau ra nhà hàng lo hết, rất tiện. Đám cưới đa phần đãi vào ngày thứ bảy, chủ nhật, nhiều gia đình còn duy tâm coi ngày coi tháng, nhưng cũng dời ngày nghỉ đó để đãi tiệc khách. Chứ ngày bình thường, công nhân, viên chức bận rộn chỉ gởi quà không đi, đám cưới ít khách, mất vui…
    Nói đến đây, Bảy Lé chợt nhớ đến việc nhà, nhìn ra ngoài xung quanh. Trời đã ngả về chiều, những mảng ánh nắng vàng vọt chiếu lên đọt cây, mảng tối mảng sáng, trông thật đẹp mắt. Bảy lé:
    – Thật lòng, em muốn ngồi với anh nơi đây lâu hơn, nhưng trời đã chiều tối rồi, cho em xin phép ra về.
    Ông Yên nhìn ra ngoài, vui không muốn chia tay nhưng cũng đành nói:
    – Ừ, tối rồi thôi em về đi. Đường xá xa xôi, đèo dốc…
    Bảy Lé vào trong nhà tạm biệt bà Yên rồi ra xe. Ông Yên luyến tiếc tiễn Bảy Lé ra tận cửa ngõ. Lúc Bảy Lé nói lời chia tay xong, chuẩn bị lên xe, bất ngờ ông Yên nhét tiền vào trong túi Bảy Lé nói: “ Quà anh gởi cho cháu!…”. Bảy Lé cầm tay ông Yên đẩy lại, bảo: “ Anh này!… Tính anh lúc nào cũng vậy!”. Nói xong, Bảy Lé sợ đôi co vấn vương tình cảm, vội đóng cửa xe, nổ máy chạy. Ông Yên bịn rịn, đứng nhìn theo xe chạy quanh co đường đèo cho đến khi khuất bóng. Ở ngoài nhìn vào, trông họ tình cảm thắm thiết giống như anh em ruột lâu ngày gặp nhau, không muốn chia tay. Ít ai biết rằng, họ từng là hai con người có nghề nghiệp đối nghịch:
    – Cai ngục và tù nhân!
    
- o O o -

    Mấy năm gần đây, sức khỏe ông Yên giảm xuống dần. Sở dĩ như vậy, ông bị bệnh nghề nghiệp, có chứng mất ngủ. Hồi trước lúc còn làm quản giáo, ông luôn lo lắng tội phạm trốn trại. Nửa đêm, ông thường thức dậy đi đến từng trại, canh chừng phạm nhân. Dần dần mấy chục năm, giờ giấc sinh học trong người trở thành quen. Lúc còn trẻ có sức thì không sao, bây giờ ông già thì khó ngủ lại được. Có đêm đang ngủ, lỡ có tiếng động của con chuột hoặc cành cây rơi nhẹ ngoài sân, cứ ngỡ tội phạm nổi loạn trốn trại, thế là ông thức giấc luôn đến sáng! Hơn nữa, ông luôn ở nơi rừng thiêng nước độc, nhiễm khí chướng, về già hay đau bệnh nhiều. Con cháu thường xuyên về thăm và chở ông đi xuống thành phố khám. Có đồng nghiệp ở phố còn vấn vương chuyện cũ, hỏi:
    – Bây giờ ông có nuối tiếc ngôi nhà ở thành phố được cấp không?
    Ông lắc đầu, vui vẻ dứt khoát:
    – Không! Từ nhỏ đến giờ cuộc đời mình luôn sống ở rừng. Ở thành phố xe cộ ồn ào náo nhiệt, ra vô chỉ thấy người, nhìn đâu cũng bê tông cốt thép, mình đau đầu lắm, ở không được, có thể còn bệnh thêm! Có lẽ ông trời đã sắp đặt số phận của mình sống ở nơi đây, đã quen nghe tiếng gió rừng xào xạc, nghe tiếng chim chóc hót. Mình quen mắt với màu xanh lá rồi!

Kết Thúc (END)
Lê Đức Quang
» Mẹ Quê
» Bạn Facebook
» Người Gác Cổng
» Tình Chị Phương Xa
» Đổi Thay
» Hoa Rơi Hữu Ý
» Người Ở Rừng
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ