Phương nói về lão tình nhân người Úc của mình gần hết một buổi tối. Phương nói nó đòi cưới, cả lũ lao nhao phản đối: “Cưới chi?”, “Bà điên chưa?”, “Cứ vầy đi. Cho khỏe”…
Phương nhón một miếng bò khô nhai nhóp nhép và nói nhẩn nha: Nó là thằng được nhất trong mấy thằng bồ, tao cặp, sau khi ba tụi nhỏ mất. Cặp gần mười năm rồi. Quen. Các con tao cũng quý nhưng nói thật với tụi bay. Tao ưa vầy. Nhà ai nấy ở. Muốn tới nhau thì điện báo. Muốn đi du lịch cùng nhau thì thu xếp. Được thì ok. Mà không thì tao không thể. Là xong. Tao cũng đưa nó về Việt Nam mấy lần rồi. Có về đây rồi đi Huế, Sa Pa… Nó nói đồ ăn Việt Nam nấu ở Việt Nam ngon quá trời. Còn đồ ăn Việt Nam nấu ở Úc không ngon. Tụi bay biết sao không? Vì tao nấu. Ờ, ờ tao nấu đồ ăn dở nhưng cái miệng tao hay lắm. Tao ăn đâu ra đó. Ăn đâu biết đó. Như cái thứ bò khô đây…
– Sao? Bò khô sao?
Xinh đang nằm ườn người gác chân qua đùi Ý, vội chồm ngay dậy, vụt miệng hỏi tức thì:
– Mày làm gì mà… dữ vậy? Bộ bò khô mày làm hả?
– Không phải tao. Nhưng sao chứ!
– Ngọt quá! Ngọt kiểu này dân nam ăn vừa miệng mình dân trung mặn mòi mới ngon.
– Mày tức cười quá! Thà kho cá, kho thịt đây mồi để nhắm bia rượu. Cũng phải lạt bớt đi. Cũng phải ngon ngót. Đúng là. Đúng là…
– Là gì?
– Là cái thứ không biết nấu ăn.
– Ừ! Tui không biết nấu ăn tui bồ Tây cho khỏe. Còn mấy người nấu khéo sao không có chồng? Sao ế?
– Á! Cái con đây. Hỗn xược. Không có cái vụ ế đâu nghen Chẳng qua là không thèm có chồng thôi.
Linh, búng tay tanh tách: “Đúng boong. Tao nói phụ nữ mình khổ chết luôn. Bởi dòm mấy bà chị ruột, chị dâu cái tao quyết… ở vậy luôn”. Cả lũ vừa nghe Linh nói, vội nhao nhao lên phản đối: “Chứ không phải do mày có tật búng tay?”. Nghĩ cũng kỳ cho cái cặp đây. Bồ bịch cả mấy năm vậy mà chừng Linh ra mắt phía chồng, chỉ mấy phát búng tay của nó, cuộc tình đành nát tan. Chuyện này được mấy đứa sống ở nước ngoài lâu như tụi Thương, Phương, Hoài… phản ứng quá chừng. Nhưng Mỹ, Canada, Úc… đâu phải là Việt Nam. Giả bộ con Mùi, con Xinh, con Linh… có chồng hoặc còn chồng coi? Sao dám gác lại công chuyện làm ăn, những vướng bận gia đình, để lê la suốt ngày với tụi bạn ở xa về rồi đùm túm sống bụi bặm vầy? Mới nói vậy cái lũ nó táp vô sát miệng: Bụi, bụi. Không dám bụi đâu. Ăn ở sang vầy mà bụi? Đúng là mấy cái mỏ hàu. Hàu còn hấp được, nướng được mà không nấu miếng cháo húp giải nhiệt, nhẹ bụng chứ cái thứ hàu… mỏ này, phải chi có con dao thiệt bén, lẻo quách đi là rồi. Vừa nghĩ, Xinh vừa cười khi hình dung tới mấy cái con mụ đây với những cái mặt không có mỏ. Lại là những cái mỏ rất ham nói, ham ăn, ham chửi nữa chứ!
- o O o -
Khuya, cả bọn mới chịu rời bãi với người nhớp nháp hơi muối. Mùi phủi áo xống, chặc lưỡi: “Chắc tao phải tắm lại. Rin rít. Khó chịu”. Tôi mồi hoài điếu thuốc không được vì gió nhiều, liếm môi: “Lạt miệng. Khó chịu”. Mấy đứa níu nhau ngồi bệt xuống bậc thềm phía sau của khách sạn, cùng hướng về phía tôi và cùng hỏi: “Chứ mày hút chi dữ?”. Không trả lời, tôi ngó mông ra biển thẩm đen, đặc quánh và mênh mông, thở dài. Sao mỗi khi về với biển tôi lại hay thở dài? Nhiều năm tha phương với đủ thứ phải đương đầu, đối phó đã kịp để tôi tự trang bị cho mình một cái vỏ bọc khinh bạc, lạnh lùng. Và tôi thấy an toàn. Rất là an toàn khi co mình ẩn núp trong đó. Vậy mà mỗi khi ra tới biển, đứng phơi mình trước biển. Biển, ở cả bên kia lẫn bên này là tuột luốt. Làm như cái ma mãnh lạnh bạc bị gió biển đánh cho tơi tớp. Làm như cái bụi bặm phong trần bị sóng biển đập cho vỡ tan. Rồi những câu nói bặm trợn hung hãn bị biển cuốn trôi. Ra khơi xa và mất hút. Và tôi còn lại là tôi. Và tôi trơ trụi là tôi: gầy mảnh, yếu đuối. Rất hay muốn khóc và rất hay thở dài.
Tôi đến Mỹ không gia đình. Và tôi ở Mỹ không bạn bè, chồng con. Đã gần bốn chục năm. Chỉ có công việc, những gã bạn trai người Việt hoặc không phải người Việt. Và nỗi cô đơn thường xuyên, rộng rinh và hun hút. Và tôi làm đầy cho mình. Làm cân bằng mình bằng thuốc lá. Tôi hút đủ loại. Không tùy thuộc sức khỏe nhưng dựa vô tâm trạng, sở thích. Hồi buồn nhiều, hút mấy thứ dịu nhẹ chẳng thấy gì nhưng hồi vui, rít mấy loại đậm đặc lại ớn. Thật ra, đó cũng chỉ là cảm giác bởi những căng thẳng này đi qua thì lại có những căng thẳng khác ập tới. Sự mệt mỏi cũ vừa khép lại thì có ngay những mệt mỏi mới mở ra. Nỗi cô đơn đây vừa kết thúc thì liền có ngay nỗi cô đơn đó, khởi đầu.
Cuộc sống của tôi, khoảng hai năm nay có đỡ buồn nản hơn, khi chung sống với Kurt, một người Mỹ tốt bụng và sinh hoạt trở lại với gia đình Phật tử Việt Nam. Ở với nhau cho lòng đỡ hụt hẫng và tới chùa cho cái tâm nó nhẹ. Vậy thôi! Với bạn tình, tôi đâu mong gì chuyện dài lâu. Vẫn là ý nghĩ có nhau cho đời bớt trống trải. Ban ngày cắm đầu cắm cổ làm, chiều về lục đục nấu nướng với nhau. Món Mỹ, món Việt đề huề. Tiếng Việt pha tiếng Mỹ. Tiếng Mỹ đệm thêm tiếng Việt. Lủng củng leng keng. Căn bếp rộng loảng xoảng tiếng dao thớt, soong nồi. Ồm ồm giọng đàn ông nói, khanh khách tiếng đàn bà cười. Mùi thức ăn tây, mùi thức ăn ta bốc khói ngào ngạt. Nghe bụng đói và thấy thêm ý nghĩa những bữa ăn có đôi. Khuya khuya, khỏi cảnh ngôi nhà như rộng thêm mà mình như bé lại. Rúc sâu người nơi sô pha, ly cognac trên tay cầm và những rưng rức nơi trái tim. Có hai người, rượu, thường uống ít hơn. Đêm nằm lỡ mớ ngủ, quơ tay đạp chân, biết có một người chung giường cũng đỡ quạnh.
Rồi cuối tuần lại theo nhau tới lớp dạy tiếng Việt ở bên chùa. Đứa làm học trò đứa làm giáo viên. Tức cười chết được. Tôi dạy mười mấy đứa nhỏ tuổi khoảng tám, chín và một đứa già tuổi đúng sáu lăm. Đứa già người Mỹ mà học tiếng Việt còn giỏi hơn con nít Việt học tiếng Việt, mới thật kỳ. Rảnh, đi câu. Kép già của tôi sát cá bắt ghê và làm cá giỏi bắt sợ. Con cá thật to mà Kurt vật ra xẻ, cắt gọn ơ rồi bỏ túi, xếp thùng lạnh (luôn để sẵn trong xe). Chừng về, phân phát cho mấy người quen. Gã này rất được. Chuyện thảo ăn như đã kể ở trên. Rồi chuyện được chọn làm ông già Noel, trong mùa Giáng sinh. Trời ơi! Cái bụng Kurt đã bự đã tròn lại thêm tròn, thêm bự khi mặc áo tròng quần, mang râu đội mũ kiểu đó. Nhưng trên tất cả, là chuyện biết ăn mắm. Chỉ nước mắm trong thôi nhưng như vậy, là siêu lắm rồi. Và bậy hết sức! Bậy, có mỗi một chuyện là làm cá quăng mất cái đầu với lại bộ ruột. Uổng quá! Khi tôi kể lại chuyện này, tụi sống bên đó không ý kiến gì nhưng mấy đứa bên này lại la lối ì xèo. Mùi:
– Vậy thì bỏ nó quách.
– Sao bỏ, mày?
– Con cá có cái đầu. Ngon vậy bỏ. Có cái đầu cá, còn không thông suốt vậy là đầu mày, đầu nó trục trặc rồi.
– Chứ thông suốt cái con khỉ gì khi tao người Việt tâm hồn Việt cái đầu Việt còn nó Mỹ rặc ri.
– Vậy thì sống chung chi?
– Nói như mày, thành chi cứ một mình…
Câu nói chợt rơi vào im lặng. Biết mình lỡ lời, tôi rít thuốc liên tục. Ở đây, ngay nơi bậc thềm sau của khách sạn này. Với đám bạn đứa ngồi, đứa đứng của tôi. Đứa nào lại không… một mình, theo một nghĩa nào đó. Có bảy đứa thì bốn đứa ở Việt Nam, đã độc thân đúng nghĩa. Không có kép già, kép trẻ nào cùng sống chung. Không mảnh tình vắt vai để mà hò hẹn, cho nhộn nhạo cuộc đời. Linh, cứ cho là do những cái búng tay và tính tự ái đi. Mùi, cứ cho nhà quá nghèo, cha mẹ yếu đau, em đông phải gồng gánh lo toan đi. Còn Xinh? Còn bao nhiêu đứa nữa? Rồi mấy đứa đã kết hôn với đám cưới rình rang hoặc chỉ là vài nghi thức cho có, khi bắt đầu cuộc sống lứa đôi nhưng rồi đó: như Tình như Nhài. Đã bao năm, một mình, bươn chải chăm nuôi hết con rồi tới cháu. Quăng quật với việc mưu sinh và tất bật với tổ ấm của mình, mải miết. Và tội tình sao! Lại là những tổ ấm những mái nhà thiếu bặt hẳn người chồng. Là một người, có thể đẹp hoặc xấu, có thể khỏe hoặc yếu, có thể tốt hoặc tệ cho mình tránh được tiếng… không chồng.
- o O o -
Tôi gặp may khi rủ rê được mấy đứa bên kia cùng về. May thêm, khi lôi kéo thêm cả mớ bạn bên này. Nói là cả mớ để hiểu là phỉnh dụ đông nhưng dồn tụ lại chỉ có bấy nhiêu. Xinh chọn một nơi sát biển với mấy phòng liền kề, rất rộng. Tuy vậy, những lúc không phải ra ngoài cả bọn cũng chỉ quây quần xúm xít lại với nhau. Đã thành cữ, trên dưới 22h, Nhài tách rời đám bạn kiếm một chỗ riêng và gọi điện chuyện trò với ai đó, rất lâu. Bị tụi tôi chọc là tám với lão nào? Mặt tròn mắt méo ra sao? Bụng to hay là bụng lép? Nhài tức quá nói tao nói chuyện với thằng Bin chứ bồ bịch khỉ gì! Gia cảnh Nhài, tụi tôi đâu có lạ. Bin là con đầu của Hương và bà nhỏ này, quậy hết cấp số. Trong lớp, Nhài lên xe hoa sớm nhất. Lấy chồng, vẫn áo dài guốc gỗ cắp sách tới trường. Có bầu vẫn vác bụng, điệu đàng, tới lớp mới ớn chứ! Nói ráng để thi đậu, kiếm cái bằng tú tài trả chữ hiếu cho ba má tao rồi… đẻ con vẫn còn kịp.
Nhài đậu ưu và không mắc con nhỏ, chắc kiếm được một suất du học. Đầy tháng con, Nhài nói với đám bạn: “Tao mê học ngang ngửa mê yêu. Để trả nợ chữ tình xong, tao học tiếp cũng không muộn”. Không lẽ vì muốn, mau mau, trả cho hết nợ yêu mà ba năm liên tiếp, Nhài đều sinh con? Cánh cửa đại học khép chặt với bà mẹ trẻ, sau tháng 5/1975. Bởi chồng Nhài là sĩ quan quân đội Cộng hòa nên bị đưa đi cải tạo ngay và Nhài, một nách ba đứa lít nhít như trứng gà, trứng vịt. Hồi còn đến trường, cái sự học giỏi của Nhài không khiến bọn tôi lạ. Nhưng bản lĩnh, sự giỏi giang và vô vàn những chịu đựng của Nhài trong suốt những năm tháng ấy, luôn, khiến chúng tôi ngạc nhiên. Và cảm phục.
Nhài lúc nào cũng vất vả, nhọc nhoài… Cả khi không tiền lẫn khi có tiền. Cả khi chồng ở xa cho đến lúc về gần và rồi lại đi xa. Cả khi các con còn rất nhỏ cho đến giờ, chúng nó đã là những ông bố, bà mẹ. Nhài chỉ biết lo toan và làm lụng, tính toán và xốc vác. Những thứ như nghỉ ngơi, thư giãn, chơi bời… là hết sức xa lạ với Nhài. Tôi bảo: “Mày quăng bỏ hết đi”. Nhài: “Không thể. Nhưng gác lại dăm bảy hôm thì được”. Ừ, thì gác lại những ngày đã từng sống, những việc đã từng làm, những thứ đã từng loay hoay và khốn đốn. Ừ, thì gác lại một phần đời mình đã xuôi ngược đã lăn trở, một góc trời mình đã tìm đến và lưu lại. Ở bên này hoặc bên kia. Ở phía này hoặc phía khác. Như tôi như Xinh như Ly… để có được sự sum vầy này trong rất nhiều gắng gỏi.
Là thế! Những ý nghĩ của Nhài cùng với sự ủng hộ hết mình của cu Bin, khi bỏ mấy bộ quần áo, ít thuốc men, vài vật dụng cá nhân vào túi xách và nói nhẹ bâng: “Rồi. Tụi bay đâu, tao đó”. Những trĩu nặng nhọc nhoài nơi thân xác, những dằn vặt day dứt ở tinh thần là ở phía đời ấy. Một phía đời với bao khổ lụy đắng đót mà ngẫm ra, cũng từ những bất hạnh do Hương gây ra. Giống mẹ, con bé rất đẹp và yêu sớm nhưng những mối tình nó đã trải qua đều là bi kịch đối với Nhài. Giả như, Hương ăn ở với một tay đàn ông đã có gia đình, thế là, cô vợ tìm đến đánh Hương và đánh luôn cả Nhài vì “không biết dạy con”. Rồi Hương lôi về một gã dở hơi nào đấy và thằng này đốt nhà của Nhài trong một lần ghen tuông…
Cứ thế! Tai họa từ con gái ập lên cuộc sống Nhài hết đợt này tiếp đến đợt khác. Và kết lại, hậu quả những cuộc yêu của Hương là ba đứa cháu ngoại, Nhài đã dưỡng nuôi từ lúc lọt lòng. Chẳng biết ba tụi nó là ai, chẳng biết tông tích ở những xứ sở nào. “Thì nó cứ đi đã rồi ôm bụng về, hỏi làm thinh. Rồi tao nuôi đẻ nuôi cháu chứ quẳng đi đâu được chứ! Tới đứa sau chót đây, tao điên máu nói bác sĩ thắt ống dẫn trứng cho nó, giùm tôi”. Giọng Nhài rời rạc buồn buồn suốt cả một đoạn kể dài nhưng khác hẳn ở hai từ cuối. Chỉ hai chữ “giùm tôi” mà đau đớn xót xáy bắt quắt người. Là uất nghẹn tới sát mặt đất và là thương là yêu tới tít tận trời cao. Chồng và hai con trai của Nhài sang Mỹ theo diện H.O trên chục năm rồi, Nhài cứ lần lữa hẹn tới hẹn lui sẽ qua sau. Rồi thằng lớn lấy vợ, có con. Rồi thằng sau làm đám cưới và cái thằng bự nhất là thằng chồng, có sao nói vậy, cũng đã chính thức kết hôn cách đây mấy tháng. Trước khi tới Tòa thị chính thành phố làm các thủ tục pháp lý với người phụ nữ, đã chung sống với mình ba năm. Chồng của Nhài có đến nhà tôi, uống cả chai Jack Daniel’s với Kurt và say và khóc… Ông ấy nói muốn Nhài sống cùng để được chăm lo miếng ăn, giấc ngủ cho vợ. “Để đền bù cho cô ấy cả một đời đã hy sinh cho tôi, các con và lũ cháu.”.
- o O o -
Kurt cho tôi biết, hôm qua, mấy đứa con của ông ấy có đến thăm và ở lại chơi cả ngày. Tụi nhỏ nhắc tôi nhiều và thích mê món Việt bố làm. Tôi gặng lại: “Không phải là bánh phồng tôm chiên chứ?”. Kurt cười rất to, trả lời bằng thứ tiếng Việt rất chuẩn mà cô giáo đã dạy: “Chuyện nhỏ. Nhằm nhò gì!”. Kurt nói rất nhớ tôi, giàn mướp hồi tôi đi chỉ mới ra hoa, nay đã có trái. Bữa trước, tuyết phủ ngập cổng và tôi có tin nổi không? Chính Kurt và ông bạn Mike đã dọn sạch trơn. Mike rất thích món bò kho gừng của chúng tôi. Nghĩ bụng, chừng về sẽ làm để cho ông ấy cùng với mấy món quà quê.
Cuộc điện với Kurt làm trằn trọc suốt đêm. Trong những cơn ngủ chập chờn, hiển hiện trong tôi cả một trời hoa mướp. Những nụ chói sáng và vàng tươi. Lạ thật! Bởi đã quyết lòng “thôi thì gác lại…” vậy mà trái tim mình vẫn đập rộn những nhịp vui, khi dõi theo một sắc màu lấp lánh, một bóng nắng lung linh nơi khu vườn nhà cùng với một người đàn ông có tên là Kurt.
Kết Thúc (END) |
|
|