Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Mùa Xuân Của Chị Tác Giả: Ngô Khắc Tài    
    Vẫn là chị Hiên ngày nào không son phấn, hay mặc áo thêu theo kiểu, cổ giống người xưa đi lạc.
    Đồng thời cũng có một chị Hiên của Dự trước khác, sau khác. Mà khác gì Dự thấy khó nói, khó nói chỉ vì người ta chỉ góp lời tạo ra cái chợ buôn bán dưa lê ồn ào quanh cái “hiện là”. Còn cái đang là chồi từ trên cành vừa mới nhú, trở thành nụ hoa âm thầm he hé nở từng cánh mỏng manh từ trong đêm ai thấy, hay sáng ra mới biết mùa xuân về thì cũng là lúc hoa bắt đầu từng cánh rơi rụng. Năm tháng, ngày giờ trôi qua, phút cũng trôi qua theo từng giây, tưởng đâu người ta hiểu về nhau hiểu hết mọi việc, thiệt ra không biết gì hết. Biết chết liền. Vì vậy, mỗi khi người ta nhắc đến chị Hiên tình cờ có mặt, Dự thầm kêu lên “chị Hiên”, như tục ngữ khuyên trước khi nói phải đánh lưỡi. Chị Hiên. Chuyện của chị Dự đã dõi theo từ rất lâu, nhưng phải chăng nó lại bắt đầu từ lúc thằng Siêng với con nhỏ Năng, hai đứa em của chị từ thành phố trở về thăm nhà.
    Bấy lâu chị Hiên sống hiu quạnh một mình trong căn nhà ngói có dãy bàn thờ. Miếng đất với mấy gốc cây ăn trái già cỗi cho củi chụm chớ trái trăn không bao nhiêu trừ hai cây mận cây bông sứ, bông trái rụng đầy sân. Vườn không ra vườn như để hoang, rau dại mọc lan theo liếp mương, ao nước xanh lét dày đặc bèo cám. Chị Hiên vớt bèo cám nuôi vịt cho vui, thỉnh thoảng bước qua mé rào chị kêu Dự ơi qua chơi. Nếu như có ở nhà lập tức Dự biết ngay chị muốn nhờ Dự bắt con vịt cắt cổ dùm, vì chị thuộc về số người cắt cổ con gà, con vịt buông ra nó vẫn còn chạy ngờ ngờ. Sau đó chị nấu món gì đó để hai người ăn cho vui, một mình chị ăn không ngon. Thành phố mở rộng ra ngoại ô lấn ra mấy cánh đồng, nhiều người đang nghèo nhờ tiền đền bù bỗng trở nên giàu có. Thiên hạ đua nhau dành lấy mặt tiền đường. Miếng đất gần ngàn mét vuông của chị Hiên chỉ nằm phía sau dãy phố vài chục bước chân như là thất thế, chẳng mấy ai để ý. Nó như bị bỏ quên. Dần dần thiên hạ mệt mỏi với cảnh xe cộ ồn ào, bụi bậm. Một ngày bỗng đâm nhớ ra chắc lưỡi thèm thuồng. Hai đứa em đứa làm việc ở thành phố, đứa có chồng ngoài Vũng Tàu hẹn nhau trở lại quê nhà, ba chị em xum họp mở tiệc mời bà con lối xóm, Dự cũng có mặt chia vui. Dự được mời qua dự tiệc xum họp của mấy chị em. Hai đứa em lại ra đi trở về với công việc, gia đình riêng tư nhưng họ đã để lại một phép lạ. Dự có thể tóm gọn phép lạ kia: “Ai cũng mơ tới một cõi trời riêng. Nếu không có trình độ để mua cho mình hai chữ tự do sống ung dung tự tại thì người ta nhờ vào tiền”. Tiền là gì, mà nó tạo ra sức mạnh ám ảnh mọi người. Dự hình dung nhiều trường hợp “một người rất có công lao, công số một đóng góp cho thành phố. Trạm thu phí dựng ra khắp nơi, xe chạy ngang qua phải mua vé. Người ấy bị ngăn xe lại không cho qua tình cờ bắt gặp một chiếc xe khác chạy ngang mà chẳng có ai ngăn – Xe của quan đầu tỉnh đó ông ơi – Người kêu lên “Hoá ra như vậy” rồi móc ra giấy bạc mệnh giá cao nhất điềm tĩnh ngồi chờ anh bán vé gom tiền nhỏ để thối lại. Giây lát có cả trăm chiếc xe xin qua trạm, bất cứ bác tài xế nào cũng đưa tấm giấy bạc rắc rối kia. Trạm không có tiền để đổi đâm lúng túng, tạo ra một cuộc kẹt xe kéo dài mấy cây số gây cản trở giao thông. Hoá ra ông khách kia là bạn với ông chủ tịch nghiệp đoàn xe vận tải bỏ tiền ra làm đạo diễn dàn dựng”. Chuyện tưởng tượng nhưng hoàn toàn trở thành hiện thực nhờ sử dụng phép lạ, miếng vườn của chị Hiên trở nên bằng phẳng, lối đi đầy cỏ dại được tráng xi măng, rải sỏi trắng tinh. Cây cối nào già cỗi được tỉa nhánh vô phân đâm ra tược non lá xanh mềm mại. Vườn còn được thêm vào một số giống cây lạ quý hiếm như cam quít không hột, bưởi da xanh ruột hồng căng mộng nước ngọt như đường phèn. Ao nước xanh lét giờ là hồ nước trong vắt thả bầy cá vàng, trồng sen, giữa hồ còn có tượng thằng bé trai ngộ nghĩnh đứng trật quần đưa con cu xinh xắn bắn ra tia nước cong vòng. Đặc biệt ngôi nhà cũ quá nhiều kỷ niệm đời chẳng khá lên được, mà làm sao khá được trong đêm nằm nghe tiếng mọt nghiến cây kèn kẹt, mắt đụng dãy bàn thờ thắp nhang đỏ chập chờn. Hoàn toàn không còn dấu xưa. Giờ thay vào ngôi nhà trệt nhiều phòng theo kiểu villa, tường vôi trắng trở nên sang trọng làm cho khu vườn tươi sáng lên ngay cả khi tiết trời tháng chạp thiếu nắng hắt hiu tiêu trầm. Chị Hiên không cần khoe khoang, là hàng xóm với nhau từ khi khu phố còn là xóm rẫy ven rìa cánh đồng nhiều cỏ lau, Dự biết chị Hiên rất vui. Cha mẹ mất sớm, chị Hiên như quên đi khoảng đời xuân xanh để lo lắng cho hai đứa em. Không có bàn tay của chị, hai đứa không đeo đuổi hết đại học. Giờ thằng Siêng làm việc cho công ty nước ngoài, nghe đâu lĩnh lương cả nghìn đôla. Con nhỏ Năng ngày nào còn để nước mũi xanh lè chảy thò lò ra ngoài hít vô hít ra rọt rẹt. Dự hay trêu cợt, gặp Dự con nhỏ Năng lẹ làng lấy tay quẹt nước mũi chùi vô gốc cây, rồi chùi vô quần. Nghe đâu chồng của Năng giờ cũng thuộc hạng Vip. Cuối cùng cuộc sống đâu cũng vô đó yên hàn, quy luật bù trừ, chị Hiên không vui thì ai vô đây vui hơn. Bằng chứng niềm vui của chị Hiên, chị mua về hai lồng nuôi chim cu, chim sáo. Những buổi sáng, từ bên nhà Dự nhìn qua vườn đã thấy chị Hiên từ lúc nào ra ngồi bên hồ sen còn đọng sương đêm ngắm lũ cá vàng. Rất thong thả chị đứng dậy lấy lúa đến bên lồng chim. Nhìn chị Hiên, Dự vui theo. Cũng dễ hiểu vì niềm vui có sự lây lan, giống như cái ngáp gây hiệu ứng cho người ngồi bên cạnh phải há miệng theo. Đôi khi Dự bật cười khi thấy chị Hiên thơ thẩn bên hai lồng chim trò chuyện với chúng như đó là con người. Nè, nói đi, má có khách, sao không chịu nói gì hết. Tao nghe nói sáo khôn lắm, còn mày là con sáo ngu, ăn thì được – Chán con chim sáo chị quay sang con chim cu – nè, muốn gì có nấy no đủ rồi đó nghe. Gáy lên đi chứ, gáy lên cho tui nghe cúc…cu…cu…cu. Chị bắt giọng gáy trước, con chim như hiểu ý lông sù ra sửa soạn tư thế cất giọng gáy theo cúc…cu…cu…cu. ăn vụng, nghe lén vui, nhìn trộm người khác vui, miễn là đừng bị ai phát hiện. Chị hồn nhiên cùng với con chim hai bên hoà điệu cúc…cu…cu. Bỗng dưng Dự lại đâm ra ngơ ngẩn. Đôi lúc Dự không rõ cảm giác của mình từ đâu, lần này có lẽ do đặc tính tiếng gáy của con chim cu, của con gà nhất là chúng gáy vào buổi trưa hè, không gian có điều gì đó lan ra hiu quạnh. Lắng tai nghe giây lát rồi nhìn qua vườn, chị Hiên đang ngồi trên ghế hai chân bắt tréo, nghiêng người đưa tay chống cằm nhìn chim. Rõ ràng chị Hiên đang yêu đời nhưng hình ảnh chị cho Dự cảm nhận chị vẫn còn điều gì đó hiu quạnh. Từ thằng Siêng với con nhỏ Năng bận bịu gia đình riêng tư chỉ gọi điện thoại về thăm, ngay cả Tết đôi lúc cũng vắng, về muộn. Thằng Siêng không còn cha mẹ nhưng còn người chị, chắc chắn Siêng không quên, chỉ vì thời đại văn minh phát minh ra điện thoại lại hóa ra vô tình quên nhu cầu thấy mặt nhau, năm phút cũng được. ở căn nhà cũ chị Hiên sống hiu quạnh, giờ chung quanh đã tươi sáng vẫn hiu quạnh. Từ hiu quạnh nầy qua hiu quạnh khác cuộc đời chị đâu có gì thay đổi. Rồi Dự ngơ ngác nhớ ra. Lúc trước mấy người buôn bán ngoài khu phố, một vài kẻ bán dạo buổi trưa hay vô vườn tìm chỗ ngồi nghỉ lưng. Bọn trẻ trước cảnh nhà cửa chen lấn không có sân chơi, thỉnh thoảng chúng rủ nhau đến vườn bày đủ trò. Ngay cả Dự, lúc nào buồn Dự hay qua chị Hiên nói chuyện vớ vẩn, không hiểu tại sao Dự cũng thấy mình có điều gì mơ hồ. Hay là Dự ghen tỵ ngấm ngầm với thằng Siêng bằng tuổi mà đã ăn nên làm ra. Hay là chị Hiên vẫn là người của ngày xưa, đồng thời chị Hiên cũng là một người trước khác, sau khác. Cũng không phải nữa, hay là tại… cái cổng vườn. Ngày xưa nó là cái cổng rào tre, ai muốn vô chơi cũng được, chị Hiên đi đâu chỉ cần kéo cảnh cửa rào tre để ngăn mấy con vịt ra ngoài, hơn là ngăn kẻ gian. Giờ đây nó là hai cánh cửa sắt kiên cố trạm trổ hoa văn, Dự muốn vô chơi phải kêu. Có lẽ vì vậy dần dần nó tạo ra sự cách biệt. Dự lẩn thẩn, nói đùa, đổ thừa cho vật chất vô tri vậy mà trúng. Có đủ kiểu cửa mở ra với đời, thế giới của người hiện ra tuỳ theo nó. Cửa mà không có cửa. Cửa từ miệng, từ tay chân, từ mắt, vào đời bằng đôi mắt thì chẳng ai hướng cái nhìn về nơi rách rưới, nghèo nàn, Không thể có cái vụt xa nhau và cái bỗng dưng xích lại gần. Bạn cũ né mình thì đã có bạn mới tìm đến. Theo dõi chị Hiên, rõ ràng Dự thấy chị hơi bận rộn… Mặc dù ít khi về nhưng Siêng đã ghi địa chỉ nhà của mình cho bạn bè, có dịp về ngang Long Xuyên họ đến thăm chị Hiên. Loại khách thứ hai, trước kia chân ít khi bước vô ngõ hẻm nay thường đến tìm chị Hiên làm thân làm quen, hỏi han giá cả đất đai. Gợi ý hùn hạp với chị Hiên mở quán cà phê, quán ăn sân vườn là “mô – de” đang thịnh hành. Trong số những người đó, tự nhiên Dự thấy ghét gã bắn chim mỗi trưa lang thang xách cây súng hơi rảo quanh cặp mắt dáo dác. Kể ra Dự cũng vô lý, nhưng linh cảm của Dự cho biết gã không được tốt, vì dân bắn chim người ta hay mặc đồ bụi bặm, áo thể thao. Ngược lại gã đi bắn chim áo lại bỏ vô quần bảnh bao hàm râu tỉa tót công phu, lại xức dầu thơm. Tình cờ gã lọt vô xóm, đứng chôn chân bên bờ rào nhìn vô vườn. Ban đầu gã xin chị Hiên vô ngồi chơi góp ý này nọ, uống nhờ miếng nước mát. Sau đó cách đôi ba ngày gã đến thăm chị Hiên dĩ nhiên không đến với hai bàn tay không. Linh cảm của Dự rõ ràng đúng. Kể ra gã cũng có tài ăn nói, hơn nữa gã thuộc nhiều bài nhạc Boléro xưa chẳng còn ai nhớ, chị Hiên ngã vô đôi tay của gã vì điều nầy. Tuy nhiên phải đúng một năm sau chị Hiên để lộ ra dấu hiệu mình đã yêu cho người ngoài nhận ra. Vườn vắng, nhà vắng, chẵng lẽ người cũng không có ái tình. Thôi như vậy cũng được, Dự thầm nghĩ định qua chọc chị Hiên làm quen với con người sắp sửa trở thành láng giềng. Tưởng cá cắn câu, tưởng chị Hiên lậm thuốc hoài cổ những bản nhạc xưa, bất ngờ gã tự lột mặt nạ.
    – Bây giờ anh tính như vầy em coi được không. Em về với anh mình có căn phố bán đi chỗ nầy, coi như mình hùn vốn làm ăn, đóng bè nuôi cá một lời ba bốn. Chỗ nầy chỉ để ở chơi cho sướng chứ không sinh lợi.
    – Anh nói em mới nói. Em cũng đã thầm tính. Anh bán căn phố của anh, ở bển làm sao yên tĩnh bằng ở đây, sẵn đất đai rộng rãi mình hùn vốn mở quán ăn. Em không nói đến cái lời, mà nói cái lỗ trước. Gặp rủi ro, đất đai vẫn còn đó.
    Gã có lối nói chơi, nửa đùa nửa thiệt. Chị Hiên ngược lại hoàn toàn thiệt bụng. Gã biết mình gặp người đàn bà cao tay ấn, gần năm mươi tuổi không già tay ấn sao được. Gã đổi chiến thuật nói dai mưa dầm thấm đất, cứ theo thì thầm thủ thỉ đến độ chị Hiên lấy làm khó chịu ngỡ ngàng nhận ra. Vừa có mảnh tình vắt vai mảnh tình ôm phía sau lưng cho giống mọi người, cũng là lúc nhận ra mặt trái cuộc đời. Chị Hiên đâu phải đứa khờ. Gã thấy chị Hiên không được niềm nở như trước, gã thử vắng mặt không đến chị Hiên cũng không gọi điện. Không gởi tin nhắn. Gã lặng lẽ đánh bài rút lui. Chị Hiên mở lồng thả hai con chim về với bầu trời, đem cho hai chiếc lồng. Chị muốn quên hết, hoá ra hai lồng chim là quà tặng của gã nhân tình ngàn lẻ một đêm. Coi như không có việc gì xảy ra chị Hiên vẫn tươi cười với mọi người xung quanh khéo dấu nỗi buồn. Trừ mỗi mình Dự, chị lộ ra vẻ gượng gạo vì Dự là người thân gần gũi, chị cần sự thông cảm, mà có dấu cũng không được. Nhà cửa Dự nằm xéo nhà chị Hiên cách mấy liếp vườn nhỏ. Dự học sau chị Hiên ba lớp. Gia đình của chị Hiên như là ở nhằm miếng đất chạm phong thuỷ nên ngôi nhà của chị có ba số phận lạ lùng hẩm hiu, bao nổi buồn cứ dồn gì đây. ông Cố của chị là con nuôi chết sớm để lại ông nội. ông nội lại chết sớm để ông Năm ba chị Hiên phải mồ côi. ông Năm là tài xế xe đò. Lúc chị Hiên học lớp đệ nhị tức là lớp 11 ngày nay chưa kịp thi tú tài thì ông Năm gặp tai nạn lật xe đò chết tức tưởi. Những ngày xưa khung trời thơ ấu vui biết bao, Dự cùng thằng Siêng xuống ao lặn hụp mò ốc đắng. Chị Hiên lui cui bầm sả, hái chanh làm nước mắm, con nhỏ Năng lo luộc ốc. Mỗi năm đợi những cơn mưa đầu mùa về, lũ cá rô mát mẻ thi nhau bò lên sân bằng hai cái mang, mấy anh em xúm nhau rượt đuổi cá trợt ngã bùn đất lấm lem cười rân mé vườn. Theo thời gian những hình ảnh kết thành kỉ niệm, thành dấu ấn liền chặt, để rồi nó ảnh hưởng đến nửa cuộc đời về sau. Đôi khi nó len lén tìm đường về, tâm hồn Dự vẫn còn đó mùi hương của cây hoa sứ cuối vườn, chị Hiên hái hoa kết thành vòng đeo cho mỗi đứa. Đi ngủ Dự vẫn còn mang vòng hoa sứ ngủ trong mùi hương thoang thoảng. Tất cả hình ảnh đó đã tạo thành ấn tượng như đứng lại bên trời thơ ấu, dù rằng tất cả trưởng thành từ bao giờ. Chị Hiên chỉ lớn hơn Dự vài tuổi chớ đâu có lớn nhiều, Dự lại cảm thấy chị lớn hơn mình nhiều lắm. Đấy là lúc ông Năm chết được người chở xác mang về. So với người cùng lứa tuổi Dự thấy chị Hiên bình tĩnh như người lớn. Thằng Siêng lăn xả vào kẻ gây tai nạn đòi thường mạng, chị Hiên nắm áo kéo em mình ra. Người đi rồi, lúc này ba chị em ôm lấy nhau khóc mùi. Khóc vì chưa ai lường trước sự bất ngờ, số tiền đền bù thời ấy nhỏ nhoi ba chị em sống làm sao đây. Chị Hiên phải bỏ học, dân xóm nhìn chị ai cũng thương, rồi đây cô gái nhỏ kia nuôi em như thế nào rồi người ta phải thầm phục. Giống như loài chim buổi sáng bay ra khỏi tổ kiếm ăn, mặt trời chưa lên chị Hiên đã có mặt ngoài sông đón xuồng chài, đón người ở quê mang rau cải, trái cây về thành, chị mua lại để mang ra chợ. Thay vì nghỉ ngơi buổi trưa chị xoay qua làm bánh. Ngày trước quán cà phê hay bày ra mỗi bàn dĩa để đủ loại bánh đậu xanh, bánh quay vạt, bánh bông lan, không biết chị học nghề làm bánh ở đâu. Dự vô tư, thấy ba chị em lụi cụi kẻ cán bột, người trộn nhưn bánh, Dự nhào vô tham gia cho vui không nghĩ đó là cuộc sống của bạn mình. Để nuôi gia đình lúc nhỏ chị Hiên xoay trở đủ nghề, mua thước củi về ba chị em cặm cụi chẻ nhỏ bó thành từng bó bán lẻ, mùa nước chị mua cá linh đem xay thành cá chả đem chiên bỏ mối cho quán ăn. Làm mọi cách để có tiền nuôi em, ngồi chợ ly trà đá bao nhiêu tiền mà chị Hiên vẫn không mua. Khi thằng Siêng lên đại học nhu cầu tiền bạc lớn hơn nữa, Dự thấy chị Hiên theo chị em đi buôn lậu chợ trời biên giới, nghề này vừa nguy nhiểm tính mạng, bị bắt là cụt hết vốn trắng tay. Một trong những lý do thằng Siêng, sau này đến con nhỏ Năng học giỏi vì thấy chị của mình vất vả, không than vãn. Bao nhiêu người nghe tiếng chị Hiên giỏi giang tìm đến dạm hỏi, vì còn hai đứa em chị hẹn lần, hẹn lần chờ ngày em út mình thành tài. Người ta nôn nóng cưới vợ, chị thì cứ như trêu, đâu phải là tình yêu mà chờ đợi hẹn
    Khu vườn tràn đầy kỷ niệm, cuối cùng hai đứa em của chị có nghề nghiệp, chị Hiên không phải lo lắng nữa, lại rơi vào cảnh hẩm hiu sống một mình và quen dần cảnh lạnh lẽo giống bà Từ giữ miễu.
    
- o O o -

    Nhà ai cũng đông người, trong xóm chỉ mỗi chị Hiên quạnh quẽ “cô Hiên ơi” thỉnh thoảng Dự nghe bọn trẻ đứng ngoài rào kêu, chị Hiên chậm rãi kéo lê tiếng dép lẹp xẹp ra mở cổng rào. “Mấy đứa bây vô chơi đừng phá phách nghe”, chị Hiên dặn dò lũ trẻ một câu rồi thôi, chị ngồi yên dưới gốc sứ cặm cụi thêu thùa. Đám trẻ nghịch ngợm giống quỷ chúng leo trèo bẻ trái già lẫn trái xanh, ổi non ăn không được chúng cũng trèo bẻ đầy túi để bắn chim. Khi xoài, mận có trái đầu mùa, chị hái xuống đầy rổ tươi ngon, lại còn đâm sẵn chén muối ớt. Gặp ai thân thích đi qua, chị Hiên ngoắc tay mời vô vườn chơi.
    Sao chị y chang bà từ – có lần Dự nói đùa. Quanh miếu thần nông lơ thơ vài bụi chuối, kìa mấy cây mãng cầu xiêm, hai cây xoài. Dự còn nhớ mỗi lần có gì ăn được, bà từ lụm cụm đi tìm người để cho, thật ra là bà đem đổi gạo, đổi nhang. ở đây khu vườn vắng, nhà vắng chị Hiên đổi lấy tiếng trẻ con, tiếng người. Chị Hiên cười để lộ hàm răng trắng đều và đưa tay đẩy Dự ra. “âu mỗi người mỗi kiếp hường nhan đều có cái số, y như số giày, dép”. Dự là chỗ quen biết, cần gì chị Hiên gợi ra, chỉ cần chị đưa đôi mắt nhìn cũng đã hiểu. Rồi chị Hiên đưa đôi mắt nheo nheo lấp láy những tia sáng nhỏ nhìn Dự. Bao lâu Dự nghĩ hiểu chị Hiên. Nhưng trông chị lạ hẳn đi với cái nhìn. Dự cũng thấy mắt của mình dài dại.
    Người ta chẳng biết bao nhiêu về ai đó. Cũng khó mà tự xưng mình hiểu toàn vẹn con người mình. Từ Sài Gòn xe cộ ầm ĩ, Dự quay trở lại tỉnh nhỏ, điều gì xui khiến Dự. Dự mơ hồ… Nước cam lồ ở niết bàn, nước thánh trên thiên đường thì cũng giống như nước dừa xiêm, nước mưa mát mẻ trong cái lu ở góc vườn cũ.…? Trở về để rồi đâm ra buồn chán, cuộc sống tỉnh nhỏ trở mình chậm chạp như động tác thể dục dưỡng sinh. Hàng điện đường đêm đêm thả lê những cái bóng ốm gầy xuống lòng đường. Chú Tàu già gõ hai thanh tre cốc ca, ca, ca cốc rao mì. Khuya nữa là tiếng gió thổi qua vườn tre rì rào chẳng hề thay đổi.
    Bao giờ hai chiều thời gian cũng cùng sống một lúc trong Dự, có khi Dự lắc đầu xua đi. Bóng dáng miếng vườn cỏ cây hoang dại, và cả chị Hiên như một vầng sáng không mất đi. Mọi cái đã được Dự đóng khung trong khi Dự đã vượt khung trước mắt dân trong xóm dưới mắt chị Hiên. Một buổi trưa hè không ngủ, Dự lẩn qua vườn chị Hiên chuyện trò cho qua cơn nóng bức.
    – Sao còn lông bông hoài hả Dự, không lập gia đình đi? Chị Hiên chỉ hỏi vậy có lẽ do thời tiết, bỗng dưng Dự đổ quạu.
    – Sao đi đâu cũng nghe nói chuyện vợ con.
    – Dự kỳ khôi, tới tuổi là phải vậy, chắc kén chọn dữ lắm.
    – Kén ai bây giờ?
    Dự vẫn vô tư, vô tư không để ý chị Hiên khe khẽ: “Chẳng… có …ai … sao”. Giống như chị nói một mình, giống như một tiếng thở dài.
    Dần dần chị Hiên như có điều gì đó xa cách. Một buổi trưa tình cờ Dự gặp lại gã bắn chim… Dự né đi nơi khác một phần vì ghét đàn ông xịt dầu thơm nhưng gã cố ý muốn gặp Dự. “Độ này chị của mày sống ra sao”, gã hỏi han chị Hiên. Bỗng dưng gã chăm chú nhìn Dự.
    – Bao nhiêu tuổi rồi, lương bổng sống nổi không?
    – Cảm ơn!
    – Sao mầy không có bà con gì với bả, lúc nào tao cũng nghe gọi bả bằng chị cung kính quá vậy.
    Không quen kiểu ăn nói trơ trẽn, Dự toan giơ tay lên đánh gã nhưng Dự kịp dừng cơn giận. Gã đã nói gì, chẳng phải đã nói đúng một phần. Chẳng phải có nhiều người được Dự gọi bằng chú, bằng bác, người ấy tự nhiên cự nự, sao đi gọi vậy, bộ mày không muốn cho tao đi chơi chung.
    Cung kính thái quá cũng có nghĩa muốn lẩn trốn cái gì đó, có phải như thế không chị Hiên? Dự luôn gắn chị với vầng sáng, chị Hiên lại tìm cách thoát ra xa cách và chị như người lao vào trò chơi may rủi.
    Sau cuộc tình ngắn ngủi, chỉ ít lâu sau Dự nghe trong xóm đồn đại nói chị lại có bồ mới. Dự để ý quan sát kẻ tới sau lần này giống kẻ trộm lén lút, thoắt biến, thoắt hiện, để rồi lại biến mất. Người nhập cư thứ ba đến xóm là ông Thanh. Là chủ trại mộc, mái tóc đã hoa râm. ông Thanh không giấu giếm việc mình yêu vợ con mà vẫn yêu thêm người khác. ông phân bua trái tim của ông thấy ai sống lẻ loi, có hoàn cảnh khổ là thương. Nghe lão già mắc dịch nói về trái tim Dự suýt phì cười, sau chị Hiên còn những ai nữa, trái tim già có đủ sức chứa? Dự định viết cho hai anh em thằng Siêng lá thư nhưng nghĩ vậy là mình vô duyên khi xía vô chuyện của người.
    Cuối cùng Dự không viết, có lẽ vì ở đời có nhiều dạng siêu quái khó hiểu, song đó là sự thật. Mỗi lần tới ông Thanh thường mang theo món ngon vật lạ, tự tay làm mấy món ăn, không biết ngượng, còn kêu chị Hiên qua mời thêm mấy người hàng xóm.
    ông Thanh vui vẻ cười nói vang vang như muốn chứng tỏ không lén lút, mình cũng là người đàng hoàng. Thế nào là đàng hoàng, Dự băn khoăn, trong từ điển định nghĩa về đàng hoàng không dành một dòng cho kẻỷ nhiều vợ, đi đâu cũng có bồ bịch. Dân trong xóm cũng thiệt lạ, người ta ghét việc vợ lớn vợ bé, vậy mà dần dần từng bước ông Thanh chẳng những thuyết phục được họ, một số lại đâm ra ái mộ cái tình yêu bao la độ lượng. Cả Dự trở thành kẻ đồng lõa, dường như còn ủng hộ, mà không ủng hộ cũng không được.
    – Làm sao anh quen được chị tôi.
    – Tình cờ trong đám cưới, chị của em đưa mắt nhìn xung quanh lập tức anh nhận ra.
    Chỉ một cái nhìn thôi, đơn giản như vậy sao. Nghe ông Thanh nói Dự ngẩn ngơ. Đúng là thằng cha thông minh, ông Thanh nhìn Dự dường như biết Dự nghĩ điều gì đó. ông cười lớn khoả lấp – chèn ơi, đàn ông mà chú đi hỏi vậy. Nào cụng ly. Tự nhiên Dự riu ríu đưa ly lên “cốp”, hai ly chạm vào nhau bật ra tiếng kêu. Rõ ràng ông Thanh trở thành người điều khiển, bỗng dưng trở thành ông chủ nhà ông chủ vườn. Chị Hiên tỏ ra là cô vợ hiền thục – uống vừa thôi nghe ông. Chị vỗ lên vai ông Thanh để ngăn nhưng rồi chị lại trở xuống bếp hâm nóng lại thức ăn bưng ra, chị nhìn ông, nhìn Dự như khuyến khích – còn nhiều lắm nghe. Lát sau Dự trở về nhà, Dự vẫn còn điều gì đó tò mò ấm ức, Dự nhìn qua vườn thấy chị Hiên ngồi rửa chén, ông Thanh cầm chổi quét nhà mút nước lau gạch, tưới cây. Hôm khác Dự lại gặp ông Thanh nằm trên võng đọc báo, chị Hiên bắc ghế ngồi kế bên nhổ tóc sâu. Hình ảnh nói lên cảnh gia đình ấm áp, rõ ràng chị Hiên không thuộc về loại gái xấu. Chị Hiên làm bé cho ông chủ trại mộc chẳng phải vì tiền. Mọi người đã biết, chị dư sống với tiền của hai đứa em gởi về, tiền dành dụm trước đây. Chị Hiên chỉ thiếu hơi ấm, dù đó chỉ là chút hơi thừa, vì nó đã truyền cùng một lúc cho nhiều người. Dự nghe buồn rười rượi cảm giác như mình đánh mất vật gì, nó chỉ còn là hoài niệm.
    Năm nào Tết đến đi chợ đêm Dự cũng tìm mua cho chị món quà và chị Hiên cũng chuẩn bị cho Dự món quà. Có năm hai đứa em về ăn Tết muộn, chị Hiên đón giao thừa một mình rồi ngồi bấm máy điện thoại trò chuyện với hai đứa em. Sao chị không kêu tôi qua – Dự lên tiếng trách, chị Hiên dịu dàng – Tết nhứt mà ai mời mọc ai, nhưng tôi biết Dự sẽ qua. Như chứng minh lời nói của mình chị Hiên lấy ra bánh pháo, rõ ràng chị Hiên chờ Dự qua. Bao nhiêu bánh trái, thức ăn làm để ăn Tết chị Hiên đem ra, coi như Dự là người đầu tiên xông đất mở hàng. Nó thành cái lệ, đêm giao thừa Dự với chị Hiên cũng dành thời gian ngồi bên nhau nhưng rồi cũng Dự phá vỡ cái lệ kia, vì nó đâu có bắt buộc. Không nhớ từ năm nào, nhận được quà tặng tất niên của chị Hiên, Dự không mua tặng lại cho chị món gì, như vậy là còn lắc lư giao đãi. Đêm ba mươi Dự cũng không qua vườn, có ông Thanh chắc là chị Hiên cũng quên. Cho dù chị có nhớ Dự cũng đánh trống lảng, với Dự câu chuyện của chị Hiên coi như kết thúc được với kết luận, người ta vẫn có thể chui qua khung cửa hẹp để tìm mùa xuân của mình.
    Bất ngờ buổi chiều những ngày cuối tháng chạp gió mát lùa trong nắng, trời hiu hiu. Dự đang nghĩ chương trình mấy ngày đầu xuân, những nơi cần tìm thăm viếng, mỗi năm chỉ có dịp này để gặp nhau. Thình lình những bước chân chạy gấp rút lao xao, ngõ hẻm chộn rộn. Dự ra cửa hỏi mới biết, có hai người đàn bà ngoài đầu hẻm đang dò hỏi kiếm nhà chị Hiên, họ chạy đi báo tin. Những người láng giềng kẻ giàu người nghèo bình thường chẳng ai ưa ai, nói xấu lẫn nhau đến chuyện mới biết, người xóm mình vẫn hơn. Kể ra họ cũng nhạy bén. “Chết rồi” Dự giật mình. Dự đã biết thế nào là cái cảnh ghen tuông, lẹ làng Dự nhảy qua nếp mương vườn thay vì chạy ngã cổng cho xa Dự leo qua hàng rào. Chị Hiên được báo tin đứng nhìn ngơ ngác. “Cứ bình tĩnh, tôi đứng phía sau coi như không có việc gì nghe”. Vẫn chưa biết phải đối phó sao chợt Dự bắt gặp cặp mắt kính của ba chị Hiên để trên bàn thờ, không có bệnh về mắt bỗng nhiên Dự nghĩ ra lẹ làng chụp lấy kính đeo lên cho ra vẻ người đứng đắn. Thấy tờ báo xuân của ông Thanh Dự cầm vội tờ báo lên rồi rót ly nước để trên bàn. Đó là vũ khí của Dự để chống càn giống đạo cụ dùng cho một vai diễn sắp sửa mở màn. Vừa sắp xếp xong, hai người đàn bà lạ mặt tông mạnh cánh cửa sắt lao nhanh vô nhà.
    – Mày tên là Hiên?
    – Chị còn hỏi nữa, đánh cho nó một trận cho chừa cái nết lẳng lơ giựt chồng người ta. Đánh vô con mắt để nó mang bộ mặt bầm tím cho thiên hạ biết.
    – Tết nhứt ai vô nhà tôi làm ồn ào, có chuyện gì vậy. Từ nhà sau Dự đeo đôi mắt kính chập chờn chóng mặt, tay cầm tờ báo xuân với ly nước bước ra bình tĩnh đóng vai kịch.
    – Hai chị là ai, có đi lộn nhà.
    – Anh là gì với con đĩ nầy.
    Hai người đàn bà đi bắt ghen, người đi ghen dùm lại tỏ thái độ hung hăng, người kia Dự thấy chắc là vợ của ông Thanh vẫn còn giữ được bình tĩnh.
    – Mấy bà có lịch sự không, tự nhiên nhào vô gọi vợ tôi là con đĩ.
    – Đúng nó tên là con Hiên.
    – Xin lỗi bà, vợ tôi tên Hiền. Thanh Hiền. Không tin tôi lấy thẻ chứng minh cho coi. Dự biết là không ai thèm coi nên nhanh nhẹn đối đáp vừa đề phòng nếu như hai người đàn bà sáp trận thì Dự phải lẹ làng quăng cặp mắt kính xuống cho thấy đường để can ngăn. Vở kịch có hiệu quả, hay là vợ ông Thanh tỏ ra người đàn bà có bản lĩnh. Bà ta đưa mắt lom lom nhìn Dự coi có phải thiệt là chồng, rồi nhìn chị Hiên. Dường như bà ta đã biết, chị Hiên nét mặt biến sắc đang cố kềm tay chân không được run mà vẫn run run người đàn bà tỏ ra nhẹ nhàng, giọng nói lại ngọt sắc có chứa lưỡi dao.
    – Nè Hiền hay Hiên thiệt tụi này vẫn chưa biết rõ. Tui nhờ ai đó nói giùm lại với cô Hiên hãy buông tha nhả nhớm thằng cha Thanh. Cái thằng cha Thanh đã có vợ sáu đứa con, riêng vợ nhỏ bồ bịch đếm không xiết, buông con này lấy con kia. Hạng đàn ông như vậy thịt da của họ dơ dáy, hôi hám lắm, họ hôi nọc (điều này Dự cũng đã biết, người ông Thanh có cái mùi rất dễ nhận) lần này tui cảnh cáo, tui thì hiền các con tui dữ lắm nghe, nó mà bắt gặp thì cô Hiên gì đó ráng chịu.
    Trong màn kịch của Dự không nghĩ ra lời đối thoại này. Dự chết trân đứng nghe quên không biết đối đáp ra làm sao, quên cả tiễn khách. Hai người đàn bà ra về vừa đi vừa quan sát khu vườn, đưa tay chỉ cái hồ sen như bàn tán điều gì, hay là họ hồ nghi mình lộn địa chỉ, chẳng lẽ người có cơ ngơi đẹp đẽ lại có lối sống không tốt. Chị Hiên đứng nhìn theo ngơ ngác Dự lúng túng đứng bên định tìm lời an ủi chị Hiên, chợt chị Hiên quay người qua ôm chầm lấy Dự, như là chị tìm được chỗ dựa, tìm được người bảo vệ. Hơi ấm của hai tấm thân lẽ ra phải hoà nhập lấy nhau từ lâu, đâu có gì muộn màng. Cả hai cứ đứng yên, ôm lấy nhau. Bỗng dưng chị Hiên như là giật mình xô Dự ra chạy nhanh vô buồng. “Sao vậy chị”. Dự kêu lên rồi cảm thấy tiếng kêu của mình thật lạc lõng. Đến nước này Dự vẫn quen miệng gọi chị. Dự toan chạy theo nhưng vì ngượng nghịu, Dự vẫn đứng yên một chỗ nhìn ra sân. Ngoài đường đang có đám trẻ độ chín mười tuổi, chắc là con nhà nghèo không có tiền mua đầu lân thiệt, chúng lấy khăn choàng tắm cột vô cái rổ tre. Một đứa đánh trống, hai đứa múa rủ đuôi say sưa, trống kêu lùng tùng. Mùa xuân của bọn trẻ kéo dài, lúc nào cũng là mùa xuân. Có thể tháng ba, tháng tư hay tháng nào trong năm, bọn trẻ cũng chơi được trò múa lân giả. Vườn chị Hiên màn kịch vừa diễn ra, Dự đóng vai trò cũng giả xuất sắc nhưng vai trò của Dự kéo dài bao lâu vì ông Thanh còn quay trở lại chắc chắn vợ của ông cho người rình rập. Dự thì thầm “chị Hiên”… Đôi lúc Dự thông minh hiểu người khác, lo cho người khác. Riêng về phần của mình, có thể nhiều năm sau, cũng có thể mãi đến cuối đời Dự mới hiểu mình là đứa như thế nào.

Kết Thúc (END)
Ngô Khắc Tài
» Mùa Xuân Của Chị
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò
» Tuyết
» Xác Ngọc Lam