Bệnh tật do chất độc màu da cam từ thời trai trẻ nên bố Đoàn Văn Thăng né tránh lập gia đình riêng. Bố không muốn mình sinh ra những đứa trẻ dị tật, cơ thể suốt đời đau đớn. Bây giờ, bố chăm bẵm các con nhiễm chất độc màu da cam bằng tấm lòng cao cả của người lính từng góp phần giải phóng Tây Nguyên.
Mặt trời ngả mình xuống sườn núi Chư Mân, núi cao chạm mây trên quê hương Gia Lai. Hoàng hôn rải nắng xuống buôn. Khu nhà nuôi dạy trẻ mồ côi ríu rít tiếng nói, tiếng cười. Ông Y Phui đưa lên miệng còi bóng đá, thổi vang vang. Lũ trẻ chợt im lặng. Ông Y Phui bước lên ụ đất ở góc sân, nói với lũ trẻ quây quần xung quanh:
– Bố báo tin vui với các con. Tí nữa, lúc đàn gà chưa lên chuồng, gia đình ta được đón bộ đội Đoàn văn Thăng từ Vùng mỏ về nhà chúng ta. Bộ đội Đoàn văn Thăng cùng cha Y Phui đánh trận Pleiku năm 1968. Lúc đó, các con còn là nững sợi mây trắng bay trên đỉnh núi Chư Mân, chưa được sinh ra làm người. Hôm nay, gia đình đông người chúng ta thêm bộ đội Đoàn văn Thăng là Bă Kon với các con (Bố con kết nghĩa)!
Gần trăm đứa trẻ con nghe cha Y Phui nói vậy, những cái miệng xinh xinh reo to, những bàn tay be bé vỗ ran ran!
Bộ đội Đoàn văn Thăng ngồi ô tô khách nhiều chặng từ Vùng mỏ Quảng Ninh vào Gia Lai. Quang cảnh chiến trường đánh Mỹ ngày xưa, nay thay đổi như mơ. Những con đường đất đỏ gồ ghề chạy dọc Tây Nguyên đã hóa thân thành con đường trải nhựa phẳng phiu. Chiếc điện thoại thông minh định vị dẫn bộ đội Đoàn văn Thăng bước vào đúng khu nhà Y Phui đang nuôi dạy đàn con mồ côi, mồ cút.
Lũ trẻ con ào ra cổng đón bố Đoàn văn Thăng. Đứa lớn mang đỡ ba lô. Đứa bé ôm chân. Đứa nhỡ nhỡ dắt hai tay đưa người bố ngồi xuống cửa nhà, lau mồ hôi.
Bộ đội Đoàn văn Thăng gặp lại đồng đội thời kỳ đánh Mỹ là bố của đàn con mồ côi. Đó là A Pham, Y Phat, Aphu, Đinh Srưm. Đồng đội tay bắt, mặt mừng, ôm choàng lấy nhau. Những chiến sĩ giải phóng quân trẻ trung năm xưa, nay mái đầu đều bạc như đội đám mây trắng của núi cao Tây Nguyên. Y Phui cầm tay Đoàn văn Thăng, mừng rỡ:
– Không ngờ Đoàn văn Thăng trở lại chiến trường Tây Nguyên ngày nào!
– Tớ cầm súng hành quân vào Tây Nguyên năm 20 tuổi. Cùng đồng đội đánh trận mở màn tấn công mặt trận PleiKu năm 1968. Nay trở lại, đời người gần tám mươi tuổi làm Bă Kon cùng đồng đội. Lúc đánh giặc hơn nửa thế kỷ trước chẳng biết hôm nay mấy người lính đầu bạc lại làm bảo mẫu, dung dưỡng “Mầm người” cho Tây Nguyên!
Lũ trẻ con không muốn các người bố đầu bạc nói chuyện dài dài. Chúng dàn hàng, biểu diễn điệu múa Xoang chào mừng các bố. Các bố Y Phui, A Phu, A Pham, Y Phat, Đinh Srưm, Đoàn văn Thăng ngắm nhìn gần một trăm đứa con múa. Lòng người nào cũng nhớ về vòng múa sau chiến thắng Pleiku hơn nửa thế thế kỷ trước. Lúc ấy, mừng chiến thắng, nhiều người già râu bạc, nhiều chàng trai mặc khố, nhiều thiếu nữ mặc xà rông đẹp. Cả buôn tưng bừng múa Xoang. Đống lửa đốt trước nhà rông tung tàn lửa lên cao hóa thành những bông hoa lửa. Hôm nay, xem đàn trẻ mồ côi múa Xoong, chạnh lòng nhớ về người xưa. Nhiều người xưa ấy đã hy sinh anh dũng trước khi Tây Nguyên giải phóng năm 1975. Tất cả những người già đã về thế giới trong rừng sâu. Những thiếu nữ má hồng trong ánh lửa nay trở thành những cụ bà, khuôn mặt dăn deo. Trên sân đỏ đất ba zan, bây giờ, các cháu, các chắt đang múa Xoang. Những cánh tay gầy, nhỏ bé đang nối quá khứ của quê hương với hôm nay!
Đoàn Văn Thăng chợt thấy trong vòng múa Xoang, mấy đứa trẻ đang chập chững tập đi. Mấy đứa trẻ thiểu năng trí tuệ. Chúng cười ngờ nghệch nhưng trong lòng đang nở hoa vui sướng. Các bố đầu bạc nói với bố Đoàn Văn Thăng:
– Mấy con đang chập chững biết đi kia, bố mẹ mất trong trận lũ quét vừa rồi. Lúc ấy, các bố vượt lũ, bồng các sinh linh đỏ hon hỏn về ngôi nhà này.
– Mấy con bị đi chứng chất độc da cam từ ông nội. Ông nội của các con là đồng đội đánh Mỹ của chúng ta đó!
Các bố đầu bạc dung dưỡng đàn con theo sinh hoạt văn hóa thiếu sinh quân. Lúc gà trong buôn đang gọi mặt trời buổi sáng thì tiếng còi bóng đá của bố Y Phui vang lên. Gần trăm đứa con từ các dãy nhà túa ra sân. Các con tuổi tiểu học, trung học cơ sở thì tập bài tập thể dục buổi sáng. Các con tuổi phổ thông trung học thì tập xà đơn, xà kép, cử tạ. Các con mười, mười lăm tháng tuổi thì tự tập đi. Chúng ngã phệt xuống. Màu đất ba zan lấm đầy chân tay nhưng đứa trẻ nào cũng cố đứng dậy, lũn cũn bước tiếp.
Bố Đinh Srưm nguyên là bộ đội đặc công. Bố dạy cho các con tuổi choai choai những bài võ dân tộc. Bố đang mắc bệnh cứng khớp đầu gối nên các động tác vung quyền, múa cước không còn uyển chuyển như thời trẻ. Bố A Pham là kỹ sư cơ khí ô tô. Bố vận dụng kiến thức của mình để dạy các con bơm bánh xe đạp một tay. Bố A Phu là thợ mộc dạy các con trai, con gái chế tác đồ mỹ thuật bằng tre, bằng đá để bán cho khách du lịch. Khách du lịch đặt nhiều hàng gỗ mỹ thuật là đàn đá, đàn Tơ rưng để mang kỷ vật về đất nước mình. Bố Y Phat là thầy giáo. Bố vất vả dạy các lớp ghép cho lũ con. Bố kỳ công dạy chữ, dạy phát âm cho các con thiểu năng trí tuệ. Bố Y Phui làm bảo mẫu, nuôi dạy mấy đứa con mồ côi từ lúc còn đỏ hỏn. Bố cũng là người mẹ dung dưỡng cho các con lứa tuổi ăn bột, ăn cháo loãng. Gian nhà trẻ của bố Y Phui luôn hòa lẫn tiếng khóc oe oe cùng tiếng cười ngây thơ của trẻ đang mọc răng sữa. Bố Đoàn văn Thăng nuôi dạy những đứa con mang trong người di chứng chất độc màu da cam từ thời chiến tranh. Bố là người nhiễm chất độc màu da cam trong những trận chiến đấu dọc dãy Trường Sơn. Từ nỗi đau da cam của bản thân mình, bố dồn tình yêu thương, nâng giấc từng đứa con. Rang Mah có mái tóc xanh như rêu suối. Mắt Rang Mah long lanh như mắt con nai. Chất độc da cam làm cho cơ thể chậm lớn, nụ cười méo xệch, nước dãi ướt ngực áo. Rang Mah là con gái nhưng nhận mình là con trai. Là con trai thì được đá bóng, đá cầu, được vác bó củi to từ rừng về bếp… Bệnh tật do chất độc màu da cam từ thời trai trẻ nên bố Đoàn Văn Thăng né tránh lập gia đình riêng. Bố không muốn mình sinh ra những đứa trẻ dị tật, cơ thể suốt đời đau đớn. Bây giờ, bố chăm bẵm các con nhiễm chất độc màu da cam bằng tấm lòng cao cả của người lính từng góp phần giải phóng Tây Nguyên. Cảm từ bản thân mình, bố Đoàn văn Thăng tâm sự cùng các bố:
– Mình nguyện hiến cả đời cho các con mắc di chứng chất độc màu da cam. Tiếc rằng, tuổi đã cao, sức đã mòn nên sự hiến dâng chẳng còn được bao nhiêu!
Các bố suy tư rất nhiều khi tuổi tác đang bò toài nhanh sang tuổi tám mươi. Việc nuôi dạy trẻ mồ côi cần ý chí của người lính. Năm người bố đầu bạc phải cặm cụi tạo ra kinh tế để dựng nhà, mở cửa. Hàng ngày lo toan nồi cơm, manh áo, sắm sách vở cho gần một trăm đứa con. Sự vất vả, lo âu phải giấu kín trong lòng. Trước mặt các con, các bố chỉ nở nụ cười tươi tựa hoa rừng, lời nói nhẹ nhàng âu yếm như làn gió mát. Trên thế gian này, hỏi nơi đâu năm người đàn ông đầu bạc sum vầy với đàn con đông như đàn chim trên rẫy? Hạnh phúc cùng bầy con cao hơn ngọn núi Chư Mân, tràn đầy nhiều hơn nước dòng sông Pô Cô…
Cô giáo ở trường huyện dạy học những đứa con của các bố đang học bậc phổ thông trung học. Cảm phục các bố, lòng dạt dào cảm xúc, cô viết câu thơ lục bát:
Công cha như núi Chư Mân
Nghĩa cha như nước trong nguồn Pô Cô
Bà con Ba Na, Ê Đê, Gia Rai, Rơ Mân… trong các buôn quanh vùng luôn thể hiện hàm ơn với các bố đầu bạc. Người già bảo người trẻ dựng cho nhà nuôi trẻ mồ côi một cái nhà Rông. Đàn trẻ con đứng túm tụm trong sân, nhìn lên mái nhà Rông, thấy bầu trời gần hơn. Những người mẹ gùi trên lưng mang đến nải chuối rừng, quả đu đủ, củ mì, gạo nương, con gà. Tình thương sẻ chia với các bố đầu bạc để lũ trẻ để thêm bát cơm đầy, bát cơm có thịt.
Cơ thể bố Đoàn Văn Thăng quen khí hậu bốn mùa xuân, hạ, thu, đông miền Đông Bắc. Trải qua những năm tháng làm Bă Kon của đàn trẻ mồ côi, sức khỏe âm thầm giảm sút. Cơ thể phải dần quen với khí hậu mùa khô, mùa mưa của Tây Nguyên. Mưa liên miên làm cho di chứng chất độc màu da cam bào mòn cơ thể. Mùa khô làm da trên mặt, da trên lưng nổi vẩy như da thằn lằn, vô cùng bức bối. Con trẻ vô tư chỉ thấy bố Đoàn văn Thăng tươi cười, bày trò đánh khăng, kéo co, đẩy gậy cùng các con. Tiếng cười của các con sinh ra phép mầu vô hình đẩy bớt bệnh tật ra khỏi cơ thể bố Đoàn Văn Thăng.
Nhìn cây Pơ Lang nở hoa đỏ trên sân là biết mùa con ong đi lấy mật. Cây rừng thay áo mới. Đàn chim núi bay về mái nhà rông làm tổ. Áp lưng từng đứa con tựa vào chân cầu thang, lấy thước đo chiều cao. Đứa con nào cũng cao vổng lên. Nhìn các con yêu nhớn nhao, năm người bố vui đầy trên môi. Bà con buôn gần, buôn xa cũng mừng rỡ!
Mỗi buổi sáng, các bố chải đầu, cái lược lại mắc thêm nhiều sợi bạc. Tóc bạc rơi xuống đất đỏ ba zan.
Sáng nay, niềm vui từ lòng người như cánh chim vút trên mái nhà Rông. Hai thiếu nữ xinh đẹp, vẻ người thành phố từ trên đường của buôn, chạy vù vào khu nhà nuôi dạy trẻ mồ côi. Tiếng gọi cất lên từ đầu sân:
– Các bố ơi! Các bố ơi!…
– Các em ơi! Các em ơi!…
Các bố cùng đàn con nhỏ hấp tấp chạy ra sân. Các bố bỡ ngỡ:
– Các con về nhà đấy ư
Tiếng trẻ con mừng rối rít:
– Các chị về nhà rồi đây nè!
Người già, các mẹ, các trai, các gái trong buôn nghe tin. Mọi người kéo nhau đổ đến nhà nuôi dạy trẻ mồ côi. Lòng người mừng vui quá đỗi. Ai cũng ngạc nhiên, không nhận ra hai đứa trẻ mồ côi, bé bỏng ngày nào được các bố đón về, cưu mang. Hôm nay, hai đứa trở về ngôi nhà xưa nồng ấm của đời mình để báo công học tập ở thành phố. Rang Theng tốt nghiệp đại học sư phạm, trở thành cô giáo. Y Trăng tốt nghiệp trường đại học y khoa, trở thành bác sĩ. Rang Theng làm cô giáo nên trong người nhiều chữ nghĩa. Rang Theng nói thay Y Trăng, thưa với các bố cùng bà con các buôn:
– Thưa các bố, thưa bà con các buôn! Chúng con được các bố, bà con yêu thương nuôi nấng, chăm sóc từ khi bé bỏng, ốm yếu như con mèo!
Rang Theng lấy tay áo lau nước mắt, thưa tiếp:
– Đến bây giờ, hai con đã lớn, biết làm cô giáo dạy học, biết làm bác sĩ chữa bệnh cho mọi người. Để đền đáp công ơn của các bố, của các bà con, hai con xin được trở về mái nhà chung, đầy ắp tình thương này. Con là Rang Theng kế tiếp các bố dạy chữ cho các em. Y Trăng chăm sóc, chữa bệnh cho các bố, cho các em trong gia đình cùng bà con các buôn xa gần ạ!
Kết Thúc (END) |
|
|