Con đường về nhà hôm ấy như dài vô tận. Thư mải mốt đi. Đi mãi, mà cái cổng sơn màu xanh nhà mình vẫn chưa ló mặt. Mọi thứ cứ mờ dần, nhòe nhượt, chìm khuất trong làn nước mờ đục. Không biết đó là sương trời, hay nước mắt người đang ứa ra. Thư không muốn chết, chưa muốn chết, khi cuộc đời tươi đẹp mới ở tuổi ba tám, mặn nồng sức thanh xuân…
Cuối cùng thì Thư cũng về đến nhà, và mọi cái diễn ra vô hồn. Vô hồn vo gạo, vô hồn rửa rau, vô hồn làm cá. Nấu xong bữa trưa. Như một cái máy. Chồng con háo hức xúm xít bữa cơm sum vầy. Cho đến khi hai vợ chồng lên giường nghỉ, như thường lệ, Nguyên cầm điều khiển ti vi. Nhưng Thư không thể chăm chú xem, cũng không thể nhắm mắt ngủ ngay. Thư bình tĩnh và nhẹ nhàng quàng tay qua ngực chồng, thì thầm rất nhỏ: “Em bị… rồi anh ạ!”.
Có thể giấc ngủ đang vỗ về khiến Nguyên lơ đãng. Hoặc anh nghĩ là Thư đang đến kì, khi lần quan hệ trước đó, hai người muốn có thêm đứa con. Nhưng Thư nói tiếp: “Người ta đã làm sinh thiết tế bào. Kết quả rất xấu…”. Nguyên bật dậy. Chiếc điều khiển trên tay Nguyên rơi tuột xuống đất. “Hả? Sao thế được!”. “Sáng nay em vừa ở chỗ bác sĩ về…”.
- o O o -
Thư thường nói vui, rằng cô được trời thương, ưu ái cho mỗi ngày đi về trên con đường rợp bóng cây đẹp nhất của thành phố. Nhiều lúc, dù muộn giờ cơm, cô vẫn nấn ná dừng lại chụp một vài kiểu ảnh. Thế nhưng buổi chiều hôm ấy, cám cảnh trước những gốc phượng già bị sâu ăn, cành lá trơ trụi, Thư đã va vào một chiếc xe đẩy bán dạo nước mía bên đường. Cũng chỉ là một chút vấp nhẹ, Thư mất đà khẽ chúi người, ngực chạm vào thành xe đẩy. Không hề hấn gì. Nhưng đêm, đang ngủ say bỗng sực tỉnh vì nghe nhoi nhói ở đâu đó. Sáng hôm sau, Thư tranh thủ giữa giờ làm, đến bệnh viện kiểm tra. Và cú va chạm ấy, là lời nhắc nhắn của số phận chăng. Ông bác sĩ già hơi giật mình. Vú trái Thư có vấn đề. Ông viết giấy chuyển cô gấp sang phòng xét nghiệm tế bào. Ở đó, người ta hẹn cô trở lại sau một tuần…
Đó là một tuần dài bằng cả thế kỉ, Thư sống dở chết dở trong bấn loạn. Cuộc đời đã gạch tên mình ư! Sao nỡ phũ phàng đến vậy, hả ông trời!
Số phận đã ngoảnh mặt. Thư thẫn thờ cầm tờ kết quả xét nghiệm trước cái nhìn ái ngại của ông bác sĩ già. Những bước chân không phương hướng. Hình như các dây thần kinh không hoạt động, mọi cung bậc dồn nén, đông đặc. Có lẽ sau một tuần thấp thỏm đợi chờ, mọi cái đã bão hòa. Đôi mắt ráo hoảnh. Tuyệt vọng. Bước chân cao thấp. Con đường dằng dặc về nhà….
Án tử được tuyên cho vợ, Nguyên choáng váng. Anh ngồi thừ bất động. Mãi sau, anh nằm xuống, quàng tay qua vai ôm lấy Thư, vuốt những sợi tóc lòa xòa trên trán vợ, nói vớt vát: “Em đừng quá nghĩ. Y học giờ phát triển…”. Lạ thay, Thư cầm lòng không đậu. Đôi mắt đẹp rưng rưng, nước mắt ứa ra không thể kìm giữ. Người cô rung lên, nức nở…
- o O o -
Mọi thứ đang rất viên mãn đối với người đàn bà xuân sắc đương thì. Sự viên mãn làm Thư đẹp và trẻ đến không ngờ. Mỗi lần khoác tay con gái xúng xính đi dạo dọc bờ sông, ai cũng ngoái nhìn, ngỡ hai chị em ruột. Con trai lớn phổng từ lúc nào, đã cao hơn bố nửa cái đầu. Trong nhà, nom xấp xấp như gà một lứa. Nguyên của Thư đang chín dần trên đường hoạn lộ, con trai sắp vào đại học, con gái chuẩn bị vào bậc trung học phổ thông. Tất cả đều tốt đẹp và đang rất hứa hẹn. Nguyên không hẳn hoàn hảo tuyệt đối, cũng từng làm tim Thư đau đến nghẹt thở, nóng nảy trước khó khăn, hay luộm thuộm khiến cô phát cáu mỗi lần phải dọn vén, lại ngang tàng như ngựa không cương mỗi lúc bốc đồng. Nhưng Thư yêu chồng, yêu cả những hay dở của chồng. Yêu những đứa con xinh tươi anh cho cô trong cuộc sống tràn trề hạnh phúc. Một tình yêu lặng thầm, ban tặng và dâng hiến. Toàn tâm. Trọn vẹn. Giờ đây, nếu phải từ giã cuộc sống, Thư cũng không ân hận…
Thư cố giấu đi những lo lắng, giữ vẻ bình thản trước chồng con. Bởi Thư nghĩ nếu mình tỏ ra yếu đuối gục ngã, hẳn chồng con sẽ đau khổ gấp bội. Thư lặng lẽ lục lại tủ quần áo, cất riêng những bộ váy rất đẹp mà cô biết từ nay khó có cơ hội dùng đến để đành tặng con gái khi nó lớn và âm thầm thiết kế những kiểu quần áo mà cô cảm thấy thoải mái phù hợp với sinh hoạt của một người bệnh. Việc tự mình bận bịu làm khiến thời gian trôi nhanh hơn. Và nhìn thấy những chiếc váy mới từ đồ cũ cắt lại vẫn điệu đà thời trang, Thư thấy mình nhẹ nhàng thơ thới, như chưa từng bị trọng bệnh. Không! Không bao giờ Thư chịu ảm đạm, dù nhìn thấy dấu chấm hết cuộc đời ngay trước mặt. Thư không tạo ra những chiếc váy màu đen, dù viền đăng ten trắng hay trung tính như trước. Giờ Thư chọn cho mình những sắc màu họa tiết sặc sỡ, tươi rói sức sống. Cảm giác về sự sạch sẽ, tươi ngời sẽ gieo cảm xúc hi vọng cho cả những y tá, bác sĩ chăm sóc người bệnh… Hi hi hi… Thư khẽ bật cười một mình, không ai như cô, bệnh nhân lại đi an ủi thầy thuốc.
Thời gian đầu, Thư thấy mệt và sốc khi hóa trị sau mổ. Mệt rã rời, như người không có xương. Tóc lưa thưa. Da sạm ngoét. Đôi mắt đờ đẫn, vô hồn. Cô không dám soi gương, tránh đi qua những nơi có thể in bóng mình. Thực ra, Thư đã có ba chiếc gương hàng ngày. Ấy là ba gương mặt người thân trong gia đình. Thoáng nhìn mắt họ, Thư biết mình tiều tụy đến mức nào. Sự ái ngại lo lắng của chồng, vẻ thảng thốt giật mình của con trai và nỗi hốt hoảng xót xa của con gái. Mỗi sớm mai thức dậy, ba chiếc gương ấy lần lượt cho Thư biết trạng huống của cô. Ánh mắt lãng đi, nhưng môi mỗi người cố gò nụ cười đẫm chất động viên. “Cố lên, em làm được mà!”, Nguyên nói. “Mẹ kiên cường lắm! Gắng lên, mẹ nha!”, con trai thầm thì. “Mẹ vẫn như xưa. Rồi sẽ qua, mẹ ạ”, con gái rỉ vào tai… Và cả mẹ chồng nữa! Người đàn bà ấy đã ôm chặt lấy Thư khi biết tin dữ, bà khóc, những giọt nước mắt quánh lại từ đôi mắt mờ đục khiến Thư không cầm được lòng. Hai người đàn bà, cảm thông và chia sẻ. Mẹ chồng lặn lội tìm mua những thực phẩm sạch ở quê, chủ yếu là những thứ rau củ quả, bảo là rất tốt cho những người bị bệnh như Thư. Bà phơi phóng gói ghém cẩn thận từng chùm bồ kết, chanh, sả cho Thư gội đầu, bảo thứ đó là thần dược cho mái tóc của người phụ nữ…
Ấy thế mà có lần, Thư giận mẹ chồng. Khi ấy Nguyên ngoại tình. Mẹ chồng ở quê lên thăm, thấy con trai mình sọm đi, bà xót. Thư đã kể chuyện cho mẹ nghe, mong tìm được đồng minh. Nghe xong, bà động viên Thư những lời gan ruột, nhưng cũng không quên nhắc nhắn Thư rằng: “Biết là chồng có lỗi, nhưng mình là phụ nữ, cũng phải xem lại mình con à, xem mình đã quan tâm chia sẻ hết với chồng chưa? Biết đâu, con vì bận bịu, đã vô tình để người đàn bà khác chen vào, và chồng con, cũng chỉ là người đàn ông bằng xương bằng thịt…”. Ra là thế! Hoá ra, cuối cùng Thư là người có lỗi nên dẫn đến việc chồng ngoại tình! Rốt cục thì mẹ con họ vẫn bênh nhau! Thư nghĩ thế. Và đã không kìm nén nói ra những hờn ghen trách cứ… Thư giận chồng, giận mẹ, và cứ thế, mẹ chồng nàng dâu ngày càng ít đi những gần gũi và thưa dần những cuộc điện thoại hỏi han tâm sự. Giờ đây, khi những ngày đếm ngược thời gian, Thư thấy mọi thứ đều quý giá. Quý giá cả cái không vừa lòng, cả những hờn ghen giận dỗi không đâu. Mỗi lần nhận được những món quà mẹ chồng gửi lên, Thư lại thấy nghẹn ngào, thương quý và kính trọng.
Và dần dần Thư cảm thấy mọi thứ có vẻ ổn hơn nhiều. Thể trạng tiến triển tốt hơn sau mỗi đợt vô thuốc. Hình như sức khỏe dần ổn định. Chứng cớ là, áo quần mặc thấy khít người, tỏ ra lấy lại số cân. Tóc đã dày hơn. Và màu da nữa, đã có sắc hồng khi cúi mặt nhìn vào chậu nước. Cả đôi mắt đen lấp láy nữa. Thư không dám tin điều kì diệu này. Hay đó chỉ là ảo ảnh của người bệnh?
Ơn trời, cô con gái được Thư cưng chiều từ nhỏ, tự bao giờ thành người bạn tâm tình gần gũi, và chu đáo với mẹ hàng ngày. Bé biết cách làm Thư cười, tháp tùng Thư đi thể dục dưỡng sinh, nhắc Thư lịch trình tái khám và uống thuốc đúng giờ. Cậu con trai hiền lành ít nói, trầm tĩnh và cứng cáp cho Thư cảm giác nhẹ lòng nếu phải ra đi. Đôi khi, Thư nghĩ rất lung về cái chết. Lạ thế, sớm muộn ai rồi cũng phải chết kia mà! Cái đích đến của cuộc sống sinh học mỗi đời người, chẳng phải là huyệt mộ đợi sẵn ở đâu đó ư! Thế thì, chỉ là chết thôi, có gì ghê gớm đâu. Vậy nhưng, khi đứng trước cột mốc cuối cùng của cuộc đời, con người lại nghĩ nhiều về nó. Sợ phát khiếp vì nó. Hồn xiêu phách lạc. Và hơn thế, bản năng sống lại trào lên dữ dội. Không muốn chết. Hãy cho tôi được sống!
Thư đâu phải thánh thần, cũng chỉ người trần mắt thịt đàn bà. Ham được sống, yêu chồng tha thiết, yêu cả khi nghĩ mình đã thành ma. Thư chết, Nguyên sẽ rước một người đàn bà nào đó về nằm vào chỗ của mình đêm đêm. Và các con nữa, sẽ sống ra sao dưới bàn tay dì ghẻ. Không! Thư sẽ không chết! Dù chồng con chiều chuộng, muốn bù đắp hết thảy những tháng ngày ngắn ngủi còn lại. Nguyên thường đưa Thư ra bờ sông, nơi hẹn hò thời trước, gợi nhớ những kỷ niệm ngày chớm thu năm nào. Thoạt đầu, Thư hào hứng nhí nhảnh, rồi chuyển sang nghẹn ngào người xưa cảnh cũ, thậm chí tủi mừng đến phát khóc. Nhưng sau đó giật mình. Ngúng nguẩy vùng vằng, dằn dỗi chồng con. Ý như bảo, các người đang âm thầm chuẩn bị cái chết cho tôi đấy sao! Muốn tôi đi nhanh vậy sao. Muốn sớm rảnh tay để đón người khác vậy sao. Không! Không đời nào! Tôi sẽ không chết đâu! Nguyên và hai đứa con im re, trước tính khí mưa nắng thất thường của Thư…
- o O o -
Đợt vô thuốc thứ hai, cứ như định mệnh, lại như thử thách bản lĩnh Thư. Sáng hôm ấy Thư chọn chiếc váy nền xanh điểm những nụ hoa đào phơn phớt, có hai vạt cài chéo qua bằng sợi dây thắt nơ, kín đáo che đi mớ băng dán quanh ngực. Gương mặt trang điểm nhẹ nhàng, trông Thư cứ như một người mẫu chứ không giống một bệnh nhân đang hóa trị. Thư tưởng cứ như lần trước, phải truyền xong hai chai nước mới vô thuốc, như thế sẽ kịp vừa lúc Nguyên xong cuộc họp. Nhưng lần này, bác sĩ kết hợp gần như đồng thời. Thư thấy trong người khá ổn nên đã chủ quan. Cô túm lấy mớ dây loằng ngoằng nhét vào một bên túi rồi một mình đi vệ sinh. Y tá Ngân đi ngang, như thường lệ ghé mắt sang phòng, bỗng giật mình thấy giường bệnh trống không. Vừa lúc Thư từ phòng vệ sinh bước ra, gương mặt trắng bạch, máu trào ngược lên ống thuốc dẫn. Ngân chạy vội đến, Thư cũng gần như đổ ập vào vai người y tá. Hai cánh tay Thư lỏng dần, buông xuôi xuống…
Đó là một cú chấn động mạnh. Thư thấy mình thoát chết, nằm lọt thỏm dưới các mảng tường trắng đè lên xung quanh. Thư mơ hồ nghe tiếng tích tắc xa gần… Mắt cô bắt gặp mớ dây dợ loằng ngoằng gắn trên người. Với xung quanh là những máy móc đang hoạt động. Ánh sáng loang loáng. Trước mắt Thư là Nguyên đang ngồi gục co ro mép giường kế bên. Có lẽ anh vừa mới thiếp đi không lâu. Gương mặt sọm đi, trông đến tội nghiệp. Tim Thư trào dâng nỗi thương chồng. Nước mắt ứa ra, rơi lã chã… Thư nhớ lại, lần Nguyên say nắng cô gái cùng cơ quan. Thư buồn đến suy sụp, phải vào viện tĩnh dưỡng. Anh chuộc lỗi bằng cách chăm sóc vợ với tất cả tấm lòng, cố bù đắp những lỗi lầm mình đã gây ra. Cũng gầy rộc đi, như bây giờ. Nhưng vì giận, Thư đã làm ngơ trước những hành động chuộc lỗi của chồng, cũng hờn ghen, thậm chí chiến tranh lạnh với Nguyên lâu đến mức Nguyên gần như không còn đủ kiên nhẫn. Đàn ông đôi khi bốc đồng, lửa rơm. Tỉnh ra, tận cùng hối hận, mới biết không ai yêu mình bằng người vợ đang đầu gối tay ấp. Giờ thì, những trách giận đàn bà ấy có là gì đâu, chỉ như nước luồn qua kẽ tay.
Có lần giữa đêm thức giấc, tay Thư quơ phải trên mặt gối những sợi tóc của mình. Một mớ. Rồi cả một nắm. Thư ứa nước mắt, soi lên tay những sợi tóc đang rời bỏ cơ thể mình. Từ đó, Thư thường cuống cuồng thu dọn mớ sự sống phản trắc cốt để Nguyên không nhìn thấy. Và cô bắt đầu đội kiểu mũ len của các nhà sư. Quả thật, nom Thư như một ni cô đảm đang nơi ngôi chùa riêng của mình, cố làm việc nhà giúp chồng con.
Một buổi trưa, Thư đang lúi húi làm bếp, Nguyên về từ lúc nào, anh quàng tay ôm Thư từ phía sau, hít hà lên cổ gáy lơ thơ vài sợi tóc sau vành mũ. “Trưa nay em cho cha con ăn món gì nào?”. Thư xúc động khi nhận ra mùi mồ hôi của chồng, cười tủm tỉm mà mắt rưng rưng. Chỉ trừ những ngày phải vào viện, còn khi ở nhà, Thư không muốn mọi người xem mình là một người bệnh, cô duy trì những công việc thường ngày, lau nhà, nấu nướng, tưới cây… “Từ hôm nay, mẹ sẽ có một “phong cách” mới…”. Con gái cười vui lấy ra bộ tóc giả ướm lên đầu Thư, gần giống với kiểu tóc cũ ngày trước. Không có cảm giác ủy mị, không ngậm ngùi, xót xa nữa. Thư biết, đằng sau cái vẻ cười vui nhẹ nhàng, tưởng như vô tâm vô tánh ấy của Nguyên và các con là những ngày vắt óc lựa chọn cách bày tỏ tự nhiên nhẹ nhàng, khôn kham nhất, để Thư không mặc cảm mình đang đi gần đến cái mốc cuối cùng…
- o O o -
Kể từ lần phẫu thuật cắt bỏ khối u một bên vú, rồi tháng ngày dài hóa trị, chuyện sinh hoạt vợ chồng gần như dứt hẳn. Cơ thể người phụ nữ trong Thư không còn bình thường. Những ham muốn, đòi hỏi gần như mất hẳn. Nguyên không tỏ thái độ gì, anh đặt lưng xuống là ngủ một mạch cho đến sáng. Có thể, một khi thân thể vợ đã không nguyên vẹn như cũ, anh có còn cảm hứng chi! Trong lòng Thư luôn gợn những day dứt âm ỉ. Cái cảm giác bản năng về sự dâng hiến ban tặng của người phụ nữ không còn, khiến cô chống chếnh, tủi thân. Người ta nói rằng, tình yêu không có tình dục, thì khác chi hai người đàn ông ở với nhau. Mối quan hệ đó vô cùng mong manh tạm bợ, rất dễ đứt rời… Ở tuổi bốn mươi, Nguyên của cô đang là một người đàn ông đỉnh cao tráng kiện, tràn trề sức lực. Không còn trẻ, nhưng còn lâu mới nói đến tuổi già. Lẽ nào Thư cam tâm giam cầm Nguyên trong cái nghĩa vụ và trách nhiệm cố hữu. Mà thực ra, cô đâu có giữ nổi Nguyên, cấm Nguyên cưới một người đàn bà khác.
Thư thảng thốt giật mình, thoáng nghĩ đến cái chỗ nằm nệm êm gối ấm của mình đây, rồi ngày kia có một người đàn bà trẻ đến ngủ, và người đàn ông của mình sẽ thuộc về người ấy. Cô ta tha hồ ôm ấp, ve vuốt chiều chuộng. Và được Nguyên đáp lại cuồng nhiệt, như từng đáp lại với mình. Chỉ mới mường tượng thế thôi, Thư đã không chịu nổi. Không thể có chuyện đó! Cô nhìn lại mình trong bộ đồ ngủ mỏng tang, đưa tay vuốt hai bờ vai và hai đùi non đã bắt đầu mẩy, vuốt mái tóc không còn dày dặn, một cái gì rân rân khẽ thức dậy trong người. Thư thầm thĩ vào tai chồng, lời yêu đương ngọt ngào và gợi ý xa xôi về chuyện vợ chồng. Hình như Nguyên đã tận hiểu sâu kín những gì đang diễn ra trong lòng vợ, rằng đó là sự gắng chiều cực chẳng đã người đàn ông của mình sau bao tháng ngày bỏ không. Nguyên ứa nước mắt. Tội nghiệp! Anh quay mặt vờ như uể oải, và nói trong cơn ngái ngủ lúc gần sáng: “Để em khỏe thêm chút nữa đã… Anh không sao đâu…”. Lời Nguyên thật lòng hay không, Thư không biết. Nhưng Thư thấy tận sâu đáy mắt chồng không có sự ngập ngừng, không ánh nhìn xa vắng…
Thư đã đi làm trở lại, dù mang tính trình diện nhiều hơn. Cơ quan ai cũng mừng, nụ cười chồng lên sự ái ngại. Xưa nay, đã ai sống sót được sau ung thư. Đã ai thoát được bản án được tuyên. Nguyên và hai con cũng vậy, vồ vập đón Thư từ ngoài ngõ, như thể cô vừa có chuyến công tác xa. Thư đang tranh thủ sống. Mỗi sớm, sau bữa ăn sáng ngon lành là “tiêu chuẩn” thuốc, cô vừa tưới cây vừa nghe nhạc. Rồi đến cơ quan, tung tẩy những bước chân như thì con gái son rỗi. Chiều tà nắng dịu, Thư tíu tít vỗ tay, cổ vũ đội bóng chuyền nữ cơ quan tập luyện. Đôi khi, bấy nhiêu đó cũng là đề tài rôm rả nhất trong bữa cơm cuối ngày của gia đình cô. Đêm, Thư bỏ hẳn các bộ phim ngôn tình dài tập, lên Facebook chát chít trêu đùa bạn bè. Người ta cũng quên dần chuyện cô đang là bệnh nhân ung thư…
Nhưng ba cha con Nguyên thì luôn nhớ, âm thầm đau đáu về người phụ nữ trụ cột gia đình đang cố sống. Nguyên thức khuya dậy sớm, tự mình quán xuyến tất cả việc nhà để Thư được thoải mái. Các con cũng bắt đầu ý thức tự lập, không nũng nịu dựa dẫm vào sự nuông chiều của mẹ nữa. Nguyên như biến thành con người khác, thành thạo việc nhà ít ai bằng. Hết cơm nước đến quét tước, giặt giũ. Đôi ba tuần lại rũ đệm, thay ga, thay gối…
Một sáng, xếp sâu trong vỏ gối Thư nằm, Nguyên không còn lôi ra được những lọn tóc rụng vợ giấu nữa. Nhưng bất ngờ, anh chạm phải một bì thư để ngỏ. Nguyên run run lật mở. “Gửi anh và các con!”. Tờ giấy Thư đánh máy rõ ràng và kí tên cẩn thận. Mắt Nguyên nhòe mờ khi đọc lá thư. Thư muốn rằng sau khi mình mất đi, Nguyên hãy tìm một người đàn bà tử tế để chăm lo cho các con. Và Thư muốn hiến thân cho y học nhưng sợ cơ thể đã bị di căn ung thư, cô chỉ xin hiến đôi giác mạc của mình cho người trẻ tuổi nhất cần đến…
Nguyên thảng thốt sau khi đọc “di chúc” của Thư, anh lao ra ngoài ngõ vắng. Thẫn thờ. Trống vắng. Đó là một ngày trời vừa chớm thu…