Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Đi Qua Cơn Bão Tác Giả: Nguyễn Cẩm Hương    
    Nó bước ríu cả chân, có lúc còn buông tay thằng Tý, chạy ào một mạch lên phía trước, mặc thằng Tý gào gọi: Chị… đợi em với. Nó quay lại nhăn mặt lè lưỡi, ê ê gần 10 tuổi rồi chứ bộ, ai còn bắt người ta dắt tay. Mà chính nó cũng đã gần 12 tuổi rồi, sao hôm nay lại cứ ngỡ mình như một đứa bé con thế nhỉ. Nó thích sà vào các hàng đồ chơi ngắm nghía mấy thứ của ba đứa con nít 5, 6 tuổi vậy. Tý ơi, ra xem này, cái máy bay mà em thích đây này. Không thích, cái đó bằng giấy, em thích cái bằng nhựa cơ, nó bay được giống như của thằng Cuội. Ừ nhỉ, nhưng ở đây không có, đi sang hàng khác đi. Ô hàng này có nhiều đồ chơi quá này. Nó tròn mắt ngắm nhìn những con búp bê bằng nhựa nhỏ xinh có mái tóc vàng óng như thật. Nó mải mê như lạc trong khu rừng đồ chơi lung linh huyền ảo. Ở đây có bao nhiêu thứ mà nó thích, nhưng chỉ để ngắm thôi, thì xưa nay nó vẫn chỉ ngắm khi có dịp đi qua những hàng đồ chơi nào đó, hoặc là xem trên tivi thôi, nhưng giờ đây nó được trực tiếp sờ vào chúng, được cầm trên tay con búp bê mà nó thích, nhưng rồi lại trả về chỗ cũ. Nó không đòi mẹ mua, nó biết mẹ không có tiền.
    Nó quay đi tìm thằng Tý, à kia rồi, cu cậu đang mải mê sờ nắn cái máy bay trực thăng bằng nhựa có cánh quạt quay tít bay lên được, chết thật, khéo nó lại đòi mua thì bố làm sao đủ tiền. Nó đưa mắt nhìn bố mẹ, thấy bố mẹ nó đang dắt tay nhau, cười nói vui vẻ. Mẹ mặc chiếc váy hoa giống hệt cô Mây trong xóm trọ hay mặc, khác hẳn mọi ngày mẹ nó vẫn khoác chiếc áo chống nắng dày cộp, đội cái nón ố vàng, ăn vội bát cơm rồi tất tả dắt xe đi. Bố nó cũng thế, hôm nay cũng áo phông quần bò, đi giày thể thao chứ không phải mặc chiếc áo bộ đội cũ sờn, chân đi dép tổ ong mòn vẹt, mỗi sáng lôi con xe cáu bẩn, dậm chân oành oạch trước cửa, phả khói mù mịt rồi lao đi. Bố nó lại gần thằng Tý cúi đầu nói gì với nó mà thấy thằng Tý nhảy lên reo to, còn mẹ nó thì cũng lại gần nó thì thầm, con thích gì cứ chọn đi mẹ sẽ mua cho. Không, mẹ ơi con không cần những thứ này đâu, con lớn rồi mà. Nó bỏ lại gian hàng đồ chơi có những con búp bê xinh đẹp. Nó muốn nói với mẹ nó rằng hôm nay được đi chơi công viên thế này là vui lắm rồi, không cần gì nữa. Công viên đẹp quá, nó chưa bao giờ được đi chơi công viên, chỉ thấy trên tivi, dù nó đã sống ở cái thành phố sầm uất này ngót chục năm rồi. Hôm nay là ngày gì mà nó được bố mẹ cho đi chơi thế nhỉ, mà bố mẹ nó tại sao hôm nay dám bỏ một ngày làm việc để dắt hai chị em nó đi chơi? Nó quay lại tìm bố mẹ, ô không thấy đâu, cả thằng Tý nữa, chết rồi nó mải chạy nhảy trong công viên mà để lạc mất họ rồi. Nó vội chạy nháo nhào đi tìm, mồ hôi vã ra như tắm, nó túm lấy người đang đi trong công viên để hỏi, nhưng họ cứ im lặng ngoảnh mặt đi, nó gào lên: Bố mẹ ơi, Tý ơi em đâu rồi …
    Chị ơi, chị Bé ơi... Một bàn tay man mát đặt lên trán nó, thấy dễ chịu quá như bàn tay mẹ đặt lên mỗi khi nó ốm. Nó bừng tỉnh, nhìn thấy thằng Tý đang ngồi cạnh nước mắt dàn dụa. Trước mắt nó là mấy bóng người xanh lè ăn mặc như phi hành gia cúi xuống sát mặt nó hỏi. Cháu thấy dễ chịu chưa, đỡ sốt rồi đấy. Người “phi hành gia” cầm chiếc khăn lau mồ hôi cho nó. Cháu dậy ăn bát cháo nhé. Cháo của cô bên hàng xóm nấu cho đấy.
    Khát nước… nó thều thào.Thằng Tý chạy vội đi lấy cốc nước. Nó cầm uống một hơi hết sạch. Nó nhớ trong mơ nó đang định bảo bố mẹ cho nó vào hàng kem để nó được ăn một bữa kem thật đã cơ mà, chưa kịp ăn thì đã bị lạc mất bố mẹ.
    Khi người “phi hành gia” dặn dò gì đấy với thằng Tý cứ thấy nó dạ ran rồi người ấy quay lại dặn nó: Cháu nhớ phải ăn cháo và uống thuốc đầy đủ nhé, thuốc mà các bác mang đến hôm nọ đấy, cháu cứ uống theo lời dặn trong đơn ấy nhé. Nhớ phải ăn để còn chống chọi với dịch bệnh chứ. Nó gật, sực nhớ ra là nó và em Tý đang là F0 được cách ly tại nhà. Bố mẹ nó cũng là F0 nhưng phải vào bệnh viện rồi. Bố nó là người bị nhiễm bệnh đầu tiên, sau hôm đi làm về thì ho sốt đùng đùng, cứ tưởng như mọi khi bố nó vẫn hay bị thế, chỉ cần mẹ nó nấu cho một nồi nước xông là khỏi, sáng mai lại đi làm bình thường, thế mà hôm ấy bố không đỡ, lại kêu đau nhức khắp cả thân mình, cứ bắt mẹ nó phải xoa bóp mãi, rồi bố nó trở nặng, kêu đau đầu tức ngực, khó thở, mẹ đưa bố lên trạm xá thì người ta giữ lại và kêu là dương tính Covid – 19 rồi, bố nó phải nằm viện. Cả nhà nó phải lên trạm xá để test nhanh thì đều đã dương tính. Mẹ nó cũng bắt đầu kêu đau đầu tức ngực, thế là cả hai cùng vào viện. Chị em nó không thấy có triệu chứng gì, nên được cách ly tại nhà. Hẻm ngõ nhà nó bị phong tỏa, rào kín, rồi treo một tấm băng rôn đỏ quạch, rồi có các bác dân phòng và một chú công an đứng gác. Nó chưa hiểu đầu cua tai nheo ra sao thì đã bị cả xóm trọ xì xào kỳ thị, nó nghe được người ta nói rằng tại vì nhà nó mà cả xóm ngõ bị phong tỏa. Nhà nó phải đóng cửa kín mít, ngoài cửa dán một tấm biển đỏ có dòng chữ: “Gia đình có người là F0 đang phải cách ly tại nhà”. Nghĩa là chị em nó sẽ phải nhốt cứng trong nhà không được đi ra khỏi cửa.
    Bình thường nó vẫn tự nấu cơm cho hai chị em ăn khi bố mẹ đi làm cả ngày. Nhưng bây giờ nó không phải ra chợ đầu hẻm mua rau nữa mà được người ta mang đến tận nhà. Lúc thì túi gạo, bó rau, lúc thì túi lạc, vỉ trứng, có gì người ta mang đến để sẵn ở cửa chỉ việc ra lấy. Có hôm không có gì, nó tự biết phải xoay sở tằn tiện để còn có cái ăn hàng ngày. Nó rang lạc, em Tý bốc ăn vã, nó đe: Phải ăn dè chứ, bây nhiêu sợ không đủ những ngày phải phong tỏa đâu. Thì người ta lại mang đến mà. Em thấy trên ti vi người ta ủng hộ nhiều lắm. Nhiều cũng không đủ được, mỗi ngày có bao nhiêu người bị bệnh, bao nhiêu khu bị phong tỏa, sao người ta đi cứu trợ cho hết được.
    Đã hai tuần rồi kể từ ngày nhà nó bị cách ly phong tỏa. Chị em nó vẫn sống ổn. Nó vẫn không quên đốc thúc, kèm cặp em Tý học bài để chuẩn bị cho năm học mới. Thỉnh thoảng vẫn có những nhân viên y tế đến kiểm tra sức khỏe chị em nó, họ ngoáy vào lỗ mũi rất khó chịu, nhiều lúc nó cứ muốn đẩy ra nhưng nó cố gắng nhắm mắt chịu đựng, chỉ cu Tý là phản ứng mạnh, nó giãy dụa, đạp cả vào người nhân viên y tế. Thỉnh thoảng lại có một đoàn người gồm cả bác tổ trưởng dân phố, cả bác ở hội phụ nữ cùng mấy chú bộ đội nữa, đến nhà trao cho nó một túi quà to, rồi bảo nó ký vào quyển sổ gì ấy, để nhận tiền. Tiền thì nó không cần, vì có phải mua gì đâu. Tiền mẹ nó dặn để dưới đáy thùng gạo vẫn còn nguyên đó. Cả hẻm cứ mỗi sáng là mang ra để trước cửa một cái rổ hoặc một cái chậu con gì đấy để nhận thực phẩm, có hôm là con cá, mớ rau, quả bí hoặc miếng thịt, họ cho gì thì được nấy. Cu Tý ăn khỏe còn béo lên trông thấy. Lắm hôm, cô Nga cùng dãy trọ còn gọi bảo để sẵn bát ngoài cửa cô múc cho bát canh mà ăn cho mát ruột.
    Nhưng có đến tuần nay nó cứ thấy sốt ruột, ăn không thấy ngon nữa, vì không có tin tức gì của bố mẹ. Bình thường mẹ nó vẫn nhắn tin cho nó hàng ngày. Hay là điện thoại hết pin nhỉ. Hôm bố đi viện vội quên không mang cái sạc pin đi rồi. Mẹ nói mẹ vẫn được nằm gần bố để chăm sóc bố, bố vẫn đang thở máy chưa tỉnh hẳn. Vậy là mẹ vẫn đang ở bên cạnh bố, bố không sao là nó yên tâm rồi. Bố nó tuy gầy nhưng khỏe lắm, chả thế mà bố nó toàn làm những công việc nặng nhọc ở trên công trường, tối về người đầy bụi xi măng vôi cát, những ngón tay, ngón chân cứ bợt bạt và tróc lở như cóc gặm, tối nào mẹ cũng phải nấu nước muối ngâm chân cho bố, nhưng bố chẳng bao giờ kêu ca, về nhà bố lại xắn tay áo lau dọn nhà cửa, sửa lại đôi dép cho cu Tý, đóng lại cái bàn học cho Bé. Có hôm bố còn mua sơn để sơn lại cái xe đạp cũ đã gỉ nhoét của nó trở thành một cái xe màu hồng thật là đẹp mắt. Bé rất yêu bố, nhiều khi còn yêu hơn cả mẹ vì bố không bao giờ quát mắng Bé, toàn bênh nó khi mẹ rầy la. Mẹ đi nhặt phế liệu, thỉnh thoảng hay đem về những khẩu súng nhựa hay chiếc ô tô cũ mà người ta bỏ đi mang về cho Tý chơi, Tý thích lắm, còn Bé chả có gì, mỗi lần vậy nó hay tủi thân và giận dỗi.
    Cả hai chị em đều âm tính ba lần rồi nhé, các cháu đã hoàn toàn khỏi bệnh. Cô nhân viên y tế mặc bộ đồ bảo hộ thông báo với nó như vậy. Thế bọn cháu có được ra ngoài không cô? Chưa đâu, vì thành phố vẫn đang phải giãn cách, với lại các cháu cũng còn phải cách ly thêm 2 tuần nữa mới được tiếp xúc với người khác để tránh lây lan cho họ. Nó mừng lắm, thế là cả hai chị em nó đã khỏi bệnh rồi, sắp tới sẽ được tự do đi lại, rồi đến trường, rồi gặp gỡ bạn bè. Giờ chỉ còn chờ bố mẹ nó khỏi bệnh nữa là cả nhà nó đoàn tụ, nó sẽ kể lại giấc mơ đi chơi công viên cho bố mẹ nghe, thể nào bố mẹ nó cũng thực hiện ước mơ của nó. Nó muốn gọi cho mẹ để báo tin mừng, nhưng điện thoại cứ tút tút hoài.
    Đêm, có tiếng điện thoại reo vang, nó giật mình vội cầm máy, số máy lạ, không phải mẹ gọi. A lô, có phải số máy của người nhà bệnh nhân Nguyễn Thị N không? Vâng ạ, bác là ai ạ. À chúng tôi là nhân viên y tế tại bệnh viện dã chiến, muốn thông báo cho người nhà một tin, cháu là gì của bệnh nhân. Dạ cháu là con gái của mẹ cháu ạ. À, cháu cố gắng bình tĩnh nhé, mẹ cháu… đã qua đời lúc 1 giờ 20 phút sáng nay rồi cháu ạ. Xin chân thành chia buồn cùng gia đình. Bệnh viện sẽ lo thủ tục mai táng miễn phí cho bệnh nhân, bệnh nhân sẽ được đưa đi hỏa táng và gia đình sẽ nhận được tro cốt vào thời gian sau. Nó đánh rơi cái điện thoại và không nghe gì tiếp nữa.
    Đã hai ngày rồi nó và cu Tý cứ ngồi đờ đẫn trên giường. Mấy cô, bác hàng xóm mang sang nào cháo, nào cơm nhưng chị em nó chẳng muốn ăn. Có mấy chú bộ đội cùng bác tổ trưởng và bác hội phụ nữ đến nhà đặt cho chị em nó cái bàn thờ, bảo khi nào hết dịch thì đi làm cho mẹ cái ảnh thờ phóng to bằng quyển sách này này rồi để lên bàn thờ mẹ nhá.
    Cu Tý cứ thắc mắc rằng, mẹ bảo vào viện đi chăm bố cơ mà, sao mẹ lại chết được. Nó không biết trả lời em sao, ừ có lẽ mẹ vừa bệnh lại vừa phải chăm bố nên bệnh nặng thêm, mà bố khỏe hơn mẹ nên bố sẽ khỏi bệnh. Cu Tý khóc hoài nhưng nó lại không dám khóc, vì còn phải dỗ dành Tý. Còn phải nấu cơm cho Tý ăn, dạy Tý học. Chỉ đêm xuống, nó nằm một mình, nước mắt mới trào ra ướt đầm cả gối.
    Cửa nhà nó đã được dỡ cái tấm biển đỏ thông báo có người là F0 rồi, nên người ta đến nhà nó thường xuyên, hỏi thăm tình hình ăn uống của hai chị em. Bác chủ nhà vẫn đến đem theo thức ăn và động viên nó: Ráng lên để còn lo cho em chứ, bây giờ cháu là chủ gia đình rồi đấy. Nó bảo: bao giờ bố cháu ra viện, bố cháu về lo tất, cháu chẳng phải lo gì đâu.
    Rồi một buổi chiều, nó lại thấy có hai chú bộ đội hỏi thăm mấy người hàng xóm rằng: Đây có phải nhà bà N và ông V không? Nó vội vàng chạy ra: Vâng đúng rồi ạ. Hai người mặc quân phục rằn ri chạy ra xe ở đầu hẻm rồi bê vào hai cái hộp các tông, bên ngoài có dòng chữ tên mẹ nó và bố nó ngày sinh, ngày mất và địa chỉ khu trọ nơi nhà nó đang sinh sống. Họ mở hộp đặt lên bàn thờ hai cái bình có men hoa xanh rồi nói đây là tro cốt của ông V và bà N. Hai chú bộ đội thắp hương vái lạy rồi ra xe, họ bảo còn phải đi nhiều nơi, nên thông cảm, mặc cho nó đứng như trời trồng thất thần, ngơ ngác. Cu Tý khóc toáng lên, bố cũng mất rồi sao hả chị? Thế là hai chị em mình thành mồ côi rồi à, không, không đâu. Mấy cô, mấy bác hàng xóm chạy sang đông kín cả nhà. Họ săm sắn bày biện hoa quả, hương vàng trên bàn thờ rồi kính cẩn khấn vái, mắt nhiều người đỏ hoe, các bác gái ôm lấy hai chị em nó an ủi: Thôi nín đi, khóc nhiều bố mẹ cháu không siêu thoát được, nó không biết siêu thoát thì được gì nhưng nó không dám khóc nữa vì nó đã khóc hết nước mắt rồi. Nó lặng lẽ làm theo lời mấy cô dặn để cúng cơm cho bố mẹ. Bác chủ nhà ở lại với chị em nó đến tối, bác bảo bố cháu đi trước mẹ, nhưng bệnh viện chỉ điện cho người nhà của bố và cho bác, nhưng bác không dám nói với cháu, vì lúc đó mẹ cháu cũng trở nặng rồi.
    Trong căn nhà hoang vắng, từ nay vĩnh viễn chỉ còn hai chị em, nó không còn phải sốt ruột chờ đợi tin nhắn của mẹ, cũng không còn được mong ngóng bố nó trở về nữa. Nó sẽ là cha là mẹ để lo cho em Tý, phải cứng cáp lên để còn nuôi em. Cả đêm nó suy nghĩ sắp tới sẽ phải làm gì để kiếm tiền nuôi em, nó sẽ thôi học, sẽ đi xin việc. Không biết nó bé thế này có ai thuê nó làm việc gì không nhỉ.
    Nó ngập ngừng đứng trước căn nhà bác chủ: Có việc gì thế cháu? Dạ… bác cho chúng cháu vẫn được ở lại trong căn nhà trọ này chứ ạ, cháu có tiền mẹ cháu để lại, cháu sẽ đóng đủ cho bác. Yên tâm đi, các cháu cứ ở, bố mẹ cháu trả tiền nhà cho bác hết cả năm rồi. Dạ, cháu cám ơn bác.
    Nhưng không hiểu sao nó vẫn cứ thấy lo lo, cứ thấy bất an một điều gì đó mà nó không cắt nghĩa nổi. Thành phố vẫn chưa được bình yên hẳn nhưng cũng đã dễ thở hơn vì được nới lỏng dần. Rồi cũng đến ngày thành phố được trở lại bình thường, mọi người ồ ạt ra đường, mua sắm, đi chơi, đi làm việc, ai cũng vui vẻ hồ hởi. Chị em nó cũng vậy. Cu Tý quên phắt mình là trẻ mồ côi, chạy lăng xăng chơi đùa cùng lũ trẻ trong xóm. Nó thì trầm tĩnh hơn, và ước lúc này có bố mẹ, cả nhà nó sẽ đi ăn hàng một bữa, nó mỉm cười nghĩ đến giấc mơ, nó sẽ quyết tâm thực hiện giấc mơ cho em Tý. Ngày mai nó sẽ đi tìm việc làm.
    Bác chủ nhà đi cùng một người đàn bà lạ mặt, dáng khẳng khiu, có khuôn mặt hao hao giống bố nó. Bà ta vào nhà, lại ban thờ thắp hương rồi đảo mắt nhìn quanh và hỏi nó: Thằng Còi đâu? Còi nào ạ. Bác chủ nhà khẽ nhắc: Ở đây nó được gọi là cu Tý, à thì cu Tý. Em cháu đang chạy chơi với mấy đứa bạn rồi ạ. Gọi nó về đây cho bác. Khi gặp cu Tý người đàn bà ôm chầm lấy Tý rồi khóc toáng lên, ôi cháu tôi! Tội nghiệp cho cháu tôi quá, từ lúc nhỏ đã không được sống với mẹ rồi bây giờ lại mất cả cha nữa. Bà ta vuốt tóc ôm ấp cu Tý mặc nó cứ đứng ngây ra trơ mắt nhìn không một cảm xúc. Thôi về ở với bác nhé, bác nuôi cho ăn học, về quê có bà nội và các cô chú nữa. Không, cháu không đi đâu hết, cu Tý bất chợt ẩy người đàn bà ra rồi chạy lại phía Bé, chị Bé, chị đừng bắt em đi đâu hết nhé, em chỉ ở với chị thôi. Vớ vẩn, người đàn bà gằn giọng, nó đâu phải chị mày, mày ở đây mà chết đói à, ai nuôi. Không, Cu Tý gào lên ôm cứng lấy Bé, ngước nhìn chị nó đầy cầu cứu. Bé không hiểu gì cả, sao nó không phải là chị của Tý. Nó nhìn bác chủ nhà cầu cứu. Bác lại gần nó rồi thì thầm như an ủi: Bé ạ, bác xin lỗi, thật ra Tý không phải là em ruột cháu. Bố cháu và mẹ cháu cũng không phải là vợ chồng chính thức. Hồi đó họ là những người từ tỉnh ngoài đến đây làm ăn, bố cháu mang theo đứa con trai nhỏ chỉ vừa lẫm chẫm biết đi, đến đây thuê trọ nhà bác, hàng ngày ông gửi con cho hàng xóm trông hộ rồi đi làm, gặp mẹ cháu cũng là mẹ đơn thân đang nuôi một đứa con gái nhỏ, bố cháu đã đưa mẹ cháu về phòng trọ này sinh sống, để mẹ cháu có thể chăm em Tý giúp ông ấy. Bố mẹ cháu không đăng ký kết hôn, nhưng sống hạnh phúc lắm, nên bác cũng bỏ qua mà không trình báo với chính quyền địa phương. Quê quán bố cháu thì bác biết do bố cháu đến thuê có để lại giấy tờ cho bác, còn mẹ cháu thì bác chỉ biết quê ở ngoài miền Trung thôi. Nhưng Bé thì biết rõ quê của mẹ nó vì đã có lần mẹ nó cho nó về quê khi bà ngoại mất. Quê nó ở bên một vùng biển rộng mênh mông, hàng ngày có những con thuyền đi đánh cá rồi về phơi mình trên bãi cát ướt. Nhưng quê bố nó thì nó chưa bao giờ được biết, chỉ có cái tên trong tờ khai lý lịch thôi. Bố nó cũng chưa bao giờ đưa chị em nó về quê, mà ông chỉ về một mình khi có việc cần gì đó. Nhưng điều đó bây giờ cũng chẳng còn ý nghĩa gì nữa, điều quan trọng bây giờ là nó sắp mất thằng Tý, nó không thể sống thiếu Tý được. Nó bỗng dướn thẳng người lên, mặt đanh lại giống hệt người đàn bà kia. Không được mang em cháu đi đâu cả. À con bé này ghê nhỉ, mày có quyền gì, máu mủ chả phải, tý tuổi đầu mày làm sao nuôi nổi nó mà giữ. Tôi nuôi được, nó là em tôi, mãi mãi là em tôi. Người đàn bà không nói không rằng đi lại lôi thằng Tý đang bấu chặt lấy chị Bé. Cuộc giằng co giữa người đàn bà khẳng khiu với con bé cũng gầy guộc chẳng kém, vì vậy cũng không phân thắng bại. Bác chủ nhà vội lại can, thôi cô cứ bình tĩnh đã, về pháp luật thì cô có quyền nhưng về tình cảm thì chị em nó đã gắn bó với nhau lâu rồi, bây giờ bố mẹ lại mất cả, tách chúng nó ra khó lắm, cứ thư thư rồi tính, cô cứ về đi đã rồi thuyết phục thằng bé sau.
     Không phải thằng Tý được thuyết phục mà chính nó đã bị thuyết phục. Các bác các chú ở phường, ở tổ dân phố, cả mấy chú công an nữa đã đến thuyết phục nó. Theo đúng pháp luật thì em nó phải về nơi có người bảo trợ là người thân ruột thịt, nó không có quyền gì thật, vả lại nó chưa thể kiếm tiền nuôi em được, và chính nó trước sau cũng sẽ có người thân đến đón về nuôi. Chị em nó phải xa nhau là điều không tránh khỏi, và nó phải chấp nhận, có thể điều đó tốt cho cuộc sống của Tý cũng nên.
     Đêm cuối cùng hai chị em nó nằm bên nhau, cu Tý cứ ôm chặt lấy chị, đến nỗi nó phải bảo buông ra đi, chị sắp ngẹt thở rồi đây này, mà em lớn rồi chứ bộ. Ứ, em không thích lớn, em thích nhỏ mãi để ở bên chị. Em về quê, nhớ nhắn tin cho chị nhé. Mai chị sẽ mua cho em một chiếc điện thoại để em hàng ngày liên lạc với chị nhé. Chị cũng phải nhớ liên lạc với em đấy nhé, em lớn lên em sẽ về đây tìm chị. Thôi không phải tìm đâu, chị cũng không biết có được ở đây nữa không, chị cũng sẽ có một ai đó đến đón chị về quê. Nhưng mà nhất định sau này lớn lên chị sẽ đi tìm em. Chị nhớ đấy nhé, cu Tý nhắm mắt đi vào giấc ngủ nhưng miệng vẫn mỉm cười, chắc nó nghĩ đến ngày nó sẽ lại được ở với chị như những ngày này, những ngày đau khổ, khó khăn và dịch bệnh như một cơn bão mà chị em nó đã vượt qua.

Kết Thúc (END)
Nguyễn Cẩm Hương
» Đi Qua Cơn Bão
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Đau Gì Như Thể ....
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Quà Giáng Sinh
» Người Dưng Làm Má
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Bầu Trời Của Người Cha
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đánh Thơ
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò
» Tuyết
» Xác Ngọc Lam