Thị trấn Phước Sơn hai chục năm về trước khá vắng vẻ, dân cư chủ yếu là những gia đình cán bộ, công chức, nhân viên y tế, giáo viên… được điều động lên vùng đất heo hút này, trong đó có vợ chồng thầy Lành, cô Ngọc, là giáo viên trường cấp một hai của thị trấn.
Họ lên đây đã 10 năm, nhưng nay mới chuẩn bị đón đứa con đầu lòng. Sát ngày sinh nở, thầy Lành gói ghém đồ đạc đèo cô Ngọc đến nhà hộ sinh thị trấn từ sáng sớm.
Một phụ nữ ăn mặc nhàu nhĩ, khuôn mặt to, tròn, tóc xoắn, nước da mai mái, vác bụng bầu khệ nệ cũng được chồng đèo đến thả trước cổng nhà hộ sinh rồi bỏ đi mất. Người phụ nữ ấy tên là Xuyến, từ ngoài bắc vào vùng kinh tế mới.
Đúng giờ kíp trực đang ăn cơm chiều, cả cô Ngọc và chị Xuyến “rủ nhau” vỡ ối. Y bác sĩ trực buông bát, mỗi người một việc.
Đón đứa con đầu lòng, vợ chồng thầy Lành không giấu nổi niềm hạnh phúc. Đứa bé được đặt tên là Vân. Ngày Vân đầy tháng, mọi người đến thăm, chia vui; trong đó có vợ chồng cậu Kiên, là em họ cô Ngọc. Cậu Kiên là kỹ sư nông nghiệp, cùng gia đình vào Tây nguyên lập nghiệp trước cả vợ chồng thầy Lành.
Một lần đi chữa bệnh cho cây cà phê dưới buôn làng, Kiên nhìn thấy một bé gái trạc tuổi Vân, có khuôn mặt rất giống chị Ngọc, cái suy nghĩ ám ảnh anh từ ngày dự đầy tháng bé Vân lại ùa về.
Thực ra, thầy Lành cũng nhận thấy Vân chẳng giống ai trong gia đình; thầy tin cô Ngọc cũng có suy nghĩ như vậy, nhưng không ai nói với ai. Sự hiếm muộn khiến họ không dám nghi ngờ. Vậy nên, khi nghe cậu Kiên nói thẳng suy nghĩ của mình về Vân và linh cảm một sự nhầm lẫn, thầy Lành quyết định đi cùng anh Kiên đến xem mặt đứa bé.
- Giống Ngọc thật! Nhất là đôi mắt thì không lẫn vào đâu được! - Thầy Lành xác nhận trong suy nghĩ.
Đứa bé ấy tên là Thi, con gái chị Xuyến, người làm thuê trong vườn cà phê mà anh Kiên đến chữa bệnh.
- Con gái chị đây à? Nhìn không thấy giống mẹ! - Thầy Lành gợi chuyện với chị Xuyến.
- Không giống mẹ thì giống bố. Chẳng nhẽ lại giống anh? - Chị Xuyến khó chịu đáp lại.
Không dễ đi thẳng vào vấn đề lúc này, vì chị Xuyến không mảy may nghi ngờ. Nhưng Kiên thì đã có một cách tiếp cận khác, anh nhanh nhẹn mang một gói bánh chuẩn bị từ trước đến bóc cho bé Thi ăn. Vừa bóc, anh vừa ân cần chải tóc cho bé, dịu dàng như một người mẹ.
- Sao để móng tay bé dài, dính đầy đất bẩn thế? Bé cho lên miệng thì bụng lại đầy giun sán! - Kiên vừa nói vừa đi ra chỗ xe máy, lấy chiếc bấm móng tay để sẵn trong cốp xe.
Kết quả giám định ADN từ mẫu tóc và mẫu móng tay khẳng định bé Thi đúng là con đẻ của vợ chồng thầy Lành.
Được chồng và cậu Kiên cho xem kết luận giám định và kể lại câu chuyện, cô Ngọc ôm chặt bé Vân vào lòng, bật khóc. Chẳng biết, đó là giọt nước mắt vui sướng vì tìm được con đẻ của mình hay giọt nước mắt buồn đau khi một ngày tới đây sẽ phải xa bé Vân? Có lẽ là cả hai...
... Bốn năm sau, nhà hộ sinh thị trấn Phước Sơn đã được đầu tư nâng cấp thành bệnh viện phụ sản thị trấn. Từ sáng, một số phóng viên báo đài đã có mặt. Căn cứ kết quả xét nghiệm ADN, ban giám đốc bệnh viện thừa nhận đã có sơ suất dẫn tới trao nhầm con giữa sản phụ Xuyến và sản phụ Ngọc mấy năm trước đây. Nay bệnh viện mời hai gia đình tới công khai xin lỗi và đền bù hỗ trợ một khoản tiền. Các cháu cần phải trở lại với nguồn cội của mình.
- Tôi xin nhường toàn bộ số tiền bồi thường cho chị Xuyến. Dù sao, hoàn cảnh của chị Xuyến cũng khó khăn hơn gia đình tôi. Tôi mong chị Xuyến cho phép vợ chồng tôi được thường xuyên tới thăm cháu Vân; cũng như gia đình tôi cũng sẽ thường xuyên đưa cháu Thi đến thăm anh chị. Tôi muốn cả hai cháu bé đều là con của hai gia đình - Thầy Lành thay mặt vợ phát biểu trong tiếng vỗ tay hoan nghênh của những người có mặt.
Bất ngờ, từ đâu, ông Lãm, chồng chị Xuyến xuất hiện:
- Tôi không đồng ý! Con người chứ có phải lợn, gà đâu mà các người nói nhầm rồi dễ dàng đổi chác như thế!
Mọi người ồ lên. Ông giám đốc bệnh viện lúng túng. Vợ chồng thầy Lành, cậu Kiên thì không khỏi ngạc nhiên: Kết quả ADN đã rành rành ra đấy, không lẽ ông ta lại không muốn nhận con đẻ của mình?!
*
Đã bốn tháng nay, ông Lãm chưa về nhà. Chị Xuyến nghe người trong buôn làng nói, ông Lãm có vợ lẽ và sống công khai với người đàn bà đó ở xã bên. Cũng chẳng có gì lạ, chị Xuyến đã quen với thói trăng hoa của chồng. Nhưng lúc này chị lại đang mang thai đứa con thứ hai của ông ta. Chị vẫn phải đi làm thuê cho người ta để có tiền nuôi con nhỏ, nghĩ vừa tủi thân vừa uất ức!
Ông Lãm về trong tình trạng nồng nặc hơi men. Nhìn thấy bé Vân, vẫn như mọi lần ông chẳng đoái hoài gì. Với bé Thi trước kia, mặc dù không phải là máu mủ của ông, nhưng ai cũng bảo nó giống ông vì nước da trắng, mũi cao. Còn Vân thì giống mẹ, đen thui, xấu xí.
- Tôi cần tiền làm ăn, cô đưa cho tôi cái khoản tiền bệnh viện hỗ trợ. Cuối năm tôi trả!
- Ông còn mặt mũi về đòi tiền nữa à, ông có còn là người không? Ông bán con Thi cho vợ chồng thầy Lành lấy hai lạng vàng ăn tiêu, bao gái hết rồi phải không? Khoản còn lại này, một nửa là của vợ chồng thầy Lành đưa cho tôi lo cho bé Vân. Nó là con ông đó! Ông định ăn hết của nó hay sao?
Ông Lãm bất chấp lời chị Xuyến, lao đến tủ lục lọi. Vốn đang dồn nén tâm lý, chị Xuyến xuống bếp lấy con dao làm vườn lăm lăm trên tay, khua lên đe dọa:
- Ông cút đi, để mẹ con tôi yên!
Ông Lãm không ngờ chị Xuyến hôm nay lại phản ứng mạnh như vậy. Bình thường, khi ông chửi bới, thậm chí là thượng cẳng chân hạ cẳng tay, chị Xuyến cũng nín nhịn. Men rượu và sự vũ phu trong con người ông trỗi dậy, ông như con thú lao tới, giật dao từ tay chị Xuyến và xô người đàn bà này ngã dúi dụi xuống nền nhà. Cú đẩy bất ngờ làm chị Xuyến đập mạnh đầu vào chân giường bất tỉnh. Chị được đưa đến bệnh viện đa khoa tỉnh, rồi chuyển lên bệnh viện trung ương nhưng cả chị và đứa con trong bụng đều không cứu được.
*
Năm nay, Thi và Vân đã bước sang tuổi 25. Thi tốt nghiệp sư phạm và theo nghề bố mẹ; còn Vân học ngoại thương, ra trường được tuyển vào làm việc tại một ngân hàng lớn tại Sài Gòn. Cứ cuối tuần, Vân lại rời thành phố về với ông Lành, bà Ngọc. Sau khi bà Xuyến mất, ông Lãm nhận bản án 5 năm tù giam về tội ngộ sát. Vân được vợ chồng thầy Lành làm thủ tục nhận về làm con nuôi. Tưởng như, số phận của Vân và Thi đã bị đánh tráo cho nhau, nhưng nay cả hai đều được sống trong tình yêu thương của ông Lành, bà Ngọc.
Mãn hạn tù trở về, người vợ lẽ đã quay lưng, ông Lãm trở lại căn nhà cũ kiếm sống bằng nghề làm mướn. Mấy năm gần đây không ai thuê ông làm nữa vì tuổi ông đã già, sức khỏe yếu. May mà có đồng tiền Vân chu cấp cho hằng tháng nên cũng đủ sống. Điều mà ông Lãm mong muốn lúc này là được Vân tha thứ cho những lỗi lầm mà ông đã gây ra, nhưng Vân thì chưa thể...
Hôm nay là ngày giỗ bà Xuyến. Vân và Thi đèo nhau xuống buôn làng để làm giỗ cho mẹ. Căn nhà cũ chứa đầy những kỷ niệm buồn của tuổi thơ. Trên bàn thờ, trước di ảnh bà Xuyến khói hương lan tỏa. Vân và Thi mang những túi đồ bà Ngọc đã chuẩn bị sẵn: Xôi, gà, giò, hoa quả... đầy đủ mọi thức cần có cho một mâm giỗ bày biện lên ban thờ.
Nhìn bộ dạng xanh xao của bố nuôi, Thi sốt ruột đề nghị ông Lãm để cô đưa đi khám. Còn Vân thì nhìn ông bằng ánh mắt dò xét.
- Có lẽ, bố chẳng sống được bao lâu nữa. Bố mong các con tha thứ cho lỗi lầm của bố đã gây ra - ông Lãm mở đầu.
- Thôi, chuyện đã qua rồi, bây giờ có nói cũng còn quan trọng gì đâu. Bố đừng dằn vặt nữa, sống thanh thản, không bệnh tật là chúng con yên tâm...
- Thi vừa nói vừa nhìn Vân để chờ cái gật đầu đồng tình của em gái.
Thực ra, ngoài việc hận ông Lãm đã gây ra cái chết cho bà Xuyến, Vân còn hận chuyện ông đã ép bố mẹ nuôi phải đưa 2 cây vàng thì mới giao Thi và nhận Vân về. Nhưng hôm nay, nhìn thân hình gầy còm, hơi thở khó nhọc, đôi mắt như cầu khẩn của ông Lãm, tự nhiên cô thấy thương ông, hai hàng nước mắt ướt đẫm gò má. Cô nhận ra rằng, cô đã quá cố chấp, không nghe theo lời khuyên dạy của bố mẹ nuôi. Đến Thi, mặc dù ông Lãm không phải là bố đẻ, nhưng Thi vẫn luôn lo lắng, quan tâm, chăm sóc cho ông. Thời gian không còn nhiều, nếu cô không biết tha thứ cho ông lúc này... Cô quay sang nói với chị gái:
- Thi ơi! Hôm nay, hai chị em mình ngủ lại đây nhé. Mai em và chị sẽ đưa bố lên Sài Gòn khám bệnh.
Thi tiến lại lau nước mắt cho em gái, khẽ gật đầu...
Kết Thúc (END) |
|
|