Mẹ phải vừa dỗ dành vừa đe dọa tôi mới và hết những hạt cơm cuối cùng trong bát vào miệng, thấy no ứ lên tận cổ. Tôi ú ớ chỉ về phía ấm nước, mẹ hiểu chừng rót cho tôi một ca nước đầy, đưa cho tôi rồi vuốt vuốt ở cổ “Đã bảo rồi, ăn từ từ, còn sớm mà, không muộn học đâu mà con lo”. Tôi hớp một ngụm nước, cố nuốt, nước đẩy dần thức ăn trôi xuống khỏi cổ và xuống bụng, tôi nghĩ thế, giờ thì nó ở yên trong đó rồi. Phải ra khỏi nhà nhanh thôi, hôm nay mình có bao nhiêu là trò mà thằng A Páo với con Mẩy và nhiều đứa đã hẹn mình rồi.
Tôi ù vào buồng lấy cặp, khoác vội cái áo ấm, đội mũ len lên rồi lao nhanh ra cửa, nhưng chợt khựng lại bởi bàn tay của mẹ. Từ tay mẹ có thêm cả mớ quần áo ấm, mẹ lột áo khoác tôi ra, bắt tôi mặc thêm hai cái áo len nữa mới tương cái áo khoác đó vào, kéo khóa thật kín, mẹ choàng thêm cái khăn len rõ to lên người tôi và thay cái mũ len bằng mũ bông tai thỏ rồi theo đó là găng tay, tất chân và giày cho ấm áp. Nhưng tôi nhăn nhó, tôi thấy mẹ thật phiền, tôi học lớp năm rồi, tôi đã mười tuổi, có mỗi việc đi học thôi mà, mẹ quấn tôi giờ trông tròn như một cục len di động. Khi tôi ra khỏi cửa rồi mẹ còn nói với theo “Hôm nay lạnh lắm đấy con, nước trong thau ngoài sân đóng băng luôn kia kìa, đừng cởi áo ấm ra nhé!…”.
Mẹ còn nói thêm gì nữa không rõ, tôi chạy vù ra cổng, mẹ thật rắc rối, tôi lẩm bẩm, mình lớn rồi chứ nhỏ gì. May mẹ dừng ở cửa, mẹ mà theo mình ra tận đầu ngõ này, dưới gốc cây trám đen cao chót vót này, trước mặt con Mẩy, thằng A Páo mẹ cũng xun xoe quàng khăn đội mũ và mặc áo cho mình, chắc mình chết vì xấu hổ mất thôi, chúng nó sẽ lên trường nói cho cả lớp nghe. Ôi, sẽ tệ thế nào, có trời biết. Nhưng may quá, mẹ không theo mình ra tận đây. Hai người bạn chí tử, từ khi học lớp bốn đến giờ dường như không có trò nghịch quỷ sứ nào của tôi mà thiếu mặt chúng nó thì phải, tôi là kẻ ăn theo mà. Toàn những trò do thằng A Páo hoặc con Mẩy nghĩ ra và tôi tham gia. Tôi được tham gia vì tôi thường có những viên kẹo xanh đỏ – quà của bố đi công tác ở tít dưới xuôi kia đem về chia cho chúng. Có cả những con gấu bông thi thoảng tôi lại đem ra cho chúng nó sờ trong sự thèm thuồng và mơ ước nữa. Nhưng đổi lại tôi được đặc cách có mặt trong những trò vui của bọn nó. Tôi lấy làm hãnh diện lắm.
Vừa trông thấy tôi, thằng A Páo đã réo ầm lên:
– Mơ, sao hôm nay mày chậm như con rùa thế, mày biết nãy giờ bọn tao chờ mày lâu lắm rồi không, đây này! – nó dứ vào mặt tôi tay nải rõ to.
– Cái gì vậy? – Tôi thắc mắc.
– Khoai lang đấy, nhiều lắm nè, mẹ tao cho, tí nữa đến trường tha hồ mà nướng – nó vạch hai quai tay nải ra, bên trong những củ khoai tròn lẳn béo ú như những chú lợn con nằm chồng chéo lên nhau. Thằng A Páo hết nhìn khoai lại nhìn tôi như dò xét rồi nó vênh vênh cái mặt lên đầy vẻ tự hào về chiến lợi phẩm mà nó được mẹ nó ban tặng. – Tí nữa bọn mình tha hồ mà nướng, bọn mình chỉ cho cô giáo thôi, không cho ai nữa cả, để mấy đứa khác thèm chơi.
– Tôi gật đầu đồng ý nhớ lại cảnh hôm nào bọn thằng A Hào và con Hương, thằng Hen, con Héo nó hái được bao nhiêu là quả me rừng, cái thứ quả mới nhìn đã chảy nước miếng mà xin hoài chúng nó chẳng chịu cho bọn tôi lấy một quả. Lần này bọn tôi sẽ cho bọn nó hít hà mùi khoai lang nướng mà rỏ dãi chơi. Tôi lấy làm phấn khích lắm, chạy đến bên Hương từ nãy đến giờ nó chỉ đứng im nhìn tôi và thằng A Páo nói chuyện. Nó mỉm cười như hiểu tôi đang nghĩ gì, nó giục:
– Đi nhanh thôi, không sẽ không kịp nướng khoai đâu.
Chúng tôi rảo bước trên đường làng, sương sớm hãy còn bay là là trên mặt đất, từng giọt sương đậu trên ngọn cỏ như hàng ngàn viên ngọc mà nàng tiên nào hôm qua vì vội vàng đi qua đây đã vô tình đánh rơi. Những ngọn núi trước mặt vì lười dậy muộn nên giờ mới đang rửa mặt bằng chiếc khăn bông trắng muốt vắt ở lưng chừng núi. Cái nải khoai lang được chuyền từ vai đứa nọ sang đứa kia vì nó khá nặng nhưng không đứa nào kêu cả, ngược lại ai cũng thấy vui sướng tự hào vì nó. Tôi mường tượng ra củ khoai nướng nóng hổi được lăn từ tay này sang tay khác và tôi thổi phù phù, mùi khoai nướng thơm lừng kích thích thần kinh dù tôi vừa được mẹ ép ăn đến no nê. Tôi còn tưởng tượng ra những khuôn mặt thèm thuồng của bọn con Hương thằng A Hào nữa, chắc sẽ tệ hại hơn cảnh hôm trước tôi thèm quả me rừng của chúng nhiều. Tôi đắc chí trộm nghĩ hai người bạn đồng hành của mình chắc cũng đang mơ tưởng về ảnh mà tôi vừa tưởng tượng ra.
Chúng tôi đi ngang qua bãi tha ma, bất giác ba đứa tôi không hẹn mà đi sát lại gần nhau, đứa nọ cầm tay đứa kia, đi thật nhanh. Đây là nơi chúng tôi sợ nhất, người già thường bảo nơi đây chỉ chôn toàn trẻ con với những người chưa từng lấy chồng lấy vợ. Mẹ tôi bảo người Nùng nếu còn trẻ con và nếu chưa lấy chồng lấy vợ mà chết thì sẽ bị đem chôn ở nơi này. Họ sẽ bị lãng quên vì chẳng ai thăm nom thờ cúng gì cả, và cũng vì thế mà họ trở thành cô hồn, thường đi hù dọa trẻ con. Cũng từ đấy bao nhiêu câu chuyện đáng sợ khác về những cô hồn nơi đây được người lớn thêu dệt để hù dọa những đứa trẻ chúng tôi. Tôi và cả thằng A Páo, con Mẩy chưa từng gặp ma bao giờ, nhưng chúng tôi đều sợ ma nên mỗi lần đi qua đây chúng tôi toàn đi như chạy. Tôi thở dốc khi qua khỏi cái nơi đáng sợ ấy. Bắt đầu qua một con suối nhỏ, người lớn đã kê sẵn những viên đá tảng thật to để chúng tôi cứ theo những viên đá ấy mà qua suối vì nước dưới suối rất lạnh. Con đường đến trường bắt đầu rôm rả hơn, ba, bốn, năm sáu và bảy, rồi mười, mười hai đứa. Lũ chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện làm vui cả một đoạn đường, thi thoảng có đứa hét toáng lên khi phát hiện một tổ chim bên đường hay một chú chim nào đó giật mình vụt bay khỏi cành cây mà chúng tôi đi qua bên dưới. Trên sườn núi thằng A Hào lao xuống như một con sóc, nó lúc nào cũng thế, bọn tôi toàn gặp nó kiểu ấy, sau lưng nó là con Hương, con Héo và thằng Hen. Nhà bọn nó tận bên kia đồi, phải leo đồi rồi xổ dốc xuống đây để đến trường cùng bọn tôi. Nó cứ lầm lũi, không nói không rằng, thấy ghét, nhìn nó lại nhếch nhác, bân bẩn, từ ghét tôi lại thêm ghê ghê nữa. Nó ngồi sau bàn tôi nhưng lúc nào tôi cũng cầu trời đừng để nó đụng vào người tôi, áo tôi sẽ bẩn mất.
Chúng tôi không chào nhau gì cả, chuyện ai nấy nói. Đi được một đoạn, tôi thấy A Hào chạy lên phía trên đường, núp sau bụi cây, thằng A Páo và thằng Khanh đi rình. Một tiếng cười như xé tan màn sương sớm, tiếp theo là một tràng cười của A Páo của thằng Khanh, hai thằng cười như nắc nẻ. A Hào ra khỏi bụi cây, nó cúi gằm mặt, ôm cái nải bạc màu phía trước đi thật nhanh, như muốn trốn chạy mà có chạy đằng trời một khi đã rơi vào trò đùa của bọn tôi. Thằng A Páo hét to như vừa khám phá ra một chân lý có giá trị ngang với một kho báu đầy vàng bạc kim cương mà người từ thời nào đó xa lắc để lại. “Ha… h…a… thằng A Hào rốn lồi, thằng A Hào có cục rốn lồi bằng cái nắm tay, ô hô, rốn lồi!” Câu trêu chọc quỷ quái ấy có sức lây lan lớn, nó như một lời hiệu triệu bỗng chốc được cả lũ chúng tôi hưởng ứng nhiệt liệt. Vậy là điệp khúc “Thằng A Hào rốn lồi!” được gần chục đứa chúng tôi tung hô đi theo A Hào đến tận trường. Nó im lặng chịu trận, cả thằng Hen con Hương và con Héo đi cùng nó cũng chỉ biết im lặng bên cạnh nó như một sự ngầm chở che.
Tiếng reo hò chỉ dừng lại khi thấy cô Hòa chủ nhiệm lớp tôi và cô Hằng chủ nhiệm lớp bốn đang đứng giữa sân trường bên đống lửa. Cứ vào mùa đông hai cô thường đến thật sớm lấy củi mà phụ huynh chúng tôi đã chuẩn bị sẵn ra đốt giữa sân trường để khi chúng tôi đến có mà sưởi cho ấm, tay đỡ tê cóng vì lạnh thì mới bắt đầu vào lớp học. Mẹ tôi bảo hai cô ở dưới xuôi như dưới chỗ ba tôi đi công tác, tôi không biết đó là nơi nào chỉ nghe ba nói xa lắm, vì vậy ba mẹ thường dặn phải ngoan kẻo cô buồn cô bỏ về xuôi. Chúng tôi dừng cuộc chơi ác với thằng A Hào cũng vì sợ cô buồn nữa. Thằng A Páo đem nải khoai lang đến bên cô khoe rồi bắt đầu nướng. Học trò dần đông đủ, cô Hòa nhìn qua một lượt xong cô hỏi “A Hào đâu?” Không đứa nào trả lời, con chỉ chỉ vào lớp học, tôi nhìn theo hướng tay chỉ của nó, nhìn xuyên qua những khe hở của lớp lá che quanh phòng học tôi thấy cái dáng ngồi thu lu nơi nó vẫn thường ngồi. Tôi cảm thấy một nỗi sợ dâng lên trong người, nếu như nó mách cô chuyện ban nãy, tôi và lũ bạn chí cốt chết chắc. “Mơ chạy vào gọi bạn ra đây sưởi ấm, nhanh lên!” tiếng cô gọi làm tôi giật thót, tôi vâng khẽ rồi khó nhọc bước đi.
Tôi rón rén bước vào cửa lớp, có lẽ A Hào không nhận thấy sự hiện diện của tôi, tôi đoán vậy, nó cúi đầu xuống mặt bàn, hai tay đưa vào dưới hộc bàn như lục tìm trong đó chút ít sự ấm áp, hai chân co lên ghế, người nó đang run lập cập vì lạnh. Tôi định gọi nhưng như có gì đó nghèn nghẹn nơi cổ khiến tôi không thể cất lên thành tiếng được, tôi đứng đấy. Lúc này, tôi mới có dịp nhìn nó thật kĩ, nó mặc hai cái áo chàm, cái trong đã bạc phếch còn rách tà nữa. Cái bên ngoài cũng chẳng khá hơn gì nhiều, cũng không còn giữ được màu chàm vốn có của nó, thêm vào đó là hai mảnh vá trên tay và phía sau lưng. Rồi như sực tỉnh, nhớ ra nhiệm vụ của mình tôi cố nói thật nhanh “A Hào, cô gọi mày ra sưởi ấm kìa, ra mau đấy!” Tôi nói và vụt chạy ra với cô và lũ bạn, trong lòng không khỏi băn khoăn không biết nó có ra hay không. Tôi nhìn lũ bạn mình, thằng A Páo liếc nhìn tôi le lưỡi, chắc nó cũng đang tâm trạng với tôi, liếc sang con Mẩy, mắt nó chơm chớp, con khỉ đó, nó lúc nào cũng bình chân như vại như ông cụ non, chuyện gì nó cũng cứ thái độ bình tĩnh đấy. Nó rời chỗ ngồi, chạy sang chen lại gần tôi thì thầm “Thằng A Hào có ra không, nó mách cô thì sao? Tụi mình chết chắc rồi!” “Không sao đâu.”, “Thật không?” “Chắc vậy.”. Ôi, hóa ra tôi nhầm, nó cũng đang sợ như tôi chứ không phải bình chân như vại.
A Hào ra rồi, nhiều bạn reo lên, cô với tay vẫy nó về phía mình. A Hào cúi đầu đi, tôi dán mắt theo dõi nó, tự dưng thấy người mình run lên vì sợ, bất giác tôi đưa tay ra nắm lấy tay con Mẩy, nó hết nhìn tôi rồi nhìn thằng A Hào. Tôi vẫn đếm bước đi của thằng A Hào, nó mang đôi dép lào được cắt bớt phần sau cho vừa bàn chân của nó, đôi dép lào cũng đã cũ lắm rồi. Tôi hình dung ra câu chuyện về đôi dép như sau: chắc người lớn nào đó mang đến mòn gót rồi không thể dùng được nữa thì đến lượt thằng A Hào, hai chiếc dép được tân trang bằng cách cắt bớt phần sau mòn đến độ lủng rồi đó đi. Tiếp đến là hai cái ống quần cứ vênh ra hai bên hông, cạp quần không phải được luồn bằng dây chun như bọn tôi mà được luồn bằng dây chuối khô bện lại nên phía trước nó cuộn được một cục dây chuối khô lẫn với lưng quần phía trước bụng rõ to, cái cục mà ban nãy chúng tôi rồng rắn theo sau nó hô rõ to “A Hào rốn lồi!”. Nó ngồi xuống bên cô giáo, im lặng chìa đôi tay về phía lửa. Khuôn mặt nó bắt đầu hồng hào trở lại, bây giờ tôi mới nhìn thấy khuôn mặt ấy cũng có những nét đáng yêu, không hoàn toàn bân bẩn, khó ưa như bấy lâu tôi thường nghĩ. Cô giáo mở cặp, lấy ra một cái khăn choàng mới tinh, quàng vào cổ nó “Cô đan tặng em đấy, giữ cho ấm nhé”. Nó cúi đầu, nước mắt rơi, cô ôm nó vào lòng, xoa xoa đầu nó, không nói thêm gì cả, cả hai lớp chúng tôi vỗ tay hoan hô rõ to.
Khoai đã chín, hai cô giáo lấy cây khều ra từng củ một, chia đều cho cả lũ, ai cũng có phần, những cái xuýt xoa vì nóng, những đôi má phồng lên rồi cái miệng chúm chím thổi phù phù, những cái hít hà, rồi tấm tắc khen ngon, lâu lâu lại vài cú trêu chọc giành nhau củ to củ nhỏ làm rộn cả khoảnh sân nhỏ bên sườn đồi. Bọn tôi cũng không còn nhớ đến chuyện ban nãy để cho bọn A Hào phải thèm khoai lang nướng nữa. Chúng tôi đang rất vui. Mùi khoai nướng dần tan vào sương sớm, để lại cái ấm áp len dần vào từng chỗ ngồi trong lớp học bằng mái lá che. Câu chuyện cái rốn được bỏ lại đằng sau, chúng tôi rồng rắn nhau vào lớp.
Tôi đem chuyện cái rốn lồi kể cho mẹ nghe. Mẹ nghiêm giọng “Con và các bạn không được đùa ác với bạn A Hào như thế, con có biết bạn ấy khổ lắm không? Mẹ bạn không còn trên thế gian này nữa, nhà bạn có đến năm anh em, không đủ gạo để ăn như nhà mình đâu con, bạn càng không có đủ quần áo ấm mà đi học”. Mẹ bảo “Nơi con thấy bạn chạy như lao xuống núi ấy, bên kia ngọn núi đó, còn đi xa lắm mới đến nhà bạn. Muốn đến làng mình học cùng bọn con, bạn phải dậy thật sớm khi còn chưa thấy rõ đường đi, nên con và các bạn phải giúp bạn ấy”. Đêm đó, mẹ chuẩn bị một số quần áo ấm mà anh trai tôi không dùng đến nữa, xếp thật kĩ, mẹ khâu một cái nải đẹp, bỏ chúng vào trong nải. Sáng hôm sau mẹ quàng nó vào vai tôi bảo đem tặng lại cho A Hào. Tôi giãy nảy như đỉa phải vôi, kì chết, tôi mà đưa món này cho nó sao, con Mẩy thằng Páo mà biết thì tôi bị cáp đôi với thằng A Hào à, oan này ai chịu hả trời. Tôi bỏ phịch cái nải xuống, có chết tôi cũng không đưa. Tôi chạy ào ra khỏi cửa, đến trường trong bình yên cùng lũ bạn. Vẫn thấy A Hào trong bộ quần áo rốn lồi hôm qua, chỉ khác là trông nó dễ thương hơn bởi khuôn mặt nó được chưng diện bởi cái khăn len mà cô Hòa đan tặng. Mặc kệ nó, dễ thương nhưng chỉ là chút ít thôi, trông nó vẫn cứ ghê ghê thế nào trong bộ quần áo ấy. Tôi vẫn lạy trời nó đừng đụng vào người tôi.
Tan trường, lũ trẻ chúng tôi như chim vỡ tổ, chạy ào xuống triền đồi, đứa tìm hái hoa dại ven đường, đứa lăm lăm chạng ná bắn chim. Hai cô giáo rảo bước phía sau với một chiếc cặp đeo bên hông, vừa đi vừa nói chuyện hai tay vẫn thoăn thoắt với những mũi đan. Chúng tôi không quấn lấy cô nữa, chạy thục mạng xuống đường và cứ thế rộn vang cả một quãng. Tôi ôm lấy cái cặp để giữ thăng bằng để bước trên những phiến đá kê sẵn trên mặt suối, hòn đá bị vênh bởi một ai đó bất cẩn bước mạnh nhưng lại chẳng chịu khó kê lại cho chúng tôi. Cái Mẩy giành tôi bước qua trước, nó dang tay chới với, suýt ngã nhưng nó kịp giữ được thăng bằng rồi nhảy sang tảng đá khác, nó cười đắc chí. Đến lượt tôi, cố gắng nín thở nhưng tôi cũng không đủ can đảm nhúc nhích. Thế rồi những bạn sau thúc bách, những bạn trước reo cổ vũ, tôi lấy hết sức bình sinh nhảy. Vèo! Tôi thấy mình bay, trong tích tắc, chân tôi đáp xuống hòn đá, nhưng hòn đá chẳng chịu đứng yên để đón nhận bàn chân nhỏ bé của tôi. Bàn chân nhỏ bé của tôi cũng không kịp điều tiết trọng lượng hay tay tôi chưa kịp dang ra để giữ thăng bằng cho cơ thể đậu trên chỗ chênh vênh. Miệng tôi chỉ kịp á lên một tiếng thì toàn thân tôi đã nằm dưới nước. Nước suối mùa đông nhanh chóng ngấm vào người tôi qua ba bốn lớp áo ấm một cách không thương tiếc. Đầu tiên là thấy lạnh buốt chạy dọc cơ thể, thằng A Páo và cả con Mẩy nữa, lao xuống nước đỡ tôi dậy. Khi đã ở trên bờ thì tôi như bị đóng băng, hai hàm răng va vào nhau lập cập. Tôi như không động đậy được nữa. Cả bọn loay hoay cạnh tôi chờ cô đến.
Bỗng tôi thấy A Hào, nó chạy đến bên tôi, chắc nó đang chuẩn bị leo lên sườn đồi về nhà thì nghe dưới suối nhốn nháo nên nó quay trở lại chạy xuống đây xem thử chuyện gì. Nó chìa cái nải cũ kĩ của nó ra nói rõ nhanh: “Trong này có chăn, mày cởi áo ướt ra đi, rồi lấy chăn quấn vào tạm không lạnh chết đó.” Nghe đến chết làm tôi sợ khiếp vía, tôi định gọi mẹ nhưng sao không mở miệng được. A Hào lao vào gọi Mẩy cùng A Páo giúp tôi cởi mớ áo ấm, tôi thấy kì cục, mẹ thường dặn tôi con là con gái, trừ mẹ ra con không được để con trai đụng vào người con. Cô giáo cũng dặn như thế, các bạn nam không được tùy tiện đụng vào người bạn nữ và ngược lại. Nhớ lời mẹ, lời cô, tôi muốn chống đối lại hành động đó nhưng tôi như chẳng thể nhúc nhích. Đến cái áo cuối cùng hai thằng quay đi, nó còn không quên bắt cái lũ con trai còn lại quay mặt đi hướng khác hết để cho mình con Mẩy giúp tôi cởi áo và lấy cái chăn quấn quanh người tôi. Nó bắt Mẩy ôm chặt lấy tôi để tôi ấm. Cô giáo đến kịp, cô cõng tôi về tận nhà, mẹ đón tôi trong cái chăn cũ kĩ từ trên lưng cô.
Tôi bị cảm, nghỉ ở nhà mất ba ngày, tôi nhớ các bạn quay quắt, cứ mở mắt là chân tôi muốn chạy đến lớp ngay nhưng cả ba ngày nay nó lại chẳng thể giúp tôi đứng vững. Tôi nhớ A Hào, nỗi nhớ chứa đựng cả sự ăn năn hối lỗi và cả sự hàm ơn. Tự nhiên tôi không thấy nó bân bẩn và đáng sợ như ngày nào nữa, nó là một người bạn đáng yêu, đáng khâm phục mà mãi tận bây giờ tôi mới nhận ra. Bên cạnh tôi, cái chăn cũ kĩ nhưng sạch sẽ, thơm mùi hương hồi thoang thoảng, chắc cậu bạn của tôi dùng để choàng trên người cho ấm mỗi khi ra khỏi nhà để đến trường khi trời còn chưa sáng. Tôi xếp gọn gàng tấm chăn, bỏ chung vào cái nải mới mẹ khâu hôm trước. Giờ đây cái nải đã đầy hơn vì mẹ tôi đã chuẩn bị thêm cho A Hào một bộ áo ấm mới tinh để bạn đến lớp. Tôi ôm cái nải thật chặt mơ màng nghĩ đến ngày mai, khi tôi cùng thằng A Páo, con Mẩy vui vẻ chuyền vai nhau đem nó đến trước mặt A Hào, chúng tôi sẽ nắm lấy tay nó thật thân thiết nói câu xin lỗi và câu cảm ơn với nó. Để chúng tôi lại bắt đầu một tình bạn với những trò chơi bất tận của tuổi học trò nơi đây, chắc chắn A Hào sẽ cười sung sướng vì điều đó. Chắc chắn là thế rồi.
Kết Thúc (END) |
|
|