Quay lại Điện Biên sau mười lăm năm, từ thập niên chín mươi của thế kỷ trước và của thiên niên kỷ trước. Viện đến những cụm từ chỉ thời gian hoành tráng như vậy thật ra chỉ là để ra vẻ đao to búa lớn tí thôi. Lần đầu tiên đến nơi đây, tôi mới học năm cuối bậc tiểu học.
Ký ức sót lại không nhiều nhặn gì. Tôi vẫn còn vài ba tấm ảnh chụp cùng cô giáo và nhóm bạn trên nóc hầm Đờ Cát, rồi cả trên một chiếc xe tăng, khi ấy còn đang nằm lăn lóc giữa ruộng lúa như một đống sắt vụn.
Nhưng tôi không thể nhớ nổi mọi chi tiết. Mọi người đã đi như thế nào? Cụ thể là đã ở đâu? Trong vòng mấy ngày? Tôi chỉ nhớ hồi đó mốt thời trang sành điệu đối với học sinh ở cái tuổi ngấp nghé lên trung học là áo phông có cổ màu trắng, sơvin trong quần soóc trắng, phía trên gấu quần có thêu hai quả dâu tây màu đỏ.
Hầu như cả bọn đã mặc như vậy, nói đúng hơn là toàn bộ đám con gái. Ở nhà khách có những cây hồng xiêm còi cọc, tôi và các bạn đã rủ nhau đi hái trộm những quả xanh chát xít rồi lấy đó làm hay. Cả bọn đã cùng gọi trò đó là “Chiến dịch Điện Biên Phủ trên cây”.
Tôi hình như đã có nhặt mấy quả thông trên đồi mang về. Và khi xe dừng nghỉ ở Thuận Châu, tôi đã mua một cái khung ảnh, một bức tượng em bé đang nằm trong nôi bằng sứ ở một cửa hàng bách hóa tổng hợp buồn rầu nơi thị trấn, mang về nhà gọi là chút quà Điện Biên mà không hề biết rằng Thuận Châu chính là đất Sơn La quê mình chứ đâu.
Và tôi mang máng nhớ khuôn mặt của vài người bạn học, hành trình trên ôtô qua những đoạn đường đèo uốn lượn bồng bềnh xuyên mây. Những kỷ niệm nhập nhòe trong ký ức tôi, thứ ký ức mà càng cố níu lấy nó lại càng tan biến mỏng manh đi.
Người Sơn La, những người vốn phải leo lên đồi xây nhà vì thiếu đất bằng, lên Điện Biên bao giờ cũng phải trầm trồ: Ơ, sao mà ở đây đồng ruộng cứ thênh thang như ở dưới xuôi ấy nhỉ? Một phố núi nhỏ với những mái nhà xinh xinh điểm xuyết cho ruộng lúa. Lúa cứ chảy tràn ra đến khi bị vòng tròn núi quây lại, tạo thành một tiểu đồng bằng nằm lọt thỏm bên trong. Trên núi lúc nào cũng mây mù bao phủ, còn ở dưới lòng chảo nắng chứa chan.
Nhà sàn của người Điện Biên đẹp và kiên cố hơn nhà sàn Sơn La, tôi thấy vậy. Gạo Điện Biên cũng thơm ngon nổi tiếng hơn nhiều. Nhưng có một điều chắc chắn là con gái Điện Biên không trắng như con gái Sơn La. Có lẽ vì ở đây cực kỳ nóng, gió Lào bị giam lại bên trong núi không có đường thoát ra, nắng cứ nhuộm vàng ươm tất cả.
Những người Điện Biên mà tôi gặp không phải những người đầu tiên than thở với tôi về nước da của con gái xứ này. Gã và tôi đã có lần nói về chuyện đó. Giải thích cho việc không hứng thú tìm người yêu ở nơi này, gã nói: “Em không biết được đâu: ở Sơn La con gái đứa nào cũng trắng, lúc anh lên đây, cứ gọi là đen thui cả một màu”. Tôi phì cười, động viên gã: “Tắt đèn thì nhà ngói cũng như nhà tranh. Miễn nó yêu mình là được chứ gì”. Tức thì gã giãy nảy lên: “Chúng nó cứ đen nhem nhẻm, yêu đương gì?”.
Câu chuyện phiếm này đã quay lại trong trí nhớ khi tôi đứng thơ thẩn ở trên đồi và tự hỏi giờ này gã đang làm gì, đơn vị gã đóng quân chỗ nào và ở hàng trà đá dưới chân tượng đài kia, gã đã bao giờ ngồi lê la “chém gió”.
Sợi chỉ đỏ của số phận từng có thời gian nối cổ tay tôi với cổ tay gã. Khi ấy, mọi ý nghĩ của tôi đều hướng về gã và tôi tin chắc rằng bản thân gã cũng cảm thấy tương tự. Nhưng sợi chỉ ấy đã bị cắt đứt - chính tôi đã tự tay cắt đứt, mà nói là số phận đã đẩy tôi đến chỗ phải tự tay cắt đứt nó cũng chẳng sai. Số phận thật kỳ quái, buộc người ta vào với nhau rồi lại đẩy người ta chia lìa, giống như đang chơi trò nghịch ngợm với những con cá ngựa bốn màu.
Tất cả những mối tình vỡ hỏng đều do số phận tạo ra, đơn thuần chỉ là để giải trí chút ít trước khi đưa người ta về đúng chỗ của họ, với một người nào đó được - thiết - kế - ra - để - dành - riêng - cho - họ.
Tôi đã không nói với gã là tôi đang ở đó, trên cùng một mảnh đất, dưới cùng một bầu trời với gã. Gã hẳn sẽ sốt sắng chạy đến tìm tôi. Dù cho gã đã chẳng còn yêu tôi như xưa thì có lẽ gã vẫn còn nhớ tôi, hay nói cách khác là nhớ đến một tôi trong quá khứ.
Tôi đối với gã chỉ như thứ ánh sáng của ngôi sao đang le lói trên trời kia, một thứ ánh sáng đã chết, thứ ánh sáng của quá khứ mà phải đến ti tỉ năm sau mới đến được Trái đất. Nhưng đàn ông vốn là giống loài hay tưởng bở, hoặc cố tình tưởng bở.
Tôi không thích gã hiểu nhầm rằng tôi đã từ quá khứ quay lại và muốn làm hiện tại của gã. Vả chăng, tôi cũng không thích nói chuyện với gã. Thường thì chúng tôi bao giờ cũng bắt đầu rất tử tế, nhưng cuối cùng lại đâm ra cãi nhau “um củ tỏi” vì không thể bắt cùng tần số của nhau.
Tôi không thể chịu nổi sự thiếu tinh tế đến ngờ nghệch của gã. Còn gã lại không thể chịu nổi đứa con gái phức tạp là tôi. Thế giới của tôi và gã, môi trường nơi mỗi người sinh ra và trưởng thành, khác nhau quá nhiều.
Khác biệt lớn đến nỗi cho dù tôi có xông xênh mở cửa cho gã đi vào (chỗ này cấm nghĩ bậy đấy nhé) tâm hồn tôi thì rốt cuộc tôi vẫn sẽ phải phát cáu rồi đuổi thẳng cổ gã ra, vì gã chả biết làm gì khá khẩm hơn ngoài loay hoay dò dẫm ở trong đó như một thằng khờ, mặc dù tôi đã bực mình đến nỗi đưa hẳn cho gã cái đèn pin (chỗ này vẫn cấm nghĩ bậy đấy nhé).
Gã không hiểu được ngay cả những điều tôi đã nói trắng ra. Còn tôi lại cần một người hiểu được cả những điều tôi không nói.
Ấy thế mà tôi lại nhắn tin cho gã sau khi đã về nhà.
Sự thể là trong lúc lang thang ở khu phố chính, tôi cần mua vài thứ đồ dùng cá nhân, vì vậy tôi quyết định đi... siêu thị. Siêu thị oách nhất Điện Biên thật ra chẳng có gì mấy, lèo tèo vài thứ đồ gia dụng nhưng với trẻ con thì điều đó không quan trọng, miễn là được mua đồ chơi.
Ở trên tầng hai có một giá sách, nằm khuất nẻo sau quầy văn phòng phẩm. Tôi đã chọn được vài cuốn. Không phải ở Hà Nội không có những quyển này. Đơn giản là tôi thường có thói quen mua sách ở những tỉnh thành xa xôi nơi tôi có dịp đi qua.
Tôi đã tìm thấy ở đó cuốn Rừng Na Uy xuất bản năm 1997, hình như không phải bản dịch của Trịnh Lữ, sách có đóng dấu thư viện, không hiểu sao lại bị lẫn vào đó. Nhưng tôi đã bỏ xuống, không mua. Về đến nhà, tôi mới bắt đầu thấy tiếc, vì năm 1997 Rừng Na Uy hoàn toàn chưa có tiếng tăm gì ở Việt Nam.
Những năm 1980 và 1990, thị trường sách không sôi động như hiện nay nhưng đáng ngạc nhiên là có rất nhiều đầu sách cực kỳ hay và chất lượng bản dịch tốt hơn bây giờ. Nhiều cuốn trong số đó không được tái bản nữa.
Quay lại chuyện chính. Tôi đã nhắn tin cho gã, nhờ gã đi tìm lại quyển sách giúp tôi. Tôi đã miêu tả quyển sách rất chi tiết, đó là quyển Rừng Na Uy duy nhất còn trên giá. Tôi cũng đã trình bày cụ thể nguyên nhân tôi muốn mua quyển sách đó.
Còn gã, sau khi trách móc tôi lên Điện Biên mà không gọi cho gã và ừ à hứa hẹn mai đi làm về anh sẽ đi tìm cho em, gã bảo với tôi rằng hay là gã sẽ trả lại tôi quyển Rừng Na Uy tôi từng tặng gã dễ đến cả tỉ năm về trước.
Thế là tôi lại phải mất thêm hai tin nhắn dài dằng dặc nữa để giải thích lại một lần nữa cho gã hiểu là tôi đang cần cái bản năm 1997 kia, chứ cái bản mới này tôi kiếm đâu chẳng được. Hôm sau, gã có đến đó tìm nhưng không thấy. Gã vẫn cứ khăng khăng đòi trả lại sách cho tôi, như vậy tôi sẽ không cần phải đi mua một quyển sách cũ rích ở một nơi xa tít mù tắp nữa.
Đến đây thì bắt đầu nhiễu sóng, tôi bấm thẳng vào nút gọi và quát um lên với gã, rằng thì là em không cần gì mấy thứ hồi xưa em tặng anh, anh cứ đốt hết đi cho nhẹ nợ, rằng thì là em còn phải giải thích đến như thế nào anh mới hiểu rằng em cần cái bản 1997 kia chứ không phải là cái gì khác, vân vân và vân vân, cứ như thể gã chẳng may đã mắc một tội tày đình nào đó không tài nào tha thứ nổi.
Tôi thấy tôi vô lý đùng đùng và chợt ân hận khi gã - thay vì nổi khùng lên trước cái thói đỏng đảnh cố hữu của tôi - lại lúng túng hứa sẽ quay lại tìm lần nữa.
Đối với gã, sách nào thì cũng chỉ là sách thôi. Gã không hiểu rằng đối với tôi, mỗi quyển sách là một câu chuyện riêng. Và ngay cả khi, sau nhiều lần giải thích mà vẫn bất lực, tôi thậm chí buộc phải hét toáng lên để gã giật mình mà dừng ngay cái dòng logic lệch pha của gã lại, gã vẫn cứ không thể hiểu tôi. Logic của gã và logic của tôi hoàn toàn không thể tương hợp với nhau.
Để đi đến đoạn kết một chuyện tình, đôi khi chỉ cần có lý do ấy là đủ.
Trong chuyến đi, tôi có xin được ở nhà người quen vài gốc cây cắm mà người Thái hay dùng để nhuộm xôi ngũ sắc. Có cây, lá cho ra màu vàng, có cây lại cho ra màu tím. Khi trộn cả hai loại này với nhau, xôi sẽ có màu đỏ. Tôi mang cây về trồng trong vườn, trong lòng trộm nghĩ: hạnh phúc liệu có thể xanh màu trở lại trong mảnh vườn của tôi?■
Kết Thúc (END) |
|
|