1. Mười bảy giờ. Trong căn phòng tập thể của công nhân cung đường Sông Phan, một người đàn ông tuổi ngoài ba mươi đang kiểm tra lần cuối mấy món đồ nghề trong giỏ xách. Khi chắc chắn mấy món cờlê, búa, cờ, pháo hiệu, đèn pin đầy đủ, anh bước vội lên phòng cung trưởng nhận lệnh, ký lên ban, bắt đầu hành trình tuần đường ca đêm kéo dài đến ba giờ sáng. Người dân ở Sông Phan thường gọi anh bằng tên thân mật: Độ đường ray - gắn liền với công việc, hoặc Độ đi bộ, nếu họ gọi tếu táo để trêu anh. Mà dù có gọi anh với biệt danh nào thì anh cũng nở nụ cười thật hồn hậu. Nước da ngâm, khuôn mặt sạm đen vì dãi dầu mưa nắng, cách anh cười để lộ hàm răng trắng sáng nhìn như nụ cười tỏa nắng. Mà Độ lại hay cười, có lẽ công việc tuần đường cô độc và thầm lặng nên anh luôn trân trọng những phút giây được gần gũi mọi người.
Trời bắt đầu tối khi Độ đi bộ chừng hai kilômét. Tay trái cầm đèn pin, tay phải cầm chiếc gậy tre, vai đeo túi đồ nghề, bước chân anh thoăn thoắt đi trên tranh ray. Xung quanh anh mọi vật chìm vào bóng tối. Những cây cao su phủ bóng đen ngòm, trải dài tăm tắp; những vườn điều nhấp nhô cao bằng hai thân người rít lên bần bật mỗi khi đón cơn gió lớn. Đường đêm. Đoạn dốc thấp lấy trớn lên đoạn dốc cao, hai bên đường tối đen, ánh sáng từ chiếc đèn pin của Độ chỉ đủ rọi một khoảng trống trước mắt. Màn đêm xung quanh như phảng phất một điều gì sâu thẳm, nghi ngại khi mắt thường không thể tỏ tường. Mà đâu đã hết, đêm đen còn có người bạn thiên nhiên phối hợp với nhau một cách nhịp nhàng, tạo ra thứ âm thanh đa hợp: tiếng gió rít qua hàng cây, tiếng cành lá xào xạc va đập, và nhất là tiếng những con thú hoạt động về đêm, chúng gầm gừ tranh giành thức ăn, bạn tình hay lãnh thổ riêng mà chỉ có chúng mới hiểu được. Nhưng sợ nhất là tiếng chim cú dội dội kêu đêm, âm thanh gieo rắc sự chết chóc và nghe buồn đến nao lòng. Cách đây mười hai năm, hồi mới vào nghề tuần đường ray, Độ nghĩ công việc này cũng hay hay, còn tự ví von như nghề bác sĩ khám đường ray: khi phát hiện những hư hỏng nhỏ như bù loong, ốc vít bị lỏng thì siết lại; thấy rác nằm trên thanh ray thì dọn đi, còn gặp những sự cố lớn có thể gây nguy hiểm cho tàu thì báo cáo về cung quản lý xin chỉ đạo...Nhưng rồi Độ nhanh chóng nhận ra cái khó của nghề tuần đường là sự cô độc và lầm lũi. Cô độc một mình đối mặt với thiên nhiên khắc nghiệt. Cung đường ray Sông Phan nằm sâu trong Rừng Lá, mùa nắng thì nắng chói chang muốn cháy cả da thịt, mùa mưa thì dầm dề lạnh rét thấu xương, nhưng cứ lên ban là Độ phải đi, bất kể thời tiết. Cứ lầm lũi đi, mặt dán xuống đất kiểm tra đường ray. Độ đi nhiều đến mức như thuộc lòng cả bước chân mình. Ban đầu cứ đếm bước chân mình hoài Độ cũng nản lắm, muốn bỏ nghề, nhưng rồi một vài tuần quen việc quen đường thì không thể bỏ được, cứ nghĩ đến những bước chân âm thầm của anh góp chút sức vào việc giữ an toàn cho từng đoàn tàu, cho hàng ngàn hành khách làm anh ấm lòng.
Độ đi được ki lô mét thứ năm (trên hành trình mười bốn kilômét cả đi và về) thì anh nhận thấy trăng đang lên cao. Trăng xuyên mây bàng bạc phủ một lớp bóng sáng loáng lên hai thanh ray làm anh như có cảm giác từng bước chân của mình đang đi trên một chiếc thang dài ngoằng, tiến về phía cung trăng. Ban đêm, trăng bao giờ cũng là người bạn thân thiết của người tuần đường. Anh biết mình không đơn độc mỗi khi nhìn thấy trăng. Trăng theo mỗi bước chân anh đi. Trăng lấp ló sau những tán cây cổ thụ. Trăng còn ghé thăm mặt đất khi anh nhìn xuống lòng hồ in bóng trăng soi, hoặc một vũng nước tù đọng bên đường. Trăng trôi mải miết rồi cũng yên vị, dừng lại khi trời lặng gió, và lúc này chiếu sáng giúp anh nhìn rõ nghĩa trang trước mắt. Đây là nghĩa trang Thiên Sứ, nơi chôn cất người chết của bà con xóm đạo sống dọc theo hai bên đường ray. Mặc dù là địa điểm quen thuộc ngày nào cũng đi qua, nhưng anh luôn có những suy nghĩ bâng quơ mỗi khi đưa mắt nhìn vào nghĩa trang. Anh nghĩ đến sự sống và cái chết. Đó chính là thói quen hình thành từ ngoại cảnh. Còn nơi nào thích hợp hơn nghĩa trang khi ta nghĩ về sự sống và cái chết? Và mỗi khi đến đây thường thì anh giảm dần tốc độ rồi chọn cho mình một mô đất trống ven đường ray ngồi nghỉ mệt, đưa mắt nhìn những ngôi mộ được quy hoạch và phân lô rõ ràng. Ngôi mộ nào dưới lòng đất cũng từng đó kích thước giống nhau. Độ nhìn rồi bất chợt anh nhoẻn miệng cười. Anh nhớ hồi đi học từng đọc trong sách, đại ý rằng, muốn tìm một ví dụ cho sự bình đẳng của con người thì hãy ra nghĩa địa mà tìm. Trước cái chết mọi người đều đơn sơ giống nhau. Anh ngẫm nghĩ rồi tiếp tục đưa mắt quan sát những khoảng đất trống, đã được phân lô 1,5m x 4m, chắc là để dành bán cho người sống sẽ lìa đời. Con người khi sống thường tham lam, cố gắng vơ vét cho mình càng nhiều của nả càng tốt, nhưng chết đi rồi thứ họ cần chỉ là một lô đất bé cỏn con.
Độ vừa ngồi nghỉ mệt vừa chiêm nghiệm sự đời, bất chợt anh giật mình khi nhìn thấy một bóng đen ngòm từ trong nghĩa trang lững thững đi ra phía đường ray. Tầm này đã gần mười hai giờ đêm, việc có người xuất hiện trong nghĩa trang là điều hết sức lạ lùng.
2.
Ông Ước vào thành phố Hồ Chí Minh dự hội nghị Công đoàn ngành Đường sắt với tư cách cựu Chủ tịch và là khách mời danh dự. Tuy đã về hưu được hơn chục năm, ở cái tuổi ngấp nghé bảy mươi nhưng người ông còn nhanh nhẹn lắm, giọng nói hào sảng rõ ràng đúng chất của người thủ lĩnh công đoàn một trong những thời hoàng kim của ngành đường sắt. Được gặp lại anh em trong ngành để hàn huyên, ôn lại những kỷ niệm một thời đã qua là điều làm ông thích thú, nhưng vui nhất với ông là được lên Rừng Lá. Hồi còn làm lãnh đạo, lần nào vào công tác khu vực phía Nam ông cũng lên Rừng Lá, nhiều đến nỗi anh em thường nói đùa là ông Ước nghiện Rừng Lá. Nhưng rời xa nhiệm sở, mười năm rồi ông chưa có dịp trở lại thăm cung đường sắt ngày xưa, nên ông tận dụng cơ hội vào Nam lần này để đi.
Thời của ông Ước, đầu những năm tám mươi, đến khu vực Rừng Lá từ thành phố Hồ Chí Minh ra Tháp Chàm rất khó khăn gian khổ. Muốn lên Rừng Lá phải đi bằng goòng, tàu hỏa không đỗ và ô tô không vào được. Giờ thì việc di chuyển dễ dàng, chỉ bốn tiếng ngồi tàu hỏa hoặc đi ô tô chạy một mạch là đến. Bạn bè thân thiết biết ý định, ngỏ ý điều xe có tài xế riêng chở ông đi cho tiện, nhưng ông ngại nhờ vả, từ chối. Giọng sang sảng nói, mấy mươi năm ăn cơm đường sắt, hà cớ gì phải đi ôtô riêng. Với lại, sau mười năm xa cách, ông muốn được ngồi trên tàu hỏa để quan sát cung đường từng gắn bó một thời trai trẻ, và nhất là để sống lại những ký ức đã qua. Người lớn tuổi thường thích hoài niệm, thế nên bạn bè không ngạc nhiên khi ông Ước chọn tàu hỏa, chỉ là bất ngờ ở vị trí chỗ ngồi. Buồng lái tàu. Ông ngồi ngay sau lái chính và lái phụ của đoàn tàu.
Lái chính của tàu tuổi chừng bốn mươi, tay không rời nút bấm còi, cần hãm, khuôn mặt điềm tĩnh và luôn chăm chú quan sát, tập trung cao độ. Lái chính vốn có thâm niên hơn chục năm trong ngành, và qua lời kể của trưởng tàu nên ít nhiều hiểu được cái háo hức của ông Ước khi chọn ngồi trên buồng lái. Nhưng lái phụ thì khác, anh ta còn trẻ, mới vào nghề, ở đoạn đường tương đối an toàn vì không có đường ngang dân sinh, chàng trai tò mò bắt chuyện:
“Sao chú không lên toa giường nằm, chợp mắt một giấc cho khỏe, độ bốn tiếng là đến ga Sông Phan. Ở đầu máy con chỉ thấy có tiếng ồn, tàu rung lắc và mùi dầu hăng hắc, làm sao chú thoải mái được!”.
Ông Ước nhoẻn miệng cười, đưa mắt nhìn chàng trai trẻ, hiểu được sự quan tâm và thắc mắc của cậu ta. Ông từ tốn nói:
“Từ ngày về hưu chú toàn ăn ở không, đâm ra cuồng chân. Ngày trước làm bên công đoàn chân chú là chân đi, nào là Rừng Lá, đèo Khe Nét, đèo Hải Vân, rồi lên cả Bản Thí... Đi một đoạn ngắn thế này thì nhằm nhò gì! Ngồi đây có cái hay là được nhìn thẳng về phía trước. Tàu hỏa chỉ có khu vực này là được nhìn bao quát, mà chú thì muốn nhìn”.
“Tiếc là đợt này chú đi tàu đêm”. Lái chính góp chuyện. “Chắc hội nghị kéo dài cả ngày chú không thu xếp được?”
“Đi ban ngày thú vị hơn, nhưng không sao, ánh sáng của đoàn tàu cũng đủ với chú. Cũng phải để cho tâm trí tưởng tượng chút đỉnh”.
Tàu rời nội thành, vận tốc đẩy lên bảy mươi, tám mươi kilômét, quang cảnh trôi qua vùn vụt trước mắt ông Ước. Mắt ông còn tinh tường, và ông nhận thấy khung cảnh đã khác xưa, thời gian làm nhiều thứ thay đổi. Quốc lộ 1A nằm song song với đường tàu, kết cấu tổng thể không thay đổi, nhưng điều khác biệt là sức sống. Ông Ước nhận ra điều đó qua dòng xe cộ nườm nượp nối đuôi nhau dọc quốc lộ, nhà cửa mọc san sát nhau và tỏa ra thứ ánh sáng năng động nhộn nhịp. Rừng Lá là địa danh được đặt tên từ trước những ngày giải phóng, tính từ Phan Thiết trở vào Sài Gòn đến ngã ba Ông Đồn. Thật ra là một vùng rừng núi mênh mông cặp theo quốc lộ, từng là căn cứ cách mạng của một thời oai hùng. Nhưng Rưng Lá gắn bó với ông nhiều hơn từ phong trào tái thiết đường sắt. Hồi đó vừa mới giải phóng, theo tiếng gọi của Nhà nước, ông cùng hàng trăm thanh niên hăng hái lên đường đến với Rừng Lá. Cả một vùng hoang vu, nhưng người trẻ như ông chẳng biết sợ là gì. Mọi người vừa bắt tay làm nhà, làm lán trại, vừa làm đường sắt. Ban ngày phát quang làm cỏ, dọn tre; ban đêm tay trong tay bên ánh lửa hồng sinh hoạt tập thể, hát ca đờn vũ, lấn át tiếng cọp beo, thú dữ...Rồi sáu tháng sau cung đường sắt cũng được thông tuyến. Nghĩ đến đây bất chợt người ông run lên cầm cập, một cảm giác ớn lạnh bủa vây khắp cơ thể ông. Ông nhớ đến căn bệnh sốt rét ác tính, phải, chính nó là nốt trầm buồn mỗi khi ông nghĩ về chuyện năm xưa. Chỉ trong vòng vài năm sau đó nhiều anh em chung đội đường sắt với ông buộc phải rời bỏ cung đường vì bệnh tật, một số đã vĩnh viễn nằm lại nơi đó. Còn ông đã cố đứng vững dù đã một lần bị căn bệnh sốt rét hành hạ đến rụng tóc, điếc cả hai tai. Một thời gian sau khi khỏi bệnh ông được điều chuyển công tác, đảm đương nhiều chức vụ, để rồi hơn mười năm sau ông quay trở lại, lần này là trên cương vị một thủ lĩnh công đoàn với tuổi đời vừa ngoài bốn mươi. Ông Ước đã giúp anh em công nhân cung đường sắt Rừng Lá giải được bài toán hóc búa mà cho đến hôm nay, những người kỳ cựu gắn bó với ngành đường sắt còn nhớ đến và kể với nhau trong mỗi cuộc trà dư tửu hậu...
Tàu đang qua địa phận Xuân Lộc, chính thức bước vào địa danh Rừng Lá huyền thoại. Lái chính của tàu là người đàn ông khá nhạy cảm, có lẽ bắt sóng được tâm trạng hồi hộp của ông Ước, liền gợi chuyện:
“Rừng Lá buông chỉ còn trong ký ức”, lái chính ngó nghiêng hai bên đường, cất giọng trầm trầm. “Hồi cháu mới vào nghề, đi qua vùng này là bạt ngàn rừng buông”.
“Phải, phải, chú cũng đang có suy nghĩ này. Quang cảnh thiếu vắng những cành buông tha thướt như tàu dừa. Cây buông mất đi theo thời gian, cũng giống như tên gọi Rừng Lá...”.
Ông Ước miệng nói rành rọt, nhưng trong lòng không khỏi gợn lên chút buồn tiếc nuối một thời quá vãng. Những cánh rừng buông được thay bằng thảm xanh cây mía, cây mì, vườn điều, những trang trại trù phú... Và dọc theo quốc lộ là những ngôi nhà xây rực rỡ sắc màu của cuộc sống có của dư của để.
Nhìn cuộc sống thay đổi theo chiều hướng tốt lên, lái chính bỗng nhớ đến những khó khăn gian khổ của anh em công nhân đường sắc cung đường Rừng Lá mà hồi mới vào nghề anh nghe kể lại. Dĩ nhiên trong lời kể của họ gắn liền với tên tuổi một con người. Và giờ đây người đó đang ngồi cạnh anh. Với lòng ngưỡng mộ không giấu giếm, lái chính muốn nghe câu chuyện từ chính miệng người khách.
“Mỗi lần tàu ghé ga Sông Phan, những người lớn tuổi thỉnh thoảng có nhắc đến chú, đến phong trào công đoàn thập kỷ tám mươi. Họ nói vẻ tự hào: “Tây” không làm được mà mình lại làm được”.
Nghe lái chính nhắc lại kỷ niệm đáng tự hào, khuôn mặt ông Ước rạng rỡ hẳn lên. Vết chân chim nơi khóe mắt ông như giãn ra, mặt ửng hồng. Ông Ước cười khà khà, giọng hào sảng cất lên:
“Họ nói đúng đó! Ngay từ thời Pháp còn quản lý, vấn đề nước sinh hoạt vẫn không giải quyết được. Công nhân đường sắt khu vực Rừng Lá sau giờ lên ban vẫn phải lấy nước từ các suối, hứng nước mưa xài rất khổ. Thậm chí lên ban ba bốn ngày không có nước tắm phải chờ xuống ban mới có nước dùng”.
"Gì chứ thiếu nước sạch phải dùng nước suối để sinh hoạt thì không đảm bảo vệ sinh rồi!”. Lái phụ nghe đến đây thì đưa ra quan điểm.
“Nghĩ đến chuyện đi tuần đường, sửa chữa đường ray cả ngày mồ hôi mồ kê nhễ nhại mà không có nước dùng thì oải thật!”. Lái chính góp chuyện.
“Ngày đó trong một chuyến công tác lên Rừng Lá chú cứ nghĩ mãi, tại sao lại không thể có nước?”. Giọng ông Ước chậm rãi, như thong thả hồi tưởng lại chuyện đã qua. “Trong khi đó ở những vùng rừng núi khác vẫn có thể tìm được nước. Để anh em công nhân khổ sở vì nước như vậy thì làm việc tốt thế nào được. Thế nên chú hạ quyết tâm phải tìm bằng được nước cho anh em”.
Nhưng quyết tâm là một chuyện, ông Ước nhớ lại, Rừng Lá có nhiều ga nhiều cung đường: Hết Sông Sinh rồi đến Sông Phan, Tà Mon, Suối Vận... toàn địa bàn nằm sâu hun hút nơi núi rừng trùng điệp. Ông Ước cùng anh em phải khoan thăm dò rất nhiều nơi để tìm mạch nước ngầm. Chỉ có tìm được mạch nước thì mới giải quyết cốt lõi vấn đề nước. Nhưng nhiều lần ông Ước phải chùn tay vì địa thế ở đây rừng núi rất khó khoan giếng, nhiều lần bỏ công khoan thật sâu nhưng không tìm ra mạch, đành bỏ cuộc để thăm dò nơi khác. Cứ thế, bao nhiêu mồ hôi đổ xuống theo từng nhịp khoan, địa bàn khảo sát cũng thu hẹp lại, và cứ thế, một năm sau, giếng khoan đầu tiên mới tìm thấy nước. Dòng nước mạnh mẽ tuôn trào từ lòng đất đã thỏa cơn khát bao năm của công nhân đường sắt tại Rừng Lá. Khỏi phải nói niềm tự hào và vui mừng của ông Ước. Rừng Lá là mảnh đất vô cùng ý nghĩa với ông Ước, từng gắn bó một thời trai trẻ, một số anh em công nhân từ hồi phong trào tái thiết đường sắt vẫn còn bám trụ nơi đây, cả những người phải bỏ mạng nằm xuống vì căn bệnh sốt rét ác tính mà thân xác nay đã hòa quyện vào lòng đất. Nhiều lúc ông Ước đặt câu hỏi, một cách duy tâm và thành kính: có phải chính những đồng đội đã ngã xuống năm xưa đã chỉ đường dẫn lối và nâng niu từng bước chân ông trong việc tìm ra mạch nước ngầm? Thằng Tây rất giỏi về địa chất học cũng đành chịu thua nữa là! Còn ông, với tư cách Chủ tịch công đoàn, đã cùng anh em chiến hữu năm xưa làm được. Nhưng cũng phải mất thêm hai năm từ thành công của giếng khoan đầu tiên, trải qua vô số lần khảo sát, cả chục ga và cung đường sắt Rừng Lá dần dần đều tìm được nguồn nước giếng khoan. Ông Ước nhớ lại và cảm thấy niềm tự hào đang trào dâng trong lòng.
- o O o - Gần mười hai giờ đêm, tàu cách ga Sông Phan tầm mười kilômét, điểm đến của ông Ước. Như mọi lần, mỗi khi đến thăm khu Rừng Lá ông đều chọn ga này làm nơi dừng chân và ghé thăm bạn hữu. Tâm trạng ông Ước lúc này đang rất háo hức, như niềm vui của người con xa xứ lâu ngày được về thăm quê. Ông Ước còn đang chăm chú nhìn những hàng thanh long thẳng tắp treo lủng lẳng có gắn kèm bóng đèn hai bên đường thì bất ngờ nghe tiếng lái phụ la thất thanh: “Chú ý...chú ý... Có người phía trước... người phía trước”. Và ngay tức thì ông Ước nghe tiếng còi báo hiệu bấm dồn dập, tiếng chuông rung leng keng cất lên. Lái phụ lúc này nhoài người qua cửa sổ quan sát...ngay khi thấy bóng đen đứng giữa đường ray anh đã hiểu sự tình, lập tức kéo phanh khẩn cấp. Nhưng đoàn tàu đang chạy với vận tốc bảy mươi kilômét, anh hiểu không thể dừng tức thì được, đoàn tàu chỉ khựng lại rồi tiếp tục ầm ầm lao về phía trước chạy thêm độ hai trăm mét nữa rồi dừng hẳn. Trong buồng lái, cậu thanh niên phụ lái lúc này người vẫn còn run, hai chân luýnh quýnh như va vào nhau, rồi như trấn tĩnh người lại, miệng cậu thốt lên thành tiếng: “Trời phật phù hộ, tai qua nạn khỏi rồi!..”.
Lái chính liếc nhìn đồng hồ, mười hai giờ hai phút, vừa bắt đầu ngày mới. Quả là phép màu và sự sắp đặt của số phận. Hồi mới vào nghề, chính lái tàu đã trải qua một đêm kinh hoàng, mà cho đến nay vẫn hằn sâu vào ký ức anh. Năm đó vào mùng hai tết, anh đang điều khiển chuyến tàu Thống Nhất. Tâm trạng anh cùng lái phụ hôm đó khá háo hức vì sắp được đoàn tụ cùng gia đình. Nhưng khi tàu đi qua địa phận miền Trung, tầm mười giờ đêm, trong lúc tàu chuẩn bị băng qua khu vực đường ngang dân sinh thì phát hiện phía trước có một phụ nữ tay ôm đứa con nhỏ khoảng ba tuổi có biểu hiện lạ. Anh cố giữ bình tĩnh, thực hiện đầy đủ các thao tác cảnh báo, kéo còi và đèn hiệu nhấp nháy nhưng không có tác dụng. Người phụ nữ vẫn ngó lơ, chị ta bế con leo lên đường ray rồi bất ngờ ngồi xuống nhìn chằm chặp về hướng con tàu. Và mặc dù anh quyết định cho tàu dừng khẩn cấp, nhưng khoảng cách quá gần, đoàn tàu lạnh lùng đâm thẳng vào hai mẹ con chị. Suốt ba tháng sau đó lái chính không tài nào ngủ được, hễ nhắm mắt lại là hình ảnh người phụ nữ ôm con hiện lên rõ mồn một. Lúc nào tai anh cũng nghe văng vẳng tiếng còi tàu, tiếng bánh xe tàu hỏa phanh gấp đến rợn người. Anh cố gắng tĩnh tâm để vượt qua cú sốc, cùng với phương thuốc thời gian chữa lành vết thương, âm thầm vực dậy tinh thần của chính mình. Nhưng rồi một ngày, khi lái tàu qua địa điểm xảy ra vụ tai nạn năm xưa, anh nhìn qua cửa kính xe và thấy mình đang trên con tàu Thống Nhất năm xưa, và người phụ nữ ôm con trong vụ tai nạn lần đó lại một lần nữa chết trước mặt anh. Nước mắt anh lăn dài trên má. Những ký ức ùa về và anh cảm giác như mình đang xem lại vụ tai nạn qua tivi. Nó giống như một cơn ác mộng bủa vây lấy người lái tàu, ám ảnh khôn nguôi.
3.
Khi Độ thấy bóng áo đen từ trong nghĩa trang đi ra ngoài đường ray anh đã chột dạ. Đêm khuya khoắt ở vùng hoang vắng thế này, sao gã ta lại có mặt ở đây vào giờ này? Còn đang mắc mớ với hàng lô câu hỏi trong đầu thì Độ nghe tiếng xình xịch, âm thanh then thuộc của đoàn tàu từ phía xa. Như một phản xạ tức thì của người tuần đường, anh đứng phắt dậy, một tay cầm cờ hiệu đưa lên, tay cầm đèn chuẩn bị đón tàu. Nhưng khi mắt anh nhìn về phía bóng đen, nơi gã thanh niên đang hiên ngang bước đi chẳng mảy may quan tâm đến âm thanh và tiếng còi của đoàn tàu, điềm nhiên tiến ra giữa đường ray, hai tay gã còn chống nạnh ngang hông như muốn thách thức tử thần. Độ hiểu ngay ra chuyện, anh vứt vội đèn đường, cờ hiệu, túi xách sang bên đường ray, tức tốc phóng nhanh về phía gã. Độ phản ứng nhanh đến mức không có thời gian suy xét thiệt hơn, bởi anh hiểu, nếu chỉ một chút chần chừ thì cái giá phải trả chính là sinh mạng của người thanh niên xa lạ kia. Độ chạy thật nhanh rồi chồm người về phía trước, mắt nhìn theo ánh sáng phát ra từ đoàn tàu, một cú phóng và dùng lực đẩy từ đôi bàn tay, anh bung sức làm cả hai thân người ngã sóng soài sang một bên...
Những gì anh biết sau đó là đoàn tàu với những bánh sắt nghiến rin rít vào hai thanh ray, chạy lướt qua anh trong tích tắc. Nằm dưới đất, miệng anh thở hồng hộc, anh ngước mắt lên nhìn bầu trời đầy sao, anh biết mình và gã thanh niên nằm bên vừa may mắn thoát chết. Anh cảm thấy tự hào, không chỉ việc cứu được một mạng người, mà còn là niềm vui khi anh chiến thắng được bản thân. Anh tự hào khi biết rằng anh đã không để cho bản năng ham sống can thiệp trong giờ phút sinh tử, bởi nếu anh chùn chân và dửng dưng vì lợi ích an toàn của bản thân thì chắc chắn anh không đặt mình vào tình thế nguy hiểm để cứu con người xa lạ kia. Nhưng anh biết lương tâm nghề nghiệp không cho phép anh hành xử như vậy. Anh không thể hủy hoại và để lương tâm mình ray rứt trong cả phần đời còn lại. Nằm một lát cho hoàn hồn thì anh nghe thấy tiếng đầu máy nổ, và đoàn tàu tiếp tục lăn bánh. Ánh sáng của đoàn tàu từ từ mất hút về phía xa xa. Nhưng rồi Độ thấy lạ lùng khi có một nguồn ánh sáng khác, nhỏ hơn, đang di chuyển tiến lại gần anh và gã thanh niên chán đời. Khi ánh sáng đến gần, Độ nhận ra một người đàn ông dáng tầm thước, tuy có vẻ lớn tuổi nhưng đang sải những bước chân nhanh nhẹn lên trên các thanh tà vẹt, tay cầm chiếc đèn pin anh vừa vứt bên đường, cùng cờ hiệu và túi xách tiến về phía anh. Người đàn ông mặc đồng phục xanh dương của ngành đường sắt.
Ông Ước tiến đến chỗ hai người lạ, việc đầu tiên ông làm là soi đèn và nhìn thật kỹ vào khuôn mặt gã thanh niên vừa có ý định tự tử. Người này còn khá trẻ, nước da sạm nắng, đôi mắt u uất và đục ngầu long lên tia nhìn giận dữ nhìn lại ông, cất tiếng quát tháo:
“Tôi chỉ muốn chết! Vậy mà các người không để cho tôi chết!”
Vừa thét lên, gã thanh niên đang đứng liền bổ nhào xuống mặt đất, hai chân đạp đành đạch giãy giụa như hồi còn bé thơ.
Không khí đang căng thẳng, lại vừa thoát chết trong gang tấc, nhưng chứng kiến cảnh tượng đó Độ không khỏi phì cười. Ông Ước thấy vậy liền nháy mắt, ra dấu cho anh giữ im lặng.
“Bộ muốn chết thật hả? Còn trẻ mà, chết như vậy không thấy phiền lắm sao con trai?”. Ông Ước chăm chú nhìn chàng trai, rồi nói giọng giễu nhại.
Đang nằm dưới đất, ấm ức vì không được chết, nghe đến đây gã bật dậy trừng mắt nhìn vào người đối diện.
“Ai là con trai ông mà ăn nói ngang xương vậy! Ủa chứ trẻ là không được chết hả lão già? Tui chết thì mắc mớ gì đến ông mà phiền!”.
Ông Ước là người hiểu chuyện, với những ca chán đời kiểu này, lôi kéo gã vào cuộc trò chuyện cũng là thành công bước đầu rồi. Thường thì những người trẻ, một khi muốn chết thì sẽ quyết tâm đến cùng. Gã thoát được đoàn tàu ông vừa đi nhưng không hẳn là xong chuyện, ông biết đêm nay ít nhất cũng còn vài ba chuyến tàu đi ngang qua đây nữa. Và biết tìm đâu ra người tuần đường có mặt kịp lúc để cứu gã? Nên ông Ước quyết định phải xuống tàu, bằng kinh nghiệm và hiểu biết ông cho rằng đó là cách tốt nhất để cứu gã thanh niên và tránh cho các đoàn tàu sau ông gặp phải tình huống xấu.
“Sao không phiền, con trai! Chết kiểu nát bấy, toàn thân lìa ra từng khúc, óc iếc văng tứ tung thì ai là người đi dọn xác? Là con trai chắc!”.
“Này cái ông già kia! - giọng gã thanh niên lúc này cất cao, vẻ khó chịu và phẫn nộ ra mặt, hai má gã ửng đỏ. -Tui nói lần cuối, không có con trai gì ở đây hết nhen! Tui có ba rồi, ba tui còn sống sờ sờ ra đó, ai làm con ông mà ông xưng hô vậy!”.
“Phải không! Phải còn ba không? - Giọng ông Ước nhỏ nhẹ. Vậy ra nếu anh tuần đường đây không cứu cậu kịp thời thì người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh rồi! Khi đứng trước đoàn tàu cậu có nghĩ cho ba cậu không vậy?”.
Nghe đến đây thì gã thanh niên rụt người lại, cơ mặt giãn ra và đôi mắt không còn trừng trộ nhìn ông như lúc đầu. Rồi gã nhớ đến lời ông nói, cả người nát bấy, toàn thân đứt lìa...Ba gã sẽ có cảm giác thế nào khi phải chứng kiến cảnh tượng đó?
Thấy đôi mắt gã trai trẻ đã hết đờ đẫn và vẻ mặt ra chiều suy nghĩ, ông Ước lúc này từ tốn khuyên nhủ:
“Nghe này chàng trai, giờ thì hãy cùng đi với ta một đoạn đường. Ga Sông Phan ở gần đây, về đó rồi có gì mình từ từ tính tiếp. Vừa rồi ta đang ngồi trên tàu, vì cậu mà phải xuống đây, giờ cậu hãy đồng hành cùng ta về ga. Trên đường ta vừa đi vừa nói chuyện. Ta biết chắc cậu đang gặp bế tắc, nhưng ai sống mà không đôi ba lần gặp chuyện bế tắc. Chuyện gì rồi cũng có cách giải quyết, nhất là khi cậu còn trẻ, mà biết đâu ông già này có thể giúp cậu được điều gì đó. Ta hứa sẽ tìm cách giúp, trên đời không có gì quý giá hơn mạng sống của cậu cả, nên hãy tin ta...”.
Ông Ước cứ thành tâm nói, nói mãi làm gã thanh niên đâm ra lưỡng lự trước việc bỏ đi hay nghe theo lời ông, nhưng có lẽ trong tình huống này gã cũng không biết làm gì và nói gì, nên cuối cùng đành thả bước theo ông Ước. Ở phía sau anh Độ thì cầm đèn pin đi theo, rọi sáng đường cho hai người một già một trẻ đi ngược về hướng ga Sông Phan. Vừa đi ông Ước vừa tiếp tục động viên, tâm sự nhỏ to - công việc mà ông thường hay làm khi còn đương chức trong ngành Công đoàn đường sắt:
“Cậu biết không, nơi mình đang bước đi, hồi trước giải phóng là địa danh Rừng Lá, là căn cứ cách mạng của đồng bào ta. Biết bao nhiêu xương máu của những người đi trước đã ngã xuống, họ phải đánh đổi để có được cuộc sống tự do và sung túc như ngày hôm nay. Thế nên trân trọng cuộc sống của mình là cách đơn giản nhất để nhớ ơn những hy sinh to lớn đó. Ở đời ta hiểu có hai việc khó nhất là sống và chết. Sống thì phải phấn đấu cho hạnh phúc, còn chết thì phải bình an...”.
Đang nói say sưa thì ông Ước ngừng lại vì nghe từ xa có tiếng rầm rầm của đoàn tàu chuẩn bị đi qua. Anh Độ chỉnh đốn lại trang phục, tiếp tục làm công việc giơ cao đèn, cờ hiệu, đứng theo tư thế chào đón đoàn tàu an toàn đi qua. Một vùng sáng từ đoàn tàu quét qua, tỏa ra mênh mông, tận dụng lúc đèn chiếu sáng, ông Ước nhìn thật kỹ vào đôi mắt của chàng trai. Ông thấy yên lòng vì từ ánh mắt cậu ta không còn ánh nhìn ngây dại và đờ đẫn của người quyết tâm đi tìm cái chết đến cùng.
Ga Sông Phan chỉ còn cách ông Ước tầm một cây số.
Kết Thúc (END) |
|
|