Cốc. Cốc. Cốc. Cốc! Tiếng gõ đều tay cứ bốn nhịp lại ngắt quãng, đã không còn xa lạ với những gia đình sinh sống hai bên phố chợ này. Bắt đầu từ tám giờ (cái giờ mà bữa cơm chiều đã tiêu hóa gần hết nên người ta dễ đói), ông Bảy Thêm đẩy xe hủ tiếu gõ của mình ra khỏi nhà. Thằng Mua đi trước ông chừng mười thước, rao hàng bằng tiếng gõ. Nó vừa đi vừa nhâm nhi một củ khoai lang hay khúc mía cho đỡ buồn miệng. Tiếng gõ của nó rất điêu luyện - không chậm, không nhanh. Cái chỗ ngắt quãng cũng đều đặn bốn bước chân. Khi người ăn cần gọi, nó chào khách bằng nụ cười tươi với câu hỏi quen thuộc: "Tô lớn hay tô nhỏ (chú, cô,
) tiếu mì hay tiếu không?". Rồi nhanh nhẩu quanh trở lại hô: "Một tiếu lớn, một tiếu nhỏ, hai tiếu mì!". Trong lúc ông Bảy trụng hủ tiếu, nó phụ sắp tô ra, lấy chanh ớt để vào mấy cái muỗng. Rồi rất điệu nghệ, nó cầm lấy cái mâm cho ông Bảy để mấy tô hủ tiếu vào. Nó thoăn thoắt bước, dù cái mâm và mấy tô hủ tiếu có vẻ nặng nề hơn so với cái thân hình nhỏ thó của nó.
Cơn mưa chiều nay kéo dài từ ba giờ, mãi đến bảy giờ rồi vẫn chưa tạnh. Nước tràn ngập đường phố. Cái nhà chỉ bằng một cái bếp của người ta là nơi dung thân của hai ông cháu thằng Mua, nước đã ngập tới gối. Cái kiểu mưa kéo dài nầy, đi bán thì cực. Nhưng theo kinh nghiệm, ông Bảy lại mừng vì chắc chắn là bán đắt.
Hai ông cháu mặc áo mưa, đội nón lá, bì bõm lội nước, đẩy xe. Đường sá ít người và xe qua lại, nhưng mấy căn nhà hai bên phố vẫn sáng đèn. Ông Bảy đẩy xe vào một mái hiên rộng. Hơi nóng từ chiếc xe tỏa ra làm ông không thấy lạnh. Chỉ tội nghiệp thằng cháu nội. Tiếng gõ của thằng Mua vẫn đều đều trong mưa. "Ê ! ê! Hai tô hủ tiếu mì nghe nhỏ!". Thằng Mua nhìn về phía người vừa gọi, nó "dạ" một tiếng át cả tiếng mưa. Nó hớn hở bưng hai tô hủ tiếu cho người khách mở hàng. Tấm ni lông trắng sạch được đậy kỹ bên trên. Đây là điều khách ăn vừa ý nhất. Tuy bán bình dân, nhưng tiêu chuẩn vệ sinh vẫn được ông Bảy coi trọng.
Mưa đã ngớt. Xe hủ tiếu của hai ông cháu đã đi qua mấy dãy phố. Trời đã về khuya. Lòng đường cũng vắng. Các hàng quán phố sá đều đóng cửa. Thằng Mua ngáp dài một cái. Nó ước gì giờ nầy được ngủ. Nhưng còn gần chục tô, phải bán cho hết. Tuy còn nhỏ, nó vẫn hiểu biết và có trách nhiệm. Ông nội già rồi còn phải chịu cực. Mình phải ráng. Có nhiều khi nó ao ước phải chi mình có ba, có mẹ, chắc hai ông cháu không phải cực khổ như vầy. Theo lời ông nội, ba nó chết khi mẹ còn mang thai nó. Vừa qua thôi nôi, mẹ nó âm thầm bỏ đi. Thằng Mua lúc đó vừa được cai sữa mấy ngày vẫn còn thèm hơi mẹ, cứ ngằn ngặt khóc. Ông Bảy vác cháu trên vai đi tới đi lui từ đầu tới cuối xóm, khiến ai cũng mủi lòng. Mấy bà tốt bụng thay nhau bồng ẵm để ông Bảy đi làm. Đêm đêm tiếng khóc của thằng Mua, tiếng ầu ơ của ông Bảy cứ đều đều vang lên giữa lòng xóm nhỏ đã khiến người ta phải rơi nước mắt.
Mười năm vùn vụt trôi đi. Ông Bảy đã quen cảnh "Gà cồ nuôi cháu". Thằng Mua như biết thân biết phận, cứ cơm canh đạm bạc vẫn lớn vù vù. Ông Bảy không còn sức làm phụ hồ nên chọn nghề bán hủ tiếu gõ mưu sinh. Thằng Mua mỗi đêm theo phụ ông, ban ngày vẫn được đi học. Điều làm ông Bảy vui nhất là nó học rất giỏi. Hoàn cảnh như vậy mà nó vẫn là học sinh đứng nhất nhì lớp, ông Bảy không hề biết trong lòng thằng cháu nội côi cút này nghĩ gì. Nó ao ước tột cùng sau này làm một bác sĩ giỏi để lo phụng dưỡng ông lúc bệnh hoạn và sẽ trả ơn những người hàng xóm tốt bụng đã giúp đỡ ông cháu nó.
* * *
Tô hủ tiếu cuối cùng cũng vừa bán xong. Ông Bảy lui cui dọn dẹp. Thằng Mua cũng lăng xăng giúp ông. Lòng đường vắng tanh. Chỉ thi thoảng một chiếc xe vụt qua như để về nhà cho kịp. Bỗng một đám người từ đâu ập tới. Họ xuống từ mấy chiếc xe gắn máy. Đàn ông có, đàn bà có. Một người phụ nữ bị túm tóc lôi xuống đường. Không chừng đây lại là một trận đánh ghen. Người phụ nữ bị một gã đàn ông xốc đứng dậy: "Mày hứa trả tiền cho tao không? Tao cho mày một tuần. Nếu tới ngày mà không có đừng trách tao!". Ông Bảy không lạ gì cảnh đánh ghen, đòi nợ ở một thành phố đông người như vầy. Nhưng bộ dạng người phụ nữ sao quen quá! Rồi ông nghe tiếng nức nở: "Tôi chưa có tiền. Tôi làm được bao nhiêu ảnh đều lấy đi cờ bạc. Tôi còn không có ăn làm sao có tiền trả cho mấy ông!". "Tao không cần biết. Tao nói một câu thôi! Đúng một tuần, không tiền trả thì biến mất đi! Đừng để tao thấy mặt!". Gã đàn ông vừa dứt lời, người đàn bà trong bọn còn xỉ vào trán người phụ nữ một cái "Nhớ chưa?" rồi cả bọn lên xe phóng và đi....
Cả ông Bảy và thằng Mua bàng hoàng trước cảnh này. Nhưng ông Bảy còn bàng hoàng hơn. Ông bước đến gần người phụ nữ đang lảo đảo, rồi buộc miệng kêu lên: "Trời đất! Vợ thằng Bán đây mà!". Người phụ nữ sửng sốt nhìn ông Bảy. Thằng Mua cũng chạy tới: "Ai vậy nội? Nội quen sao?". Cả ông Bảy, cả người phụ nữ, cả thằng Mua đều sửng sốt. Ông Bảy nắm bàn tay vẫn còn lạnh ngắt của người phụ nữ: "Bây đi đâu cả chục năm nay, bỏ con bỏ cái, bây giờ khổ sở như vầy hả con?". Người phụ nữ vụt òa lên khóc. Thằng Mua nhìn ông nội rồi chợt nghĩ ra, nó nắm tay ông: "Phải mẹ con hông nội? Phải bà này là mẹ con hông nội?". Đến lượt người phụ nữ sửng sốt: "Trời ơi! Con của con đây hả ba? Thằng Mua đây hả ba?".
* * *
Ông Bảy mở công tắc đèn. Bóng đèn tròn tỏa ánh sáng vàng vọt cho thấy mọi vật trong cái chòi của hai ông cháu. Chẳng ai muốn mở lời trước. Cuối cùng, thằng Mua nhìn thẳng vào người phụ nữ hỏi: "Phải bà là mẹ con hông? Sao lại bỏ con cho ông nội rồi đi đâu tới giờ?". Chỉ nghe tiếng nấc nghẹn. Đôi bờ vai người phụ nữ rung lên. Thằng Mua khẽ khàng "Đừng khóc mà! Mẹ nói đi!". Ông Bảy không cầm lòng được, cũng khóc. Mãi một lúc, người phụ nữ mới cất tiếng: "Mẹ có lỗi với con. Con có lỗi với ba. Lúc đó, con trẻ người non dạ. Chồng chết, con không suy nghĩ được chín chắn nên bỏ đi tìm con đường sống cho mình. Con là người mẹ vô lương tâm đã bỏ rơi đứa con tội nghiệp của mình. Con bị quả báo rồi ba ơi!". Thằng Mua thấy mẹ khóc cũng khóc theo. Nó không oán hận mẹ. Nhìn thấy mẹ thê thảm như vầy, nó đau lòng lắm. Ông Bảy bưng nồi cơm đặt lên bếp hâm lại. Thằng Mua dở cái lồng bàn thấy còn dĩa cá chiên. Nó nhìn mẹ: "Mẹ ăn cơm đi! Chắc mẹ đói lắm phải hông? Còn chút nước súp, mẹ chan làm canh nghe!". Nhìn người cha chồng tội nghiệp và đứa con, chị lại sụt sùi. Nhớ lại cái ngày bỏ đi, chị không nghĩ chuyện gì khác ngoài chuyện không biết làm gì để nuôi con. Chị đâm ra lo sợ. Thôi thì cứ để ông nội nó lo. Chị không nghĩ được nhiều. Ra khỏi nhà, chị cũng đi tìm việc, nhưng để có tiền lo cho mình. Ít lâu sau, chị gặp một người đàn ông lúc chị giúp việc trong một quán nhậu. Chị nghe lời ngon ngọt của hắn. Sống cảnh chồng hờ vợ tạm, được một thời gian, chị đã biết rõ con người hắn. Hắn không nghề nghiệp ổn định. Hắn lười biếng. Hắn cờ bạc, rượu chè. Tiền chị làm ra chỉ để hắn tiêu xài. Chị đã bỏ đi nhiều lần, hắn tìm chị hăm dọa và thậm chí đánh đập. Chị biết mình không thoát khỏi hắn. Chị lại không dám trở về vì xấu hổ. Chị buông xuôi đời mình cho số phận. Hắn gây nợ, chị lo trả...
* * *
Cái chòi nhỏ của ông Bảy đã được sửa sang lại bằng tiền quyên góp của các nhà hảo tâm. Ông Bảy đã đem hết số tiền dành dụm trả nợ cho con dâu. Chính quyền và đoàn thể giúp giải quyết việc chị trở về. Tên đàn ông đóng vai chồng hờ cũng lại buộc cam kết không khuấy động đời sống mẹ con chị. Mẹ thằng Mua mỗi ngày gánh hàng rong bán theo xóm. Xe hủ tiếu gõ của hai ông cháu thằng Mua vẫn hoạt động như thường. Nhưng tiếng rao của thằng Mua xem ra đã tươi hơn, chắc chắn hơn vì trong lòng nó rạng ngời hạnh phúc.
Kết Thúc (END) |
|
|