Ngẫu nhiên tôi đến thành phố Cần Thơ đúng dịp kỷ niệm 132 năm ngày sinh nhật Bác Hồ, và bước chân tôi như muốn đi thật chậm trước quảng trường trên bến Ninh Kiều, đứng dưới tượng đài Người với nhiều cảm xúc đan xen khó tả… Mặc dù tôi có dịp trở đi trở lại thành phố này, nhưng mỗi dịp đến, mỗi dịp đứng trước dòng sông Hậu mênh mang cứ miệt mài trôi về biển lòng tự nhủ, biết bao người đã đến và đi qua nơi này từ thế kỷ trước, họ đã cư ngụ dọc hai triền sông lúc nào cũng ăm ắp bờ bãi trù phú kia… Niềm cảm xúc dâng lên khi đứng giữa miền nắng đẹp lênh loang miền châu thổ Cửu Long. Một vùng đất bao đời được bồi đắp phù sa để dâng cho con người những mùa hoa trái tốt tươi, những sản vật mà không nơi nào có được. Và, lần này chúng tôi xuôi theo sông Hậu tìm Hậu Giang, tìm về chợ nổi Phụng Hiệp thuộc thành phố Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang để khám phá những làng quê trù phú phía ấy.
Dọc con sông nặng phù sa cuồn cuồn cuộn ấy là cơ man những số phận con người neo dọc bờ bãi trù phú hai bên bờ của dòng sông. Tôi cứ miên man liệu đã có ai đi hết được biết bao những cánh đồng, những làng quê bên hai bờ của ngả đường sôi sục phù sa ấy. Sáng nay chúng tôi đến địa chỉ chợ nổi cũ ở thị xã Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang- tức vẫn là trên dòng sông Hậu mênh mang ấy - gặp mấy chị ngồi bên hiên nhà gần chợ nổi trên sông cũ. Các chị thủng thẳng trong cái tiếng gió sông chậm rãi như tiếng nước trôi trên mặt sông mênh mang chia về mấy ngả lớn nhỏ kia. Một chị nghe tôi hỏi về chợ nổi xưa sầm uất lắm mà giờ không còn, chị cươi tươi bảo, giờ đường xá trên bộ tốt rồi mà mấy cô, nên chỗ này không còn chợ trên sông nữa, mà thuyền chở hoa trái cập bến đầu đường sát con lộ mà cô vừa đi ô tô đến đó, lát thì xe ô tô đến chở đi khắp vùng. Chúng tôi cảm ơn chị chủ nhà có gương mặt rất đằm thắm và thấy một chút tiếc nuối về cái chợ nổi ở đây không còn. Nhà chị hôm nay có tiệc mừng thôi nôi cho cháu nội, những món ăn đã bày sẵn trên cái sạp ven sông. Những món ăn đươc phơi cùng gió nắng đồng bằng, như không cần phải bày biện này nọ, như tự nhiên sản vật của đồng bằng cứ thế mà đặt lên một góc cái sạp mà xung quanh các bà nội, bà ngoại quây quần nấu nướng...
Dòng sông vẫn chảy trôi như muôn ngày nó vẫn thế. Những chị hai, chị ba… bên dòng sông Hậu mỗi ngày đón những niềm vui từ sông giản dị thế thế thôi. Chúng tôi lại lên xe và len lỏi đi vào khu vực có thể gọi là vùng nông thôn khá sâu xa của Hậu Giang. Các làng xóm dân cư dầy đặc bám sông mà sống. Những ngôi chùa nguy nga, những căn nhà biệt thự mới toe cũng khoe mọi vẻ nguy nga giữa những khuôn viên vườn cây quả hoa trái rộng rênh. Bên cạnh đó vẫn còn những nếp nhà cũ kỹ thấp nhỏ ẩn nấp trong những vườn cây trái, như còn lưu giữ dấu riêng của cư dân từ thời đi mở đất, nhà nhỏ, thấp, nhưng nhà nào cũng rất sạch sẽ và ấm áp của cư dân lâu đời đã cư ngụ ở đây. Khu dân cư vượt lũ - lần đầu tiên chúng tôi nghe từ này, rất ngạc nhiên và đã kịp hiểu những mùa lũ đồng bằng dữ dằn đe dọa tính mạng người dân như thế nào những năm trước - những con ngõ sạch sẽ đủ ô tô 4 chỗ tránh nhau chạy miết theo ven bờ sông, nhìn như chẳng biết lối nào là điểm cuối. Dòng sông vẫn thong dong trôi bên mạn sườn xe ô tô. Khu này có nhiều nhà làm du dịch sinh thái hay gọi đến Vườn Dâu là tới - vườn dâu - quả dâu chua lắm, to như quả chanh ngoài Bắc, nhưng là giống quả dâu da núi ở miền núi phía Bắc - Chúng tôi ghé vườn dâu Thiên Ân, (thuộc thị trấn Phụng Hiệp) vé vào vườn với người lớn là 50 ngàn đồng, trẻ em là 25 ngàn đồng một vé. Vườn dâu Thiên Ân được cho là vườn có lâu nhất ở vùng này, chủ nhà đã đầu tư thành khung cảnh đẹp thu hút khách du lịch đến từ năm 2014, nhưng họ đầu tư cũng tầm trên dưới 20 năm rồi…
Chúng tôi đi đúng vào mùa dâu, những cây dâu đang chín, và khách đến cũng đã đông vì vừa mở cửa sau đại dịch Covid-19 và ai cũng rất thích thú với khung cảnh vườn dâu trĩu quả này. Trong vườn cây có phục vụ đủ ăn uống nhẹ, có tạo thực cảnh để du khách chụp ảnh, có các cây dâu quả trĩu trịt từ ngọn đến gốc để khách chụp ảnh, có nhiều cây trái trong vườn du khách tự thỏa mãn trong không gian ấy với vô vàn kiểu ảnh để lưu giữ những chuyến đi. Đã lâu rồi, bà con nơi đây bắt chước học nhau làm vườn để thu hái hoa quả và đồng thời làm du lịch… kiểu vườn. Vì thế họ đã thoát khỏi sự lam lũ của cư dân nông thôn lạc hậu, yếu thế, đã có một thế hệ cư dân nông thôn thích ứng với thời đại, kinh doanh thời công nghệ. Vì thế chỉ cần bạn gõ vào nền tảng công nghệ “guc-go” là tên các nhà vườn dâu liên tiếp hiện ra, rất thuận lợi cho khách lạ, khi mà nông dân đã làm chủ việc kinh doanh bằng các tiện ích của công nghệ hiện đại, thuận lợi và hiệu quả cho cả chủ vườn và khách…
Ngồi bên cổng vườn dâu, nhấm trái dâu chua lắm, nhưng thật là một cảm giác rất… đồng bằng vì được đung đưa khỏa chân trần xuống sông Hậu để tâm hồn thơ thới khi ta chạm chân đến xứ này. Một vùng châu thổ cứ mải miết bồi đắp cơ man những sản vật cho người dân từ dòng sông, từ ruộng vườn, là những làng quê bình dị bám dọc đôi bờ sông, là cái sự hiền lành và yên ấm đến vô cùng từ bóng dáng của làng tràn lên những trù phú tọa bên bờ sông Hậu bời bời gió hát, bời bời sóng nước phù sa…
Chàng trai quê Móng Cái ở cù lao Tân Lộc
Ở đồng bằng có nhiều cái tên dân dã đến ngỡ ngàng. Tất cả những hòn đảo bồi lên giữa những khúc đi của dòng sông Hậu hay sông Tiền mênh mang đều được gọi là Cù lao hoặc gọi là Cồn. Mỗi dịp đi sang các khu cù lao đều phải qua đò, đò máy hay phà lớn thì đều có một khoảng thời gian nhất định để người vượt qua khúc sông kia. Một tâm trạng có thể bồn chồn được gặp người thân, háo hức sẽ gặp được những cảnh sắc thiên nhiên mà ta chưa có dịp đến… và có thể đầy lo lắng cho ai đó từ từng ở cù lao và đi làm ăn nơi khác, nay phải về quê cù lao thực hiện những nghĩa vụ thiêng liêng của mình theo những tập tục truyền thống lễ nghĩa của ông bà cha mẹ trao truyền. Tôi đã đến vùng đồng bằng Cửu Long nhiều lần, nhưng chưa có thể đi hết đến tất cả các bến đò để vượt sông sang cù lao. Nhưng mỗi lần có dịp là tôi lại hít hà cái cảm giác ấy, cảm giác lạ nhẹ nâng bổng tâm hồn ta khi đứng trước sông, đứng trước miền cây trái trù phú này. Như khi qua cù lao Ông Hổ để thăm khu di tích lịch sử của người cộng sản kiên trung Tôn Đức Thắng khi đến với thành phố Long Xuyên tỉnh An Giang. Như khi qua phà Vàm Cống nối An Giang với Đồng Tháp. Là khi bồng bềnh trên trên thuyền giữa chợ nổi ở thị xã Ngã Năm tỉnh Sóc Trăng, là khi qua phà sang cù lao sầu riêng ngon nức tiếng ở Tiền Giang hay từng quà phà Rạch Miễu đến miền dừa xanh Bến Tre… Và vô vàn những bến phà, những bến phà qua sông Tiền hay sông Hậu mà tôi có dịp đi qua. Mỗi dòng sông, mỗi bến đò cho ta những dư vị ngọt ngào về miền đồng bằng châu thổ Cửu Long vô vàn những bí ẩn mà ta có trở đi trở lại nhiều lần cũng không dễ mà khám phá hết. Nhất những năm gần đây, cả vùng đồng bằng đã có các cây cầu thay thế hàng trăm bến đò, là khi ta bon bon trên những cây cầu mới và bỏ lại dòng sông, bỏ lại những bến đò khiến ta không khỏi những bâng khuâng tiếc nuối cảm giác được yên lặng đợi phà, bối rối đợi phà, hay lo lắng đợi phà về bên kia những cù lao, những chân trời đang đón chờ ta, những chân trời rưng rức tiếng sóng vỗ thân đò, tiếng gió thổi miên man suốt cuộc đời mỗi ai đã và đang và mãi gắn bó với dòng sông…
Và hôm nay chúng tôi đến địa danh là Phường Tân Lộc, nhưng tên cũ từ xa xưa bà con đã gọi Cồn Tân Lộc hay Cù lao Tân Lộc. Muốn đến Cồn Tân Lộc thì phải qua phà Thốt Nốt - Tân Lộc. Con phà đi ngang qua đoạn sông Hậu tầm ba chục phút đồng hồ là lên cù lao Tân Lộc, mọi người đều ngỡ ngàng trước một vùng cây trái sum suê. Cậu An, cán bộ phòng văn hóa quận Thốt Nốt đưa đoàn chúng tôi đi thực tế rất xởi lởi. Cậu An nói cậu sinh ra và lớn lên ở đây, nhà cậu còn một ngôi nhà cổ xây dựng từ đời ông bà cố, hiện tại ông cụ thân sinh ra An vẫn đang ở. Tôi nhìn cái biển tên của cậu là Lâm Hoàng Trường An, tôi bèn mạnh dạn hỏi cái tên cậu có ý nghĩa gì, cậu nhanh nhảu trả lời, cha em đặt đó, cha bảo ông bà cố muốn đặt tên con cái có cái dấu ấn riêng để lưu dấu nguồn gốc tổ tiên. Cái tên em là nguồn gốc ông bà tổ tiên xa lắm ạ, em được biết ông bà cố em có nguồn gốc từ Móng Cái đến đây lập nghiệp và ở lại đây lâu rồi chị ạ. Gia phả các cụ cố vẫn ghi thế, nên thế hệ bây giờ lưu giữ khắc ghi trong tâm khảm mình là người Móng Cái. Một điều rất thú vị khi tôi nghe An nói, cậu là chít trực hệ của cụ cố Lâm Quang Ky từng là phó tướng của cụ Nguyễn Trung Trực, là người trực tiếp dùng thuyền của gia đình làm phương tiện đi chiêu binh cho cụ Nguyễn Trung Trực và tham gia đánh Pháp cùng người Anh hùng Nguyễn Trung Trực - người có câu nói nổi tiếng trước khi bị Pháp xử tử còn vang vọng đến bây giờ: “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”! Cụ Lâm Quang Ky cũng bị giặc pháp bắt và đem xử tử khi thủ lĩnh Nguyễn Trung Trực cầm quân thất bại đánh đồn Kiên Giang năm 1868….
Những câu chuyện về một thời điểm lịch sử chưa xa nơi cù lao xanh thẳm này, tôi rất đỗi ngạc nhiên, khi ngồi nghe An kể chuyện trong cơn mưa châu thổ bất chợt ào xuống, những dòng mưa xối xả trên những ngọn dừa, mưa như trút, nhưng chỉ tức khắc thì tạnh. Bầu trời Tân Lộc lại sáng rỡ, những tán dừa xanh thẫm, những vườn cây quả như cùng vóng lên một màn nhung xanh miên man dọc con đường xuyên cù lao. Hai bên là trường học, trạm xá của phường, là nhà dân đã thi nhau xây cất những căn biệt thự to nhỏ đủ hình đủ kiểu. Giữa cù lao mà ngỡ như đứng giữa thành phố hoa lệ nào đó, sự giàu lên của người dân cù lao được vun lên nhờ nuôi trồng thủy hải sản, từ cây trái bốn mùa xanh tốt, như đất cù lao đã ngàn năm qua được hút dòng phù sa của Mê Kông giàu có. Là tôi chợt thấy như có những cư dân từ Móng Cái địa đầu đã và đang hóa thân vào dòng sông lịch sử giữa cù lao trù phú này với biết bao nhiêu là câu chuyện về lịch sử, với niềm tự hào về dòng dõi tổ tiên của An. Tôi hẹn An sẽ có dịp ghé thăm ngôi nhà cổ mà cha An đang ở để biết thêm về những cư dân Móng Cái đến đây từ nửa cuối thế kỷ 19, họ đã tấp thuyền vào cù lao này và ở lại lập nghiệp. Và An cũng bảo, nhất định có dịp em sẽ ra Móng Cái, Quảng Ninh để có thể cảm nhận được mảnh đất quê hương ở địa đầu đất nước nơi có cụ cố đã từng dong thuyền từ địa đầu Tổ quốc đến và ngụ lại mảnh đất chín rồng huyền thoại là miền sông Hậu này!
Trên cù lao Tân Lộc, chúng tôi có dịp ghe thăm khu di tích Thành lập chi bộ đảng đầu tiên tại đây của huyện Thốt Nốt, nơi có các nhà cách mạng hoạt động kiên cường như từ các vùng Sa Đéc, Long Xuyên. Năm 1934, Chi bộ Tân Lộc Tây được thành lập có 3 đảng viên do đồng chí Ba Thử làm Bí thư. Thật sự đứng trước Di tích lịch sử này chúng tôi đều thấm thía một câu trong lịch sử cách mạng Việt Nam đầu thế kỷ 20: Miền Nam đi trước về sau, là thế. Những người con nước Việt ở phương Nam đã vùng lên đánh Tây trước khi có Đảng như người anh hùng Nguyễn Trung Trực và lập nhiều chiến công ngay từ ngày đầu khi đất nước có Đảng, có một thế hệ những người cộng sản sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc từ những ngày khởi nguồn ấy. Vì vùng đất này thuộc tỉnh An Giang cũ, chỉ qua một chút nữa, Cù lao tân Lộc lại nối với Cù lao Ông Hổ thuộc thành phố Long Xuyên tỉnh An Giang nơi có người cộng sản kiên trung với nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam thành công là nguyên Chủ tịch Tôn Đức Thắng…
Mỗi miền đất đi qua là một miền đất chứa đựng biết bao những câu chuyện ẩn sau những vườn cây trái, ẩn sau những bến sông, con người. Như khi chúng tôi đến vùng Thốt Nốt này, vô cùng ngạc nhiên cái ao của nhà ông - là cái ao được tạo nên ở ven bờ sông áp chân vườn nhà ông Đoàn Nô (nhà nghiên cứu văn hóa dân gian của Cần Thơ) là một cơ ngơi rộng mát ven sông Hậu. Cái khoanh ao ông khoanh lại ven bờ vườn là sông Hậu, là ông chỉ quây vài đám lục bình buông lơi để khoanh lại cái khoảng mặt nước ven sông - gọi là bờ rào bèo cho khoảng mặt nước kia - nhưng đám cá ba sa sông cứ thế tụ vào khi chủ nhân rắc thức ăn. Như thành nơi chốn thân quen nên đám cá ba sa sông cứ thế tụ về, ông chủ nhà chỉ việc… ngồi ngắm cá chơi! Đúng là như chuyện cổ tích, chỉ vài cái vỗ tay, đàn cá nhô lên kín mặt ao nhà ông Đoàn Nô. Chúng tôi đều ồ lên và hết sức sửng sốt về của nả mà dòng sông mang lại cho cư dân nơi đây. Về dòng sông chứa đựng vô vàn những kỳ bí chưa thể khám phá hết, khi ta chưa có dịp đi hết những cù lao và làng mạc theo dòng sông Hậu mênh man, của Mê Kông hùng vĩ!
Chỉ một thoáng qua miền sông Hậu nắng gió, mà neo lại cho ta vô vàn những khúc thức tin yêu thêm về đất và người ở miền đất phương Nam của Tổ quốc. Thế đó, sông Hậu một thoáng thôi mà thao thức vô cùng…
Kết Thúc (END) |
|
|