Đêm định mệnh là một trong những quyển truyện nổi tiếng của tác giả Người Khăn Trắng. Truyện Đêm định mệnh thuộc thể loại truyện ma, kinh dị, tâm linh kỳ bí với những tình huống hồi hộp, rùng rợn và vô cùng lôi cuốn hấp dẫn mang đậm phong cách viết truyện của tác giả Người Khăn Trắng.
Xe lửa chạy tuyến Sài Gòn – Phan Rang khởi hành lúc 5 giờ chiều, đáng lẽ chạy khoảng 5 tiếng thì tới nơi, nhưng xảy ra tai nạn dọc đường, nên đến gần 12 giờ đêm xe chỉ mới đỗ lại ở ga Mương Mán.
Vị hành khách lớn tuổi ngồi cạnh Thái chẳng hiểu đi đâu lúc tàu dừng chờ thông đường, mà đến khi tàu chạy lại thì không thấy bóng bà ta. Người soát vé hỏi Thái:
– Anh có quan hệ gì với bà cụ ngồi ghế này không?
Thái lắc đầu:
– Không hề quen biết. Chắc là bà ta đi quanh đâu đấy. Hoặc là xuống đất chưa kịp lên?
Người soát vé tàu quả quyết:
– Lúc tàu dừng, hành khách không một ai được bước xuống, bởi nơi đây không phải là nhà ga.
– Vậy chắc bà ta còn ở nơi nào đó trên tàu này.
– Nhưng từ hơn một tiếng đồng hồ rồi, chúng tôi đã yêu cầu hành khách trở lại yên vị để tàu khởi hành mà không hề thấy bà ta. Chẳng biết…
Anh ta lo lắng bước đi về phía toa sau, vừa lầm bầm:
– Già cả rồi, ngồi đâu thì ngồi một chỗ, đi đâu cho mất công người ta…
Anh ta vừa đi khuất thì chợt Thái phát hiện chiếc giỏ xách của bà hành khách vẫn còn để dưới gầm, anh định kêu theo, nhưng tàu chạy lắc lư, tiếng hụ còi inh ỏi nên có gọi thì anh ta cũng không nghe. Thái tự nhủ:
– Để lát nữa anh ta trở lại mình báo cũng được.
Một giờ sau, tàu đến ga Tháp Chàm. Vừa thấy anh nhân viên soát vé trở lại, Thái báo:
– Chiếc giỏ của bà ấy còn đây!
Anh nhân viên bảo:
– Anh lấy đưa tôi xem, nếu đồ đạc trong đó quan trọng thì chắc chắn bà ta còn trên xe. Tôi đã báo cho an ninh tàu rồi, người ta đang tìm kiếm.
Thái cúi xuống định lấy cái giỏ xách lên, nhưng anh giật mình:
– Ủa, nó đâu rồi?
Thái tìm đến mấy phút mà chẳng thấy gì, đến khi xem lại túi xách của mình để trên kệ cũng chẳng thấy, anh hốt hoảng:
– Cả cái túi của tôi cũng đâu mất rồi?
Trong lúc Thái luýnh quýnh tìm cái giỏ của mình thì chợt có tiếng hô hoán của ai đó phía trước:
– Sao tôi lại ngồi đây? Tôi ngồi ở toa trước mà, tôi… tôi còn có vợ nữa, cô ấy…
– Tôi cũng vậy, con nhỏ tôi ngồi bên cạnh, sao bây giờ lại…
Mọi người nhốn nháo, làm cho mấy nhân viên soát vé, phục vụ tàu rối cả lên, họ người này hỏi người kia:
– Nãy giờ có ai xếp lại chỗ không?
Người tổ trưởng toa tàu nghiêm giọng nói:
– Ai cũng ngồi theo đúng số vé, làm sao có chuyện lộn xộn này được. Yêu cầu người nào bị xáo trộn chỗ thì tự đi tìm lại đúng chỗ của mình đi.
Một lát sau thì trật tự được vãn hồi. Có người từ toa cuối đã bị đổi lên toa giữa này, mà cả người thân đi cùng và họ đều không hiểu tại sao. Có người nói:
– Từ khi chạy đến lúc này tôi không hề rời khỏi ghế, kể cả đi vệ sinh cũng không, vậy mà sao lại xê dịch chỗ kỳ cục vậy?
Ai cũng thắc mắc, nhưng chẳng một ai tìm được câu trả lời thích đáng. Một cụ già ngồi sau băng ghế của Thái bảo khẽ:
– Ma quỷ gì đó cậu ơi!
Thái quay lại nhìn ông ta thì bắt gặp một nụ cười bí hiểm. Trông mặt ông ta quen quen. Thái tự hỏi, rồi cứ mãi thắc mắc, cho đến khi tàu dừng lại ở ga lúc nào anh không hay.
– Tới rồi anh ơi! Hành lý bị mất thì xuống ga sẽ có người hướng dẫn anh cách khiếu nại.
Thái vừa đứng dậy đã kêu lên:
– Kìa, bà cụ.
Anh nhìn thấy bà hành khách già biến mất lúc nãy, giờ đang xách hai tay hai cái giỏ, trong đó có cả giỏ của mình!
– Bà ta!
Thái phóng thật nhanh xuống tàu, đuổi theo bóng bà cụ mà anh vừa thoáng thấy. Anh nghĩ mình sẽ bắt kịp dễ dàng, bởi bà ta đi khá chậm, nhưng đã ra khỏi khu vực nhà ga rồi mà Thái vẫn không tài nào vượt lên trước được. Rồi nháy mắt đã không còn thấy bóng bà ta nữa!
Vừa mệt vừa bực bội, Thái gắt lên:
– Công cốc!
Trong túi xách hầu như chứa hết những gì cần cho chuyến du lịch này, từ quần áo, giấy tờ đến tiền bạc. Hiện giờ túi quần của Thái chỉ còn lại mấy đồng tiền lẻ…
– Người lịch sự thế kia mà đi nghênh ngang giữa đường, bộ chán sống rồi sao hả?
Câu hỏi của ai đó khiến cho Thái giật mình và phát hiện ra trong lúc bực dọc anh đã đi giữa đường và đúng là đang cản ngay trước đầu chiếc xe du lịch.
– Xin lỗi.
Thái bước vội vào lề, nhưng khi vừa đặt chân lên lề thì anh đã nghe tiếng còi xe ngay phía sau lưng. Nhìn lại anh không khỏi ngạc nhiên, vì đó là chiếc xe mà anh vừa cản đường. Người trên xe đưa tay ra vẫy, vừa lên tiếng:
– Anh về đâu tôi cho quá giang!
Một giọng nói của con gái rất trong trẻo! Thái hơi bối rối:
– Tôi… tôi…
Chiếc xe dừng hẳn lại và một cô gái ngồi ở tay lái ló đầu ra:
– Không còn tiền trong túi thì chỉ có nước ngủ hè ngủ chợ thôi, lên đi!
Cửa xe phía trước mở ra, Thái hơi ngập ngừng, nhưng rồi cũng bước lên. Lúc này anh mới đưa mắt nhìn và gần như bàng hoàng khi nhận ra người lái xe là một cô gái đẹp đến nỗi Thái không thể nào tin vào mắt mình. Anh lắp bắp:
– Cô… cô…
Cô gái chỉ tay ra sau xe:
– Anh nhìn xem, có phải cái túi kia là của anh không?
Thái nhìn lại và kêu lên:
– Phải rồi, túi của tôi!
– Và còn có cả túi của bà lão nữa chứ!
Câu nói khiến Thái càng ngơ ngác, bởi bên cạnh túi của anh, có cả chiếc túi màu nâu mà lúc nãy anh nhìn thấy trên xe lửa!
– Sao… sao nó lại ở đây?
Không trả lời, cô gái nhấn ga cho chiếc xe hơi vọt nhanh về phía trước. Lát sau Thái đã nhìn thấy phong cảnh ngoại ô. Anh ngạc nhiên hỏi:
– Cô đi đâu vậy?
Nàng lại cười:
– Chứ không phải anh muốn đi tìm một người bạn thôn Vĩnh Phong sao?
Thái sửng sốt:
– Sao cô biết?
– Không phải anh đã nói chuyện với bà lão ngồi bên cạnh về mục đích chuyến đi này sao?
– Thế… cô là…
– Anh nói chuvện không nhỏ và người khác nghe được, đâu có gì lạ!
Trước hành tung kỳ lạ của cô nàng, Thái hơi lúng túng:
– Vậy ra cô có mặt trên xe lửa lúc nãy?
Cô nàng lại cười thành tiếng:
– Anh nghĩ một người vừa ngồi xe lửa lại vừa lái xe hơi được sao?
– Vậy tại sao cô biết tôi nói chuyện với bà cụ?
Cô nàng lại chỉ về hai chiếc giỏ xách:
– Anh quên là tôi đang giữ hai vật anh đang tìm sao?
Thái ngẩn người ra một lúc mới hỏi tiếp:
– Ở đâu cô có hai vật này?
Cô nàng không đáp, mà chỉ tay về phía trước:
– Tới nơi anh cần tìm rồi kìa!
Thái vô cùng ngạc nhiên khi cô ta dừng xe đúng ngay căn nhà của Phong, bạn anh:
– Sao cô biết nơi này?
– Có lẽ anh vào hỏi bạn anh thì rõ hơn!
Cô ta mở cửa xe, chờ cho Thái bước xuống lấy giỏ xách, cô nhắc:
– Anh nên lấy luôn cả cái giỏ của bà cụ!
Trong lúc Thái còn chưa kịp quyết định thì cô nàng đã với tay cầm chiếc giỏ đưa tận tay anh:
– Anh giữ đi, có lúc bà ấy tới lấy lại.
Vừa dứt lời thì nàng ta nhấn ga, chiếc xe vọt tới rất nhanh. Qua hơi gió, nàng ta nói với lại:
– Tôi tên Quỳnh Như.
Chỉ một thoáng sau thì không còn thấy chiếc xe màu vàng của cô ta đâu! Thái ngẩn ngơ:
– Kỳ lạ vậy? Cô ta là…
Anh không kịp suy nghĩ thêm, Phong đã từ trong nhà chạy ra:
– Y như rằng, cậu tới đúng giờ thật.
Thái ngạc nhiên:
– Sao cậu biết mình tới giờ này?
– Chứ không phải cậu nhắn người tới báo trước sao?
– Ủa, mình có nhắn ai đâu?
Đến phiên Phong ngơ ngác:
– Vậy bà cụ nói là quen với cậu tới đây cách một giờ là ai?
– Bà cụ? Có phải…
Phong mô tả:
– Bà ta mặc chiếc áo bà ba màu lựu chín, choàng chiếc khăn sọc xanh, nói giọng miền Trung.
Thái kêu lên:
– Chính là bà ta!
– Cậu sao vậy Thái? Cậu có việc gì với bà cụ sao?
Thái thuật lại chuyện trên xe lửa, kể cả chuyện vừa rồi với cô gái lạ:
– Mình cảm giác như đang đóng phim kinh dị, toát mồ hôi lạnh đây! Cô gái tên Quỳnh Như này còn rành cả cậu, nhà cửa của cậu nữa! Chính cô ta chở mình tới đây mà không cần ai chỉ đường, phải chăng cô ta là… bạn gái của cậu?
Phong đưa hai tay lên trời:
– Có trời mới làm chứng, mình mà có ai yêu thì… trời sập mất.
Thái hiểu bạn mình, anh ta gàn gàn, lập dị, nên lâu nay có cô nào ưa nổi, đừng nói là yêu!
– Vậy sao cô ta rành về cậu quá vậy?
Phong suy nghĩ một lúc rồi lắc đầu:
– Chịu thôi. Thậm chí ở vùng này mình còn không quen ai nữa là…
Không còn cách nào hơn, Thái đành kéo cả hai giỏ xách vào nhà, bảo Phong:
– Cái giỏ kia là của bà cụ bỏ quên trên xe. Còn bà ta nữa, tại sao bà cũng biết nhà cậu, mặc dù mình chỉ nói là thôn Vĩnh Phong, nhưng đâu có nói cụ thể nhà và tên cậu, sao bà ta tìm đúng và chính xác vậy?
Phong vẫn không làm sao hiểu nổi:
– Mình chịu thôi. Mình đang định chờ cậu ra để hỏi đây!
Sau khi soạn vài thứ để mặc ngay từ giỏ xách của mình, Thái hơi lưỡng lự khi nhìn chiếc giỏ xách kia, anh hỏi Phong:
– Mình để đây chờ bà ta trở lại lấy, hay là coi thử chứa thứ gì trong đó?
Phong xua tay:
– Không nên đâu, cứ để đó.
Rồi anh ta cười bảo Thái:
– Mình ở đây từ lâu mà đâu có chuyện gì như cậu vừa gặp đâu! Có lẽ thấy cậu là trai thành phố, lại đẹp trai, hào hoa nên họ phá chơi đó thôi!
– Nhưng họ là ai mới được?
Câu hỏi làm cho Phong cũng phải im lặng. Họ nhìn nhau rồi một lúc Thái nhẹ lắc đầu bảo:
– Suy cho cùng, gặp chuyện kinh dị mà với một người đẹp thì cũng… đáng gặp lắm!
Anh chưa kịp thay đồ, đã rủ Phong:
– Cậu có xe gắn máy không, mình đi kiếm cái gì ăn, rồi ghé qua ngôi nhà cổ mà mình có ý mua, được không?
Phong gật đầu:
– Mình cũng có ý định từ lâu là sẽ ghé qua ngôi nhà đó để nhìn lại mấy pho tượng gỗ mà nghe nói người chủ trước còn để lại, rất đẹp!
– Chứ không phải để hưởng chút hơi của cô vợ anh chàng điêu khắc gia đào hoa đó hay sao!
Phong ngạc nhiên:
– Cậu cũng biết chuyện người đẹp đó sao?
– Thì chính cậu đã kể cho mình nghe lần trước đó!
Phong tắc lưỡi:
– Chỉ tiếc là lần này cậu sẽ không còn dịp để ngắm dung nhan nàng ta nữa!
– Cô nàng chuyển chỗ ở khác?
Phong đáp làm cho Thái lạnh cả người:
– Chết rồi!
Phải mất vài giây Thái mới hỏi được:
– Cô ấy nghe nói còn trẻ lắm mà, sao lại chết?
– Mình đã được gặp mấy lần, quả là trẻ và đẹp đến mê hồn! Ở xứ này có lẽ đó là người con gái đẹp nhất!
– Hồng nhan bạc mệnh!
Phong gật gù:
– Đúng là hồng nhan bạc phận! Nghe nói cô ấy chết khi mới 23 tuổi, lấy chồng được có hai năm. Thật tội nghiệp! Và có lẽ vì thế nên ông chồng mới bán ngôi nhà cổ mà ông ta đã cất công đem từ Huế vào.
– Cậu biết tên cô nàng không?
Phong lắc đầu:
– Không.
– Lý do chết, cậu biết không?
– Chỉ nghe nói mơ hồ là ngủ rồi chết luôn mà chẳng biết nguyên do nào!
– Bao lâu rồi?
Phong tính nhẩm rồi đáp:
– Chưa lâu. Có lẽ chỉ mới hơn một năm nay thôi. Ông chồng điên loạn vì cái chết đó, nên từ ấy đến nay cứ ở miết trong nhà, không tiếp ai cả! Chẳng hiểu lần này cậu tới ông ta có chịu tiếp không đây?
Chiếc xe gắn máy cà tàng của Phong đang chạy ngon trớn lại giở chứng, tắt máy giữa đường. Hai người phải hì hục sửa, phải mất nửa giờ mới tới nơi. Nhìn cảnh yên ắng của ngôi nhà thiếu hẳn sinh khí, Thái phải buột miệng:
– Ngôi nhà đẹp như thế này mà vắng bóng một người đẹp như thế quả là đáng tiếc?
Anh bước tới rung chuông, mấy phút sau mới có một người đứng tuổi bước ra dè dặt hỏi:
– Hai anh tìm gì?
Thái chủ động:
– Tôi tìm ông chủ nhà. Nhà điêu khắc Lê Long, chẳng hay đã…
Người đàn ông hơi lưỡng lự:
– Ông chủ tôi… không…
Có lẽ ông ta muốn nói là không có ở nhà, nhưng lúc đó có tiếng người vọng ra từ trong:
– Mời các ông ấy vào. Họ là khách đến mua nhà đó mà!
Thái giật mình, nhìn vào trong thì bắt gặp một người đàn ông tuổi trên dưới năm mươi, cao gầy, có gương mặt khắc khổ. Người quản gia nói khẽ:
– Ông chủ đó. Mấy ông là ngoại lệ, chứ từ hơn một năm nay ông ấy không tiếp ai ở nhà cả.
Thái và Phong được chủ nhà tiếp tuy không niềm nở lắm, nhưng cũng khá lịch sự, Phong phải lên tiếng nói rõ:
– Tôi là Phong, còn bạn tôi là Thái. Tôi là người ở tỉnh này, đã từng biết ông đôi lần ở các cuộc triển lãm. Cách đây khoảng sáu tháng, tôi có nghe người bạn nói rằng ông có ý muốn bán ngôi nhà này, nên hôm nay dẫn người bạn tới xem.
Giọng chủ nhà buồn hiu:
– Tôi là Lê Long, như anh biết rồi đó. Đúng là tôi có ý bán ngôi nhà này, mặc dù khi xây dựng nó thì tôi tính sẽ mãi mãi cùng với nó…
Phong muốn nói, nhưng biết nói ra sẽ khiến chủ nhà không vui, nên anh kịp ngừng lại. Nhưng hình như đọc được ý nghĩ của anh, chủ nhà lên tiếng:
– Từ khi nhà tôi mất thì tôi không còn thiết gì nữa! Bởi còn sống trong ngôi nhà này ngày nào thì tôi sẽ nhớ… nàng đến… đi theo cô ấy thôi.
Thái đề nghị:
– Xin phép ông, tôi đốt cho bà nén nhang được không ạ?
Ông ta gật đầu:
– Anh cứ tự nhiên. Cám ơn anh.
Thái bước tới chỗ bàn thờ, nhìn vào bức chân dung trên đó, anh thảng thốt kêu lên:
– Cô ấy!
Chủ nhà ngạc nhiên:
– Anh vừa kêu gì?
Thái ấp úng:
– Dạ… dạ…
Thái ngập ngừng cũng phải, bởi người trong di ảnh với cô gái lái xe mà anh gặp sáng nay giống nhau như hai giọt nước!
– Đây là… bà nhà? Xin lỗi, bà nhà tên là… là…
– Quỳnh Như!
– Trời ơi!
Tiếng kêu thảng thốt của Thái khiến cho nhà điêu khắc Lê Long kinh ngạc:
– Cậu sao vậy?
– Quỳnh Như! Tôi mới gặp bà ấy sáng nay!
Ông chủ nhà bật đứng dậy, sự kích động khiến cho ông ta run rẩy:
– Cậu… cậu nói… cậu nói…
– Tôi mới gặp cô ấy sáng nay. Cô ấy lái chiếc xe màu vàng, mặc chiếc áo màu hồng nhạt và…
Lê Long chặn ngay lại:
– Đúng là cô ấy, nhưng cậu mới gặp sáng nay là nói dối! Cậu nói dối!
Không ngờ ông ta lại kích động dữ dội như vậy, nên Phong phải nói chen vào:
– Bạn tôi đi xe lửa từ Sài Gòn ra, khi xuống xe thì gặp một phụ nữ lái chiếc xe như mô tả, người đó… không biết có phải là bà nhà không, nhưng bạn tôi thấy giống với người trong ảnh này lắm…
Thái nói:
– Cô ấy còn xưng tên là Quỳnh Như nữa!
Lê Long vùng thét lên vừa xua tay:
– Các anh đi ngay khỏi nhà tôi! Đi ngay!
Cơn kích động làm cho ông ta co quắp người lại, run lên từng hồi… Thái nháy mắt cho Phong rồi nhẹ nhàng rút lui…
- o O o -
Suốt mấy ngày ở lại nhà Phong, thú tiêu khiển duy nhất của Thái là uống rượu và đi lang thang quanh phố. Phong bận một số việc riêng nên không thường đi với bạn đây đó như đã hứa. Thái tính trở về Sài Gòn, nhưng do cái giỏ xách của bà cụ, nên anh nấn ná lại để mong được gặp khi bà trở lại lấy món đồ bỏ quên đó. Nhưng đã ba ngày rồi mà chẳng hề thấy bóng dáng bà ta đâu. Sáng sớm nay, Thái bảo Phong:
– Trưa nay có lẽ mình về đây.
Phong bàn:
– Sao cậu không chờ vài hôm nữa để mình tiếp xúc lại với tay điêu khắc đó thử xem. Lần này mình có cách…
Thái chán nản:
– Mình mất hứng thú với tay đó. Vả lại, chuyện cô nàng đã làm cho mình choáng váng. Mình không thể nào tỉnh táo lại mỗi khi nhớ tới cuộc gặp gỡ với nàng ta. Rồi mình lại nghĩ tới lão chồng gàn dở ấy nữa…
Phong động viên:
– Mình có người chú, ông ấy chơi thân với tay điêu khắc gia ấy, để mình nhờ chú ấy nói chuyện…
Thái không hào hứng lắm, nhưng cũng nghe theo bạn. Anh rủ Phong:
– Bữa nay cậu rảnh không, tụi mình đi biển tắm chơi.
Phong nhìn đồng hồ tay:
– Trưa nay mình có việc làm cho bà già, hay cậu lấy xe mình đi chơi, chiều về tụi mình nhậu một bữa!
Thái từ chối lấy xe:
– Mình không quen chạy xe ở vùng này, để mình đi bộ, rồi gọi xe lam. Chiều gặp lại.
Lững thững một mình, Thái đi quanh chợ một lúc, vừa ngoắt chiếc xe lam thì chợt anh giật mình khi thấy chiếc xe hơi màu vàng bữa trước trờ tới!
– Cô nàng!
Thái căng mắt nhìn, nhưng khi xe tới ngang chỗ anh dừng lại thì Thái chợt kêu lên:
– Là ông!
Người lái xe không phải người đẹp bữa trước, mà lại là nhà điêu khắc Lê Long! Ông ta mở cửa xe ra, bảo:
– Cậu lên xe, tôi có việc muốn nói!
Phong vừa tò mò, vừa sốt ruột, nên leo lên ngay không cần khách sáo. Quay đầu xe lại, Lê Long nói ngắn gọn:
– Cậu về nhà tôi, ta nói chuyện về ngôi nhà mà cậu muốn mua.
Thái muốn hỏi thêm, nhưng thấy ông ta lạnh lùng, im lặng, nên anh cũng nín thinh luôn. Cho mãi đến khi xe về tới nơi. Lần này không có người quản gia, mà tự lão Lê Long phải mở cổng, cho xe vào tận sân, rồi mời Thái:
– Cậu vào đây, nhà bữa nay chỉ còn mỗi mình tôi.
Thái hơi ngạc nhiên khi thấy trên bàn ăn đã dọn sẵn một mâm thức ăn với hai chiếc ly và chai rượu vang đỏ.
Anh chưa kịp hỏi thì lão Long đã giải thích:
– Tôi ở nhà một mình nên đã làm sẵn để mời cậu. Tôi muốn xin lỗi về hành vi bữa trước. Cậu đừng từ chối…
Thái áy náy:
– Thật ra tôi mới là người có lỗi. Tôi chạm vào nỗi đau của ông…
Lê Long xua tay:
– Bỏ chuyện ấy đi, bây giờ ta uống với nhau, rồi bàn đến chuyện mua bán ngôi nhà. Nào, mời cậu!
Thái độ lão ta cởi mở, khác hoàn toàn với bữa trước. Thái nghe nhẹ nhõm, anh nâng ly:
– Xin uống với ông một ly!
Chỉ trong vòng mười lăm phút mà hai người đã uống cạn chai rượu vang, Lê Long hứng chí, đứng lên vừa nói:
– Phải uống rượu mạnh mới được! Bữa nay gặp cậu, chuyện mua bán ra sao chưa biết, nhưng đã tri kỷ thì ta, phải uống cho say mới thôi!
Ông ta bước vào trong, lát sau trở ra với chai Martell trên tay:
– Cậu dùng thứ này được chứ?
Thái gật:
– Được. Mà nếu không biết uống thì hôm nay cũng phải uống cùng ông mới phải đạo! Nào!
Họ uống như đôi tri kỷ lâu ngày gặp lại nhau. Trong suốt bữa nhậu đã đôi lần Thái muốn đề cập lại chuyện bà vợ ông ta, nhưng lần nào cũng vậy, khi vừa định mở miệng thì Thái cứ lắp bắp, không nói được.
– Cậu bảo rằng cậu đã gặp vợ tôi phải không?
Câu hỏi bất ngờ như thấu tâm can người khác của lão ta, khiến Thái giật mình:
– Tôi… tôi nói…
– Sở dĩ hôm đó tôi bị kích động mạnh khi nghe cậu nói là bởi có mặt cậu gì đó bạn của cậu…
– Đó là Phong, người bạn thân.
– Dẫu là bạn thân của cậu, nhưng tôi cũng không muốn cậu ta chen vào chuyện riêng tư của rôi. Từ khi Quỳnh Như mất thì tôi có phát nguyện, hễ ai nhìn thấy cô ấy thì phải chết! Lời nguyền đó đáng lý đã phát huy tác dụng ngay hôm ấy, nếu không có cậu…
Thái tròn mắt kinh ngạc:
– Ông… ông nói thật?
Lão ta bỗng cười một tràng dài, tiếng cười chẳng giống một con người bình thường! Thái nghe mà phát lạnh sống lưng, anh suýt để rơi ly rượu đang cầm trên tay!
Cũng may, vừa khi ấy có tiếng ai gọi ơi ới ngoài cửa. Lão Lê Long im lặng và ra dấu cho Thái cũng không được lên tiếng. Ai đó sau khi gọi liền mấy tiếng thì bỏ đi. Thái thắc mắc:
– Họ gọi người quản gia của ông mà, sao ông ta không lên tiếng?
– Anh ta chỉ lên tiếng khi nào tôi cho phép! Trong nhà này là vậy, không ai được tự tiện nói năng những gì mà tôi không muốn!
– Kìa ông…
Lão ta đưa ly rượu lên lần nữa, mời mà như ra lệnh:
– Nào, uống hết!
Cứ thế, mỗi lần lão ta hô “nào, uống hết” thì y như là Thái phải nâng ly lên nốc cạn, không cách nào từ chối được! Qua nửa giờ, cả chai rượu mạnh đã cạn. Thái đã mềm môi, nên khi ly rượu cuối cùng vừa nốc xong thì cũng là lúc anh gục xuống bàn. Trong mơ hồ, Thái cảm giác như có bàn tay thật mát mịn sờ lên khắp người…
- o O o -
Thái giật mình khi nhìn thấy người ấy xuất hiện trước mặt, anh thảng thốt kêu lên:
– Cô… có phải là cô không?
Nàng ta vẫn giữ nụ cười quyến rũ, vô cùng mê đắm:
– Người ta sờ sờ trước mắt mà còn phải hỏi! Nếu không phải là em thì là ai? Có muốn em xưng lại tên họ không, Quỳnh Như, nhớ chưa nào…
Thái vẫn còn lúng túng:
– Nhưng… nhưng mà…
– Đã tới nhà người ta uống rượu đến say khướt thế này mà còn chưa biết lỗi sao! Đàn ông các người đều giống như nhau cả, cứ gặp nhau là chè chén, say xỉn, chẳng còn biết gì khác!
– Nhưng chính ông nhà đã mời tôi…
– Ông nhà? Nghe đến người đó là em lợm giọng! Anh ta chỉ biết sống cho mình thôi, đồ ích kỷ!
Thái hơi bất ngờ trước thái độ của cô nàng, anh dè dặt hỏi lại:
– Cô vừa nói đến ông Lê Long?
Bất thần nàng thét lên:
– Đừng nhắc tên người ấy trước mặt tôi! Anh mà còn nhắc thì… thì đừng trách em!
Bình thường nàng nói năng dịu dàng, quyến rũ, nhưng lúc này tự dưng chất giọng biến đổi khác thường, chanh chua, hung ác chẳng khác nào ác quỷ!
– Cô… cô…
Thái không kịp hỏi thêm đã bị cô nàng chụp lấy tay kéo mạnh. Bàn tay ấy lạnh buốt, nhưng có cái gì đó chạy sang cơ thể, khiến anh như bị cuốn theo, không tự chủ được. Nàng kéo Thái vào phòng riêng, lạnh lùng bảo:
– Anh phải giúp em trả thù những gì lão ta đã gây ra cho đời em! Anh phải yêu em!
Thái hốt hoảng:
– Không! Không được…
Thái định vùng ra, nhưng bàn tay nàng đã siết chặt hơn anh tưởng, nên chẳng làm sao thoát được, chỉ còn biết lắp bắp nói:
– Ông ấy… ông ấy giết tôi chết!
Nàng phá lên cười:
– Đến anh mà cũng sợ tên ác tặc đó sao! Lão ta chỉ nói cái miệng thôi, chứ có làm gì được mà sợ. Nào, ta hãy tận hưởng!
Nàng kéo mạnh tay, Thái bị bổ nhào vào trong phòng tối đen như mực! Chẳng thấy gì ngoài tai nghe tiếng sột soạt của y phục cởi ra! Nỗi sợ hãi khiến Thái phải năn nỉ:
– Xin cô tha cho, nếu lão mà biết thì tôi chết ngay tại đây! Vừa rồi lão ta còn hăm dọa…
Giọng nàng đanh lại:
– Anh đã biết tôi đang là một hồn ma chứ gì? Vậy giữa tôi và anh ta, anh sợ ai, nói đi?
– Tôi… tôi…
Đang nói, Thái bị một bàn tay mát lạnh chụp ngang miệng, kèm theo hơi thở như băng giá phả vào mặt, cùng giọng nói xoáy vào tai:
– Lão ta nói đúng, đáng lý ra anh và bạn anh đã phải chết ngay khi bước vào ngôi nhà này cách đây mấy hôm. Lần đó sở dĩ lão để cho anh sống là bởi lão ta sợ em, chứ nếu không thì đố ai khi đã nhìn thấy em mà lão ta để yên! Lão ta ghen đến bệnh hoạn, ghen đến điên cuồng, ghen đến nhẫn tâm giết vợ mình, rồi ướp xác để trong nhà, ghen đến…
Lời nói còn tiếp tục, nếu lúc ấy Thái không vô tình chụp tay vào mặt cô ta. Thái kêu thét lên:
– Trời ơi, cô!
Bàn tay của Thái vừa mới chạm vào bộ mặt toàn xương, chứ không phải mặt hoa da phấn!
– Tôi… tôi van cô! Xin cô…
Nàng cười như pha lê vỡ:
– Chưa thấy anh chàng nào bạc nhược như anh! Ai đời được người đẹp ôm trong tay, nằm trong phòng vắng mà không dám làm gì cả. Anh có còn là đàn ông hay không?
– Tôi… tôi…
– Đã nói rồi, không phải sợ gì lão ta cả, khi anh ở gần em! Mà nói thật, lúc này anh có sợ, có muốn thoát ra khỏi đây để không phải thực hiện việc cùng em trả thù lão ta thì cũng không xong. Một khi Quỳnh Như này đã muốn thì không ai từ chối được.
Thái lại bị kéo ghì xuống chặt hơn, anh có cảm giác như toàn thân mình đang bị đóng dính vào thân thể nàng. Càng lúc hơi lạnh từ đó chuyền sang. Thái bắt rùng mình rồi lịm đi…
- o O o -
Bị rơi từ trên giường xuống khá đau, nên Thái choàng tỉnh. Anh ngơ ngác nhìn quanh và vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện mình đang nằm trên sàn nhà của một căn phòng khá rộng, mà khắp nơi chỗ nào cũng đầy những tượng bằng đủ chất liệu, từ đồng, đá và thạch cao.
– Phòng làm việc của nhà điêu khắc!
Lúc này Thái mới nhớ lại chuyện đã qua, anh đưa tay sờ khắp người và còn nguyên cảm giác của một cuộc vận động thân thể với cường độ mạnh!
– Cô nàng!
Thái chồm dậy nhìn quanh lần nữa, không hề có… giường nệm nào ở đây, tuy nhiên mùi hương quyến rũ của phụ nữ như còn phảng phất chung quanh. Anh thử lên tiếng:
– Cô ơi! Quỳnh Như ơi!
Không có lời hồi đáp. Qua hương thơm còn rất đậm, Thái đoán có lẽ nàng ta mới rời nơi đây không lâu, nên anh bước chậm quanh những pho tượng và định sau khi ngắm một lượt, sẽ trở lại những phòng khác của ngôi nhà. Việc tự dưng mình ở trong phòng này không khiến Thái quan tâm nhiều bằng những pho tượng mà anh đang thấy, hầu như tượng nào cũng giống nhau ở khuôn mặt, vì hình như nó được tạc theo mẫu của cùng một người!
– Quỳnh Như!
Đến một pho tượng bằng thạch cao, lớn bằng kích cỡ người thật mà vừa nhìn là Thái đã kêu lên, bởi nó y như một Quỳnh Như bằng xương bằng thịt đang ngồi đó!
– Ai đây!
Thái vừa kêu vừa bước lùi mấy bước, bởi ngay trước mắt anh, chỗ dưới chân pho tượng có một bộ xương người trong tư thế phủ phục!
Còn chưa hết bàng hoàng thì chợt Thái nghe có tiếng người sau lưng:
– Cậu là người đã tới đây hôm trước phải không?
Người hỏi Thái là anh quản gia mà Thái đã từng gặp. Anh ta rất đỗi ngạc nhiên khi nhìn Thái trong y phục xốc xếch của một người mới ngủ dậy.
– Cậu… cậu qua đêm ở đây?
Thái lúng túng:
– Tôi… tôi uống rượu với ông chủ, rồi say…
Anh quản gia tròn mắt kinh ngạc:
– Uống với ông chủ nhà này?
– Từ đêm qua…
– Chết rồi!
Nghe anh ta kêu lên thảng thốt, Thái ngạc nhiên:
– Anh sao vậy?
– Câu đó phải để tôi hỏi cậu mới phải! Cậu có sao không chứ?
Thái không muốn thuật lại chuyện mình với Quỳnh Như, anh chỉ nói:
– Tôi mới bàn với ông chủ chuyện mua ngôi nhà này, rồi ông ấy làm tiệc mời tôi nhậu. Lúc ấy không thấy anh…
Anh quản gia nói một câu làm cho Thái lạnh cả người:
– Anh đã nhậu với hồn ma mà không biết!
Thái ngơ ngác:
– Anh nói gì?
Chỉ tay vào bộ hài cốt dưới chân pho tượng, anh ta nói:
– Người mà cậu nói đang quỳ ở đó!
Thái tưởng mình nghe lầm:
– Anh nói gì? Ông ta…
Anh quản gia giọng bình tĩnh:
– Bữa trước thấy cậu nói chuyện với ông ấy tôi định cho cậu biết mà không kịp. Lúc cậu bị ông ấy đuổi thì tôi mừng, bởi nếu không thì cậu và cậu bạn đã không còn mạng! Ông ấy đã chết từ lâu rồi. Người gặp cậu bữa đó chẳng qua chỉ là…
– Hồn ma phải không?
Nhìn pho tượng, Thái hỏi:
– Tại sao ông ta chết bên pho tượng thế này mà chẳng ai chôn cất?
Anh quản gia thở dài:
– Thật ra tôi là người đã mai táng cho ông ấy đàng hoàng, nhưng ông ấy không chịu. Hễ đem hài cốt chôn thì thế nào ông ấy cũng phản ứng, nổi điên hành tôi đến chết lên chết xuống, nên cuối cùng tôi phải đem xương cốt đặt lại đúng chỗ lúc ông ấy chết mới yên!
Ngừng lại một lúc, anh ta kể tiếp:
– Cách đây bốn năm, cô Quỳnh Như là vợ của ông ấy đột ngột ngã bệnh và qua đời thì ông ta như điên như khùng, cứ gào khóc rồi uống rượu, cho đến khi say khước và gục bất cứ đâu. Ông ấy điên vì mất vợ! Nhưng cũng chính vì ông ấy mà cô Quỳnh Như mới chết!
Câu chuyện rối rắm, Thái đang định hỏi thêm thì bất ngờ anh quản gia khựng lại, hai mắt trợn ngược và… máu tươi trào ra hai bên mép anh ta.
– Kìa, anh sao vậy?
Thái chỉ kịp đỡ cho anh ta khỏi bị ngã. Người anh ta mềm nhũn, bất động…
Hiểu ra, Thái lẩm bẩm:
– Là hồn ma!
Tuy đoán việc anh quản gia bị như thế là do động tới hồn ma nhà điêu khắc, nhưng Thái vẫn không nao núng, anh vẫn lên tiếng như nói với người còn sống:
– Người ta chỉ kể lại sự thật, sao lại hại anh ấy!
Đáp lời Thái là những cơn gió rít bên ngoài vườn.
Thái lại càng nói to hơn:
– Tôi muốn cô Quỳnh Như lên tiếng đi, có phải cô để cho ma quỷ trong nhà này lộng hành, giết bất cứ ai nói đến chuyện giữa hai người sao? Nếu cần thì cứ hại tôi đi, chứ đừng giết con người tội nghiệp này!
Thái vừa nói xong thì cảm giác như đang tuyên chiến với hiểm nguy, anh thu hết nghị lực, đứng trân người và chờ đợi… Vài phút trôi qua mà vẫn chưa thấy có hiện tượng gì khác lạ… Cuối cùng, anh thở hắt ra và nói rất rõ ràng, câu nói như dành cho Quỳnh Như:
– Tôi tôn trọng cô và không hề có ý gì khác, vậy cô Quỳnh Như hãy tỏ rõ mình không là một hồn ma xấu đi, bằng cách là báo cho tôi biết tôi phải làm gì lúc này. Nếu cô muốn đuổi tôi đi thì cứ làm cho tôi ngã văng ra cửa, nếu không tôi sẽ ở lại đây và hôm nay sẽ làm mâm cơm cúng cô!
Thái chờ đợi bị văng ra khỏi cửa. Nhưng đến hơn một phút sau mà anh vẫn còn đứng vững chỗ đó. Anh nhẹ giọng bảo:
– Cám ơn cô Quỳnh Như. Tôi sẽ làm như đã hứa!
Thái sờ ngực anh quản gia, thấy vẫn còn thở, nên vội kéo anh ta ra ngoài. Trong nhà lúc ấy không có ai khác, Thái phải chạy đi ra phố gần đó tìm mua lọ dầu. Khi anh trở về thì cũng may là anh chàng quản gia cũng vừa tỉnh lại. Anh ta chỉ tay ra ngoài chỗ bờ rào và nói:
– Cậu nên gặp người đó…
Thái ngạc nhiên:
– Gặp ai?
– Bà ta vừa quay đi, người mặc áo nâu đó!
Thái nhìn ra và kêu lên:
– Hình như là bà cụ bữa trước trên xe lửa!
– Cậu không cần phải đuổi theo làm gì, tôi biết nhà bà ấy. Ngày nào bà cũng tới đây, đứng ngoài nhìn mà.
– Bà ta cũng là ma?
– Không. Bà ấy chính là… mẹ của cô Quỳnh Như!
Thái hoài nghi:
– Bữa trước trên chuyến xe lửa bà ta đã biến mất như ma, tôi nghĩ…
– Không, bà ấy vẫn còn sống. Là người mẹ đau khổ, kể từ khi cô Quỳnh Như chết thì bà suốt ngày cứ tới đây, nhưng lão Lê Long không cho vào nhà, khiến bà ấy phải lang thang ngoài cửa, khi thì khóc, khi thì chạy đi làm bất cứ điều gì con gái nhờ làm!
Muốn đi tìm người đàn bà đó, nhưng nhớ lại lời hứa với vong của Quỳnh Như vừa rồi, Thái bảo:
– Rồi anh phải chỉ cho tôi nhà của bà cụ. Còn bây giờ tôi phải đi lo bữa cơm cúng cái đã!
Anh quản gia nói nhanh:
– Chuyện làm cơm cậu cứ để tôi. Còn cậu, nên tìm ngay bà cụ đi, lúc nãy tôi thấy bà ấy chạy nhanh vì sợ cậu nhìn thấy đó!
Anh ta ghi địa chỉ cho Thái rồi gượng đứng dậy, mặc dù còn rất yếu…
Thái bước nhanh ra cửa, hướng theo lối đi của bà cụ lúc nãy.
Nhà cũng không xa, chỉ mất hơn mười phút là đã tới. Cẩn thận hơn, Thái nhẹ đẩy cửa vào tránh gây ra tiếng động, cứ sợ bà cụ lại chạy mất. Nhưng thật bất ngờ, lúc anh còn đang bước nhẹ thì chợt có tiếng nói phía sau:
– Vào nhà thì cứ đường đường chính chính mà đi, việc gì phải rình mò như vậy anh chàng si tình!
Vừa quay lại thì Thái đã phải ngớ người ra, bởi người đang đứng đó chính là bà mẹ của Quỳnh Như! Bà ta không nhút nhát bỏ chạy, mà trái lại còn nói huyên thuyên:
– Cậu tới đây sao không đem cái giỏ trả lại cho tôi?
– Cái giỏ đó đang ở nhà bạn cháu. Hôm đó bà làm cháu đứng ngồi không yên. Mà sao bà biết nhà bạn cháu mà mang tới?
– Ở Vĩnh Phong ai mà không biết nhà bạn cậu. Cậu quên là nhà tôi và con gái tôi cũng ở Vĩnh Phong này hay sao? Hôm đó cậu đã tiết lộ tung tích mình, bảo sao tôi không tò mò…
Bà bỏ đi vào nhà, lát sau lấy ra cái giỏ đưa cho Thái:
– Thật ra đây chính là giỏ của cậu!
Thái nhìn thấy chiếc giỏ, anh ngạc nhiên:
– Giỏ đồ này là của bác, cháu đang giữ ở nhà bạn cháu mà?
Bà cụ cười:
– Nhưng bây giờ nó đang ở đây, thì cậu cứ biết nó là của cậu đi!
Thấy Thái ngây người ra, bà cụ bảo:
– Thôi, không làm cậu thắc mắc nữa, giỏ này là của tôi, nhưng tôi cố ý để quên lại trên tàu là để gửi cho cậu. Bộ mấy hôm nay cậu không mở nó ra xem à?
Vừa nói, bà tự tay mở giỏ ra. Thái giật mình:
– Pho tượng đồng này là chân dung của Quỳnh Như, sao bác để trong giỏ làm gì?
– Cậu chưa mở ra xem nên chưa biết những gì kèm theo đây. Cứ lấy ra và đọc đi!
Thái nhận một xấp giấy tờ từ tay bà cụ, anh lật từng trang xem và kêu lên:
– Sao thế này!
Trong tất cả giấy tờ về chủ quyền ngôi nhà cổ của vợ chồng Quỳnh Như thì đều ghi chuyển quyền sở hữu cho… Thái! Tên anh rành rành ra đó, bên dưới giấy tờ đã có công chứng hẳn hoi!
– Bác, sao lại…
Bà cụ hiền từ:
– Tôi lên xe là làm theo ý của con gái tôi. Nó chết rồi, nhưng vong linh nó biết rằng nó sẽ thuộc về ai và những gì của nó sẽ phải chuyển cho người còn sống!
Thái xua tay:
– Không được đâu bác! Cái này là sở hữu của vợ chồng cô ấy! Cô ấy có chồng…
Giọng bà cụ chùng xuống:
– Chồng con gì thằng ấy! Ngày trước do thất bại trong làm ăn nên vợ chồng tôi thiếu nợ một số tiền lớn, mà chủ nợ chính là thằng điêu khắc gia đó. Nó bắt ép chúng tôi phải gả con gái mình cho nó khi con Quỳnh Như mới có mười sáu tuổi! Tội nghiệp con nhỏ, không hề yêu, mà thật ra cũng chưa biết yêu là gì… vậy mà phải về làm vợ!
Bà phải ngừng lại để khóc, rồi mới kể tiếp:
– Nó làm vợ mà như ở tù. Bởi thằng nọ nó ghen tuông, ích kỷ đến lạ lùng! Hầu như nó nhốt con nhỏ trong nhà, không cho bước ra ngoài nửa bước! Nó ghen với bất cứ ai tới nhà, ghen cả với bà con anh em của Quỳnh Như. Trong số này có cả cậu…
Thái ngơ ngác:
– Sao lại có cháu? Từ nào đến giờ cháu chưa hề quen biết cô Quỳnh Như. Cháu chỉ mới tới nhà cô ấy lần đầu hôm vừa rồi!
Bà cụ thở dài:
– Cũng tại tôi. Cách đây hơn năm năm, lúc đó con Quỳnh Như chưa có chồng, trong một lần nói chuyện với mẹ cậu Phong, bạn cậu, bà ấy có nhắc tới cậu, bảo rằng cậu vừa tốt nghiệp ngành kiến trúc, đang còn độc thân…Lúc ấy tôi đang muốn tìm người gả con Quỳnh Như để tránh cho nó cảnh phải về làm vợ một người lớn hơn nó mấy chục tuổi, nên tôi có nhờ mẹ Phong giới thiệu cậu…Bà ấy chưa tiện giới thiệu, mà chỉ lấy bức ảnh của cậu tặng cho Phong, đưa cho tôi xem. Tôi lấy ảnh đó đem về cho Quỳnh Như xem, nào ngờ khi vừa trông thấy ảnh thì nó đã reo lên rằng cậu mới là nhân duyên của nó! Lúc đầu tôi cũng không tin, nhưng liên tiếp nhiều ngày liền, lúc nào Quỳnh Như cũng tơ tưởng đến cậu, cứ một hai đòi đi gặp cậu. Tôi chưa kịp giúp nó thì nhà của Lê Long đã thúc hối và đưa sính lễ qua đòi cưới ngay! Món nợ chúng tôi sẽ được xóa nếu tôi đồng ý cho con gái mình lên xe hoa với hắn! Thế là…
Bà kể đến đó thì gục đầu khóc nức nở…
Thái ngập ngừng một lúc rồi mới dám hỏi:
– Sao bác biết cháu ngồi tàu ra Phan Rang mà lên đó đón chứ?
– Không phải tôi biết, mà chính con Quỳnh Như. Từ lúc chết đi nó hiển linh, cứ hiện về với tôi, nhờ tôi làm hết chuyện này đến chuyện nọ. Hôm đó chính nó nhắc tôi đi vào Sài Gòn, mua vé tàu về Phan Rang, chỉ tôi biết cậu sẽ ngồi đâu, để tôi lên ngồi kế bên. Mục đích là gửi cho cậu mọi thứ trong cái giỏ này, bởi nó biết trước là cậu sẽ ra Phan Rang để mua ngôi nhà của nó. Và nó cũng biết thế nào thằng điêu khắc gia Lê Long cũng ngăn cản, nên nó đã làm trước mọi thủ tục giấy tờ, nhất quyết giao cho cậu tài sản còn lại đó.
– Sao cô ấy không giao cho bác hay người nhà của lão Lê Long?
– Tôi đã nói rồi, nó yêu cậu, nó quả quyết là cậu với nó có nhân duyên tiền định, nên giá nào nó cũng chỉ giao cho cậu thôi!
Thái còn đang ngẩn ngơ, chưa quyết sẽ nhận hay không nhận số giấy tờ thì bà cụ đã giục:
– Cậu về nhà đó ngay đi, không chỉ để cúng cơm cho nó, mà để giúp nó chôn cất bộ hài cốt dưới chân tượng đi.
– Nhưng… anh quản gia nói rằng…
– Trước đây thì khác, bây giờ khác rồi. Cậu về đó rồi sẽ biết!
Thái đành phải xách giỏ đồ đi trở lại ngôi nhà cổ. Vừa tới nơi, anh vô cùng ngạc nhiên khi thấy anh chàng quản gia đang khệ nệ khiêng bộ xương người ra ngoài.
Anh ta bảo:
– Vừa rồi đã xảy ra một cuộc đấu khẩu dữ dội giữa họ với nhau. Cuối cùng ông chủ Lê Long phải chịu thua. Nhưng khi bó tay, ông ấy đã tính đốt ngôi nhà này chứ không giao nó cho người khác! Tuy nhiên, chính hồn ma cô Quỳnh Như đã kịp ra tay trước, cô ấy khống chế được kẻ đã kiềm chế mình bấy lâu nay, khiến cho ông Lê Long phải chịu bỏ đi. Bây giờ hài cốt của ông ta chỉ còn nắm xương tàn, chứ không phải hồn ma trấn giữ ngôi nhà này nữa. Cậu có thể vào nhà một cách tự nhiên, hình như cô Quỳnh Như đang đợi cậu…
Thái rụt rè bước vào nhà, anh ngạc nhiên với mâm cơm đã đọn sẵn ở giữa nhà:
– Anh làm tất cả những món này?
Anh quản gia lắc đầu:
– Không phải. Chính cô Quỳnh Như đã làm chờ cậu! Cô ấy đang ở trong phòng đặt pho tượng mà lúc nãy cậu đã ở đó.
Thái bước vào và rất đỗi ngạc nhiên khi nhìn thấy thay cho pho tượng thạch cao lúc nãy, bây giờ là… một người bằng xương bằng thịt đang ngồi. Người đó là Quỳnh Như!
– Cô… cô còn sống?
Nàng cười thật mê đắm, cất giọng nhẹ như hơi gió:
– Em vẫn là hồn ma. Nhưng từ bây giờ em chỉ là hồn ma của anh thôi! Cứ nhìn và khi nào cần thì em hiện về như thế này, chứ đừng chạm vào người em!
Thái nhìn chăm chăm vào nàng. Nhưng trong phút chốc, bóng hình đó đã như làn sương khói, biến mất, chỉ còn lại cái bệ đặt tượng và… mùi hương cơ thể đến ngất ngây…
Kết Thúc (END) |
|
|