Bốn oan hồn trong ngôi nhà hoang là một trong những quyển truyện nổi tiếng của tác giả Người Khăn Trắng. Truyện Bốn oan hồn trong ngôi nhà hoang thuộc thể loại truyện ma, kinh dị, tâm linh kỳ bí với những tình huống hồi hộp, rùng rợn và vô cùng lôi cuốn hấp dẫn mang đậm phong cách viết truyện của tác giả Người Khăn Trắng.
Thiện hết sức ngạc nhiên khi nhìn thấy bốn chiếc áo dài với bốn màu khác nhau được phơi dài theo dây giăng trước sân. Không phải một lần, mà có đến ba bốn buổi sáng rồi, lần nào đi ngang qua đây Thiện cũng nhìn thấy đúng bốn chiếc áo đó. Người ta phơi cho khô hay cố tình trưng bày nó trước mắt thiên hạ?
Gợi tính tò mò, sáng hôm nay Thiện dừng lại khá lâu trước bờ rào, nhìn vào bên trong. Đây là một ngôi nhà tuy không rộng lắm, nhưng có được một khoảng sân trồng rất nhiều hoa, được cắt tỉa công phu. Như vậy chứng tỏ gia chủ là người khéo tay, có óc thẩm mỹ và… chắc chắn đó là một phụ nữ!
– Cậu tìm ai?
Câu hỏi của một người lớn tuổi khiến Thiện giật mình quay lại, anh lúng túng trước một ông cụ trọng tuổi:
– Dạ… cháu chỉ tò mò… cháu nhìn mấy chiếc áo dài đẹp trong kia…
Sợ ông ta hiểu lầm:
– Cháu không có ý gì, chỉ bởi thấy mấy chiếc áo đẹp quá, mà lại…
– Mà lại phơi hết ngày này sang ngày khác chứ gì!
Không ngờ ông ta đọc được ý nghĩ của mình, Thiện cười bảo:
– Dạ…
Ông cụ nhanh nhẹn mở cổng:
– Mời cậu vào nhà chơi.
Hơi bất ngờ, nhưng làm sao Thiện từ chối được khi anh có dịp để hiểu thêm về ngôi nhà này, nên anh đáp một tiếng khẽ:
– Dạ.
Rồi bước theo vào trong. Thiện cứ nghĩ sẽ gặp vài người nữa trong nhà, nhưng anh hơi lạ khi nghe ông cụ bảo:
– Già ở đây một mình, nên rất cần có người để nói chuyện cho đỡ buồn. Chắc nhà cậu ở gần đây?
Thiện hỏi lại:
– Bác ở đây một mình? Nhưng sao…
– Sao lại có áo dài để phơi hả? Của con Út…
Rồi ông giải thích thêm:
– Nó không có đây, nhưng để lâu sợ bị ẩm, nên tôi đem ra phơi.
– Vậy mà cháu cứ nghĩ…
Ông già cất tiếng cười lớn:
– Cứ nghĩ trong nhà chắc là có một vài giai nhân phải không!
Thiện hơi ngượng, anh nói để chữa thẹn:
– Dạ, dẫu sao thì chủ nhân đi vắng của những chiếc áo cũng là những giai nhân!
Ông cụ nhìn Thiện với sự thích thú:
– Nói chuyện với cậu rất vui, chẳng hay cậu làm nghề gì mà ngày nào cũng đi bộ qua đây?
– Dạ… nếu nói là thất nghiệp thì cũng không sai! Bởi cháu đang nghỉ dưỡng dài hạn…
Ông già gật gù:
– Cậu chưa gì mà đã giống như tôi rồi! Nào, mình uống tách trà để nhìn bạn đồng liêu chứ!
Thấy ông vui vẻ nên Thiện cũng dạn dĩ hơn:
– Xin phép bác, cháu tò mò muốn hỏi, cô Út ở nhà đi học hay đi đâu ạ?
Hình như ông cụ đã chờ câu hỏi đó, ông đáp ngay:
– Nó đi học, nhưng lười nên ít khi chịu về thăm già này lắm. Có lẽ tại nơi này buồn quá, không thích hợp với tuổi trẻ.
Ông lại hỏi Thiện:
– Hằng ngày cậu đi bộ qua đây rồi tới đâu nữa?
– Dạ, tới ngôi nhà bỏ hoang trong cánh rừng kia.
Câu nói của Thiện vừa dứt thì bất ngờ ông cụ đứng bật dậy, mặt thất sắc:
– Cậu… cậu không được tới đó! Cậu không…
Thấy thái độ của ông, Thiện kinh ngạc:
– Kìa, bác sao vậy? Ngôi nhà ấy là thế nào?
– Nó… nó là…
Rồi trước sự ngơ ngác của Thiện, ông ta vụt chạy ra cửa và biến mất! Đứng thừ người ra một lúc, Thiện đành phải bước ra. Anh không quên khép cửa lại cẩn thận trước khi nhắm hướng mà mỗi ngày mình vẫn tới. Tác phẩm viết dở đang cần khung cảnh tịch liêu của ngôi nhà hoang để hoàn thành…
Đi được vài mươi bước, chợt Thiện nhớ là nhà chưa khóa cửa, mà như ông cụ nói, không có ai ở nhà, lỡ trộm đạo vào nhà thì sao? Chuyện anh tới ngôi nhà hoang trễ một chút thì đâu có sao… Do vậy Thiện quay trở lại, dự tính ngồi đợi.
– Ủa, mấy chiếc áo dài?
Không thấy bốn chiếc áo phơi ở sân nữa, Thiện tắc lưỡi:
– Xong rồi, bị trộm hết rồi!
Thiện hối hận là vừa rồi mình quá hấp tấp và bây giờ biết nói sao khi ông cụ trở lại? Anh còn thừ người ra thì chợt mắt sáng lên khi nhìn thấy bốn chiếc áo đã được xếp thẳng thớm để trên bộ đi-văng!
– Ủa…?
Thiện chưa tin là thật nên bước tới sát bên nhìn kỹ. Đúng là bốn chiếc áo đã phơi ngoài dây trước sân, không sai!
– Có ai trong nhà không?
Thiện lên tiếng gọi, nhưng không ai trả lời. Thắc mắc trong đầu Thiện càng tăng khi anh nhìn kỹ hơn, trên mỗi chiếc áo dài đều có đặt một chiếc khăn tay màu trắng tinh! Hương thơm từ những chiếc khăn tỏa ra nức mũi, chứng tỏ ai đó mới vừa ở đây xong!
Sự tò mò thôi thúc nên Thiện lấy từng chiếc khăn lên xem, anh thấy trên góc từng chiếc khăn đều có thêu tên khác nhau: Mai Hương, Lan Hương, Cúc Hương, Quế Hương.
– Bốn chiếc áo của bốn cô gái!
Thiện quả quyết như vậy, bởi qua phân định mùi hương, anh nhận thấy có bốn mùi khác nhau. Vả lại cầm bốn chiếc áo lên, so từng chiếc có kích cỡ không hoàn toàn giống nhau.
– Họ là bốn chị em?
Xâu chuỗi lại những sự việc, từ sự thảng thốt của ông cụ cho đến sự xuất hiện của ai đó trong nhà này, Thiện có ngay kết luận:
– Có gì không ổn trong chuyện này!
Và không còn lo ngôi nhà đang mở cửa, Thiện bước nhanh ra ngoài, đi về phía ngôi nhà hoang.
Tới nơi, Thiện ngạc nhiên khi thấy tất cả cửa nẻo đều bị khóa từ bên ngoài, khác với sự bỏ hoang như từ mấy hôm nay anh vẫn thấy và ra vào tự nhiên.
Hiểu là ông cụ đã làm, Thiện càng thắc mắc về ông ta hơn. Anh tự hỏi: Ông ta sợ mình phát hiện điều gì trong nhà chăng?
Từ mấy hôm nay, Thiện không hề để ý gì ngôi nhà này, bởi có một việc mà thiên hạ thường quan tâm khi vào ngôi nhà hoang nào đó, đó là sợ ma! Mà đối với Thiện, anh không hề có ý niệm gì về điều ấy. Bởi nếu có thì anh đã không chọn nơi như thế này để viết văn!
Không nhìn thấy ông cụ ở đó, Thiện đoán ông ta đã trở lại nhà sau khi ngăn không cho anh vào ngôi nhà này. Anh tự nhủ: Mình sẽ có dịp trở lại nhà ông ta. Nhà của tứ mỹ nhân kia!
– Cậu Hai, có phải cậu thường tới đây ngồi ngoài gốc cây kia làm việc không? Có người gửi cậu cái này.
Người vừa hỏi vừa đưa cho Thiện cái phong bì là một cư dân ở gần đó. Thiện ngạc nhiên hỏi:
– Ai đưa cho chị?
– Một cô gái, tôi có hỏi tên nhưng cô ấy không nói. Dặn tôi phải đưa tận tay cho cậu khi cậu tới đây.
– Lâu chưa chị?
– Mới đây thôi, cô ấy vừa đi thì cậu tới.
– Nãy giờ chị có thấy một ông lão tới đây khóa cửa hay không?
Chị nọ lắc đầu bảo:
– Người khóa cửa là một cô gái, chứ không phải ông già. Chính cô này…
Thiện bóc bì thư ra, anh thấy nét chữ con gái rất đẹp, chỉ có mấy dòng: “Vào nhà người ta mà không xin phép, suýt nữa đã bị ông già bắt gặp. Lần sau chừa nhé! Chìa khóa giấu ở dưới chậu hoa phù dung bên trái cửa ra vào. Mỗi lần sử dụng xong ngôi nhà, nhớ khóa cửa lại và đặt chìa khóa vào vị trí cũ!”
Thiện đọc xong thư định hỏi thêm chị kia, nhưng khi ngẩng lên thì chẳng còn thấy chị ta đâu!
– Kỳ lạ!
Thiện bắt đầu phải suy nghĩ về những điều kỳ quặc ở đây…
- o O o -
Phải mất hơn một buổi, Thiện mới nhìn thấy bốn chiếc áo dài xuất hiện trên dây phơi. Điều làm cho anh ngạc nhiên nhất là không nhìn thấy người ra phơi, mà chỉ trong nháy mắt cả bốn chiếc áo đã xuất hiện. Lạ một điều nữa là từ ngày hôm qua tới giờ cả ông cụ cũng không có mặt?
Rình cả một buổi mà cũng không thấy được người nào, Thiện hơi nản, anh lần mò sang những ngôi nhà gần đó dò hỏi, nhưng hầu như ai nghe anh hỏi câu:
– Chị có biết những ai ở trong ngôi nhà bên đó không?
Thì hầu như chục người như một chỉ lắc đầu. Duy nhất có một chàng trai đáp được một câu:
– Nhà đó không tiếp xúc với bên ngoài. Anh chờ gặp họ rồi hỏi.
Hình như mọi người đều muốn lảng tránh nói về ngôi nhà ấy, nên khi mặt trời sắp lặn mà vẫn chưa có kết quả gì, Thiện đành lững thững đi bộ về nhà. Vừa đi tới góc đường, chợt nghe có hai thanh niên vừa đạp xe vừa bàn tán với nhau:
– Bốn con nhỏ bữa nay hát hay hết chê luôn! Bọn chúng nó mặc bốn chiếc áo dài khác màu nhau mà hài hòa, bắt mắt dễ sợ! Nhất là con Quế Hương, nó mặc chiếc áo màu tím nhìn thấy phát mê!
Thiện giật nẩy người, anh gọi to:
– Này, hai anh!
Hai chàng trai nghe kêu thì giật mình dừng xe lại, Thiện chạy đến bên hỏi dồn:
– Hai anh vừa nói có cô Quế Hương gì đó hát ở đâu?
Nhìn Thiện, đoán anh không phải người bản xứ, nên một trong hai anh chàng nói:
– Ở Đà Lạt này mà bây giờ anh còn đi lang thang ngoài đường, không vào phòng trà nghe nhạc thì còn phí phạm nào bằng! Cô Quế Hương là ca sĩ trong ban tứ ca Hương Bốn Mùa, anh từng nghe chưa?
Thiện lẩm bẩm:
– Mai Hương, Lan Hương, Cúc Hương và Quế Hương…
Hai anh chàng cùng reo lên:
– Anh biết rồi đó, họ chính là thành viên của ban Hương Bốn Mùa đó. Tới mà nghe đi, đêm nay nghe nói họ sẽ hát riêng tặng cho ai đó mấy bài về Đà Lạt hay lắm! Tối qua tụi này xem rồi, nên bữa nay không định tới…
Họ vừa nói xong thì đạp xe đi ngay. Thiện hỏi với theo:
– Phòng trà ở đâu?
Một người cười to, nói vọng lại:
– Tới Đà Lạt mà không biết phòng trà ở đâu thì về nhà đi cha nội!
Quả thật là Thiện chưa hề đi phòng trà ca nhạc bao giờ, nên phải dò hỏi. Người chạy xe đêm chỉ rất rành rẽ:
– Ở đây có hai phòng trà, nhưng lớn và đông khách nhất là ở Palace, tôi sẽ đưa cậu tới đó!
Trên đường đi, Thiện gợi chuyện:
– Anh có bao giờ nghe nói về các ca sĩ phòng trà không?
Hình như Thiện đã khơi đúng mạch, nên anh chàng lái xe tuôn ra một hơi:
– Dân sành điệu phòng trà xứ này ai mà không mê bốn ca sĩ là chị em ruột!
– Họ là bốn cô Hương?
– Đó đó, anh biết rồi mà còn hỏi!
– Thật ra tôi cũng chỉ nghe người ta nói thôi. Anh đã từng gặp mặt họ chưa? Chắc anh cũng đã biết nhà? Giới chạy xe mà, người nổi tiếng nào mà không từng đi xe của các anh đôi lần?
Anh lái xe lắc đầu:
– Riêng bốn cô này thì khác. Chưa bao giờ họ đi xe của chúng tôi. Mà ngay cả giới vương tôn công tử xứ này cũng thế, đã có biết bao chàng trồng cây si, tối nào cũng tới phòng trà ngồi say mê nghe các nàng hát, để mong tan giờ đón đưa các nàng về nhà mà chưa một chàng nào toại nguyện!
– Chắc là đã có người làm việc đó rồi?
Anh chàng gật gù:
– Đúng là có người đưa đón!
Thiện chép miệng:
– Chắc là một đại gia giàu sụ, hay là…
Anh tài xế ngắt ngang:
– Một cụ già tuổi trên bảy chục. Ông ta lái chiếc xe hai mã lực cổ lỗ sĩ, cà tàng nhất thành phố này!
– Vậy sao các nàng chịu?
– Bởi… ông ta là bố của các cô ấy!
Thiện thở phào:
– Vậy mà tôi cứ tưởng…
– Tới nơi rồi cậu. Nếu vào nghe nhạc lát ra có đi xe thì nhớ tôi, tôi đậu ở đây chờ!
Trước khi xuống xe, Thiện còn hỏi thêm:
– Nếu ông già chạy chiếc xe hai mã lực cũ mèm thì sao xe anh bốn mã lực, không thử đuổi theo một lần xem nhà cửa các cô ấy ở đâu? Như bữa nay chẳng hạn, lát nữa anh đợi sẵn, khi các nàng ra, tôi sẽ nhờ anh bám theo nhé.
Anh tài xế lại lắc đầu:
– Có nhiều người thử làm rồi, nhưng chẳng một ai thành công! Không hiểu chiếc xe cũ mèm đó chạy bằng xăng gì, mà không xe nào theo kịp. Lão già đó lái về hướng ngã ba chùa rồi mất dạng. Đêm nào cũng thế!
Nhìn đồng hồ tay, anh chàng giục:
– Cậu vào đi kẻo lỡ mất bài “Ai lên xứ hoa đào”. Cô em Út sẽ hát trước bài đó!
– Trong số bốn cô, cô nào là Út, cô nào là chị cả?
– Cô Út là Quế Hương, cô chị cả là Mai Hương.
– Cám ơn anh. Anh nhớ chờ tôi ở đây nhé!
Thiện theo dòng người bước vào bên trong. Do đi có một mình nên Thiện được xếp ngồi ở một bàn đơn, nằm ở một góc xa với sân khấu. Anh định xin đổi chỗ, nhưng vừa lúc ấy người phục vụ bước tới cạnh, nói khẽ vào tai Thiện:
– Bàn này có người đặt trước cho anh đó. Có một đóa hoa hồng để sẵn đó, người ta gửi riêng cho anh. Anh là Thiện?
Thiện ngạc nhiên lắm, anh lẩm bẩm:
– Mình đâu có quen ai ở đây?
Định quay lại hỏi thêm thì người phục vụ đã đi tự lúc nào rồi! Thiện cầm cành hoa hồng lên, anh thấy có mảnh giấy kèm theo: Khi về nhớ đi thẳng về ngôi nhà hoang. Chị em tôi cần gặp. Mai Hương.
– Đúng là họ rồi!
Và càng đúng hơn khi vừa lúc đó, người được giới thiệu ra hát là Quế Hương với bài “Ai lên xứ hoa đào”. Cô nàng mặc chiếc áo dài màu tím than nổi bật và đẹp như cô gái liêu trai!
– Chiếc áo này!
Thiện không dằn lòng được nên đã kêu to lên, khiến cho vài người ngồi gần phải quay sang nhìn vào anh. Rồi một ai đó nói:
– Đêm nào cô ấy cũng mặc đúng chiếc áo màu này, nhưng mình không thấy nhàm chán. Trái lại…
Khi nàng cất giọng thì hầu như cả khán phòng đều im phăng phắc! Giọng nàng trong trẻo mượt mà, như quyện vào lòng người, khiến bài hát quá nổi tiếng này đã hay lại càng quyến rũ hơn, làm thiên hạ say đắm như quên cả không gian, thời gian…
Bản nhạc dứt rồi, thiên hạ vỗ tay rào rào, vậy mà Thiện như còn mê ngủ, anh ngây người ra và khi chợt nhớ đã là người vỗ tay sau cùng! Tiếng vỗ tay lạc điệu ấy đúng ra đã làm cho những người ngồi chung quanh khó chịu, tuy nhiên họ lại hưởng ứng, vỗ tay thêm lần nữa!
Chương trình hằng đêm của phòng trà này còn có gần chục ca sĩ khác, nhưng hầu như khán giả chỉ say mê nghe phần trình diễn của bốn chị em tên Hương. Người cuối cùng ra hát là Mai Hương. Thiện chăm chú nhìn còn kỹ hơn nhìn người em hát trước. Bởi cô nàng là người ký tên dưới lá thư mời Thiện tối nay…
Tuy nhiên, Thiện hơi thất vọng, bởi khi ra hát, cô nàng lại choàng kín hầu như cả gương mặt bằng một chiếc khăn choàng lớn. Kèm theo là lời cáo lỗi của người xướng ngôn viên:
– Hôm nay do một tai nạn, nên cô Mai Hương không thể xuất hiện trọn vẹn trước quý vị, xin quý vị thông cảm!
Mọi người hình như không chú ý lắm đến dung mạo của Mai Hương, mà có người còn nói:
– Đến đây là để nghe cô này hát, chứ đâu phải xem dung nhan!
Mai Hương được yêu cầu hát đến lần thứ hai. Khi bản nhạc chấm dứt thì cánh lái xe taxi và các tài xế xe nhà đều nháo nhào lên, bởi họ biết, đây là thời điểm mà đêm nào cũng chờ đợi: Xem tận mắt dung nhan bốn cô, cũng như bắt đầu cuộc đuổi theo chiếc xe hai mã lực đang chờ sẵn.
Thiện chưa ra vội bởi anh ngại chen lấn, chợt cô phục vụ lúc nãy xuất hiện, cô kéo tay Thiện đi ngược dòng người về phía cửa hậu, nơi dành riêng cho các ca sĩ tới và ra về. Anh chưa kịp hỏi thì cô nàng đã bảo khẽ:
– Hôm nay anh sẽ là người lái xe!
Thiện chưa kịp có ý kiến gì thì anh đã được đẩy lên chiếc xe Citroen hai mã lực. Đúng là chiếc xe cũ ngoài sức tưởng tượng của Thiện. Anh vừa ngồi sau tay lái thì đã nghe một giọng nói hơi lạ:
– Cứ lái với tốc độ tối đa, đừng bao giờ nhìn lại phía sau nhé!
Thiện biết lái xe, nhưng chưa bao giờ anh phải lái trong tình trạng như chạy trốn thế này. Bởi vậy khi vừa nổ máy thì anh hơi lúng túng… định cho xe ra khỏi lối đi hẹp dẫn từ hậu trường ra ngoài, nhưng bỗng dưng chiếc xe chồm lên, trong khi Thiện không hề nhấn ga!
– Không!
Thiện phải ôm vô-lăng thật chặt, cứ sợ xe va phải những người đi bộ hai bên. Xe ra tới cửa, có hàng chục xe khác đã nổ máy, sẵn sàng lao theo. Chợt có mấy người kêu lên:
– Sao trên xe không có bốn cô nàng!
Thiện muốn quay lại nhìn, nhưng hầu như cổ anh không thể cử động.
– Nhanh lên!
Thiện lại nghe tiếng người nói phía sau, chứng tỏ đang có người ngồi trên băng sau.
– Nhanh lên nữa!
Lần giục này là giọng nói khác. Thiện hầu như chỉ ôm tay lái chứ không hề nhấn ga, vậy mà xe lại lao vun vút với tốc độ kinh hồn! Điều này thật kỳ lạ, bởi chiếc xe cũ kỹ này đâu thể nào chạy đến tốc độ như thế này được?
Chỉ một lúc sau thì đã nghe có tiếng reo lên:
– Tới rồi!
Thiện hoàn hồn, anh nhìn ra và giật mình khi nhận khi trước mặt mình lúc này là ngôi nhà hoang mà anh tới mỗi ngày! Đây là khu vực vắng, hầu như không có nhà cửa chung quanh, mà ngôi nhà lại không có đèn, cũng may là trời đang có trăng non, nên trong bóng tối lờ mờ Thiện vẫn có thể nhận ra ngôi nhà…
Nhớ lại lời dặn lúc nãy trong bức thư ngắn, Thiện đánh bạo lên tiếng hỏi:
– Các cô bảo tôi về đây để làm gì?
Không nghe tiếng trả lời. Thiện hỏi lại lần nữa:
– Cô là cô Mai Hương phải không?
Vẫn im lặng…
Quên cả lời cảnh báo lúc nãy, Thiện quay lại nhìn và… ngơ ngác kêu lên:
– Đâu cả rồi?
Không có ai ngồi ở băng sau cả! Thiện cất tiếng hỏi lớn hơn:
– Các cô đâu rồi?
- o O o -
Cuối cùng, anh mở cửa xe bước xuống nhìn quanh. Trời lờ mờ, đủ cho Thiện nhìn thấy lối mòn dẫn vào ngôi nhà. Lưỡng lự một lúc, rồi anh bước chậm vào. Cửa mở như đang có người trong đó.
Thiện chưa dám bước hẳn vào thì như có bàn tay ai đó đẩy nhẹ, khiến Thiện lọt hẳn vào bên trong và…
– Ủa, sao lại…
Bên ngoài nhìn vào không thấy đèn, nhưng khi vừa vào trong thì ánh sáng lại bừng lên, chiếu sáng cả gian phòng rộng. Một bàn tiệc đã bày sẵn, thật linh đình!
– Mời!
Chỉ có tiếng nói mà không thấy người. Trong khi đó thì Thiện nhận ra có sự chuyển động chung quanh, giống như nhiều người đi tới đi lui! Anh đánh bạo lên tiếng:
– Phải các cô là chủ nhân những chiếc áo dài mà tôi đã thấy?
Có người phá lên cười, giọng cười trong trẻo:
– Đã biết rồi mà còn hỏi! Nào, ta nâng ly!
Chiếc ly trước mặt Thiện đã được rót đầy, mùi bia thơm phức, khiến anh không thể từ chối được, cầm lên nhấp một hớp thử. Nhưng chẳng hiểu sao, Thiện lại uống một hơi cạn!
– Vậy mới được chứ! Hôm nay anh là người khách duy nhất tụi này mời về đây để dự ngày giỗ mà từ lâu rồi tụi này chỉ thui thủi một mình…
– Giỗ? Mà giỗ ai vậy?
Có một nàng hỏi lại:
– Theo anh thì giỗ ai?
Rồi không đợi anh trả lời, một giọng khác lại nói:
– Giỗ cả bốn chúng tôi.
Thiện đã chuẩn bị tư thế từ trước, bởi anh đã xác định họ không là những người bình thường, nhưng lúc này anh cũng chới với:
– Cô… các cô nói…
Một nàng cười:
– Anh sợ rồi phải không? Nếu sợ thì có quyền rút lui. Coi như chúng tôi lại một phen thất vọng vậy…
– Tôi… tôi không…
Ánh sáng vụt tắt, chỉ còn lờ mờ ánh trăng non chiếu qua cửa sổ. Bỗng Thiện hít được mùi thơm cơ thể của phụ nữ ngay bên cạnh. Với ánh trăng đó cũng đủ cho anh nhìn thấy vây quanh anh lúc này là bốn người! Họ vui vẻ:
– Như thế này hài lòng chưa?
Rồi một người kể lể:
– Anh nói đúng, bọn này là chủ nhân bốn chiếc áo dài mà anh đã thấy. Sở dĩ tụi này phải bày ra phơi áo như thế là để gợi cho anh sự tò mò… để anh một lần bước vào đó và cho anh biết là tụi này có hiện diện!
Một nàng khác chen vào:
– Anh muốn biết tại sao nơi đây cũng là nhà tụi tôi mà không xuất hiện gặp anh nơi đây? Chỉ bởi ông cụ không cho. Anh thấy đấy, chỉ khi nào ông cụ bị lừa phải chạy đi khóa cửa ngôi nhà hoang thì bọn này mới được thoát ra và tự do như bây giờ. Tội nghiệp ông cụ lắm, chỉ vì thương yêu tụi này nên mới canh chừng cẩn mật như thế. Bây giờ thì ông không còn có dịp nữa rồi…
Thiện giật mình:
– Ông ấy sao rồi?
– Vĩnh viễn không trở lại đây nữa! Và anh từ nay sẽ được chọn để chăm sóc cho chị em chúng tôi. Kể cả việc lái xe chúng tôi đi hát mỗi đêm!
– Kìa, các cô…
– Chị Mai, anh ta từ chối kìa!
– Để em Quế thuyết phục đi, chắc là anh ta không từ chối đâu!
– Ờ, phải đó, chỉ có em Quế thôi!
Giọng một người trong trẻo hơn, mà người đó lại ngồi sát bên Thiện:
– Hai chị Lan, Cúc sao cứ ép người ta mãi thế! Chị Mai…
Người ngồi bên phải của Thiện chính là người được gọi là chị Mai, mà Thiện đoán là họ gọi chữ đầu của tên, lên tiếng:
– Em Quế, là phần em đó!
Bấy giờ cô ngồi phía tay trái của Thiện mới chịu tuân lời, bất thần cô nàng chụp lấy tay Thiện và giữ chặt:
– Cô em Út nhà này chưa từng gần đàn ông, mà hễ biết là giữ chặt luôn, đố thoát được!
Những người kia phá lên cười, trong lúc Thiện điếng hồn, định rút tay lại thì không được nữa. Một cảm giác kỳ lạ len vào cơ thể anh và chỉ trong một thoáng, người Thiện như bị lấy hết sinh lực, chẳng làm sao khác, đành phải ngồi trân người chịu trận. Một cô ngồi giữa có vẻ ganh tỵ:
– Chị Mai thiên vị, cái gì cũng cho Út hết, còn em đây chi! Bộ chị không nhớ, chính em là người bị thiệt thòi nhất từ nào đến giờ đó sao!
Người được gọi là chị Mai vội lên tiếng:
– Không lôi thôi nữa, lão gia mà trở về thì hư hết mọi chuyện bây giờ!
Nghe vậy nên cả mấy cô đều im lặng, chứng tỏ uy của cô chị cả rất lớn. Lát sau chính Quế Hương lên tiếng, nói vừa đủ cho Thiện nghe:
– Trong nhà này không có việc cãi lời. Anh nên làm theo để được sống và viết. Mục đích của các chị là muốn được anh viết về bọn này. Bởi vậy trong vô số người từng tới đây, chúng em chỉ chọn mỗi mình anh thôi!
Thiện giật mình:
– Viết? Các cô bảo tôi viết cái gì?
Chị cả hỏi lại:
– Anh không phải là nhà văn chuyên viết chuyện ma quỷ đó hay sao? Bọn này chính là những âm hồn, những người lâu nay luôn bị người trần thế nhìn với cái nhìn lệch lạc. Nên hôm nay tụi em muốn qua anh, nói cho mọi người hiểu rằng, thế giới âm phủ cũng giống như dương thế, có người tốt kẻ xấu. Bọn em chết oan, làm oan hồn chịu bao thiệt thòi, lại còn mang tiếng là quỷ ma, yêu tinh nữa! Anh hãy sống với bọn này đi, rồi sẽ hiểu có phải như vậy không?
Cô Út Quế Hương giọng phấn khởi lắm:
– Hôm nay đúng là ngày giỗ của bốn chị em. Đồng thời cũng là ngày… vui trăm năm của riêng em! Nào, ta nâng ly rượu mừng đi!
Những tiếng chạm ly chan chát mà Thiện cũng phải tham gia. Anh uống cạn liên tiếp ba ly và bắt đầu hứng chí, quên cả thực tại:
– Mừng các cô!
Một cô nàng, hình như là Lan Hương lên tiếng:
– Sao là các cô? Phải gọi là chị cho đàng hoàng chứ!
– Ờ, phải đó, bây giờ chúng ta đều là chị!
Họ cười vang cả nhà, trong khi Thiện thì đờ người ra. Bỗng cô chị cả nhắc:
– Ta cắt chiếc bánh ra đi, coi chừng lão gia về đó!
Cô Cúc Hương nhanh tay cắt chiếc bánh đặt giữa bàn, chia đều cho từng người, vừa lên tiếng:
– Đây là bánh cưới con Út với anh chàng này. Ủa mà quên, phải gọi là dượng Út chứ! Nào, ta ăn bánh rồi chờ nghe dượng Út nó nói vài lời chứ!
– Phải đó! Phải đó! Dượng nó lên tiếng đi chứ!
Thiện luýnh quýnh:
– Tôi… tôi không…
Cô Út không nói, mà bất thần đứng lên kéo theo Thiện. Anh chàng hoàn toàn thụ động, chỉ biết bước theo. Ba cô ngồi lại đều che miệng cười và một cô nói:
– Con nhỏ từ nào đến giờ không biết đàn ông là gì, lại hành động bạo nhất! Nó… đi động phòng đó!
Cô chị cả giọng nghiêm túc:
– Nó làm đúng thì phải ủng hộ chứ! Phần của Út xong rồi, còn chúng ta thôi…
Mấy tiếng sau cùng cô nói với giọng buồn hiu, khiến cho hai cô kia bỗng khóc òa lên!
Gian phòng rộng của ngôi nhà hoang lúc này đầy ắp tiếng khóc. Vậy mà nếu ai đứng bên ngoài thì sẽ không nghe được gì…
- o O o -
Mặc dù có bao nhiêu chuyện rắc rối, kỳ lạ quanh bốn cô ca sĩ phòng trà, nhưng không vì thế mà lòng ái mộ dành cho họ bị giảm sút. Mà trái lại, sự cuồng nhiệt càng tăng. Có lẽ ở đời thiên hạ luôn thích những chuyện vượt ra ngoài ranh giới của sự bình thường. Một đồn mười, mười đồn trăm, nhiều chuyện chung quanh bốn cô gái được thêu dệt, đi đâu người ta cũng nghe bàn tán, nhất ở các quán cà phê.
Một buổi sáng, một anh chạy xe ngựa nói và cả chục người vây quanh nghe:
– Mấy người biết không, tôi thấy có một anh chàng được cả bốn cô nàng mê như điếu đổ, cùng vây quanh như muốn bắt xác anh ta! Họ đã cho tay già kia “de” rồi!
– Làm sao anh thấy được? Hay cũng chỉ đồn thổi như mấy người kia thôi!
– Tôi canh đón khách ở cửa phòng trà, nên mọi diễn biến ở đó tôi đều rành rẽ cả. Hôm qua tôi thấy anh chàng trẻ măng lái xe cho họ đi, mà cả bốn cô đều vui như Tết! Đặc biệt lần này ba cô ngồi sau, một cô ngồi trước bên cạnh anh chàng lái xe đó, xem ra tình tứ lắm! Làm cho mấy tay vương tôn công tử si tình ấm ức lắm, họ thề sẽ trị cho anh chàng lớn mật kia một trận. Mà tối nay trận đòn thù đó sẽ diễn ra, coi đã mắt luôn!
Một vài người lớn tuổi nghe vậy phản đối liền:
– Sao để chuyện ấy xảy ra được chứ! Ỷ đông hiếp yếu mà coi được sao!
Chỉ tay vào chỗ đậu xe, anh ta bảo:
– Mọi hôm chiếc xe hai mã lực của họ đều đậu ở đó, sao bữa nay không thấy? Hay là anh chàng kia nghe chuyện đã chuồn mất rồi!
– Chưa tới giờ vãn hát mà. Mới có 9 giờ mà, còn hơn một tiếng nữa.
– Hồi ông già còn lái xe thì giờ này ông ta đã đem xe tới đậu chờ sẵn. Mà cũng lạ nghe, cỡ như bốn cô ấy thì muốn đi xe sang trọng cỡ nào không có, mắc gì phải nhét trên chiếc xe cà tàng đó? Mà anh chàng trẻ tuổi nữa, xem ra anh ta chỉ là tài xế thôi, chứ không phải là “bồ bịch” gì! Ai lại chọn bồ nghèo kiết xác như vậy!
Đang bàn tán xôn xao, chợt anh chàng đánh xe ngựa kêu lên:
– Lũ côn đồ tới rồi đó!
– Lũ nào?
– Thì mấy thằng được vài tay công tử si tình đeo đuổi theo bốn cô nàng thuê để thanh toán anh chàng lái xe kia. Họ kéo cả chục tên, kiểu này anh chàng kia không xong rồi!
Mọi người đưa mắt nhìn thì quả thấy có gần chục tên đầu gấu đang dàn hàng ngang chỗ đầu hẻm từ hậu trường ra.
Lúc ấy tiếng đàn hát bên trong cũng vừa tắt. Đã tới giờ tan hát. Cửa trước khách bắt đầu ra về. Những ca sĩ khác cũng tuần tự ra theo. Chờ mãi, đến hơn mười một giờ mà vẫn không thấy bốn cô bước theo cửa hậu trường, mấy tên côn đồ ngạc nhiên:
– Ủa, sao nó không ra?
Chúng táo tợn xộc vào tận bên trong thì mới ngẩn người ra, bởi đèn trong phòng trà đã tắt hết. Không còn một ai.
Bọn hơn chục tên cùng chạy ra, một tên nói to:
– Hôm qua tao đã nhìn thấy thằng lái xe đó đi ra từ ngôi nhà hoang ở cánh rừng phía thác Cam Ly, tụi mình lên đó tìm nó!
Họ ào ào phóng xe đi khiến nhiều người lo lắng:
– Không khéo bọn quỷ sứ này hại người ta mất. Mình phải báo nhà chức trách chứ!
Nhưng họ đâu làm cách nào theo kịp lũ côn đồ có tiếng là hung hãn này. Cả bọn phóng nhanh và chẳng mấy chốc đã tới bên ngoài ngôi nhà hoang. Ngôi nhà chìm trong bóng tối như thường lệ và không có biểu hiện nào chứng tỏ bên trong có người…
Nhưng tên đầu sỏ vẫn quả quyết:
– Ngôi nhà này tụi bay có nhớ không?
Câu hỏi của hắn làm cho bốn trong số gần chục tên đi theo giật mình! Một tên nói:
– Nhà này… hồi đó mình đã…
– Tụi bay nhớ rồi đó! Hồi bốn, năm năm trước, tụi mình hụt ăn một vụ ở đây, khi con mồi đã nằm trong tầm tay rồi mà lại để sổng mất!
Một tên có tham gia vụ đó, nói rành rọt hơn:
– Hồi đó đại ca phân công em lo chặn đường rút lui của vợ chồng tên chủ nhà này và lũ con gái còn bé của họ. Em chặn kín lối ra, không để ai thoát, nhưng đột nhiên nhà bốc cháy làm em không hiểu chuyện gì? Mà lửa cháy như vậy cũng có nghĩa là số tiền lớn của vợ chồng tên chủ nhà mới bán đất có được đã ra tro! Mình hụt ăn mà chỉ biết nhìn lửa để rồi tức trào máu thôi!
Tên đầu sỏ giọng hậm hực:
– Vì chuyện đó mà tao bị đàn anh đuổi việc, chê tao vô tích sự!
Tên đàn em nói:
– Chẳng riêng gì đại ca, cả bọn em cũng điêu đứng theo. Đàn anh của mình lúc đó ác, nhưng nghĩ lại ông ta điên lên cũng phải, bởi hỏng ăn vụ đó làm ông ta thua trắng bạc tỷ. Từ đó ông ấy bị phá sản và biệt tăm luôn!
Tên đại ca rít lên:
– Lão ta phá sản thì tao cũng vào tù! Ra tù rồi tao mới rõ là trong vụ đó không phải là vụ cướp tiền như lão nói và nhờ bọn mình làm đâu. Họ triệt hạ lẫn nhau đó! Tụi bay biết chủ nhà này là ai không? Lão ta cũng thuộc hàng đại gia như đàn anh của mình. Hôm đó lão đem về đây một số tiền lớn, chuẩn bị vụ làm ăn gì đó. Đàn anh của mình tính phỗng tay trên nhưng không thành, và sau đó còn bị họa lây bởi một cuộc phản đòn kỳ lạ, mà nghe đâu do chính chủ nhà này ra tay!
Tên kia ngạc nhiên:
– Nghe nói vụ cháy nhà bữa đó đã thiêu rụi cả nhà ông ta gồm ông ấy và bốn đứa con gái mà, lấy đâu mà trả thù đàn anh mình?
– Mấy hôm nay âm thầm theo dõi bốn con ca sĩ phòng trà đó, và hôm nay tới đây tao mới vỡ lẽ, vụ hỏa hoạn đó không làm chết tụi nó. Bằng chứng là bốn đứa con gái ấy giờ đây đã lớn lên, đã làm say đắm hầu hết con trai thành phố này!
Tên đàn em hốt hoảng:
– Phải vậy không đại ca?
Tên đại ca quả quyết:
– Chắc chắn là như vậy, nhưng qua vụ đó rồi hình như nhà họ khánh kiệt, phải sống âm thầm, nghèo khổ, đến đỗi cả bốn đứa con gái đều phải đi hát kiếm sống!
– Có lẽ là vậy…
Chúng đang ba hoa thì chợt đèn trong ngôi nhà hoang bật sáng choang đồng thời cánh cửa nhà mở rộng ra, cùng với một giọng nói to:
– Tới thì vào đi chứ, mấy thằng con đồ. Tao đã chờ bọn bay từ lâu lắm rồi!
Nghe giọng nói, tên đại ca giật mình:
– Ai như là… là lão ta? Lão Bá Đạt!
Một tiếng cười sang sảng vang lên:
– Mày vẫn còn nhớ phải không? Tao đây, kẻ mà hôm đó tụi bay định vào giết để cướp của vẫn còn đây!
Cả lũ giật mình, nhưng lúc ấy tên đại ca đã gầm lên:
– Ngày xưa chưa hạ được lão thì hôm nay tao sẽ giết lão trước, rồi chiếm cả bốn đứa con gái lão sau! Nào, xông vào tụi bay!
Chúng vừa tính chạy vào thì như bị ai đó nắm từng thằng ném mạnh vào nhà! Lần lượt có tám tên nằm lổn ngổn ở phòng khách ngôi nhà. Lúc này khi nhìn lên, tên đại ca mới hốt hoảng kêu lên:
– Ủa, sao lại có… có anh ở đây nữa?
Đứng giữa nhà ngoài ông cụ lên tiếng nãy giờ, còn có một người đàn ông khác mà tên nọ vừa gọi bằng anh. Ông này nhẹ giọng bảo:
– Tụi bay vẫn không chừa bản chất côn đồ! Ngày xưa cũng vì nghe lời xúi của bọn bay nên tao mới định ra tay hại anh Tám đây, việc không thành, nhưng hậu quả thì cả anh Tám và tao cùng nhận. Chỉ có tụi bay là ẵm trọn số tiền công thực hiện mưu đồ! Giờ tụi bay còn tính gì nữa đây? Vẫn ăn tiền của mấy tên công tử háo sắc, định hại con gái nhà này nữa phải không? Tụi bay lầm to rồi, hại họ không được đâu! Cỡ như tao mà còn làm ma vất vưởng đầu đường xó chợ đây, nữa là…
Ông ta nói xong quay sang ông cụ:
– Tôi xin lỗi tuy có muộn màng, nhưng vẫn phải xin lỗi. Chuyện ngày xưa chính tôi cũng gánh hậu quả thảm hại. Nhà cửa tiêu tan, vợ con ly tán. Ngay như thằng con đầu của tôi, tới giờ này cũng không biết ở đâu…
Ông cụ đưa tay chỉ vào trong nhà vừa nói:
– Nó đã tới đây trước ông!
Vừa lúc ấy Thiện từ trong bước ra, đi bên cạnh một cô gái cực đẹp mà vừa trông thấy ông cụ đã reo lên:
– Quế Hương, con!
Ông định chạy tới ôm cô gái, nhưng chợt nhớ ra, đã khựng lại và nói:
– Nó bây giờ đã là hồn ma, làm sao có thể gần người trần như tôi được!
Ông chỉ sang Thiện, hỏi:
– Ông không nhận ra con trai mình sao?
Lúc này người đàn ông mới ngơ ngác:
– Thiện… Thiện đây sao?
Thiện khựng lại, kêu lên:
– Cha!
Thiện định chạy tới, nhưng cha anh đã xua tay:
– Cha đã là người cõi âm, cha con ta chỉ có thể nhìn nhau thôi.
Giờ đến lượt ông cụ giải thích:
– Ngày xưa lúc ông thuê tụi này tới cướp nhà tôi thì cả nhà tôi gồm bốn đứa con gái đều chết trong lửa đỏ, chỉ mình tôi là thoát. Tôi sống với nỗi căm hận ông vô cùng, thề là sẽ đòi cho được món nợ đó! Bốn đứa con tôi thành ma, ở trong ngôi nhà hoang này và chúng nghe theo tâm nguyện của tôi, sẽ chờ một ngày nào đó rửa hận giúp tôi. Ngày ấy đã tới khi thằng con trai giang hồ của ông mò tới đây, như một định mệnh xô đẩy nó tới! Đầu tiên tôi lệnh cho hồn ma mấy đứa con tôi dụ cho thằng này vào tròng, rồi giết đi. Nhưng các con tôi chưa chịu, chúng có ý dụ cho tất cả những đứa từng tham gia vào cuộc thảm sát ngày trước phải lộ mặt. Cho nên mới có việc chúng nó đi hát, bởi chúng biết lũ côn đồ này thường tụ tập quanh những tụ điểm ăn chơi. Và các con tôi đã đúng khi bọn này hôm nay đã dẫn xác tới! Duy có một điều diễn ra ngoài ý muốn của tôi, nhưng biết làm sao hơn…
Ông nói tới đó thì nhìn sang con gái Út và Thiện, nhẹ lắc đầu. Trong lúc Thiện lên tiếng:
– Con đâu biết gì chuyện này. Con tới đây chỉ là tình cờ. Và ngày nay…
Ông cụ thở dài nói:
– Oan gia nghiệp chướng thế nào mà hôm nay con gái Út tôi lại đi yêu thằng con kẻ thù của cha nó, trời ơi!
Quế Hương quay sang hai người đàn ông:
– Con muốn anh Thiện khi viết về các oan hồn sẽ có nhận xét khác với thiên hạ xưa nay. Con yêu anh chân tình mà!
Vừa khi ấy ba cô gái cùng xuất hiện một lượt. Mai Hương lên tiếng:
– Lâu nay ba con luôn thúc giục tụi con phải trả thù, và tụi con cũng có ý như vậy. Nhưng từ khi gặp Thiện thì ý nghĩ đó dần tan biến đi. Qua Thiện, chị em chúng con nghĩ rằng, thù hận đâu giải quyết được gì. Vả lại, một người như cậu ấy thì đâu đáng phải bị trừng phạt. Đáng trừng trị chăng là lũ người này đây!
Cô đưa tay chỉ vào chín tên đang bò lê dưới sàn. Ông cụ cha cô cũng đồng tình:
– Lũ này thì không thể tha thứ được!
Bọn côn đồ kêu lên inh ỏi:
– Xin tha cho chúng tôi! Chúng tôi không dám nữa!
Nhưng cả bọn đã bị hất tung ra ngoài cửa, đồng thời chính ông bố Thiện cũng lên tiếng:
– Bọn này để cho tôi.
Thoắt một cái ông ta đã biến mất. Cùng lúc cả chín tên du đãng ngoài kia cũng biến mất theo.
Ông cụ quay sang các con, giọng trìu mến:
– Các con bây giờ tự lo được rồi. Hãy yêu thương nhau, nhất là phải chăm sóc cho thằng này…
Dứt lời, ông bước ra ngoài và đi nhanh. Thiện định gọi lại thì Quế Hương đã nói:
– Anh quên là ba còn có ngôi nhà, nơi chúng em phơi áo để dụ anh bữa trước. Ông cụ sẽ ở đó nhang khói cho mẹ chúng em. Còn chúng mình thì ở đây…
Mai Hương ra giọng chị cả:
– Tuy sống với bốn hồn ma, nhưng chỉ được quyền với mỗi con Út của chúng tôi thôi nhé!
Quế Hương nói khẽ đủ cho Thiện Nghe:
– Nếu có dịp nào đó, anh cũng nên làm mai cho ba chị có mối, cho vui…
Thiện cười gượng… Nhưng thật ra, sau một đêm làm chồng người cõi âm, anh đã hiểu được thế nào là lạc thú…
Kết Thúc (END) |
|
|