Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Ai Đó Hình Người Tác Giả: Trần Đức Tiến    
    Những dãy số lần lượt hiện trên màn hình điện thoại sáng xanh… Nhưng rốt cuộc, không có bất kỳ một sự kết nối nào giữa gã và phần còn lại của thế giới bằng cái thứ phương tiện “được gửi tới từ địa ngục” đó.
    Nguyễn Ngọc Tư của “Cánh đồng bất tận” và một loạt truyện ngắn khác cùng thời kỳ, dường như không chịu đi tiếp một lối mòn, không chịu sống mãi trong một vùng khí hậu dễ chịu, lười nhác của sự nổi tiếng…

    089.......Ma
    Điên thiệt rồi, sao lại nấn ná ở số điện thoại bà già, lẽ ra mình phải lướt qua thật nhanh, đến mức chẳng kịp nhìn thấy nó. Không nhìn thấy thì không bận lòng. Dứt khoát không được gọi cho má. Họ sẽ tóm mình ngay lập tức, ngay khi mình còn chưa kịp tiêu hóa mớ nắng căng tức bụng.
    Chỉ cần mình nghe được giọng má, mọi thứ sẽ kết thúc. Đỗ từng nói, từ có mạng di động họ chẳng cần tốn nhiều người cùng với chó nghiệp vụ để tìm bắt đám trốn chạy. Họ chỉ chờ những kẻ đó gọi bầy. Giống như hồi còn chim bồ câu hay xe ngựa đưa thư, họ chỉ cần đợi quanh nhà người thân của tên tội lỗi nào đó, và chờ gã ta chui vào bẫy. Máu lạnh đến mấy, vào một thời khắc định mệnh, mà văn vở vẫn công thức một ngày đẹp trời (không phải là vô cớ, ai cũng biết thời tiết luôn biết cách bỏ bùa, kiểm soát, khuynh đảo con người, mình biết một đứa cứ mưa là lăn ra ngủ vùi, bất kể việc đang lút đầu nó). Quay lại ngày đẹp nọ, kẻ trốn chạy bỗng nhớ bà mẹ thơm trầu, hay cô hàng xóm thơm rơm. Lần dò về, gã tự nhủ mình chỉ đứng đằng xa nhìn lén chắc không sao. Nhưng vào giây phút gã trở nên ủy mị, là đã đưa tay chịu trói. Thật hoang tưởng khi nghĩ chỉ cần không tới gần, hoặc chỉ một vài giây thì thầm trên điện thoại thì họ không kịp vồ lấy.
    Mình sẽ không gọi cho má, không đâu. Khó hình dung được giọng bà sẽ ra sao khi nhận được cuộc gọi của mình. Đoán là tiếng bà sẽ méo đi, hoặc cao quá mức kiểu sói tru hoặc tông thấp đến nỗi mình sẽ không nghe bà nói gì, như thể bị nghẹn khoai. Má hay nghẹn khoai, tay đấm ngực và ú ớ vẫy tay kêu ai đó lấy giùm chút nước, nhưng nếu mình có ở gần đó, mình chỉ nói ăn chậm thôi, ai kêu má nhai cho cố, và thấy tiếc nuối vì đã để vài con kiến chạy thoát khỏi bãi đất đầy xác chúng.
    ......0000/ChiBa
    Hồi chưa đính nó vào bộ nhớ điện tử, mình đã thuộc làu số của chị Ba. Chuỗi số không về cuối giương xúc tu bám dính vào rãnh não mình, nhưng chẳng ích gì, nghĩ tới chị người mình tạnh ngắt. Đó là lúc ai đó hỏi mình có đông anh em không, câu hỏi mang tính cứu vãn không khí gượng gạo của một buổi gặp chẳng ra làm sao. Mình có thể nhìn thấy sự lơ đãng trong mắt người hỏi, cùng lúc một phụ nữ xanh lên trong đầu.
    Chị không phải chị ruột tui, dám cá luôn, mình nhiều lần nói vậy, khi nhìn vào làn da siêu thực của chị. Xanh đến tái mắt người nhìn vào. Đặt cạnh tàu lá chuối, da chị nhạt hơn một chút, nhưng khi ngồi với mẹ, trông chị đầy diệp lục. Mình ít khi ngó lâu, sợ xanh cái nhìn đi, sau đó xanh loang vào mọi màu sắc khác thành ra lờ lợ hết. Đến lúc đó nhìn cờ không ra cờ, biển trông giả dối, và cầu vồng tái mét chết trôi giữa trời.
    Tụi mình không phải ruột thịt gì đâu, mình nói, lúc buồng bên vẳng âm thanh của tiếng những cú đấm đá dội bình bịch lên thân thể má. Sao mầy không khóc? Giỏi thì khóc tao coi!, tiếng gào của người mình gọi là cha thì cùng lúc hoặc sau đó. Cũng có khi ông nói mầy van xin tao đi, nhưng giọng ông như thể van xin má. Nhưng má lầm lì như một bao muối từng rang qua lửa. Khô se, ráo hoảnh. Hồi đó mình nghĩ do má không khóc nên bị đòn. Nhưng nếu má có khóc thì ông chồng bà biết là bởi đau quá mà hệ thần kinh phản xạ phát tiết nước mắt ra. Không phải thứ nước mắt thần phục.
    Lâu rồi không gọi chị Ba. Tin tức gần nhất là chị được thằng cha Ấn phì lũ bao nuôi. Ai bảo chuyện đó với mình, cũng không nhớ rõ, nhưng chắc không phải chính chị. Tụi mình đứt đoạn cũng năm bảy năm rồi thì phải (trời, cái từ thì phải gớm gì đâu, hệt cái câu abc quen nhau mười lăm năm có lẻ/ lẽ), nhưng thật là mình lơ mơ, chỉ nhớ hình như gặp nhau lần cuối ở một chốt đèn đỏ. Người ta nói gì ở chỗ đó? Chị bảo chị vừa đốt nhà kho. Mình gật đầu, nghĩ tới truyện ngắn Nhật. Và sắc xanh đổ đầy đèn và tụi mình văng đi hai hướng. Một ý nghĩ kinh hoàng phạt ngang đầu, nếu đèn đỏ bị lỗi gì đó mà tận mười phút mới chuyển màu, bị kẹp giữa hàng trăm xe máy, mình biết làm sao cho gượng gạo đừng tràn vào màng phổi? Không có chuyện gì để nói. Kể chuyện cũ sao? Ôi trời thôi đi. Chuyện cũ nhà mình như một bãi rào gai gỉ sét, có điên mới tự ném mình vào. Kiểu như, nhớ không, bữa cha xởn tóc má, tụi mình chơi ngắt đầu dế ngoài rào, coi ai ngắt được nhiều và nhanh nhất. Nhớ không, cái lần con chuột chết sình trong hồ, cha thấy mà không nói, đợi má uống nước ấy nửa tháng trời, ông mới cười cười hỏi uống không thấy tanh sao. Nhớ không, bữa chị thu dọn đồ vào ba lô, má kể ông tổ họ bị nhà Nguyễn chặt ra làm nhiều khúc vứt ở nhiều chỗ khác nhau, rồi trịnh trọng nói thêm bởi vậy nhà mình rã bèn như cứt gặp mưa. Nát đây là bên ngoại, hay chính nhà mình, má nói không rõ. Má là chúa bâng quơ. Như kể chuyện chị Hai biến mất, Nó bơi qua sông, đâu biết có qua nổi không, sông bự quá mà, rồi biệt tăm tới giờ.
    9345....87/Vu Nhatho
    Vũ hay Vụ, Vu, Vù. Nhà thơ hay nhà thờ. Không nhớ nổi, nhìn vào lại nghĩ đến Sedna – một tiểu hành tinh xa xôi của hệ mặt trời. Con người này rốt cuộc là ai, sao lại dính dấp vào đây, sao mình lại không xóa sau nhiều lần thanh lọc? Chắc là số điện thoại được lấy sau những cái bắt tay vờ như nồng ấm, chắc khi vờ như tha thiết đính những con số vào bộ nhớ điện tử, mình đã rên thầm lại mất công xóa. Có lần ông thợ sửa điện thoại choáng váng khi thấy chỉ chục ngoài liên hệ trong danh bạ của mình. Anh đây có cả ngàn số, ông khoe, nhìn mình như một người qua đường nhìn vào cái nón trống rỗng ngửa trước mặt kẻ ăn xin. Mình cười. Thật viển vông khi tin rằng đưa số điện thoại cho nhau là một cách buộc chặt. Chỉ cần gọi điện thôi mà, kẻ hoang tưởng ấy nghĩ. Cha cũng vậy, hồi gặp nhau ở trạm trung chuyển Ba Tháng Mười, ông đã ghi số điện thoại mình đọc cho với vẻ mặt hân hoan đến mức mình thấy hơi ái ngại khi hình dung ông gọi tới một kẻ xa lạ nào đó và xưng cha đây con. Chiếc xe buýt xanh lơ trờ tới đúng lúc, ông kịp nói ông có về xóm nhưng không tìm được ai, bấm chuông nhà cũ thì gặp chủ mới. Và lúc tìm chỗ ngồi trên xe, mình đoán ông cha rõ là đói meo sẽ nhìn theo hút bóng, nhưng như lời bài hát rằng con đường dài thật dài thẳng mãi có bao nhiêu, úm ba la mình biến mất.
    997......5/Vo cu 1
    Ôi trời ơi, thôi đi.
    090....11/Vo cu 2
    Chắc là cổ vẫn ổn. Người đàn bà đó luôn ổn dù mọi thứ trên người cổ chống chỏi, kháng cự nhau. Bộ ngực quá khổ và chiếc mông phẳng, cái mũi gồ và đôi mắt hẹp khổ, thiền định mỗi ngày và thích chen ngang giữa hàng. Lần gặp gần nhất, ở tòa, trong phiên xử ly hôn, mũi cổ vẹo vì té sấp mặt trong lúc tranh chỗ chụp ảnh cùng sếp cấp cao.
    Em giống người trong tranh Picasso, mình nói ở sân tòa lúc ra về, sau phiên xử nhẹ bẫng, thấy không cần phụ chú thêm, có nói danh họa ấy là ai cổ cũng chẳng thiết đâu.
    Đưa em chìa khóa. Sáng em ngồi buýt tới để lấy xe anh về, giờ nó của em, cổ nói. Còn máy ảnh nữa, em chỉ mới lấy được cái sạc thôi.
    Trong tòa, trước vị nữ thẩm phán cứ ngáp không nguôi, cổ nói tất cả vật dụng và cả căn nhà, đều không thể bù đắp cho những thua thiệt, tổn thương mà cổ phải chịu, Nhưng tôi muốn giữ hết mọi thứ để những người mất niềm tin vào công đạo nhận ra nó có tồn tại. Cổ đọc ở đâu mà nói hay vậy chứ, mình phục quá sức.
    Không biết bây giờ cổ làm gì với cái sạc. Cổ từng gọi hỏi về máy ảnh sau đó, nhưng mình cũng không nhớ nó ở đâu, đã từng có lúc nào. Một cái máy ảnh đi với ham muốn níu giữ thứ gì đó đẹp đẽ. Nhưng đẹp không phải dành cho, hay thuộc về mình. Đã lần nào mình nhìn trọn vẹn con đường vượt đèo Mây khi lên tới Cửa Trời đâu, cái dải lụa trắng loằn ngoằn ấy mình cứ liên tưởng tới dây treo cổ. Cái lần xe chết máy ngay vịnh Mù Sương, trong lúc chờ cứu hộ, mình đã áy náy biết bao nhiêu khi buộc phải ngồi ngắm tàu đánh cá trải sao trên biển. Hay những bận qua núi Thiên Cầm, mình cố lái xe thật nhanh để vỏ não khỏi nhiễm vàng cái màu lúa chín trên dải ruộng bậc thang.
    Có khi nào em hoang tưởng ra cái máy ảnh đó không? mình nói, ở lần gọi cuối cùng từ vợ cũ. Và cổ đối lại chỉ bằng hai từ, mỗi khi nhớ tới mình cảm thấy được an ủi bao nhiêu, thấy rốt cuộc cũng có ai đó lột tả được con người mình, ngắn gọn và chính xác nhất.
    Đồ khốn.
    9012...... Meo
    Chắc họ đã buông tha thằng nhỏ vô tội, lâu quá rồi mà, nhưng lưới vẫn giăng quanh khu trọ nó, chờ điện thoại nó run lên. Mình không gọi đâu. Dù nửa câu họ cũng sẽ tóm được mình, đẩy lên thùng xe tối như hầm ngục.
    Thằng Mèo chắc còn chóng mặt, bởi dư chấn của những câu hỏi phang tới tấp xuống người, và cú đâm xe lúc qua đường mà mình là thủ phạm. Lẽ ra mình cứ bỏ chạy luôn, lúc đó nắng nóng khiến phố xá hấp hối, vắng tanh như hồi Đại Phong Tỏa. Phải mình cứ mặc nó tự xoay sở với cơn xây xẩm, thì nó sẽ không bị họ làm phiền. Nhưng điên quá, mình lại đưa thằng nhỏ về phòng trọ, bởi cơn chóng mặt của nó vẫn chưa ngừng nên mình nán làm bữa tối. Một thằng nhỏ đẹp đẽ, thanh thuần, nó vẫn tin gã đàn ông lạ trong phòng chiều đó là một người qua đường tốt bụng, còn kẻ gây ra tai nạn thì bỏ đi rồi. Chắc chú đó có công chuyện gấp, thằng nhỏ Mèo nói, chóng mặt đến không mở nổi mắt, trong một ngày vũ trụ quay quanh nó với tốc độ điên khùng. Đưa nó đi bệnh viện lúc này hơi xa xỉ, nhưng nhằm gia giảm cảm giác tội nợ, mình bèn lấy số điện thoại thằng nhỏ. Một hành động vô nghĩa, đến giờ mình cũng không thể gọi vào cái điện thoại vỡ ra từng lớp, được cố định bằng dây thun kia, để hỏi nó đã khỏe chưa. Họ vẫn đang rình chờ ở đó.
    Cá mòi đóng hộp là làm bằng cá gì, hả anh? Bữa thằng Mèo hỏi vậy. Sao nó phải làm mình nghẹn bánh mì?
    …8888… Ga ChoCu
    Nhưng không. Là ai cũng không được gọi. Người đàn bà này cũng không. Mình chỉ được phép tiết tiết nước dãi cho miệng đầy ứ ra, khi ký ức đưa về một khu vườn đầy trái cây hườm chín. Cái số đếm tự nhiên ấy, chín cũng đồng nghĩa với quả già. Tám đứng trước, chưa muồi hẳn, nên ngọt chưa đậm, hệt vị rún của chị bán gà cúng bên hông Chợ Cũ. Mỗi khi nhớ cái vị chua ngọt thanh thao ấy, cả trên vú và nách và khóe tai của người đàn bà nọ, mình đều cố nặn óc ra một cái tên. Nhưng hoặc chị ta đã từng nói rồi mà mình quên, hoặc mình chưa từng hỏi. Những lần gặp nhau thường vội, tàn một cây nhang cộng với năm phút trước đó, lúc chị sắp bày con gà luộc ra bàn bày phía trước xe. Rồi chị trườn lên ca bin trong lúc mình thắp nhang. Mặt chị tròn hay nhọn cằm, da chị chai sần hay trơn nhẵn, thân thể mỡ màng hay bén ngót xương, mình không còn chút ấn tượng nào. Chỉ cái vị chua ngọt nổ tung trong vòm họng mỗi khi nhớ về, cùng lúc là tiếng chào mào lúc xa lúc gần trong khu vườn ảo giác.
    Đáng lẽ trong lúc bỏ trốn mình ném điện thoại vào con sông nào bên đường. Hành động chỉ mất năm giây, nhưng mình đã không làm, như thể ma quỷ xui khiến mình mang món đồ bị nguyền rủa ấy đến nơi chốn khỉ ho này.
    742……./Sep
    Gọi điện chính là tự thú. Mình biết chứ sao không. Chỉ là mình hơi sợ cái ham muốn nóng ran khi se ngón tay lên màn hình. Như thể điện thoại đang trả đũa cho quãng thời gian bị lãng quên trong thùng đồ thờ sứt sẹo, mình càng kháng cự nó càng dính vào tay.
    Mình đã có những ngày an ổn quá mức, đến quên mất thân phận trốn chạy. Vài lần mình bước qua lại cái cổng chùa coi có dấu hiệu gì cho thấy nó là ranh giới mở ra một thế giới khác không. Một thế giới song song chẳng hạn, như phim ảnh và sách vở hay đầu độc vào những bộ não hão huyền. Nhưng chẳng có gì khác biệt, dù đứng trong hay ngoài cổng, mình vẫn lút ngọn trong đám sương mù ẩm ướt, chỉ tiếng chim kêu qua minh quản đầy hạt nước, nghe lành lạnh đâu phía dưới núi. Đến âm thanh còn không vượt qua được sức nặng căng sữa của sương mù. Lâu lâu nghe được tiếng chuông của bọn dê bên sườn núi, âm thanh cảnh báo mình vẫn còn ở thế giới loài người. Bầy dê phải có chủ, và chủ chúng đang ở đâu đó. Một cô mọi nhỏ, mình ước vậy. Nhưng cô cũng xa, đến tiếng ới lên cũng không đến chỗ mình. Vài lần tưởng ai đó giũ áo phơi sào nhưng chỉ là bọn dơi đồng loạt vỗ đôi cánh đẫm nước. Ở đây dơi nở rộ suốt bốn mùa, mình đoán chúng không nhìn đường bằng mắt, nên không cần quờ quạng giữa sương đặc mà bay.
    Lúc mình đến, trừ ba ban thờ không tượng, mọi thứ trong chùa vẫn sẵn, cứ như trụ trì vừa mới rời đi tụng niệm cho một đám chết nào. Không kiếm được cái mạng nhện làm thuốc, mình ngó quanh, trong lúc lục lọi bếp coi có vũ khí chi đủ làm khó mấy ông sư khi họ quay lại. Se tay lên lưỡi con dao bén ngót, mình thấy vô lý sao nhà chùa lại có thứ dao sắc ngọt vậy. Lận chúng vào người, mình ém trong kẹt lu nước gần cửa sau. Ngồi ở đó, mình nhìn thấy dòng chữ Sương rất độc tẩm vào người nỗi chết, màu gạch, gồng từng nét trên tường bê tông xám. Ngay giây phút ấy, mình nghĩ cái nơi chốn này đã bị bỏ rơi.
    Đúng là chẳng ai xuất hiện trong cái biển sương không trọng lượng. Ban đầu sự không người khiến mình bất an đến không ngủ nổi, cảm thấy dưới ban thờ, gầm giường hay trong những cái hòm gỗ chứa đồ thờ đều có mai phục. Bình yên quá, cũng như đẹp quá đều không đáng tin. Mình đọc được cái truyện về những người kiểu vậy.
    089........./Ma
    Lại nữa. Mình thề là mình không nhớ bà, còn chẳng biết giờ bà sống ở đâu, sau khi bán căn nhà và tạm bợ trong những căn trọ ốm o. Nhưng số điện thoại má dừng lại trên màn hình mời gọi như miếng mồi trong bẫy. Sau dãy số hiện ra một hình người hoặc đấm ngực vì nghẹn khoai hoặc đâm muối ớt đắp lên những chỗ bầm. Má có thể chạy nhưng không chạy, có thể trả lời rõ ràng những câu hỏi để khỏi chịu đòn nhưng bà lại chọn bâng quơ, Tùy, nghĩ sao cũng được. Mình hay hình dung má nói gì khi họ tới nhà hỏi tung tích đứa con trai tội lỗi của bà. Tết rồi tui có gọi, nghe nó nói đang lên máy bay, không biết bây giờ đã xuống đất chưa, hoặc Thằng nhỏ thích dầm mưa, có khi tan thành nước, dám lắm.
    Không là không. Tuyệt đối không gọi vào số điện thoại bất kỳ nào, cả những con số không được định danh đang trôi nổi trong không khí. Kết nối nghĩa là tự chỉ điểm. Cái bẫy đang chờ sập, rõ quá mà, đã lâu vậy mà tài khoản điện thoại vẫn sẵn sàng cho một vài cuộc gọi đi, pin vẫn còn một vạch khi mình ấn nút nguồn mở máy.
    Mình không gọi đâu, dễ gì. Đỗ đã nói với mình tử huyệt của bọn trốn chạy không phải là Tình minh hay Á môn hay Cưu vĩ, tử huyệt chính là muốn sà vào đồng loại. Bây giờ thì không, nhưng vào một ngày nắng lên (có trời mới biết con người bị thời tiết dắt mũi đến những bến bờ nào), những kẻ đã bước qua thế giới khác rồi bỗng dưng hồi nhớ bầy đàn cũ. Nhớ, thứ cảm xúc ủy mị ấy hệt như cơn ngứa, nó tới thì phải gãi, cả trong vô thức, kháng cự sao nổi.
    Sao chủ đề đó lại mở ra trong bữa rượu, sao Đỗ nhìn mình bằng ánh mắt ảm đạm mờ tối, mình không nhớ ra. Khi lùi lại một quãng xa, bao quát cả quán bia đêm đó, mình thấy cái gã mang tên Định Mệnh cũng ngồi ngay bên cạnh. Nên chuyện về đám trốn chạy lại in vào đầu mình, dù chẳng nhớ đã ba hoa những gì, đã làm những trò mèo nào, về nhà bằng cách chi. Bữa đó tụi mình uống như điên, như muốn chết đi cho rồi, như biết không còn ngày mai nào để uống.
    ….308…/Xaxoi
    Không là không. Là ai thì mình cũng không gọi. Lẽ ra mình không nên mở điện thoại lên, dù có tình cờ nhìn thấy lúc bưng thùng đồ thờ ra sân phơi. Nhưng cái tay quỷ ám của mình đã chạm vào nó, đã thắp lại ánh sáng xanh lên mặt nó.
    Giây phút đó mình chỉ muốn biết đây đã là ngày tháng nào. Ngày sương mù, đêm mù sương, mình bị mất dấu thời gian ngay từ tuần thứ hai ở đây. Sương sương sương và những sương. Không có ngày hay tuần, chỉ sương đặc và loãng đi một lúc để đặc hơn, hệt con hổ thu mình trước lúc vồ mồi. Đến mình với sương còn không phân biệt được mình là sương hay sương là mình. Người nhà chùa chắc bỏ đi vì lẽ đó, không làm sao chịu nổi mịt mù, mi mắt lúc nào cũng trĩu nước, tường lạnh và quần áo ẩm. Bữa mình nhận ra nơi chốn này bị bỏ rơi, mình đã sướng điên, đốt lên đống lửa hong cả người, bởi biết bao khói cũng được sương che chở hết. Còn chỗ nào ẩn thân hoàn hảo hơn.
    Họ đang lùng kiếm mình dưới đó, một lần mình sực nhớ, là khi gạo trong hũ hết veo. Mình nghĩ tới chuyện xuống núi lấy gạo nhưng hình dung tới chuyện phải áp vào tiếng người léo nhéo lẫn trong tiếng động cơ, rồi mùi mồ hôi người với mùi xăng cháy, ngại chết. Cây trái, khoai củ quanh chùa thì bạt ngàn thiên dã, kiểu gì cũng không chết đói, chỉ ăn với ngủ, tốn mấy sức đâu. Giữa đám sương mù mưng mủ, mình chẳng cần phải nghĩ cách tỉa thưa loài người đi.
    0293……/Trai Hom
    Mình sẽ thả điện thoại vào đống lửa ngay đây. Sự phiền này sắp quá sức mình. Cái vạch sóng phập phồng đó rõ là thứ mồi nhử rẻ tiền. Giờ càng tin điện thoại thông minh được gửi tới từ địa ngục. Mình nghĩ vậy suốt, những lần ngồi quán cà phê, ngó những đám người chung bàn mà ai cũng cắm mặt vào điện thoại trong tay, phải là món đồ quỷ ám người ta mới không thể dứt mắt ra khỏi thứ ánh sáng xanh quái đản đó.
    Một khi mẫu vật chất kia bị lửa thiêu cho biến dạng hình hài, họ thật sự mất dấu con mồi. Phương tiện kết nối mình với thế giới không còn, mọi thứ sẽ trở lại như cũ.
    Chỉ là, mình không biết khi đó có khắc chế được bản thân đừng chạy đi lùng bắt em mọi chăn dê. Hoặc chẳng có em nào, ngoài một ông già khô quéo. Nhưng mình bất chấp trẻ già, không quan tâm kẻ đó mù tiếng miền xuôi, mặc kệ cơn bốc đồng ấy có thể đưa mình vào cửa ngục. Mình cần ai đó có dạng người, để nói sớm nay nắng đã đột ngột quay về, phi thường không tin được, nắng tẩy sạch sương mù trong thoáng chốc, hóa mật những gì nó chạm vào, sau khi đã nói với đống củi, tường rào, con cóc đá, tấm chiếu rách, tượng Phật tróc sơn, cơn gió, cây cỏ, cái đầu gối của mình:
    “Phải cả thế kỷ rồi mới thấy lại nắng đó trời, sáng phải dụi mắt mấy lần, tưởng mơ luôn chớ”.

Kết Thúc (END)
Trần Đức Tiến
» Ai Đó Hình Người
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Bố Chồng
» Làm Mẹ
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Quà Giáng Sinh
» Người Dưng Làm Má
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Bầu Trời Của Người Cha
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò
» Tuyết
» Xác Ngọc Lam