Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Phận Gió Tác Giả: Đào Thu Hà    
    Hân thương Kiên từ lúc còn thơ bé. Nhà Hân và Kiên giáp nhau một mảnh vườn rộng, chẳng rào giậu gì.
    Hân tỉnh dậy vào lúc gần sáng. Từ bao lâu rồi chẳng nhớ, cô thường thức dậy tầm này. Hình như là từ ngày Kiên rời làng. Có thể là từ khi chị Hiên đi lấy chồng. Mà có khi xa hơn nữa, từ buổi sáng giật mình tỉnh dậy, quờ tay sang kế bên ôm mẹ chỉ thấy lặng ngắt, trống trơn. Từ ấy, những sớm lễnh loãng thứ ánh sáng mờ đục lọt qua ô cửa sổ, chỉ thấy tiếng ho khan của cha là rõ nét, trầm đục, nghe tức căng lồng ngực, rấm rứt như cố nén mà chẳng được.
    Hân ngồi dậy, lắng nghe. Hình như có tiếng bước chân ai qua cổng rất khẽ. Cô thấy lồng ngực mình cồn cào một nỗi mong chờ rồi rơi hẫng một nhịp khi nhận ra đấy chỉ là tiếng gió quét qua đám lá khô xào xạc. Lòng cố kìm một tiếng thở dài. Mùa gió sắp hết. Và Kiên chưa trở lại.
    Kiên bỏ làng vào một ngày trời vừa trở gió. Hân nhớ rõ ngày hôm ấy, nhớ đến nỗi dù lòng quặn thắt lại, dù có cố làm mọi cách để quên đi thì mọi chi tiết vẫn cứ hằn sâu. Niềm vui khi biết một sinh linh bé nhỏ vừa hình thành trong mình chưa kịp nhen lên đã nhường chỗ cho những ngơ ngác khi nhận ra Kiên thực sự đã rời đi.
    
- o O o -

    Cho đến tận bây giờ, Hân vẫn chưa từng trách móc Kiên. Dù rằng Kiên chẳng một lời từ biệt. Dù rằng trước đó, Kiên đã gieo trong Hân niềm tin mong manh rằng rốt cuộc cô đã có thể giữ Kiên ở lại. Có lẽ, vì từ những ngày còn thơ bé, nhìn Kiên tự mình chịu đựng những vết roi hằn lên thể xác và những vết nứt dọc ngang khắp tâm hồn non nớt của một đứa trẻ, Hân luôn tin rằng, rồi sẽ đến một ngày, Kiên rời bỏ ngôi làng, rời bỏ căn nhà chứa đựng trong anh nhiều buồn đau hơn là những êm đềm, đẹp đẽ. Vì Hân biết, sau mẹ, người duy nhất níu kéo anh ở lại là chị Hiên cũng đã đi rồi. Những ràng buộc giữa anh và Hân mong manh quá…
    Hân thương Kiên từ lúc còn thơ bé. Nhà Hân và Kiên giáp nhau một mảnh vườn rộng, chẳng rào giậu gì. Mỗi khi nghe tiếng quát tháo của cha Kiên, Hân biết tìm Kiên ở đâu. Kiên sẽ mang cánh tay bầm tím hay tấm lưng lằn những vệt roi ra cuối vườn giáp với nhà Hân, ngồi thu lu dưới gốc cây bưởi mà khi còn sống mẹ Kiên thường hái lá, nhặt hoa đun nước gội đầu.
    Kiên cứ bặm môi ngồi đấy cho tới khi bóng tối phủ sương lạnh ngắt đôi vai. Hân ngồi bên cạnh, lặng lẽ chảy nước mắt vì thương Kiên, vì chẳng thể chịu đau giúp Kiên, vì không biết phải an ủi Kiên thế nào. Lớn lên, thứ tình cảm trẻ con ấy trở thành tình yêu từ lúc nào chẳng rõ. Nhưng chỉ ở phía Hân thôi. Kiên coi Hân như đứa em gái hay lẽo đẽo theo chị Hiên và anh. Anh thương chị Hiên nhưng anh giấu kín điều ấy. Mãi tới ngày chị Hiên đi lấy chồng, Hân mới biết.
    Chị Hiên không phải chị ruột của Hân nhưng Hân thương chị. Đến giờ Hân vẫn thấy thương thắt lòng mỗi khi nghĩ đến. Dẫu cho vì sự xuất hiện của chị mà mẹ Hân bỏ đi. Và dù rằng, chị là người mà Kiên yêu. Dù có lúc những hờn ghen khiến Hân cay đắng, xót xa nhưng chẳng thể nào Hân ghét nổi chị sau tất cả những điều chị đã dành cho Hân và Kiên.
    
- o O o -

    Cha dắt chị Hiên về nhà sau chuyến tìm gặp lại ân nhân cũ. Cha nói, nếu không có mẹ của chị Hiên, cha đã chẳng thể trở về và có Hân. Hân nhớ láng máng có lần cha kể cho mẹ và Hân nghe, năm ấy giữa rừng, cha lạc đơn vị, lại lên cơn sốt rét. May có người nữ thanh niên xung phong phát hiện, đưa về đội chăm sóc. Trước ngày tìm về lại đơn vị, cha và cô gái ấy đã kết nghĩa chị em. Ngày cha tìm lại được người nữ thanh niên xung phong ấy thì bà đang hấp hối. Bà nhận ra cha, níu chút hơi tàn nhờ cha chăm sóc chị Hiên rồi khép lại một kiếp người.
    Những ngày lo đám tang cho bà, cha nghe dân làng bảo, hết chiến tranh bà trở về thì người nhà không còn ai. Bơ vơ, cô độc, bệnh tật do những năm tháng sống nơi rừng thiêng nước độc đã mài mòn tuổi trẻ, nhan sắc và một phần sức khỏe nên bà trở thành người “quá lứa lỡ thì”. Rồi chẳng biết bà “xin” đâu được đứa con là chị Hiên. Mặc người đời dè bỉu, xa lánh, mặc cho khó khăn, không được nhận chế độ do giấy tờ đã mất hết, bà vẫn lần hồi rau cháo qua ngày nuôi con. Nhưng rồi, bà chẳng thể gắng gượng nữa khi bệnh tật giày vò. Cha đưa chị Hiên về, phần vì báo đáp ân tình, phần vì lời nhờ của người đã mất, phần nữa vì không nỡ nhìn chị phải vào trại trẻ mồ côi.
    Có lần Hân hỏi cha có hối hận không khi đưa chị Hiên về nhà, cha cười hiền, khẽ lắc đầu. Cha bảo, chị Hiên lúc ấy cũng chỉ là đứa trẻ, biết gì đâu. Mẹ bỏ đi vì cha không đủ tốt, vì mẹ không đủ tin tưởng cha. Cha dặn Hân thương chị, lỡ mẹ không về, lỡ cha có mệnh hệ nào thì Hân cũng đỡ côi cút. Hân chẳng ngờ đấy cũng là những lời dặn dò cuối cùng.
    Những ngày đầu về nhà Hân, chị Hiên rụt rè, nhút nhát. Đêm nằm ngủ với mẹ và Hân, chị nói mê gọi mẹ rồi òa khóc. Mẹ thương chị Hiên. Mẹ vốn là người dịu dàng, đa cảm và giàu lòng trắc ẩn. Mẹ chưa từng một lần nặng lời với chị. Nhưng rồi mẹ lại chọn cách rời bỏ cha và Hiên. Hiên nghĩ, có thể bởi mẹ quá yêu cha, mẹ không chịu được những lời xì xầm của mọi người rằng chị Hiên là con riêng của cha. Hoặc đúng như cha nói, mẹ không đủ tin tưởng cha. Mẹ thấy mình bị phản bội sau chừng ấy năm đằng đẵng chờ cha trở về, sau chừng ấy năm có thông tin cha đã hy sinh và những người có điều kiện tốt hơn ngỏ lời với mẹ.
    Đến giờ, người làng vẫn nhắc về mẹ Hân trong những năm chờ chồng. Vừa rước dâu xong thì chú rể lên đường, mẹ không có cả đêm tân hôn. Ấy vậy mà mẹ vẫn chăm sóc mẹ chồng già yếu. Mẹ chung thủy, đảm đang đến mức lúc hấp hối, bà nội cầm tay mẹ dặn dò mẹ lấy chồng nếu cha không về.
    Mẹ và cha đã cùng nhau vượt qua những năm tháng khó khăn, những lời bàn tán sau khi cha về đã mấy năm mà mẹ chưa có thai. Nhưng rồi cuối cùng mẹ chọn cách trốn chạy dù cha đã giải thích. Hân khóc nhiều ngày sau khi mẹ bỏ đi. Cuối cùng, Hân học cách chấp nhận, hiểu cho mẹ và không oán trách. Chắc rằng, ngày ấy bà cũng đã rất khổ tâm vì những nghi ngờ trong lòng mình cứ lớn lên mãi chẳng thể giải tỏa.
    Chị Hiên là người nhạy cảm. Hân nghe chị hỏi cha rằng cha có phải cha ruột của chị không. Khi nhận được câu trả lời, chị trở nên trầm lặng hẳn. Có lẽ chị áy náy khi nghĩ rằng vì mình mà Hân phải xa mẹ.
    Kiên cũng là một đứa trẻ bị chối bỏ. Tuổi thơ của Kiên là những trận đòn roi và những lời chửi bới, nhiếc móc còn có tính sát thương hơn cả những trận đòn. Khi còn là một đứa trẻ, có lần, Kiên bôi mặt mình lem nhem, hí hửng chạy vào nhà khoe cha. Kiên ngây thơ nghĩ, nếu mình xấu xí có lẽ cha sẽ yêu thương mình hơn. Cha thường đánh anh, gọi anh là “thằng con hoang” bởi vì anh quá đẹp.
    Cha anh là một người đàn ông cao lớn, cục mịch với những đường nét khắc khổ trên khuôn mặt. Chẳng thể nhận ra thời trẻ ông như thế nào vì khi Hân bắt đầu biết để ý đến ngoại hình của một người thì ông chỉ còn lại tấm thân cao lớn lòng khòng, nhàu nhĩ da bọc xương vì cả thời gian dài chìm trong rượu chè, đau khổ và thù hận. Trong khi ấy, Kiên đẹp như một thiên thần. Hân cho rằng anh đẹp vì giống mẹ.
    Cha Hân bảo mẹ Kiên là cô gái đẹp nhất vùng. Cha Kiên từng là người hiền lành, chịu khó, khỏe mạnh và có nhiều tài lẻ. Cha Kiên cũng như bao người đàn ông khác trong làng đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Ông may mắn lành lặn trở về. Mẹ Kiên cũng như bao người phụ nữ chung thủy, sắt son chờ chồng. Hạnh phúc nhân lên khi đứa con đầu chào đời.
    Nhưng niềm vui chẳng kéo dài. Đứa trẻ sinh ra bị tật và chẳng sống được bao lâu. Những đứa tiếp theo cũng thế. Chỉ có Kiên lành lặn, khỏe mạnh và đẹp. Cha Kiên bảo, Kiên không phải là con ông. Kiên là sản phẩm của sự phản bội. Dù Kiên cố gắng làm cho mình lem nhem, xấu xí thì đòn roi từ cha vẫn giáng xuống anh như cơm bữa.
    Mẹ anh không chịu đựng nổi những lời đàm tiếu, những cơn giận dữ vô cớ từ người chồng từng yêu tha thiết nên đã chọn cách từ bỏ cuộc sống này để chứng minh sự trong sạch của mình. Ngày đưa mẹ ra đồng, Kiên không khóc. Hình ảnh Kiên với đôi mắt ráo hoảnh, câm lặng đi sau xe tang trong một chiều giông gió cứ khiến Hân nhớ mãi từ lúc còn là một đứa trẻ cho tới tận bây giờ.
    Sau cái chết của mẹ, Kiên lại hứng chịu những lời nhiếc móc của cha nặng nề hơn. Ông bảo chính vì Kiên mà vợ ông chết. Ông trút lên anh những ấm ức, uất nghẹn không thể giải tỏa và cả những day dứt, ăn năn vì cái chết của vợ. Kiên câm lặng, nhẫn nại chịu đựng. Cái nhìn khao khát chờ mong của anh mỗi lần thấy cha Hân xoa tóc Hân, mỉm cười với Hân cũng tắt ngấm. Anh ở lại, vì trước khi quyết định từ giã cuộc đời, mẹ đã dặn anh:
    - Dù gì, ông ấy cũng là cha con. Đừng bỏ rơi ông ấy. Ông ấy cũng tội nghiệp như con…
    Từ ngày ấy, nụ cười chẳng còn trên môi Kiên. Mãi cho đến khi chị Hiên xuất hiện.
    Chị Hiên hơn tuổi Kiên. Chị dịu dàng xóa vết lem nhem trên mặt Kiên. Chị khen Kiên có đôi mắt thật đẹp. Chị nấu cháo cho Kiên những khi Kiên đau, những khi Kiên lên cơn sốt. Chị ôm Kiên vào lòng, vỗ về như một người mẹ. Hân tự hỏi, có phải bởi những dịu dàng và cảm thông, thấu hiểu ấy mà Kiên thương chị, yêu chị hay không.
    Hân đã đi qua đời con gái trong cơn say của Kiên mà chẳng tiếc nuối. Giọt nước mắt của Kiên rơi xuống má Hân bỏng rát. Chị Hiên cho rằng chị nợ Hân một người mẹ, một mái ấm gia đình. Nhưng Hân nợ chị cả tuổi thanh xuân. Mẹ bỏ đi rồi. Cha chìm trong những nhớ nhung rồi buông tay trần thế. Hân thành đứa trẻ mồ côi. Chị Hiên đã từ chối bao nhiêu người để chăm sóc Hân. Chị xoa dịu những tổn thương cho Kiên và bù đắp những yêu thương Hân thiếu hụt…
    Khi Hân đã có thể tự lo cho mình thì một lần nữa, vì Hân, vì Kiên, chị chọn cách lấy chồng xa. Ngày cưới chị, Hân mới biết Kiên thương chị. Anh không dám nói vì mặc cảm mình là đứa không mẹ, bị cha chối bỏ. Chị Hiên cũng thương Kiên nhưng chị mặc cảm vì mình nhiều tuổi hơn, mặc cảm bởi luôn cho rằng mình nợ Hân một gia đình đủ đầy, mà Hân thì thương Kiên nhường ấy.
    Thật may là chị hạnh phúc. Ngày chị bế đứa con gái về thăm Hân, Hân thấy nét rạng ngời trong mắt chị. Có lẽ tình cảm chân thành của người chồng và thời gian đã khiến chị mở lòng đón nhận, quên đi cảm xúc giấu kín dành cho Kiên. Kiên cũng ôm đứa bé, khen nó xinh giống chị. Cả chị và Kiên đều không biết tình cảm đối phương dành cho mình. Ánh mắt Kiên nhìn con gái của chị dịu dàng đến nỗi Hân nghĩ nếu mình và Kiên có con, chắc hẳn anh cũng sẽ yêu thương nó lắm.
    Đứa con của Hân và Kiên chẳng có cơ hội cất tiếng khóc chào đời. Bác sĩ bảo đứa bé có thể mang di chứng của chất độc màu da cam. Hân hoàn toàn bình thường. Đứa bé có lẽ mang di chứng từ người cha. Hân ôm con, mang nó về nhà chôn gần gốc bưởi mà Kiên từng ngồi. Hân chẳng khóc. Nước mắt dường như đã cạn. Hân ước giá có Kiên ở nhà lúc này, anh sẽ thôi hoài nghi về nguồn cội của mình.
    Cha Kiên qua nhà, ôm lấy Hân, khóc như một đứa trẻ. Chẳng biết ai nói với ông chuyện của Hân và đứa bé. Ông nghẹn ngào nói lời xin lỗi.
    Kiên đã chờ câu xin lỗi này biết bao lâu, đã chờ giọt nước mắt ân hận của cha biết bao nhiêu. Nhưng anh chẳng còn ở đây để chứng kiến. Sự chịu đựng của anh có lẽ đã tới giới hạn khi cha nói rằng ông chết không thể nhắm mắt khi một kẻ chẳng biết con cái của ai sống trong phần đất tổ tiên của cha ông để lại, tự gọi mình là nỗi ô nhục của dòng họ.
    Những năm tháng sống cùng ông, chăm sóc ông những khi say xỉn, đau yếu, tự mình vật lộn, tự mình trưởng thành, mạnh mẽ vươn lên bằng sức sống mạnh mẽ như cỏ dại, chắc hẳn trong Kiên vẫn còn chút hy vọng dẫu là mong manh rằng một ngày ông sẽ đón nhận anh. Đến người dưng sống với nhau lâu ngày còn có tình cảm. Anh đã khao khát được gọi cha, được thừa nhận. Nhưng câu nói cay nghiệt của cha đã bóp nghẹt khao khát ấy.
    - Anh thích làm gió, đi khắp nơi mình muốn. Cũng chẳng cần quay lại.
    - Em nghĩ đến mùa gió sẽ lại trở về. Chính là ngọn gió của năm trước trở về.
    Đống lá khô đã cháy hết, gió thốc từng đám tro tàn bay lên. Cha Kiên ngồi bên bậu cửa, gọi với qua hàng rào:
    - Hôm nay thằng Kiên có về không con? Nó về cho cha nói lời xin lỗi. Chẳng biết cha có chờ được không…

Kết Thúc (END)
Đào Thu Hà
» Đồng Đội Ơi
» Ngược Nắng
» Trái Tim Người Lính
» Phận Gió
» Mưa Phủ Lều Tranh
» Đồng Đội Ơi !
» Mầm Thiện Xanh Ươm
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ