Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Món Nợ Tiền Kiếp Tác Giả: Nguyễn Thị Thanh Bình    
    Ông ở nhà ôm cái ti vi, nói bệnh đâu làm gì được. Hai đứa con lên tiếng thì ông chửi bất hiếu, rằng biết hai người vầy thì hồi đó ông đẻ cái trứng mang luộc dầm mắm chấm rau còn hơn.
    - Hồi dì đến thuê phòng, con đã giao hẹn trễ nhất ngày Hai mỗi tháng phải đóng tiền nhà cho con, dì thấy người ta Ba mươi cuối tháng hay ngày Một đã đến nhà con trả, dì ban đầu hứa ngày Ba, sau lên ngày Sáu. Riết thấy con không nói nên dì làm tới, nay mùng Bảy rồi chứ sớm gì!
    - Dì đâu muốn, tại hôm qua mùng Sáu chủ bệnh không tới phát lương, chiều nay ổng có nói mai sẽ phát sớm.
    Tôi nhìn người đàn bà nhỏ thó lúc nào cũng muốn cúi người trước mặt, không giấu tiếng thở dài. Nhà tôi có ba dãy nhà cho thuê trọ, mỗi dãy mười phòng, trước kia chị Hai trông coi, chị Hai đi lấy chồng mẹ giao qua tôi. Tôi không thích công việc này chút nào nhưng mẹ nói còn ai ngoài tôi. Nói trông coi cho oai chứ công việc chỉ đơn giản Hai sáu hằng tháng đi ghi điện nước, về nhập máy tính tiền, in ra phát cho mỗi phòng một tờ. Đầu tháng cắp sổ đi thu xong về nộp cho mẹ. Khách trọ đa phần người ở từ lâu quá biết tính, có người không đợi tới thu, chủ động đến nhà gửi trước. Có người tháng này có thưởng, gửi luôn cho tháng sau, có nhà con gái về thăm, ghé đóng luôn nửa năm cho yên tâm. Hằng tháng trả thêm ít chục tiền điện nước là xong.
    Riêng phòng số 6 này thì không. Từ ngày đầu tiên ghé thu tiền tôi đã thấy khó chịu khi ngoài cửa chất đầy các thùng xốp to nhỏ. Tháng một lần, lựa lúc mọi người đi làm hết, tôi mang bình xịt ra phun, thấy gián từ đám thùng túa ra như đi hội. Hôm sau hốt được cả ki gián, ông chủ nhà còn ra chắp tay sau mông, nói thuốc gì á, thuốc của đó đó hả. Tôi bỗng dưng muốn gắt, chú tính nói gì cứ nói thẳng, con xài thuốc Việt Nam, sản xuất ở Thủ Đức chứ không xài đồ của đó đó chú nói.
    
- o O o -

    Hai dãy nhà quay mặt vào nhau, phòng cuối cùng dãy bên này của cô sinh viên năm cuối, suốt ngày chỉ thấy cắm cúi với cái máy vi tính, lúc nào tai nghe cũng nhét tai, cần gọi gì là phải đập cửa rầm rầm nhưng đang bực mà thấy cửa phòng mở với nụ cười khoe trọn hàm răng trắng của cô, không bực nổi. Cô là người hiền nhất dãy trọ này, tháng một lần ông ba lên thăm bằng cái xe Cub cũ, ghé đóng tiền nhà, thi thoảng còn gửi thêm mấy trăm nói thấy em nó thiếu thì cô đưa em nó giùm chú, nói cô cho vay, chú không dám đưa nhiều, sợ nó tiêu hoang. Nhưng chưa khi nào cô nhóc đó hết tiền, chỉ là tôi phải mua gì đó mang tới khi nghe đám sinh viên ở đối diện nói ngày nay chỉ ăn bốn gói mì rồi.
    Phòng số 6 đó tận dụng khoảng sân giữa hai phòng làm nơi chứa đồ như tiệm phế liệu. Nói thì bà thuê trọ hứa mai sẽ mang bán liền. Tôi hầm hừ nói dì không giữ vệ sinh, bao nhiêu con người sinh bệnh dì lo tiền thuốc thang nổi không. Tháng nào tôi cũng hăm he cho người hốt quăng thùng rác nhưng đâu đành lòng và người đàn bà đó cũng vậy, hứa rồi đâu vẫn vào đó.
    Gọi nửa ngày mà phòng số 6 không thấy ai ra, gọi thì cứ gọi vậy thôi chứ tôi thừa biết bà thuê trọ sẽ ra nói cho khất đến mùng Sáu vì bữa đó mới lĩnh lương. Thật ra tháng một lần đến không chỉ thu tiền mà còn gặp khách thuê coi có gì phàn nàn hay hư hỏng không. Mẹ nói người ta phải tha hương, ở trọ bình dân toàn là người khốn khó. Mình không giúp gì được cũng nới tay cho người ta.
    Trong nhà rõ ràng có người, một người đàn ông khá mập cởi trần tóc ngắn mặc cái quần đùi lỏng thun ngồi thù lù trên ghế coi ti vi, dù tôi gõ cửa gọi thế nào ông cũng không quay mặt ra hay trả lời một câu. Tôi điên máu, nhà là nhà tôi, đi mướn nhà mà tiền không đóng còn có thái độ đó. Tôi có đi xin đâu chứ!
    Tôi nổi khùng cúp cầu dao, lúc này thân hình úc núc mới quay lại:
    - Mùng Sáu đến, ngày đó bả mới nhận lương.
    - Không! Nay mùng Hai phải đóng tiền nhà, ông về nói bả vậy, không thì chiều dọn đi.
    Tôi xách xe về. Thuê nhà tiền cọc năm trăm, mỗi tháng tôi thu là thu tiền trọ tháng mới và điện nước tháng cũ, cho dù nay ông bà chuyển đi tôi cũng không thiệt vì còn năm trăm cọc. Nhưng tôi biết chắc không đời nào ông bà già đó chuyển đi.
    Mẹ nói, hai ông bà là vợ chồng nhưng đường ai nấy đi từ ngày hai đứa con còn bé xíu, hình như ổng có bồ, về còn đánh đập vợ con. Một mình bà nuôi hai đứa con, cực khổ gì cũng nếm, đã vất vả nuôi con còn phải mắt trước mắt sau tránh khỏi đám cú vì bà có chút nhan sắc, lại mạnh khỏe, chưa kể thi thoảng còn bị đám “vợ sau” của ông đến quậy vì nghi ông mang tiền về cho bà.
    Hai đứa con bà đều có công ăn việc làm, đứa con gái đã có chồng có con. Bà ở một mình, hằng ngày đi làm, nghe nói bà dọn vệ sinh trong một trường mẫu giáo và mấy quán nhậu bình dân, lương đủ sống, lâu lâu còn mua quà cho cháu ngoại. Hai đứa con tháng nào cũng biếu mẹ ít nhiều, bà mở cuốn sổ tiết kiệm phòng thân. Tưởng nhàn, ai dè một ngày ông chồng cũ rích cũ rơ xác xơ quay về nói hối hận. Hai đứa con nhìn thân hình béo núc ôm một mớ bệnh, từ chối nhận cha. Ổng sụt sùi khóc lóc nói mắt mù mới bỏ bà đi theo đám nhền nhện kia. Trong lòng ông còn có bà nên ông ở vậy chứ đâu cho ai thân phận làm vợ ông. Đàn ông, ăn vụng nhoèn mép nhưng vẫn ráo hoảnh thanh minh, chẳng qua tham lam nay chỗ này mai chỗ kia hưởng thụ miễn phí mà không bị ràng buộc trách nhiệm, để bây giờ thành lý do cao cả rằng vì còn thương vợ cũ. Thế mà bà vẫn cho ông về ở cùng, dù là trong nhà trọ.
    Bà vẫn như cũ, sáng dậy từ bốn rưỡi đến quán quét dọn và chỉ trở về khi mười giờ đêm. Ông ở nhà ôm cái ti vi, nói bệnh đâu làm gì được. Hai đứa con lên tiếng thì ông chửi bất hiếu, rằng biết hai người vầy thì hồi đó ông đẻ cái trứng mang luộc dầm mắm chấm rau còn hơn. Ông còn nói nếu không có ông thì hai người làm gì có mặt trên đời, nên dù ông có hư thúi cỡ nào thì họ vẫn phải có bổn phận nuôi dưỡng báo hiếu.
    Lần đó trúng bữa tôi đi ghi điện nước, cùng với xóm trọ đông đúc đang đứng ngoài cửa nghe cãi lộn, tôi cũng bật cười.
    Ai nói hai đứa con bà hư hỗn chớ tui đồng ý với hai đứa. Làm cha mà bỏ con mình chạy theo bồ bịch cho sướng thân, còn đòi con cái phải có hiếu, quên gấp cho lẹ.
    Mẹ nghe tôi về kể cũng thở dài, nói đàn bà là giống lụy tình. Hồi ổng về bả cũng đến nói chuyện với mẹ, bả nói giờ ổng thân cô thế cô bỏ ổng sao đành. Tôi hầm hừ, sao mẹ không xúi bả kệ đi, đàn bà mềm lòng là đàn bà dại, cả tuổi xuân trai tráng gã đàn ông ấy vui chơi cung phụng những người đàn bà khác, về già sức tàn hơi kiệt muốn tìm người hầu nên quay về chứ làm gì còn tình với nghĩa. Tuổi đó ngồi đợi hầu chứ làm ăn gì, còn tốn tiền thuốc men ma chay.
    Mẹ nạt, bây nhiêu tuổi mà báng bổ, còn đời bây nữa, đừng nói trước. Tôi cười, thời nay đâu cứ phải lấy chồng, ở một mình không sướng thân hay sao. Chứ chồng mà như ổng, con không ham!
    
- o O o -

    Là mẹ con nói chuyện trong nhà, tôi chọc cho mẹ khùng lên, chứ chuyện của khách trọ mình nhúng vào chi. Từ ngày có ổng, bà thuê trọ như vất vả hơn, đi làm về còn đeo theo những thùng những bịch, nghe nói ổng phải uống thuốc. Mấy đứa sinh viên nhăn nhó, hông lẽ em xúi chị đuổi ổng bả, mười giờ đêm bả đi làm về là ổng nhằn nhử, có bữa đòi ăn gì đó bả không mua đúng là ổng cằn nhằn, khóc lóc. Có bữa lục đục cả đêm, tụi em ngủ không được luôn.
    Bà không đợi tôi tới cửa phòng, bà chặn tôi từ ngoài xa nói con thông cảm, ổng già lại có bệnh, dì chỉ chậm tiền chứ tuyệt đối không quỵt. Tôi biết bà không quỵt, hai đứa con bà thỉnh thoảng vẫn ghé nhà tôi hỏi thăm, có lần đứa con gái còn xúi tôi lấy cớ đuổi hai người đó đi, cho ổng lần nữa bỏ rơi bà, cho bà nhẹ thân. Mẹ em có bệnh, đó giờ thuốc đều không sao. Từ ngày ổng về mẹ cắt phần thuốc mẹ, dành tiền mua thuốc cho ổng. Mẹ em thì quần quật làm trong khi ổng ngồi nhà coi ti vi, cuối tháng thêm tiền điện, tiền nước, ăn còn đòi bữa đủ ba món mới chịu. Nếu mà cắt da trích máu trả nợ ổng được em cũng làm.
    Hai đứa nói chị cứ đòi tiền nhà rát vào, ổng sĩ lắm, có khi nhờ vậy mà ổng ngán bỏ đi. Mẹ có cuốn sổ tiết kiệm mà từ hồi ổng về mẹ lấy xài gần hết rồi. Nghèo nát mà bày đặt mắc bệnh nhà giàu. Còn tiền nhà tụi em dư sức trả cho mẹ, đến giờ mẹ còn bênh ổng lắm.
    Tôi im lặng, nhiều lần tôi nói với mẹ cũng mong vậy nhưng nghe hai đứa con nói ra miệng tôi lại không đành. Cả đời người đàn ông đó đã làm gì để về già thân phải sống nhờ còn bị chính con đẻ của mình khinh khi rẻ rúng. Nói như đám trẻ giờ là hồi trẻ ổng tạo nghiệp nên giờ phải trả. Vậy hai đứa con ông có phải cũng đang tạo nghiệp?
    
- o O o -

    Tôi có chuyến công tác xa ba tháng, khi về nghe mẹ thông báo:
    - Ông bà đó dọn đi rồi.
    - Mẹ có làm gì không đó? Hai đứa con bả nói gì kệ tụi nó.
    Mẹ lắc đầu, bảo mày con gái, giữ cái miệng lại. Nói cho đã cho thỏa để khẩu nghiệp biết không con? Không biết bả còn nợ gì ổng mà mắc mệt, trước bả đi làm cả ngày, sáng nấu ăn để đó cho ổng ăn trưa. Giờ ổng chê bữa trưa nguội ổng không ăn, kêu bà trưa về nấu. Chiều chủ gói cho bà ít đồ ăn thì ổng chê đồ dư đồ thúi người ta quăng. Tới lúc đó bà mới khùng lên nói tôi chỉ có chừng đó, không ăn thì nhịn, tiền nhà tôi còn không có để đóng kìa!
    - Rồi ổng bỏ đi?
    - Đâu có dễ, ổng nói chủ nhà khó ưa thì đi chỗ khác. Bả nói có chỗ nào cho cọc năm trăm, giờ trọ toàn phải cọc ba tháng tiền nhà, tôi có đâu. Ổng nói kêu hai đứa con đưa, tụi nó làm gì nghèo tới mức không biếu ba mẹ được mấy triệu, còn hù bà không gọi thì tôi gọi.
    Và ông làm thật. Không chỉ gọi điện như đã nói, sáng đó ông lên đồ đàng hoàng, kêu xe ôm tới nơi hai đứa con làm việc. Giữa bao người ông nói mình là cha của con trai con gái, rằng con trai con gái đã bỏ rơi cha mình lúc ốm đau bệnh tật.
    Một miệng nói truyền trăm cái tai, khỏi nói cũng biết hai đứa con ông đã nhục nhã thế nào. Giữa bao người bị chính cha đẻ lên án tố cáo thì còn mặt mũi nào nhìn ai.
    Ông tưởng mình thắng nhưng ông đã sai, quá sai khi ép bà vào chân tường. Đàn bà có thể chịu nhẫn, chịu nhịn, chịu nhục, chịu đau khổ, chịu đói khát… với điều kiện đừng chạm vào lũ con của bả. Ông vì bỏ bê trách nhiệm làm cha nên hẳn chưa nghe một người phụ nữ sẽ trở nên thế nào khi những đứa con bị đe dọa. Nghe ông nói tỉnh queo, bà nổi điên thật sự.
    Bà nói hai đứa con là do một tay bà nuôi nấng, nó không báo hiếu bà thì thôi, ông là gì mà đòi chúng có trách nhiệm. Một người cha vô tâm như ông, thà không có còn hơn. Và trong cơn điên, bà quăng hết quần áo của ông ra cửa. Sau hai tiếng chửi bới và năn nỉ, cuối cùng ông cũng đi. Là do đám sinh viên nói chú yên tĩnh cho tụi con nghỉ ngơi, đứa nào còn giả bộ lấy điện thoại ra gọi công an phường xuống. Thời gian đó phòng bà tắt điện đóng im ỉm.
    Ai biết khi đó ở trong nhà bà khóc hay ngủ.
    - Thật may cuối cùng bả cũng tỉnh ra, may mà hai đứa con bả không bị ảnh hưởng nhiều. Bả thương người mà đâu biết suýt hại con mình. Ủa mà sao bả lại dọn đi?
    - Ai biết, ổng đi mấy ngày thì bả cũng đi, nghe chừng là đi tìm ổng, sợ ổng một thân một mình. Đàn bà, mềm lòng đến khổ. Hay kiếp trước bả còn nợ gì ổng mà chưa trả hết?
    Tôi thở dài, đến nước này chẳng biết nói sao, mỗi người một hoàn cảnh, cứ tưởng về già con cái trưởng thành người ta sẽ sướng, chỉ ngồi hưởng phước. Mỗi người chỉ một cuộc đời sao lắm người cứ sống nhờ sống gửi vào đời người khác và có những người cứ xẻ đời mình ra chia khiến người kia cho rằng đó là bổn phận và họ có quyền xài. Tôi nói với mẹ:
    - Mai con kêu người quét dọn sửa sang lại phòng đó, mẹ đừng cho ai thuê vội nha, coi đến cuối tháng bả có trở lại không. Để mai con gọi cho hai đứa con bả coi sao. Mắc mệt hà!

Kết Thúc (END)
Nguyễn Thị Thanh Bình
» Trở Về
» Nhẹ Nhõm
» Món Nợ Tiền Kiếp
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò