Nhà văn Haruki Murakami viết, trong tiểu thuyết “Sau nửa đêm”, rằng con người ta có thể lấy ký ức làm nhiên liệu để sống. Phải, ký ức hắt bóng liên thông sang hiện tại, làm phong nhiêu cái hiện tại thường khi đơn điệu xơ cằn. Ai cũng có quá khứ, nhưng không phải ai cũng có ký ức.
Nhà tôi ở đầu làng, nhưng ngày ấy dọn về khu nội trú của trường xã ở cuối làng, để tiện cho mẹ tôi tay con cái tay phấn bảng; bên kia sông, đi qua cái cầu máng dẫn thủy lợi, là trường cấp ba nơi ba tôi dạy. Một buổi trưa, khi học sinh đã về hết, chị tôi bồng tôi ra dãy phòng học, để đút cơm cho tôi ăn. Chẳng nhớ bữa đó tôi ăn cơm với gì, chỉ nhớ là ăn được một lúc thì cơm còn nhưng thức ăn hết nhẵn.
Chị bồng tôi về lại căn nhà tập thể, vào bếp lật mở xoong nồi kiếm tìm thức gì để cho vào bát cơm ăn dở của tôi. Tuyệt nhiên không còn thức gì. Thế là chị mở cái chạn bếp, bưng cái thẩu mỡ ra, khều mấy miếng tóp cho vào bát cơm, rồi lại tay bưng bát tay bồng tôi đi ra dãy phòng học. Một đứa trẻ đang tuổi bồng trên tay là tôi ngày ấy, mà đã biết chụp lưu vào ngăn hồn cái diễn biến của sự kiện ấy, và đã biết trắc ẩn cảm nhận được vẻ buồn của chị trưa hôm ấy. Chị buồn vì thương em. Em thì thương chị vì chính cái sự buồn sự thương kia của chị. Mắt chị buồn hệt như cái chạn dính bồ hóng ngắt ngơ buổi bếp không củi lửa, hệt như những dãy bàn ghế xiêu vẹo trống trơ sau giờ tan trường.
Một buổi xế chiều, tôi nằm ngủ ở cái giường kê ngoài sân nhà nội trú, bên dưới giàn bầu giàn mướp vào độ rũ tàn. Khi tôi thức dậy, đang mắt nhắm mắt mở vì nắng chiếu vào mặt, thì phát hiện ra dưới gối là mấy chiếc kẹo ớt xanh đỏ tím vàng. Chưa hết ngái ngủ nhưng một nỗi cảm động dậy lan, khi tôi biết mẹ đi chợ về từ lúc nào, đã nhẹ nhàng đặt vào dưới gối tôi mấy chiếc kẹo ớt, loại kẹo mà tôi rất thích, vì sự gợi hình gợi vị của nó. Không phải tôi mừng vì bắt được quà, mà tôi cảm động vì cảm nhận được hơi ấm, của sự quan tâm yêu thương chiều chuộng.
Nhà trên và nhà dưới cách nhau chừng chỉ một cây số. Nhà trên ở đầu làng, nhà dưới ở cuối làng, giữa xã. Tôi không nhớ gì về những cuộc di dời cả. Lần gỡ sắp nối những manh mối ký ức, tôi ý thức được là ngày nhỏ mình lúc thì ở nhà trên khi thì ở nhà dưới.
Ở nhà trên, một chiều tối, ăn cơm xong, tôi cất bước ra sân đi về phía gốc khế đầu hồi, chẳng biết loạng quạng thế nào mà đá phải một con cóc. Con cóc phềnh bụng, chết ngửa. Tôi ngồi thụp xuống, mặc cảm tội lỗi đến ngẩn ngơ. Rồi tôi ngắt lá cà, xách con cóc đến gốc khế, dùng cái bay đào một huyệt nhỏ, hái hoa lá xung quanh khâm liệm và chôn cất nó.
Tôi sinh ra ở nông thôn, nhưng ba mẹ tôi không phải là nông dân. Ngoài thời gian đến trường, tôi chẳng có việc gì để làm, chỉ mỗi việc là ngồi vào bàn, mỏi thì nằm lăn ra phản, đọc tới đọc lui đến thuộc làu mòn vẹt những cuốn sách lý luận nghiên cứu văn học mà lúc đó lẽ ra tôi chưa đến tuổi đọc.
Cũng cứ sau mỗi buổi sáng đi học về, ăn cơm xong là thằng bạn cùng lớp với tôi lại ra ruộng. Đường từ nhà nó ra ruộng phải đi qua nhà tôi. Lúc thì nó gánh oằn một gánh phân. Khi thì con bò đi trước, nó vác cày hoặc bừa vừa đi sau vừa quất nhẹ roi vào mông bò. Lúc thì nó vai vác cái cuốc tay xách cái trang… Nghĩ, nó thì quần quật làm không hết việc, còn mình thì rỗi hơi sách vở văn chương, nên tôi khép hai cánh cửa bên phía bàn học của tôi lại.
Những chi tiết chẳng hạn như trên, vừa can dự vừa mở đầu vừa làm nên thiên tự sự đời tôi. Cái sự nhớ dai nhớ bền này, đến lượt nó, dạy tôi biết ứng xử cẩn trọng với/trước người khác, kể cả người đó là một đứa trẻ còn được bế trên tay. Đừng tưởng trẻ con thì không biết gì và không nhớ gì.
Hiện tại nào cũng là hệ quả tất yếu của quá khứ, được hình thành từ sự tích lũy của quá khứ. Quá khứ thì dần cũ, nhưng ký ức luôn nưng nức mới.
Kết Thúc (END) |
|
|