Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Nắng Bến Từ Cô Tác Giả: Ân Điền    
    Ngày Mẫn về, sông chẳng còn là sông. Người ta cho xáng múc sâu vào vàm, chia nhiều con kinh dẫn nước vào đồng. Nhưng đồng vẫn trơ nước. Đất nứt vằn vện như những mạch máu li ti nổi vân lên da thịt. Phía thượng nguồn vui buồn đập xả. Châu thổ cũng thắt thẻo theo mùa nắng khô khốc gió. Phù sa cũng lao đao mấy bận mưa giông dầm dề. Quê chẳng còn là quê. Ngoại buông lời đắng đót khi cái nắng tháng tư vắt ngang mé chái bếp hè sau.
    1 Xóm chạy giặc hình thành sau trận càn hồi những năm bốn mươi. Lục tỉnh tìm về, núp đời mình vào con sông lớn rậm rạp để giữ mạng sống. Đi qua biến thiên thời cuộc, người càng sinh sôi, đất càng nới rộng, sông càng hẹp lại. Lúc nhỏ, trong những lần ngồi vỏ lãi theo ông ra thị trấn, Mẫn hay nghe ông kể chuyện xưa. Hồi lắc lơ, hồi đờn ông, đờn bà xứ mình thiện lương thuận thảo sống nhờ lúa gạo. Hồi vịt thả đồng trắng tênh con nước. Hồi len trâu mùa nổi rộn ràng chạy lũ. Hồi đó, đám bông tứ thời vẫn còn vàng sắc phù sa châu thổ.
    Mẫn nghe rồi gật gù, biết ất giáp gì đâu mà trả lời. Gió sông buổi sớm mới phả vào người thằng cháu còn ngái ngủ cơn buồn thiu thiu khiến mắt chỉ muốn diếp lại. Vỏ lãi trôi về thị trấn. Con chữ trôi vào đời mấy đứa nhỏ bưng biền. Mấy đứa nhỏ chân còn phèn, tay vàng khè mầu đất. Người lớn cứ dặn đi, dặn lại phải ráng học. Học để đổi đời. Đứa học hổng vô. Đứa nghèo quá tiền đâu học. Đứa nhất quyết bỏ học khi nhìn đám bạn thị trấn áo trắng tinh còn mình thì cái áo cháo lòng năm ba miếng vá. Có đứa hôm nay còn ngồi vỏ lãi mà ngày mai đã nghe theo tía má tản mát đời mình lên thị thành. Xứ mình nghèo quá bây ơi! Ông nói vậy, khi cái vỏ lãi một sớm chỉ còn mình ên Mẫn. Bến Từ Cô lảo đảo con nước.
    2 Mẫn ngang qua trường nhìn cổng lạ hoắc. Ghé quán cóc liêu xiêu gió chiều, Mẫn kêu ly nước mía rồi ngồi nhìn Tám. Hồi Mẫn còn để chỏm, mấy ngày hè chạy rong ngoài đồng với đám thằng Tí, thằng Tèo, đám con Lành, con Ngọt. Mấy đứa nhà quê nên cái tên cũng quê mùa trớt quớt. Đám con nít sau khi chạy rong đã đời thể nào cũng ghé Tám kêu ly nước mía, hay xi-rô đá bào mầu xanh vàng đỏ. Xe nước mía ép bằng bánh quay tay. Mấy đứa con nít bảo nhau thể như lái tàu hải quân vậy đó bây ơi.
    Hồi đó Tám đẹp, tóc dài óng ánh, răng trắng đều như bắp. Đám con nít hổng biết sao xóm giềng kêu Tám cô đơn. Nhưng mà gặng hỏi chi cho mệt, chỉ biết Tám rất thương đám con nít. Mấy hôm không có tiền, Tám bán thiếu. Đứa nào nhớ bao nhiêu thì trả bấy nhiêu. Chừng lâu quá mà quên thì Tám cho. Tám cười nhẹ tênh. Đến cái tiếng cười của Tám cũng ngọt như mía.
    Mẫn nhắc chuyện xưa, Tám à ờ. Tám giờ tóc trắng mầu mây. Da đồi mồi. Tay run run. Xe nước mía giờ gắn mô-tơ. Bật cái công-tắc là chạy vèo vèo, vắt cạn cùng cây mía còn trơ xác. Tám vẫn mình ên. Vẫn bà ba sờn cũ, khăn rằn quấn quanh đầu. Chỉ khác là cái nhà mái lá xưa xa được thay bằng cái nhà tường mầu xanh lá chen lẫn khu vườn sum suê hoa trái.
    Tám nhớ chứ bây. Đám bây là đám phá nhất làng. Bây giấu cái dùi trống vào gầm xe nước mía của Tám để hôm đó trường chẳng thể đánh trống. Cũng là cái đám bây lấy mắc mèo trét ghế ông thầy dạy toán mấy bận kiểm tra. Rồi đứa nào, đứa nào nhét thơ tình ông thầy vào xe nước mía? Mẫn bất giác nghe tuổi thơ chảy dài trong niềm nhớ. Miền xưa ấy trong ngần tươi tắn quá đỗi. Tám vẫn cười nhẹ tênh. Tám biểu Tà lọt nè, quê giờ biết có còn là quê?
    Mẫn giật mình ngó Tám. Mấy mươi năm trường, cái tên Tà lọt rớt lại sóng nước chín nhánh phù sa từ hồi Mẫn qua bắc An Hòa lên thị thành. Chốn đô hội phồn hoa đâu ai kêu mình bằng cái tên quê mùa đó. Thiên hạ chỉ biết cái tên Mẫn. Ngay cả chính những đứa con bưng biền cũng rủ sạch cái tên phèn đó mà khoác lên mình những Hùng, Dũng, Tuấn, Tú đấy thôi. Giờ có người nhắc lại cái tên hồi trẻ dại, Mẫn nghe tim mình thình thịch. Sóng nước đâu có vỗ mà như ai giần, ai giã lòng Mẫn.
    Mẫn đứng lên ôm ghì lấy Tám một đỗi rồi chào ra dìa. Bước trên đường quê mà chân tròng trành. Ánh mắt Tám lởn vởn trong đầu Mẫn. Câu hát xưa cũ của Tám như dội về luềnh loáng cả chiều miệt bưng.
    3 Bận ngoại nói Tám chọn cho mình cái cô đơn mà sống. Đời nghiệt như sông. Sông cạn thì đồng hạn khô mất mùa. Sông lũ thì úng ngập thất bát. Sông cho người cuộc sống. Nhưng sông cũng lấy đi nhiều thứ khiến mình chết cả cuộc đời.
    Ngày anh chiến sĩ về phép thăm cô giao liên. Chiến trường khi ấy khốc liệt. Địch càn rát máu. Đêm sang sông lọt ổ phục kích. Máu nhuộm dòng Từ Cô. Tên chỉ điểm cặp mắt ti hí dẫn lính vào nhà đốt trơ trọi mái lá. Ông bà già Tám chỉ kịp chạy ra mé vàm thì đã nghe tiếng súng vang dội. Tám điếng hồn chết trân nhìn hai cái bóng đổ gục rồi lềnh bềnh trôi như lục bình. Phận người khi đó khác nào loài miên di. Chẳng xét ra thứ gì, chúng phóng hỏa. Chúng lôi Tám đi đâu đó. Người ta chỉ kịp thấy đáy quần Tám những giọt máu đỏ rơi xuống, tạo thành những vết máu loằng ngoằng theo từng bước đi. Đường quê tanh máu. Làng quê nồng khói súng. Người làng dáo dác mấy hôm. Người làng thẫn thờ cả năm. Rồi người làng quên bẵng đâu chừng chục năm thì Tám về.
    Tám về theo khúc khải hoàn, tháng tư năm đó trời thâm u chẳng một chút nắng. Tám dựng lại ngôi nhà trên mảnh đất cô liêu hoang tàn khi xưa. Tám lang thang đi tìm đồng đội nằm đâu đó trên các khúc lóng, các con rạch, dưới lòng sông. Tám đi tìm ông bà già trong những ngôi mộ tập thể trên những gò đất đỏ máu xương. Tám đi tìm anh chiến sĩ làng với lời hẹn ước còn mang mang khắp miền châu thổ. Tám vẫn đẹp, cái đẹp u hoài. Tám vẫn mình ên. Tám hổng thể có con bởi cái báng súng oan nghiệt dọng thình thịch vào nơi đó. Tám lắc đầu tất thảy lời ngỏ. Kể cả bức thư tình ông thầy giáo thương phế binh nhờ đám nít quỷ lén nhét vào xe nước mía.
    Những ngày ký ức dội về, Tám hay ra mé vàm đốt mấy tờ giấy tiền âm phủ, rải muối gạo lên trời, thả chín khúc mía bắc cầu xuống sông. Tám ngồi đó sông vỗ thành tiếng khóc. Tiếng khóc nấc ra tiếng hát. Giọng Tám dội vào làng khiến ngọn khói lam chiều thêm phần cay xè.
    Có bận đám con nít rình ra mé vàm, núp vào bụi hoa tứ thời dòm lom lom. Phía sông mờ ảo giăng giăng. Chiều chẳng chút nắng. Chiều huyễn trầm bồng bềnh từng sợi trắng bay lên. Chúng bay ngang qua, quấn thành từng lọn bám vào Tám. Mái tóc Tám trắng. Đôi tay Tám trắng. Ánh mắt Tám trắng. Phía sông mọc lên những con mắt lá. Đám con nít ù té chạy về nhà. Câu chuyện cứ thế mà lan ra khắp xóm giềng. Mãi về sau, những lần Tám ra mé vàm bắc cầu gọi anh linh những người phiêu dạt thuở ấy trở về, chẳng còn ai dám rình rập.
    Cho đến ngày Mẫn lên thị thành, Tám vẫn bắc cầu mỗi độ tháng tư. Mấy bận trong câu chuyện Mẫn điện thoại về hỏi thăm ngoại, Mẫn có nhắc chuyện Tám bắc cầu. Ngoại vẫn thở dài thườn thượt. Hồi đó tứ thời bốn mùa trổ hoa vàng tươi nhưng từ độ lòng sông lềnh máu thì mỗi mùa hoa bỗng hóa màu rực đỏ. Hồn cốt tiền nhân vẫn còn nằm dưới lòng sông. Thịt xương tan vào đất. Đất thắm vào hoa. Ngoại cúp máy rồi mà tiếng thở dài vẫn âm ba trong lòng Mẫn. Đêm đó thể nào Mẫn cũng nằm mơ về những ngày tuổi thơ chạy rong nơi cánh đồng. Bước chân luôn dẫn Mẫn về mé vàm có những cặp mắt mọc lên từ lá.
    4 Mẫn ghé thăm thầy, gởi ít thuốc xương khớp, thêm chút tiền vào phong bì trắng. Thầy hom hem ở cái ngưỡng quá bảy mươi nhưng vẫn tinh anh. Vết thương chiến tranh vẫn ghim lại một mảnh vỡ nơi phổi thầy. Những cơn ho bắt đầu hành khi tuổi heo may cận kề. Cái chân trái cắt cụt hẳn lên bắp đùi thoảng khi đau nhức. Già rồi mà bây. Còn thở là may mắn hơn trăm nghìn người nằm xuống khi đó. Có những người chưa một lần biết yêu. Có những đứa đâu biết hôn là gì. Thầy cười khùng khục. Tiếng cười khàn đục theo tiếng ho. Mẫn hỏi thầy biết hôn lần nào chưa? Thầy lặng yên một đỗi rồi khẽ khàng. Lần đầu hôn, là hôn vào xác của người nữ đồng đội mà mình thương. Cái hôn ngay trên bến Từ Cô. Ngay đêm sông lềnh đỏ.
    Từ nhà thầy, Mẫn cho vỏ lãi chạy về phía bến Từ Cô. Dấu tích xưa chỉ còn là cây cầu bằng tre cũ kỹ nằm trơ trọi trên triền sông cạn nước. Đám bông tứ thời đượm nắng đỏ rừng rực. Ngoại nói hình như người ta đang khảo sát, có tập đoàn nào đó về đây đầu tư khu công nghiệp. Người ta đo đất biểu tính giá bán. Hôm ôm ghì Tám vào lòng. Tám nói biết lần tới bây về còn cái chỗ ngồi này nữa hay không? Thầy tiễn Mẫn ra cửa, thầy nói có khi lần gặp này là lần cuối. Thầy chẳng biết về đâu. Chiều rạch trời tứ phía nắng vàng đỏ. Thứ nắng như màu lửa nấu cơm chiều hôm người bưng thổi nơi chái bếp.
    Mẫn biết trong bản báo cáo thẩm định đầu tư gởi về công ty mình phải viết gì. Đất quê vẫn là của người quê. Dâu bể gieo neo phận người xứ này vẫn còn hồn thiêng đâu đó mà những người như Mẫn cần giữ gìn. Như vốn dĩ phù sa muôn đời là của châu thổ. Chiều bưng biền khói nhà ai quyện mùi cơm sôi khiến lòng Mẫn réo rắt. Không dưng môi Mẫn bập bẹ mấy câu hát của Tám mà mình thuộc lòng khi nào hổng hay: "Phù sa châu thổ. Từ Cô nhấp nhô. Sóng nước bưng biền quyện lòng người quê. Người quê ơi hỡi người quê. Đi đâu rồi cũng nhớ về đó nghen". Tiếng "nghen" như ứ nghẹn nơi cuống họng của Mẫn. Mấy hột nước mắt bỗng rơi. Nắng chiều hôm như lửa cơi bếp cơm xứ sở. Mẫn cho vỏ lãi về lại chái bếp hè sau. Bóng nắng ừng ực lòng sông.

Kết Thúc (END)
Ân Điền
» Xóm Mắc Kẹt
» Nắng Bến Từ Cô
» Gió Cố Giang
» Nắng Từ Bến Từ Cô
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha
» Người Thứ 79