26 TẾT
Anh bảo: “Chiều nay về quê, mùng Năm anh lên”. Tôi làm tính nhẩm: Mười ngày. Mười ngày vừa Tết, vừa đợi bằng một ngàn ngày thường, có nghĩa là tôi sẽ phải quét mạng nhện một mình, một mình dỡ những cánh cửa xuống rửa rồi một mình lắp chúng vào chỗ cũ... Tôi hỏi: “Sao lâu vậy?” Anh cười: “X. có gần đâu để anh đi đi về về như chuột!”. Tôi lẩm bẩm: “Biết làm gì ở thành phố bây giờ?”. Anh trả lời bằng cách lập cho tôi một thời khóa biểu với những công việc nhàm chán đến nỗi, thay vì làm chúng, thà tôi uống một thứ thuốc gì đó để ngủ liên tục mười ngày còn hơn.
Rồi anh dặn: “Nhớ viết thư!”. Tôi gật đầu, đây là sở thích của tôi.
27 TẾT
Tôi bước vào bưu điện thành phố để bỏ lá thư đầu tiên cho anh. Khi phong bì chui tọt vào thùng thư “các tỉnh”, tôi bỗng cảm thấy hụt hẫng. Những giờ trước, khi cắm cúi trên tờ giấy cắt góc cẩn thận, những phút trước, khi bước tự tin trên những bậc tam cấp của bưu điện, tôi hoàn toàn nghĩ rằng anh đang đọc thư tôi.
Lúc này, nhìn quanh, tôi thấy sao mà lo lắng cho cái thư nhỏ bé của tôi. Mọi người tất bật gọi điện, bôi hồ dán tem. Hàng trăm, ngàn người như tôi nhưng xem ra họ đều bình tĩnh hơn tôi, xong việc là lạnh lùng bước ra ngoài trời nắng như rang, ngước mắt nhìn nhà thờ Ðức Bà bên kia đường như thói quen của tất cả mọi người, rồi đi. Còn tôi, sau vài phút thẫn thờ, tôi ngượng nghịu nhìn quanh rồi cũng chuồn thẳng.
28 TẾT
Khách khứa nhà tôi đến chủ yếu vào những ngày trước Tết. Họ hỏi: “Cháu đâu?”. Mẹ tôi tự hào chỉ tay không định hướng: “Nó đi làm kiệu, hành bên nhà bạn!”.
Tôi thích mọi thứ không phải nhà mình, ăn cơm nhà khác, ngủ ở nhà khác, trèo lên một cây ổi nhà khác vặt quả... đều thích hơn làm tại nhà mình, thích hơn, bởi vì nó lạ, và tôi chỉ cần lạ.
Tôi ngồi cắt rễ kiệu, hai chân tê bại. Châu thọc tay vào cái chậu của tôi, bĩu môi: “Con này keo, cắt kiệu hà tiện, để đuôi xanh lè!”. Tôi nghĩ, nếu đây cũng là một cách xem tướng, tôi sẽ phát cho các bạn trai của tôi, mỗi đứa một cái dao sắc một nắm kiệu, không ai được nhìn ai, và cắt. Hẳn kết quả sẽ là:
A: Không cắt lá kiệu, chỉ cắt rễ.
B: Cắt rễ sạch sẽ, kiệu giống như đang nảy mầm.
C: Thất thường, hỗn độn.
Và anh, tôi nghĩ, nắm kiệu sau khi đã lọt vào tay anh đành phải vứt đi vì cắt phạm cả đến thân kiệu.
Châu hỏi: “Mày cười cái gì?” rồi không đợi tôi trả lời, nó ngoe nguẩy đi xuống bếp. Ngày Tết, không ai có thì giờ để làm điều gì đến nơi đến chốn.
29 TẾT
Tôi gửi cái thư thứ hai, hy vọng bưu điện làm việc đến 30 Tết, đủ kịp cho cái thư đầu tới tay anh. Anh đang quét mạng nhện chẳng hạn né tránh một cách bản năng và vô vọng những đám bụi chắc chắn sẽ rơi lên đầu..., ông đưa thư dừng lại trước cửa, hét to: “Thư nha!”... rồi tôi hy vọng, cứ cái đà làm ăn nhanh chóng này, mùng Năm anh sẽ đọc cái thư thứ hai, anh sẽ tưởng tượng được cái cảnh tôi chen lấn trong chợ Tết, tôi hoa mắt chóng mặt ra sao trước một núi công việc.
Ở chợ, dưa hấu nằm chồng chất trên rơm, đủ cỡ. Anh bán hàng xoen xoét, xoen xoét về những quả dưa và tôi đâm nghi ngờ. Một người ăn mày bò lết dưới chân Uyển và tôi, lở lói, đầy bùn “nhân tạo”. Uyển thì thầm: “Xin tiền để lấy sức mà sống, sống để đi xin tiền, vậy sống làm gì?”. Tôi nghĩ, nhiều người ta kéo dài cuộc sống một cách vô ích, hình như ai cũng có, dù cụ thể hay mơ hồ, một hy vọng ngày mai khá hơn, người bệnh nan y hy vọng khoa học phát hiện ra một thứ thuốc mới, người ăn mày hy vọng một ngày nhặt được vàng... Trong chợ, tôi gần như tựa vào Uyển mà bước. “Ðông quá, ngộp quá!” tôi bảo. Uyển an ủi: “Một năm chỉ có một lần, chịu khó!” rồi giở tờ mục lục ra, lẩm bẩm: “Còn bóng heo, mộc nhĩ, măng khô...”. Tôi thấy, hình như suốt mấy ngày qua, tôi chuẩn bị Tết không phải để cho gia đình tôi, tôi chuẩn bị cho những người khách chưa rõ mặt, cho một phong tục rắc rối không theo không được... Ở cửa, mẹ tôi báo: “Mẹ đã đặt bánh chưng cho con đỡ mệt”. Tôi cười, đỡ mệt thật nhưng cái Tết đã mất đi một nửa. Những cái bánh của Lang Liêu đã có người mang đến tận nhà, tôi sẽ không rửa lá, đãi đậu và cùng anh chị thức đêm ngoài vườn canh nồi bánh như xưa nữa, lúc còn cha.
30 TẾT
Tôi dồn lá vào một góc vườn và đốt, xong đứng hít thở mùi khói vườn. Trước sân, mai đã nở vàng. Con mèo đủng đỉnh ra chọn một khoảng đất sạch sẽ đầy nắng, lăn lộn vài vòng rồi nằm ngửa ra bất động, đầu ngoẹo qua một bên, trông hơi giống một anh động kinh. Tôi nghĩ, nó hạnh phúc hơn tôi, nó không phải chờ đợi điều gì. Còn tôi, tôi đợi thư anh, sao đến giờ này vẫn chưa có.
Châu tạt qua vài phút, dặn: “Tối xong hết việc, tao và mày đi một vòng rồi về đón giao thừa!”. Đi một vòng Sài Gòn, vừa đi vừa nghĩ, một năm qua mình được gì mất gì... tôi cũng thích cái trò này.
... Bảy giờ tối, tôi thấy mẹ Châu còn ngồi may đồ. Nhà vắng hoe, vì sạch sẽ, gọn gàng nên trông càng vắng. “Ði chơi hết rồi, Châu cũng đi gội đầu rồi, chắc sắp về!”, cô bảo, rồi đưa tôi hộp mứt: “Ngồi đợi nó một chút!”. Tôi mở nắp hộp, tự nhiên thấy ngán ngẩm, như thể mấy ngày nay mình đã phải ăn những thứ này thay cơm... Tôi quay mặt đi, che miệng ngáp, tự nhiên giật mình, giờ này, mẹ tôi cũng đang ở nhà một mình giống như mẹ Châu. Vội vã, tôi chào cô, dặn lại vài thứ rồi về, trong những giờ cuối cùng này của năm cũ, người ta “người” nhất.
Tôi về, thắp một cây hương lên bàn thờ cha, rồi vào phòng nằm, nước mắt chảy dài trên má.
... Giao thừa, tôi có cảm giác một bàn tay vô hình cuốn lại tấm thảm cũ, trải ra trước mặt tôi một tấm thảm mới tinh, việc đầu tiên tôi làm trên đó là cùng mẹ uống trà, ăn bánh và nghe pháo nổ. Pháo nổ khắp nơi cả trong tivi lẫn ngoài đường. Chó mèo hoảng hốt thật tội nghiệp, tôi ôm tất cả bọn lập cập đó vào lòng, thấy tràn ngập một cảm giác yêu thương cao cả.
MÙNG MỘT
Tôi mở mắt vì tiếng pháo xa gần, khắp nơi, mùi thuốc pháo bay vào tận trong phòng. Mùng Một, trong nắng mới, trẻ con đóng bộ đi lại nhăng nhít trên con đường trước nhà. Mẹ tôi bảo: “Trẻ con cả xóm hôm nay trông cứng như hộp”. Anh chị tôi và thằng bé đến xông nhà, anh tôi nhìn sân, hỏi: “Sao không đốt pháo?”. Tôi bảo “Không dám!”. Anh treo pháo vào cành xoài, pháo nổ, các nhà bên cạnh cũng đì đẹt nổ theo, giống cái kiểu gà gáy đua bình minh. Chị tôi bịt tai, mắt rạng rỡ, tôi thấy, người Á Ðông có nhiều thú vui buồn cười, ngay cả ăn uống cũng vậy, lúc nào cũng thích có cảm giác pha trộn mâu thuẫn.
Xác pháo hồng một khoảng sân, lẫn những cánh mai rụng. Mai vàng rực rỡ cùng lá mới, chị tôi đếm và hoan hỉ kêu lên: “Toàn sáu cánh!”.
Mùng Một, tôi phải cẩn thận trong lời ăn tiếng nói. Hàng xóm sang chúc Tết, như những người lạ vì những lời chúc văn hoa. Tôi nghĩ, may mà mùng Một anh không đến, nếu đến chắc anh cũng thành người lạ.
MÙNG HAI
Mặc dù năm giờ chiều qua, chị tôi tuyên bố: “Hết Tết!”, tôi vẫn cảm thấy hôm nay mới thật là Tết. Buổi sáng, khách và họ hàng ngập nhà. Trẻ con rủ nhau ra ngoài hè, mở những phong bao ra đếm tiền, so đo, tị nạnh. Trẻ con dưới sự chỉ đạo của bố mẹ, nói thật máy móc: “Chúc dì (cô) có bồ!”. Tôi cười, thật là một lời chúc tốt đẹp cho tất cả những đứa con gái.
Chiều tối, Châu, Uyển và tôi đã khoác tay nhau trong Tao Ðàn xem hoa lan và hòn non bộ. Châu bảo: “Sao dáng hoa lan đều giống nhau?”. Uyển hoang mang: “Tao chịu, không biết đánh giá mấy cây cổ thụ còi này, thấy cũng giống giống mấy chỗ bán ngoài đường”.
Ðường phố đầy xác pháo, chợ búa vắng tanh. Ðêm về, ngang quán cũ, tôi nhớ anh thắt ruột. Uyển hỏi: “Mày nhận được cái thư nào chưa?”. - “Chưa! Chắc bưu điện nghỉ!”. - “Hôm nay làm việc rồi mà?”. Uyển bảo, “Có bồ mệt hỉ, tao không thích có bồ là vì vậy!”. Châu liếc: “Thật không?”. Ai cũng hiểu, trả lời là thừa.
Về nhà, tôi trêu trạo nhai bánh chưng, nghe pháo lẹt đẹt đâu đó, biết rằng Tết đã qua rồi. Tôi ngồi vào bàn, viết một cái thư cho anh, đúng hơn là cho mình vì biết chắc rằng nó không tới kịp.
MÙNG BA
Cũng như mọi năm, tôi ở nhà để đợi Lương tới. Lương bảo: “Tụi mình làm gì ăn cho đỡ ngán bây giờ? Lương thèm canh cải và đậu hũ chiên chấm mắm ớt”. Tôi cười: “Kiếm ở đâu ra để hầu ông đây?”. Tụi tôi ngồi cuốn bánh tráng ngoài vườn, mẹ tôi đi qua, hỏi: “Mấy đứa có muốn uống rượu mít không?”.
Lương hỏi: “An còn giữ thư từ chứ?” - “Còn, khoảng 80 cái”. Có lẽ, tôi cũng viết cho Lương khoảng chừng ấy thư, có thể hơn nữa. Không hiểu vì lẽ gì và bằng cách nào, tụi tôi đã hạ bậc tình cảm xuống chỉ còn là bè bạn, và sự chuyển cấp thoải mái này chứng tỏ cái mà chúng tôi ngỡ là “yêu” xưa kia chỉ là ngộ nhận.
Rồi hai đứa đi thăm bạn bè cũ. Nhà nào cũng giống nhau ở bữa ăn thịt kho, dưa hành, khổ qua... Chủ, khách nói chuyện không tập trung nổi vì cắn hạt dưa lách tách, mọi người trêu chọc “Chúc Lương và An năm nay...”, chúng tôi nhìn nhau cười, có ý trêu chọc lại bằng cách làm mọi người hiểu lầm... Ðể đến tối, lúc chia tay, Lương mở đầu: “Chúc An và...”, cũng vậy, tôi lặp lại: “Chúc Lương và...”, một cơn mưa nhỏ bất chợt đổ xuống trái mùa, tôi tự hỏi, những lời chúc của mình có chân thành không?
MÙNG BỐN
Mãi mùng Bốn, đám bạn chung của Uyển và tôi mới đến. Ồn ào như cái chợ dù chỉ có vài đứa, tụi nó trong giây lát tạo được không khí Tết vốn rất mờ nhạt trong nhà tôi. Phong ôm con chó con tên Xịt đang ngoe nguẩy ngoài hiên vào lòng, leo lên xe rồi bảo: “Về nhà tôi!”
Phong dựng một cái chòi xinh xắn để học bài trong khu vườn của ba mẹ nó. Trước cửa chòi, đầy xác pháo và vỏ hạt dưa. Tụi nhỏ kéo một cái ghế cho Xịt nằm xong lấy bài ra đánh. Uyển và tôi, hai “người già” ngồi bổ dưa, dọn bánh thuẫn và pha trà, thỉnh thoảng ghé mắt nhìn, không hiểu gì lắm.
Từ xa, thấy anh đưa thư đạp xe tới, tôi chạy ra chặn đường hỏi thư, anh cười: “Không!”. Uyển bảo: “Tao nghĩ, nó không viết gì cho mày đâu, chắc mải đi với em nào dưới đó!”. Tôi thấy người ta thường mong người khác bất hạnh để được tỏ lòng thương hại, ai cũng vậy, có điều, người khôn thì giấu đi, kẻ dại thì để lộ.
Buổi chiều, cả bọn lên chùa, tụi con trai ngồi ngoài ghế đá đợi Uyển và tôi vào thắp nhang. Trên vòm điện chính, chim sẻ ríu rít bay chuyền qua các chùm đèn lồng, tôi đứng trước Phật và khấn: “Xin cho mẹ con được mạnh khỏe và con được bình an”. Rồi tự hỏi, sao lần nào thắp nhang, tôi cũng chỉ xin “bình an”.
Rồi chụp hình, ông Phó nhòm nói như ra lệnh cho đám hoay hoay này: “Nhìn tôi đi, nhìn tôi!”. Phong lẩm bẩm: “Ông có gì đẹp mà nhìn”, rồi nó đưa hai ngón tay lên đầu tôi như hai cái sừng con, tôi cười, hơi thương hại, cái trò đùa này hàng trăm, ngàn kẻ đã làm, nó lặp lại làm gì cho nhàm chán?
MÙNG NĂM
Anh lên thành phố với một dáng vẻ lạ lùng. Tôi hỏi: “Anh có nhận thư?”, anh gật đầu, “Sao anh không viết?”, anh cười và lắc đầu. Cái xe vòng vèo thờ ơ qua các phố, tôi hỏi: “Ði đâu?” - “Anh cũng không biết!”. Tôi bảo: “Về đi, mệt lắm rồi”, rồi tôi ngồi sau, nhắm chặt hai mắt cho đến khi xe dừng trước cửa nhà. Anh chúc: “Năm mới...”. Tôi ngăn lại: “Thôi đủ rồi!”. Vào nhà, tôi xé tờ lịch mùng Năm, bỏ vào trong tủ.
Ðêm đó, trời Thanh Ða đầy sao. Châu, Uyển và tôi trong một cái quán cùng những vỏ bia. Tôi bảo: “Mượn cho tao cái ghế bố”, bên bờ sông, tôi nằm, nhìn lục bình trôi cùng gió lạnh, bờ bên kia là dừa nước, là những rặng cây hoang dại. Trong trạng thái lơ mơ, tôi nhớ lại mười ngày chờ đợi đã qua. Châu, Uyển nắm lấy vai và lau mắt cho tôi: “Thôi, An!”. Cảm động, tôi mỉm cười, nghe trên sông, róc rách một chiếc thuyền chèo đêm.
Kết Thúc (END) |
|
|