An phải hỏi thăm lòng vòng nhiều chuyện về tình hình sức khỏe, nhắc lại những bạn bè cũ, việc làm ăn lúc này ra sao, rồi đón lõng khi Thùy vừa bày tỏ tâm trạng chán chường, thì anh bấm nút gửi ngay một bài thơ kèm theo lời nhắn: “Anh hy vọng là nó sẽ làm cho em cảm thấy dễ chịu lúc này”.
“Thơ à? Của ai vậy anh?”, Thùy hỏi.
An nhắn lại: “Anh cũng chẳng biết. Anh thấy trên mạng thôi. Nhưng nếu em thích thì mai anh lại gửi em thêm một bài mới”.
Thùy không nói gì. An hy vọng là cô đang đọc bài thơ. Nhưng năm phút nữa, nếu cô vẫn không nói gì, thì việc gửi bài thơ coi như một trò sắp đặt rườm rà vô bổ.
Bài thơ An gửi cho Thùy được viết theo thể lục bát, dài mười sáu câu. Nếu đọc đi đọc lại chậm rãi ba lần và đã tính cả thời gian ngẫm ngợi, chắc chỉ mất chừng bốn phút, cộng thêm một phút người đọc nghĩ ra ý để biểu đạt cảm nghĩ cho nhuần nhị (đúng theo tính cách tế nhị của Thùy mà An từng biết). Nghĩa là trong vòng năm phút, hy vọng sẽ có một phản hồi.
Nhưng bốn phút đã trôi qua, An ngồi trước màn hình máy tính bảng, bất động, bên ly cà phê đã uống cạn, chỉ còn hai viên đá nhỏ đang tan từ từ và một cuốn Từ điển Tâm lý có thẻ chặn sách đánh dấu ở trang 247. Chỗ An vừa đọc giải nghĩa mục từ “Hưng cảm”.
An bắt đầu suy diễn, chẳng biết Thùy có thực sự đọc bài thơ đó không, hay chỉ hỏi bâng quơ theo thói quen của sự quan tâm thông thường. Nếu thực tế xảy ra theo hướng này thì An có thể đi đến phán đoán hơi nghiệt ngã: các phép toán hằng ngày trong cuộc sống đã làm cho Thùy không còn tâm trí đâu cho sự bay bổng nữa. Một người mẹ đơn thân sẽ có nhiều chuyện phải lo. Chẳng phải đã có lúc Thùy nói rằng việc đầu tư tiền ảo khiến cô bị kéo lê từ cơn mệt mỏi này đến cơn mỏi mệt khác không còn dứt ra được. Chẳng phải đã có lúc cô than thở rằng cha của con bé không còn quan tâm đến nó như thời gian đầu, khiến cô hẫng hụt và khó khăn trong việc nuôi dạy con. Chẳng phải Thùy từng thổ lộ rằng cô rơi vào một mâu thuẫn, vừa coi thường anh ta lại vừa thường xuyên đóng một vở kịch đẹp để con bé vẫn tin rằng nó được thương yêu như một công chúa khi mà vua cha là một anh hùng đang bận rộn với những trận chiến oanh liệt… Có lẽ bài thơ là thứ vô nghĩa với Thùy lúc này. Lẽ ra An phải tiếp cận một phiên bản có tính thực tế cao hơn về Thùy: người phụ nữ từng trải và mỏi mệt của tuổi ba mươi chín chứ không phải một cô sinh viên văn khoa tuổi hai mươi, tâm hồn còn xanh mướt, bồng bềnh với thi ca và những bản nhạc tình. Nhưng rồi An lại nghĩ theo chiều ngược lại, có lẽ từ lâu, Thùy cũng đã kịp tiếp cận một phiên bản của An khác anh trong thời quá khứ: một người đàn ông đĩnh đạc chỉn chu, có vị trí trong học giới, ngày ngày ngồi trước những tập văn bản ngàn trang để mổ xẻ câu chữ dưới lăng kính nọ hệ hình kia, kiến giải các vấn đề chuyển biến trong văn hóa xã hội, chứ không phải một thi sĩ vô chừng nghễnh ngãng của thuở phơi phới bước vào đời. Ở anh, mọi thứ đã quy về lý trí rạch ròi và có phần cằn cỗi. Một người đàn ông thực thụ thì phải biết cách kiểm soát và che đậy những cảm xúc bồng bột nhất thời, đôi khi phải dửng dưng vô sự một chút. Sự quan tâm hay tha thiết ở kẻ từng trải thì chắc chắn cũng phải trái ngược với các kiểu bộc lộ nhạy cảm, dễ xao động và có phần ủy mị của thời thanh niên. Hình ảnh của phiên bản mà An trầy trật lắp ghép hơn chục năm trời trong sự nghiệp chuyên môn ở viện nghiên cứu mà Thùy và cả thế giới này nhìn thấy là một cuộc sống chuẩn mực, chính xác đến đơn nghĩa, khổ hạnh và độc dị như những học thuyết. Anh phải là anh của những cuốn từ điển dày, những tạp chí chuyên môn khoa học xã hội chi chít trích dẫn và thuật ngữ đặt ở tàng thư hàn lâm khiến bao kẻ phải nhón chân lên đưa hai tay quá đầu mà đón lấy, chứ không phải những tập thơ ất ơ ký gửi trên giá sách nơi đám văn nghệ nửa mùa hay đàn đúm dở hơi.
Phút thứ năm đã trôi qua.
Ở giây 31 của phút thứ sáu thì Thùy lên tiếng: “Anh đừng nói là anh làm thơ lại đó nghe?”. An cảm thấy tim đập mạnh và mặt bừng bừng máu như sắp đột quỵ tới nơi. Anh dốc ly, nuốt gọn hai viên đá. Hai viên đá trôi xuống khỏi họng rồi, nhưng cuống lưỡi vẫn chưa nguội. “Giả như nếu vậy thì sao?”, không khẳng định cũng chẳng phủ định, An hỏi lại, “quan trọng là em đọc chưa?”. “Chưa. Em vẫn đang cho con bé ăn sáng để nó còn học trực tuyến. Mấy nay nó bị căng thẳng hay sao mà thỉnh thoảng cứ thò đầu ra cửa sổ nhìn xuống dưới đường”. Tới đây thì An không thể níu buộc câu chuyện xoay quanh chủ đề bài thơ nữa. “Ừ, lúc này tụi nhỏ cũng dễ bị trầm cảm. Nguy cơ sang chấn tâm lý còn cao hơn người lớn chúng ta”, An nói điều mà mấy tháng nay báo đài đã nói nhiều và chắc Thùy cũng đã nằm lòng. “Tội nghiệp, chắc cũng tại đến mấy tháng rồi nó không gặp ba nó. Thời gian này ổng phải lo cho tụi nhỏ bên kia, nên không dám gọi sang. Mấy cuộc điện thoại hai cha con cứ vội vội vàng vàng rồi ổng đột ngột tắt máy trước, lúc thì báo hết pin, lúc thì kêu sóng yếu”. “Vậy chuyện em với ba con bé vẫn trong bí mật hay sao?”. “Dạ, thì vẫn giữ vậy thôi. Em xác định rồi, ai có đời sống nấy. Ổng dù gì cũng đã có gia đình riêng”, Thùy nói. “Vậy còn bài thơ, khi nào rảnh thì em nhớ đọc nghe”, An tranh thủ quay lại chủ đề cũ để lảng tránh đi sâu vào chuyện riêng. “Dạ. Em chẳng nghe nổi một bản nhạc, chắc cả ba năm nay rồi, chán thiệt!”, Thùy nói. Bất giác An hiểu rằng, câu nói ấy như gián tiếp nhắc rằng chuyện đọc bài thơ sẽ kéo dài với một quãng thời gian tương tự không chừng. “Ừ, khi nào tiện cũng được, gì chứ thơ thì còn đó, có mất đi đâu”, An nói và lại dốc ly hớp cạn mấy giọt nước sót chảy ngoằn ngoèo. Anh thấy vòm họng nóng ran như những vết rạn. Cuốn Từ điển Tâm lý vẫn đóng ở trang 247, ở mục từ “Hưng cảm”.
Hưng cảm (manic episode) là một thái cực của bệnh rối loạn khí sắc lưỡng cực (bipolar disorders), cuốn từ điển định nghĩa. Cuốn sách cũng nói rằng, khi đã đạt tới cao điểm của hưng cảm với các biểu hiện phô trương, bồng bột, phấn chấn ngút trời, thì như người đã leo lên đỉnh của một vách đá, bệnh nhân sẽ dễ dàng chao đảo, trống rỗng, hụt hẫng và buông mình vào hố đen của trầm cảm.
Với kinh nghiệm nghiên cứu, tư duy logic của một người làm khoa học, An tìm cách bước ra khỏi bản thân để giải phẫu tiến trình tâm lý bên trong như linh hồn một con tàu bay thoát lên, nhìn lại thân xác mệt mỏi nặng nề của nó trên thiết lộ, nghe rõ từng chi tiết máy đang va đập vào nhau cọc cạch, từng chuỗi truyền động cơ khí nhàm chán và đo được sự cùn mòn khấu hao diễn ra từng khắc từng giờ. Có điều gì đó quay về, trong cái khô khốc của sự vận hành đời sống, An mới chớm nghĩ thơ ca là nguồn năng lượng tươi mát để thanh lọc tâm hồn vào những ngày tháng này. Nhưng hóa ra việc làm thơ lại rất gần với cái triệu chứng hưng cảm, trong một chu trình tâm bệnh rối loạn lưỡng cực.
Nhìn quanh lứa bạn bè mình, chỉ sau một mùa mà đa số sa vào hưng cảm. Một buổi sáng thức dậy, thằng bạn giáo sư chuyên ngành kết cấu bỗng cởi trần trùng trục, múa một bài quyền Thiếu lâm. Hắn khoe cặp xương quai xanh thấp lệch, bộ ngực phẳng, cái bụng một múi trước màn hình camera điện thoại bật ở chế độ phát trực tuyến. Ai mà nghĩ vị giáo sư thường ngày khô khan nguội lạnh có lúc không ngại lột trần cho các sinh viên vào bày tỏ sự yêu thích, động viên tinh thần thể thao tích cực vượt qua hoàn cảnh giãn cách. Một ông bạn biên tập viên xuất bản cả đời kín tiếng chỉ đứng phía sau những cuốn sách khảo cứu công phu, thế nhưng lại chụp hình mang quần lửng trồng chuối xiêu vẹo trong một căn phòng đầy sách, khoe cặp chân chẳng còn mấy cơ bắp, cho thấy cơ thể từng lười vận động lâu ngày. Không chỉ đám đàn ông, mà cả đàn bà ở vào tuổi này cũng sồn sồn phô trương. Một cô thủ thư ở phòng lưu trữ cơ quan An có dung nhan xám xịt nghiêm nghị, tối ngày nói những câu bén lẹm, chua phèn đặc sệt, quanh năm chỉ treo trên mình bộ vest công sở màu xanh đen cứng cạnh, vậy mà hôm kia lên mạng phát trực tiếp cảnh mặc áo hai dây chia sẻ bí quyết làm chuyện ấy làm sao cho trẻ mãi. Nhìn phần bụng thon gọn được khoét cao bởi chiếc áo ngực lỏng lẻo của cô ấy, An nhớ tới người tình công tác trong ngành công chứng thuở nào. Nàng ấy nay đã chuyển qua làm tiệm bánh heo-thì (healthy). Mỗi mẻ bánh ra đời được quảng bá trên phông nền là phần eo bụng, làn vai của nữ chủ nhân, khiến những hoài niệm tình ái một thời lệch lạc của An cứ bị gợi lại trong tiếc nuối.
Nhưng Thùy thì không. Trong sự ẩn mình lặng lẽ của cô có điều gì đó quyến rũ An giữa lúc cuộc sống rộn rã phô bày. Dù An cũng đã lường trước khả năng, có khi sự ẩn dật kín đáo thời bây giờ cũng lại là một kiểu phô bày khéo léo. Dẫu là vậy đi nữa, thì xem ra vẫn dễ chịu hơn mọi sự sấn sổ nồng nhiệt ái kỷ vô độ trong các màn trình diễn.
Và chỉ cần có vậy, Thùy đã có thể là nơi để An hy vọng về một điểm tựa giao cảm thi ca. An tin Thùy còn có thể dành thời gian để đọc thơ. Niềm tin ấy mơ hồ. Nhưng kẻ làm thơ nào mà không nuôi niềm tin mơ hồ rằng trên đời này không sớm thì muộn, sẽ có ít nhất một ai đó dừng lại vài giây trước câu thơ, bài thơ của mình.
Chủ đề câu chuyện bây giờ là: con bé đang đứng bên cửa sổ nhìn xuống mặt đường.
“Nhà em ở tầng bao nhiêu?”, An hỏi. “Anh hỏi gì dữ vậy anh?”. “Anh chỉ hỏi vậy để biết thôi”. “Anh có những câu hỏi lãng nhách thiệt. Hồi xưa anh toàn hỏi trong tủ lạnh nhà em có nhiều kiến không. Có lúc lại hỏi mấy con thằn lằn trên tường nhà em có màu gì. Thiệt chẳng thể quên được mấy câu hỏi kỳ quái kiểu đó. Mà anh hỏi ở tầng mấy vào lúc này có liên quan gì con bé đang có triệu chứng trầm cảm chứ?”, bây giờ thì Thùy có vẻ mất kiên nhẫn trước sự quan tâm nhỏ nhẹ nhưng sáo mòn, nhạt nhẽo của An. “Không, là anh chỉ hỏi để biết. Vì có thể con bé đang muốn dạo chơi đâu đó. Nếu không có vấn đề gì, em thấy bên ngoài an toàn thì hai mẹ con nên dạo chơi lòng vòng. Chắc là nó sẽ thích lắm đó”, An gợi ý. “Nó đang học trực tuyến mà anh. Chỉ là khi giải lao nó cứ đứng thò đầu ra cửa sổ ngó xuống đường. Hôm nay nó lại đòi phải mang cho được bộ váy trắng. Mặt mày nó ủ dột, bí hiểm đáng sợ. Bên ngoài thì xe cứu thương lại hụ còi nhiều quá, em thấy lo lắng sao sao đó…”. “Sao em không thử trò chuyện với nó? Trẻ con cần được gần gũi…”, An nói như phát lại những gì được thu nhận từ các chương trình tư vấn tâm lý trên truyền hình. “…Và đọc sách cùng con, trò chuyện cùng con, dạo chơi cùng con, sáng tạo cùng con phải không? Em học hết các lớp đó rồi anh ơi. Nhưng nó cứ im im vầy, em không biết nó bị gì gì luôn”, Thùy nói như thể không còn giữ được bình tĩnh.
Bây giờ thì An bị cuốn vào trong câu chuyện con bé hoàn toàn, như một kẻ biết mình đi lạc lối mà không còn con đường nào để thoái lại. Anh không tìm thấy một ngã rẽ nào để dẫn tới bài thơ lục bát đã gửi đi và mở lối cho những bài thơ sắp tới. Con bé sẽ là chủ đề cho đến khi An tìm được một gợi ý ổn thỏa, đúng hơn là một giải pháp khả dĩ. Nhưng An đâu phải là một bác sĩ tâm lý trị liệu khủng hoảng cho trẻ con. An chỉ là một người đàn ông bốn mươi tuổi bỗng quay trở lại làm thơ. Bài thơ viết theo thể lục bát mười sáu câu thật vô ích lúc này.
An nhắm mắt thở dài, cố nghĩ rằng có thể trong bốn phút đầu tiên, Thùy đã dành một đến hai phút để mở máy cho con bé vào phòng học trực tuyến, hai đến ba phút còn lại, Thùy có lướt qua bài thơ. Và biết đâu một câu trong bài thơ khiến ngón tay trỏ của Thùy dừng lại trên màn hình cảm ứng điện thoại, nhưng Thùy không có nhiều tâm trạng để tỏ bày cảm nhận.
Không thể nào có chuyện mở máy cho con bé học trực tuyến lại kéo dài đến năm phút ba mươi giây.
Anh đứng lên và nghe các khớp cơ rạn ra như bên trong đã trổ đầy những vết nứt. Anh đặt cuốn từ điển lên giá sách, đi rửa ly cà phê.
Trước vòi nước chảy rỏng rỏng vào lòng ly thủy tinh sủi bọt và trào ngược ra ngoài bồn lavabo, An cố nghĩ nhưng không hiểu được vì sao mình lại có thể quay lại làm thơ vào những lúc thế này, lại là thơ lục bát.
Và vậy là xong một buổi sáng.
Kết Thúc (END) |
|
|