Câu chuyện diễn ra vào mùa đông, trong một quán cà phê vắng người. Tôi nhớ mài mại. Ký ức mơ hồ vì lý do thời tiết.
Sài Gòn không có mùa đông, song cuộc hôn nhân nào chẳng có lúc lạnh lẽo. Chồng tôi ra Hà Nội, nơi tháng mười hai đang thật thà ùa tới. Còn tôi ngồi cùng người đàn ông khác tại quán cà phê này.
Tôi muốn ngủ với người đàn ông ấy, nhưng tôi không nói. Tôi không biết anh muốn gì, bởi anh cũng không nói. Anh không ngồi đối diện mà chọn ngồi bên cạnh tôi. Từ tầm mắt anh nhìn xuống thấy được đôi chân trần của tôi, tôi không thích xỏ giày suốt buổi, anh khen màu da chân tôi đẹp. Tôi chỉ lo lắng rằng, liệu ngực mình có hơi nhỏ? Người đàn ông cao gầy, ánh mắt say đắm và xương hàm nhỏ xinh. Anh ta thích những người đàn bà phồn thực, một dạng khác tôi. Khi tôi đang nghĩ thế thì chân anh đụng nhẹ vào chân tôi, mềm mại như một con mèo. Một khao khát mạnh liệt trỗi dậy, tôi muốn dùng chân mình vuốt mặt anh.
Tôi đoán chúng tôi ngồi đây tầm một tiếng, rồi tôi sẽ đưa anh về nhà mình. Căn nhà không còn dấu vết của người đàn ông đã bỏ tôi ra Hà Nội.
“Có món đồ gì để lại thì đã sao, như vậy càng hay”, tôi nghĩ “một chiếc tất cũ kỹ, một cái quần lót sọc ca rô hay một đôi giày thể thao bạc màu”.
Nhưng khi nghĩ kỹ hơn, tôi nhận ra chồng tôi đã mang theo tất cả những món đồ mà anh có, kể cả chiếc loa rời anh mua từ nhiều năm trước từ chợ Dân sinh. Nếu tôi muốn ra đi, tôi phải cần rất nhiều thời gian để thu dọn hành lý. Còn với chồng tôi, vài tiếng đồng hồ, tính cả thời gian vợ chồng tôi đôi co thêm lần nữa, thế là xong. Trùng hợp khi ấy, có một dự án gọi anh đi Hà Nội. Không vội, anh có thể đi vào ngày hôm sau hoặc hôm sau nữa. Anh lại chọn ngay lúc chúng tôi đang xào xáo mà đi. Điều đó làm tôi tan nát. Vừa tới Hà Nội, anh gọi điện về báo.
“Tại sao anh lại đi?” - Tôi hỏi.
“Em đã nói chúng ta cần thời gian xa nhau để tĩnh tâm lại, và anh đi công tác” - Anh gắt.
“Tại sao anh lại chọn lúc này mà đi?” - Tôi cố diễn đạt rõ ràng hơn.
“Câu chuyện của chúng ta không thể giải quyết trong một hai ngày, đằng nào thì anh cũng phải đi công tác”.
“Chúng ta cần nhiều thời gian hơn thế đấy!”.
Tôi cúp máy. Chồng tôi không gọi lại liền như thuở mới yêu nhau. Những ngày tiếp theo anh nhắn tin đều đặn một ngày hai lần sáng, tối. Sau ba tuần thì tôi không còn nhớ được nguyên nhân dẫn chúng tôi đến cuộc cãi vã, mà tôi cũng không tìm được một lý do để anh về lại Sài Gòn. Chồng tôi cũng vậy.
Nên giờ đây tôi mới ngồi trong quán cà phê với người đàn ông này. Người đàn ông tên Lam và tôi không muốn nhắc tới tên chồng mình. Thôi được rồi, tôi sẽ gọi chồng mình là Lâm. Bọn họ cứ có gì giống nhau và khác nhau, những gã đàn ông ấy. Nếu nhìn họ như những cá thể người thì họ khác nhau, còn theo cách đàn bà nhìn đàn ông thì họ là một, ngủ với ai cũng vậy. Phụ nữ có thể suy nghĩ theo hướng này, để không ai cảm thấy tội lỗi mỗi lần muốn ngủ với người khác ngoài chồng mình. Tôi đoán đàn ông đã làm thế trước phụ nữ hàng thế kỷ nay rồi. Ừ khả năng cao là chồng tôi đã ngủ với ai đó ngoài Hà Nội, anh ta chưa có ý định quay lại Sài Gòn.
Cô phục vụ mang cà phê đến, tôi thôi nhìn chằm chằm vào mặt Lam. Khi cô ta ôm cái khay đi, Lam liền phóng mắt nhìn theo.
“Cô ấy biết anh”, Lam rì rầm vào tai tôi.
“Người yêu cũ à?”
“Bạn gái cũ của một người bạn anh”.
Từ quầy bar nhìn thẳng đến chỗ chúng tôi ngồi không có gì che chắn. Sau lưng tôi là một kệ sách lộn xộn đủ các thể loại kiến trúc, văn học, y khoa… Tôi chưa từng giở bất kỳ ấn phẩm nào ra xem. Mười lăm phút sau, tôi chuyển sang bàn khác, trước mặt là chồng sách cũng những loại sách giống hệt như trên kệ bên kia. Lam bưng ly cà phê của anh theo, vẫn chọn ngồi bên cạnh tôi thay vì đối diện, chân vẫn thỉnh thoảng cạ vào nhau. Khi yên vị rồi, tôi ước gì mình đã không xê dịch thì hơn.
“Ngồi thêm một lát nữa thôi, mình sẽ tìm cách ra khỏi đây”, tôi tự nhủ.
Tôi không ngăn được mình nhìn về hướng cô phục vụ đang nghịch mớ giấy ăn sau quầy bar. Tôi đã gặp cô nhiều lần mà không hề hay biết cô có thói quen nghịch giấy. Bất giác, cô ngước lên nhìn tôi, khẽ cười. Tôi quá bối rối đành giơ cái ly đã cạn về phía trước, ra hiệu cho cô giúp mình rót nước. Cô lẹ làng đi đến châm nước vào cả hai ly, dù ly của Lam còn quá nửa. Lam đang bận rộn với cái điện thoại của mình, đôi mắt vẫn đẹp.
Sau đấy thì một phục vụ nam xuất hiện làm những việc này, rót nước, lau bàn và cả thanh toán. Cô gái kia không trở lại bàn chúng tôi nữa.
“Trong quán có một cậu phục vụ khá thân thiết với Lâm”, tôi đột nhiên nhớ đến cậu phục vụ đó.
“Vậy à?”
“Nhưng gần đây cậu ta đã nghỉ, đúng khoảng thời gian Lâm đi Hà Nội”.
“Tháng sau anh đi Mỹ, vợ anh đi công tác còn anh đi theo vợ” - Lam nói.
“Vậy à?”
“Em có ra Hà Nội không?”, Lam hỏi.
“Không” - Tôi đáp.
“Cứ đi thôi, em cũng có việc ngoài đó mà…”
“Khi em ra tới, tụi em sẽ không tránh được chuyện ấy”, tôi nói, “và em sẽ đầu hàng mất!”.
“Cũng đúng”, anh gật gù, “bản chất hai chuyện là một, không thể tách ra được”.
“Chưa hẳn”.
Tôi đứng phắt dậy, quyết định đi bộ ra đầu đường tìm mua một bao thuốc lá. Khi tôi bước được vài bước, chủ quán là một người đàn ông trung niên lớn hơn tôi tầm hai chục tuổi từ ngoài đi vào, lướt ngang qua tôi. Là một họa sĩ, chồng tôi bảo thế, có làn da rám nắng và đậm người. Tôi không muốn ngủ với nghệ sĩ, vì một người phụ nữ ngủ với một người đàn ông thì nó là việc ngủ với một người đàn ông, còn nếu người đàn ông ấy tình cờ là một nghệ sĩ, thì câu chuyện sẽ biến thành ngủ với một người nghệ sĩ. Chuyện thành ra diễm tình, tôi thấy hơi nhợn.
“Rớt tiền” - Chủ quán gọi giật ngược tôi lại.
Anh ta lượm những tờ giấy vương vãi trên mặt đất rồi đưa lại cho tôi. Người đàn ông này cũng như mấy cậu nhân viên quán, hay nhìn lén tôi từ sau cánh cửa phòng rang cà phê. Tôi biết, vì tôi đã nhìn lén anh qua tấm cửa kính ngăn tầng trệt và cầu thang lên tầng hai. Gọi anh ta là Lãm đi. Lam, Lãm, Lâm… có gì khác chứ.
Tôi từng nói với Lam, quán cà phê này cứ ngồn ngộn mùi nam tính. Bàn ghế vững vàng, khung tranh thô mộc và những giá sách bừa bộn không mời mọc ai động đến. Đặt mình vào quán, tôi luôn cảm tưởng bị một sức mạnh vô hình đè ngửa, trấn áp, rồi lại được chính sức mạnh vô hình ấy thả trôi trong tự do đã được phân vùng. Và tôi thường ngồi khóc ở đây, nỗi buồn cũng từ đàn ông ban tặng. Chủ quán có lần tình cờ thấy tôi khóc, anh ta bèn cúi xuống tiếp tục làm việc gì đấy đang dở tay ở quầy bar.
Tôi đi một vòng, cuối cùng đã tìm được thuốc lá ở một hàng nước ven đường. Người bán hàng là một phụ nữ dáng vẻ tầm năm mươi, có mái tóc bạc trắng. Tôi xém chút nữa gọi chị bằng cô, nhưng với bản tính ngại giao tiếp với người lạ, tôi rốt cuộc đã không gọi chị bằng một đại từ nhân xưng nào cả.
“Cho xin một bao thuốc”, tôi ngập ngừng, “và cả hộp quẹt nữa”.
Tôi gỡ bao thuốc, rút ra một điếu, châm lửa, hút được hai hơi, liền dụi. Mùi cà phê, mùi thuốc lá, mùi nắng… tất tần tật các thứ mùi cứ quyện lấy tôi. Tôi muốn chạy khỏi đây, càng xa càng tốt. Giá mà ban nãy mang theo túi xách, tôi sẽ bỏ đi luôn. Trời sắp đổ mưa. Hơi nóng từ lòng đường bốc lên bám lấy cổ chân tôi, tết thành một sợi xích nặng nề. Nghĩ đến bàn chân mình sẽ vuốt ve khuôn mặt nhỏ xinh kia, tôi quay gót trở lại quán.
Tôi ước gì mình có thể khóc như những lần trước. Vậy mà cuối cùng tôi chỉ có thể cười cợt chính mình, đặt bao thuốc lẫn hộp quẹt lên bàn, kêu ly cà phê thứ ba trong một buổi sáng. Đầu tôi ong ong.
“Sài Gòn nóng quá!” - Tôi than.
“Em cứ có cái kiểu bừng sáng, rồi sau một ngày thì tắt lụi hết”, Lam nói.
“Tối qua em đã tưởng tượng mình sẽ có một cuộc gặp gỡ vui vẻ, nhưng sớm nay em nhận được một cuộc điện thoại”.
“Cho nên cứ phải lựa chọn cuộc điện thoại nào nên nghe, cuộc điện thoại nào không”.
“Chồng em mà…”
Lam xoay mặt đi. Khi anh nhắc đến vợ mình, tôi đã nhìn thẳng vào mắt anh. Một lúc nào đấy, chúng tôi sẽ không còn hứng thú nghe chuyện vợ chồng của ai nữa. Tôi phải ngủ với anh trước khi thời điểm đó tới. Tôi kéo áo anh, chỉ vào vết thương mới ở gót chân, giày cạ vào tróc da rướm máu.
“Em đau” - Tôi nói.
“Sao lại mang đôi giày này?”
“Vì nó màu xanh”. Tôi thấy câu trả lời này thật tẻ nhạt, song vẫn không ngăn mình thốt ra. Một cuốn phim hay lắm lúc vẫn có những xen vô vị, bởi nó thuần túy chỉ mang thông tin, hoặc tâm tư của đạo diễn. Ai cần biết tâm tư của ai chứ.
“Hôm nay anh có nhiều vấn đề quá”, Lam ngừng lại, thoáng áy náy, “anh chuẩn bị đi đây…”.
“Anh cứ đến như một niềm an ủi” - Tôi thì thầm.
Tôi không thể ngả người về sau, giơ chân ra quặp lấy khuôn mặt gã đàn ông này trong quán cà phê được, tôi đành vuốt tay lên má anh. Anh để yên cho tôi làm thế. Đây là người đàn ông luôn có mặt khi tôi cần, hồi đáp tin nhắn của tôi nhanh nhất có thể. Dịu dàng, chu đáo, ân cần chẳng khác gì chồng tôi hồi mới yêu cả. Tình gió đưa thì dịu dàng. Ở lại với nhau rồi, mặt trắng mặt đen của cuộc đời sẽ giấu đi mất mọi dịu dàng ta từng có. Mà con người chúng ta trong những mối quan hệ, dường như không ai được trang bị kỹ năng để gìn giữ sự dịu dàng. Kinh nghiệm của mối quan hệ trước lại là cản trở của mối quan hệ sau. Đôi khi không phải là người ta không dịu dàng với mình, mà là mình không dịu dàng với người ta nữa, thậm chí là mình không dịu dàng với chính mình. Rốt cuộc, cứ thế, “đàn bà chỉ thích tình gió đưa”. Bởi vì hễ cuộc đời tước đi một sự dịu dàng, thì nó đồng thời cũng ban cho ta một sự dịu dàng khác. Giờ tôi lại muốn lên giường cho xong, hoặc kết thúc mối quan hệ không tên ỡm ờ với gã trong Sài Gòn này, hoặc cho mối quan hệ lằng nhằng với gã ngoài Hà Nội chẳng còn đường lui. Tôi không quan tâm đến cô gái phục vụ sau quầy bar có đang nghe ngóng gì hay không, và cả người đàn ông có lẽ đang nhìn lén tôi sau cánh cửa phòng rang cà phê kia nữa.
Nhưng rồi tôi sẽ đi đâu vào những ngày tới? Quay trở lại quán cà phê này ư? Tôi không chịu nổi ở nhà một mình. Tôi ghé đầu sát vào vai Lam.
“Anh rồi sẽ đến lúc có một người phụ nữ khác thôi” - Tôi nói.
“Tại sao nói thế?”
“Anh luôn trong trạng thái tìm kiếm, ừ, như một con chim bay trên bầu trời, dù có một phương hướng rõ ràng, nhưng ánh mắt thì vẫn đi tìm một thứ gì đó khuyết trong anh”, tôi đáp, “mà đàn ông chỉ khuyết xương thịt đàn bà”.
“Anh không nghĩ vậy, khả năng ngoại tình của anh dưới một phần trăm”.
“Em không nhìn sai đâu, hãy đợi đi, một hoặc hai năm nữa…”
“Anh ý thức rất rõ, tình yêu nào cũng thế thôi, là một vòng lặp lại không có gì mới mẻ cả”.
Tôi bật cười. Năm năm trước tôi đã nói với người yêu cũ một câu thế này. Và rồi tôi lại lao đến cuộc tình mới như con thiêu thân. Tình yêu là thứ thức ăn chán chường, nhưng ăn mãi thành quen, cơ thể cũng thích ứng. Sự kháng cự chỉ thể hiện người ta khát tình yêu hơn những kẻ không biết kháng cự.
“Ừ, để xem...”
“Trừ khi có một người thật sự đặc biệt”, Lam nói rồi nhìn tôi thật nhanh.
Đáng lẽ đây là lúc tôi nên túm lấy khuôn mặt Lam, đặt lên môi anh một nụ hôn rồi kéo anh về căn nhà không còn dấu vết của người đàn ông. Tôi biết rõ mình sẽ làm cách nào với anh ta, chỉ riêng trong quán cà phê thôi tôi đã nghĩ đến chuyện này hàng trăm lần.
“Nhưng anh sẽ yêu một cô gái bình thường” - Tôi nói.
Tâm trí tôi đã buông khuôn mặt anh ra. Anh chau mày tỏ vẻ không hài lòng, chân thôi cạ vào chân tôi ve vuốt.
“Một cô gái bình thường không có gì xấu, có phải tầm thường gì đâu” - Tôi nói tiếp.
“Không thể nào, anh từng nói với vợ mình, anh chán những cuộc tình…”
“Anh sẽ sa vào vòng tay một cô gái chắc chắn là bình thường hơn vợ anh, chỉ bởi vì sự tìm kiếm nó kéo dài lâu quá rồi, người ta không chọn lựa nữa” - Tôi chắc nịch đến độ tưởng như mình đã nhìn thấy cô gái bình thường đó giãy giụa trong lòng Lam.
Lam đứng dậy, đi về phía cầu thang, bước lên tầng trên tìm nhà vệ sinh. Tôi lại nhìn lén chủ quán qua tấm kính.
Lúc Lam xuống tới, tôi đang giả vờ xem những bức ký họa được bày biện một cách vô ý trên một kệ tủ gỗ, có cả chân dung tự họa của chủ quán lẫn trong đó.
“Đàn ông!”
Tôi nghĩ đến chồng mình qua những chữ cái được xếp vào nhau mà không phải hình ảnh. Và khi hình ảnh thoáng hiện ra trong đầu, nó cứ nhợt nhờ những đường nét lẫn lộn. Chiếc cổ lôi, xương hàm nhỏ, làn da rám nắng… Tôi đến là buồn nôn, lập tức lao lên cầu thang đi vào nhà vệ sinh.
Một vệt máu chảy dài trên bắp chân, bây giờ màu da tôi đúng là đẹp thật. Tôi chẳng thể nhớ nổi mình đã đến kỳ. Người tôi run bần bật trước cả khi tôi khóc.
Như thế, một vòng thời gian trôi qua. Những cơn đau tình cứ mãi lặp lại. Hà Nội có bốn mùa, Sài Gòn thì không có mùa đông, song bản chất vẫn là chẳng có gì bất biến.
Xen này vô vị quá.
Kết Thúc (END) |
|
|