Chuyến bay tháng ba là cố gắng hư cấu và lấp đầy để tạo dựng trải nghiệm của những con người đã đi qua chiến tranh.
QL13 năm 1972, khi cuộc chiến tại An Lộc (thuộc địa phận tỉnh Bình Phước hiện nay) sắp sửa nổ ra, một người đàn ông và một người đàn bà chở theo 5 đứa trẻ trên xe máy di tản khỏi vùng chiến sự. Phóng viên Nick Út của AP ghi lại điều đó trong một khung hình với nền là khung cảnh đổ nát của chiến tranh. Gần nửa thế kỷ sau, tấm ảnh của Nick Út được tái sinh trong Năm anh em trên một chiếc xe, thuộc tập truyện ngắn Chuyến bay tháng ba của Lê Khải Việt. Ở đó có cuộc đối thoại qua những lá thư, dữ dội nhưng câm lặng giữa nhân vật, hay đúng hơn là 2 thế giới không thể cảm thông và không thể có cách đối thoại.
Từ những tàn tích cũ như một hồi ức, tấm ảnh, văn bản…, Lê Khải Việt cố gắng hư cấu và lấp đầy cái khung sơ sài của những biến cố với một nỗ lực ghê gớm nhưng cũng có phần vô vọng là trả lại cho quá khứ trạng thái sống động trong thời hiện tại.
Có lẽ vì vậy mà gần như tất cả các truyện ngắn trong 12 truyện của tập sách đều không có kết thúc đúng nghĩa là câu trả lời cho một câu hỏi. Truyện của Việt giống như một thứ phản - tự sự khi anh tạo nên một loạt tình huống khủng khiếp. Đó là cuộc ganh đua khốc liệt giành quyền kiểm soát một gia đình trong Đấu tranh; một vụ thảm sát của lính Mỹ ở vùng rừng ngập mặn ven biển VN năm 1968 trong Nước đen; hay cuộc tháo chạy kinh hoàng khi những người lính bắn vào trẻ em và phụ nữ để giành chỗ lên chuyến bay di tản khỏi một thành phố sắp thất thủ trong Chuyến bay tháng ba.
Nhưng tác phẩm của anh không trở thành một thứ trinh thám hay truyện chiến trường. Bị hút vào những biến cố, vùng vẫy cố tìm một lời giải thích nhưng chung cuộc, tự sự vẫn trở thành một cuộc tìm kiếm không đi đến hồi kết, không thấy lời giải thích. Bù lại, chính trong cuộc tìm kiếm đó, Việt đã tìm thấy cái đích của mình: với vị thế không - tham - gia - cuộc - chiến.
Cuốn sách của Việt giống như một bảo tàng chứng tích chiến tranh với rất nhiều cảnh huống hậu chiến. Người đọc được xem những vực sâu đổ vỡ khi di sản ký ức tạo nên những ngăn cách không thể lấp đầy, còn con người đã mất khả năng thông cảm trong Năm anh em trên một chiếc xe. Độc giả cũng được thấy những cuộc tìm kiếm quá khứ của con - người - hiện - tại trong Truyện số, Một nghiên cứu; hay thân phận của những di dân bị xóa mất dần căn cước trong Bốn mùa vùng sa mạc.
Trong bảo tàng chứng tích chiến tranh mà Việt viết lên còn có những cuộc hành hương đầy day dứt của những người Mỹ đã tham gia cuộc chiến đối diện trở lại với ký ức của mình trong Người đàn ông trung niên, Nước đen, Chuyến bay tháng ba. Những truyện ngắn của Việt về cựu chiến binh Mỹ hoàn toàn có thể đặt ngang hàng với những truyện ngắn của Tim O’Brien hay tiểu thuyết của Larry Heinemann. Vượt qua rào cản của thù hận và khác biệt, Việt đặt tự sự của mình vào điểm nhìn của họ để làm đúng điều A.Camus đã từng nói, rằng sứ mạng của một nhà văn là hiểu, chứ không phải kết án.
Chuyến bay tháng ba (Nhà xuất bản Đà Nẵng) là tập truyện đầu tiên của Lê Khải Việt. Tập sách chỉ với 150 trang, nhưng những biểu tượng, ẩn dụ và ám ảnh cùng “vòng xoáy của nghịch lý hiểm nghèo ấy của bút pháp” (cách nói của Bảo Ninh) sẽ khiến người đọc phải bối rối và bị thách thức.
Với Chuyến bay tháng ba, có thể hy vọng ở Lê Khải Việt những hành trình đầy hứa hẹn tiếp theo.
Kết Thúc (END) |
|
|