Cơn mưa say ngả nghiêng đứt quãng rồi nối tiếp của Phố núi khó lòng thay đổi ý định của tôi về chuyến đi đến miền biên viễn tham quan Quốc môn Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai).
Qua ô cửa kính xe mờ mờ vì nước mưa và sương sớm, quốc lộ 14C dần dần hiện ra trông xa như sợi dây thừng vắt lên hình hài vô số ngọn đồi xếp chồng lên và nối tiếp nhau tưởng chừng không có điểm cuối. Mưa dường như đã dừng lại ở khúc rẽ bên này vào Cửa khẩu. Ở khúc bên kia nắng rực rỡ, điệp trùng những tán cây điều thấp la đà, lá bung xòe uốn mình sát đất, gió mơn man thoảng se se lạnh. Đặt chân đến Quốc môn, tôi cảm nhận được sự rộng lớn, thênh thang, thấy được sức mạnh tinh thần đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế và hiểu vì sao nơi đây trở thành điểm đến lý tưởng của du khách gần xa.
Theo lời thuyết minh của một cán bộ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh thì Khu Kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh gồm các xã Ia Kla, Ia Pnôn, Ia Nan, Ia Dom và thị trấn Chư Ty (huyện Đức Cơ) nằm trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Với vị trí nằm gần cột mốc 30, cửa ngõ Tổ quốc được thiết kế với ý tưởng cách điệu nhà rông Tây Nguyên-nguồn cảm hứng vô bờ bến trong sử thi, thi ca của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên, là biểu tượng trong kiến trúc truyền thống cả về hình thức và kỹ thuật lắp dựng. Có sự kết hợp hài hòa giữa ý tưởng thiết kế và vật liệu hiện đại, công trình sử dụng vật liệu bê tông cốt thép, hệ dầm ngang bằng thép, tấm ốp bê tông sợi thủy tinh, bố trí thang bộ, thang máy phục vụ khách tham quan.
Nơi biên viễn, mới sớm mai, mặt trời đã trồi lên trên dãy núi xa xa, hắt vài tia nắng nhỏ. Những ai chưa từng đến đây tưởng như xa xôi, cách trở nhưng đã đi qua rồi mới hay trong gió núi mây ngàn thì thầm lời tha thiết hẹn cố nhân. Một du khách mà tôi bắt nhịp làm quen đã bày tỏ niềm phấn khích vì đã “thỏa lòng mong ước bấy lâu nay” khi rảo bước đến đâu, chị cũng tranh thủ lưu lại những hình ảnh, đoạn clip làm kỷ niệm lần đầu được đặt chân đến vùng biên giới “để về còn khoe với bạn bè”. Và tất nhiên, với lòng mến khách, tự hào về quê hương, tôi cũng đã góp phần cùng chị “đong đầy cảm xúc”. Mãi sau cuộc hành trình, về đến thành phố biển, chị gửi tin nhắn cảm ơn và chia sẻ những kỷ niệm khó quên về lần thăm cột mốc 30, mảnh đất “phên giậu” thân thương ấy.
Lạ làm sao, trời đang âm u mây thì hình như có bàn tay vô hình nào đó vén mây cho ánh nắng mặt trời rọi xuống làm bừng sáng cả thung lũng núi đồi. Trong nắng nhạt, mây nhấp nhô, mây trùng điệp, mây tầng tầng lớp lớp với nhiều hình thù, dáng vẻ khác nhau; trầm mặc, vô tư, chạy dài đến hết đường chân trời phía Tây Nam. Hình như có điều gì đó vừa quen vừa lạ. Vẫn cái dáng dấp bình lặng và huyền bí ngàn đời của non cao, của gió ngàn, của tiếng nói cười lao xao, vang vọng.
Chiều xuống, nắng đâm xiên vạt đồi, hắt lên thứ màu huyền nhiệm của mùa. Leo lên bậc cao của cầu thang bộ, nhìn xuống những ngôi làng bên con đường hé ra từ rừng cây, thấy khói bếp bảng lảng bay lên như quyện vào ánh hoàng hôn đang tắt dần. Nghiêng nghiêng bóng, những chị, những mẹ từ nương rẫy trở về. Kìa, làng yên bình trong những nếp nhà giữa xanh thẳm của núi rừng, khang trang và vững chãi. Bếp lửa yên vui, những tấm lưng đã không còn gập cúi chịu đựng khó nghèo mà thong dong gùi bước nhịp ráng chiều. Làng ở miền biên viễn bây giờ mái đỏ cao hơn núi. Phóng tầm mắt ra xa một chút có thể “chạm vào nước bạn” một ngày thu mênh mang, nhìn quay về đất mẹ mới thấy quê hương ta đẹp biết nhường nào!
Ngày buông nhanh. Chiều muộn, ngoảnh lại mà đưa mắt lướt nhẹ qua ô cửa kính nhìn phố huyện bình yên dưới những vườn điều xanh mát. Tôi tạm xa nơi này trong một chiều nắng đẹp không mưa. Tôi luôn nghĩ rằng, những bàn tay để lại và những bàn tay khác sẽ tiếp tục chạm vào vì cuộc đời này luôn mải miết những chuyến đi nối tiếp nhau. Thôi thì cứ đi trong men say, để biết yêu thêm những miền rong ruổi, yêu những chuyến đi dài như đất trời…
Kết Thúc (END) |
|
|