Mười một giờ đêm, tôi được tin từ ông nội, thật mừng vì con đang ở nhà nội. Con bảo nhớ ông nội quá. Con sẽ ở lại tất niên và đón tết với nội, mùng ba con về - áp chặt tay mình vào điện thoại để nghe tiếng con và cố không để con nghe tiếng nấc của mình - xin lỗi con, mẹ sai rồi.
1. Làm dâu đất khách khi mới 21 tuổi, tôi vẫn vô tư nói cười. Ba chồng chưa từng để tôi nấu nước, pha trà. Ba bảo lo công chuyện của mình đi, chuyện đó ba làm được. Biết tôi thích đọc sách, mỗi bận đi đâu ba thường mang về đưa tôi một cuốn sách có đề dòng chữ: “Tặng con dâu của ba!”.
Ngày tôi “vượt cạn”, ba chồng lo lắng đi ngoài hành lang rồi reo lên mừng rỡ:
- Cảm ơn vì đã cho ông nội một “chiếc gậy”!
Mỗi khi làm về, ba hối hả gom quần áo, tất tã của bé ra giặt. Tuần nào cũng hái lá chanh, bưởi, sả… nấu nước cho con dâu tắm, còn bắt gà ác hầm đu đủ bồi bổ. Khi Bảo Kha đã đứng được trên xe để ăn thì tôi đỡ nhọc hơn nhưng nhóc hay ị ra xe. Mỗi lần như vậy, tôi đẩy xe vào góc nhà, chưa kịp đem đi chà rửa thì ba đã làm phần việc đó. Những việc làm lặng lẽ và tự nhiên như thế khiến tôi vô cùng cảm kích.
Nhưng “duyên nợ” con dâu - bố chồng chỉ chừng ấy!
Cuộc sống hôn nhân chưa đủ dài, chồng đạp đổ mái ấm bằng một tờ đơn tại tòa. Ngày có quyết định ly hôn, tôi gần xa nói ý định sẽ rời bỏ ngôi nhà và chuyển công tác, lý do muốn quên quá khứ tồi tàn.
- Ba không có quyền ngăn cản con một điều gì nhưng ba nghĩ chạy trốn không phải là giải pháp hay. Xin việc đã khó, chuyển việc càng khó hơn. Con cứ sống ở đây. Sau cơn mưa trời sẽ lại sáng!
- Nhưng hai mẹ con côi cút?
- Còn có ba mà!
Cuộc sống của một gia đình không có đàn ông thật không dễ dàng. Nhưng thật may, mẹ con tôi không phải lo gì hết, vì đã có ba. Cái cửa sứt chốt, bóng điện bị hỏng, máy bơm nước hư, dắt xe máy ra vào… ba đều làm hết. Con nhỏ đi trường mẫu giáo, ông nội đưa đón hằng ngày, nếu mẹ công tác vắng nhà, nội chăm bẵm cháu kỹ càng, tôi luôn an tâm công tác.
Có lần tôi bị dời nổi hết bắp đùi, lên cả lưng. Toàn thân đau nhức, cứ trăn trở ngồi không được, đứng không xong, dời phỏng lây lan, làm nóng lạnh, chạy hạch. Những nốt dời hành hạ, làm tôi khốn đốn.
Tôi đã nghĩ ba thực sự là ba của mình khi ông lo lắng chạy xuống phố mua một tuýp thuốc mỡ vì có người mách đó là thuốc đặc trị, bôi vào sẽ hết. Vẫn không khỏi, ba hỏi thăm rồi hàng ngày chở tôi đến nhà một người rất giỏi bắt dời. Đi đâu một lát, ba cũng ghé nhà hỏi tôi có bớt đau nhức chưa.
2. Quả là tình cảnh đoạn trường. Khu này lạ. Mẹ con tôi về đây được hơn hai tháng. Hai tháng, con chỉ đem về nhà một cậu bạn. Tôi vui vẻ lấy bánh trái cùng ăn, cùng trò chuyện thì biết con chị bán bánh bèo đầu xóm. Khi biết con bỏ nhà đi, tôi ngay lập tức tìm hỏi nhà chị bán bánh bèo với hy vọng con trai đang ở trong phòng chơi với bạn, mở máy tính chơi game cũng được. Tôi sẽ không la chuyện con đòi chơi game nữa. Học giỏi cũng được, dở cũng chẳng sao, làm bác sĩ thì tốt, làm anh bán kẹo kéo trước cổng trường cũng được, miễn mạnh khỏe cho mẹ. Vẫn không có. Tôi xụi lơ, ngồi bệt trước cổng.
Thị xã đang cơn áp thấp nên nhà ai cũng kéo cửa. Lội mưa, gõ cửa từng nhà: Có đánh đập gì cháu không? Dạ không? Có chửi bới không? Dạ, có la mắng vì lười học. Trời ơi, trẻ bây giờ mấy đứa chịu học mà ép. Có người còn đem bài báo chuyện cậu nhỏ bị bố mẹ ép học nên tự tử ra hù dọa. Tôi tái mặt.
Nhà bạn bè không, quán net không. Chẳng còn cách nào, anh đưa tôi đến công an trình báo. Xe vừa đến gần trụ sở thì thấy mấy nhánh cây xanh cắm trước chiếc xe tải. Xe lướt qua, tôi kịp nhìn thấy chiếc áo mưa bết bùn và máu, máu hòa trong nước mưa. Cảnh tượng làm tôi hãi hùng. Anh đưa tay ra sau trấn an. Những lúc thế này không được hoang mang. Lại hỏi, có đánh không, có chửi không? Dù vẫn bình tĩnh trả lời từng câu hỏi của công an nhưng tôi biết anh ít nhiều đau lòng. Chắc chắn! Anh cưu mang mẹ con tôi, giờ có chuyện gì, anh đương nhiên sẽ là người chịu trách nhiệm trước sự an toàn của thằng bé. (Dư luận sẽ đổ thừa do bố dượng ác độc nên con vân vân và vân vân…). Tôi vừa lo cho con, phần thương anh. Tan nát.
Lại nói chuyện vì sao tôi “bỏ nhà ra đi”.
Sống trong ngôi nhà cũ, sát vách ông bà nội, hàng ngày tôi phải chứng kiến cảnh người ấy chở vợ mới, con mới, cảm giác này thật tệ. Ở gần nội, con thường xuyên gặp ba, được ông bà nội yêu thương, tôi dù tổn thương vẫn bằng lòng vì mọi thứ gần giống như cũ.
Sống được mấy năm trong ngôi nhà cũ, những tưởng sự lựa chọn như thế là giảm tối đa tổn thương cho con nhưng dần dà, tôi nhận ra nó không ổn. Không ổn một chút nào. Con trai là con chung, là cháu đích tôn của nội. Tôi không được quyền giáo dục con theo cách của mình. Tôi thương con, bà nội cũng thương cháu. Tình thương không có lỗi, lỗi là giữa tôi và gia đình anh bất đồng trong cách giáo dục trẻ. Đến khi con trai bảo muốn sống với bà nội thì tôi giật mình. Đương nhiên nếu phải lựa chọn giữa chiều chuộng, được chơi theo ý muốn với học hành, rèn luyện thì thiên đường của trẻ vẫn là chơi. Không được, tôi thấy không ổn nên quyết định chuyển chỗ ở. Tôi nghĩ đến phương án phải rời bỏ căn nhà mình đã đổ mồ hôi nước mắt gây dựng, dắt con về quê, tá túc với cha mẹ ruột.
- Mẹ ơi! Mình sẽ về sống với ngoại hả?
- Ừ!
- Thế ông bà nội có được thăm con không?
- Được
3. Nách con về rúc vào gian nhà ổ chuột của bố mẹ. Ba năm chẵn. Tôi hiểu khái niệm ba năm. Thương con trai chỉ mơ ước một chiếc ti vi thông minh và cái bàn học chứ không dám nghĩ đến căn phòng riêng. Nhưng không được. Bố mẹ tôi đã quá già, mẹ con tôi nhập khẩu, lương giáo viên trở thành trụ cột. Gian nhà dột nát cho bốn người là quá tải, tôi làm đơn xin hỗ trợ xây nhà. Không được. Chỉ còn cách sống lay lắt.
Đã tưởng không hận thù nhưng khi bị khó khăn vùi dập, tôi đã thay đổi. Giận người chồng trăng hoa không gửi cho con tiền cấp dưỡng, giận ông bà nội không giúp gì được ngoài tình thương bằng lời nói. Tôi “cấm vận”: “Chừng nào con trưởng thành mới được quyền về phía nội chơi, giờ thì ở với mẹ, cấm nhắc tới ba, tới nội”. Thấy con trai “dạ”, tôi nghĩ thằng nhỏ chắc cũng phẫn nộ nên đồng tình.
Rồi anh đến như người hùng.
Mẹ con tôi dọn về trong ngày giỗ mẹ anh. Tôi có hoang mang ít nhiều. Phải đấu tranh dữ dội chuyện khác máu tanh lòng, chuyện con anh, con em nhưng khi không còn lựa chọn nào tốt hơn thì đành bước liều rồi đổ thừa số phận.
Mọi thứ ổn hơn tôi tưởng. Con trai gọi ba, xưng con, vui vẻ chia sẻ chuyện cô thầy, bạn bè, trường lớp. Anh dạy con cách ăn uống, tắm giặt, gấp chăn, theo dõi bài vở và kèm con học. Tôi đi làm cả ngày, có khi đi công tác mười ngày, nửa tháng. Không còn nỗi lo con mọn nữa, tôi tin, dù trời có sập thì con cũng bình an. Mẹ bảo về nơi ở mới, có người bầu bạn, nó sẽ nhanh chóng quên ông bố bội bạc bỏ con không cấp dưỡng, trẻ con mau quên lắm. Giờ thì tôi tin mẹ đúng. Ban đầu, tôi cũng đưa con về thăm nội nhưng khi thấy con đã quen với nơi ở mới, trong câu chuyện của con, tôi không nghe bất cứ chuyện gì liên quan đến nơi ở cũ nên tôi an tâm toàn phần. Càng mừng hơn nữa khi việc học của con có dấu hiệu khả quan. Tôi thầm cảm ơn số phận, cảm ơn vì anh đã ở bên con như một người cha, một người thầy đáng kính.
Hóa ra những điều tôi nghĩ là tốt đẹp chỉ tốt đẹp trong ý nghĩ (của riêng tôi). Con viết thư bảo sẽ ra đi đến khi nào mẹ hết áp lực chuyện con học yếu thì về.
Đêm đông bập bùng mưa, tìm đâu cũng chẳng ra con, tôi chẳng thiết gì nữa.
Mười một giờ đêm, tôi được tin từ ông nội, thật mừng vì con đang ở nhà nội, bình an là trên hết. Dù rất thích tưởng tượng thì tôi vẫn không hình dung được cảnh một cậu bé lớp 7 gầy gò đạp xe gần 50 km với bao đồi dốc trong một ngày trời đậm mưa. Con bảo bị mẹ cho chép phạt rồi viết thư bỏ đi chỉ là lý do, cơ bản là nhớ ông nội quá. Con sẽ ở lại tất niên và đón tết với nội, mùng ba con về - áp chặt tay mình vào điện thoại để nghe tiếng con và cố không để con nghe tiếng nấc của mình - xin lỗi con, mẹ sai rồi.
Kết Thúc (END) |
|
|