Chúng tôi dạo quanh Thành Nội. Chiều trở gió. Huế không đầm đìa như ngày sầu giăng. Mưa rả rích, đủ gọi nỗi buồn xứ sở. Thành quách u tịch. Làn mưa mỏng tanh dưới ánh đèn đường vàng vọt, ướt nhèm. Mưa Huế, giọt nhớ giọt thương. Buồn da diết. Những thân phận lầm lũi mưu sinh xô đạp những nhọc nhằn liêu xiêu. Dãy xích lô nằm buồn bên bến vắng, quạnh hiu.
Theo lời hẹn của Sơn, tôi sắp xếp công việc để đón anh. Chuyến tàu từ Hà Nội vào Huế mất 14 tiếng đồng hồ. Anh vừa bước ra cửa, tôi đã nhận ra anh ngay. Mái tóc húi cua của anh bạc trắng. Đôi mắt sâu ẩn sau cặp kính dày cộm. Dáng người dong dỏng cao. Anh không thay đổi so với mười năm trước tôi đã gặp là mấy.
Chúng tôi dạo quanh Thành Nội. Chiều trở gió. Huế không đầm đìa như ngày sầu giăng. Mưa rả rích, đủ gọi nỗi buồn xứ sở. Thành quách u tịch. Làn mưa mỏng tanh dưới ánh đèn đường vàng vọt, ướt nhèm. Mưa Huế, giọt nhớ giọt thương. Buồn da diết. Những thân phận lầm lũi mưu sinh xô đạp những nhọc nhằn liêu xiêu. Dãy xích lô nằm buồn bên bến vắng, quạnh hiu. Tôi đưa anh ghé vào một quán ăn bên bờ Bắc. Đối với anh em nghệ sĩ chúng tôi, đôi lúc ăn uống cũng không quan trọng. Miễn sao vui và ấm cúng là ổn.
Tôi quen Sơn khi cả hai cùng cộng tác với một tờ báo địa phương. Gặp gỡ không nhiều, nhưng khá chân thành và cởi mở với nhau. Có dịp ra Hà Nội tôi lại hẹn Sơn. Còn mỗi lần trở lại cố đô thì anh hẹn tôi.
Tôi sống độc thân trong căn nhà to đùng trống hoác trên đường Điện Biên Phủ. Tôi mời anh về nhà nghỉ ngơi. Sơn về gửi lại hành lí và tắm rửa. Chúng tôi xuống đường Lê Lợi, rồi dọc ra bờ sông Hương. Mưa tạnh. Bến vắng hoe. Dòng sông ướt mềm như mái tóc cô gái vừa gội. Những làn tơ mỏng manh vương vấn bên mạn thuyền rồng. Tràng Tiền phờ phạc đợi chờ nỗi nhớ. Xuôi về phía cầu Gia Hội, tôi gửi xe ở cửa hàng người quen, tản bộ. Chỗ này trước đây nhiều gia đình sinh sống trên thuyền. Ngày nay, họ được di dời lên bờ. Tôi có quen một lão, thi thoảng ông ngủ lại dưới đò. Tôi gọi như thì thầm, lão nghe và nhận ra người quen liền vui vẻ mời chúng tôi xuống đò.
Cả ba chúng tôi ngồi nhâm nhi ly trà ướp sen. Thanh. Ngọt. Nhưng không mát. Lão chèo đò vẫn giữ cái cốt cách thanh tao. Với lão, bến sông, con đò, trà sen, câu hò là cuộc sống. Lát sau lão bảo hôm nay nhức mỏi xương khớp nên đi ngủ sớm. Trước khi vào trong khoang, lão dặn: Hai chú tự nhiên hí. Lão nhìn xa xăm, đôi mắt buồn diệu vợi. Tôi chọc “cụ ơi, làm vài câu mái nhì mái đẩy rồi hẵng ngủ cụ hỉ”. Lão cười hơ hơ, rồi ngâm thơ. Giọng Huế âm trầm đặc quẹo.
“Trời ôi, em biết khi mô
Thân em hết nhục giày vò năm canh
Tình ôi gian dối là tình
Thuyền em rách nát còn lành được không?”.
Giọng lão chèo đò không còn sắc như mấy năm trước, nhưng vẫn thao thức nỗi buồn sông nước.
Dứt lời một lúc, tiếng ngáy đã cất lên. Tôi thầm nghĩ, hèn chi lão gần 80 mà da thịt cứ đỏ au, cơ thể săn chắc thế.
*
Trời đã dần khuya, sương lạnh thấm vào vai áo, tôi xích vào trong khoang đò. Sóng vỗ nhẹ mạn thuyền. Sợi neo chùng chình, lấp lóa trên mặt nước. Mưa đêm lất phất, ánh đèn đường hắt ra, mặt sông như dát bạc. Đêm sâu hơn. Gió mạnh thêm. Huế đẹp mà buồn đến nao lòng. Sợi mưa mỏng như tơ trời giang mắc. Lòng sầu vô định trước đất trời mênh mang.
Tôi giục Sơn: “Anh em mình về thôi”.
Sơn đáp: “Đêm nay, cậu ở lại đây với tớ nhé”.
Tôi ngạc nhiên: “Ngủ lại trên thuyền này?”.
Anh mỉm cười: “Ổn mà, hi”. Tiếng “hi” của Sơn gằn xuống cố ý, khiến tôi không thể chối từ.
Tôi cảm nhận, lần này đến Huế, anh có điều gì trong lòng chứ không phải đi tìm cảm hứng. Đoán vậy thôi nhưng tôi không tiện hỏi. Vì khi muốn nói, ắt không hỏi người ta cũng nói. Một khi đã muốn dấu, hỏi cũng bằng thừa. Sơn thở dài, đôi mắt dõi xa xa nơi ngoài kia hơi nước trắng mờ đục. Anh chậm rãi kể: “Tôi về Huế để tìm một người. Tôi không biết cô ấy giờ ở đâu”.
Tôi ngạc nhiên hỏi: “Cô ấy là ai?”.
Sơn đáp: “Tôi và cô ấy quen nhau trên mạng, chúng tôi kết bạn với nhau hơn năm năm. Từ chỗ là những câu hỏi xã giao thông thường, những câu bông lơn khi tôi rảnh. Cứ thế càng ngày càng gần gũi. Sau dần, tôi thấy như là thật. Mỗi lần chat với cô ấy, tôi ngỡ như chúng tôi đã quen nhau từ bao giờ”.
Tôi lấy làm lạ, một nhà báo, một nghệ sĩ đa tài, chín chắn như Sơn sao lại có những cảm xúc vớ vẩn thế được. Nếu không nhìn vẻ mặt đăm chiêu, tư lự và nghiêm túc của Sơn, tôi không thể ngồi nghe tiếp câu chuyện lãng nhếch đó nổi.
Sơn nhìn tôi và nói: “Có vẻ như trẻ trâu đúng không?”.
Tôi cười: “Khó tin quá. Anh không định kể chuyện “Liêu Trai” đấy chứ?”.
Sơn đưa tay bóp nhẹ lên vầng trán có đôi nếp nhăn ẩn hiện, thở dài: “Nếu chỉ dừng ở cõi ảo đã đành, từ cõi ảo, chúng tôi đã thành cõi thực. Cách đây 2 năm, cô ấy ra Hà Nội thăm tôi”.
Nhìn vào ánh mắt Sơn, bây giờ thì tôi tin là thật. Ánh mắt chan chứa niềm vui của một người đàn ông đã có tuổi. Quả đúng, bạn có thể giấu kín nỗi buồn trong tim nhưng bạn không thể giấu được niềm vui dù là nhỏ nhất. Tôi chăm chú lắng nghe. Sơn kể tiếp: “Tôi thật sự cảm thấy vui khi ở bên cô ấy. Dù ngắn ngủi mong manh nhưng sâu lắng, ám ảnh lạ thường. Cô ấy đem đến cho tôi nhiều cảm xúc, chính tôi bất ngờ với mối quan hệ này”.
- Bây giờ cô ấy ở đâu?
- Tôi không biết.
- Ủa, sao kì lạ vậy?
Anh tiếp tục câu chuyện của mình cho tôi nghe: “Mặc dù quen nhau rất lâu, nhưng tôi không bao giờ hỏi quê gốc cô ấy ở đâu, chỉ loáng thoáng quê cô ấy ở Quảng Bình. Lấy chồng Huế, sau ba năm chia tay, chưa có con cái gì. Cô ấy dạy một trường mầm non nào đấy ở Thừa Thiên - Huế…”.
Nghe Sơn kể, tôi bực mình:
- À, tôi hiểu rồi, tình anh người nghệ sĩ đa mang nên đành chấp nhận hợp tan chứ gì?
Anh buồn bã lắc đầu:
- Không phải, tôi có nỗi day dứt.
Sơn kể tiếp: “Lúc đó, tôi đơn thuần nghĩ, cô ấy mê muội tôi, tôi thản nhiên đón nhận tình cảm mãnh liệt ấy không một chút bận tâm. Lúc nào muốn, cô ấy cứ tìm. Lúc nào thôi, cô ấy tự rời xa. Cuộc đời tôi gặp bao nhiêu ái tình. Bao nhiêu lời yêu thương từ các cô gái trẻ, rồi lần lượt họ tự rời xa tôi. Khi ra đi, họ khóc lóc, van vỉ, yếu đuối suy sụp, còn tôi vẫn thế. Đi qua bao ái tình, lấy đi bao nước mắt của những người đàn bà đẹp, tôi vẫn về với gia đình, vẹn nguyên ấm áp như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Trong mắt vợ, tôi vẫn là người đàn ông chung thủy nhất, tuyệt vời nhất”.
- Tôi hiểu rồi, anh vừa tài hoa, đẹp trai, thông minh lại dí dỏm hài hước, các cô gái không “chết” mới lạ.
Sơn gật đầu.
- Đúng vậy. Làm thằng nghệ sĩ như tôi, ái tình được xem như chiếc áo rẻ tiền. Mặc xong vứt đấy, tôi chưa bao giờ tiếc nuối. Tôi gieo vu vơ mấy hạt ái tình để những người đàn bà mơ mộng dày công vun đắp, chăm bẵm rồi mặc họ tự gặt hái quả đắng.
- Anh tài thật, tính toán kĩ lưỡng, những người đàn bà đến với anh, họ vừa đủ yêu say đắm, nồng nàn, vừa đủ đớn đau, rồi anh bỏ rơi họ vừa đúng lúc. Tôi thì chịu thua anh khoản này. Trái tim tôi luôn trắc ẩn, tôi không tàn nhẫn được như anh.
Sơn đáp:
- Mà anh thấy đó, bao cô gái khóc lóc, suy sụp khi bị tôi ruồng bỏ, vậy mà có cô nào dám chết đâu. Thời gian sẽ làm nguôi ngoai tất cả. Khi không còn cảm hứng, tôi chỉ gọn nhẹ mỗi câu “chúng ta không thuộc về nhau”. Còn tâm trạng họ như thế nào, tôi không bận lòng. Tôi không có thời gian để lắng nghe họ khóc. Sau lần gặp gỡ cô ấy, tình cảm tôi nhạt dần. Cô ấy cảm nhận được điều gì đang đến. Cô từng nói: “Một khi anh đã không thích nữa, thì cách tốt nhất để em giữ tình yêu là tự nguyện rời xa anh trong đau đớn. Cô ấy chủ động chặn Facebook tôi. Mối quan hệ của chúng tôi chỉ như thế, cõi ảo mà.
Bây giờ sao anh lại đi tìm?
Cách đây 3 tháng, tôi nhận được tin nhắn từ một tài khoản lạ, có nội dung: “Con tên Quang, sinh ngày 19 tháng 7” và một bức ảnh bé trai tầm một tuổi. Nhìn cách nhắn tin, tôi biết đó là cô ấy. Tôi giật mình vì bé trai trong ảnh giống thằng con trai tôi hồi nhỏ đến lạ. Tôi linh cảm bé trai đó là con tôi. Tôi rất hiểu cô ấy, chẳng bao giờ đưa chuyện hệ trọng ấy ra đùa giỡn đâu. Vả lại, có lần ân ái, cô ấy thủ thỉ “em muốn có con”, tôi vùng vằng và bảo cô ấy dẹp ngay ý nghĩ đó. Có lẽ vì thế mà cô ấy đã chọn cách im lặng.
Đàn bà, nhìn ngoài nhu mì nhưng thực ra họ rất bản lĩnh. Cô nào yêu càng điên cuồng, tự trọng càng cao. Khi tôi đã xem tin nhắn xong thì tàikhoản facebook đó biến mất. Suốt mấy tháng nay, tôi lục tung tìm cô ấy mà không có tín hiệu gì. Bây giờ, đất Huế mênh mông, biết cô ấy nơi đâu mà tìm?
Tôi đã đưa lên trang cá nhân mình dòng trạng thái: “Trở lại Huế thương cùng cái ảnh chụp cảnh Đập Đá”. Hi vọng cô ấy sẽ biết.
Tôi thở dài:
- Anh đến là lạ, ít nhất cũng phải biết được nơi cô ấy công tác, số điện thoại… chứ.
- Tôi chỉ nhớ láng máng, cô ấy dạy một trường mầm non tên hoa gì gì đó, còn số điện thoại tôi không lưu. Thực tình, làm sao tôi lưu hết số của những người đàn bà đã mê đắm tôi. Sau khi cắt liên lạc với cô ấy, tôi lại tán tỉnh, chọc ghẹo với cô gái trẻ bằng tuổi con gái tôi. Họ tự nguyện ngã vào lòng tôi. Họ biết tôi đã có gia đình, thậm chí một gia đình rất hoàn hảo, vậy mà họ vẫn yêu tôi say đắm. Những người đàn bà đến với tôi đều có một điểm chung: họ đang đau khổ, đang chông chênh và cần nơi ủ ấm tim mình. Họ không cần bất cứ gì ở tôi ngoài mảnh tình vội vã, chóng vánh.
- Anh sẽ ở lại đây trong bao lâu?
- Tôi dự định ở lại 3 ngày, hi vọng cô ấy biết tôi vào. Gia đình tôi chuẩn bị sang Mỹ. Các con tôi ở bên ấy, chúng nó muốn bố mẹ sang cùng để chúng chăm sóc. Tôi không muốn sang, nhưng bà nhà tôi rất muốn. Tôi đành chiều theo ý bà ấy. Sang bên ấy, biết lúc nào tôi mới trở lại. Ruột gan tôi như nung khi nghĩ đến đứa bé kia.
- Bao giờ anh đi?
- Mười chín ngày nữa.
Trời gần sáng, ngoài sông lấp lánh ánh đèn người soi cá. Đêm thành Huế yên tĩnh đến nao lòng. Câu chuyện của Sơn khiến tôi day dứt khôn nguôi. Tôi từng có vợ, sau 5 năm chung sống, biết tôi không có con, cô ấy đã chủ động chia tay. Ngần ấy năm, tôi sống một mình. Sau tháng ngày dài rong ruổi khắp nơi, đã đến lúc tôi khát khao có một gia đình. Tôi thèm ánh mắt, nụ cười con trẻ. Những vinh hoa, danh vọng đối với tôi đã quá đủ.
Trong màn đêm thăm thẳm, tôi quờ tay tìm hơi người chứ không tìm đến sự trơ lạnh của những tấm huy chương. Tôi đã gặp nhiều người đàn bà, họ vội đến vội đi, chỉ để lại vết xước trái tim tôi. Khi đau đớn nhất, tôi tự huyễn hoặc mình, tình yêu chả có nghĩa lí gì, để rồi đến tuổi xế chiều, tôi nhận ra rằng: chưa người đàn bà nào yêu tôi thật sự.
Trời đã rõ mặt người. Người Huế có thói quen dậy sớm. Những gánh hàng nặng trĩu trên đôi quang gánh của những o, những mệ Huế trong sương sớm. Chúng tôi tạm biệt ông lão, lên bờ tản bộ.
Ba ngày đã trôi qua, Sơn không nhận được tin tức gì của người đàn bà ấy. Tôi đưa anh ra sân ga. Sơn gửi niềm hi vọng vào tôi. Anh lặng lẽ trở ra Bắc.
Sau hơn nửa tháng tôi hỏi khắp các phòng giáo dục nhưng không có người tôi cần tìm. Người ta bảo tôi rằng, có thể cô ấy dạy hợp đồng với trường, vì thế danh sách phòng không nắm. Theo lời kể của Sơn, tôi lang thang theo trí tưởng tượng của mình đến những vùng xa trung tâm thành phố. Trong tay duy nhất chỉ có tấm hình đứa bé.
Thời gian mãi miết trôi đi. Tôi không đủ kiên nhẫn để tìm người đàn bà ấy nữa. Chiều nay tôi về thăm đứa em gái vừa xuất viện. Gặp tôi, nó luyên thuyên kể bao nhiêu chuyện, chuyện cơ quan, chuyện bạn bè, chuyện ở viện... Đàn bà thật nhiều chuyện, nhưng tôi tỏ ra chăm chú nghe. Nó thở dài khi nhắc đến cô nào đó cùng điều trị với nó: hoàn cảnh rất đáng thương, mẹ đơn thân nuôi con nhỏ, xa quê, bố mẹ đã mất, anh chị em khó khăn chẳng ai giúp được gì. Mỗi lần vào viện truyền hóa chất, lại phải đưa con theo cùng. Nhìn cảnh mẹ đau ốm chăm con trong bệnh viện mà ai cũng xót xa.
Tôi bất giác hỏi:
- Cô ấy quê đâu, tên gì?
- Cô ấy tên Miên, quê Quảng Bình. Lê Hải Miên.
Tôi á lên một tiếng, vội đưa tấm ảnh cho em tôi xem và nói:
- Có phải đứa bé này không?
Em tôi reo lên:
- Đúng rồi anh ơi, anh quen à? Đấy, thằng bé con cô ấy kháu lắm.
Tôi thảng thốt, có gì đó đắng nghẹn giữa cổ. Tôi cố thở thật mạnh, ép luồng hơi ra khỏi cổ mà không được. Thoáng chốc, đầu tôi quay cuồng bao nhiêu thứ vớ vẩn đắng chát. Tôi nghĩ về Sơn, về thằng bé kháu khỉnh, về người đàn bà tên Miên. Sao lại là Lê Hải Miên mà không phải cái tên khác. Cái tên gọi cả bất trắc và buồn tủi.
- Cô ấy đau gì?
- Bị ung thư tử cung, giai đoạn đầu.
Tôi trấn tĩnh nhẩm thầm để giấu đi vẻ mặt đang nóng bừng, vậy là còn 4 ngày nữa Sơn sẽ sang bên ấy. Bỗng dưng tôi muốn xóa số điện thoại, muốn chặn Facebook của Sơn. Tôi cảm giác yêu đứa bé đến lạ. Ngày mai tôi sẽ vào thăm người đàn bà ấy.
Kết Thúc (END) |
|
|