Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Mùa Gió Ngang Vai Tác Giả: Lê Ngọc    
    Nhìn đâu Dung cũng thấy hình bóng bà, khi thật gần, lúc thật xa. Bà đứng bên giậu mồng tơi cằn nhằn lũ gà kiếm ăn bới rau tan tác. Cái dáng còng còng lưng tôm, người gầy gầy mà nom còn dẻo dai khỏe mạnh. Ai đời tuổi đã ngót nghét chín mươi nhưng bà vẫn cuốc vườn, bổ củi. Chiều chiều bà dẫn đám cháu rong ruổi lên gồ Mả Táo để tiện trông coi. Bà nhổ cỏ, bón thêm phân ruộng lạc.
    Dung thả chiếc rổ tre vào chậu nhôm chứa đầy nước, tay khẽ khàng khuấy đều nhè nhẹ. Những hạt đậu đen hút no nước căng nở nằm lăn lóc, va đập vào nhau nghe lào xào thật vui tai. Chốc chốc, Dung lại nhặt mấy hạt lép búng ra sân cho lũ gà nhặt nhạnh. Một tốp năm ba con gà mái cục tác giành ăn cũng ngầu ngã khắp sân. Mùa hè nghiêng nghiêng trút nắng vàng oi ả từ đầu trưa tới cuối chiều. Và nhiều khi nhập nhoạng tối, người ta vẫn phe phẩy quạt nan thều thào than phiền: Trời ơi, nóng quá!
    Ấy thế mà, mùa hè lúc nào cũng thật hấp dẫn đối với tụi trẻ con. Chúng háo hức chờ đợi những khoảng trời đỏ cháy hoa phượng, chờ tiếng ve rạo rực bên tai, chờ kỳ nghỉ dài thỏa thích chạy chơi. Đám trẻ sẽ giống như lũ chim sổ lồng tung cánh bay lượn tự do. Tuy nghịch ngợm hết biết, chỉ giỏi phá làng phá xóm làm người lớn đau đầu, song vắng đám nhóc, xóm làng bỗng buồn tênh. Bởi vậy, nói nghỉ hè đứa trẻ nào chẳng thích. Nhưng riêng mình Dung thì lại khác, mùa hè thường gợi nhắc cho nó về những thứ đồ ăn dân dã như que kem đậu, cặp bánh rán vừng, cốc chè thập cẩm… đổi bằng phế liệu hay tiền bán cua đồng dành dụm bấy lâu. Rồi mùa hè đem theo về những hình dung mơ hồ ngày bà nội còn sống…
    Ký ức dịu ngọt của một trưa hè nào đó giống trưa nay, Dung ngồi bên bà học cách đãi đậu, chị Minh nhặt củi trong bếp. Nắng chiếu ngoài sân. Nắng rơi mái bếp. Tiếng chim hót lảnh lót, véo von trên hàng cau ông trồng vui vẻ hát mừng. Dưới chân giàn mướp xanh mướt lấp ló đôi chùm hoa vàng tươi mời gọi đàn ong mật, giọng bà đều đều dặn dò:
    - Út nhớ nhé! Đậu nấu chè phải đều, hạt căng mẩy, đừng nấu hạt lép, hạt sâu vị chè khai không thơm.
    - Dạ. Mà bà cho nhiều đường nha, Út thích ngọt lắm?
    Bà cười móm mém, cốc nhẹ lên trán Dung mắng vốn:
    - Cha bố nhà chị. Ăn ngọt rồi sún hết răng.
    - Ứ ừ, Út thích ngọt cơ… thích ngọt cơ…
    Và như một phép lạ thần kỳ. Bữa ấy, giữa những bát chè đậu đen sóng sánh đá lạnh lại tồn tại bát chè nho nhỏ không đá, lấn cấn đường phèn khiến Dung mê mẩn. Trong những năm tháng ấu thơ xa vắng, bà luôn yêu chiều nó hết mực. Để rồi bận nay ngồi đãi đậu, mắt Dung cứ mờ mờ hoen lệ.
    Nhìn đâu Dung cũng thấy hình bóng bà, khi thật gần, lúc thật xa. Bà đứng bên giậu mồng tơi cằn nhằn lũ gà kiếm ăn bới rau tan tác. Cái dáng còng còng lưng tôm, người gầy gầy mà nom còn dẻo dai khỏe mạnh. Ai đời tuổi đã ngót nghét chín mươi nhưng bà vẫn cuốc vườn, bổ củi. Chiều chiều bà dẫn đám cháu rong ruổi lên gồ Mả Táo để tiện trông coi. Bà nhổ cỏ, bón thêm phân ruộng lạc. Còn Dung và cánh chị Minh thì rủ nhau chơi đấu cỏ gà. Gió dìu dịu lướt qua ngang vai thổi mùa hè trôi mất, trôi cả bà cùng da diết nhớ thương…
    *
    Chị Minh đi xuất khẩu lao động sang Nhật đã mấy năm. Nhớ bận hai chị em gọi điện video trò chuyện, chị kêu thèm đủ thứ. Thèm bát canh rau muống luộc vắt chanh chua chua. Thèm khúc giò nạc hồng thơm đằm vị quê mình. Thèm bát chè bà cốt, chè đậu xanh, đậu đen bà nội thường nấu. Thèm ngồi ngơ ngẩn trên gồ. Thèm xem chú kéo vó cất ao, thèm chơi bài quệt nhọ nồi. Chao ôi thèm! Thèm lắm mày à!
    Dung nghe lấy làm lạ, mấy thứ đó chỗ nào chẳng có. Trời tây hiện đại đến con rô bốt biến hình nó coi tivi họ còn làm ra được, huống hồ bát canh, khúc giò. Tò mò quá Dung mới dè dặt hỏi chị:
    - Sao chị không ra chợ mua?
    - Ai người ta bán. Siêu thị thỉnh thoảng bày rau muống nhưng đắt lắm. Lương anh chị mày chắc chả đủ ăn rau.
    Ờ sống ở trời Tây, ăn rau muống cũng chẳng dễ dàng gì. Chả trách, lâu lâu Dung vẫn thấy bác gái đóng thùng lỉnh kỉnh đủ thứ, nào bánh chưng, nào giò, nào nem gửi hàng không sang. Bác bảo gửi cho chị mày ít vị quê nhà. Tội con bé xứ người, thèm thì thèm vậy, mà toàn ngó ảnh thôi.
    Dân làng Dung nhắc hoài sang đó sướng ơi là sướng. Lương cao nên túi tiền rủng rỉnh. Nhất tụi đàn ông hay con gái ở một mình thì tha hồ mua sắm. Xóm có mấy người còn nhập cả thuốc, vòng huyết áp gửi về Việt Nam cho bố mẹ bán hộ. Trai gái lớn lên nối bước nhau xuất ngoại, còn rặt những người già như bà, trẻ giống Dung là lọt thỏm phía sau neo giữ làng quê. Xa xôi nghìn trùng nghe người ta kể những phồn hoa xứ người, lòng Dung lại cuộn trào khao khát. Nó ao ước mình cũng được đặt chân đến xứ mặt trời mọc, diện áo kimono và ngắm hoa anh đào nở.
    Đã có lần Dung đòi bố, mấy năm con lớn cho con đi Tây, nhưng bố lắc đầu thở dài thẽo thượt.
    - Mày không trông cái Minh à!
    Dung giật mình thảng thốt. Phút chốc, Dung nhớ những đêm dài lệch múi giờ, chị điện về thổn thức nói nhớ cảm giác nằm trong lòng bà ấm áp. Rồi những bữa giỗ chạp nhìn bên này cả nhà quây quần đông đủ, bên mình mỗi bốn bức tường vây. Dẫu mùa hè chị cũng cảm giác da mình lành lạnh, buốt hết tâm can, ăn miếng bánh ngọt mà đắng ứa nước mắt…
    Người làng đâu biết bao lần ốm khô rạc thân gầy, chị lại nén cơn ho khàn khàn để gọi thoại xuyên quốc tế nghe vài câu bà nội dỗ ngủ ngoan nhé giống ngày trẻ dại. Và bao nhiêu những điều nhỏ nhặt khác mà Dung đã quên hoặc cố hết sức nhưng không thể nhớ nổi. Thế thôi, Dung chẳng còn khao khát chi nữa. Ai không biết hoặc cố lờ đi đó là chuyện nhà người ta.
    Chỉ tình thương Dung dành cho chị luôn hiển hiện chân thực. Nó dày lên cùng năm tháng dài dặc, ngấm dần vào từng trang kỷ niệm. Dù nhiều khi gói gọn lại bằng mấy từ ngắn ngủi “em nhớ chị” mà sao nói ra nghe nặng trịch đầu môi. Hai chị em nhìn nhau cười hẹn tới mai kia. Chị đáp chuyến bay xuống dải đất mẹ. Dung sẽ diện cái áo cánh hình con bươm bướm dẫn bà ra đón. Ba bà cháu dắt nhau xuôi những nẻo đường quê. Bóng đổ nghiêng mé ao xanh xanh vạt cỏ. Nắng rơi rơi lưng cánh chuồn chuồn kim.
    Đường về nhà thật gần ngay trước mắt, an nhiên và trong lành…
    *
    Bà thích nấu chè đậu đen. Hay đúng hơn, bất kể thứ gì đám cháu thích thì bà đều muốn nấu. Dung thích ăn chè. Chị Minh mê nem rán, còn anh Hạnh lại đánh quẹn nồi cơm với vài lát cá kho. Mỗi bận anh chị về, bà lại đi chợ mua đồ làm cho bằng được mới. Bố mẹ bắt gặp thường can ngăn bà miết:
    - U đừng chiều cháu quá!
    - Bậy nào, được mấy bữa đâu.
    “Mấy bữa đó” theo lời bà cứ kéo dài suốt một mùa hè anh chị về nghỉ. Hoặc đi làm cũng tranh thủ cuối tuần xuống chơi. Mọi người tụ tập quây quần quanh bà, nghe những lời hỏi thăm quen thuộc, nhận mớ quà cây nhà lá vườn bà bòn nhặt cất giữ. Ai cũng có phần đầy đủ. Thậm chí những dịp lễ tết, bà còn điểm mặt chỉ tên hỏi đứa nào năm nay cho bà ăn kẹo cưới.
    Kể cả phần chị Minh mưu sinh xứ người. Những hôm giỗ chạp gia đình sum họp, chị bên kia thúc giục em ún chụp ảnh gửi sang, bà bên này nhắc hoài: “Gọi cho cái Minh, gọi cho cái Minh”. Người già lãng tai. Nói cũng chẳng nghe được. Nhưng xem hình thôi, Dung đã thấy bà mỉm cười mãn nguyện. Những nếp nhăn dường như được trải phẳng, mắt hấp háy đốm lửa hy vọng khi chị bảo, bà ráng chờ cháu về.
    Còn với Dung, cô cháu gái nhỏ nhất nhà như miếng trầu tri kỷ thì bà thương vô cùng. Nhớ bận chơi tối xong cảm gió, người nó lạnh toát, mệt mỏi khó chịu. Bà lặn lội khắp mảnh vườn nhà, xin thêm hàng xóm gom đủ nồi nước xông, mượn đồng bạc trắng đánh cảm cho Dung. Rồi cả những trưa hè, một mình bà gánh nắng, gánh mưa mà rao “ai mua rau đơi… ai mua rau đê” kiếm chút tiền cho cháu ăn sáng.
    Đôi lúc Dung muốn tạ ơn trời vì có bà bên cạnh. Người luôn ghi nhớ những sở thích kỳ lạ của đám cháu dở hơi, lẩm bẩm nấu bếp. Con Dung thích đồ ngọt. Cái Minh khoái đồ chua…
    Trong một mâm cơm gia đình những ngày xưa cũ, bà mà nấu nhất định phải đủ đầy hương vị. Bàn tay gầy gò, sứt sẹo thời gian sẽ thoăn thoắt nêm nếm chiều lòng từng đứa nhỏ. Và khi lên mâm, trong cuộc giành ăn bất tận của anh chị em Dung, bà hay ngồi cười hiền, gắp liên tục. Nào miếng gà này nạc cho con Dung, miếng nem này ngon phần cái Minh…
    Chốc lát Dung hỏi:
    - Bà không ăn ạ?
    Bà lắc đầu:
    - Tao no rồi!
    Nhìn bát cơm chan nước rau còn già nửa, tay bà mải miết gắp cho con cháu, Dung nghĩ thầm chắc tại già rồi nên ăn ít, chứ nó phải hai bát mới căng tròn bụng. Ban đầu nó còn đeo đuổi không thôi sự no lạ kỳ của bà, nhưng dần dà Dung quen những quan tâm nhỏ nhặt. Có dạo nó muốn thốt lên: “Bà ơi, sao bà bao dung thế!”.
    Ai biểu mẹ Dung không nhớ sinh nhật bố. Còn bố chẳng nhớ Dung thích ăn đồ ngọt, như chị Minh đâu biết ai làm hư sợi chun buộc tóc đẹp đẽ. Mình bà biết tất, nhớ hết. Người cứ lẳng lặng đứng bên chuẩn bị mọi thứ. Bà âm thầm mua bù sợi chun mới, lấy chiếc chén mắt trâu và chai rượu cuốc lủi khi dọn cơm, san một thìa đường vô tô canh trước mặt Dung…
    Người làng bảo “Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà” nhưng Dung chẳng tin. Không có bà, tuổi thơ buồn biết mấy. Dung biết tìm đâu người kể những câu chuyện xưa của làng trước lúc đi ngủ, tìm đâu người bênh sau đòn roi của mẹ, tìm đâu người nấu cả bữa ăn ngon, tìm đâu…? tìm đâu…? Vắng bà rồi phải chăng, Dung sẽ giống chị thao thức trời tây mà thèm đủ thứ. Những điều vốn dĩ Dung có thể đạt được dễ dàng nhưng với chị Minh giờ sao bỗng thấy mong manh…
    Nghĩ vậy thôi, trán Dung rịn mồ hôi. Lòng dạ cứ phập phồng không yên. Trời vừa qua cơn bão. Mây trắng bồng bềnh lãng đãng phiêu du giữa nền xanh bất tận. Bác sĩ lại sang thay thuốc cho bà. Dung nhìn ông trông có vẻ buồn buồn, những nét mệt mỏi xô cặp lông mày nhíu xuống, trùng sâu. Không biết bác sĩ nói gì mà khiến mẹ ôm mặt rưng rức. Mắt bố hoen đỏ. Bác gái, bác trai mỗi người chia mỗi ngả, vội sấp ngửa gọi điện.
    Mình bà nằm trên chiếc giường cũ, dáng người nhỏ nhắn chẳng đủ ôm Dung. Ngoài vườn những hàng cây bị gió táp, mưa ngâm nhễu nhạo đổ nghiêng ngả. Buồng chuối chiều trước bố quên chưa chặt giờ này gãy rụng, nát bê bết, rục xuống sân…
    *
    Dung lấy tay áo lau qua loa gương mặt. Xong rồi, nó vớt đậu ra rổ, gọi với vào trong nhà.
    - Chị Minh ơi ra xem đậu được chưa này?
    - Em cứ để đó cho ráo nước.
    - Vâng.
    - Hôm qua em gọi, chị Liên bảo sao?
    - Chắc lát nữa chị ấy về thôi ạ.
    Lâu lắm rồi mấy chị em không gặp nhau. Năm ngoái, những bận cuối tuần rảnh rỗi các chị sẽ chở cháu về quê thăm bà. Lúc ấy bà vui lắm. Nụ cười móm mém răng đen đơm nở thường trực trên môi. Dung sẽ cùng mấy chị bồi chuyện bên bà, nghe đâu đó vài điều lý thú, đòi bà kể những truyền thuyết quê mình.
    Hồi nhà còn nguyên khoảng ao tù bốn mùa phủ rêu xanh ngắt. Rặng dâu da chín rơi bì bõm mặt ao gọi lũ trắm cỏ lúc nhúc đớp mồi. Anh Hạnh chặt chiếc cần câu tre, quặc thêm con giun ngồi run rẩy chờ đợi. Xa xa chỗ những vạt cỏ xanh um nơi gốc xoài, gốc cau lác đác bông hoa dại, chị Minh sẽ ngắt chùm hoa kết tặng Dung chiếc vòng nguyệt quế tuyệt đẹp. Bà dẫn chị Liên lội ao mò ốc. Rồi lát sau, mấy bà cháu bẻ gai bòng ngồi nhâm nhi cùng bát mắm đậm đà tỏi ớt.
    Càng nhớ về bà, lòng Dung càng hụt hẫng. Cảm giác trống rỗng nảy nở trong tim, lan dần xuống bụng và choáng ngợp đầu óc. Dù bà ở ngay kia. Vẫn điệu cười móm mém. Vẫn diện tấm áo nâu, vấn tóc khăn mỏ quạ. Quần lĩnh, túi cài khuy bấm phồng phồng quà cho cháu. Nhưng mà sao bà cứ lặng im…
    Bao đêm học bài thao thức, Dung thì thầm gọi mãi, người cười hiền từ tiếp tục lặng im. Khung ảnh láng trơn hắt ánh đèn lấp lóa. Dung lau ban thờ. Dung dọn đồ đạc. Bà dõi theo Dung chẳng nói một lời. Đưa tay bật đài phát bài kinh cầu, nó xếp lại tập vàng mã ngay ngắn hơn. Một nhúm hoa thơm, hai nhánh cau mới. Liệu giờ này bà có đang nhai trầu không nhỉ? Bận xưa bà hay đi chùa. Mười rằm, mồng một bà dẫn Dung lên theo các già đọc kinh, lễ phật. Khí thiền định loang loang nhang khói. Tượng phật trang nghiêm cõi niết bàn.
    Nay áo tăng phủ bụi hồng trần. Người rời nhân thế. Chuỗi tràng hạt bà niệm khi xưa được Dung cất gọn gàng cẩn thận trong đĩa. Những viên gỗ lắng màu năm tháng, bóng son ngà cổ kính. Duy chỉ có sợi dây là mới, là lạc lõng. Dung nhớ ngày bà đi, chị Minh còn bên Nhật. Trời không hửng nắng, mưa bụi lâm thâm. Nhánh hoa giấy rủ góc sân những bông hoa tím mềm mại. Bà nằm trên giường, người nấc cụt từng cơn. Ngày đã dần cạn. Bà mới thều thào căn dặn: “Con cháu phải đoàn kết… đoàn kết…”.
    Khi ngọn đèn chợt tắt. Chuỗi tràng hạt đứt rời từng đoạn. Hạt gỗ rơi lăn lóc dưới sàn. Dung lượm lặt mãi chắp vá xâu thành chuỗi. Nhưng cuối cùng, cái sợi dây đã không còn nguyên vẹn…
    *
    Từ dạo đó, cánh chị Liên, anh Hạnh cũng ít về thăm nhà. Họ neo đời thành phố. Mọi người vẫn gọi điện thăm hỏi thường xuyên nhưng dường như trong cảm nhận của mình, Dung mơ hồ nhận thấy có điều gì đấy ngăn cách đôi bên. Những chủ đề chung ngày một ít. Thiếu mấy câu hỏi “bà nội khỏe không mày?” hay “độ này dây thần kinh còn hành đau bà không?”.
    Câu chuyện cũng nghèo nàn hơn. Đôi lúc gặp nhau còn chẳng biết nói gì. Vòng vo dăm ba lượt đối đáp lấy lệ, đành chào tạm biệt. Thi thoảng, Dung muốn rủ anh chị xuống quê chơi mà họ chối đây đẩy, khất lần khất lượt mãi. Nhớ đợt Dung thúc giục nhiều quá chị Liên lắc đầu bần thần. Về gặp ai mày…
    Ừ nhỉ! Về gặp ai? Cái góc ao xanh mướt cây trái nay đâu còn. Mảnh vườn thuở xưa bà quét lá, chặt củi. Chị em Dung tha thẩn chơi đồ hàng nay cũng vắng bóng cây. Chú hút bùn ao chua phèn cát trắng. Những cái cây trụi lá, xơ xác. Màu xanh đi rồi màu xám ghé lại, xám ngoẹt một màu héo úa tang tóc.
    Dung chợt nghiền ngẫm. Chị Minh về nước áng chừng hơn tháng nhưng hẹn mãi cả đại gia đình vẫn chưa được dịp sum họp. Giá như còn bà, chắc chỉ đôi cuộc điện thoại là sớm mai rộn rã cửa nhà. Nhiều khi nó nghĩ, sợi dây liên kết tinh thần mỗi người đột nhiên đứt phựt, điểm neo đậu quen thuộc biến mất khỏi cuộc đời thì kiếm cớ gặp nhau cũng là điều xa xỉ. Một cái hẹn thôi mà khó khăn vô cùng.
    Và chiều chiều mình Dung ngồi hóng gió ngóng đợi ngoài cổng, hơi nóng bỏng rang phả bụi hầm hập, tự dưng mắt lại thấy cay cay…
    *
    Chị Minh bưng nồi chè đậu đen đặt giữa mâm bát. Nhà đông con cháu nhưng chỉ mình chị là được chân truyền công thức từ bà. Nấu lên ai cũng khen không dứt miệng. Những dạo bà mệt, đôi lúc Dung thèm ăn bèn vòi chị nấu cho. Vẫn hương thơm dìu dịu ngan ngát. Vẫn vị ngọt thanh của đường phèn. Vẫn là phần đặc biệt nhiều đường, ít đá. Nhưng mà sao hôm nay, Dung ăn thật vô vị. Mồm miệng chát đắng, nhạt thếch.
    - Chị quên cho đường à?
    - Hai muôi đó. Chắc nó chưa tan.
    Chị Minh khuấy liền cái muôi sắt. Chè sóng sánh in hình bốn chị em. Tiếng xào xạo âm vang lấn cấn như mắc sạn đáy nồi. À có nhiều đường thật. Dung cũng nghe những hợp âm lao xao ấy. Nhưng…
    - Sao cứ nhạt thế nhỉ?
    Chẳng ai nói gì. Mình Dung thắc mắc. Nó dốc trọn túi đường vào trong bát, khuấy đều những vòng quay. Nhạt! Thật nhạt! Giây lát, sau mấy khoảng lặng dài trầm ngâm, chị Liên bất ngờ thì thầm khe khẽ:
    - Tao cũng thấy nhạt. Giá như còn bà…
    Dung ngẩn người ngơ ngác. Giá như còn bà… giá như còn bà… Ai cũng phần đúng vị. Mọi thứ vận hành theo guồng quay vốn có.
    Mùa hè nắng dường như bớt nóng, gió mát lành vun vút thổi ngang vai…
    

Kết Thúc (END)
Lê Ngọc
» Đêm Thao Thức
» Mùa Gió Ngang Vai
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò
» Tuyết