Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Chuyến Tàu Đêm Tác Giả: Mai Tiến Duẩn    
    Nam run người, đứng như trời trồng. Hai mắt chớp chớp liên tục để ngăn giọt nước mắt sắp lăn xuống. Tay Nam nắm chặt tay Việt. Hai người đàn ông ôm lấy nhau. Tiếng loa báo hiệu vang lên, đoàn tàu chậm dần rồi dừng hẳn. Nam mở cửa bước ra ngoài. Còi tàu hú! Tiếng kình… kịch… kình… kịch từ từ vang lên, đoàn tàu tiếp tục cuộc hành trình. Nam giật mình, anh quên chưa hỏi tại sao bố Việt lại thét lên: “Giết người. Nghề giết người”.
    Giữa khoảng không những tia chớp mang ánh lửa, đan chéo ngoằn nghèo như muốn xé tan những nóc nhà dưới bầu trời đêm. Tiếng sấm nổ ầm ầm. Gió thổi ù ù, càng lúc càng mạnh hết đợt này tới đợt khác, cuốn những lớp bụi bay mù mịt.
    Nhanh! Lên tàu nhanh, trời sắp mưa. Tiếng mọi người í ới gọi nhau. Hành khách từ nhà ga mau chân rảo bước về phía đoàn tàu đang nằm chờ trên sân. Nam cũng vậy, anh chạy thật nhanh tới toa tàu đã ghi trên vé. Chân anh vừa bước lên cửa thì những giọt mưa nặng hạt rào rào đổ xuống. Anh chưa vào trong khoang, đứng ở hành lang bên cửa sổ lặng lẽ nhìn ra ngoài.
    Dưới ánh đèn vàng tỏa ra từ các cột điện nhìn rõ những hạt mưa đan vào nhau thành một màn nước trắng xóa, rơi xuống đất nổi bóng vỡ tan. Sân ga vắng lặng, thi thoảng mới có bóng người mặc áo mưa đi lại. Nam xỏ tay vào túi lấy bao thuốc, rút một điếu đưa lên miệng châm lửa. Anh kéo một hơi dài rồi nhả khói. Khói thuốc màu trắng cuộn bay lên…
    *
    Ngày mai… Nam sẽ đứng ở nghĩa trang Trường Sơn. Không biết nghĩa trang thế nào nhỉ? Anh chưa tới đó bao giờ, nghe nói rất rộng, được chia theo khu vực, chắc lớn gấp nhiều lần nghĩa trang liệt sĩ ở quê. Anh còn nghe nói nghĩa trang Trường Sơn linh thiêng lắm. Ngày mai anh không thể đến trực tiếp từng nấm mộ rồi thắp lên những nén nhang để ấm lòng những chiến sĩ đã gửi mình vào đất mẹ. Nhiều thế hệ, nhiều con người đã ngã xuống, máu của họ đã nhuốm đỏ màu cờ.
    Chiến tranh là vậy! Là mất mát, là đau thương và còn nhiều điều khủng khiếp sau hai từ chiến tranh. Ngày mai, anh bước thẳng tới đài tưởng niệm rồi thành kính đặt lên bó hoa tươi thắm, cắm vào lư hương những nén nhang. Anh cúi đầu cầu mong vong linh các chiến sĩ đã hy sinh được siêu sinh về miền an lạc. Sau đó anh sẽ tìm khu an nghỉ của các liệt sĩ tỉnh Nam Định.
    Bác anh - liệt sĩ Mai Kim Đương có lẽ đang yên giấc tại đây. Anh đặt lên trên nấm mộ bó hoa cúc trắng, thắp nén nhang để thực hiện niềm mong ước của bà nội. Bà chỉ mong muốn được một lần đến nghĩa trang Trường Sơn, rồi tự tay sờ lên tấm bia lạnh ngắt của người con trai. Bà thường nói với anh: "Nhà này có thằng Nam cao to giống bác nó. Sau này bà mất nếu Nam có điều kiện thì nhớ vào nghĩa trang Trường Sơn thắp cho bác nén nhang. Bà muốn vào thăm, nhưng mà thời buổi khó khắn, lấy tiền đâu mà đi". Nghĩ tới đây sống mũi Nam cay cay.
    *
    Nam giật mình quay lại, một người đứng cạnh anh từ bao giờ. Người đàn ông cất giọng miền Nam chào.
    - Chào anh. Trời mưa quá à!
    Đặt chiếc túi xách trên tay xuống, người đàn ông cởi áo mưa. Đứng trước Nam là người có dáng dong dỏng cao, khuôn mặt tròn, ánh mắt sáng ẩn sau cặp kính cận đang đọng nước. Anh mỉm cười gật đầu chào.
     Người này chắc hơn Nam tầm dăm tuổi. Người đàn ông cẩn thận giũ áo mưa, gấp lại ngay ngắn. Anh ta tháo kính xuống, rút trong túi áo cái khăn lau hai mắt kính rồi đeo trở lại và mở cửa bước vào trong khoang. Nam đứng bên hành lang ngắm cơn mưa mùa hạ suy tư: "Không biết sáng mai ở Quảng Trị trời có mưa không". Nam mở của bước vào, khoang tàu có bốn giường nằm loại cứng. Người đàn ông nói giọng miền Nam vừa rồi đang ngồi trên giường tầng một, tay cầm điện thoại. Giường của Nam cũng tầng một ở phía đối diện. Khoang vẫn còn trống hai giường ở tầng trên. Nam cất giọng.
    - Tàu sắp chạy. Chắc khoang này chỉ có anh và tôi.
    Người đàn ông đang chúi mặt vào màn hình điện thoại ngước nhìn Nam trả lời.
    - Dạ. Chắc zậy đấy anh. Tôi là Việt, anh tên gì?
    Nam đáp lời ngay.
    - Tôi tên Nam.
    Việt dạ rồi lại chúi mặt vào cái smart phone. Đoàn tàu rú còi chuyển bánh được một lúc. Tiếng sét nổ vang trời điểm thêm tiếng kình kịch kình kịch mỗi khi bánh xe va vào khớp nối của đường ray. Chúng giáng thẳng vào tai Nam làm anh rùng mình…
    *
    Năm người trong gia đình đang quây quần ăn trưa, giữa mâm cơm là nồi canh rau đay, cạnh đấy có đĩa cà thâm. Mẹ Nam mở vung nồi cơm, dùng đũa cả xới lên lổn nhổn những củ khoai, củ sắn. Bà lấy riêng cho cậu em trai một bát, hạt cơm ra rã với màu vàng đùng đục. Những bát còn lại toàn là khoai với sắn. Bỗng bầu trời xám xịt, âm thanh ù ù ném vào ngôi nhà. Bà nội và mẹ mặt tái đi. Mẹ ôm lấy em trai đứng lên thật nhanh, bà nội thu bát đũa xung quanh cho vào mâm.
    Bà chưa kịp đứng lên thì… Rẹt! Tiếng sét chói tai giáng xuống khiến Nam giật mình. Bố anh bật người đứng dậy, ném thẳng bát cơm trên tay vào phía đối diện. Ông bê cả mâm cơm tung lên thét: "Xung phong… xung phong! Giết… giết". Xoong canh bay lên đổ ụp xuống, cả nồi nước màu xanh nhờ nhờ nhơn nhớt hất thẳng vào mặt bà nội. Cậu em trai khóc thét trên tay mẹ. Nam ngồi ngây ra. Bố của anh miệng liên tục hô tránh… tránh, người thì di chuyển sang phải rồi nhảy sang bên trái, đưa tay chỉ về phía trước. Miệng hô Pằng pằng… Pằng pằng…
    Bà nội tóc xõa xuống, rũ rượi khóc. Hai tay bà đưa lên quá đầu rồi đập xuống nền nhà, hành động đó được lặp đi lặp lại. Nước mắt pha với nước canh, lăn dài trên mặt rồi rơi đều xuống đất. Bà đứng phắt dậy, bước thẳng về phía bức tường đối diện cửa ra vào. Bức tường đó treo tờ giấy ép trong khung gỗ đề chữ "Tổ Quốc Ghi Công". Bà ngước nhìn lên, vừa mếu máo vừa nói: "Giời ơi là giời! Chiến tranh sao mà tàn ác. Thằng anh thì vĩnh viễn nằm lại, ngày đi thì có ngày về thì không. Thằng em trở về thì người không ra hồn người. Sao số tôi nó khổ". Rồi bà khóc to hơn. Ngoài trời mưa rào rào điểm thêm tiếng sét xé lòng. Trong ngôi nhà vách đất mái rạ âm ỉ tiếng khóc của hai người phụ nữ.
    Cơn mưa ngớt dần rồi tạnh hẳn, trong nhà không còn tiếng khóc. Bố Nam nằm sõng soài bất động, mắt trắng dã, miệng sùi bọt, rãi nhỏ chảy xuống đất. Nam mới học lớp ba, chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra. Nhưng Nam cũng nhận ra cứ khi nào có tiếng sấm, tiếng sét là bố lại hô xung phong, giết, pằng pằng rồi nằm bất động.
    Lớn hơn chút nữa bà nội kể bố anh là bộ đội, lính trinh sát, đi đánh nhau ở miền Nam rồi bị thương. Bố trở về làng mang theo mảnh đạn còn găm ở trong đầu. Có lẽ do mảnh đạn nên ngoài không chịu được tiếng động lớn thì vào mùa đông những hôm trời mưa phùn gió bấc bố Nam thường lấy tay đập vào đầu vật vã. Bố chẳng làm gì, chỉ quanh quẩn ở nhà. Mọi công việc đều mẹ lo cả. Mẹ anh là người làng, xinh nhất xóm mới lấy được anh thương binh. Ngoài thời gian làm đồng, mẹ đi đóng trấu, bốc vác ở nhà máy xay xát gạo.
    *
    - Anh… anh sao zậy? Có chuyện gì đó? Tiếng nói của Việt
    Nghe thấy tiếng gọi anh giật mình lúng túng.
    - Không. Không có gì đâu anh.
    Việt tiếp lời.
    - Tôi quan sát anh nãy giờ, tôi thấy ánh mắt anh lạ lắm.
    Nam im lặng một lúc rồi nói.
    - Tôi đang nghĩ về bố.
    Nam kể chuyện vừa rồi. Việt lặng lẽ ngồi nghe ngắt lời.
    - Thế hiện tại ba anh sao?
    Nam nhìn vào mắt Việt đáp.
    - Vâng bố tôi…
    *
    Một chiều mẹ đi làm, Nam cùng em trai ra vườn chặt cây chuối về thái cho lợn ăn. Tùng… Chiêng… Tùng… Chiêng… Tùng… Chiêng… tiếng chiêng trống đám ma vọng lại. Chết mày đi! Tiếng gió vù qua tai Nam. Phập! Vết đâm sắc lẹm. Cây chuối sát đầu anh đứt làm đôi, phần ngọn rụng xuống. Cái móng găm thẳng xuống đất, đứng nghiêng trước mặt Nam. Anh giật mình quay lại thấy bố nhảy lên hô: "Xung phong… xung phong". Sau tiếng hô, bố Nam liệng người sang trái, di chuyển sang phải tiếp tục hô: "Tránh tránh, tránh tránh". Rồi bố anh chạy, cứ thế chạy. Chân thì chạy tay thì đưa lên chỉ về phía trước, miệng bắn pằng pằng. Nam vội chạy theo bố, cậu em trai lồm cồm chạy theo sau nói vóng lên: "Anh Nam, bố đánh trận, bố đánh trận".
    Trên con đường đất gồ ghề, ở phía trước xa xa một người đàn ông chạy, phía sau là cậu bé với thân hình mảnh khảnh chạy, sau nữa cũng một cậu bé lẫm chẫm vừa chạy vừa cười. Bóng bố Nam xa dần rồi khuất hẳn tầm nhìn, anh dừng lại thở hổn hển, mồ hôi toát ra lăn đầy trên trán. Đi bộ ngược trở lại thấy cậu em trai đang dần tiến về phía anh. Hai anh em, một lớn một bé dắt tay nhau bước nhanh trên đường. Nam không về nhà mà cùng em trai tới nhà máy xay xát gạo tìm mẹ.
    "Mẹ ơi! Bố chạy mất rồi". Người đàn bà dáng gầy gò, đang còng lưng vác bao thóc trên vai, chiếc áo thấm đẫm mồ hôi. Bà dồn hết sức vào đôi chân, bước thật nhanh vào trong kho, quẳng bao thóc xuống. Khuôn mặt hốc hác, đôi mắt trũng sâu, xương gò má nhô lên đỏ gay gắt. Bà hốt hoảng, chạy nhanh về phía có tiếng gọi. Đứng trước mặt hai đứa con, bà hỏi dồn dập.
    - Lâu chưa? Khi nào? Về nhà nhanh.
    Cả làng biết chuyện, mọi người bu đến nhà Nam hỏi han tình hình rồi cùng nhau đi tìm. Đến đêm vẫn không thấy, bà nội ngồi ngoài sân khóc rồi kêu: "Ôi giời ôi… ôi giời ôi. Sao số tôi nó khổ". Trong màn đêm đặc quánh vẳng lên tiếng ếch xen lẫn tiếng khóc thút thít vọng ra từ ngôi nhà.
    Tờ mờ sáng hôm sau, có bác nông dân đi làm đồng buổi sớm. Ruộng của bác bên cạnh bãi tha ma. Bác giật mình khi thấy từ phía bụi cỏ voi bên cạnh ngôi mộ nhô lên một hình hài trong bộ quần áo bộ đội bê bết bùn đất, ướt lướt thướt. Tiến lại gần hơn là một người đàn ông cao gầy nằm ngửa, chân tay duỗi thẳng, mặt trắng bệch, đôi mắt nhắm chặt và đôi môi tím tái. Bác nông dân hoảng hốt, ba chân bốn cẳng vừa chạy về làng vừa hô: "Có người chết! Có người chết". Cả làng đổ ra bãi tha ma, thì ra bố Nam đang nằm ngủ. Mọi người cùng nhau đưa bố về nhà.
    Tiếng gọi vui mừng: "Thấy rồi, tìm thấy rồi". Bà nội vỡ òa sung sướng, khóc nức nở chạy ra ngõ đón bố, miệng liên tục nói: "Cảm ơn các bác, cảm ơn các bác. Ông ơi, Đương ơi nó còn sống, nó lại trở về. Con tôi trở về rồi". Mẹ Nam vừa khóc vừa dìu bố đi về cái giếng nước, anh thì chạy vào trong nhà lấy cho bố bộ quần áo. Mới sớm mà nhà Nam từ ngoài ngõ vào trong sân đông người đến chia sẻ, ai cũng nói "may thế, may thế". Mọi người ra về, bạn của bố anh ở lại góp ý với bà nội và mẹ: "Phải đưa sang viện quân y điều trị, để ở nhà thế này thì nguy hiểm".
    Từ ngày bố đi viện, Nam thấy ngôi nhà trống vắng. Nam nhớ bố, nhớ những bữa cơm gia đình quây quần bên nhau. Nhưng anh sợ! Anh lạnh người khi nghĩ về cái móng, bố mà ở nhà thì chẳng hiểu chuyện gì sẽ xảy ra. Mấy lần anh cùng mẹ sang thăm bố, bố khỏe mạnh và béo tốt hơn ở nhà nhưng chẳng nhớ gì. Bác sĩ bảo không về được, vẫn xung phong rồi nổ súng bắn pằng pằng.
    *
    Việt một tay cầm kính, tay còn lại đưa lên dụi mắt.
    - Tội cho ba anh, hoàn cảnh gia đình anh chắc khó khăn lắm.
    Ngoài trời cơn mưa đã dứt, không còn tiếng sấm. Đoàn tàu lao đi vun vút, những tiếng kình kịch kình kịch vang lên đều đều. Nam hít vào thật sâu khẽ thở ra rồi trả lời.
    - Vâng. Khó khăn.
    Nam không muốn nhắc tới chuyện gia đình mình, anh hỏi lại Việt.
    - Anh trong Sài Gòn ra ngoài Hà Nội công tác à?
    Sau một thoáng chần chừ suy nghĩ Việt trả lời.
    - Tôi ra Hà Nội tìm về nguồn gốc của ba.
    Nam ngạc nhiên, với câu trả lời. Bố anh ta đâu mà phải tìm về nguồn gốc. Chẳng lẽ… anh ái ngại hỏi.
    - Vậy…bố anh mất rồi.
    Việt lắc đầu đáp lại Nam.
    - Không…
    *
    Trong căn nhà ven đường lợp tôn màu xanh lá cây. Ngoài phòng khách, gần cửa ra vào là người đàn ông đang ngồi trên ghế cắm cúi vào chiếc ti vi để trên cái bàn gỗ to vuông vức, xung quanh cái ti vi là mấy cái ti vi khác, các thiết bị điện tử bày la liệt. Bên trong có cậu bé chăm chú ngồi học bên chiếc bàn nhỏ. Một người đàn ông tay cầm cặp sách bước từ ngoài cửa vào, đến bên cạnh chào. Người đàn ông đang cúi đầu vào ti vi ngẩng lên chào lại rồi mời người vừa vào ngồi xuống cái ghế bên cạnh. Người đàn ông đặt cặp sách lên trên đùi lấy ra giấy tờ nói.
    - Tôi gặp anh để lấy thông tin.
    Một người hỏi, người còn lại mặt cúi vào chiếc ti vi vừa làm vừa trả lời. Người này trả lời thì người kia ghi vào tờ giấy. Cứ thế lặp đi lặp lại. Mươi phút sau người đàn ông hỏi.
    - Nghề nghiệp trước đây?
    Người đàn ông vẫn cúi mặt vào cái ti vi đáp.
    - Câu này không trả lời.
    - Không được! Người đàn ông kia nói rồi hỏi lại.
    - Nghề nghiệp trước đây?
    …
    - Nghề nghiệp trước đây?
    …
    - Nghề nghiệp trước đây?
    Người đàn ông đập mạnh hai tay xuống mặt bàn. Rầm! Mọi thứ trên bàn bay lên rồi rơi vãi tung tóe, chiếc ti vi lăn xuống đất vỡ vụn. Ông hét thẳng vào tai người bên cạnh.
    - Bắn nhau! Nghề giết người.
    Tiếng hét làm cậu bé Việt đang ngồi học giật mình, người đàn ông ngồi cạnh mặt cắt không ra giọt máu. Ông ta vơ vội mấy tờ giấy rồi ôm cặp chạy nhanh ra khỏi nhà. Người chủ nhà ngồi tựa lưng vào ghế mắt nhìn lên cái quạt đang quay tít treo trên trần nhà. Ba của Việt đi lính, tham gia đánh nhau ở chiến trường miền Nam ác liệt. Ba Việt chiến đấu rất dũng cảm, luôn là người đi đầu, xung phong trong mọi trận đánh. Trong một trận chiến, ông bị viên đạn găm thẳng vào đùi. Vỡ xương, phải để lại một chân ở chiến trường. Ba Việt thành thương binh. Ông trở về làm thợ điện tử sửa chữa ti vi, đài, loa… Câu nói "giết người, nghề giết người" như vết sẹo hằn sâu trong tâm trí Việt.
    Ngày Việt tốt nghiệp trường sư phạm, ba nói: "Con đã thực hiện được ước mơ lớn nhất của đời má. Má muốn con trở thành thầy giáo". Với anh ký ức về má hầu như không có, anh lớn thì má không còn. Việt được ba kể lại rằng má anh trước là thanh niên xung phong. Quê ở vùng đồng bằng ven biển. Hết chiến tranh má cùng gia đình đi vùng kinh tế mới thì gặp ba. Ba và má ở với nhau được mấy năm thì má phát bệnh do chất độc của chiến tranh để lại rồi qua đời. Sau khi má anh mất, ba đưa anh về Sài Gòn mở cửa hàng sửa chữa điện tử.
    Một hôm, sau bữa cơm tối, ba kêu anh ra uống nước. Ba nhìn lặng im một hồi lâu.
    - Việt… Trước khi lấy ba, má đã có con. Ngày còn chiến tranh má yêu người lính ngoài Bắc. Đó là ba ruột con. Người lính ấy đã hy sinh anh dũng trong một trận chiến.
    *
    Nam bất ngờ về người bạn đồng hành. Hoàn cảnh của mình đã éo le, hoàn cảnh của Việt còn éo le hơn. Cả bố và mẹ đều mất.
    - Bố ruột Việt là lính, bố nuôi Việt cũng là lính. Họ là những người lính.
    …
    Việt đứng dậy, trên tay cầm bao thuốc lá Sài Gòn mở cửa bước ra ngoài. Nam cũng đứng dậy bước theo sau. Hai anh tiến về ô cửa cùng châm thuốc, họ kéo hơi thật dài nén lại mấy giây rồi khẽ khàng nhả khỏi. Đoàn tàu lao đi vun vút, hai người đàn ông cùng nhìn vào bóng tối qua ô cửa, thỉnh thoảng có ánh đèn lấp loáng ở phía xa xa. Nhả khói thuốc, Nam quay sang hỏi.
    - Anh tìm được người thân của ba ruột anh chưa?
    …
    Việt lắc đầu đáp.
    - Địa chỉ ba ghi, tôi tìm mấy ngày mới biết. Ba ruột tôi ở ngõ Khâm Thiên. Cả gia đình bị bom thả trúng. Chết! Anh em không còn ai.
    Nam giật mình. Anh chưa biết nói gì để động viên thì Việt quay sang hỏi.
    - Mà anh vô Sài Gòn à?
    - Không tôi vào nghĩa trang Trường Sơn. Nam đáp.
    Việt di di chân xuống nền, anh tiếp lời.
    - Anh vô thắp nhang cho người bác đã hy sinh.
    - Vâng. Tôi vào thắp hương cho bác để hoàn thành tâm nguyện của bà nội. Khi bố còn tỉnh táo, ông nói bác yên nghỉ ở nghĩa trang Trường Sơn.
    Việt vỗ vào vai Nam nói.
    - Vậy vô khoang nghỉ thôi. Khuya rồi.
    Càng về đêm tiếng bánh xe gõ vào đường ray nghe chát chúa hơn. Nam cố chợp mắt để tìm đến giấc ngủ nhưng sao khó đến vậy. Mắt cứ chong lên, hết trở mình bên này rồi trở sang bên kia. Anh định hỏi Việt, nhưng thôi để sáng mai vậy. Tiếng kình kịch kình kịch bên tai giảm dần giảm dần, Nam chìm vào giấc ngủ.
    *
    "Nam! Dậy, dậy mau. Gần tới ga Đông Hà rồi". Tiếng gọi của Việt. Có lẽ do mệt và một phần thức khuya nên sáng nay anh ngủ quên. Nam giật mình sau tiếng gọi. Anh vội vàng ngồi dậy, đứng lên ra khỏi buồng để đi vệ sinh cá nhân buổi sáng. Mươi phút sau anh quay lại, đứng trước Việt giờ là một người đàn ông cao to rắn rỏi, ngực vạm vỡ, khuôn mặt tròn với ánh mắt nhân hậu. Việt nhìn Nam nói.
    - Tôi có việc muốn nhờ anh.
    - Vâng! Anh cứ nói. Nam đáp.
    Việt lấy chiếc ví, rút ra một tờ năm trăm ngàn dúi vào tay Nam cậy nhờ.
    - Tôi gửi anh, anh có thể mua giúp tôi hai bó hoa. Một bó anh đặt ở chân đài tưởng niệm, bó còn lại anh đoạt trước mộ của bác anh. Anh thắp giúp tôi nén nhang tưởng nhớ tới linh hồn các liệt sĩ. Biết đâu… Biết đâu ba tôi cũng đang yên nghỉ tại đó.
    Nam run người, đứng như trời trồng. Hai mắt chớp chớp liên tục để ngăn giọt nước mắt sắp lăn xuống. Tay Nam nắm chặt tay Việt. Hai người đàn ông ôm lấy nhau. Tiếng loa báo hiệu vang lên, đoàn tàu chậm dần rồi dừng hẳn. Nam mở cửa bước ra ngoài. Còi tàu hú! Tiếng kình… kịch… kình… kịch từ từ vang lên, đoàn tàu tiếp tục cuộc hành trình. Nam giật mình, anh quên chưa hỏi tại sao bố Việt lại thét lên: “Giết người. Nghề giết người”.

Kết Thúc (END)
Mai Tiến Duẩn
» Chuyến Tàu Đêm
» Trăng Rơi Đáy Sông
» Đào Duyên
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò