Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Gió Xước Tác Giả: Nguyễn Hiệp    
    Gió vẫn hú rít hù hụ qua đầu hồi ngôi nhà tập thể. Đêm giao thừa ở đảo, một cảm giác thật đặc biệt trào dâng trong lòng, gọi là dạy ở đảo lâu nhưng Tết năm nào Tương cũng về đất liền, đây là năm đầu tiên anh ở lại. Trung úy Thiệt đi biệt từ sáng sớm đến giờ chưa về. Tương nhìn chiếc đồng hồ trên tay, mắt ngóng ra cửa. Hai ngày nay, không hiểu có chuyện gì mà Thiệt luôn miệng dặn anh phải hết sức cẩn thận. Thiệt chỉ cho Tương cách ngồi an toàn là lưng phải sát tường nhà, mặt quay ra để góc quan sát luôn đủ rộng. Những dặn dò chu đáo của người làm công tác an ninh làm cho Tương thấy lo lo, anh hơi linh tính sẽ có chuyện gì đó.
    …Hò ơ… là… hò
    Ai về lại đảo, lên Cao Cát
    Nhìn đá Từ Bi xước gió chiều…
    Mẹ Phửng quấn thêm chéo khăn lên đầu rồi cất giọng hò. Giọng hò của bà mê mê, phiêu mỏng như những cơn gió đảo. Càng hát hò, hai mắt bà càng trĩu buồn, ẩn chứa. Chẳng biết bài dân ca xứ đảo này có từ bao giờ, những ngày đầu sang đây chơi, thầy giáo Tương đã nghe mẹ Phửng hát.
    Tương đang ngồi uống nước, trò chuyện trước hiên nhà mẹ Phửng. Thường thì con gái cũng ngồi tiếp chuyện thầy cùng với mẹ. Tương cầm ly nước trà cám đen mân mê, xoay xoay, mắt nhìn ra giậu từ bi, nghĩ mông lung. Trong ký ức của bao thế hệ người dân cù lao Khoai lênh đênh trên biển hoặc đã xa xứ, những giậu rào cây từ bi, khối đá núi Từ Bi là hình ảnh không bao giờ phai, nó là sợi dây gai đan võng gắn với tiếng nôi, nó cùng một, cùng quyện hòa với lời hát ru của bà, của má, cùng tạo nên ký ức thương thuộc hồn cốt máu thịt của bao đời ngư phủ.
    "Khi nào thầy bị cảm, em hái lá cho thầy xông!", hơn một lần Phửng vừa nói vừa đưa mắt nhìn mơ màng xa xăm như thế. Mẹ Phửng vẫn say sưa hát: "Ai về lại đảo tìm xưa cũ… Mắt buồn như đáy bể chiều hôm"… Tiếng hát của bà càng lúc càng du dương, kéo mỏng ra.
    "Ở cù lao Khoai này nhớ nhất là cái luật bất thành văn mỗi khi Tết nhứt: Mùng một Long Hải, mùng hai Ngũ Phụng, mùng ba Tam Thanh, tức là mùng một Tết, dân Long Hải không được đi đâu để ở nhà tiếp khách, dân ở Ngũ Phụng, Tam Thanh sẽ đến Long Hải thăm viếng và cứ lần lượt theo thứ tự như vậy cho đến hết Tết". Tương là thầy giáo dạy văn cấp hai, (mấy năm gần đây lên Hiệu phó phụ trách), nên những phong tục như vậy được mẹ Phửng chia sẻ làm anh thích thú. Từ ngày ra đảo dạy, Tương đã có ý tìm hiểu về phong tục tập quán của người dân miệt hải đảo xa xôi này. Cứ giờ rỗi là lân la đi hỏi chuyện từng người nên Tương trở nên thân thiết với các bậc phụ huynh học sinh ở đây, nhất là mẹ Phửng.
    Tết năm nay, Tương không về đất liền, phải trực tại trường. Phòng ở tập thể của Tương thêm một giường nữa cho trung úy Thiệt, anh mới tốt nghiệp Học viện An ninh được biệt phái ra đảo công tác. Thiệt quê ở làng Cát Bay, cách quê Duồng của Tương một giờ đi bộ. Bên Ủy ban xã cho người đóng thêm cái giường mới, xếp chung phòng với Tương. Bố trí vậy nhưng Thiệt thường đi suốt ngày, suốt đêm, thỉnh thoảng mới về rửa ráy trò chuyện dăm câu là ngủ thiếp đi.
    Có lẽ do địa bàn rộng, việc đi lại trên những đoạn dường dốc cát nối nhau khiến Thiệt đuối sức, thầy giáo Tương nhìn cách ngủ lử lả của Thiệt mà nghĩ vậy. Thiệt trắng trẻo, dỏng cao. Tuy nhiên qua quan sát, Tương biết trung úy Thiệt rất giỏi chuyên môn. Thỉnh thoảng Thiệt mời các đối tượng đến, mượn văn phòng trường làm việc, trong phòng ngủ bên kia vách, Tương nghe từng lời, từng diễn biến của câu chuyện. Giọng Thiệt luôn nhỏ nhẹ, chỉ một hai lúc gì đó Tương nghe Thiệt đập bàn và rít lên với đối tượng.
    *
    Ngoài hàng rào từ bi, gió vẫn rít từng hồi, gió Tết thổi dai, rít giật cả ngày cả đêm. Chiều đang xuống dần. Mẹ Phửng đi thăm bà con tận Tam Thanh không biết bao giờ mới về. Tương rót thêm ly nước nữa, liếc nhìn đôi gò má chín hồng của cô học trò cũ. Phửng len lén nhìn Tương chợt lúng túng quay đi chỗ khác khi bắt gặp ánh mắt Tương nhìn mình, hai tay Phửng vẫn đang mân mê mái tóc, chợt quấn xoắn tóc vào ngón tay ra chiều bối rối. Tương chợt thấy có sự rung động lạ lùng vừa dâng lên trong lòng, anh biết mình đang vượt qua ranh giới tình cảm thầy trò.
    Năm nay, Tương cũng đã ba mươi rồi, má trong đất liền cứ nhắc miết: "Sao lâu hổng thấy con dẫn người thương về ra mắt", "Chẳng biết bao giờ má mới có cháu bồng?!"… Có điều gì đó từ tầng sâu bên trong con người Tương chặn đứng anh lại, cái ranh giới thầy trò từng lúc biến mất rồi lại ráp nối, hiển hiện làm cho Tương ngồi thần ra. Yên lặng. Dường như một cái chớp mắt cũng sợ tạo nên tiếng động, hai người cứ bất động mãi như vậy.
    Trong những điều dằn vặt tâm trí của thầy Tương ngoài cái gọi là "đạo lý thầy trò" còn có một điều nữa. Tương biết rõ có một học trò cùng lớp với Phửng là Hùng, em này với Phửng từng như hình với bóng. Có lẽ chỉ là tình đơn phương, Phửng chỉ coi Hùng là bạn học.
    Hùng nghỉ học cùng lúc với Phửng, đang phụ bà mẹ thu mua hải sản ở chợ Bãi Phủ, giờ vẫn chưa lập gia đình. Cả dòng họ Lê Phú đều giàu có nhờ nghề buôn bán hải sản từ đảo vào đất liền. Lê Phú Hùng là con trai út của Lê Phú Quý, người trưởng họ sống thọ gần tám mươi tuổi và rất danh tiếng ở đây. Trong mấy anh em chỉ duy nhất chú của Hùng là Lê Phú Phí làm nghề rèn. Ông Phí làm nghề rèn từ trẻ, từ thời thợ rèn còn khò lửa bằng ba ống gỗ to đùng, một người leo lên ghế cao ngồi thụt thụt hai cây pit- tông suốt buổi. Sau này, ông cải tiến thành tay quay, rồi bằng mô-tơ. Ông Phí từng được mệnh danh là "vua rượu".
    Chuyện kể rằng, ngày trước, đường ra biển Triều Dương có cô Phới sắc nước hương trời bán rượu. Rượu Phới tự nấu bằng men lá gia truyền và nước giếng cổ Triều Dương, xưa gọi giếng tiên, (cái giếng vuông, lòng giếng lót gỗ này nằm ngay trong nhà, có nắp đậy, trên có khóa bằng gỗ rất lớn, gọi là khóa then, chìa khóa dài hơn gang tay, khi được lắp vào, các chân trong vòng cố định sẽ được nhấc ra khỏi các lỗ khoan bên trong then và khóa được mở. Rút chìa khóa, các chốt rơi vào then trở lại). Rượu Phới nấu thì thơm ngon không lò rượu nào sánh kịp, nước nhất vừa nhỏ ra mấy giọt đầu, người đô rượu yếu đứng gần ngửi phải hương rượu thôi đã say.
    Phới có một lời thách thức mà trước Phí chưa người đàn ông nào thực hiện nổi. Rất nhiều gã mê muội nhan sắc Phới nhưng khi "vào cuộc" thì đành chào thua. Có gã bặm trợn liều mạng mới nửa đường đã hộc ra cả thau máu. Phới đứng một chân chống lên ghế, một lối đứng rất thách thức, tay cầm cái ca US, loại đựng bình toong nước của lính Mỹ, giọng mềm, ngọt, đong đưa như đã thấm rượu: "Cái ca này em đựng gạo được bảy trăm- gờ- ram, đựng rượu hơn nửa lít, các anh biết rồi. Ai uống được hai ca rượu giếng tiên của em mà không hề hấn gì được gọi là "vua rượu" và được thưởng…''.
    Nói đến đó, đôi mắt với làn mi rậm rịt của Phới chớp chớp liên hồi, đoạn người đàn bà quyến rũ bậc nhất đảo ấy cụp hai bàn tay vào nhau lắc lắc và nói thật khẽ: ''Và được thưởng… làm chồng em… một đêm''. Đợi đám đàn ông ồ lên một hồi, Phới mới hắng giọng: ''Điều kiện nè mấy chồng tương lai, hai ca hai hơi, chỉ hai hơi".
    Đàn ông, thanh niên say ngất tại chỗ khi chưa chạm ca rượu thứ hai phải tính bằng tất cả ngón tay, ngón chân trên ba người cộng lại.
    Và Lê Phú Phí, cao mét tám, râu quai nón rậm rạp, mắt lạnh như mắt thú hoang, có mặt ở quán rượu Triều Dương như một sự tình cờ.
    - Khát nước quá, cho ca rượu chủ quán!
    - Có ngay! Có ngay! Mồi không anh?
    - Khỏi! Vừa nói “khỏi” xong, Phí ngửa cổ đưa ca rượu đầy dốc ót một hơi, xong chúc ca xuống, nửa giọt rơi ra cũng không có. Phới mắt tròn mắt dẹt sững sờ, một lúc mới lắp bắp: “Đỡ… khát…. chưa anh?”. Phí chép chép miệng, quẹt tay chùi râu: “Chưa, ca nữa!”. Ót hơi thứ hai cũng sạch ca, phần tư giọt rơi ra cũng không có. Phí đứng dậy trả tiền, Phới áp người nhét tiền vào lại túi Phí và nũng nịu nhắc lại lời thách của mình. Đêm đó, Phí ngủ lại quán rượu Triều Dương, quán rượu có cái giếng tiên và cô bán rượu quyến rũ bậc nhất xứ cù lao Khoai. Danh tiếng Vua Rượu Phí lan ra từ đó.
    Nhưng Phí thực sự làm cho thiên hạ hiếu kỳ tò mò nhất là khi ông làm ra một con dao bén ngọt, bóng loáng, soi rõ mặt người, cắt gọt được viên đá tảng lót cột nhà như cắt gọt khối gỗ mềm. Nghề rèn mà tạo được sản phẩm như vậy gọi là tuyệt đỉnh. Người cả ba xã trên đảo đồn rần lên chuyện ông Phí nhặt được viên đá trời ở chân núi Cao Cát đánh thành con dao có một không hai. Viên đá nhỏ hơn trái dưa hấu nhưng người bình thường không nhấc nổi. Chiếc la bàn để gần viên đá kim sẽ quay loạn xạ, cục nam châm bằng nắm tay để cách mét đã bị hút vào dính chặt cứng. Người lớn tuổi trên đảo tới tận lò rèn coi con dao, rùng mình, khi ra về thẽ thọt vào tai nhau: Chẳng biết phúc hay họa?!
    *
    Họa ngay tức thì! Cũng là chuyện xung đột hai họ Võ - Lê xưa nay với lời thề độc “Không đội trời chung! Không mái nhà chung!”.
    Chuyện xảy ra ở Vạn An Thạnh, ngôi vạn tọa lạc ngay trên bãi bờ cong lượn đẹp nhất đảo. Vạn thờ thần Nam Hải cùng chư vị tiền hiền đã có công khai mở, kiến tạo xóm làng. Đây là nơi hiển linh mang đậm dấu ấn đoàn kết của những lưu dân người Việt từng một thời hướng biển đi tìm sinh kế.
    Hàng năm, ngày vía chung có cúng tế, có hò bả trạo, có lễ rước kèn trống rộn ràng. Học trò lễ, diễn viên bả trạo mặc áo quần vàng đỏ có viền, có đai thắt, chân quấn xà cạp đi đứng nói cười rôm rả làm cho cảnh sắc thêm phần rực rỡ, náo nhiệt. Trên bãi cát đây đó cũng có nhiều đống lửa sáng hực, bạn ghe quây quần uống rượu, đàn hát, gõ chén gõ đũa rộn ràng.
    Bỗng vang lên một tiếng thét thất thanh. Lời ca tiếng hát đang ngân vang đây đó chợt im bặt. Người người nháo nhào chạy về phía có tiếng thét. Một cô gái áo quần lấm lem máu đỏ đang run bần bật, tay giật giật chỉ vào xác một thanh niên nằm chết trên cát, cái đầu gần như rơi ra, chỉ còn dính chút da thịt vào cổ, nếu bị chém thì gọi là chém treo ngành, còn đây chưa ai biết bị gì. Vừa mếu máo cô gái vừa nói không ra hơi: "Có… có… người đàn ông to lớn đi ngang qua trước mặt… ảnh đang nói mà, sao… cháu thấy im, nửa câu nói mà im… thì cũng lạ, cháu quay lại lay ảnh thì thấy đầu ngã ra dính toòng teng… Máu phun quá chừng… Huhu… Ảnh ngã ra… chết rồi… Hu hu… Hổng biết cái ông to lớn lướt qua như gió ấy là ai… Cháu chưa kịp thấy, ổng đã đi mất mà… Cũng hổng thấy đưa tay đưa chân gì, chỉ loáng qua…". Người ta lật cái đầu lên xem thì xác định đó là một thanh niên của dòng họ Võ Anh ở xóm Rẫy.
    Thầy Tương đang kể cho Trung úy Thiệt nghe câu chuyện xảy ra vào mùa Vía Ông năm Quý Sửu, 1973. (Chuyện này do mẹ Phửng kể cho Tương mấy năm trước). Thiệt lắng nghe không bỏ sót lời nào và cũng có chút tò mò mang tính nghề nghiệp: "Sau đó thì sao?". Tương lại chậm rãi kể tiếp:
    …Trong đám tang, người dòng họ Võ Anh tập trung lại bàn định kế hoạch trả thù. Họ đoán cái bóng cao lớn và lại có con dao sắt ngọt như vậy không thể là ai khác ngoài vua rượu Lê Phú Phí. Cũng có một căn nguyên nữa là ngày còn thanh niên, Phí có yêu một cô gái họ Võ Anh nhưng cả họ xúm lại ngăn cản, họ cho rằng, do lời nguyền xa xưa để lại, họ Võ Anh không được gả người cho họ Lê Phú. Vì vậy mà họ đoán chắc Lê Phú Phí sinh hận mà ra tay.
    Tương rót cho Thiệt ly trà nữa rồi kể tiếp một vệt dài trong câu chuyện thâm thù của hai dòng họ nổi tiếng:
    …Vía Ông năm Giáp Dần, 1974, trước sân Vạn An Thạnh có một đoàn cải lương trong đất liền theo ghe bầu ra đảo biểu diễn. Đang vui thì sân vạn náo loạn vì có ba mạng người họ Lê Phú bị sát hại.
    *
    Lê Phú Hùng mê vọng cổ. Sau khi phụ mẹ mua bán ở chợ cá Bãi Phủ về, thả người trên chiếc võng lưới là Hùng cất giọng mùi mẫn đoạn mở đầu nhạc ly hận. Gọi là mê nhưng dân xung quanh chỉ nghe Hùng hát đi hát lại một bài "Chuyện tình An Lộc Sơn":
    "Bụi mờ, xa xa lửa binh còn vương…
    Từng đêm, người yêu giữa nơi sa trường…"
    Hùng đeo sợi dây chuyền vàng to trên cổ, mỗi mắt dây chuyền có thể kéo giãn đánh được chiếc nhẫn. Hôm nay, Hùng quyết đổi sợi dây chuyền bất ly thân của mình để lấy một vật quý giá mà Hùng đang rất cần. Trưa đứng bóng, cát nóng cháy dưới chân, gió quất rát mặt, Hùng vẫn cắm cúi lên dốc, tay xách một can rượu gạo Triều Dương. Nhà Lê Phú Phí trên đồi, vách xây nhưng cột gỗ, phần mái tôn bên lò rèn cũ đã mục rã, sập xệ. Phí tung hoành ngang dọc khắp đảo nhưng cuối đời thì thui thủi một mình. Phí không con, vợ bỏ đi biệt tăm. Nhìn nhà là biết một thời oanh liệt của vua rượu Phí đã qua. Vào nhà chú, Hùng đi luông tuồng từ trước ra sau, thấy ông Phí râu ria xồm xoàm, bạc thết, chống gậy lòm khòm đi từ nhà vệ sinh vào, Hùng vừa đặt can rượu lên bàn vừa nhanh nhảu ngọt ngào:
    - Chú bệnh hả? Con mới nghe nên đến thăm chú.
    - Cảm ơn! - Ông Phí nói nhát gừng, ông nghĩ bụng: "Chắc trời gần sập nên thằng này đến nhà thăm".
    - Đủ tiền thuốc thang không chú?
    - Không mượn mày!
    - Chú à, ba con nói, trong nhà ba thương chú nhất!
    - Thương không xương mà gặm.
    - Ba nói con đưa chú sợi dây chuyền này, chú bán mua thuốc.
    - Mượn không trả nổi đâu!
    - Ba nói chú tự khắc biết cách… trả…
    Phí ngước lên nhìn sửng thằng cháu lâu nay bạc như vôi sao giờ lại thế, cái đầu đầy sạn đã nhanh chóng khiến ông rùng mình. Ông linh cảm đến lúc không giữ nổi nữa, nếu cố giữ có thể sẽ mất mạng, ông quá biết những người trong dòng họ Lê Phú này, khi đã quyết thì lấy bằng mọi giá. Hùng cởi sợi dây chuyền nặng trịch dúi vào tay chú mình. Phí đẩy ra nhưng không buông tay, hơi lạnh của sợi chuyền vàng đã chạm vào tay ông.
    "Một đời ta ba đời nó, ông phải bằng mọi giá tự cứu sống mình", ý nghĩ ấy vừa lóe lên trong đầu một con người từng vỗ ngực xưng tên nhưng nay đã hồi mạt vận. Hai căn bệnh viêm loét dạ dày và xơ gan đang từng ngày giết chết ông, có tiền dứt khoác ông phải vào đất liền chữa bệnh. Bức bí ở đây chắc chắn nay mai ông sẽ sớm phải đi gặp ông bà tổ tiên. Dòng suy nghĩ đó đã khiến bàn tay ông tự nhiên co quắp lại giữ chặt sợi chuyền vàng. Hùng buông tay cười mỉm, bụng nghĩ “cá măc câu rồi”. Ông Phí cầm sợi dây chuyền đi thẳng vào buồng. Chốc sau, ông mang ra một nùi vải đặt lên bàn, hai giọt nước mắt lăn dài:
    - Chẳng tốt đẹp gì đâu! Thằng chó, tao biết mày cần gì, thứ này phải không? Tao mạt vận, già cả, không giữ nữa …
    Ông Phí vừa lần lượt mở các lớp vải vừa kỳ kèo “chiếc lắc vàng vàng trên tay mày nữa cũng chưa đủ đâu con”. Phí đột ngột quấn vải trở lại. Mắt Hùng đang ánh lên chợt tối sầm, quýnh quýu mở chiếc lắc:
    - Có gì thì ông nói thẳng ra, cần gì phải úp mở.
    - Mày mới úp mở.
    - Thì ông biết tôi cần gì rồi.
    - Đưa lắc đây, nhiều lời quá! Dòng Lê Phú này xưa nay không nhiều lời, ở đâu nảy nòi ra thằng chó này.
    - Tiền trao cháo múc, đưa bửu bối đây ông già! Rượu mời không uống cứ chờ rượu phạt. Giờ thì chẳng chú cháu gì nữa, mắt Hùng quắc lên, lạnh còn hơn mắt Lê Phú Phí.
    - Mẹ mày, đưa thì đưa, tao mạt vận đành giao nó cho quân chó chết.
    Hùng ôm nùi vải trên tay bỗng ngửa mặt cười sằng sặc, hứng chí lên luôn câu vọng cổ: “Thái Chân ôi, nước mắt mây tan, hoa tàn nguyệt khuyết, nàng ra đi cách biệt mấy… phương trời”. Xuống giọng xong lại cười sằng sặc. Ánh dao sáng hực lên khi Hùng mở lớp vải cuối, khí lạnh toát ra làm nó muốn ngợp tim, nó sướng ngất khi thấy mắt mình đang soi loáng thoáng trên lưỡi dao làm bằng đá trời có một không hai này. “Mày hả Tương!” Tự nhiên miệng nó thốt lên một câu, giọng còn lạnh hơn cả dao. Lê Phú Phí giật mình, ông biết Tương là ai, tại sao lại là thầy giáo?
    *
    Gió vẫn hú rít hù hụ qua đầu hồi ngôi nhà tập thể. Đêm giao thừa ở đảo, một cảm giác thật đặc biệt trào dâng trong lòng, gọi là dạy ở đảo lâu nhưng Tết năm nào Tương cũng về đất liền, đây là năm đầu tiên anh ở lại. Trung úy Thiệt đi biệt từ sáng sớm đến giờ chưa về. Tương nhìn chiếc đồng hồ trên tay, mắt ngóng ra cửa. Hai ngày nay, không hiểu có chuyện gì mà Thiệt luôn miệng dặn anh phải hết sức cẩn thận. Thiệt chỉ cho Tương cách ngồi an toàn là lưng phải sát tường nhà, mặt quay ra để góc quan sát luôn đủ rộng. Những dặn dò chu đáo của người làm công tác an ninh làm cho Tương thấy lo lo, anh hơi linh tính sẽ có chuyện gì đó.
    Đêm yên tĩnh, nằm trong phòng cũng nghe sóng vỗ, tiếng ì oạp xa xăm lắm nhưng lắng tai vẫn nghe được, có lẽ âm thanh ấy được truyền qua đất. Buồn. Một nỗi buồn không tên gọi chợt ập đến. Tương bật dậy mặc áo quần dài và đi về hướng con dốc lên nhà mẹ Phửng.
    - Thầy Tương!- Phửng mừng quá reo lên khi thấy Tương vừa bước vào nhưng liền im bặt, hai má đỏ hồng lên, lại chăm chú vào món nấu xào gì đó trên bếp.
    - Nó nhấp nhổm miết nãy giờ, cứ nói Tết nhứt mà thầy ở một mình chắc buồn lắm - Mẹ Phửng vừa nói với Tương vừa liếc nhìn qua con gái.
    - Má thiệt là…
    - Dạ cũng buồn thiệt nên sang nhà bác chơi.
    Mâm cơm cuối năm đặt giữa chiếu, khá thịnh soạn so với ngày thường. Ba người vừa ngồi xuống quanh chiếu thì Hùng đến. Hùng đang tươi rói bước vào chợt thấy thầy Tương mặt nó tối sầm lại. Hùng không cúi đầu "chào thầy" như ngày nào mà sàng giọng: "Sao thầy ở đây?". Mẹ Phửng bật dậy ngay:
    - Ủa, Hùng, thầy Tương là khách của nhà đây mà, liên quan gì tới ai đâu. Sao tự nhiên lại hỗn hào với thầy vậy?
    - Sao không! Tui nói có liên quan. Tui không muốn thấy mặt ông này ở đây!
    - Nhà tao mà sao mày muốn? Mày mới là người không ai mời mà đến.
    - Tui biết. Người ta là thầy giáo mà, ngon hơn thằng bán cá này chớ gì.
    - Mày ra khỏi nhà tao ngay! Đồ hỗn láo!
    - Đuổi hả? Sao hả? Em Phửng, em có đuổi tui không?
    Phửng đứng bật dậy, chỉ tay thẳng vào mặt Hùng:
    - Không ngờ Hùng là người như thế. Hùng về đi!
    - Được thôi! Về thì về nhưng tụi mầy không yên với tao đâu.
    Hùng vừa bỏ đi một lát đã quay lại với cây dao sáng loáng trên tay, nó cầm cây dao quay ngược rất điệu nghệ, lưỡi dao hướng ra ngoài cổ tay. Tương nghe lời trung úy Thiệt dặn, ý tứ ngồi lưng quay vào tường nhà nên phát hiện ngay khi Hùng ào vào, Tương đã kịp thời ngã người né được đường dao xẹt lạnh ngang cổ. Mẹ Phửng nhào tới ôm chặt lấy Hùng, ngay khi nó xoay người vùng ra thì hai mắt mẹ Phửng đã đứng tròng, miệng há hốc. Phửng nhào đến ôm mẹ thì bị mấy vòi máu lớn từ cổ mẹ phụt thẳng vào mặt, đầu mẹ Phửng lật qua rơi xuống nền nhà. "Mẹ ơi… ơi… ơi!…", Phửng rú lên kinh hoàng.
    Hùng hai mắt trừng trừng, đỏ sọc, từ từ bước tới ép thầy Tương vào góc tường. "Mày hả Tương! Mày hả Tương!...", vừa bước tới Hùng vừa lầm bầm. Lưng Tương đã chạm bức tường, anh lúng túng tìm cách thoát, tim đập thình thịch trong lồng ngực. Tay cầm dao của Hùng vừa vung lên thì một tiếng súng nổ chát chúa vang động ngôi nhà. Lưỡi dao rơi, Hùng ôm tay máu, đôi mắt hằn đỏ của nó vừa quay nhìn thì Trung úy Thiệt đã áp vào sát một bên, nòng súng lạnh ngắt dí thẳng vào sau ót.
    - Đứng yên!
    Lệnh vỡ. Trung úy Thiệt nhanh như chớp dùng tay trái bẻ quặt tay Hùng ra sau lưng, móc chiếc còng số 8 vào tay Hùng…
    *
    Mấy năm sau, trong lễ Kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập huyện đảo, thầy Tương gặp lại Thiếu tá Thiệt, người cứu mạng mình. Họ cùng nhắc lại những ngày Thiệt về công tác ở đảo, nhiều tội phạm bị Thiệt và cộng sự bắt gọn hoặc kịp thời ngăn chặn tội ác làm cho cả ba xã đều yên bình, ổn định. Khi nhắc lại chuyện cũ, Tương hỏi, sao xuất hiện kịp thời ngay lúc ấy? Thiệt kể lại:
    …Giữa trưa đứng bóng, Thiệt đang nằm võng nghỉ ngơi ở nhà một cơ sở thì có người hớt hơ hớt hải tìm tới báo, ông Lê Phú Phí cần gặp gấp. Đến nơi, ông Phí báo cho biết đã bán con dao bén ngót nguy hiểm của ông cho Hùng và bày tỏ sự nghi ngờ về câu nói “Mày hả Tương!” mà ông nghe được từ miệng Hùng. Kể từ hôm ấy, Thiệt và mấy công an luôn bám sát Hùng. Đêm ba mươi Tết, biết Hùng vào nhà Phửng sẽ gặp thầy giáo Tương ở đó nên Thiệt đích thân phục ngay bên ngoài hàng rào từ bi. Nghe tiếng rú của Phửng biết là có chuyện, Thiệt nhảy qua hàng rào, vừa áp vào cửa là bóp cò súng luôn nên kịp cứu sống Tương.
    …. Rẫy nhà thầy giáo Tương trên lưng chừng dốc núi. Nhiều buổi chiều với gùi củi, gùi đỗ trên vai, mồ hôi mồ kê nhễ nhại, rít rắm, vợ chồng thầy Tương và Phửng đứng nghỉ chân bên khối đá Từ Bi. Đến đây, họ thường lặng người đi khi nhìn xuống bên dưới làng. Mộ của mẹ Phửng và mộ của bà con dòng tộc Võ Anh mờ mờ lặng yên những vành bia nho nhỏ ngoài rìa làng. Lặng yên trong hoàng hôn an bình. Lặng yên như một thông điệp vĩnh cửu. Lặng yên nhưng đã nói lại với con cháu đời sau thật nhiều điều.
    Chẳng biết từ lúc nào Phửng có thói quen dừng lại lắng nghe khi tiếng chuông chùa ngân lên. Giấc chiều, sư thầy thường gõ chuông.
    Tiếng chuông chùa trên núi Cao Cát ngân lên, âm thanh mỏng như cước lưới bén, mảnh như tơ trời. Tiếng chuông tan nhanh vì bị gió cào xước, chẻ tơi, khô khốc. Gió đảo thổi quanh năm. Những dấu hằn của gió có mặt khắp nơi trên đảo. Giậu rào cây từ bi ràng rịt, giằng néo vào những khối đá đen chắc chắn vậy mà vẫn nghiêng rạp một bên. Không đâu có tên đá lạ lùng như ở đảo này: Đá xước, đá băm, đá dăm, đá quặn… Từ Bãi Nhỏ, Triều Dương đến Linh Sơn, Long Hải, đá đều mang những vết sẹo gió. Và cơn gió xước nào còn để lại những vết thương chưa kịp “làm da” lành lặn?! Mỗi lần nhớ lại đêm ba mươi Tết kinh hoàng ấy, bao giờ thầy giáo Tương cũng nghe văng vẳng bên tai tiếng hát buồn rười rượi và phiêu mỏng chơi vơi của mẹ Phửng:
    …Ai về lại đảo, lên Cao Cát
    Nhìn đá Từ Bi xước gió chiều…

Kết Thúc (END)
Nguyễn Hiệp
» Thùng Lủng Đáy
» Sáu Ngọn Gió
» Khói Măng
» Phong Du Truyện
» Nồi Cơm Cười Của Má
» Gió Xước
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển