Hà Nội đêm cuối đông. Trời se lạnh. Bụi nước vương trong hơi thở. Ông Hùng hết ngước nhìn tòa giảng đường lớn thâm nghiêm và đẹp đẽ của Trường Đại học Tổng hợp, lại ngắm những bậc thềm đá trắng uốn lượn mềm mại nơi trước cửa giảng đường lớn. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng trên đoạn ngắn của phố Lê Thánh Tông này, cảnh vật vẫn y như xưa. Ông căng ngực hít một hơi dài. Một luồng khí ngọt mát ùa vào tràn đầy lồng ngực; luồng dưỡng khí như được ướp hương hoa quỳnh, dạ hương, hoa sữa; thoảng đâu như có cả hương hoa sấu...
Vừa kết thúc buổi lễ trao Huy chương Vì sự nghiệp An ninh Tổ quốc, Đại tá Võ Mạnh Hùng vội vã rời hội trường tranh thủ trở về thăm phố cũ, nơi cách đây gần nửa thế kỷ, ông đã sống một thời ấu thơ.
Hà Nội đêm cuối đông. Trời se lạnh. Bụi nước vương trong hơi thở. Ông Hùng hết ngước nhìn tòa giảng đường lớn thâm nghiêm và đẹp đẽ của Trường Đại học Tổng hợp, lại ngắm những bậc thềm đá trắng uốn lượn mềm mại nơi trước cửa giảng đường lớn. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng trên đoạn ngắn của phố Lê Thánh Tông này, cảnh vật vẫn y như xưa. Ông căng ngực hít một hơi dài. Một luồng khí ngọt mát ùa vào tràn đầy lồng ngực; luồng dưỡng khí như được ướp hương hoa quỳnh, dạ hương, hoa sữa; thoảng đâu như có cả hương hoa sấu... Mỗi lần hít thở, không khí trong hồn ông lại vương mùi hương của dĩ vãng, mùi hương của mỗi mùa hoa Hà Nội.
Chưa bao giờ Đại tá Hùng lại cảm thấy sảng khoái như bây giờ. Ông cảm thấy mình đã vô cùng sáng suốt khi chọn 9 giờ tối, lúc đường sá đã vắng vẻ để trở lại khu phố Lê Thánh Tông này. Hà Nội bây giờ đã to lớn và hiện đại hơn xưa nhiều quá. Nhưng dưới ánh sáng lờ mờ của ánh đèn đường vàng vàng như ngày xưa, khu phố cũ vẫn vô cùng gần gũi, ấm áp và thân thương như thuở nào.
Từ đâu đó phía tòa biệt thự bên kia đường bỗng vang lên tiếng đàn dương cầm thánh thót, giai điệu “Khát vọng mùa xuân” của Mozart, nhạc sĩ thiên tài người Áo. Tiếng đàn bỗng gợi lại cho ông ký ức về những mùa xuân đầy đẹp đẽ, mà bi thương dữ dội của tuổi thơ ông năm nào...
Ba Võ Mạnh Hùng là người Bình Định, cán bộ miền Nam tập kết. Hùng được sinh ra trên đường ba má vượt Trường Sơn ra Bắc năm 1959. Khi trí óc non tơ của Hùng nhớ được thì Hùng đã thấy mình được ba đón từ Trại Nhi đồng miền Nam về nuôi. Và cậu lớn lên trong khu tập thể rộng lớn của khối cơ quan Trung ương ở số 6 phố Lê Thánh Tông.
Khi Hùng hỏi: “Má con đâu?” vì thấy đứa trẻ nào cũng có má còn mình lại không có má, thì cha trả lời: “Má con đã vào chiến trường chiến đấu khi con mới 3 tuổi”. Mãi đến năm 1975, Võ Mạnh Hùng mới biết mình là con của một nữ điệp báo viên. Mẹ đã vì nhiệm vụ cách mạng mà phải khẩn cấp quay lại Sài Gòn hoạt động. Mẹ gửi đứa con trai mới 3 tuổi lại cho các má trong Trại Nhi đồng miền Nam ở đất Bắc chăm sóc. Mẹ đã phải đi vòng sang Campuchia rồi mới về lại Sài Gòn làm điệp báo viên cho nhóm ông Mười. Nhưng mẹ đã hy sinh ngay trong lúc đi đường. Khi đó ba của Hùng còn đang bận làm nhiệm vụ dẫn đường và bảo vệ một đoàn cán bộ cao cấp từ Bắc vào Nam.
Năm 1966, cha của Hùng quay lại miền Bắc, ông nhận trách nhiệm làm Đồn trưởng một đồn công an ở một khu quan trọng của Thủ đô. Ghi nhớ lời dặn của vợ trước khi đi xa, ba Hùng mang con từ Trại Nhi đồng miền Nam về ở với mình và có quyết tâm sắt đá nuôi dạy đứa con trai duy nhất nên người.
Đét! Hùng kêu thét khi ngọn roi nhỏ vút lên trên mông.
- Á, ba ơi! Con chừa rồi! - Hùng la lối.
- Hùng kia! Nhớ lời ba dạy không? - Ba Hùng nghiêm khắc giơ cao ngọn roi dứ thêm - Nằm xuống đó đi! Nằm im! Úp mặt xuống giường! Ba mới đánh có một roi thôi! Nhớ lời ba dạy không? Nhắc lại coi, kẻo ba cho roi nữa nè.
- Dạ con nhớ! Ba ơi! - Hùng cuống quýt xoa mông.
- Nhắc lại coi! - Ông già nhướn mắt đe.
- Vũ khí của người chiến sĩ là cây súng … Vũ khí… của nông dân là cái cày… còn vũ khí của học trò là… là…
- Là gì? - Cha quát lớn.
- Là cây viết ạ! - Cậu con đang đọc ư ử như một chiếc đĩa hát bị xước, giật bắn người như bị roi nữa vào mông.
- Ờ, vũ khí của học trò là cây viết! Không có vũ khí người chiến sĩ sẽ thua trên chiến trường, người nông dân sẽ thua trên đồng ruộng! Đọc tiếp đi!
- Không có cây viết lấy gì làm vũ khí… người học trò sẽ thua trên trang vở… - Hùng sụt sịt ca nốt bài thuộc lòng của ba.
- Đó tại sao mất cây viết? Lần này là lần thứ hai trong tuần này rồi. Lý do gì đây?
- Dạ tại con rớt xuống nước. Khi lên bờ cây viết rớt mất tiêu à - Cậu mếu máo.
- Nước ở đâu ra mà nhiều vậy? Mưa có chút xíu à? Ủa có vỡ đê hả? - Người cha cố nén tiếng cười.
- Dạ ở Bờ Hồ, nước dâng ngập hết đường, che mất các hầm tăng xê tròn. Con hổng nhìn thấy nên rớt xuống đó. May được người ta vớt lên.
- Mi mò lên Bờ Hồ? Trời đất! Người chiến sĩ phải ra chiến trường. Người nông dân phải ra với ruộng đất. Còn học trò thì phải tới trường học kia. Mi đi đâu ra đó? Lỡ có báo động máy bay giặc tới thì sao?
\"Hí!”. “Hí!\" - Có tiếng cười của mấy đứa nhỏ hàng xóm đang ngấp nghé nơi khung cửa. Hùng biết bọn trẻ con trong xóm khoái bài \"xã luận\" của ba Hùng lắm. Liệu hồn, ta sẽ cho bọn mi biết tay vì tội dòm trộm khi ta đang bị ba đánh đòn.
- Con lang thang! - Cậu cố tập trung ý nghĩ trả lời ba.
- Lang thang? Mi phải đi học cơ mà? Tại sao đi lang thang?
- Dạ, con hổng biết!
- Tại sao hổng biết?
- Hay đi lang thang vậy mà hổng biết tại sao! - Người cha dang hai tay lên bất lực.
- Dạ con hổng biết thật mà!
Quả thật Hùng không biết trả lời ba thế nào. Hùng không thể tâm sự với ba mình rằng: Các giờ học thì chán ngắt, còn những nẻo đường Hà Nội lại quyến rũ vô cùng. Đường Trần Hưng Đạo rộng thênh thang, cây cối cao lừng lững. Đường bờ sông tĩnh lặng mát rượi. Sông Hồng mùa nước như lửa sôi sục, mới hung dữ, mới hùng tráng mà lôi cuốn làm sao. Nhà ngoài bãi chỉ còn nổi lên chỏm nóc. Cậu đặt tên cho dòng sông này là Con Rồng Đỏ. Tháp Rùa bập bềnh trôi trên mặt nước xanh ngắt của Hồ Gươm thơ mộng. Gần đó là Nhà hát lớn đẹp lộng lẫy, nguy nga như cung điện trong chuyện cổ Grim. Nơi góc hồ Thiền Quang, giữa ngã tư Quang Trung, Nguyễn Du lại có một chú hươu xanh khổng lồ nằm thơ thẩn trên bãi cỏ mượt mà, dáng ngơ ngác, như đang ngỡ ngàng trước nhịp sống hối hả của đô thị. Đó là cái cây ngả một dáng lạ kỳ, tuyệt diệu ven góc hồ.
Nhưng đẹp nhất, lãng mạn nhất trong các phố vẫn là phố Lê Thánh Tông. Nó mới hoành tráng, đẹp đẽ trang nhã làm sao. Phố có Nhà hát lớn, lại có riêng một vườn hoa Tao Đàn xinh xinh. Phố có hẳn hai trường Đại học, có trụ sở Bộ Giáo dục trang nghiêm. Hai bên hè đường rộng rãi, những cây sấu, cây lim và xà cừ cổ thụ vấn vít giao nhau cành lá, rợp bóng quanh năm. Mùa hoa sấu sau mỗi cơn mưa, đường phố vỉa hè như được trải một lớp thảm hoa vàng nhạt. Đầy đường hoa sấu li ti, hương ngọt man mác, cánh mọng nước, mỏng manh như sương đọng… như lời cầu xin: hãy né bước…
Nhưng lần này tội của Hùng nặng hơn nhiều. Tội tò mò vào kho chứa đồ của Khoa Sinh vật Trường Đại học Tổng hợp, lấy trộm phiên bản chiếc đầu lâu người bằng thạch cao để dọa cô bé Hòa con nhà hàng xóm mới 5 tuổi. Quá khiếp đảm, cô bé Hòa ngất xỉu.
Để an ủi láng giềng và dạy dỗ cẩn thận thằng con trời gầm, ba Hùng ra roi vào mông cậu con trai một trận tơi bời.
- Bác ơi! - Bỗng Hùng nghe thấy tiếng chị Thi rụt rè khẩn khoản phía ngoài cửa ra vào - Bác đừng đánh em nữa. Cháu xin bác cho cháu được chơi với em. Cháu sẽ bảo em ngoan ạ.
Nhịp roi của ba Hùng như sững sờ, rồi ngừng lại đâu đó ngỡ ngàng trên không trung. Hùng ngoái nhìn qua làn nước mắt nhòe nhoẹt thấy chị Thi đứng thập thò, sợ sệt bên cánh cửa. Ba Hùng bỗng hạ roi xuống, giọng như có gì nghẹn tắc nơi cổ, ông nói nhỏ:
- Thôi, đứng dậy! Ra với chị Thi đi! Từ nay phải chăm học! Cấm nghịch dại nữa đó!
Hùng bò dậy, quệt nước mắt trên mặt, chạy ra nhào vào vòng tay chị Thi. Nước mắt cậu lại lặng lẽ trào ra. Từ hôm đó họ trở nên thân thiết như hai chị em ruột. Hùng không còn lang thang nghịch dại và luôn chăm chỉ học hành theo lời chị Thi dạy để còn được đi theo chị Thi khắp nơi, lúc chơi đàn, khi đi xem phim nhũng nhẵng, ngoan ngoãn như một chú cún con suốt những năm thơ ấu.
Khi kết nghĩa với Hùng, chị Thi mới 12 tuổi. Chị là con gái của một vị bác sĩ quân y đang đi chiến trường B. Chị là hàng xóm ở tầng 2 trên khu nhà 2 tầng. Còn nhà Hùng ở khu nhà 1 tầng cấp 4. Bác gái là nghệ sĩ dương cầm của Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị nên căn nhà ấy hay vang lên những tiếng đàn thánh thót. Hùng thường ngắm nhìn hai mẹ con chị đi qua với ánh mắt ngưỡng mộ vô cùng.
Có lẽ chị Thi mạnh dạn, dũng cảm, năn nỉ ba Hùng vì hai chị em đã từng một lần cùng chơi đàn và tập hát với nhau. Hôm ấy, tình cờ vào một buổi sáng, Hùng đang chơi thơ thẩn dưới nhà bỗng trên gác tiếng piano lảnh lót vang lên một giai điệu thật hay. Rồi tiếng hát trong trẻo của chị Thi hòa cùng tiếng đàn vang lên thật xao xuyến lòng người. Không đừng được, Hùng đi lên gác và đứng nép bên ngoài cửa căn phòng lắng nghe say sưa:
“Này mùa xuân ơi đến mau đây về cho thêm xanh lá cây rừng.
Trở về dừng bên suối trong lành nhìn hoa đang hé tưng bừng.
Khao khát mùa xuân yên vui lại đến sẽ thấy muôn hoa đẹp xinh.
Này thời gian ơi những tháng năm đợi chờ đến đây ta đang mong chờ...”.
- A, có một khán giả đặc biệt này! Cháu cũng rất thích bài ca này đúng không? Bác cũng thế!
Hùng ngẩng lên thấy một người đàn ông mặc quân phục sĩ quan bạc màu từ trong phòng bước ra ngoài mỉm cười trìu mến và xoa đầu cậu.
- Vâng ạ! - Hùng thẹn thò đỏ mặt đáp lí nhí. Hóa ra ông chính là cha của chị Thi.
- Hồi ở trong chiến trường, bác cũng hay mơ ước được nghe lại giai điệu thanh bình, tha thiết này. Cháu có thể vào nhà xem và nghe chị Thi chơi đàn.
- Vào đây em ơi! Đừng sợ! - Chị Thi mỉm cười sung sướng chạy ra cửa kéo tay Hùng vào bên đàn:
- Đây là bản “Khát vọng mùa xuân” của nhà soạn nhạc người Áo tên là Wolf Amadeus Mozart. Còn phần lời ca là của nhạc sĩ Tô Hải. Nếu em thích bài hát này đến thế thì hai chị em mình cùng tập hát nhé!
Hóa ra cả hai bố con chị đều có chung một ngày sinh nhật là mồng 1 Tết Dương lịch. Chị Thi đang tập bài hát này để vừa mừng xuân mới vừa mừng sinh nhật hai bố con. Sau ngày vui ấy, mẹ chị sẽ cùng đoàn văn công đi chiến trường biểu diễn phục vụ các chiến sĩ. Bố chị cũng vào chiến trường mở lớp đào tạo quân y cho hỏa tuyến. Chỉ còn lại một mình chị Thi ở nhà, nên hai chị em càng thêm gắn bó mật thiết hơn.
*
Bố mẹ chị Thi đều đã bị hy sinh trong chiến dịch Buôn Mê Thuột và Đà Nẵng. Còn chị Thi lại ra đi sớm hơn nữa. Ngày 26 tháng 12 năm 1972, chỉ còn 4 ngày nữa là bản “Khát vọng mùa xuân” sẽ được hai chị em Hùng, Thi hòa ca đón mừng xuân mới và chúc mừng sinh nhật chị vừa tròn 19 tuổi như thường lệ, vậy mà chị đã ra đi mãi mãi trong đêm máy bay B52 rải thảm ở Hà Nội. Hôm đó, bom B52 đã rải xuống Bệnh viện Bạch Mai và chị Thi là cô sinh viên Đại học Y năm thứ nhất, đang đi thực tập tại Bệnh viện.
Mang nỗi đau xé lòng, Võ Mạnh Hùng lên Khu đội xung phong nhập ngũ. Nhưng chưa đủ tuổi nên anh không được chấp nhận.
Ba năm sau, Võ Mạnh Hùng tốt nghiệp cấp 3. Noi gương người mẹ điệp báo viên anh hùng, Hùng đăng ký thi vào một trường An ninh và được tuyển vào ngành Tình báo. Trải qua biết bao gian nan, nguy hiểm của cuộc đời một chiến sĩ điệp báo, với bao nhiêu chiến công âm thầm, nay Võ Mạnh Hùng đã được công khai trao tặng phần thưởng cao quý, ông mới có dịp trở về Hà Nội. Tóc đã thấm sợi bạc, nhưng với ông phố Lê Thánh Tông, vẫn mãi mãi là Mùa xuân tươi đẹp đọng lại của chú bé 12 tuổi năm nào.
Thật may mắn là lúc này xung quanh ông không một bóng người. Mạnh Hùng tiến đến bên hàng chấn song sắt cao ngất của Trường Đại học, có lẽ cao tới hai mét rưỡi. Ông lướt ngón tay lên từng thanh sắt lạnh giá, gõ gõ lên chúng. Trong lòng ông những âm thanh trầm bổng lại vang lên tựa thuở thơ ấu. Như năm 1966, khi ông còn là một cậu bé con mới 7 tuổi vẫn thường bên chị Thi, một cô bé bụ bẫm 12 tuổi, có mái tóc nâu óng trong nắng gió. Hai chị em, mỗi người cầm một que sắt, vừa đi vừa gõ vào thanh hàng rào. Bao giờ cũng vậy, bắt đầu từ cổng nhà Giáo sư Tôn Thất Tùng trở lên đến cổng Trường Đại học Tổng hợp: mi, là, rê, đô, si, son,… Mỗi thanh sắt vang lên một cung bậc âm thanh khác nhau thú vị chẳng kém những âm thanh vang lên trên chiếc piano của mẹ chị Thi. Hai chị em vừa hát lời ca vừa cố lựa những thanh sắt gõ sao cho ra âm thanh của giai điệu bản “Khát vọng mùa xuân”.
Giờ đây, tuy không cầm chiếc que sắt nào, nhưng ông biết, dưới những ngón tay ông, những âm thanh khát khao về một mùa xuân tươi đẹp thanh bình ngày xưa vẫn vang lên. Nó vang lên cùng quá khứ thơ ngây, hạnh phúc dù phải trải qua biết bao đớn đau của ông cùng dân tộc mình.
Kết Thúc (END) |
|
|