Anh Ngơ là con trai duy nhất của bác Tần. Cái tên của anh dài đến năm chữ, mang ý nghĩa chứa cả Tài, Phước, Đức… Nhưng người trong xóm chẳng ai nhớ nổi tên thật của anh, họ quen gọi anh là Ngơ.
Nghe bác Tần gái kể, đợt có bầu anh, bà bị bệnh, phải uống thuốc nhiều quá nên sinh ra anh có cái đầu to, trái ngược với thân hình nhỏ thó mà đen nhẻm. Lớn lên, tay chân anh vẫn khẳng khiu, chỗ cùi chỏ có xương lồi ra trông như mấu gỗ. Anh đi học ba năm một lớp. Đến lớp năm, anh phải nghỉ hẳn. Vì thế, anh đọc viết không thành thạo, tính toán cũng phải xòe ngón tay ra đếm. Phép tính nào nhiều số quá thì anh cúi xuống đếm cả ngón chân. Anh Ngơ cũng không có khả năng tự vệ, bọn trẻ con chạy theo ném dép vào người, anh đứng cười “hề hề” xong lại gãi đầu: “Chả đau”.
Trong xóm, đứa trẻ con nào học kém thì bị ví: “Dốt như anh Ngơ”. Bởi từ trước đến nay, khái niệm thông minh chỉ dành cho người học giỏi, nhiều tài lẻ, giỏi kiếm tiền… Hiếm ai chấp nhận loại thông minh đôi khi biểu hiện ở năng lượng yêu thương, như điều anh Ngơ đang có. Đám trẻ con thường thích bẫy chim về nhốt vào lồng nuôi chơi. Anh Ngơ đi ngang qua, thấy con nào sập bẫy vội lén thả cho nó bay đi. Đám chó dữ trong xóm chẳng bao giờ sủa khi anh đi ngang nhà. Anh chìa tay ra, úp lòng bàn tay hướng vào người, con vật không thấy biểu hiện của sự tấn công, từ từ tiến lại, để cho anh vuốt ve.
Có lần, anh nhặt được ở bãi rác một con mèo hoang lông màu vàng, bốn chân đơ cứng vì bị liệt. Con mèo nhỏ tội nghiệp nằm nghiêng trong chiếc áo rách của anh, giương mắt kêu “meo meo” khó nhọc cầu cứu. Anh Ngơ lấy rơm khô, kết thành ổ, lại lấy đèn vàng sưởi ấm, tỉ mẩn xoa bóp cho nó. Chẳng biết nghe ai mách, anh giã nhỏ lá lược vàng, vắt lấy nước cho con mèo uống để chữa bệnh đường ruột. Nhìn con mèo xương sống xương sườn trồi lên cả lớp da, chẳng ai nghĩ nó sống nổi. Vậy mà qua trận ốm “thập tử nhất sinh”, nó đứng dậy, liêu xiêu những bước đi đầu tiên, dụi đầu vào chân anh. Nó ở lại nhà anh, quấn quít với Ngơ như một người bạn.
Bố anh Ngơ vốn là thợ xây, nhưng quanh năm chỉ được thuê làm mấy công trình nhỏ như xây chuồng heo hay sửa nhà tắm, tiền công chẳng đáng là bao. Nhân một lần bị ngã giàn giáo gãy chân, ông nghĩ đến chuyện tự tay xây cái chuồng bò rồi mua về cặp bò cho con trai chăm sóc. Anh Ngơ say mê với nhiệm vụ chăn bò, chả sợ gì ngoài sợ… bò đói. Mỗi chiều, trời nhập nhoạng tối, người ta thấy anh cong lưng cõng chiếc gùi đầy ắp cỏ xanh. Cỏ vượt đầu anh. Nếu nhìn từ phía sau chỉ thấy chiếc gùi nhấp nhô giữa đôi chân vòng kiềng, trông như vừa đi vừa quỳ trên mặt đất.
Cặp bò anh chăm ngày một mỡ màng. Mỗi năm đẻ sòn sòn lời được một cặp bê con. Ba mươi tuổi, anh vô tình trở thành lao động chính của gia đình trông coi đàn bò hơn chục con. Anh bắt đầu ra dáng người đàn ông “có ích” theo khái niệm của những người trong xóm. Dù vậy, anh vẫn cô độc, cũng là theo cách hiểu của số đông. Lẽ ra, là đàn ông thì phải lấy vợ, ít ra phải có bạn bè. Mà bạn thì đám chó mèo, bò, lợn, chim chóc bên cạnh anh lại không được tính.
Vào một buổi chiều có những đám mây xám xịt đuổi bắt nhau, anh Ngơ cũng ì ạch cõng cỏ trở về nhà trước khi cơn mưa ập tới. Bỗng trước mắt anh, một cô gái đang lao về hướng bãi sông. Hình như cô vừa chạy vừa khóc. Anh Ngơ vứt gùi cỏ trên bờ đê, vội vã chạy theo. Khi khoảng cách hai người chỉ còn chục bước chân, cô đã lội ra dòng sông, nước sâu ngang thắt lưng. Anh vừa lội nước, vừa chìa tay ra, ánh mắt cầu khẩn mong được cứu giúp. Nhưng người con gái không để tâm. Vào thời điểm màu vàng đục của dòng nước che gần hết thân hình cô, anh Ngơ túm được tóc cô, cố sức kéo cô gái vào gần bờ. Anh càng cố sức, cô càng vùng vẫy, càng than khóc to hơn. Khi đã mệt lả, bản năng khát khao được sống dường như trỗi dậy, cô ôm chặt lấy thân hình gầy gò, khẳng khiu của anh Ngơ: “Cứu, cứu con tôi”. Anh dùng hết sức của mình, kéo cô vào bờ. Cả hai nằm dài trên bãi cát, muốn ngất lịm. Mưa bắt đầu dội xuống khiến anh Ngơ choàng mở mắt, lảo đảo chạy lên bờ đê tìm người cầu cứu. Tiếng mưa át cả tiếng gọi thì thào của anh. Khi lờ mờ thấy một người chạy đến, anh mệt quá, ngã xuống đất, chìm vào cơn mê man.
Anh tỉnh lại trong gian buồng quen thuộc của nhà mình, ngoài phòng khách, có tiếng người lao xao. Gia đình cô gái được anh cứu đến cảm ơn. Họ mới chuyển đến sống ở cuối xóm. Ông bố có gương mặt nhàu nhĩ kể, nửa năm trước, cô con gái của ông bị một kẻ lạ hãm hiếp khi đi ngang qua đoạn đường vắng. Hai vợ chồng ông không muốn làm to chuyện. Vì người đau đớn hơn cả là con gái mình. Để giúp con quên đi ký ức đau đớn ở vùng đất cũ, họ chỉ còn cách tìm một nơi xa lạ mà sống.
Nhưng cái thai trong bụng cô gái trở thành di chứng nhắc nhớ, ám ảnh cô, khiến cô nhiều lần tìm cách quyên sinh: “Cũng may, lần này có cậu”. Nói đến đây, dáng vẻ áy náy, cặp vợ chồng già lấy ra chiếc phong bì dày cộm đặt lên bàn trà: “Gia đình tôi chẳng biết nói sao để cám ơn cậu… À mà cậu tên gì đấy nhỉ?”. Bị bất ngờ, vợ chồng bác Tần quên trả lời, vội lắc đầu nguầy nguậy. Hai ông già đẩy qua đẩy lại chiếc phong bì. Thấy dáng vẻ tần ngần của anh Ngơ, để phá tan bầu không khí ngượng ngùng, bác Tần xởi lởi: “Đây thằng Ngơ đây. Nếu bác ngại, hay mai mốt cứ cho cháu nó làm bố đỡ đầu đứa bé?”. Cặp vợ chồng già vui vẻ đồng ý, cuối cùng cũng chịu cầm tiền cất đi.
Từ hôm ấy, cụm từ “bố đỡ đầu” bám dính lấy tâm trí anh Ngơ. Anh tưởng tượng ngày mình được đỡ đầu đứa trẻ, nâng niu thân hình nhỏ mong manh của nó như lúc anh vuốt ve, chăm sóc con bê mới lọt lòng. Trái với sự háo hức của anh, vài tháng sau, đứa bé trai ra đời, anh thậm chí còn không được nhìn thấy hình hài của nó. Mãi đến khi thằng bé đầy năm, nhà anh mới được mời sang ăn tiệc thôi nôi. Anh Ngơ ngắm nó hàng giờ: “Ớ, nó cũng có cái đầu to giống con này”, anh vui vẻ reo lên. Những người có mặt ở đó chợt như chết lặng, không khí chùng xuống. Chỉ có tiếng khóc thút thít của cô gái nghe rõ nhất giữa lúc này. Có lẽ, cô đã biết ăn năn nhớ đến những lần phải rửa ruột vì uống cả nắm thuốc hòng muốn chết đi.
Đứa trẻ ngày một lớn lên, nó dường như cũng bị đám trẻ con trong xóm cô lập vì vẻ ngoài kỳ lạ. Cu cậu lủi thủi ngồi bó gối một góc dưới gốc me, nhìn đám trẻ cùng trang lứa vui vẻ nô đùa. Trong một buổi chiều lùa bò về, thấy dáng vẻ cô độc của thằng bé, anh Ngơ nhẹ nhàng bước từng bước đến bên nó như những lần anh tiến về phía một con thú bị thương. Thằng bé chớp chớp đôi mắt đen huyền, nhoẻn miệng cười, chìa tay cho anh nắm.
Từ dạo đó, nó quấn quít bên anh, theo anh đi chăn bò, cắt cỏ, cùng chơi với đám chó mèo. Có lẽ, anh là người bạn đầu tiên của nó. Còn đứa trẻ là “bạn người” đầu tiên của anh. Mỗi buổi chiều, người ta sẽ thấy chục con bò đủng đỉnh đi trước, hai con người một lớn một bé dắt tay nhau thong thả đi sau. Xa xa, trước tầm mắt họ là đường chân trời với một nửa vầng dương vẫn còn vàng rực. Họ bước đi, chầm chậm và bình yên, như những nhà sư đang thiền hành hướng về miền ánh sáng.
Kết Thúc (END) |
|
|