Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Mộng Nhà Tác Giả: Hồ Sa Chang    
    Vuông vườn được xới cẩn thận gieo hạt xanh ươm, cải con chen nhau mọc. Giàn mướp vươn mình bên hồ cá lúc lỉu quả, mấy luống cà phơn phớt những đóa tím mênh mang. Bầy gà dẫn con bới giun tục tục quanh gốc mận già, nhánh mận sai quả oằn mình rơi đầy gốc. Gã vịn tay vào một nhánh cụt, kỷ niệm cũ tràn về xâm kín buồng tim.
    Ngày ấy, mỗi độ hè, gã thường về nhốt mình trong căn gác chật hẹp. Bằng trang lứa chúng bạn đã vợ con đề huề. Cuộc mưu sinh của đất nghèo chưa bao giờ là dễ dàng. Những thửa ruộng cằn khô cỏ chỉ, những đám sình chi chít hàn the, những bờ bãi khoai bắp nối nhau san sát. Chúng như vắt kiệt tuổi xuân của người nông dân. Nhìn lũ bạn mải lo cơm áo, nhìn lại mình sạch sẽ tinh tươm dưới giảng đường, gã thấy mình thật may mắn.
    Sáng ấy, chú Út mang cày qua thật sớm, lúc sương còn ngái ngủ trên các tán lá, lúc bầy gà chưa kịp rời chuồng bới đất tìm mồi, đã nghe chó sủa inh ỏi. Bếp mẹ rực lửa, những nhánh tàu cau khô ngùn ngụt cháy, lửa liếm chiếc ấm sứt một bên quai như vuốt ve âu yếm. Gã chẳng buồn dậy, đêm qua thức thật khuya bên bản vẽ, những gam màu sáng tối nhập nhoạng dưới ánh đèn mờ. Gã nhớ cô bạn gái cũ và cái bĩu môi khinh rẻ, chiếc váy hường điệu đà lẩn khuất giữa dòng người vội vàng. Lời chia tay nhẹ bâng không tốn của nàng một giọt nước mắt, nhưng đọng lại trong gã cả vũng tăm tối. Gã nhúng bút vào nghiên mực, rồi thẳng tay ném vào khoảng không, tường loang lổ chi chít màu, tấm giấy điều hứng lấy những giọt vô thức tạo nên bức tranh hư thực. Gã nằm thêm hồi lâu, lại có tiếng nhặng xị của con Ki. Gã cố kéo chăn trùm kín đầu, giấc ngủ về theo mướt mát, xanh xao.
    Giật mình bởi tiếng hét thất thanh, gã lật đật chạy xuống, căn gác rung lên theo mỗi bước chân qua. Nơi gốc mận, cô bé bị treo lơ lửng trên cành, nhánh mận gãy cụp với mớ quả đỏ mọng nham nhở vết răng dơi, quả rơi đầy gốc. Chiếc áo cũ bị móc vào một nhánh cụt, mặt con bé xanh rờn khiếp đảm. Gã vừa hoảng vừa buồn cười, vội đưa tay hứng lấy. Vừa hay chiếc áo không chịu được sức nặng, rách toạc một đường. Con bé lăn lông lốc từ mái chuồng heo xuống tay gã. Cú va chạm khá mạnh khiến gã suýt ngã dụi. Mẹ gã ôm lấy con bé hú hồn hú vía. Mặt nó cắt không còn giọt máu.
    *
    * *
    Quê gã có nghề trồng lài, mẹ gã là người đầu tiên mang giống cây từ vườn ươm về thực nghiệm. Ban đầu nhiều bỡ ngỡ. Từ khâu chọn đất bón phân, đến tưới nước tỉa cành, rồi khử sâu trừ bệnh. Lài thuộc giống dễ trồng, sống được trên nhiều loại đất, nhưng phải cao ráo đủ ánh sáng, tưới nước đều đặn mới cho năng suất cao. Để có được những nụ hoa to khỏe múp míp, không bị tím bông, đốm lá, không chết bụi khô cành, hoa thơm hương, mẹ gã đã phải quần quật suốt ngày. Chú Út được mẹ tin cậy thuê giao trọng trách đó.
    Mỗi trưa, khi mọi người trong nhà nghỉ ngơi sau một buổi làm mệt nhoài thì gã lại thấy cô bé ấy xuất hiện. Với chiếc mũ rộng vành, chiếc áo khoác ngả màu cháo lòng, một chiếc túi cài bên hông. Hai tay cô bé thoăn thoắt hái những đóa lài bung nụ. Dưới cái nắng gay gắt, mặt cô bé ửng đỏ, mồ hôi mướt ướt đẫm cả vạt áo. Những ngón tay cứ thoăn thoắt một động tác quen thuộc. Không có tiếng cười đùa, chỉ có bước chân vội vã của những người hái lài thuê. Họ như chạy đua với thời gian.
    Lài thường được hái từ lúc mười giờ sáng đến tận chiều muộn. Nhưng phải tầm ba giờ đến sáu giờ chiều, chính là lúc lài tụ hương. Những bông hái không kịp, qua đêm sương ủ, sớm mai nở bung coi như bỏ, không bán được.
    Hôm nào trời trở dông, cả nhà tập trung hái sợ gặp cơn mưa sớm. Những luống đất chen chúc chân người, những đôi tay thuần thục hối hả. Những nụ hoa chúm chím trốn lẫn trong tán lá xanh như chơi trò trốn tìm, thách thức đôi mắt tinh tường vạch nhặt.
    Mưa. Từng giọt lộp độp rơi trên mái đầu, chiếc mũ rộng vành oằn xuống. Con bé cố gập người nhặt nốt những nụ còn sót lại nơi tán lá. Nó bảo, mấy bông này không hái được, gặp cơn mưa sẽ bung tơi tả, nhạt hương. Lúc đó không dùng được nữa. Lài chỉ có giá trị khi căng nụ mà thôi.
    Gã từng thấy cô bé ấy trầm ngâm bên những đóa hoa trốn nơi góc lá, vẻ tiếc nuối pha lẫn hối hận. Như thể chính mình đã để các em hoa ấy chịu mưa, dầm sương mà bung bét. Con bé theo ba mỗi sớm dắt trâu cày, mỗi trưa hái lài thuê kiếm tiền sách vở. Chiều chăn trâu thường ôm theo cuốn sách nhàu cũ. Chắc được đọc đi đọc lại nhiều lần đến sứt gáy, lờn chỉ.
    Gã bị ấn tượng mạnh bởi đôi mắt xanh như hồ thu, vầng trán rộng thông minh cùng mái tóc dài đen mượt. Mười hai tuổi, con bé phổng phao dù cơm độn, muối vừng. Ai cũng gọi bằng cái tên Gái mặn mà duyên dáng. Gái thường hay lân la bên giá sách của gã mỗi độ qua nhà, đôi mắt ánh lên niềm khát khao.
    *
    * *
    Bẵng đi một thời gian gã không về thăm quê, thăm mẹ. Cuộc mưu sinh cuốn gã vào những dự án triền miên. Cô bé nghèo phải bỏ học theo người quen vào tận Sài thành hoa lệ. Cuộc đời lam lũ không vùi được nét đẹp quê mùa chân chất. Lọt vào mắt xanh của người thương lái giàu có, rồi theo người ta làm lẽ tận bên Tàu. Cuộc đời cô rẽ sang chương mới, chắc có thênh thang.
    Bao nhiêu năm Gái không về thăm nhà, nhưng quà cáp cho mẹ cha vẫn đều tăm tắp. Thi thoảng gã nghe mẹ kể chuyện cái Gái nhà chú Út giờ giàu lắm, ăn trắng mặc trơn. Còn gửi quà cho cả xóm. Những thùng quần áo cũ được giặt tinh tươm sặc mùi long não, những lọ dầu trị bệnh đau nhức xương khớp, những gói rễ cây bọc bằng mấy tấm giấy chằng chịt tiếng Tàu, chú Út bảo thuốc quý. Cả xóm chen chúc chia nhau từng hũ cao dầu, xúm xít lựa những chiếc áo đủ màu sắc, rộng thùng thình lạ lẫm. Ấy là những ngày khốn khó. Giờ khu công nghiệp mọc lên như nấm, cuộc sống đổi thay. Những thùng đồ Gái gửi về cũng thưa thớt hẳn.
    *
    * *
    Rồi cả thế giới quáng quàng vì dịch giã. Bên kia biên giới, đôi chân Gái bồn chồn tìm về cố hương. Cú vượt biên trái phép khiến Gái và những người đi cùng bị bắt lại nơi cửa khẩu. Qua xét nghiệm cho kết quả dương tính với Covid, Gái cùng đứa con nhỏ được đưa đến trạm cách ly tập trung gần đó để điều trị.
    Thông tin rò rỉ về. Làng xóm xôn xao. Chú Út chết ruột chết gan. Gã nghe buồn quá, lòng chấp chới những câu chuyện rời rạc. Nhớ ánh mắt thảng thốt ngạc nhiên pha lẫn thẹn thùng của Gái lúc vô tình nhìn thấy bức tranh gã vẽ cô bé bên đóa hoa lài, ánh mắt rực sáng nhưng không giấu được nét u buồn bên khóm hoa trắng nở dè dặt. Là Gái. Gái in đậm trong tim gã những ngày hè xa xưa.
    Gái không qua khỏi. Nhúm tro được đậy kín trong chiếc lọ nhỏ và bọc trong một vuông vải đỏ đầy ám ảnh. Cả thế giới để tang cho những số phận không may mắn. Bên kia, nhà chồng Gái cũng không ai còn vì dịch, đứa con nhỏ bơ vơ được đưa về Việt Nam.
    Ngày đón cháu, chú Út như ngã quỵ. Vuông vải đỏ ôm lấy hũ tro cốt lạnh tái lòng. Đứa nhỏ đã qua thời gian cách ly, xanh xao gầy gò trong mớ đồ nhàu nhĩ. Ánh mắt nó thẳm sâu. Nó ít nói và trầm buồn. Chắc được Gái dạy nói tiếng mẹ đẻ từ lúc lọt lòng, cất giọng Việt lơ lớ.
    Đứa nhỏ được ông bà thương yêu hết mực, nhưng không giấu được vẻ côi cút. Suốt ngày chơi bên mớ cọ vẽ, lặng lẽ với những gam màu vàng cam rực rỡ. Thi thoảng, nó đưa mắt nhìn vào xa xăm vô định, như tìm kiếm điều gì.
     Gã nhìn qua bức vách, chỉ một bức tường mỏng, dăm hàng cây thưa. Phiên bản hoàn hảo của Gái ngồi đấy, mái tóc đen mượt phủ kín đôi vai gầy xanh xao. Phải làm một điều gì đó cho Gái, cho con bé. Nó đã quá thiệt thòi rồi. Bên kia, chú Út đang quàng thêm khăn cho cháu, miệng húng hắng ho không thành tiếng. Cơn gió mùa tràn về mang theo cái lạnh mơn mơn.
     Gã bước xuống ra tháo cổng. Từng tia nắng nhảy múa nơi hàng râm bụt. Nhánh mận già có bầy chim chuyền cành tíu tít vui nhộn. Từng chùm bông mận li ti rải trắng một bên lối đi. Gã lên phòng lục mớ giá cọ giấy vẽ, ống màu. Bên kia khu vườn, con bé giương mắt nhìn người lạ, nhìn giá vẽ và ống giấy kè kè bên sườn, mắt nó ngời lên hạnh phúc.
     Gã ngoắc tay, mắt con bé mở to ái ngại, tay ôm chặt lấy tay ông. Chú Út vuốt tóc cháu trấn an, nhìn gã bằng cái nhìn đầy ắp nỗi niềm.
    Gã lại nhớ Gái với cánh bông trắng tinh khiết nở bung trên tay. Gã tự nhủ lòng đã biết cách đưa con bé ra khỏi khu vườn chật hẹp của chú Út rồi, hay ít ra, gã cũng sẽ đưa được con bé về với thiên nhiên, với cuộc sống bình thường theo cách của riêng gã. Mong rằng nơi xa ấy, Gái sẽ an lòng. Cõi vô vi thơm hương một loài hoa cánh trắng.
    Đồng ít điện thoại, mỗi khi gọi, má thường hỏi những câu đã mòn kiểu ăn cơm chưa con, làm ít thôi con hỉ, bây gửi tiền về chi mà... Đồng ước má nổi trận lôi đình la chửi om sòm như ba lần nọ đay nghiến, “Đi luôn cho khuất mắt” hẳn lòng anh sẽ nhẹ nhõm. Nhưng, qua bao nhiêu bận đất trời gió mưa nặng nhẹ, má Đồng vẫn vậy, ân cần và nhẫn nại chờ đợi tới độ anh phát bực giãy nảy, “Vì má hiền nên người ta được nước cưỡi lên đầu lên cổ rứa đó”.
    Mà, “người ta” đây là ba Đồng mới chết.
    “Coi chừng té”, Rin lon ton phía trước, Mười lập bập theo sau. Thằng nhỏ hơn ba tuổi đầu, thấy Đồng đâu là chạy tới nắm ống quần anh cười. “Ủa, quen biết chi mà bu tui hè”, trước khi bế thốc cu nhóc lên, Đồng chà xát hai tay vô vạt áo, sợ ám mùi thuốc lá làm Rin khó chịu khịt mũi khóc. Anh giả lả trước ánh nhìn trách móc của Mười, “Điếu cuối cùng, con bỏ luôn”. Đồng lái xe tải giao hàng trong thành phố. Giữa quãng nghỉ những chuyến bốc dỡ hàng, thuốc lá và men say trở thành bạn của tài xế, thói thường mọi người đều tin vậy. Đồng không rượu bia, anh ghét chuyện này tựa hồ dị ứng.
     Phả ra kèm theo hơi rượu luôn là đoạn càu nhàu. Hồi còn nhỏ, Đồng chưa hiểu, anh chỉ sợ ba đánh má. Như bác Chân, hễ xỉn thể nào cũng rượt vợ chạy trối chết. Vậy mà không, ba chưa lần nào đạp chân vung tay, thành thử Đồng càng thêm nơm nớp, sợ hy vọng vừa mon men tượng hình, đổ vỡ đã nhen nhóm trước. Đồng không hiểu ba nghĩ gì vào những lúc say, và má nữa, mỗi khi sấp ngửa chạy kiếm mấy trái cà chua chín dằm muối cho chồng giải rượu bà buồn biết mấy. Men đắng cay suy cho cùng cũng chỉ chếnh choáng trong khoảnh khắc, mấy chuyện xảy ra sau đó mới đứt ruột đứt gan.
    Ba Đồng với bác Chân là con chú con bác, lớn lên ở làng, nghe đâu ngày trai trẻ như hình với bóng. Làng chỉ tròm trèm bảy chục nóc nhà, chẳng mấy khi có chuyện hục hặc. Đùng một cái, bác Chân vác đơn kiện ba Đồng giành đất. Tưởng sẽ rộn lên ha hả cười đùa huề vốn, “Ông nớ rảnh kinh, ai giành chi”, đâu ngờ ba Đồng phán xanh rờn, “Thì kiện, tui theo”. Mới nghe qua, má kêu trời, chi lạ rứa anh, sau rốt bà mần thinh chịu trận. Từ độ Đồng chín tuổi cho tới năm hai mốt là những cơn sóng ngầm không dứt. Huyện lên tỉnh, tỉnh trả về huyện, lăm le đòi ra trung ương kiện tới bến, dông dài vì mấy sào đất rẫy. Mang tiếng thân tình mà thấy nhau là bước một nước dửng dưng. Đám giỗ, đám cưới, chạp mả bà con tề tựu, ly trước ly sau đã lại nghe lôi đất ra táng tai nhau ầm ầm. Đồng mệt, anh Hai chán nản, can: “Thôi ba, mình sống ri cũng ổn rồi, người nhà hết mà, xóm làng cười cho”. Ba nạt anh em Đồng con nít chưa hiểu chuyện, “Mấy sào nớ chính thân tau đêm ngày vỡ ra từ đá, muốn giựt mà được hả?”. Lâu thiệt lâu, má thận trọng chèn một câu, “Bác Chân có phụ anh”. Ba lè phè, “Ổng thì nhằm nhò chi”. Quanh đi quẩn lại một từ “đất” mệt nhoài.
     Mỗi bận chếnh choáng nếu quên phứt vụ đất, ba sẽ loạng choạng tìm ra bến sông. Làng xì xào ba Đồng chờ người về từ bến khác. Năm mười ba tuổi, Đồng trộm nghĩ, có khi ba sắp bỏ nhà theo một người đàn bà không phải má. Ý nghĩ ấy khiến Đồng ấm ức miệt mài. Thêm năm năm nữa, Đồng biết “người bến khác” là cô Thắm làng trên. Thời trẻ, ba Đồng trộm thương cô Thắm, khổ cái hoa này thuộc diện “có chủ” ngay khi chưa kịp chào đời đã được hứa gả cho bác Chân. Môi Đồng méo xệch, à, chung quy ngọn nguồn là bởi vì yêu. Thì thôi, để người lớn tự giày vò nhau, Đồng đi, dứt khoát. Nhà không loảng xoảng soong nồi, bốp chát mà tan nát cứ lớn dần từ bên trong. Anh Hai cưới vợ, đưa nhau ra Hội An, chồng chạy taxi, vợ mở quán mỳ, gần xịt cũng hiếm khi về nhà, còn Đồng vô hẳn miền Nam. Đối với Đồng mà nói, cuộc đi này mang tính chạy trốn hơn là tìm kế sinh nhai. Ở quê coi vậy chớ thiếu chi việc cho mình, miễn đừng nhác.
    Đồng từng nghĩ nhứt định phải có cái nhà thành phố, sống luôn trong đây cho đỡ tức ngực. Quyết tâm được rèn giũa thêm từ dạo Đồng gặp gia đình Quế. Họ dọn tới phòng đối diện trong khu trọ. Quế luôn bày lên gương mặt nỗi niềm tha thiết, “Phải chi tui cũng có quê để về như anh”. Hỏi, chớ quê ở đâu lận, Quế lắc đầu, “Tui biết chết liền”.
     Quế đã thôi chồng trước ngày cu Rin chào đời. Mười tặc lưỡi, con nhỏ số khổ, lấy phải cái thằng đỏ đen không dứt. Sẵn máu đó rồi thì bê tha rượu chè, đấm đá mấy hồi, “Má con nó trọ chỗ chị Bảy tau. Ly hôn xong thằng kia vẫn cứ tìm tới hỏi xin tiền, mạt sát rát lỗ tai. Tau biểu qua bên đây ở. Khúc sau mi biết rồi. Hắn vác mặt tới là tau la làng rồi báo công an, mấy lần thì chừa. Ngày con nhỏ lên bàn sinh, thằng nớ bị bắt quả tang đang sát phạt trong rừng cao su”. Vốn dĩ thời gian đầu Đồng cũng chỉ là người nghe kể chuyện. Anh thường chở hàng từ sáng tới tối mịt mới về phòng nằm vật ra ngủ, người khu trọ sống ra sao, Đồng kệ. Bữa Chủ nhật cách nay ba năm, má Quế khẽ khàng gõ cửa chìa cho Đồng rổ bánh ít lá gai, nói thấy ngoài chợ bán lá xanh mướt ngon quá mua về giã gói bánh ăn chơi. Từ trong dáng hình còm cõi nhiều phần lạnh lùng, người tinh ý sẽ nhận ra gốc gác má Quế. Đồng nghĩ ngợi, mường tượng phần đời đã qua của bà hẳn là xấc bấc đục trong, song anh không để lộ ra.
    “Thấy con Quế bần thần miết, tau lo quá bây”, Mười đưa tay vuốt mái tóc muối tiêu mỏng tang, hành động chỉ dấu bất an, trong lúc cùng Đồng và cu Rin trở vô dãy phòng. Đã qua ba tháng nhà chức trách nới lỏng các biện pháp phòng dịch Covid, hàng quán náo nhiệt những nói cười, người xe nối dài bon bon trên đường, Quế vẫn chưa quay lại xưởng may. Bất chấp âm thanh chợ búa xô bồ, thỉnh thoảng, tiếng còi cứu thương còn ú óa nhức nhối tim người, trong phòng Quế là thinh lặng bao trùm. Lâu rồi, dằng dặc như cả đời người, Đồng không nghe Quế mở miệng lấy một câu. Lúc đầu, Quế còn tỉ tê với má bữa nay Rin ăn tới hai chén cháo ngon lành, có lẽ công ty sẽ không bớt xén lương thưởng tết, chừng nào làm được nhiều tiền con mua đất cất nhà cho má vui, về sau, cô im bặt. Má Quế đã dừng lại cuộc đời nhọc nhằn theo cái cách không thể chịu đựng nổi. Ngày má con Quế vô bệnh viện hồi sức điều trị Covid, bà nhắn cho Đồng dòng tin ngắn ngủn, “Má con nó, xin nhờ chú”. Đi hai, về một. Tro cốt má Quế được bộ đội đưa xuống. Ôm khư khư hũ sành màu xanh lá mạ trong lòng, Quế cất lời như mê sảng, “Cái đứa hai lượt mồ côi”.
    Đầu hè vừa rồi, làng xáo xác truyền tin ba Đồng đột quỵ ngoài mé sông, may bác Chân phát hiện cứu kịp mới giữ được mạng. Đồng nín khe, cố nén mình đừng bật ra tiếng khóc. Cái đoạn đường thương của ba còn một khúc nữa mà ngày tuổi trẻ Đồng từ chối tìm hiểu. “Bận nớ quê mình lụt quá. Bác Chân với ba hè nhau nhổ sắn trên rẫy rồi lo kết bè chuối cứu hàng trăm người, nhưng cô Thắm thì biền biệt. Người nói đã ra biển, người quả quyết còn mắc lại đâu đó trên sông. Cuộc tìm dài vô vọng. Con biết không, cô Thắm gặp nạn là vì cố cứu đứa bạn thô vụng là má đây”, Đồng nghe má nấc nghẹn qua điện thoại.
    Dịch Covid trùm lên thành phố, hàng rào sắt di động giăng mắc khắp nơi, chợ búa đóng cửa, lòng người xô dạt giữa lưng chừng cố bám trụ giấc mộng thị thành hay đánh liều leo xe máy trở về dưới mái nhà quê, Đồng nhận được thùng xốp lớn, bên trong xếp từ bó rau muống, chai dầu đậu phụng, ít tỏi ớt tới thịt heo ngâm nước mắm, hũ mít khô, chục bánh ít lá gai. Trên mặt thùng nguệch ngoạc, “Chân, làng Hà Phước. Gửi Thành Đồng, cháu tui, nhờ xe liên hệ giùm số điện thoại…”. Rồi bác Chân gọi cho Đồng, lần đầu tiên kể từ ngày anh mếu máo hét, “Bác là người xấu, có miếng đất cũng giành giựt làm ba con buồn xỉn miết”. Sau cả phút ngượng ngùng lúng túng, bác Chân đằng hắng: “Ba bây yếu rồi, ngày mô cũng quay quắt ngóng con cháu. Trở lại đi Đồng, cái rẫy bây về trồng khoai sắn hay keo chi đó. Rau cháo qua ngày, miễn là có nhau, con hỉ”.
    Ngoài cửa phòng Quế, nắng chiều nhảy nhót trên hai chậu vạn thọ vàng rực. Mười mới bưng qua đặt ở đây. Má Quế thích loài hoa này, bà từng nói chừng cất được nhà sẽ trồng cả một vườn vạn thọ ngó cho đã. Thấy má bước ra cửa, Rin vỗ vỗ tay nheo mắt cười. Đối mặt Quế trước sự chứng kiến của Mười, Đồng hít một hơi sâu: “Má con em về quê với tui nghe”.

Kết Thúc (END)
Hồ Sa Chang
» Mộng Nhà
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò
» Tuyết
» Xác Ngọc Lam