Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Tuy Hòa Tác Giả: Sưu Tầm    
    Cái xóm nghèo nằm trên doi cát nhỏ, ngay ngoài cửa đã là biển rồi. Giọng người địa phương rất nặng, âm “a” choãi sang âm “e”. Từng đụn cát mấp mô chạy dài tới tận mí nước, cát lạo xạo khắp nền nhà, cả căn buồng tân hôn cũng vương cát dù sểnh tay ra là có người cầm chổi quét.
    Cái xóm nghèo nằm trên doi cát nhỏ, ngay ngoài cửa đã là biển rồi. Giọng người địa phương rất nặng, âm “a” choãi sang âm “e”. Từng đụn cát mấp mô chạy dài tới tận mí nước, cát lạo xạo khắp nền nhà, cả căn buồng tân hôn cũng vương cát dù sểnh tay ra là có người cầm chổi quét.
    Thân là cháu họ xa của chú rể, còn Nga chỉ là bạn đồng nghiệp của em cô dâu, theo bạn đi chơi cho biết Tuy Hòa. Ngồi cùng mâm, Thân cũng như mọi người xung quanh đều cố thể hiện sự quan tâm đặc biệt đối với Nga, ngoài sự hiếu khách thường tình còn bởi cô là người khách duy nhất từ ngoài Bắc vào. Và vì là khách không mời nên lại càng quí.
    Sau tiệc vui, cô bạn đồng nghiệp của Nga còn phải lo nhiều chuyện cho cô dâu trong buồng cưới. Tiện đường về thị xã, Thân đưa cô ra ga trước để mua vé tàu. Nga và cô bạn dự định về Đà Nẵng ngay tối hôm đó, do hôm sau là đầu tuần, có cuộc họp giao ban quan trọng.
    Cả hai người sẽ còn nhớ rất lâu cái buổi chiều lạ lùng hôm ấy. Cô và anh lướt ở mọi nơi trên chiếc xe máy FX màu xanh rêu còn chưa có biển đăng ký xe. Anh nói vừa mua để thay chiếc Dream Thái chuyên đi đường dài lấy hàng. Từ xóm biển ra tới thị xã Tuy Hòa chừng 15km. Anh cho xe chạy có lúc tới 60km/giờ. Đường đông người nhưng anh đi rất vững, rất tự tin. Gió biển mát rượi trong nắng chiều. Qua cầu Đà Rằng, anh đưa cô ghé tháp Chàm còn gọi là tháp Nhạn nằm trên núi Nhạn.
    Từ đây có thể nhìn thấy dòng sông Ba mênh mông đổ ra cửa biển. Ngọn núi Chóp Chài như một chiếc nón, một kim tự tháp ngay bên dòng sông. Thị xã xinh đẹp và yên bình lạ lùng khi nhìn từ trên cao xuống. Sân tháp Chàm đầy rêu phủ. Những bậc đá lên xuống sẫm dần theo bóng tối của chiều tà.
    Chỗ họ ngồi uống cà phê là tầng thượng của một siêu thị mới xây. Khắp nơi trong quán cà phê là những giò phong lan rất đẹp được bố trí rất có gu. Bàn ghế thì như mọi quán cà phê Trung Nguyên, rất mới, tiện lợi và lịch sự.
    Người đàn bà nói với người đàn ông mới quen rằng cô thấy mình như đứng trong vạch tròn của Tôn Ngộ Không: ra cũng không được mà ở bên ngoài cũng không ai vào được. Chiếc áo pull cô mặc hôm ấy có màu hồng nhàn nhạt, chiếc quần jean bạc màu với đôi giày khủng bố cao tới 12cm màu nâu mang lại cho cô cái dáng vẻ nghịch ngợm hay hay. Nhưng những điều cô nói thì thật buồn, thật chênh vênh thế nào ấy.
    Anh nhìn vẻ u uất trong đôi mắt đen của cô và hiểu rằng một cơn bão đang xảy ra trong cô. Nhưng anh không thể biết rằng đã từ lâu cô vướng vào một chuyện phiêu lưu tình cảm mà cô ngộ nhận rằng đó là tình yêu. Còn hiện tại thì người cô yêu đã phản bội đúp không chỉ vợ anh ta mà còn cả cô nữa. Và chuyến đi này là một sự chạy trốn bản thân. Lúc này anh chỉ có thể cảm nhận nỗi đau đang tồn tại trong cô qua ánh mắt và dáng ngồi rất thẳng, thẳng như thể cô đang cố gánh một gánh nặng vô hình.
    Thế rồi không hiểu sao, anh bắt đầu chầm chậm kể với cô những điều mà chưa bao giờ anh kể với ai, kể cả cô con gái lớn năm nay đã 13 tuổi, kể cả cô em vợ xinh đẹp và hiền dịu vốn là người hiểu và thương anh nhất, và tất nhiên càng không phải là vợ. Rằng anh là đứa con duy nhất của mẹ anh.
    Khi bà bệnh nặng và mất, anh còn chưa được hai tuổi. Cha anh lúc bấy giờ đang ở trên rừng. Bà nội đã mang anh lên thị xã và nuôi anh khôn lớn. Không có một tuổi thơ cơ cực như những đứa trẻ mồ côi khác, nhưng với anh điều nặng nề nhất là cha anh lấy vợ ngay sau ngày giải phóng. Khi ấy anh chừng bảy tuổi. Tức là hầu như anh chẳng được ở riêng với cha trọn vẹn một ngày nào.
    Và trong anh lúc nào cũng tồn tại một nỗi uất ức, rằng người ta đã lấy đi của anh không chỉ những gì mẹ anh để lại cho anh, mà hơn thế là tình thương của người cha đáng ra có thể có với anh. Có lẽ tất cả những điều đó làm anh già đi trước tuổi. Anh bỏ học, làm ra tiền rất sớm và cưới vợ năm 18 tuổi. Đó là số mệnh chăng? Anh cũng không biết nữa, chỉ biết là khi quyết định lấy vợ, anh thấy thèm khát làm sao một mái ấm gia đình của riêng bản thân.
    Để rồi hơn chục năm vụt qua, quyết định ấy mang lại cho anh những điều phiền muộn khó nói. Anh rất yêu và tự hào về hai đứa con của mình. Nhưng chừng ấy thôi dường như chưa đủ. Đời sống nơi đô thị bây giờ thay đổi nhanh đến chóng mặt. Còn với vợ anh, có được cuộc sống như hiện có là tốt lắm rồi, cũng như cách giải trí hằng ngày của phần đông người Việt bây giờ chỉ cần bật tivi, xem hết các chương trình là thấy mãn nguyện.
    Thứ bảy, chủ nhật thì chia đều ra cho các con về hai bên nội ngoại. Giao tiếp thì ngoài các bạn hàng làm ăn cũng chỉ toàn họ hàng nội ngoại hai bên, tết nhất thì đi lễ, đầu năm thì coi bói. Cô ấy có thể cả đời cứ sống như thế, ở một nơi như thế mà không hề đòi hỏi một điều gì khác lạ. Đến cả chuyện muốn ra Bắc chơi một lần cho biết Hà Nội cũng bị vợ gạt đi.
    Rồi đơn giản hơn nữa là những khi đi đám cưới, những khi đi gặp họ hàng, anh muốn vợ anh chú ý ăn mặc sao cho tươm tất để anh có thể tự hào với mọi người vì tiền thì anh đâu có thiếu. Thế nhưng cô ấy chỉ một mực theo ý mình, và luôn thích tỏ ra là một người phụ nữ đảm đang, thạo việc, chẳng bao giờ để ý đến hình thức. Trong họ mạc, cứ có việc là cô đến sớm, lăn xả vào làm, nhọ nhem nhọ thủi, xong đám còn ở lại rửa chén bát, quét tước dọn dẹp tới khuya.
    Cô ấy yêu chồng với một tình yêu như người ta dành cho cánh chân, cánh tay của mình, đơn giản mà cần thiết. Một tình yêu máu thịt thật cảm động và không thể thay thế. Nhưng có ai đôi khi lại hỏi cái tay của mình: Tay có mệt không? Hôm nay sao tay trông buồn thế? Thế mà anh lại cần điều đó biết bao!
    Cái tiêu chí anh đặt ra trước cuộc hôn nhân ngày ấy, cái tuổi 18 còn khờ khạo nhưng nóng bỏng một quyết tâm có một gia đình hạnh phúc - như vậy là đã không đạt được, hay là chỉ đạt được một nửa. Không lẽ sự cô đơn mơ hồ, dai dẳng này sẽ theo anh tới chết? Một gánh nặng chung thân vô hình?
    Nhưng cái thời điểm hiện tại thì anh không thấy cô đơn. Anh nhìn đôi bàn tay bé nhỏ trắng muốt của cô đang nghịch nghịch chiếc ống hút bằng nhựa trong ly nước cam và không hiểu sao thấy lòng ấm áp. Giọng nói của cô còn nguyên chất miền Bắc. Mẹ anh cũng là người gốc Bắc, bà mất khi còn rất trẻ, trẻ hơn cô bây giờ. Anh không nhớ được rõ cả giọng bà nữa, nhưng không hiểu sao lúc này đây anh nghĩ rằng nếu bà còn sống, anh sẽ được nghe một giọng nói rất trong và dịu dàng như của cô.
    Cô kể về những lần đi, không biết bao nhiêu lần đi, nói sao cho hết, mưa dầm cũng có, nắng lửa cũng có. Về người bạn gái chung thủy duy nhất thường đưa tiễn cô. Trước kia là bến tàu thủy để từ Hà Nội dọc theo sông Hồng về Hưng Yên thăm nhà những năm tháng sinh viên, và bây giờ là từ ga Hàng Cỏ đi miền Trung. Người bạn gái ấy lần nào tiễn cô đi cũng mong lần sau sẽ có một ai đó, không phải là mình mà là một gã đàn ông cho ra hồn đàn ông, xách vali giùm cho bạn. Mong mỏi đến cháy lòng, để rồi lần sau đó lại ra ga đón và tiễn bạn.
    Chuyến ra Bắc vừa rồi, khi cô về thăm chị gái lấy chồng ở Thái Bình, buổi sáng hai chị em dắt nhau ra phố ăn bún cá. Từ cửa hàng bán băng đĩa bên kia đường vọng sang bài Một cõi đi về của Trịnh Công Sơn. Chị bán bún cá kể rằng chàng trai còn trẻ lắm, chưa đầy 19 tuổi, chết bởi tai nạn xe máy vẫn xảy ra như cơm bữa bây giờ.
    Hai ngày trời vật vã trong bệnh viện, những lúc mê sảng cậu không gọi bố mẹ, anh em trong gia đình, mà chỉ một mực gọi tên thằng bạn thân cùng học ngày trước, sau này cùng chung mở cái cửa hàng băng đĩa đối diện kia. Đám tang do bạn cậu xin phép gia đình được đứng ra lo liệu từ đầu đến cuối. Lúc còn sống, chàng trai thích mùi hoa sữa và nhạc Trịnh Công Sơn.
    Bấy giờ mới là đầu tháng tám dương lịch, bạn cậu đã đi suốt một ngày quanh cái thị xã bé nhỏ ấy để rồi tìm được một chùm hoa sữa, nụ còn hơi xanh bỏ vào trong quan tài. Từ bữa ấy sáng ra cứ thấy bên cửa hàng băng đĩa mở đĩa nhạc quen thuộc, dân phố lại chép miệng ngậm ngùi: Nó nhớ bạn nó đấy. Một bài hát bạn yêu, một loài hoa bạn thích - chừng ấy thôi cũng là đủ thỏa nguyện cho một kiếp người ngắn ngủi. Nét nhạc chầm chậm, chơi vơi, câu chuyện làm cô như nghẹn đi.
    Cô không giấu anh rằng ngay cả bây giờ đây cô đã lo tết này không biết sẽ ăn tết ở đâu, sẽ làm gì cho qua những ngày nghỉ tết. Bởi làm sao mà cô dám gặp bố mẹ cô ở quê sau tất cả những điều đã xảy ra. Nghĩ mà lạnh cả người.
    Anh muốn nói với cô, lòng cha mẹ bao giờ cũng rộng mở dù những đứa con có thế nào. Bản thân anh hiểu được điều đó hơi muộn. Ngày nhỏ, tuổi thơ anh đã trôi qua buồn tủi trong những ấm ức xen lẫn những khát khao. Anh lúc nào cũng muốn gào lên với đám bạn bè cùng trèo xoài trèo ổi, rằng tuy không sống cùng nhưng anh cũng có cha, cha anh từng là anh hùng, là dũng sĩ diệt Mỹ, thế nhưng khi bạn bè kể lể, khoe khoang về cha mẹ, anh bao giờ cũng im lặng.
    Bởi có cái gì đó ngăn anh lại, sự hờn dỗi, mặc cảm cha đã bỏ rơi mình cứ lớn dần theo năm tháng cùng với sự có mặt của người mẹ kế và sự ra đời của lũ em khác mẹ. Chỉ tới khi cha anh bệnh trọng qua đời, sự đau xót thấm thía cùng với nỗi ân hận điên cuồng vì đã lạnh nhạt với cha mới dày vò anh. Và anh dồn tình thương muộn mằn cho sáu đứa em và người mẹ kế ở dưới xóm biển nghèo ấy. Mỗi khi lo cho lũ em được điều gì, dù nhỏ dù lớn, anh có cảm giác như vẻ đau đáu trong đôi mắt cha trên ban thờ nhìn anh như dịu đi một chút.
    Rồi anh bắt đầu nhận thấy những nét của cha anh, khi trên gương mặt, khi trong dáng dấp của lũ em lít nhít ấy. Nhưng vợ anh không thể nào hiểu được, không thể nào theo kịp những biến chuyển trong tình cảm của anh. Mà cũng phải thôi, nhiều khi anh cứ tự trách bản thân. Lỗi do mình tất cả. Cô ấy cũng là người tốt. Nhưng hẳn cô ấy không quên được ngày mới cưới mỗi lần phải đưa nhau từ thị xã về thăm cha anh nơi xóm biển, anh đã nặng nề tới mức thế nào.
    Đến lúc tàu chạy còn khoảng ba tiếng đồng hồ, họ rời quán cà phê. Anh đưa cô về nhà mình nghỉ. Một ngôi nhà rất đẹp và tiện nghi, phía sau nhà là một khu vườn um tùm những dừa và cây ăn trái. Vợ anh chạy đâu đó trong thị xã, chỉ còn Sương, cô em vợ cao lớn và xinh đẹp. Anh dặn dò vài câu rồi đi đón hàng.
    Sương rủ cô ra vườn dừa, hai chị em ngồi đu đưa trên võng, ăn chè ngô. Sương líu ríu nói chuyện bằng cái giọng Tuy Hòa đặc sệt làm cô nghe khi hiểu, khi không. Rồi cô chợt thiếp đi trên chiếc võng lúc nào không biết. Lần đầu tiên sau nhiều tháng trời, giấc ngủ tự đến với cô một cách ngọt ngào, thanh thản. Và cô bạn đồng nghiệp đã phải lay gọi cô rất lâu để cùng đi ra tàu.
    Đã nghĩ là không gặp lại Thân rồi, bởi tàu đến ga Tuy Hòa lúc hơn 11 giờ đêm, nhưng khi tàu đã bắt đầu chuyển bánh, cả Nga và cô bạn đồng nghiệp thật xúc động khi thấy anh và vợ đứng bên kia đường ray ngay quãng lối vào ga vẫy theo. Dưới ánh đèn vàng vọt của nhà ga, cái dáng anh xương xương, cao gầy bên cạnh vợ. Thoáng thấy chị vợ cười cười, tóc búi, dáng tròn tròn, thấp nhỏ chẳng có chút gì giống cô em gái.
    Cho đến tận bây giờ, đã hạnh phúc đủ đầy với một người chồng rất yêu chiều vợ và một đứa con trai, thế mà trong trí óc Nga lúc nào cũng dành một góc đặc biệt, không phải cho người mà cô đã yêu, đã bị anh ta phản bội, khiến cô không chỉ một lần định tìm đến cái chết.
    Thật lạ là sau chuyến đi ấy, anh ta biến khỏi đời cô như chưa từng hiện diện, cho dù hai người vẫn làm việc cùng một công ty, nhiều khi vẫn phải cùng ngồi giải quyết một số công việc chung. Thậm chí có lần do tình cờ mà cô và anh ta cùng đứng trong thang máy lên tầng 8. Vậy mà cũng chẳng có điều gì xảy ra cả! Trong tiềm thức Nga, lúc lờ mờ, loáng thoáng, lúc thật rõ nét tưởng chừng như Thân đang bên cạnh, không lúc nào rời bỏ cô.
    Nhiều đêm con ốm, chồng đi xa, ngồi thức một mình tới sáng trong nỗi âu lo mù mờ trắng đục, cô lại như thấy Thân ngay trước mặt, cái dáng đơn độc, buồn buồn của anh làm cô nao lòng và cô lại tự nhủ mình sẽ vượt được qua tất cả. Chính Thân đã làm cho cô hiểu được rằng cuộc đời này, con người ta mới cô đơn làm sao. Và có biết bao nỗi niềm của con người trên đời này không được thỏa đáng, nhưng cuộc sống vẫn tồn tại.
    Và không có ai toàn vẹn ở đời này cả. Tình yêu cuồng nhiệt đầu đời ấy sẽ không bao giờ lặp lại, đã vĩnh viễn mất đi cùng với sự ngông cuồng của tuổi trẻ. Nhưng thay vào đó còn có bao nhiêu tình cảm khác, thật giản dị nhưng không kém phần đẹp đẽ và mãnh liệt: tình bạn, tình mẹ con, tình nghĩa vợ chồng… và cái tình cảm gì thật khó định nghĩa mà cô dành cho Thân.
    Bây giờ thì anh ở đâu? Câu hỏi nghe thật là sáo rỗng bởi cô vẫn biết ở nơi ấy cuộc sống vẫn đang tiếp tục, như gió biển ngày ngày ngự trị khắp nơi trên cái thị xã yên bình ấy mà bây giờ đã được gọi là thành phố Tuy Hòa. Thế nhưng có đôi khi, những lúc công việc và gia đình làm cô mệt mỏi, bất chợt cô thèm được ngồi sau anh, hai người lao xe đi trong gió chiều không hề để ý đến dòng người qua lại.
    Thèm đến thế cái khoảng cách mông lung thật xa mà thật gần giữa anh và cô hôm ấy. Khi ấy cô còn chưa ý thức được rằng có những cuộc gặp gỡ trên đời này mới kỳ bí làm sao, và mới muôn hình muôn vẻ làm sao những cảm giác mà người ta gọi là hạnh phúc. Với Nga, luôn tồn tại một Tuy Hòa thoáng chốc của một ngày đầu tháng mười một năm 2001. Và chắc Thân cũng không thể nào ngờ được rằng anh chính là người đã giúp cô bước được qua cái vạch tròn của Tôn Ngộ Không nghiệt ngã ấy.

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Mảnh Tình Sầu
» Cho Tôi Xin
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Một Thoáng Yêu Đương
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Crazy Fan!!!!
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Mơ Xuân
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Con Trai Của Vova
» Thổn Thức Dây Tơ
» Vẫn Chưa Đâu 1