Đúng là từ bé đến giờ ông Tư mới được bước chân vào trụ sở của Ủy ban nhân dân huyện. Hôm ấy ông lên phố dự một đám cưới, khi xong ra đến phố thì gặp ngay một anh cháu họ đang làm việc trên huyện mời vào chơi.
Lòng đang vui, ông gật đầu liền. Đây cũng là một dịp may, chứ ông có việc gì mà dám bước chân vào nơi cao sang như thế. Vậy mà ông vẫn thấy có nhiều người vào ra tấp nập, có cả những người bình thường như ông. Cơ quan của thời nay có khác. Chứ như cái trụ sở huyện của quan "Phụ mẫu" ngày xưa thì ghê lắm. Lúc nào cũng thâm nghiêm, kín cổng cao tường, có lính bồng súng đứng canh suốt ngày đêm, đố anh dân đen nào dám bén mảng.
Qua cổng, ông chưa bước vào phòng anh cháu ngay mà còn chắp tay sau lưng đủng đỉnh đi ngó chỗ nọ, chỗ kia hết lượt. Chả mấy khi được vào, tội gì. Nhỡ về khoe với dân làng còn biết lối mà nói. Đến đâu ông cũng tặc lưỡi thầm khen. Trụ sở huyện thật to tát, khang trang. Hai ba dãy nhà vôi ve sáng lóa. Dãy nào cũng cao ngất ba, bốn tầng. Các phòng làm việc cũng rất đẹp. Phòng nào cũng điện sáng, quạt máy quay vù vù. Cán bộ bây giờ đến sướng. Ông thích nhất là cái hội trường. Sao mà to tát. Đình làng ông to có tiếng trong vùng mà đã thấm vào đâu. Cờ quạt khẩu hiệu rực rỡ. Tấm ảnh cụ Hồ cũng rất lớn. Ông đứng ngắm Cụ mà thấy như Cụ đang tươi cười nhìn ông. Lại có cái ti vi nữa. To phải bằng cái chiếu, xem thế này mới thích. Làng mình trừ mấy ông cán bộ, chứ chắc gì đã mấy ai được thấy cái ti vi to thế. Rồi ông lại thong thả đi xem khu ngoài vườn. Chao ôi cái vườn cảnh cũng sao mà đẹp, hoa lá tươi ngời rực rỡ đủ mầu, cứ như đang giữa mùa xuân. Quanh sân thì chỗ nào cũng có những chậu cảnh lớn, cây thế uốn đủ hình, đủ vẻ. Những chậu cảnh như thế này chắc là đắt tiền lắm đây...
Ông còn đang muốn đi xem nhiều chỗ nữa mà ông đã thấy phía xa như nhà thi đấu bóng bàn, bóng chuyền, sân chơi cầu lông... thì anh cháu mời ông vào uống nước. Vào đến phòng anh cháu rồi, ông vẫn còn tấm tắc khen cơ quan huyện to đẹp mãi. Hai bác cháu ngồi vừa nâng chén uống nước thì có hai, ba anh cán bộ ở phòng bên bước sang. Thấy ông ai cũng vồn vã, niềm nở chào và nắm tay ông rất chặt, rất kính cẩn mà vẫn thân tình, gần gũi. Ông lại nghĩ cán bộ ngày nay có khác, chứ như xưa đố ai dám gần gũi, nắm tay các ông quan huyện như thế.
Một lát sau lại có một người nữa bước vào. Anh này cũng còn trẻ, chỉ chừng ngót năm mươi, độ tuổi Phượng, cô con gái lớn của ông thôi. Ông không biết anh ta là cán bộ cỡ nào mà khi anh bước vào thì mấy cán bộ trẻ cùng đứng cả dậy kính cẩn chào: "Anh ạ...". Anh cháu ông liền chỉ anh rồi giới thiệu với ông:
- Giới thiệu với bác... đây là anh Thụ... Chủ tịch huyện ạ...
Anh lại quay sang phía ông:
- Còn đây... thưa anh, là ông bác em... bác em lên đám cưới trên phố, em mời vào uống nước ạ...
Anh Thụ gật đầu tươi cười và thân mật bắt tay ông. Còn ông khi vừa nghe nói "Anh chủ tịch" thì giật thót mình. Ông vội đứng lên, tay run run giơ ra bắt tay anh chủ tịch. Tim ông cũng đập mạnh. Ông thực sự xúc động trước một niềm vui quá bất ngờ là đã được gặp, bắt tay "chủ tịch huyện" mà từ lâu ông chỉ được nghe người ta ca ngợi, nhắc tới. Ông những tưởng phải là những người giỏi giang khác thường như thế nào mới được làm chủ tịch huyện. Không ngờ anh ấy cũng còn trẻ, cũng bình thường, giản dị, rất quần chúng thế. Vậy là niềm vui của ông hôm nay bỗng thoắt được nhân lên gấp bội...
Thấy ông đứng lên muốn nhường ghế thì anh chủ tịch huyện lại tươi cười mời ông ngồi, còn anh ngồi xuống chiếc ghế đối diện mà mấy anh cán bộ vừa đứng lên về phòng mình. Rồi chính anh nâng chén nước trịnh trọng mời ông. Tay ông lại run run cảm động khi nhận chén nước từ chính tay anh chủ tịch huyện. Anh chủ tịch huyện lại tiếp tục nói chuyện vui vẻ với bác cháu ông. Riêng ông Tư từ lúc ấy chỉ ngồi im lặng nghe và chăm chú ngắm nhìn anh chủ tịch huyện với những nhận xét thầm trong đầu.
Anh người tầm thước, khuôn mặt tươi, đôi mắt sáng... trông thật phong độ mà vẫn hiền hòa, thân tình, gần gũi... Anh mặc chiếc áo sơ mi cộc tay màu xanh nhạt, chân đi đôi dép nhựa bốn quai, trông lại càng giản dị. Giá có gặp anh ở ngoài phố thì chắc chắn ông cũng chẳng thể biết đó là một chủ tịch huyện đương nhiệm của quê mình. Vậy mà trước đây ông cứ nghĩ những ông lãnh đạo huyện, tỉnh chắc cũng phải là những người oai phong, đường bệ xa cách lắm... Đến khi anh chủ tịch huyện quay sang thân tình hỏi ông chuyện làng, chuyện xã, chuyện gia đình thì ông mới trở lại được tự nhiên.
Trò chuyện vui vẻ với ông một lúc, anh chủ tịch liền vỗ vai anh cháu ông khẽ bảo:
- Này...mình có cậu con đang học ở nước ngoài vừa gửi về cho cái máy ảnh... để ngay trên bàn làm việc ấy... cậu lên lấy hộ xuống bấm cho tôi với cụ vài kiểu kỷ niệm chăng...
Ông lại giật mình... Anh ấy lại còn thế. Mình có là gì đâu mà chủ tịch huyện lại cho chụp ảnh chung! Ông thấy ngại mà không dám khước từ. Ông lại nghĩ hay là vì mình là bác một cán bộ của anh ấy?... Anh ấy quần chúng thế! Thôi, chả biết thế nào... Anh ấy bảo chụp thì cứ chụp. Cũng hay! Cũng có cái mà về khoe với dân làng, lưu con cháu... Thật là hân hạnh quá còn gì! Còn anh cháu ông nghe anh chủ tịch bảo vậy thì liền vui vẻ "Vâng ạ" rồi đứng dậy đi ngay lên phòng ông trên gác hai. Thoắt cái anh đã xuống. Anh chủ tịch nhanh nhẹn đứng dậy mời ông ra sân. Ông ngần ngại đứng lên. Ra đến sân anh đứng song đôi bên ông, bên một chậu cây hoa cảnh to. Ông cũng không đến nỗi thấp bé gì, thế mà còn thấp hơn anh nửa mái đầu. Anh cháu loay hoay ngắm nghía một lúc rồi bấm máy tanh tách. Anh chủ tịch lại nhắc cứ bấm lấy mấy kiểu vào.
Chụp ảnh xong anh lại mời ông vào phòng tiếp tục uống nước. Nhưng bỗng có người đến nhắc anh có khách, anh mới lại vội vã chào ông và nhỏ nhẹ xin phép lên phòng làm việc. Anh còn bảo có dịp lên phố mời cụ cứ vào chơi, huyện cũng rất mong được biết nhiều về tình hình ở dưới cơ sở. Nghe được các cụ nói là các anh ấy tin nhất. Nói xong, đi được vài bước, anh còn ngoảnh lại nhắc anh cán bộ rửa ảnh ngay và nhớ gửi về biếu cụ một tấm làm kỷ niệm.
Anh chủ tịch đi rồi, hai ông cháu ông lại vào phòng tiếp tục ngồi uống nước. Trong lúc vui trò chuyện anh cháu mới hào hứng kể cho ông nghe về anh chủ tịch huyện kính yêu của mình. Ông gật gù, chăm chú lắng nghe và luôn thốt lên những lời khen "Sao mà có người giỏi thế, tốt thế...".
- o O o -
Sau hôm ấy về, niềm vui cứ râm ran mãi trong lòng ông Tư. Gặp ai ông cũng khoe niềm vui được vào cơ quan huyện, được gặp và chụp ảnh với ông chủ tịch. Và cũng chỉ tuần sau anh cháu đã đem tấm ảnh về biếu ông. Ông sướng rơn. Theo ông, đó là tấm ảnh quý nhất đời ông. Tấm ảnh mầu sáng sủa. Hai người đứng bên nhau, trông người nào cũng đẹp, cứ như hai bố con... Từ hôm ấy sớm chiều, ông đứng trong sân nhà hễ thấy ai đi qua là ông lại cố mời vào uống nước bằng được. Rồi vừa tiếp nước nôi ông lại vừa khoe niềm vui ấy. Ông đã khoe khắp làng. Nghe mà ai cũng phải thốt lời thán phục và nể trọng ông. Ông lại còn nhắn cho Phượng, cô con gái đầu của ông bà hiện đang dạy học ở quê chồng, huyện dưới về chơi để được biết niềm vui của ông. Ở cái làng này hỏi đã có ai được sự vinh hạnh ấy như ông. Có lúc quá vui ông còn bảo nhà nào mà có được một chàng rể như anh ấy thì thật là "phúc bảy đời".
Chiều thứ bảy tuần ấy thì Phượng về thăm bố mẹ. Cô thật hồi hộp. Không biết bố mẹ có việc gì mà bảo là niềm vui lớn đây.
Khi Phượng vừa dắt xe máy vào đến sân, ông đã đon đả bước ra cười tươi nói luôn:
- Vào nhà... vào nhà... bố cho hay việc này...
Phượng vào nhà. Cô nhanh nhẹn tráng ấm thay trà pha nước mời ông và mẹ. Ông thì chả chú ý tới việc nước nôi. Ông ngước mắt chỉ tấm ảnh ông được chụp với anh chủ tịch huyện đã được treo trang trọng trên khung:
- Chị... nhìn xem bố được chụp ảnh với ai kia?
Phượng đứng lên bước đến sát khung ảnh. Ông Tư cũng đứng dậy bước đến sau lưng Phượng. Phượng thì vừa nhìn tấm ảnh là đã nhận ra ngay người đó. Suýt nữa thì Phượng thốt lên "Anh Thụ". Rồi nét mặt cô liền vụt biến sắc. Mặt cô tái đi. Mắt cô như hoa lên. Tất cả cảnh vật như quay cuồng trước mắt cô. Tim cô cũng nhói lên, Phượng liền giơ tay ôm lấy ngực. Ông Tư vẫn chăm chú ngắm tấm ảnh nên không nhận ra điều ấy ở con. Ông vẫn vô tư, hồ hỏi nói khi thấy con có vẻ chưa nhận ra:
- Anh chủ tịch huyện ta đấy... chị thấy bố chị có vinh hạnh không? Làng này đã có ai được như bố không?
Rồi ông lại thao thao kể về hôm trước được vào thăm cơ quan huyện ấy. Phượng thì không sao nói được nên lời. Vả lại cô cũng không dám nói gì với bố. Cô phải nén chặt cảm xúc. Mãi lúc sau cô mới nói được mấy lời nhạt thếch "Con chúc mừng bố...".
Ông Tư thì có biết đâu. Đó chính là Thụ, một người yêu của Phượng, con ông cách đây đã hơn hai mươi năm rồi.
Ngày ấy Thụ và Phượng tốt nghiệp Trung cấp sư phạm tỉnh ra dạy cùng một trường. Phượng ra sau Thụ hai năm. Khi Phượng về trường thì Thụ đã là tổ trưởng tổ chuyên môn của Phượng. Trường khi ấy đa phần là giáo viên người trong xã nên phần lớn ở lại trường chỉ có Thụ và Phượng. Thụ là một giáo viên giỏi, là mạng lưới chuyên môn của huyện. Anh luôn hết lòng kèm cặp, giúp đỡ Phượng về chuyên môn làm cho cô tiến bộ rất nhanh. Chỉ năm sau Phượng cũng đã có tiết dạy khi đi thi Hội giảng tỉnh được xếp loại giỏi, được công nhận là giáo viên giỏi cấp tỉnh... Phượng cũng là một cô gái xinh xắn, nết na nên ngay từ những ngày đầu về trường cô đã chiếm được cảm tình của anh. Hai người luôn gần gũi nhau. Ngày ngày ba bữa cũng chỉ có hai người chung một bếp, một mâm...
Hai người đã có rất nhiều những kỉ niệm êm đẹp, nên thơ dưới mái trường đồng chiêm gian nan mà đầy thơ mộng ấy. Rồi tình yêu đến với họ lúc nào không hay. Hai người đã nhiều lần hẹn ước "Đinh ninh hai mặt, một lời song song" với nhau, son sắt với nhau... Khi mối tình đã sâu nặng, Phượng mới dám đưa Thụ về thăm nhà nhằm dần ra mắt bố mẹ. Lần thứ nhất bố mẹ đón tiếp Thụ hết sức thịnh soạn, thân tình và quý mến. Qua một ngày Thụ lên thăm nhà bố mẹ Phượng đã nhận ra ngay chuyện của hai người. Làm cha làm mẹ, các cụ tinh lắm. Thế là đến lần thứ hai Thụ về chơi thì mẹ kéo luôn Phượng xuống bếp hỏi thẳng:
- Mày với anh ta... có ý định rồi phải không?
Được dịp Phượng nói luôn:
- Mẹ thấy anh ấy thế nào...
Mẹ Phượng trề môi:
- Thế nào... là thế nào?
Phượng mạnh dạn thưa:
- Chúng con đã quyết một lời với nhau...
Mẹ Phượng nhăn mặt, lắc đầu:
- Không biết mắt chị để đâu... một người như thế... mà chị định lấy làm chồng hay sao?
- Mẹ bảo anh ấy làm sao?
- Sao với chả giăng giăng cái gì... Chả biết có tài cán gì... mà người trông đến là gầy gò, khắc khổ... làm sao xứng được với chị?
Phượng ôm vào vai mẹ phì cười:
- Mẹ ơi... người của thời bao cấp, suốt ngày khoai lang độn, hạt bo bo, bánh mì đen... thì có mấy ai béo tốt, khỏe mạnh đâu... trông anh ấy vậy mà là một người tốt, lại cực giỏi đấy...
- Giỏi gì?
- Dạ... Anh ấy là một giáo viên giỏi của huyện, lại có rất nhiều tài văn thơ, tài hội họa nữa... ở đâu anh ấy cũng được phụ huynh tin yêu, học trò quý mến, kính trọng... đấy mẹ ạ...
Bà mẹ Phượng trừng mắt nhìn con:
- Tài... có mà tài lai... hừ... một ông giáo quèn... hỏi đã bằng cái móng chân của anh Bỉ chưa? Anh Bỉ ở làng này thì chị còn lạ gì. Tuy nó hơi "cũ người" chút, nhưng là em ruột chị dâu cả của chị. Anh ấy lại đang học bác sỹ trên Hà Nội. Tương lai lắm! Tao nghe nói anh ấy còn sắp được đi học ở Liên Xô gì đó. Bao nhiêu đứa con gái làng mơ không được kia... Tao cũng đã nhờ người nói chuyện với ông bà bên ấy. Ông bà bên ấy có vẻ thuận lắm. Hòn đất ném đi, hòn chì ném lại, hỏi còn gì bằng...
Bỉ thì Phượng có lạ gì. Anh ta hơn Phượng chừng năm tuổi, tuổi bạn bè của anh trai mình. Phượng chỉ quen biết chứ chưa thân thiết gì... còn tình yêu thì Phượng chưa bao giờ nghĩ đến. Từ ngày anh ta đi học Phượng đã hiểu gì về anh đâu. Bây giờ nghe mẹ nói vậy mà lòng Phượng vẫn chẳng thấy một chút mảy may rung động, thì hỏi làm sao có tình yêu được. Cuối cùng Phượng chỉ nói một lời chắc nịch với mẹ "Mẹ, con với anh Thụ đã nhất quyết với nhau rồi...".
Mẹ Phượng định văng tục một câu. Phượng không nói gì với mẹ nữa. Sau đó chắc mẹ nói với bố nên đến lúc ra đi Phượng còn bị bố chỉ mặt:
- Chị bảo anh ta tài cán... tài cán gì tôi không biết... tôi chỉ thấy anh ta là một người hãm tài thì có. Ngữ ấy có giỏi lắm cũng chỉ là một ông giáo quèn... suốt đời gõ đầu trẻ, hít bụi phấn thôi... Liệu đấy mà lo... Lấy chồng cho đáng tấm chồng... Hừ!... Cá không ăn muối cá ươn...
Đến lần thứ ba Phượng đưa Thụ về nhà chơi thì bố mẹ Phượng đều nói lý do là người thì đi ăn giỗ, người thì đi đám cưới nên không ở nhà được, rồi ông bà đi, kệ Phượng... mấy chị dâu thì đã ở riêng. Thụ đã hiểu được tình hình nên giục Phượng quay về trường luôn.
Thế rồi chả hiểu thế nào Thụ đang dạy lớp cuối cấp chuẩn bị cho học sinh ôn tập thi cử, lại là tổ trưởng tổ chuyên môn mà đùng một cái lại nhận được lệnh nhập ngũ. Bao nhiêu người bảo diện anh là được hoãn đợt khác, nhưng anh vẫn quyết tâm vui vẻ lên đường. Lần cuối trước khi lên đường Thụ nói lại với Phượng "Anh thì vẫn trước sau như một... Còn tất cả do em quyết định...".
Thụ nhập ngũ. Đơn vị đóng ở một tỉnh khá xa. Ở đơn vị Thụ có một người là bà con họ hàng với Phượng nên anh mới biết ông chú của Phượng hiện đang làm Phó Phòng giáo dục huyện chính là người tiếp tay cho bố mẹ Phượng chia xa anh và Phượng. Anh thật buồn cho mối tình đầu của mình. Sau mấy tháng luyện tập đơn vị Thụ được vào chiến đấu ở vùng biên giới Tây Nam Tổ quốc, chống bọn Pôn Pốt xâm lấn biên giới nước ta. Sau mấy tháng Thụ đi thì ở nhà lại từ Phòng giáo dục huyện loan ra cái tin anh đã hy sinh. Phượng khóc đến cạn nước mắt rồi năm sau mới chịu đi xây dựng gia đình, nhưng không phải là Bỉ, là người em ruột chị dâu cả của mình. Bỉ thì nghe đâu sau đó cũng bỏ vợ đi lấy một cô gái Nga, bạn học bên đó. Có lần Bỉ dẫn vợ về, cả làng kéo nhau ra xem, ai cũng bưng miệng cười bảo "Đúng là nàng Bạch Tuyết với một chú lùn...".
Nhưng Thụ có hy sinh đâu, anh chỉ có mấy lần bị thương thôi. Rồi cũng qua. Sau mấy năm ở quân ngũ, Thụ trở về... anh thi được vào học đại học sư phạm. Khi học ở trường anh lại là một sinh viên giỏi, tốt nghiệp loại "bằng đỏ". Nhà trường đã giữ anh lại trường. Thời gian dạy ở trường đại học anh lại tiếp tục học chương trình trên đại học. Anh được bằng Phó Tiến sỹ mà sau này đều gọi chung là Tiến sỹ cả...
Mấy năm trước anh có anh bạn thân làm lãnh đạo tỉnh vận động về theo chủ trương "Trải thảm đỏ đón nhân tài" của quê hương, anh mới tình nguyện về công tác ở địa phương. Anh được tỉnh quyết định làm chủ tịch huyện này, như một chuyến "hạ phóng" đi thực tế để bồi dưỡng cán bộ... Nghe nói chỉ khóa nữa là anh còn có khả năng "lên" cao hơn. Anh về huyện chỉ mới mấy năm mà mọi phong trào của huyện tiến bộ rõ rệt. Anh thực sự được địa phương coi là một lãnh đạo giỏi. Anh lại giản dị, sâu sát, gần gũi với bà con nên già trẻ trong huyện ai ai cũng trân trọng, kính mến dù chỉ mới nghe tên.
Phượng biết anh như thế, nhưng chưa có dịp gặp lại. Đúng ra thì cũng đã có một lần Phượng mạnh dạn vào huyện tìm gặp, nhưng không may cho cô hôm ấy anh lại đi họp vắng nên không gặp được. Bây giờ nhìn tấm ảnh, Phượng nhận ra anh ngay dù anh đã khác trước rất xa. Anh không còn là một "Ông giáo quèn", "một người khắc khổ, hãm tài... suốt đời gõ đầu trẻ, hít bụi phấn..."
như bố mẹ Phượng đã nói trước đây nữa. Bố Phượng không nhận ra anh... (và có lẽ Thụ cũng không còn nhận ra ông). Còn Phượng, cô biết nói với bố sao đây. Bố đang vui, đang hãnh diện nhất làng như thế... Để bố biết điều đó thì bố (và cả mẹ nữa) nhỡ ra bị thế nào... thì sao... Thôi tốt nhất là cứ để cho bố mẹ được vui, được hãnh diện với niềm vui ấy... Biết đâu nhờ đó mà bố mẹ lại chả khỏe trẻ ra... Với mình, Phượng cũng luôn tự trách mình, tự thấy day dứt và ân hận đến suốt đời chỉ vì ngày ấy yếu đuối quá... Rồi Phượng lại nghĩ chỉ thương cho những người bố, người mẹ... nhiều khi chỉ vì thương con, muốn vun vén cho chúng... như bố mẹ Phượng đấy. Đến giờ rồi mà bố mẹ Phượng có nhận ra điều ấy đâu. Phượng cũng không dám trách bố mẹ... Thế mới biết nhìn ra tương lai một con người đâu có phải một chuyện dễ dàng.
Đứng trước tấm ảnh, nghe bố luôn miệng nói vẻ hết sức hài lòng, thích thú ... mà Phượng vẫn như chẳng nghe được bố nói gì. Phượng chỉ cúi mặt xuống gắng để bố không nhận ra đôi mắt đã đỏ hoe của mình. Rồi lâu lắm Phượng mới nén xúc động quay ra nhắc lại với bố cái câu lúc nãy đã nói "Con chúc mừng bố..." và bước nhanh xuống bếp sà vào cùng vui làm bữa với mẹ...
Khi Phượng bước đi rồi, ông Tư mới lại bước đến ngồi xuống ghế với nụ cười vui còn chưa tắt trên môi. Tay ông với chén trà thơm... Trông ông như vẫn còn ngất ngây với niềm vui của mình lắm.
Kết Thúc (END) |
|
|