Trưa nay trên đường đi lang thang rình chụp mấy pô ảnh dân bụi, chồn chân tạt vào một quán cà phê vỉa hè trên con phố nhỏ gần nhà ga xe lửa.
Gọi là quán, thực ra chỉ là một tủ quầy bằng kính đã cũ, trong bày mấy loại hoa quả, cốc chén, dăm bảy chiếc ghế nhựa, tất cả được đặt núp dưới hai cái ô (Dù) cũng đã rách vài miếng nhỏ. Đứng quán là hai mẹ con. Bà mẹ gầy như một con mắm phơi khô. Cô con gái cũng chẳng hơn gì.
Quán nhếch nhác và hai mẹ con cũng nhếch nhác.
- Bà để đấy tui làm. Bà pha cà phê zậy thì ai uống?
- Mầy dạy tau đó hả. Mày nhớ cho là tau đẻ ra mầy...
- Thì biết rùi. Câu đó bà nhắc cả trăm lần rùi nè. Chán cái lỗ tai tui rùi nè...
- Chán tau cũng vẫn nhắc để mầy biết mà đừng láo với tau nghe. Đừng để người ta dòm vào mặt tau mà bảo tau là người đẻ ra cái đứa mất dạy nghe...
- Lại đó nữa. Câu đó tui cũng nghe cả trăm lần lận rồi. Mà bà bảo tui mất dạy. Vậy tui mất dạy do đâu? Sao đẻ tui ra bà không cho tui học như con người ta để được dạy cho tử tế, để bây giờ khỏi mất dạy? Bà nói đi?
- Đó, lại mất dạy nữa đó. Ừa thì tau đẻ ra mầy, tao không có tiền để cho mầy đi học. Nhưng dương mắt ra mà nhòm kìa. Thiên hạ cũng bao đứa không được ba má nó cho đi học đó, vậy mà có đứa nào cà chớn như mầy không?
Bà bảo sao là cà chớn?
- Thì đó. Mẹ nói một, con cãi mười. Đêm nào cũng đi, mà đi làm gì, chắc làm gái quá... rồi học cái hay không học...
- A... Bà biểu tui đi làm gái...bà muốn biêu riếu hả. Thôi bà. Bà yên cho tui nhờ. Có được ba cắc để dựng cái quán nầy nuôi thân bà, thân tui và cả lão già nát rượu của bà cũng là nhờ cái chuyện mà bà gọi là tối nào cũng đi làm gái của tui đó. Ừa, bà nói zdậy thì để nó trong miệng nha, đừng khạc ra nha. Mai tui ngoan, tui ở nhà, không đi đâu tối, không làm gái nữa nha. Để bà đi nha..
- Ối làng nước, thiên hạ, bà con....
Tình hình chuyển biến theo hướng... tiềm ẩn những yếu tố bất ổn định, khó lường. Không dám nán lại chờ cốc cà phê, Tôi lặng lẽ lỉnh nhanh ra khỏi quán. Chuyện còn lại thế nào???
Hôm sau...
Trưa nay qua đó, vẫn thấy hai mẹ con cái bà nhếch nhác đó, khô mắm đó. Quán vắng khách, và họ đang tự mỗi người một ly cà- fê ngồi nhâm nhi. Trao đổi với nhau về đủ chuyện: Có con ai đó chém phải một ai đó, giờ đang chạy tiền để khỏi phải đi tù. Có đứa trai nào trong hẻm vừa mới vào trường dạy nghề đã được nhận tiền trợ cấp học bổng toàn phần. Nghe nói ở Cái Bè người ta đang tuyển công nhân cho một nhà máy nào đó toàn vốn nước ngoài to lắm.
- Đêm qua người ta nhặt được bên cột điện vườn hoa thành phố đứa trẻ rất kháu.
- Tau thấy rồi, đứa trẻ nào bị sinh hoang cũng đều đẹp dữ, khỏi chê luôn. Làm sao vậy cà? Bà mẹ hỏi.
Cô con gái không trả lời, nét mặt vẫn bình thản. Không, phải nói là vẻ mặt cô có một cái gì đó hơi thánh thiện. Cô hớp một ngụm cà phê nhỏ, nhòm tôi một cái rồi đứng dậy:
- Chú uống chi?
Tôi không biết có nên ngồi đây uống cà phê nữa không nhưng vẫn ngồi. Cô gái dướn mày nhìn tôi rồi lặng lẽ rót từ một cái bình to, thứ nước đen kịt pha sẵn vào chiếc cốc đựng đá bi đã tan đến quá nửa:
- Lát nữa bà zề nhớ qua thím Tư mua cho ông già cái chưn gà nướng. Không hiểu sao mà bữa nào nhậu ổng cũng chỉ kêu chưn gà nướng cà? Tui nhá thứ đó rồi, toàn gân, khô như củi, đen như ngâm sình, dở ẹc mà...
- Mầy nói ba thứ đó mần chi cà? Mầy đâu phải đờn ông? Mầy đâu nghiện rượu. Cứ lấy chồng đi, thảng hoặc mầy thử bập vào một thằng nghiện đi rùi lúc đó mới mở mồm hỏi tau vì sao nha con! Bà già bạu cọ nhìn cô gái.
Cô gái im một lát như cân nhắc điều gì:
- Thì... hỏi, bởi tui cũng đang tính lấy chồng nè. Nhưng cứ mở mồm ra là bà lại thế... Thui, lần này tui hỏi nha: Bà sao mà lại cặp vô ổng đó?
- Mầy nói ai?
- Thì ai, ổng ốm nhách nghiền chưn gà nướng đó! Cô gái giọng ngang, tỉnh rụi nhưng thoáng nét cười khóe mép.
- Tầm bậy. Ổng trước là nghệ sỹ đó mậy. Không được hỗn nha!
Bà già ngó con giọng khô đét:
- Ngày trẻ ổng đẹp trai số zách, là kép chính trong đoàn cải lương Bông súng xanh, Bạc Liêu đó. Mà dân tài tử Bạc Liêu thì bây nghe rùi chứ. Hảo hạng, thứ thiệt đó nha.
Bà già thôi nhìn con, ngó ra khoảng đường đổ trắng nắng trước hẻm, mắt chợt như có mây thoáng qua:
- Hồi giải phóng xong, gánh của ổng vỡ vì ba cái nhạc mới của tụi bay. Tau đón ổng với cây đờn xập xệ của ổng về cho ổng khỏi cô đơn.
- Thế thôi hả? cô gái nhướn mày.
- Thế thôi. Bà già tỉnh rụi. Lát, bả ngó lại con:
- Mầy hồi nãy nói sao, nói lại tau nghe thử. Mầy sắp lấy chồng? Quỷ thần ơi... chắc vía tui đâm nhằm vô tường quá?
- Lại đó rùi. Bà thôi chọc tui đi đựơc hông. Tui đang nói với bà chuyện người lớn mà.
- Mô phật. Ừa thì giờ tau người lớn. Tau nghe con người lớn nói nè. Nói đi. Ai chịu lấy mầy?
- Bà tính dìm hàng tui? Bỏ cái câu ai chịu lấy mầy đi được không?
- Ừa, tau bỏ! Bà già vẫn ném cái nhìm chằm xẹt vào cô con gái.
Cô gái có lẽ tự thấy cần phải bình tĩnh lại, đứng dậy tự rót cho mình ly trà đá:
- Bà nhớ cái ảnh hay vận đồ si - da, lúc nào sau xe cũng đèo theo ba cái thùng thiếc to tổ chảng hay vào quán mình, ngồi độc cái bàn phía góc kia, chỉ kêu tui lấy giùm tô hủ tiếu canh bà Bảy, uống một li trà đá rùi lại sầm sập đi?
- Tau nhớ. Bộ cái thằng đó đó hả? Thằng đó để ý mầy?...
- Ảnh có vẻ thương con thiệt lòng. Đã mấy lần ảnh xin con được thưa với má. Tiếng "con, má" bật ra bất ngờ. Cô gái cũng có vẻ thấy như tiếng đó không hợp với thường ngày. Bà già ngó trân cô con, lặng một lát, vừa đủ cho cái tiếng "Con, má" ấy ngấm vào mình rồi lắc đầu:
- Mậy nói nó thương mầy thiệt lòng? Tỉnh hay mơ đó? Thằng đó tau ngó nhiều lần rùi. Bặm trợn nhưng không phải hạng bụi đời, có tướng tá hẳn hoi. Nghe đâu còn là sinh viên đỗ rùi chi đó, nhưng không xin chỗ trong công sở mà lập nhóm tự làm hàng, giao hàng cho thương lái. Vậy là đứa có chí nữa. Cỡ đó nó thương mầy thì tau bán cả cái nhà, cả công đất tau dành đó, cả cái lão già nghiền chưn gà nướng của tau đi, tau cúng hoàng thiên làm đám cưới cho mầy luôn!
- Lát má mua cho ổng cái đùi gà đi. Con có tiền nè... Cô gái vừa ngoáy cốc vừa nói.
- Ổng nào? Bà mẹ chẩng hẩng: Đang nói cái thằng của mầy, mầy lại biểu ổng nào? - Thôi, chuyện con, con thăm má vậy thui đã, để còn tính thêm.
- Trời đất. Lại còn chờ đó nữa...
Bà già dồn hết đám thán khí đang đọng trong lồng ngực lép kẹp ra làm bay mấy mẩu giấy lau khách để lại trên bàn nhựa, rồi ngồi nhìn dòng người cuộn trôi trước mặt, ném tiếng vào không:
- Mà mầy tu từ bao giờ rồi tự dưng hôm nay phát tâm phật zậy? Có tiền để đó mà lo cho thân. Có chồng là đời đàn bà cực lắm. Còn... cái lão của tau, kệ ổng... mà tau nói để tai nghe, lão đó tau cũng chỉ cưu mang cho mấy bữa nữa thui, oải vái trời lun rùi, cuối tháng là tau tống lão đi. Mắc dịch cái thứ người tới rụng răng rùi mà còn thích chân gà nướng, hớp Gò Đen rùi xí xớn: Như tôi nay, Hàng giang Quang quê ngụ, thiếp mỹ hiệu Lê Huê, cùng mẫu nương hôm sớm an bề, mồi phú quý lòng đành gát bỏ....
- Thui bà - Cô gái ngắt- Câu đó tui nghe cả trăm lần rùi bà. Lần sau bà muốn tui nghe, bà chêm vào đó 6 câu cho tình cảm. Mà nhớ xuống xề đúng nhịp nha....
Liệu chiến tranh lại có xảy ra? Không. Chả có gì xảy ra cả. Tất tuốt chỉ là một cái gì đó thoáng qua. Cũng có thể nó là hình khối, một cái gì đó thật bền vững, bất biến nhưng được tồn tại tự nhiên đến mức người ta không nhận ra nó. Nó trong suốt như không khí buổi sáng tinh mơ của thành phố mười mấy triệu dân này, vẩn đục lên tí chút vào giờ cao điểm và cuối cùng lại đâu vào đấy. Nó là một phần của cuộc sống dân dã, bền chặt mà cũng đầy bất trắc. Thế thôi.
Nhấp một ngụm cà phê. Chợt thấy lạ. Sài Gòn trông nắng dữ vậy mà không oi bức. Đang đi ngoài đường nhựa trắng bệch, chỉ cần táp xe, hay dừng bước ghé lại một bóng râm của một tòa nhà cao tầng hoặc núp dưới một bóng cây nhỏ là lập tức thấy bình an. Hoặc giả đang nắng chang chang bỗng từ đâu đổ xuống một cơn mưa, nhanh đến nỗi chưa kịp mở cốp xe lấy tấm vải nhựa lưng áo đã ướt đầm. Khoác hờ tấm nhựa lên vai mà tay thì giơ ra, mặt ngửa lên đón những giọt nước mát lạnh... Rồi bỗng thấy muốn cười.
Có tiếng còi tàu vọng lại. Một đoàn tàu nào đó đang đến hay đang rời thành phố? Không biết. Chỉ thấy một cái gì đó nghe xốn xang, thật như những gương mặt người lấm lem cát bụi. Và lại vừa có gì hoang ảo như tiếng còi tàu....
Kết Thúc (END) |
|
|