1
Buổi trưa yên tĩnh ở một phòng hậu phẫu của bệnh viện đa khoa. Khi tôi và những người bệnh còn đang chập chờn trong giấc ngủ khó khăn thì ở giường bên bỗng phát ra những tiếng gọi yếu ớt “Mẹ ơi. Con đau quá mẹ ơi” của một ông lão đã cao tuổi lắm rồi “Mẹ ơi, Con đau lắm mẹ ơi”. Tôi cảm thấy xót xa và thổn thức.
Thường thì những tiếng gọi ấy là của các em nhỏ mỗi khi cần đến sự thương yêu của mẹ. Đằng này lại là của một ông lão đã gần đất xa giời đang mơ mơ tỉnh tỉnh sau một ca mổ cắt đi gần hết ruột già vì khối u đại tràng. Chắc là có chuyện gì hệ trọng đây. Với suy nghĩ như vậy nên chờ khi mọi người đã thức giấc tôi mới đứng lên, kéo một cái ghế đến bên giường ông lão và bắt chuyện với một người đàn bà không còn trẻ nữa đang nắn bóp rất nhẹ vào hai đầu gối khớp chân chắc là đang mỏi nhừ của ông lão.
- Cháu là dâu út của ông. Cô gái thỏ thẻ. Cả đời khoẻ mạnh, không biết vì sao đến cuối đời ông cháu lại mắc phải cái bệnh quái ác này. Được cái là u lành nên chúng cháu có phần yên tâm. Bác sĩ bảo thế. Ông cháu hay gọi mẹ lắm. Mỗi khi găp phải sự cố gì ông lại gọi mẹ. “Mẹ ơi đau quá, con không chịu nổi nữa rồi”, “Mẹ ơi, sao đời con lại khổ cực như thế này”.
Tôi nhìn như không chớp mắt vào khuôn mặt đang bừng đỏ của ông lão. Khuôn mặt đặc trưng của một “lão nông tri điền” lồi lõm và góc cạnh, dáng khổ hạnh cứ như cả đời này chưa biết sung sướng là gì, nhưng lại thể hiện sự vô tư đến lạ kỳ. Đầu tóc bạc phơ. Râu cằm thì ngắn tủn mọc lung tung không theo khuôn phép nào. Bầu trán hói mênh mông và bóng nhoáng. Hai con mắt trũng xuống sâu thẳm để nổi lên những đường nét chân chim vào hai bên khoé mắt. Cái miệng thì móm mém và vì răng đã rụng hết nên cũng trũng xuống như con mắt của ông vậy. Tôi chưa biết dùng từ nào để nhận xét về khuôn mặt của ông lão thì người con dâu bỗng lên tiếng:
- Ông cháu tuy già rồi nhưng rất vui tính, đôi khi còn hài hước nữa nên rất thích chơi với trẻ con. Chả thế mà tất cả những đứa cháu nội cháu ngoại của ông cứ đến dịp cai sữa lại nhờ ông nuôi dưỡng cả. Chỉ lát nữa tỉnh giấc, ông cháu lại chuyện trò cười vui như sáo vậy. Tên ông cháu là Đoàn Văn Hài mà.
Tự nhiên tôi cảm thấy thích thú khi được nghe cô con dâu út nói về người bố chồng kính yêu của mình như vậy. Thì ra tạo hoá đã vô tình sắp đặt cho khuôn mặt hay cười lại trùng hợp với tính nết và cái tên cúng cơm của ông như một mệnh đề toán học.
Phải đến mấy hôm sau nữa, khi sức khỏe của ông lão đang dần hồi phục, tôi mới dám đến bên ông để tỷ tê chuyện trò. Câu đầu tiên tôi muốn nói với ông rằng thường thì chỉ trẻ con mới hay gọi mẹ. Sao tuổi cao như ông lại hay gọi mẹ như vậy. Có lẽ tình thương của người mẹ đối với ông sâu nặng lắm nên ông không bao giờ quên được. Như đã hiểu ý của tôi, ông lão đưa một bàn tay từ trong chăn ấm ra nắm chặt lấy tay tôi thủ thỉ:
- Mỗi lần gọi mẹ, tôi lại thấy lòng mình ấm áp hơn lên. Bởi vì cuộc đời của mẹ tôi và cả của tôi nữa khổ cực đến muôn vàn lần ông ạ. Dần dà tôi sẽ kể cho ông nghe. Mong ông để bụng và nếu được thì cứ viết một cái gì đấy để cho con cháu tôi nó luôn nhớ về ông cha nó đã sống như thế nào trong những năm tháng cùng cực ngày xưa ấy.
Nói được mấy câu ấy, chắc còn mệt nhọc lắm nên ông lão lại thiếp đi. Thấy thế, cô con dâu út lại nhẹ nhàng kéo tấm chăn chùm kín lên người ông. Rồi vừa bóp chân cho ông vừa tiếp chuyện với tôi.
- Cuộc đời của ông cháu có nhiều điều đặc biệt lắm ông ạ. Cứ như một cuốn tiểu thuyết vậy. Mồ côi này. Hai lần đi bộ đội này. Suốt đời gắn bó với nghề đun riu này. Ấy thế mà tình cảm dành cho vợ con cháu chắt của ông thì không ai bằng.
Cứ thế câu chuyện của tôi và cô dâu út mỗi lúc một chi tiết hơn. Tôi hỏi cô nhiều và cô cũng thành thật kể cho tôi nghe khá nhiều chuyện ly kỳ của ông. Bỗng ông tung chăn lên, mắt nhấp nháy nhìn tôi và cô con dâu út nói trong hơi thở:
- Ông ấy là cán bộ đi điều tra lý lịch của bố đấy. Con mở tủ lấy tất cả giấy tờ tài liệu của bố ra đây. Nghe ông lão nói thế, cô con dâu út vội vàng cầm chặt lấy tay ông lắc lắc:
- Không phải đâu ông ơi. Ông đây cũng chỉ là bệnh nhân như bố thôi. Đây là bệnh viện 700 giường chứ có phải ở nhà ta đâu mà bố bảo con đi mở tủ.
Như đã hiểu ra sự lầm tưởng của mình, ông lão một lần nữa lại nắm chặt lấy tay tôi nói lời xin lỗi. Cả ba chúng tôi cùng đi vào im lặng. Một tuần lễ sau, trước khi xuất viện một ngày, trên ghế đá giữa vườn hoa rất yên bình của bệnh viện, ông lão đã kể cho tôi nghe những câu chuyện ly kỳ ít thấy về cuộc đời của ông.
2
Tôi sinh năm Ất Hợi ở một làng quê đã nhỏ bé lại lọt thỏm giữa một vùng đồng trắng nước trong quanh năm đói kém. Qua cái tết Kỷ Hợi này là tôi đã tám mươi nhăm tuổi rồi đấy ông ạ. Khi tôi đang còn nằm trong bụng mẹ thì bố tôi đã bị các hào dịch chức sắc trong làng bắt đi lính khố đỏ và bị đầy ải ở các miền đất xa xôi nào không ai biết được, để lại trên đời một mẹ già, một người vợ trẻ và một đứa con thơ còn đỏ hoẻn. Những năm sau đó mẹ tôi đã lấy ngày ông ra đi làm ngày giỗ vì ông không bao giờ được trở về với mẹ con tôi nữa. Kể từ đó, cả gia đình tôi đều trông chờ vào đôi vai gầy tần tảo lần hồi của mẹ tôi để sống cho qua ngày đoạn tháng. Tôi còn quá bé nên không giúp được việc gì và cũng không biết được gia đình tôi đã sống như thế nào trong những năm tháng ấy. Sau này lớn lên, nghe người làng kể lại tôi mới biết, cùng với dòng sữa ít ỏi trong bầu vú lép kẹp, mẹ đã nuôi tôi bằng cả tấm lòng và nghị lực ít có trên đời này ông ạ. Mới được hai ba tháng tuổi, mẹ đã để tôi ở nhà với bà nội ốm đau liên miên, để đi làm thuê kiếm bát gạo về nuôi mẹ nuôi con. Ở một làng quê nghèo như thế thì kiếm đâu ra việc mà đi làm thuê kia chứ. May cho mẹ tôi là có một gia đình tốt bụng, tuy chẳng giàu có gì, nhưng vì thương quý và đồng cảm nên đã nhận mẹ tôi vào “làm giúp” những công việc vặt vãnh trong nhà. Thường thì những người “làm giúp” như vậy chỉ được ăn no hai bữa rồi về không. Nhưng riêng mẹ tôi thì nhà chủ thương tình cho thêm một đấu gạo để về nuôi mẹ già và con thơ. Ngày nào cũng vậy, cứ đến bữa cơm chiều, sau khi đã ăn ngon lành được hai bát cơm, đến bát thứ ba thì mẹ tôi không nuốt vào trong bụng nữa mà kín đáo để ở trong miệng rồi chạy vội về nhà mớm cho tôi ăn. Nhờ những miếng cơm mớm như vậy mà tôi đã lớn lên và sống được đến ngày hôm nay. Sau này khi đã trở thành anh bộ đội cụ Hồ, được đi đây đi đó nhiều nơi, hỏi han nhiều người nhưng tôi cũng chưa được nghe một câu chuyện nào nói về người mẹ nuôi con như thế. Có lẽ trường hợp của mẹ con tôi là hy hữu nhất trên đời này thì phải. Khi tôi đã biết đi biết nói và bà nội cũng đã qua đời thì mẹ tôi không đi “làm giúp” nữa. Bà khoá cửa lại, để một mình tôi chơi đùa nghịch ngợm ở trong nhà. Còn bà thì ra đồng mò cua bắt ốc và đun riu tép cùng với một người đàn bà nữa cũng goá bụa và khổ cực như mẹ tôi vậy. Chiều về mở cửa ra nhìn thấy con đang ngủ vùi dưới nền nhà mà mặt mũi tay chân thì lấm lem bùn đất, có khi còn lẫn cả cứt đái nữa, bà lại ôm chặt lấy tôi vừa khóc vừa nựng bế xuống cầu ao để tắm giặt gội đầu. Kể đến đây ông lão tự nhiên ngừng lại như để hồi tưởng về những ngày xưa xa xôi ấy, rồi hỏi tôi:
- Mà này, ở quê ông có nghề đun riu không nhỉ.
- Quê tôi đồng nội, một vụ lúa hai vụ mầu nên không có tép riu. Ấy thế mà món ăn dân dã khoái khẩu nhất của tôi lại là món mắm tép đấy ông ạ. Mắm tép riu đỏ vừa lành vừa ngọt ấy mà rim với thịt ba chỉ thì còn phải nói. Đặc biệt là rau muống hay rau lang mà chấm với mắm tép thì không thể chê vào đâu được.
- Thế thì hôm nào được xuất viện, mời ông quá bộ về nhà tôi một chuyến, tôi sẽ đãi ông một bữa cơm chỉ toàn là rau mắm thôi nhé. Cuộc đời tôi có nhiều kỷ niệm gắn bó với cái nghề đun riu lắm ông ạ.
Ông Hài kể tiếp. Công việc đun riu bao giờ cũng phải có hai người ông ạ. Một người khoẻ thường là đàn ông thì đun riu. Một người khéo tay chăm chỉ thường là đàn bà thì đãi tép. Từ năm mười bốn tuổi, khi đã trở thành một chàng trai lực điền vạm vỡ tôi bắt đầu thay mẹ tôi đi đun riu, còn mẹ tôi thì làm công việc đãi tép. Mẹ tôi tuy con nhà nghèo nhưng lại thuần thục về nữ công gia chánh. Bà không những chỉ nhanh nhẹn khéo léo trong nghề đãi tép bắt cua, mà còn có đôi bàn tay rất điêu luyện về nghề làm mắm tép nữa. Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa. Mắm tép của bà làm ra vừa đỏ tươi vừa đậm đà thơm ngon. Rất nhiều gia đình ở làng trên xóm dưới đều hẹn trước hẹn sau để vừa mua tép riu đỏ của bà vừa mời bà đến tận nhà làm mắm tép cho gia đình. Vì thế mà tép riu của hai mẹ con tôi không bị ế bao giờ. Và cũng nhờ nghề đun riu và mò cua bắt ốc ấy mà mẹ con tôi và hầu hết các gia đình trong làng nghèo đã vươt qua được những năm bão giông lụt lội đói kém mất mùa.
Năm tôi mười bảy tuổi thì cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đã lan rộng đến tỉnh ta, nhưng ở vùng đồng trắng nước trong của quê tôi thì vẫn yên bình. Một buổi sáng mùa hè năm ấy. Sau gần một tiếng đồng hồ bì bõm dưới nước, tôi đun riu trở về điểm hẹn để mẹ tôi đãi tép. Công việc cũng như mọi ngày thôi, nhưng hôm nay sao tự nhiên tôi lại thấy khang khác hình như có chuyện gì đang thay đổi trong cuộc đời non trẻ của tôi vậy. Mẹ tôi nhìn tôi bằng một cặp mắt và một nụ cười âu yếm, cứ như tôi còn bé bỏng lắm vậy. “Mẹ đã già yếu rồi, không thể cùng con làm mãi cái công việc vất vả này được. Mẹ đã tìm cho con một người thay thế”. Bà vừa nói vừa nhìn lên bờ. Tôi cũng nhìn lên. Một cô gái còn trẻ, nón lá che kín gần hết khuôn mặt từ một lùm cây bên đường bước xuống. “Đây là em Xoan con cô Ngát ở xóm Đông. Chắc các con đã biết nhau rồi phải không. Từ hôm nay mẹ sẽ là người chỉ bảo cho em con. Khi nào em Xoan thành thạo nghề đãi tép, mẹ sẽ ở nhà nghỉ ngơi để chữa bệnh”.
Rồi mẹ tôi nghỉ việc thật. Từ đó chúng tôi trở thành một cặp đôi song hành trong cái nghề đun riu vô cùng vất vả ở vùng đồng chiêm trũng mênh mang nước này. Nhà Xoan cũng một mẹ một con như nhà tôi. Trước khi tôi bước vào nghề này thì mẹ tôi và cô Ngát mẹ Xoan đã cùng đi đun riu và bán tép với nhau mấy năm rồi nên cả hai có lạ lùng nhau gì đâu. Ban đầu tôi cũng làm bộ thờ ơ hơn cả người dưng nước lã, nhưng càng về sau tôi càng chú ý nhiều đến Xoan hơn. Tôi sức dài vai rộng thì đi đun riu. Còn Xoan liễu yếu đào tơ thì đứng một chỗ để đãi tép đãi tôm. Mỗi khi thấy lượng tép đỏ đã khá đầy trong lòng riu, tôi lại đun trở về nơi tập kết. Ở đó Xoan đang chờ tôi. Công việc thì ngày nào cũng như ngày nào. Ấy vậy mà lúc nào tôi cũng cảm thấy tâm hồn mình lâng lâng bay bổng như đang bay lượn trên mây trời vậy. Nhớ nhung và chờ đợi đã biến tôi thành một chàng trai khác lạ. Say mê và làm việc không biết mệt nhọc là gì. Tôi thì khó khăn thế nào cũng chịu được, nhưng nhất quyết không để em vất vả. Tôi dọn sạch sẽ vài ba đoạn ngòi ngã ba, kê những hòn đá phẳng to dưới đáy để em đứng mà đãi tép cho đàng hoàng. Có những hôm, mặc dù đã đổ tép sang rổ rá của em rồi, nhưng tôi vẫn ngồi lại để nhìn em. Em té nước lên tôi “Xuống làm đi, ông mãnh”. “Để anh làm một điếu thuốc lào cho ấm bụng cái đã”. Mặc dù đã nói thế nhưng tôi vẫn ngồi lỳ trên bờ để ngắm em qua làn khói thuốc mỏng manh đang lơ lửng trước mặt. Những ngày hè ấm áp thì không nói làm gì, những những ngày mưa gió rét thì thật khốn khổ. Một hôm, trời đang nắng đẹp bỗng cơn mưa rào ập đến. Tôi bỏ cả riu chạy về bên em. Em vẫn đang làm việc. Mưa xối xả làm cả người em ướt như chuột lội. Quần áo dính chặt vào người để lộ ra một cơ thể thanh xuân ngời ngời sức sống. Tôi kéo em lên bờ dưới gốc cây xà cừ cổ thụ xum xuê cành lá. Còn em thì vẫn dùng dằng với rá tép đang làm dang dở. "Để em làm nốt đã. Sắp xong rồi". Nước mưa lạnh đã thấm vào người làm em run lên dần dật. Tôi vội vàng cởi cái áo tơi mưa đan bằng lá cọ đang mặc trong người ấp vào em rồi đẩy em chạy vội về nhà. Đêm hôm ấy em sốt lên đùng đùng. Cả hai bà mẹ và tôi nữa suốt đêm không ngủ. Nào là cho em uống nước gừng ấm. Nào là đánh cảm bằng đồng bạc trắng mà lâu nay bà vẫn giữ kín trong nhà. Ấy thế mà sáng hôm sau Xoan đã đi làm rồi. Sức trẻ đã giúp em vượt lên tất cả.
Trận ốm của em sau trận mưa bất chợt ấy đã mau chóng qua đi, nhưng tôi thì lại lởn vởn trong đầu những suy tính khác là làm sao cho em đỡ vất vả hơn mỗi khi phải ngâm mình trong nước. Vào một tuần trăng rất sáng, sáng như ban ngày vậy. Tôi giấu mẹ giấu em cùng với mấy thằng con trai tồng ngồng tễu nghễu nhận đào ao vượt thổ cho một gia đình khá giả trong làng. Công việc tuy vất vả nhưng đã đem lại cho tôi những đồng tiền qúy giá. Tôi đến đặt hàng với một ông thợ may tốt bụng. Rồi một hôm, trước khi lội xuống ngòi tôi đưa cho em một tấm ni lông màu xanh, một đôi xà cạp và bí mật khoác lên đôi vai tròn của em một tấm áo bông bọc vải xa tanh trần quả trám đen bóng. Em không nói gì cả, chỉ ngước lên âu yếm nhìn tôi bằng một cặp mắt trong sáng và thăm thẳm đến vô cùng. Bản năng con trai thức dậy. Tôi chỉ muốn ôm chặt lấy em, ôm thật lâu nhưng không hiểu vì sao chuyện đó lại không xảy ra. Người ta thường bảo mối tình đầu chỉ như làn gió mát thổi qua, nhưng mối tình đầu ở tôi là mãi mãi và chỉ có một thôi ông ạ.
Năm 1953, tôi và Xoan tròn mười tám tuổi. Hai bà mẹ goá cứ âm thầm trong niềm vui để chuẩn bị cho ngày cưới của chúng tôi thì một sự cố đau lòng đã xảy ra. Một quả moóc chê từ tầu chiến của Pháp đang đi tuần trên sông Đáy bắn vào đã rơi xuống sân nhà. Khi chúng tôi chạy về thì đã thấy mẹ tôi nằm sõng soài trên vũng máu. Không còn biết làm gì hơn nữa, tôi ôm chặt lấy người mẹ vô cùng thân yêu cuả mình, người đã nuôi tôi lớn lên trong nghèo đói bằng dòng sữa trong bầu vú lép kẹp và những miếng cơm mớm ngọt ngào và cay đắng của mình.
Sau khi cùng Xoan và bà con hàng xóm láng giềng lo liệu chu đáo cho lễ tang của mẹ, tôi bỏ bê công việc đồng áng và không còn thiết tha gì với riu và tép nữa. Tôi ở nhà làm cơm cúng và hương khói cho mẹ trọn vẹn bốn mươi chín ngày. Những ngày ấy, Xoan vẫn ở bên tôi không rời một bước. Vào thời điểm này, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đã bước sang giai đoạn tổng phản công. Cùng với các bạn trong xóm, tôi đã giấu Xoan viết đơn tình nguyện gia nhập quân đội. Hôm anh bưu tá làng đến tận nhà đưa cho tôi tờ lệnh nhập ngũ thì Xoan cũng đang ở đấy. Em nắm lấy hai vai tôi lắc lắc liên hồi rồi đấm thình thịch vào ngực tôi mà khóc “Sao việc lớn thế này mà anh không nói với em một lời. Hay là anh không tin em nữa”. Biết rằng những lời nói của tôi lúc này dù có thật lòng đến đâu cũng bằng thừa nên tôi chỉ biết im lặng. Tôi kéo em vào lòng, vục đầu vào mái tóc đen dày thơm mùi bồ kết của em. Hơi ấm nồng nàn thơm mùi trinh nữ của em lan truyền sang cơ thể của tôi. Cả người tôi nóng bừng lên một cảm giác lâng lâng tha thiết miên man chưa từng có trong tôi kể từ cha sinh mẹ để đến giờ. Tôi đặt đôi môi vụng về của mình vào trán, vào hai má mũm mĩm hồng hào cuả em. Thấy em cứ để nguyên như vậy, tôi lấy hết cam đảm ghì chặt em vào lòng và hôn tới tấp vào hai làn môi đỏ mọng và ngọt ngào của em. “Đất nước có chiến tranh thì thanh niên phải cầm súng ra mặt trận em ạ. Hiện giờ quân ta đang thắng lớn trên các chiến trường nên chỉ vài ba năm nữa thôi hoà bình sẽ được lập lại trên đất nước. Cũng là lúc mãn tang mẹ anh rồi, anh sẽ về chung sống với em đến bạc đầu răng long”.
Ba hôm sau, trước lúc lên đường ra mặt trận, tôi nhìn thẳng vào mắt em và nói được những lời gan ruột. “Em bỏ qua cho anh những lời nói hôm trước. Em đừng có chờ đợi anh. Chiến tranh khốc liệt lắm. Chuyện gì cũng có thể xảy ra. Anh không muốn em vì anh mà phải hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình. Hãy quên anh đi”. Nói xong tôi chạy vụt đi nhưng vẫn còn kịp nhìn thấy những giọt nước mắt chảy dài trên khóe mắt của em.
Trở thành anh bộ đội Cụ Hồ, tôi được biên chế vào một đơn vị của Sư đoàn chủ lực 304. Thời gian trong quân ngũ tuy ngắn ngủi, nhưng tôi cảm thấy vinh dự vô cùng vì đã được tham dự những trận đánh lớn trong chiến dịch Tây Nam Ninh Bình, chiến dịch Hoà Bình và đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử. Đầu năm 1956, khi công trình Đại thuỷ nông Bắc Hưng Hải hoàn thành, tôi được xuất ngũ chuyển ngành về Nông Trường Đồng Giao. Tết Bính Thân năm ấy quả là một cái tết đáng nhớ nhất trong đời tôi. Hơn ba năm xa cách, không một lá thư, không một lời nhắn gửi mà Xoan vẫn bền bỉ chờ tôi ông ạ. Đám cưới của chúng tôi được tổ chức theo nghi thức đời sống mới cùng với ba cặp nữa ở trong làng. Những ngày sau đó được sống lứa đôi trong hạnh phúc ngập tràn, tôi cảm thấy hài lòng với tất cả. Là thanh niên trai tráng khi đất nước lâm nguy, tôi đã cầm súng giết giặc. Là trai làng, tôi đã giữ lời thuỷ chung với người con gái tôi yêu. Sau Tết Nguyên Đán năm ấy, đáng lẽ phải vào nông trường Đồng Giao công tác thì tôi lại ở lại với quê hương, với mấy sào ruộng công điền và nghề đun riu truyền thống của gia đình. Giá như thời ấy mà có phong trào khởi nghiệp như bây giờ thì món mắm tép riu đỏ của vùng tôi chắc chắn đã trở thành một thương hiệu có uy tín trong tỉnh ta rồi.
Năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã chuyển thành chiến tranh cục bộ. Quân dân ta ở miền Nam đã có những thắng lợi lớn trên khắp các chiến trường. Năm đó, mặc dù đã ba mươi tuổi nhưng nhờ có sức khoẻ loại A nên tôi vẫn được xã gọi đi tái ngũ. Chuyến đi lần này thật khó khăn chứ không nhẹ nhàng như lẫn trước. Bởi vì bây giờ tôi đã là trụ cột của gia đình, là ông bố của ba đứa con. Trong khi tôi lo lắng và phân vân đến tột cùng thì người động viên tôi lại chính là Xoan. “Anh cứ yên tâm mà đi tái ngũ. Ở nhà đã có em. Em sẽ nuôi con khôn lớn, học hành đến nơi đến chốn để nên người”. Xoan đã nói như vậy thì tôi còn gì mà thoái thác nữa. “Em cố gắng giữ gìn sức khỏe để nuôi con và chăm sóc mẹ già. Anh không chết được đâu. Bao nhiêu mũi tên hòn đạn trong chiến trường đều sợ anh mà”. Lần thứ hai trở thành anh bộ đội Cụ Hồ, tôi lại được biên chế vào Sư 304 như lần trước. Được tham gia nhiều trận đánh ở Liên khu Năm, nhưng chỉ tiếc là không được tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ông ạ. Mấy năm ở rừng, tôi cứ tưởng cái bệnh sốt rét nó sợ mình, nhưng không hiểu làm sao sau Chiến dịch Mậu Thân năm 1968, tôi lại bị một cơn sốt rét ác tính hành hạ đến chết đi sống lại. Uống bao nhiêu thuốc cũng không khỏi. Sức người tàn tạ chỉ còn da bọc lấy xương. Thấy tôi không còn khả năng chiến đấu và cũng không theo kịp đơn vị nữa, Chỉ huy Binh trạm đã gửi tôi đi theo đoàn thương binh ra Bắc điều trị. Đường ra trận của ba năm về trước đối với tôi nhẹ nhàng bao nhiêu thì đường về năm nay sao mà xa xôi mà vất vả đến thế. Máy bay gầm rú trên đầu. Bom rơi đạn nổ. Sốt rét liên miên. Giấy tờ tuỳ thân mất hết. Lại một lần nữa lạc đơn vị. Rồi tôi cũng về được đến nhà ông ạ.
Các con thì mừng rỡ đón tôi. Còn Xoan thì chỉ nhìn tôi đầm đìa trong nước mắt mà không nói thêm một câu gì. Linh tính đã mách bảo tôi hình như đang có chuyện gì hệ trọng lắm, nhưng vì vừa mới về lại còn ốm yếu nên tôi chỉ ở trong nhà mà tận hưởng sự ân cần chăm sóc của Xoan. Em cắt thuốc bắc cho tôi uống. Cơm cháo bồi dưỡng cho tôi không thiếu một thứ gì. Nhờ thế mà sức khoẻ cuả tôi đã nhanh chóng được hồi phục. Cho đến một hôm, cái Đào con gái lớn của tôi bế về một đứa con gái đang chập chững biết đi. “Con gái nhà ai mà xinh thế hở con”. “Là em con do mẹ đẻ ra đấy bố ạ”. “Con của mẹ đẻ ra thì cũng là con của bố rồi. Em lại đây cho bố bế một tý nào”. Tôi vừa mới bế con bé lên thì Xoan từ trong bếp hớt hải chạy ra. Em quỳ gối xuống sân ngay trước mặt tôi rồi thổn thức trong nước mắt “Em có tội với anh nhiều lắm. Đã nhiều lần em định quyên sinh, nhưng nghĩ đến bốn đứa con thơ còn nhỏ dại nên em phải sống. Nếu anh tha thứ thì em sẽ ở lại làm thân trâu ngưa để chăm sóc anh và nuôi dưỡng các con đến hết cuộc đời này”. Tôi vội vàng cúi xuống đỡ em lên. Chưa kịp nói gì thì ông Trúc trưởng tộc họ tôi vừa bước vào đến sân đã lớn tiếng “Theo tôi thì anh cứ đuổi thẳng cổ cô ta ra khỏi nhà là đúng nhất. Họ Đoàn nhà ta từ xưa đến nay đã có người nào chửa hoang đâu. Thật xấu mặt. Ô uế cả dòng họ”. Dù tâm trạng đang rối bời nhưng tôi cũng đủ bình tĩnh mời ông vào nhà rồi nói to để cho mọi người cùng nghe thấy “Tất cả là do chiến tranh thôi bác Trúc ạ. Ở ngoài mặt trận những người lính như chúng cháu dù khổ cực đến chừng nào, dù phải vật lộn với mũi tên hòn đạn mà ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ mỏng manh như tờ giấy nhưng cũng không thể nào so sánh được với nỗi vất vả khổ đau và mòn mỏi chờ mong của những người vợ ở quê nhà bác Trúc ạ. Cháu bé này nó không có tội. Nó là con của cháu. Và Xoan vẫn mãi mãi là vợ của cháu”.
Đêm hôm đó, Xoan đã thú nhận với tôi tất cả. Một số người vốn là bạn bè nối khố từ thuở hàn vi đã nói thẳng với tôi rằng “Ông là người đời hay sao mà để cho cái thằng nó làm tan nát gia đình ông vẫn sống sờ sờ như thế à”. Tôi chỉ biết vỗ vai bạn “Chuyện gì đã qua thì cho qua luôn đi. Trời có mắt đấy. Ông ta đã mất hết mọi chức vụ, mọi uy tín rồi thì còn xử lý làm gì nữa”. Ông Hài kể đến đây thì dừng lại. Bất chợt tôi hỏi ông một câu mà sau này nghĩ lại tôi thấy thật vô duyên:
- Từ bấy đến nay ông sống thế nào. Có nặng nề và dằn vặt không. Ông lão nói ngay:
- Không những nhẹ nhàng thoải mái mà còn đơm hoa kết trái nữa đấy. Năm sau bà ấy sinh thêm cho tôi một thằng con trai cũng khoẻ mạnh như tôi vậy. Thằng út này nó gặp may mắn hơn bốn anh chị nó ông ạ. Được đi học đến nơi đến chốn. Cả vợ cả chồng đều có công ăn việc làm ổn định. Vợ nó đây ông ạ.
3
Những ngày nằm trong bệnh viện, ông lão có nhiều người đến thăm lắm. Các con ông, gái trai dâu rể cháu chắt nội ngoại cứ lần lượt đến thăm và chăm sóc ông tận tình. Tôi đặc biệt để ý đến một cô gái tuy không còn trẻ nữa, nhưng khuôn mặt và dáng vóc thì rất cân đối và ưa nhìn. Nhân lúc cô gái đưa ông lão tập đi trong hành lang bệnh viên, tôi hỏi điều ấy thì cô dâu út trả lời rất tươi và hóm hỉnh:
- Là chị gái của chồng con. Người mà ông cháu đã kể cho ông nghe rồi đấy. Ông cháu quý chị ấy lắm. Quý hơn cả bốn người con do mình đẻ ra kia. Chị ấy vừa xinh xắn vừa tốt nết mà lại hồng nhan bạc phận. Lấy chồng chưa kịp sinh con thì anh ấy đi bộ đội và một năm sau thì hy sinh ở mặt trận biên giới phía Bắc. Goá phụ khi còn rất trẻ. Biết bao nhiêu đèn cù bao vây nói lời đường mật. Cả đến bây giờ khi đã năm hai tuổi, vẫn còn những người thật lòng yêu thương nhưng chị ấy quyết tâm ở vậy để nuôi dưỡng người cha già tuy không sinh thành nhưng nghĩa tình thì sâu nặng mà cả đời này chị không bao giờ trả hết được. Chúng cháu nói với chị ấy rằng lấy chồng rồi chị vẫn chăm sóc bố được kia mà. Các con trong gia đình ai cũng có nhà riêng, không về đây sống nữa đâu. Cả cơ ngơi này sẽ thuộc về chị. Ấy vậy mà chị vẫn một lòng ở vậy để nuôi cha. Bố cháu buồn lắm, lúc nào cũng khuyên chị đi lấy chồng “Đi bước nữa đi con. Đừng lo cho bố. Bố còn khoẻ mạnh. Bố còn có năm anh chị em con. Bố còn có bà con họ tộc ở chung quanh nữa”. Không thấy chị suy chuyển, bố cháu đã phải nói đến một câu mà có lẽ trong thâm tâm không bao giờ bố cháu muốn nói cả “Miệng người đời cay độc lắm con ơi. Con không sợ người ta dị nghị sao”. Chị quả quyết “Con là con gái của bố thì sợ gì kia ạ”.
- Thế còn bà Xoan. Tôi cắt ngang lời cô dâu út.
- Mẹ chồng cháu mất đã hơn mươi năm rồi. Năm ông bẩy mươi tuổi, vin vào cái cớ “con chăm cha không bằng bà chăm ông” một số bà con xóm giềng cứ gán ghép cho ông người nọ người kia, nhưng ông từ chối tất cả. “Đời tôi chỉ có một người vợ. Cả đời này tôi mang ơn bà ấy”.
Kết Thúc (END) |
|
|