Thói quen chổng mông cắm mặt xuống ruộng vườn, quanh năm tối mắt tối mũi với miếng cơm manh áo đã trở thành lề thói “gia truyền” từ đời này sang đời khác đối với dân làng Vạn. Đùng một cái đốc chuyện. Nghe đồn tiền Tây sắp đổ vào làng Vạn, cả tổng cả xã tròn xoe mắt: “Nàng Vạn sắp đổi đời thật rồi… thế mới bợm…”.
Nghiệm cái chuyện ngày trước, lão Sái loạn ngôn: “Rồi xem, Tây sẽ trở nại nàng ta, sẽ ngủ, sẽ ăn cơm nàng ta cho mà xem…”. Ai nghe cũng giật mình bảo lão Sái phản động, nói khùng, lão muốn trở lại thời bom đạn loạn lạc ư? Đốc chết thật. Lão bị triệu lên xã, bị lục vấn đủ điều. Bẵng một dạo, lão lại rể rả: “Này nhá… Thì nà bọn Tây sang bây rờ nà để bắt tay với ta chứ không đánh đấm rì nhau nữa, nần này bọn Tây sang theo kiểu khác…”. Mụ vợ dí tay vào trán lão: “Khùng nắm cơ. Rồi vào tù chứ chả bỡn. Ti toe. Tôi cấm bố con ông học mấy cái tiếng tây tàu rì nhá. Hê hê với chả nô nô. Nghe mà chướng.”. “Này. Đừng có mà thù rai nhá. Tiền Tây đang đổ vào nàng mình đấy, nần này nhà Nại mang tiền về đầu tư ru nịch đấy”. “Ru với chả riếc. Đây chả thiết. Gái nàng mình nại chả chửa hoang ễnh ra cả nượt…”. “Phỉ phui. Niệu cái mồm.”. “Việc rì phải niệu.”. “Nghĩ mà tức. Cách nhau con sông bằng cái rạng đái mà chúng nó hái ra tiền, mặt chúng nó sưng vác, toàn nhìn đểu bên này. Nộn tiết.”. “Thì ngày trước mình cũng nhìn đểu bên â… ấy. Bên mình nhà ngói sân gạch, chúng nó toàn nhà tranh vách đất. Rõ… Núc ấy chả bì.”. Chuyện của vợ chồng lão Sái chán thì dừng, chẳng thắng thua, ai mỏi mồm nghỉ trước.
- o O o -
Làng Vạn ngày trước là dinh cơ nhà Quản Tú, mấy đời có chức sắc nên giầu có nhất vùng. Tứ xứ đổ vào làm thuê cho nhà lão, lắm vợ nhiều con nên lão làm cơ man nào là nhà, toàn nhà ngói sân gạch, chính thất thì nhà Tây ba tầng. Xung quanh rộc làng chi chít những túp lều như ụ mối dành cho tá điền quanh năm vật vày với đồng ruộng, khá hơn một tí là những dãy nhà xây gợ của kẻ hầu người hạ. Đến đời con cháu cứ thế mọc thêm mấy rong nữa thành hình cái làng Vạn bây giờ.
Bên kia sông, làng Bũng toàn lều tranh vách đất. Cua rốc ốc nhồi quanh năm, nhà nào cũng có cái riu tép, khá hơn thì có cái đó, cái đăng. Gió làng Bũng nặng mùi khăn khẳn cá, tép phơi khô, đúng vụ thì tanh rức mũi. Cả làng biết ngụp lặn. Trẻ con rặt một lũ bị đẻ rơi lòng thuyền. Đàn bà làng Bũng lấy dây chuối buộc đũng váy nơm che kín… rồi ghếch chân lên mái chèo khỏa nước đẩy thuyền đi ào ào, tay rón cơm độn, tay rón cá ướp đưa lên miệng, mỗi con cá cõng một vốc muối nén trong vại cả năm, mặn hơn thuốc cọp. Con gái làng Bũng đái khai nổi tiếng, nói ngoa thì nước đái trâu còn thua, nhưng được cái ăn mặn nên chịu rét khỏe. Con trai thì lúc nào mắt cũng đỏ hoe vì lặn ngụp. Con gái làng Vạn ngặt nghẽo: “Ơ, nạ chưa? Trai nàng Bũng suốt ngày trẫm nước teo cu mà vợ đẻ như thũn… Ăn ngó khoai ngứa mà chửa. Đến nà nể!…”. Gái làng Bũng vời mỏ qua sông: “NàngVạn hay nhở? Vợ mang nũ con ra đố chồng nhận được đâu nà con mình? Và con rững thằng nào? Thế mà chồng đếch biết… Đẹp nắm đấy mà còn riếu.”. Hễ tức hơi lên là chõ sang nhau riếu đểu, chả bên nào vừa. Có điều, làng Bũng nể uy Quản Tú nên không dám quá mù ra mưa. Bụng dạ hai làng lúc nào cũng sôi réo òng ọc, tức quá thì xả… sang nhau. Từ năm hòa bình lập lại, làng Vạn đỡ chèo bẻo, không còn những cuộc khẩu chiến vượt sông nữa. Đến hồi cải cách ruộng đất, hai làng tạm hòa hảo được mấy năm. Cả đại gia đình Quản Tú bỏ toàn bộ dinh cơ cuốn nhau vào Nam. Tá điền, kẻ ăn người ở gọi là cố nông, được chia nhà ngói sân gạch. Những túp lều ngoài đìa ngoài rộc trở thành lều vịt rồi dần bay sạch. Làng Bũng được chia khu chính thất của nhà Quản Tú, cả làng mở hội phá dỡ lấy ngói, gạch, gỗ chở qua sông về bên này chắp vá nhà cửa… Một dạo sau, làng Bũng lại tức hơi: “Cái phận nàm thuê mà bây rờ chúng nó chễm chệ.”. Làng Vạn dẩu mỏ hất hàm: “Phá nhà người ta, vá vá víu víu quanh quéo cũng nại túp nều. đúng nà cái rống đẻ rơi nòng thuyền.”. Hợp tác xã Nông nghiệp phát triển, gò mãi cũng không tài nào thành Hợp tác xã toàn xã được. Làng Bũng cứ xuýt xoa: “Đến nà may. Hợp nhất có mà bây rờ bên Vạn ăn bám bên Bũng. Nộc giời của bên nào bên ấy được. Đúng nà phúc bát vạn đời…”. Những năm hòa bình, trên tỉnh, trên huyện có khách đưa về làng Bũng, chọn người chở thuyền đưa họ vào núi xem hang, xem động. Làng Vạn chả hiểu gì bảo: “Có cái đếch rì mà nạ…”. Đến giờ làng Bũng trở thành điểm du lịch, dân làng mát mặt phong lưu. Chở đò, bán hàng bán quán, cho thuê xe đạp, xe máy… lia xia. Bọn trẻ 8X, 9X mơn mởn, đua nhau đi học rồi về làng làm du lịch. Nhìn sang làng Bũng bây giờ tựa như xem phim, khách sạn nhà hàng như nấm. Khách trong, khách ngoài lũ lượt, thuyền chở khách trên mặt hồ, trên những chẽ sông chẽ ngòi, xuyên hang xuyên động nhiều như lá tre. Tiền đổ vào Bũng như giấy. Gió làng Bũng bây giờ thơm ngát, nắng làng Bũng vàng rộm như tơ, mưa như giăng màn mắc lụa… Lão Sái sùi bọt mép: “Con gái nàng Bũng mắt toét, đái khai thế mà bây rờ sõi cả tiếng Tây nẫn Tàu, nhặt đô na như bỡn. Đã cấm con cái nấy chồng nấy vợ bên Vạn nại còn nhìn đểu... Đúng nà c… nhã có chóp!”.
Ôi chao!… Kể theo thổ ngữ của hai làng, xong chuyện chắc chết!
- o O o -
Lão Việt kiều ở Mỹ trở về như một cơn gió, chưa đủ làm mát mặt làng Vạn nhưng cũng đủ cho làng Bũng dè chừng. Không khí của hai làng giống như người nín thở. Về làng với bề ngoài không buồn, không vui, lão Lại không vồn vã, lão chừng mực lắng nghe, thăm dò từng hơi thở của làng. Ngày ấy, lão bị cuốn đi khi còn là một cậu học trò mới lớn… Mới đó mà đã sáu mươi năm ròng, tuổi ngoại thất thập niên mà phong độ như lão quả là hiếm. Lão từng sống trong Nam thời Mỹ - Ngụy - cái thời văn hóa “bơ sữa, đô la…”, bây giờ bên Mỹ - sứ sở của “Thần Tự Do”… Ngày mới giải phóng miền Nam mà lão mò về làng thế này chắc “chết” lắm. Thế mà, bây giờ, lão về ung dung… Điều đó lão biết. Cái thành phần “đại bóc lột” ngày xưa của nhà lão! Thời gian thật kỳ lạ… Giờ lão trở về, cánh ở xã còn đang phấp phỏng chờ đón tiếp mà lão vẫn chưa nhận lời. Những ngày đầu về, lão lượn quanh làng, ngắm nghía hết chỗ này, chỗ nọ. Lão dạo với xã là sẽ cấp tiền tài trợ xây nhà trẻ, trạm xá cao tầng, làm một con đường bao quanh cánh đồng Ngói mà ngày trước có khu lều tá điền và kẻ hầu người hạ của gia đình lão. Cả cánh đồng Ngói ấy bây giờ lỗ mỗ thùng đào thùng đấu, lò gạch dã chiến thời Hợp tác xã đến giờ bỏ hoang, ruộng cấy rời rạc mỗi nơi mỗi mảnh… Cánh đồng Ngói rộng có dễ đến hàng trăm mẫu. Lão Lại định trong đầu những gì cả cánh xã và dân làng Vạn chưa thể biết được. Kể cả những kỷ niệm tuổi thơ của lão ở đó đã được chôn cất trong ký ức của lão đến tận bây giờ.
- o O o -
Người con gái tên là Hẹn ấy được kẻ dưới nhà Quản Tú đưa về. Một mái nhà tươm tất, tường gạch mộc, lợp ngói được mọc bên rìa khu túp lều tá điền dành cho cô. Nghe đâu là gái vùng cao, vóc người thon dỏng, tròn lẳn, lưng ong, chân dài, đôi bắp chân tròn trịa trắng hồng, cặp mông căng nẩy lộ rõ sau lần váy nơm, vòm ngực đầy mà chắc gọn cợi lên sau mảnh yếm đào, cổ cao, mái tóc dài búi gọn sau gáy chìa ra phần đuôi tóc vàng hoe, khuôn mặt trái xoan. Trên khuôn mặt Hẹn nét nào cũng đẹp, đặc biệt ở dưới cằm hơi lệch bên phải có một nốt ruồi son… Cu Lại, cậu con út nhưng là con trưởng của Quản Tú với bà vợ cả, lúc ấy khoảng bảy… tám tuổi, hay được lượn lờ lên nhà trên, cậu bé đã bập bõm nghe được cha cậu nói chuyện về đàn bà. Cậu thuộc những câu đại loại: “Hồng diện đa dâm thủy…”, rồi: “… cổ sếu chân giang…”… Sau này là những câu chuyện gì gì đó… về “… phồn thực”, rồi những lễ tục, những kiểu ăn chơi hội hè… gắn với những chi tiết thuộc về đàn bà con gái… Biết bao cái tên đàn bà con gái được kể ra, nhưng cậu Lại chưa hề nghe thấy ông nhắc đến tên cô Hẹn trong những câu chuyện ấy. Hàng ngày cô chỉ làm có một việc quạt hầu và tiêm thuốc cho ông, khi ông vắng nhà thì lau chùi đồ cổ, têm trầu, đun nước cho bà. Một dạo có khách Tây thì ông sai hầu thuốc cho khách Tây.
Cái buổi tối cậu bé Lại đi chơi về, đang cảm giác sợ ma cậu hớt hải chạy tuông vào phòng bàn đèn của cha cậu. Chao ôi! Cậu nhìn thấy rõ mồn một cô Hẹn và cha cậu đang trần truồng quấn lấy nhau trên chiếc sập gụ… Cậu chưa rõ đó là gì, chỉ mang máng đó là điều chẳng lành. Tiếng thét của Lại tối hôm đó là tia lửa châm vào lòng mẹ cậu. Bà Quản ghen một trận tá hỏa. Ít lâu sau, chính bà lại thanh minh cho chồng, bà gọi cô Hẹn vào phòng chẳng biết bà nói những gì, khi đưa cô Hẹn ra cửa bà dặn với: “Phải trông chừng ông lúc ông say rượu nghe không?”. Vào kẻ khác chắc là tuốt xác chứ làm gì có chuyện nguội nhanh như vậy. Chẳng biết là uy của Quản Tú hay là uy từ cái gì nữa. Chẳng nhẽ lại là uy của sắc đẹp…? Mà ông Quản chẳng “ra tay” thì bà làm sao dám dễ để mất lòng ông! Từ đó chẳng ai nghĩ hay để ý đến chuyện ấy nữa. Mặc nhiên cô Hẹn được vời vào phòng cha Lại vào những buổi tối. Ai biết được có một đôi mắt tá điền luôn dõi theo sau Hẹn.
Những khi Quản Tú vắng nhà là buổi tối cô Hẹn được trở về ngôi nhà gạch ở khu tá điền. Có một buổi tối, trời quánh lại một màu tối đen như mực, cụng trán chưa chắc đã nhìn thấy nhau. Hẹn vừa tắt ngọn đèn bằng bấc đặt trong đĩa dầu thắp khét lẹt. Tiếng cóc nhái, côn trùng rỉ rả trong màn đêm. Hẹn nghe mà chả cảm thấy gì. Cô chỉ biết ôm chặt hai vai, tì mạnh lưng xuống giường để hình dung lại cái cảm giác nhẽo nhợt từ cái cơ thể nua nũa, ngầy ngậy… gây gấy mùi thuốc phiện của lão Quản. Hẹn biết cái cơn hừng hực thèm thuồng của lão, mặc dù cô cũng đã biết cách chiều, nhưng lão có cố mấy cũng chỉ được một hồi. Hẹn tiếc… Giá lão còn trẻ!!! Hẹn chỉ có mẹ, bà vừa mới qua đời trước khi cô theo người về xuôi, hồi nhỏ người ta gọi cô là con bé “Thái lai”. Lớn lên cô biết mẹ cô có chửa với một quan Tây. Quan Tây đó yêu mẹ cô lắm, nhưng ông ta đã sang Lào từ khi bà mang thai. Cuộc sống hai mẹ con nhờ vào những bài thuốc lá trên rừng do bà ngoại cô truyền lại. Phiên chợ vùng cao năm nọ, cô gặp mấy gia nhân nhà Quản Tú chèo kéo, rủ rê… Nào ngờ người con gái “Thái lai” vùng Sơn La đã đồng ý về xuôi bước vào nhà Quản Tú như một cơn gió lạ. Cơn gió ấy đã làm lão Quản đê mê đến sây sẩm mặt mày, khi Hẹn đeo mảnh yếm đào, mặc váy áo dưới xuôi vào thì lão Quản nhìn đâu cũng thấy Hẹn đẹp, đẹp từ móng chân móng tay trở đi, đôi môi mọng đỏ kia ở dưới xuôi này tìm đâu ra được, mũi dọc dừa, đôi mắt mở to, mi cong đặt dưới đôi lông mày vắt dài qua đuôi mắt, nét đượm buồn sâu thăm thẳm đã hút hết cả hồn vía lão Quản Tú. Uy là thế, cái nhìn như mói vào lòng kẻ khác, khẩu ngữ có sức khuyến dụ người ta khó bề cưỡng nổi… Ấy thế mà, vẻ đẹp khó cưỡng đối với phái mạnh của cô gái lạ vừa qua tuổi trăng tròn đã khiến lão Quản tê mê, tẩn mẩn còn hơn cả những cơn say thuốc phiện. Mới hay thần hiệu của mỹ nhân có thể làm cho núi cao biển rộng bỗng chốc cũng chỉ còn tày gang. Đang cơn rạo rực, Hẹn nghe thấy tiếng bước chân và tiếng thở gấp gáp… Tiếng động nhẹ nhàng nghe như tiếng gạt then cửa, rồi tiếng kẹt cửa khe khẽ, cô bật dậy tựa lưng vào tường. Vừa lúc ấy, tiếng thì thào đủ để cô nghe: “Cô Hẹn ơi! Tôi đây… Sượng. Sượng cá… đây… mà!.”. “Trời! Anh Sượng! Sao anh dám sang đây vào lúc này?… Ông biết thì chết cả lũ.”. Cái bóng người tên là Sượng ấy đã ghé mông vào chiếc giường thùng, bàn tay quờ chạm vào ngực Hẹn, cái thân thể vạm vỡ lực điền ấy lập tức kéo Hẹn vào lòng rồi ôm ghì lấy cô. Hẹn không kịp phản ứng, ú ớ rồi buông chùng toàn bộ cơ thể, thả trôi theo từng tác động của bàn tay lực điền trên cơ thể cô. Cái cơ thể vạm vỡ của Sượng, mỗi khi cởi trần vận khố lội xuống ao trong khu chính thất nhà lão Quản khua cá, đánh lưới đã làm cho Hẹn thèm khát đứng trân người trước hiên phòng bàn đèn mà nhìn trộm hàng giờ… Bây giờ cái cơ thể nồng nỗng ấy đang ghì chặt lấy Hẹn… Khi không còn vướng víu một mảnh vải trên người thì Hẹn cũng đã hừng hực căng tràn. Da thịt hai cơ thể ấy cứ hôi hổi chà xát lên nhau, Hẹn rùng mình hết cơn này đến cơn khác, ghì chặt lấy cổ Sượng, cảm giác như bay bổng trên không trung. Cô cố nén để tiếng rên trong cổ họng không bật lên thành tiếng la hét từ khoái cảm trong nhục dục phát ra… Sinh lực tràn trề của anh chàng tá điền như mãi không muốn ngừng. Cơn rùng mình lần thứ hai rồi mà Sượng vẫn không hề xuống sức… Khi Sượng rời Hẹn ra thì cô đã rã rời, hai mắt díp lại… Tiếng côn trùng, cóc nhái rền rĩ càng về khuya càng mau hơn mà Hẹn không còn nghe thấy gì nữa. Bàn tay Sượng đặt lên ngực Hẹn bóp nhẹ: “Dậy! Dậy mặc váy rồi hẵng ngủ. Tôi về đây!.”…
Chuyện là thế nhưng cả nhà Quản Tú có ai hay biết. Chỉ có Hẹn mới biết chắc chắn cái thai trong bụng mình là của Sượng chứ không phải của lão Quản Tú. Thôi kệ! Lão đã bảo với Hẹn: “Đã có chửa thì để mà đẻ… Tôi lo! Không được nghĩ quẩn nghe không!”. Thế thì Hẹn không còn phải lo gì nữa. Khi bụng Hẹn đã đầy, chiếc váy lùm lùm ra phía trước là lúc nhà Quản Tú cho gia nhân khuân thêm đồ đạc ra khu tá điền cho cô. Nhà Quản Tú đào cho Hẹn một cái giếng, xung quanh bổ gạch, giếng sâu, nước trong văn vắt, mọi sinh hoạt cô không phải ra ao tá điền. Từ đấy cánh tá điền, kẻ ăn người ở nhà Quản Tú chẳng ai bảo ai cứ một câu mợ, hai câu mợ. Rõ là vậy, kẻ nào ở làng Vạn thời ấy được Quản Tú để ý là nên cơ nên bắp ngay tắp lự. Mà cũng lạ, thời ấy chửa hoang thường bị người ta cạo trọc đầu bôi vôi. Ấy thế mà hiếm hoi có đứa ở gái nào bỗng dưng nôn ọe, trán nổi gân xanh, thở gấp… là Quản Tú biết liền, tức khắc được ghép đôi với một tá điền trai tân, vậy là chẳng cần phải có ruộng vườn vẫn có vợ, chỉ cần xin “cụ” mấy mâm lễ lạt, đãi chòm là xong. Thành ra những gã đàn ông lực điền tuổi đã chênh chếch cũng chỉ mong có vậy, mà đợi dễ đến mấy năm nay sự ấy đã thành chuyện hiếm. Riêng cô Hẹn, chẳng thấy “cụ” ghép cho ai thì tối ý như cánh tá điền, mọi nhẽ cũng phải hiểu: “Ấy là của cụ!”. Chuyện là vậy, thế mà mấy bà vợ Quản Tú chẳng ai ngó ngàng. Ở cái làng Vạn này, từ hồi có người Pháp thỉnh thoảng ghé thăm thì chẳng còn cái lề luật nào mà không qua tay Quản Tú định đoạt. Trong thiên hạ, lão là người lắm mưu nhiều kế nhưng ở làng Vạn, lão dễ dãi gia ân với kẻ dưới chứ không mấy hà khắc nên kẻ ăn người ở cũng trăm sự được nhờ… Lão thường bảo: “Cái làng Vạn này từ tứ chiếng dạ dật mà thành, giờ ta đã lập được thành rong thành mạch rồi thì cố mà duy trì, Ta muốn làm cho cái phúc của làng Vạn này ngày càng dày lên cho đến những thời sau…”. Câu nói ấy đã in sâu vào óc cậu con trai trưởng Phạm Gia Lại… Cái năm cả nhà di cư vào Nam, ấy là năm cậu Lại không thể nào quên được. Khó khăn lắm người nhà mới đưa được cậu xuống thuyền. Hai chiếc thuyền lái có mui to tướng đang chuẩn bị nhổ sào mà cậu Lại còn lao vụt qua chiếc ván cầu lên bờ, miệng la tướng lên: “Cô Hẹn ơi… Cô Hẹn…! Cháu ở lại với cô… cơ… ơ!.”… Cô Hẹn đã chết từ năm ngoái, cô bị ngã xuống giếng, mãi chiều tối mới có người biết hò nhau mà vớt lên. Sau khi chôn cất cô xong bỗng dưng cái anh tá điền tên Sượng ấy đã mang con Thầm con gái của Hẹn đi biệt tăm. Rõ khổ, giá như còn sống chắc mẹ con cô Hẹn bây giờ cũng đã trở thành Việt kiều như lão Lại… Cậu Lại ân hận lắm, chỉ vì cậu mà nên nông nỗi này. Hôm ấy cậu cầm cây chạc ná cao su đi bắn chim, chim bay về khu tá điền nhiều lắm mà mãi đến trưa cậu chẳng bắn được con nào, cậu định bắn được con nào sẽ mang cho mẹ con cô Hẹn. Sau cái lần Lại nhìn thấy… trong phòng bàn đèn ấy, dần dần cậu thấy thích cô Hẹn, cô vừa đẹp lại vừa hiền, khi cô mang bầu thì cậu lại đinh ninh đấy là em của cậu nên cậu càng thích và thương cô Hẹn nhiều hơn. Gần trưa cậu quành qua nhà cô Hẹn một lát. Cô đang gập lưng xuống thành giếng múc nước, đôi bắp chân trắng hồng, cặp mông căng tròn xoay về phía khóm chuối goòng nơi cậu đứng. Lại kẹp viên bi đất giương ná. Phựt! Viên bi đất không vào thành giếng vỡ tóe ra để cô Hẹn giật mình quay lại cười với cậu mà phát ra một tiếng “Ối!” rồi cô Hẹn lao đầu xuống giếng. Cậu Lại như người mất hồn quay ngoắt chạy ra bờ sông, lang thang mãi đến chiều tối mới trở về nhà… Sự việc quá bất ngờ đã làm cho cha cậu gần như mất hồn. Thì ra lão Quản Tú yêu cô Hẹn biết nhường nào. Tiếng tăm, uy quyền với làng xã là thế. Hóa ra lão cũng đa tình, đa sầu đa cảm đến vậy! Đến đây đám tá điền mới sực nhận ra cái tình người ẩn sâu tronh lòng lão Quản… Nghĩ mà thương lão! Năm ấy cậu Lại chừng mười một hay mười hai tuổi có lẻ…
- o O o -
Buổi sớm, ở làng Vạn có vẻ yên ả lặng lờ. Lão Lại thức dậy sau một chuỗi hồi tưởng trong mơ. Đêm qua, lần đầu tiên lão ngủ trên chiếc giường cưới của cha lão đã được tìm thấy, lão chuộc về kê vào gian bên nhà thờ Tổ mới khánh thành năm ngoái. Lão đang khó hiểu về ba công trình gia đình lão tài trợ, kinh phí phát sinh liên tục, so với dự toán ban đầu đã quá gấp đôi mà vẫn còn dở dang. Người ta bảo, ở Việt Nam là chuyện bình thường. Mấy ngài xã nói với lão: “đã thương thì thương cho trót, đã vót thì vót cho tròn”. Ở Mỹ, lão không nghe câu này bao giờ, nhưng lão hiểu cái cảnh xin cho ở Việt Nam trước nay vẫn thế. Họ đã quen bấu víu vào cái vú ngân sách của nhà nước, mới rời ra nên còn lóng ngóng lắm, chưa biết vận động theo “cơ chế thị trường”- Cái cơ chế cực kỳ sòng phẳng, bình đẳng của nền kinh tế Âu - Mỹ. Nhưng lão đã tìm hiểu ở Việt Nam, cơ chế này vận hành còn nặng nề, ì ạch lắm. Chỉ mới là bắt đầu. Chuyển đổi cơ chế, mới có nghĩa là thay đổi hình thức. Còn những con người vận hành cơ chế ấy vẫn còn ngơ ngác quá, còn bảo thủ trì trệ quá… Hóa ra “thành phần bóc lột” trở về mà lão được trọng vọng thế này ư? Lần trước về, lần lữa mãi lão cũng đành phải để xã tổ chức đón tiếp, nhìn dòng chữ “…Việt kiều yêu nước…” trong người lão thấy nao nao đến phát ngượng, nhưng rồi lão cũng thấy vui vui “thì đúng là mình mang tiền mang của về làng Vạn. Chả yêu làng yêu nước thì là gì…”. Tiệc tùng giao đãi, mỗi lần thế dễ đến vài chục người dự. Rượu chè thả ga, mỗi lần “dô… dô!” là mỗi lần nốc cạn. Rượu bia đổ cả vào người nhau. Lão cầm ly Cocacola nhấp ngụm một mà đầu óc choáng váng quay cuồng… Đã nhiều lần mà lão vẫn không quen được. Mọi người uống, rồi cười nói như vỡ chợ. Người làng Vạn thì xưng hô với lão đủ loại vai vế, người họ hàng kiểu này, người họ hàng kiểu nọ, tít mù… lão chỉ còn biết gật đầu cảm ơn. Xong chẳng nhớ nổi mình giữ những vai gì nữa. Mấy người làng Bũng thì nhìn lão dò xét như người xa lạ… Lão cũng chẳng bận tâm. Đầu óc lão quay cuồng. Hình ảnh cô Hẹn với cái Thầm năm xưa cứ hiện về rõ mồn một... Nghĩ đến cái giếng lão lại nao nao trong ruột, cứ thế lão lặng lẽ cho tới mãn tiệc.
Mấy cuộc đi “tham quan học tập kinh nghiệm” xây dựng nhà trẻ, trạm xá và đường bê tông tận Hải Phòng, kết hợp tham quan du lịch Cát Bà. Mấy vị ở xã cứ tấm tắc: “Hoành tráng… Thật là đáng bát gạo đồng tiền…”. Lão Lại xót xa, vị chi mỗi chuyến lão phải đốn vào đấy trên dưới chục ngàn đô la, ấy là chưa kể phong bì quà cáp các cỡ cho mỗi người. Mỗi chuyến đi gần bằng cả một đơn nguyên công trình. “Bác cho chúng em được mở mắt nhìn ra thế giới… Không có bác thì làm sao chúng em được bước vào đời…”. Lão Lại nghe mà không hiểu tại sao họ lại nói như vậy. Rồi cái hôm làm việc nghe họ giải trình việc hết kinh phí để công trình dở dang. “… Bác hiểu cho xã… Xã còn phải chạy thủ tục trên huyện, riêng công trình đường giao thông vì vượt hạn mức quy định nên huyện phải trình lên tỉnh phê duyệt… Phải đủ thủ tục theo lộ trình bác ạ… Thôi những khoản ngoài dự toán… chúng ta tạm gọi là lộ phí… luật bất thành văn bác ạ. Cứ tạm hiểu với nhau như thế… Thôi. Đã thương thì thương cho trót… Bác nhé!”. Lão Lại ù hết cả tai. Nhưng lão cũng gật đầu, bù lại lão được vinh danh khắp làng khắp xã. Với lại, tốn kém một chút nhưng nhà lão xin lại được khu đất hương hỏa của ông cha để xây lại nhà thờ Tổ tại nơi chôn rau cắt rốn của lão.
Loay hoay dễ mất bốn năm trời, ba công trình do nhà lão Lại tài trợ được cấp bổ xung đủ kinh phí cho phần dở dang thì thủ tục thuê đất năm mươi năm khu cánh đồng Ngói của nhà lão mới được hoàn tất. Hệt như hồi “cải cách”, dân làng Vạn đi nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng vui như hội. Kê khai thế nào là do xã với dân. Lão Lại cứ theo danh sách mà chi ra. Được dịp lão Sái lại toang toác: “Đấy, thấy chưa?… Nhân bảo như thần bảo… Tôi đọc được trăm năm về trước, trăm năm về sau… đơ… ới!”. Mụ vợ Sái cười tít cả mắt. Nhìn mụ, lão Lại giật mình khi cái nốt ruồi đỏ lệch phía cằm phải của mụ như in vào mắt lão… Trời ơi, sao giống nốt ruồi ở cằm cô Hẹn như tạc vậy? Nét mặt hơi hao hao… Nhưng mà vóc người thô, chẳng giống cô Hẹn đường nét nào sất. Ấy vậy mà hình ảnh mụ cứ như đã neo vào tâm trí lão Lại… Đột nhiên hình ảnh cái giếng lại hiện về làm lão lặng buồn. Lão thẫn thờ nhìn ra cánh đồng Ngói. Trời nắng chang chang. Lão dõi theo một cánh chim lẻ loi đang ngơ ngác tìm bầy.
- o O o -
Khu du lịch nghỉ dưỡng làng Vạn được lão Lại đặt tên là “Khu Resort Điểm Hẹn - Tú Lại”. Đúng là tiền “Tây” đổ về. Bây giờ thì bên Vạn ngang ngửa với bên Bũng. Lễ khai trương được tổ chức hoành tráng, quan khách cả huyện cả tỉnh đổ về, khách nước ngoài nhiều chưa từng thấy. Nhờ vậy mà mặt hồ, chẽ sông bên làng Bũng thuyền chở khách ken dày như lá tre. Dân hai làng hòa trộn vào nhau cơ hồ như quên hết chuyện ngày xưa… Mới đó mà lão Lại đã sắp bước sang tuổi tám mươi. Khi quy hoạch mặt bằng, lão yêu cầu đặt cái giếng vào trung tâm tiền cảnh. Giếng được xây hiện đại nhưng mang dáng cổ, xung quanh và đáy được chèn mấy lớp than đá, sỏi và cát, nước trong văn vắt. Lão đặt tên giếng là “Giếng Hẹn Thầm”. Chẳng ai biết ý nghĩa của nó là gì. Hỏi lão, lão chỉ rủ rỉ: “Là tôi thích đặt thế!”. Đêm đêm, lão ra giếng lặng lẽ cúi nhìn trong lòng giếng hồi lâu rồi múc nước tưới cho những cụm hoa hồng, những tán ngâu tỏa hương ngào ngạt. Lão cố nhớ lại tất cả những gì ngày xưa của gia đình lão. Lão hình dung lại cái thời cha lão một tay gây dựng cơ đồ trên mảnh đất này. Thời gian trôi qua rồi tan loãng, thường chỉ còn để lại trong lòng người ta những gì nuối tiếc. Những năm sống ở Sài Gòn thời Việt Nam Cộng hòa, rồi bên Mỹ, ở cái tiểu bang cộng đồng người Việt đông nhất. Chìm vào thế giới mưu sinh, hối hả kiếm tiền, máu me tích lũy tiền bạc như một sự trả thù… Cái máu của Quản Tú đã truyền cho mọi đứa con trong gia đình. Khi sang đến đất Mỹ thì cha Lại chỉ còn là một cái xác ve. Lão suy xụp vì tiếc: cái làng Vạn chẳng biết có còn không? Cái núi của cải ở Sài Gòn chắc cũng tan nát hết rồi! Gần ngày mất, Lão Quản Tú gọi con trai trưởng dặn dò: “Sang đây, con hãy chí thú mà làm ăn, đủ miếng ăn rồi thì chí thú mà kiếm tiền, càng nhiều càng tốt, gấp trăm gấp ngàn lần thầy. Số con là số giàu sang… Nhưng nghe lời thầy: Phú quý bất quy cố hương, như y cẩm dạ hành. Có nghĩa là: giàu sang mà không quay về quê cũ thì có khác nào mặc áo gấm mà đi đêm. Đặng sau này mà về lại cái làng Vạn quê nhà, thay thầy mà lập lại bàn thờ cho cô Hẹn, rồi để tâm mà tìm lấy cái Thầm cho hồn thầy được thanh thoát… Mỗi thời sẽ mỗi khác con ạ! Thầy mong dưới suối vàng ở đất Mỹ thầy được nhìn thấy con trở về…”.
- o O o -
Con sông Chày bắt nguồn từ đầu tỉnh chảy qua giữa làng Bũng với làng Vạn độ này đang bị ô nhiễm phát mùi tanh lợm. Ở phía đầu nguồn, người ta đặt một nhà máy luyện kim loại cỡ lớn và mấy xưởng sản xuất hóa chất. Nghe đâu, đã nhiều năm nay thi nhau đẩy chất thải ra dòng sông. Nước hồ và các chẽ sông dẫn vào hang núi bên làng Bũng đã có cá tôm chết nổi lều phều. Khách du lịch về làng Bũng vãn dần. Khu Resort Điểm Hẹn bên làng Vạn cũng vắng tanh vắng ngắt… Lão Sái thở dài ngao ngán: “Rõ khổ. Đang yên đang nành bỗng rưng nại có biến. Bên Bũng đã có mấy người chết vì bệnh ung thư, nại còn mấy người nữa mới bị đang khoác án tử hình - Lão nhìn vợ thở dài.”. Mụ vợ liếc chồng: “Tôi không cho con Thấm nhà mình nấy chồng bên Bũng đâu… À, mà mình này! Cái nhà ông Nại rạo trước sao hay nui tới nhà mình thế nhờ?… mà toàn hỏi tôi rững cái tôi không biết. Cái hôm tôi kể về mẹ Hẹn với bố Sượng thì ông ấy thở rài… À mà rễ chừng ông ấy quý con Thấm nhà mình nắm. Có nần ông ấy rạo: cháu có thích sang bên Mỹ học không? Nạ thế chứ! Mình có nghe tôi nói không đớ… ới?”. Lão Sái ngồi lặng từ nãy tới giờ mới giật mình: “Ừ… Ừa. Tôi thấy cũng nạ thật. Rưng mà tôi đang no có khi đại rịch sắp đổ vào hai cái nàng này mất… Đại họa. Đại họa mất rồi!”…
Dân tình hai làng Bũng và Vạn đùng đùng đội đơn kéo nhau lên huyện rồi lên tỉnh hết lần này đến lần khác để đề nghị về việc ô nhiễm môi trường. Hai làng bắt đầu trở thành điểm nóng của tỉnh, của huyện. Thế là từng đoàn cán bộ tập trung về hai làng thị sát, vận động và thu thập thông tin, họp hành triền miên để phân tích và nhận định tình hình… Rồi công an về nằm vùng ở làng Vạn nơi có Việt kiều ở bên Mỹ về đầu tư. Dễ có sự kích động biểu tình từ bên ngoài lắm chứ. Cái lão Sái bô bô cái mồm lại bị triệu đi, rồi họ truy kẻ cầm đầu biểu tình là ai? Rõ khổ việc cần giải quyết thì người ta không ngó ngàng, không ai đi tìm mà xử lý cái gây ra ô nhiễm môi trường kia mà lại cứ đi tìm cái người cầm đầu… Là ai thì chưa biết nhưng chí ít thì cũng phải là cái đầu sáng suốt hơn trong cộng đồng dân cư. Lão Lại thì đang ở bên Mỹ, lão được người quản lý Resort gọi điện thông báo, lão trả lời là sẽ thu xếp để về. Người quản lý bảo ông về bây giờ là căng lắm, sợ không an toàn… Lập tức ông trả lời: “Tôi sẽ về và phải về ngay để cứu lấy làng Vạn của tôi nghe không. Cứ chuẩn bị đón tôi ở sân bay!”.
Sự việc ở hai làng đang căng thẳng thì lão Lại bên Mỹ bay về. Lão được chính quyền đón ngay từ sân bay và đưa về một khách sạn ngoài thành phố. Người ta bảo với lão: “Đang thời điểm nhạy cảm, ngài không nên về làng Vạn vào lúc này…”. Người ta rào đón, ướm hỏi… rồi giải thích cặn kẽ… Lão Lại đã hiểu ra ý của họ. Lập tức lão đề nghị được gặp “Nguyên thủ” của tỉnh. Năm lần bảy lượt, rồi lão cũng gặp được. Chẳng biết nội dung trao đổi thế nào mà bỗng dưng lão được cùng vị “Nguyên thủ” của tỉnh lên gặp Trung ương… Quả bóng đang căng mọng chừng sắp nổ tung bỗng dưng dịu hẳn. Lão Sái đã được trở về. Không còn cán bộ về làng nữa và cũng không còn công an cắm chốt nữa… Ít lâu sau, được biết cái nhà máy luyện kim loại và mấy xưởng hóa chất trên đầu nguồn sông Chày đã có lệnh tạm dừng hoạt động… Chiều chiều, lão Lại thường tản bộ quanh làng Vạn, lão dừng lại ở gốc đa già, trước ngôi miếu cổ, kỷ niệm ùa về đầy ắp trong lão… Đôi mắt lão đượm buồn khi nhìn theo dòng nước sông Chày đang chở đầy váng chất thải lập lềnh trôi về phía biển…
- o O o -
Một hội thảo được tổ chức tại làng Vạn, được đơn vị Nhà nghỉ dưỡng Điểm Hẹn - Tú Lại đăng cai và tài trợ. Jon Thái, vị khách đặc biệt được mời về dự. Mọi người ngỡ ngàng khi giới thiệu vị khách người Mỹ gốc Việt là ủy viên của tổ chức bảo vệ môi trường Liên hiệp quốc, Tiến sĩ Sinh - Hóa tốt nghiệp tại Đại học Harvard Mỹ, chính là con trai lão Lại. Khi Jon Thái được mời phát biểu, anh ta nói bằng tiếng Anh. Đến phần cuối Jon Thái đề nghị để người bố của anh ta phiên dịch. Lão Lại xúc động: “… Thưa các quý vị! Tôi (Jon Thái) được trở về quê hương của tổ tiên tôi. Làng Vạn mà cha tôi thường nhắc tới với một tình cảm rất đỗi thiêng liêng. Nay cha tôi đã trở về để thực hiện tâm nguyện. Tôi tự hào về điều đó. Gia đình chúng tôi đã dồn tiền của để cha tôi đưa về đầu tư nơi quê nhà… Hiệu quả kinh doanh sẽ dành cho hoạt động thiện nguyện của cha tôi… Tôi rất lấy làm tiếc khi lần đầu tiên được trở về quê hương lại vào hoàn cảnh này… Thưa các quý vị! Tuy vậy, tôi lấy làm vinh hạnh được tham gia cùng các quý vị về vấn đề “Hãy cứu lấy sông Chày, cứu lấy chúng ta…”. Hãy đặt câu hỏi: tại sao chúng ta lại cùng nhau có mặt ở đây hôm nay? - Giọng Jon Thái xúc động - Các quý vị đã kịp giơ tay ngăn chặn tác nhân gây hại thì hãy bắt tay kịp thời về việc khắc phục nó. Các vị đã quyết định cho nó ra đời thì xin các vị hãy quyết định cho nó tồn tại… Phần xử lý chất thải công nghiệp trước đây các vị chưa coi trọng thì giờ đây các vị hãy coi trọng. Để môi trường sống ô nhiễm là tự sát. Các vị hãy nhanh chóng chọn đối tác lập dự án và đầu tư công nghệ xử lý… Chủ nhà máy, chủ các xưởng sản xuất phải bỏ kinh phí đầu tư, cùng với xã hội hóa và kêu gọi nguồn tài trợ. Ở Mỹ họ đã từng làm từ hàng trăm năm trước. Nếu tôi hỏi: chọn nhà máy hay môi trường sống thì các quý vị nghĩ sao? Cả hai ư? Nhưng nếu phải chọn một…? Chúng ta có nhà máy vừa hiện đại vừa tiên tiến mà để gây tác hại… Xin các quý vị hãy đừng thay nó mà hãy thay những con người quản lý điều hành thiếu trách nhiệm kia. Công hiệu hơn… hay là… thay chính các quý vị?...
- o O o -
Sau Hội thảo Jon Thái bay về Mỹ. Lão Lại quyết định ở lại làng Vạn. Lão chờ cho đến khi nào xong việc xử lý sự ô nhiễm của dòng sông kia. Đến gần hết năm rồi mà câu chuyện vẫn cứ thế. Dòng sông thoi thóp thở mỗi ngày một yếu dần… Lão thương cha lão ở nơi suối vàng bên nước Mỹ không hề biết rằng con gái của cô Hẹn không phải của “ngài Quản Tú” mà là của gã tá điền tên Sượng. Lão hình dung đâu đây còn những đứa con cùng mang dòng máu của cha lão… biết đâu có người đang ngồi chễm chệ trên cao để quyết định ra những cái nhà máy, xưởng sản xuất ngày đêm thải vô tội vạ chất cặn bã độc hại làm chết mòn sự sống kia… Sống mũi lão cay cay, hai khóe mắt lão rơm rớm. Giá không có viên bi đất bay từ cánh ná cao su của cậu bé Lại ấy thì cô Hẹn xinh đẹp khi xưa có thể đã trở thành một “quý bà”, mụ vợ lão Sái làng Vạn bây giờ sẽ là em gái của lão, cũng là một “Việt kiều yêu nước” hẳn hoi… Đời lắm lúc cứ rối như canh hẹ. Những suy nghĩ cứ đảo đi đảo lại trong đầu lão, xóc đi xóc lại đến nhức nhối mà vẫn không thể nào minh định được tốt - xấu, đúng - sai… Lão rưng rưng nhìn hàng cây trơ trọi lá chạy dọc hai bên đường. Những xác lá se sắt trong cái nắng mùa đông yếu ớt, siết đất miên man tìm về cội…
Làng Vạn như đang đằm mình trong cơn nín thở khát vọng một điềm lành gõ cửa lúc hoàng hôn…!
Kết Thúc (END) |
|
|