Tôi là giáo viên chủ nhiệm lớp 6B, của một trường Trung học cơ sở. Lớp tôi có 42 em, phần lớn là con cháu các hộ gia đình thuộc một phường của thị xã vùng đồi.
Thị xã có những ngôi nhà to, nhỏ, sơn đủ sắc mầu, tạo thành những dẫy phố ken vào nhau nhấp nhô theo địa hình đặc trưng của một miền đất bán sơn địa. Xen vào đó là rừng xanh muôn sắc lá, là những vườn cây keo tai tượng thẳng tuốt lên cao, là trập trùng những đồi dứa… đã làm cho thị xã của tôi có một đặc điểm riêng không thể lẫn với bất cứ đô thị nào. Đặc biệt hơn, vào mùa dứa chín, cả thị xã thoang thoảng hương thơm của những cánh đồng dứa, trải bát ngát và vàng rực lên đến tận chân trời! Vào mùa ấy, học trò của tôi thích lắm. Bọn con trai nghịch ngợm, ưỡn ngực, ngửa cổ, rồi phồng mũi hít hít, hà hà. Bọn con gái đến lớp trong túi luôn có sẵn những gói bột canh, và dứa có ngọt đến đâu chúng cũng chấm muối ớt rồi suýt xoa khen ngon. Những lúc ấy, nhìn học trò mới đáng yêu làm sao.
Bây giờ tôi là giáo viên chủ nhiệm, nhưng trước đây tôi là học trò, và tôi cũng đã có tới hơn 10 thầy cô giáo là chủ nhiệm của mình. Kỷ niệm với các thầy cô chủ nhiệm thì nhiều. Và kỷ niệm nào cũng đã trở thành dấu ấn không bao giờ nhạt phai.
Một buổi sinh hoạt ngoại khoá, tôi kể cho các em lớp 6B về cô Dung, cô giáo chủ nhiệm của tôi năm tôi học lớp 9, mà cũng chỉ kể một chuyện nho nhỏ thôi.
- o O o -
Không hiểu tại sao cái Thảo lại biết, chú Bách chồng cô Dung bị mắc bệnh hiểm nghèo. Cái Thảo còn biết chi tiết, chú ấy bị chảy máu dạ dày ra sao, bệnh viện tỉnh không chữa được phải chuyển lên tuyến trên, rồi cô Dung vất vả như thế nào, và đặc biệt chi phí tiền bạc mua thuốc men, chữa trị cho chú ấy cực kỳ tốn kém.
Một hôm cái Thảo nói:
- Chả nhẽ lớp mình không giúp gì được cho cô giáo à?
Chúng tôi lặng đi, rồi mỗi đứa một câu: "Giúp chứ" "Phải giúp cô ấy".
Cái Thảo luôn là đứa “già trước tuổi”, nó trầm ngâm giây lát, nói như bà cụ non:
- Đúng, chúng ta phải giúp … Giúp cô giáo về mặt tinh thần, tức là những lời động viên, thăm hỏi, cũng rất tốt, song, tớ thấy như vậy không được thực tế cho lắm.
Nghe cái Thảo nói vậy, thằng Khương nhanh nhảu:
- Bọn tớ hiểu ý cậu rồi, tức là chúng ta không thể giúp xuông, mà phải giúp cô giáo bằng tiền!
Cả lớp ồn ào, “Đúng rồi, giúp bằng tiền!” “Đứa nào có nhiều góp nhiều, đứa nào có ít góp ít!” “Mỗi đứa một ít chắc cũng được một khoản kha khá đấy!”…
Tuy nhiên trong chúng tôi có cái Trang, nó chăm chú lắng nghe, nhưng không hề động tĩnh gì. Mặc dù vậy, tình cờ tôi nhìn thấy ánh mắt của nó dõi nhìn phía xa xăm, và dường như có nỗi buồn gì sâu thẳm lắm. Sau một lúc ồn ào, chúng tôi chụm đầu vào bàn bạc. Cuối cùng, cậu Khánh lớp trưởng bảo:
- Thôi, lớp mình thống nhất thế này nhé, mỗi đứa góp 50 ngàn đồng, đứa nào có sẵn thì tốt, còn không về xin bố mẹ.
Cái Thảo nói thêm:
- Theo tớ thì không nhất thiết là 50 ngàn đứa nào có thêm càng tốt. Như tớ đây, tớ góp 300 ngàn.
Một vài đứa khác cũng nhao nhao “Tớ có 100" “Tớ 200” “Tớ 80 ngàn”… Ngay ngày hôm sau chúng tôi đã góp được hơn 5 triệu đồng. Tất nhiên cũng có phần đóng góp của cái Trang. Đến đây thì nảy ra vấn đề, đưa cho cô Dung thế nào? Chúng tôi biết cô chủ nhiệm là người có tính khí khái... Chỉ có điều không ngờ, kế hoạch của chúng tôi bị cô Dung phát hiện. Khi chúng tôi đang lúng túng bàn bạc cách đưa tiền cho cô, thì cô đường đột xuất hiện. Không nói không rằng, cô cầm luôn lấy cái phong bì đựng 5 triệu đồng, cất vào túi xách, bảo:
- Cô rất cảm động vì việc làm của các em. Cô cảm ơn các em nhiều. Các em đúng là những người thật tốt.- Nói rồi cô vội vã đi luôn.
Thú thực, tuy chúng tôi rất vui vì đã góp một phần nhỏ bé để giúp đỡ cô chủ nhiệm, song trong thâm tâm thì có cảm giác hơi lấn cấn. Vì đứa nào cũng nghĩ, cô sẽ khước từ, hoặc giả cũng khách sáo từ chối. Vậy mà...
Hết tiết cuối cùng ngày học hôm sau, lớp trưởng thông báo: "Cô chủ nhiệm bảo lớp mình ở lại..."
Cô Dung bước vào lớp, điều làm cho chúng tôi ngạc nhiên là vẻ mặt của cô có vẻ nghiêm trang quá. Chúng tôi linh tính có chuyện gì đã xảy ra. Rồi hồi hộp chờ đợi. Cô chủ nhiệm đưa mắt nhìn cả lớp. Tôi thấy mắt cô giáo ươn ướt. Hình như cô cũng đang có điều gì khó nói thì phải. Bởi thời gian yên lặng khá lâu. Yên lặng tới mức tôi nghe rõ tiếng mấy con côn trùng ngoài cửa lớp rỉ rả điệp khúc bất tận.
- Các em có biết- Cô Dung chậm rãi nói- Tại sao hôm nay Trang lại nghỉ học không?
Đột nhiên tất cả chúng tôi đứa thì nghến đầu, đứa thì quay cổ lại... nhìn vào chỗ ngồi của Trang. Chỗ ấy để trống. Thì ra hôm nay cái Trang không đi học. Chúng tôi vô tư quá, vô tình quá...
- Hôm qua khi cầm tiền của các em cô lại có việc khẩn nên chưa kịp nói gì với các em... Còn bây giờ cô sẽ kể cho các em nghe về chuyện nhà Trang...
Trang là con cả của một gia đình có 4 chị em. Bố Trang làm nghề xe ôm. Mẹ Trang là công nhân chẳng may bị tai nạn lao động liệt nửa người mọi sinh hoạt bây giờ của bác ấy đều diễn ra trên xe lăn... Cuộc sống của nhà Trang vô cùng khó khăn. Tuy khó khăn song bố Trang vẫn cố nai lưng mài sức lực kiếm tiền chăm vợ ốm, nuôi các con ăn học. Các em thấy đấy, hàng ngày ở lớp Trang ít nói, và thi thoảng có điều gì khiến em hay thảng thốt.
Cô không nói ra, nhưng cô luôn quan tâm và để ý đến Trang. Chỉ có điều sự quan tâm của cô kín đáo, âm thầm. Những người ở hoàn cảnh như Trang đều có tính tự trọng rất cao. Một hành động dù tốt, dù vô tư, trong sáng nhưng cũng dễ làm người ta tổn thương. Cô đã nhiều lần tỉ tê, tâm sự. Có lần Trang bảo cô: "Cô ơi, em không phải là đứa con vô tình, hoặc không biết suy nghĩ. Mẹ em thì như vậy, bố em suốt ngày phơi mặt dưới nắng mưa, rong ruổi khắp mọi nẻo đường, để nuôi em ăn học... Vậy mà tại sao em không học giỏi được hả cô. Em có phải là đứa vô dụng không. Như vậy có phải là bất hiếu không hả cô?". Rồi Trang lao vào học, về đến nhà là lao vào công việc nuôi lợn, nuôi gà giúp bố mẹ.
Cuộc sống của nhà Trang không những đã không khá lên mà lại còn giảm sút. Các phương tiện vận tải hành khách ngày một nhiều, như xe buýt, tacxi, nên người đi xe ôm ít dần, thu nhập của bố Trang ngày một kém. Mọi sinh hoạt phục vụ cho 6 miệng ăn, rồi quần áo, sách vở học hành... mỗi ngày một tăng...
Cách đây vài hôm Trang nói với cô: "Cô ơi, em xin lỗi... Em phải bỏ học thôi..." Và Trang kể với cô: "Em bất hiếu thật cô ạ. Tại sao em lại không biết cơ chứ... Mãi đến khi thật tình cờ em mới phát hiện ra, cái điều mà em không thể tưởng tượng nổi... Đêm hôm qua, linh tính mách bảo em điều gì đó, khiến em không sao ngủ được. Trằn trọc mãi em ngồi dậy, lại mang bài vở ra xem lại. Nhưng ô hay, đầu óc em trống rỗng, chữ nghĩa không sao vào nổi. Em ra nhà ngoài, ngồi xuống cái chõng tre, nơi bố em thường ngồi hút thuốc lào và bó gối ngẫm nghĩ sự đời. Em ngửa mặt, nhìn lên mái nhà, em phát hiện ra một cuộn giấy cài sau một cây đòn tay. Tò mò, em lấy cuộn giấy đó xuống, gỡ tờ báo lót bên ngoài ra, bên trong là những tờ giấy nhỏ, có tờ đã ngả màu vàng ố. Em cầm lên xem, nước mắt em cứ trào ra nhòe nhoẹt... Cô ơi, đấy là những tờ hóa đơn bán máu...của bố em..."
Cả lớp tôi lặng người đi. Đã có tiếng sụt sùi của mấy đứa con gái. Cô Dung nhẹ nhàng nói tiếp:
- Sáng nay cô đã đến nhà Trang... Cô đã mạn phép các em, mang hơn 5 triệu đồng các em đóng góp để giúp đỡ gia đình bạn Trang... Cô mong các em không giận cô và hy vọng ngày mai Trang lại đến lớp.
Cả lớp tôi lặng người đi. Có mấy đứa con gái sụt sùi. Im lặng giây lát, cái Thảo mạnh dạn đứng lên nói:
- Thưa cô… Trước hết cho chúng em xin lỗi cô, vì hôm qua chúng em có bạn còn lăn tăn với sự vội vàng của cô. Bây giờ chúng em hiểu thêm về tấm lòng của cô. Thưa cô, chúng em sẽ bàn nhau để giúp bạn Trang ạ.
Cô Dung gật đầu:
- Cô cảm ơn các em vì đã nghĩ đến cô, nhưng dù sao cô cũng còn có điều kiện để khắc phục qua khó khăn. Nhưng với hoàn cảnh của Trang thì thật khó, vì vậy nếu giúp đỡ được cho Trang cái gì thì các em nên làm, đừng để Trang phải nghỉ học các em nhé.
- o O o -
Tôi kể xong, quay xuống nhìn các em học sinh của tôi. Đúng như lớp tôi ngày xưa…Có em gục đầu xuống bàn. Có em hoe hoe mắt. Và có cả tiếng sụt sùi... Trong khoảnh khắc tôi bâng khuâng nhớ lại những tiếng sụt sùi, và hình ảnh của cô Dung năm nào.
Kết Thúc (END) |
|
|