Người đàn bà vừa xuống sân bay, cái lạnh se se đã ập òa ôm lấy chị, chị cũng mở rộng vòng tay ôm siết lấy nó và hít hà một hơi thật sâu. Rõ ra là tri âm tri kỷ lâu năm gặp lại. Gần bốn chục năm sống ở Sài Gòn chị đã nhiều lần về quê và đi công cán ngoài Hà Nội nhưng chưa lần nào chị về đúng mùa đông.
Thực ra là chị có ý tránh cái rét, nhất là càng về những năm gần đây mặc dù cứ đến kỳ cuối năm chị lại nhớ nó đến nôn nao với nhiều đêm mất ngủ. Tránh không phải vì sợ rét mà chị sợ gặp lại những sai lầm của chính mình thời thanh xuân, thời tất cả mọi thứ trên đời đều phục vụ cho lý tưởng cao đẹp cũng do chính mình đề ra. Bây giờ đã vào quãng U70, chỉ qua một đêm tự nhiên một có giấc mơ không hề hẹn trước chị đã vội vã book vé lên chuyến máy bay về Bắc ngay sớm hôm sau. Đê mê trong vòng lây phây mưa bụi bước chân muốn ríu lại, chị cảm thấy như đang bước trên con đường trải mây trắng xốp hướng về miền ký ức xa xăm. Chị vẫy tắc xi. Cất va ly của vào cốp rồi mở cửa cho chị lên xe, bác tài hỏi:
- Chị về đâu ạ?
Lưỡng lự một chút, chị nói:
- Anh cho tôi về Yên Phụ, ngay dốc giao với đường Thanh Niên xưa.
Bác tài khẽ mỉm cười bắt chuyện:
- Đường Thanh Niên, nơi hẹn hò của tuổi trẻ một thời, chị nhỉ!
Câu nói của bác tài làm chị thấy nhói trong lòng. Người đàn bà không muốn trả lời mà chỉ khẽ “Dạ” rồi im lặng. Bác tài thấy khách có vẻ trầm ngâm nên thôi không gợi chuyện. Chị ngả đầu tựa vào thành ghế thả hồn về miền khao khát xa xưa.
Trước ngày cùng bạn bè đồng môn từ giã giảng đường lên biên giới, Thành đến đợi Lê ở cổng trường Đại học Y Hà Nội để cùng về quê tạm biệt người thân. Hai người có buổi tối dành cho nhau, ban ngày anh còn tranh thủ sửa cho mẹ mái tranh đã mòn nhiều chỗ. Anh bảo:
- Anh đi rồi chỉ còn mình mẹ ở nhà, tuổi mẹ cũng đã cao rồi, thi thoảng về nghỉ em tranh thủ sang với mẹ giùm anh nhé!
Lê ngả đầu vào vai anh, cười cười:
- Vậy là người ta sẽ gọi em là “con đĩ đòng đanh” đấy!
Thành ngạc nhiên:
- Là sao?!
Lê vẫn cười cười:
- Anh không nhớ câu ca của các cụ à?
- Câu gì? Anh không biết!
- Ngày em còn bé, bà em thường vừa đưa võng cho em ngủ vừa ru: “Con đĩ đòng đanh/ nấu canh củ tỏi/ chồng chưa đi hỏi/ đã về làm dâu/ chồng chưa đi câu…”
Thành bật cười xoay Lê lại đối diện với mình:
- Chỉ có thế thôi à? Kệ các cụ đi! Mình yêu nhau mà. Phải không?
Trong mắt anh lộ chút lo lắng. Lê cười:
- Em đùa anh thôi! Anh yên tâm. Mỗi lần về nghỉ em sẽ sang thăm mẹ!
- Thật nhé?
- Thật! Mẹ cũng thương em như thương anh nên em biết bổn phận của em mà!
Lê thấy Thành thở ra như người vừa đặt một gánh nặng trên vai xuống.
Anh quàng tay qua vai chị. Hai người lặng lẽ sóng bước trên đường đê. Đêm cuối tháng không trăng nhưng trời đầy sao, ánh sao đủ sáng để hai người nhìn rõ mặt nhau. Dưới chân đê, phía ngoài là con sông đang mùa cạn, dòng nước lững lờ uể oải trôi xuôi, phía trong, cánh đồng lúa mới vừa bén rễ nên chỉ thấy một màu trắng mờ của nước. Không gian im ắng lạ thường đến nỗi Lê nghe rõ tiếng Thành thở, nhịp thở mỗi lúc thêm gấp gáp như anh đang cố gắng trấn giữ điều gì đó. Đến dưới một lùm cây trinh nữ, anh dừng lại:
- Mình ngồi xuống đây đi em. Anh thấy mỏi chân rồi!
Lê ngoan ngoãn ngồi xuống cạnh Thành. Anh kéo cô ngồi sát lại, cô thấy hơi thở của anh nóng ấm bên tai. Toàn thân Lê rạo rực, con tim gõ nhịp trong lồng ngực liên hồi như trống trận. Lê nghiêng người choãi tay chống xuống lớp cỏ may non mượt mà mới thức dậy sau giấc ngủ dài suốt mùa đông để trấn tĩnh con tim khó bảo. Dường như không cưỡng nổi khi thấy Lê từ từ ngả hẳn người xuống cỏ, Thành đổ ập lên người Lê, ghì cô thật chặt trong vòng tay cứng cáp của mình và đặt lên môi cô một nụ hôn nóng bỏng. Lê đê mê cảm thấy có một làn sương trắng muốt, thật mỏng, thật ấm cuốn lấy hai người. Cô như bị nhấn chìm sâu trong cảm giác đó và tận hưởng nó. Mãi đến khi những ngón tay của Thành như kẻ mù lòa phạm vào vùng đất cấm Lê mới sực tỉnh. Bản năng tự vệ trong cô chợt trỗi dậy, cô đẩy anh ngã ngửa trên vệ cỏ rồi co chân chạy như ma đuổi một mạch về nhà. Lê đổ vật xuống giường và bật khóc vì một nỗi lo sợ mơ hồ. Khi đã bình tĩnh lại, cô tự hỏi điều gì vừa xảy ra với mình vậy? Hành động của Thành làm bản năng con gái trong cô sợ hãi và sự kiêu hãnh của cô bị xúc phạm. Lê không thể đối diện với anh nữa. Cô lau sạch nước mắt, ngồi dậy lấy quyển sổ ghi nhật ký của mình xé một tờ giấy trắng run rẩy viết: “Tạm dừng tại đây! Vực thẳm!”. Cô cho tờ giấy đã viết vào bao thư dán kín lại. Ngoài bao thư Lê viết: “Lê: Gửi Thành”. Với thái độ cương quyết, Lê đặt bao thư cạnh gối rồi cứ trăn trở, lệ tràn mi không sao chợp mắt được. Sáng hôm sau Lê dậy thật sớm. Thấy con gái có vẻ vội vã, mẹ hỏi:
- Con dậy chi sớm vậy?
- Con lên trường mẹ ạ!
- Sao bảo con được nghỉ hai ngày?
- Con quên mất! Chiều nay khoa con có buổi lễ kết nạp đảng viên mới…
- Cả thằng Thành cùng đi luôn à?
- Con không biết! Có lẽ chỉ con đi thôi…
Ngập ngừng một chút, Lê lấy bao thư đưa cho mẹ:
- Mẹ… Mẹ giúp con đưa cho anh Thành nếu anh ấy sang đây mẹ nhé!
Nói chưa dứt câu, Lê đã ôm lấy mẹ rồi đi như chạy ra ngoài con lộ để bắt xe lên trường. Không quay đầu nhìn mẹ nhưng cô cảm thấy mẹ dường như đã đoán ra điều gì. Kệ thôi! Tại anh ấy coi thường mình đấy chứ! Ngồi trên xe gần nửa số hành khách là bộ đội, trong số đó có cả những người không còn trai trẻ, nét mặt ai cũng trầm ngâm, họ mặc những bộ quân phục không còn mới. Thi thoảng lại có một chiếc xe quân sự lướt qua. Tự nhiên Lê cảm thấy một chút áy náy về hành động của mình, về bức thư ngắn ngủi viết đêm qua nhưng sự kiêu hãnh đã lên tiếng tự bào chữa: “Kệ thôi! Tại anh ấy coi thường mình đấy chứ!”. Nói kệ nhưng tận sâu trong tâm khảm, nhịp đập của trái tim Lê vẫn có điều gì dáo dác không yên. Đôi khi đứng trước một sự quyết định nào đó lý trí và con tim cứ cố đi theo hai con đường khác nhau nhưng khốn nỗi chúng lại không thể tách nhau ra được, bởi vậy trong lòng người ta cảm thấy sự giằng xé, day dứt. Khi một bên tưởng như đã thắng thì lại chẳng được một phút hân hoan. Lê gục đầu vào thành ghế phía trước trong tâm trạng như vậy cho đến khi xe dừng trả khách tại bến cuối hành trình.
Về đến ký túc xá Lê cố tránh gặp mọi người nhưng hình như dọc hành lang các tầng đều vắng vẻ nhất là tầng nữ. Đi dọc hành lang về phòng mình Lê không gặp một ai, thường thì không vậy. Cô không quan tâm về điều đó. Mở cửa phòng không cả rút chìa khóa, Lê lao thẳng đến giường mình và nặng nề gieo người xuống. Sự vắng lặng như đồng lõa với cảm xúc của Lê khiến cô òa khóc, khóc như chưa bao giờ được khóc. Nhưng thật lạ, khi khóc một mình không có ai để an ủi nước mắt thường cạn nhanh hơn, tâm trí tĩnh lại nhanh hơn để rồi giấc ngủ nhẹ nhàng lan đến như đám mây bông rợp che một khoảng mênh mông thư thái. Lê choàng tỉnh khi có ai vỗ nhẹ vào cánh tay để thõng ra ngoài giường.
- Mày lên khi nào vậy? Đến thăm Hoàng Mai chưa?
- Mới lên. Hoàng Mai làm sao?
- An Quân hy sinh rồi! Vừa nhận được tin sáng nay! Mai nó khóc chết đi sống lại, bọn này phải đưa nó vào cấp cứu trong viện! Hai người họ mới tạm biệt nhau chưa tròn hai tháng...
Lê ngơ ngác như chưa hiểu rõ lời bạn nói:
- Hy... hy sinh à? Cấp... cấp cứu à?
Cô bạn phát bẳn:
- An Quân, người yêu của Hoàng Mai vừa hy sinh rồi! Nghe nói trong đêm pháo câu dồn dập từ bên kia biên giới sang, chốt của tiểu đội anh ấy bị dập tơi bời, hy sinh hết. Các anh ấy lẫn vào bụi đá cả rồi!...
Cô bạn khóc rấm rứt:
- Hai người họ mới đính hôn, dự định cuối năm ra trường thì cưới. Vậy mà...
Lê chừng như vừa thoát khỏi sự u mê nào đó, cô choàng dậy hỏi:
- Mấy giờ rồi?
- Khoảng hơn năm giờ chiều gì đó...
- Cái gì? Nay thứ mấy rồi?
Cô bạn ngạc nhiên:
- Mày ở trên trời rơi xuống à? Nay thứ năm rồi!
Lê lẩm bẩm: Không lẽ mình ngủ liền từ chiều qua đến giờ. Vậy thì tối nay đơn vị anh ấy đi rồi. Không kịp chải đầu, Lê vuốt vuốt mái tóc rồi vớ cọng dây thun cột lại. Cô chạy ào ra cửa không nghe cô bạn gọi với theo hỏi điều gì. Xuống đến chân cầu thang, thấy chiếc xe đạp của ai dựa kề đó Lê nhảy đại lên phóng như bay ra cổng. Vừa cắm đầu cắm cổ đạp xe cô vừa lầm rầm cầu khấn: “Chờ em! Chờ em nhé!”. Và suốt dọc đường cô không nghĩ được điều gì khác ngoài lời cầu mong ấy. Đến ngã rẽ vào nơi đơn vị anh, Lê đã thấy những chuyến xe zin ba cầu chở bộ đội lặc lè bò trên đường đất đỏ đầy những ổ gà. Cô xuống xe đứng nép vào lề đường thất vọng nhìn theo đoàn xe. Thế là cô không kịp rồi! Anh đã đi rồi! Nước mắt trào ra lăn dài trên má. Cả một đoàn xe dài thế kia làm sao biết được anh trên xe nào! Không! Nhất định phải để anh nhìn thấy cô. Lê đẩy chiếc xe đạp đổ kềnh vào vệ cỏ rồi chạy theo đoàn xe. Cô không nghe thấy gì ngoài tiếng động cơ xe nặng nhọc bò lên dốc. Tới đỉnh dốc có một chiếc xe lán sang bên đường rồi dừng lại. Một người từ trên xe nhảy xuống chạy ngược về phía Lê. Cô sững lại một giây rồi thảng thốt gọi: “Thành!”. Cô nhào tới gục đầu vào khuôn ngực anh vạm vỡ. Thành khẽ vỗ vỗ vào lưng Lê. Anh thì thầm:
- Có “Tạm dừng” không?
Lê thổn thức:
- Không!
- Cũng không “vực thẳm” chứ?
Lê nức khe khẽ như trẻ biết lỗi:
- Không!
Thành gật đầu, anh hôn nhẹ lên tóc Lê. Anh đẩy Lê ra vừa đủ để nhìn đôi mắt đẫm lệ của cô. Anh khẽ gật đầu lần nữa rồi xoay người chạy đến chỗ chiếc xe đang đợi.
Đoàn xe đi qua đã lâu, Lê mới thẫn thờ quay về chỗ chiếc xe đạp. Không biết bây giờ là mấy giờ đêm rồi. Lê thấy sương lạnh ẩm ướt trên mặt, trên tóc. Cô không ngờ mình vừa đạp xe mấy chục cây số. Tuy toàn thân mệt mỏi rã rời nhưng Lê thấy trong lòng thanh thản.
* * *
Xe tắc xi đã dừng sát lề đường, chừng năm phút vẫn thấy khách ngồi im lặng, lái xe quay lại hỏi:
- Chị ơi! Đây là dốc Yên Phụ rồi. Kia là đường Thanh Niên…Chị có cần đi đâu nữa không ạ?
Người đàn bà như choàng tỉnh, chị lắp bắp:
- Đến…đến rồi sao! Tôi không đi đâu nữa. Cám ơn anh!
Người đàn bà loạng choạng khi đỡ chiếc va li từ tay người lái xe. Thấy chị có vẻ không khỏe, lái xe ân cần hỏi:
- Chị không sao chứ?
Người đàn bà kéo chiếc va li to nhưng có vẻ không nặng lên vỉa hè. Chị gật đầu:
- Cám ơn anh! Tôi ổn!
Người lái xe nán lại nhìn chị một chút để chắc chắn rằng khách vừa xuống xe mình không sao rồi anh mới lên xe đi làm tiếp công việc của mình. Anh thấy người khách này có điều gì đó là lạ: không bắt chuyện, chiếc va li to đùng nhưng nhẹ hều cứ như là trong đó không chứa đựng thứ gì cả.
Người đàn bà kéo chiếc va li đến ngồi xuống một chiếc ghế đá nhìn ra phủ Tây Hồ. Sương mù bủa giăng nối liền mặt hồ với bầu trời. Chị thấy như trước mặt là một bức tường màu trắng sữa. Chị kéo cao cổ áo khoác lơ đãng nhìn vào một điểm vô định trong bức tường ấy. Một chiếc thuyền nhỏ như trôi ra từ miền ký ức xa mờ. Chị nhớ khi xưa đã có những buổi chiều anh đưa chị đi bơi thuyền ở đây. Rồi khi anh cùng đơn vị lên mặt trận biên giới chưa đầy một tháng, hai người lại cùng nhau ngồi ở chỗ này, một người rệu rã xác xơ, một người băn khoăn, thổn thức. Chị đã hỏi anh:
- Có thật là anh không quay lên tìm đơn vị nữa không?
Anh ấp úng:
- Có còn đơn vị nữa đâu mà tìm… Với lại… anh vẫn chưa thể hoàn hồn…
Nhìn anh rũ xuống như tàu lá héo, chị gặng:
- Nhưng anh có lên trên ấy không?
Anh khẽ gục gặc đầu, tiếng anh như từ xa lắm vọng lại:
- Cũng không biết nữa…Có thể không…
Chị đứng bật dậy, ngạc nhiên:
- Nghĩa là “đào ngũ”?!!
Anh im lặng, đầu gục xuống ngực. Nước mắt chị trào ra. Chị thấy vừa giận vừa thương. Chị gặng lại, thái độ căng thẳng:
- Anh định ghi tên mình vào danh sách những kẻ đào ngũ à? Đào ngũ lúc này là phản bội Tổ quốc đấy, anh biết không?
Vẫn không nhìn chị, anh nói như kẻ hụt hơi:
- Kinh khủng lắm! Hình ảnh những chiếc xe tăng đối phương gầm rú nghiến lên cả người sống, người chết, không phân biệt người của bên nào, biến thung lũng thành bãi lầy bầy nhầy máu thịt luôn hiện ra trước mắt… Anh không chịu đựng nổi nữa…
Nghe vậy, chính chị lại không thể chịu đựng được. Chị nghiến chặt hai hàm răng vẫn không ngăn nổi sự nghẹn tức trong lồng ngực, lúc sau mới se sẽ thốt lên:
- Không ngờ anh chỉ là một kẻ hèn mạt! Tôi sẽ viết đơn tình nguyện lên đó!
Rồi chị bỏ đi, nước mắt tuôn rơi ướt đẫm ngực áo. Chị đau đớn vì chính anh đã làm đổ vỡ niềm tin và sự kiêu hãnh của chị. Đêm ấy chị viết đơn gửi lên cấp trên tình nguyện ra mặt trận. Ba chị biết chuyện lại làm tổn thương niềm kiêu hãnh của chị bằng một tờ quyết định cử chị đi nghiên cứu sinh tại Ba Lan. Hoàn thành khóa học về nước chị được điều vào công tác tại Viện Paster Sài Gòn. Qua bao nhiêu năm chị vẫn không nguôi ngoai nỗi hận xưa cũ. Chị không thể mở lòng với bất cứ một người đàn ông nào. Bao nhiêu tâm trí sức lực chị dồn hết vào công việc. Sự thăng tiến trong sự nghiệp tỉ lệ nghịch với tuổi trẻ của chị mà chị không để ý. Cho đến một bữa chị gặp lại người bạn học cùng khóa ở trường Đại học Y Hà Nội tại cuộc hội thảo do Bộ tổ chức tại Sài Gòn. Hai người ôn lại những kỷ niệm vui buồn thủa sinh viên nông nổi và khờ dại nhưng đầy nhiệt huyết. Câu chuyện chợt lắng lại khi anh bạn điểm lại những người bạn sinh viên đã nằm lại chiến trường biên giới. Vừa nhắc đến một cái tên, chiếc ly cà phê từ tay chị rơi xuống nền gạch vỡ tan. Bầu không khí riêng tư của hai người nát vụn. Chị không thể hỏi gì thêm. Anh bạn không thể ngờ được mãi đến giờ chị mới biết tin này. Thực ra anh cũng không biết gì nhiều về tin tức của Thành. Anh bạn đưa cho chị số điện thoại của một người bạn khác và nói để chị liên hệ khi cần. Sau bữa đó chị cứ day dứt về tin của Thành. Chị cũng không đủ can đảm để gọi về số điện thoại đã có. Cho đến đêm qua. Một giấc mơ đã làm chị không thể trốn tránh mãi. Chị phải dũng cảm để đối diện với những sai lầm một thời của mình, dù biết có những điều đã xảy ra không thể nào sửa lại được. Chị bấm số điện thoại bữa anh bạn đã cho. Mới nghe tiếng alo từ máy bên kia chị đã bật khóc. Nghe chị xưng tên người nghe đã lặng đi. Cứ thế, cuộc điện thoại ấy hai người không nói được gì nhiều ngoài cuộc hẹn gặp ở nơi quen thuộc của thời sinh viên tại Hà Nội.
Năm nay rét muộn. Sương mù lại nhiều hơn mọi lần chị về Bắc. Người đàn ông một tay áo rỗng, khập khiễng bước đến ngồi xuống cạnh người đàn bà. Người đàn bà quay lại khẽ nắm lấy bàn tay còn lại của người đàn ông. Ba bàn tay xiết chặt lấy nhau san sẻ tất cả những gì mà họ chưa thể nói ngay được bằng lời. Sau rồi, người đàn ông cũng kể:
- Thành trở lại mặt trận phía Bắc ngay sau khi Lê bay sang Ba Lan. Tình cờ, chúng tôi được biên chế về cùng đại đội. Đơn vị lập chốt canh giữ hơn chục cây số đường biên. Khi ấy giặc ở bên kia đường biên nhưng thường câu pháo và tổ chức các cuộc tập kích sang đất của ta. Tôi bị trúng đạn trong một cuộc tập kích của chúng. Trận ấy chúng kéo sang đông lắm. Chúng tôi bị tổn thất nặng nên được lệnh rút về tuyến sau. Thành vừa cõng tôi vừa xả súng chặn quân xâm lược. Biết mình bị nặng quá tôi bảo Thành để tôi lại nhưng cậu ấy bảo: “Cậu không thể chết. Cả tớ cũng vậy! Chúng ta phải sống để chứng tỏ mình không phải thằng hèn, dù có lúc mình đã hèn thật!”. Nhưng rồi chỉ có một mình tôi về với mẹ anh ấy. Nhận được tin của Thành cụ suy sụp rất nhanh. Nhưng cụ bảo với tôi là cụ cố sống chờ bạn của Thành về. Trước khi mất, cụ dặn tôi: “Khi nào gặp bạn của thằng Thành, anh bảo con bé rằng thằng Thành nó không hèn tí nào. Con bé hãy ngẩng cao đầu mà bước”...
Người đàn bà càng siết chặt bàn tay người đàn ông, chị nghẹn ngào:
- Tôi là người có lỗi. Tôi đã phải trả giá cho sai lầm của mình. Đêm rồi tôi đã gặp lại Thành và đồng đội của anh ấy trong một giấc mơ. Thân thể ai cũng bầm dập, áo quần rách tả tơi. Anh ấy nói biên giới lạnh lắm và anh ấy lúc nào cũng muốn gặp tôi.
- Chị yên tâm. Ngày mai chúng ta sẽ lên với anh ấy!
- Cám ơn anh!
Khi nhấc chiếc va li của người đàn bà lên xe, người đàn ông bảo:
- Mai chị không cần phải mang theo va ly cồng kềnh như này. Tôi sẽ chuẩn bị cho chị một cái nhỏ gọn hơn. Thứ lỗi vì tôi hỏi tò mò. Sao chiếc va li to thế này lại nhẹ tênh vậy?
- Vì trong đó toàn quần áo cho các anh ấy. Áo của các thiên thần rất nhẹ!
Kết Thúc (END) |
|
|