Mấy chục năm sau ngày giải phóng, ông Tiến mới có dịp về thăm lại chiến trường xưa. Đoàn có gần hai chục người là những cựu chiến binh cùng đơn vị chiến đấu ngày trước. Thời gian đúng là chẳng bỏ qua cho bất cứ ai.
Những chàng trai tuổi đôi mươi phơi phới sức trẻ đi “xẻ dọc Trường Sơn cứu nước” năm nào giờ tóc đã bạc, chân đã mỏi. Có những người đã nằm lại. Có những người đến giờ chưa tìm được hài cốt. Có những người may mắn trở về sau cuộc chiến nhưng vì bệnh tật, tai nạn cũng đã qua đời. Đồng đội gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Đang cười vì một câu chuyện tếu táo đậm chất lính đấy mà nhắc đến người đã mất lại thoáng ngậm ngùi, xót xa.
Xe lăn bánh. Ngồi cạnh ông là ông Mạnh - người thương binh khập khiễng với cái chân giả vì bị mảnh pháo cắt ngang đùi dựa vào ghế chuyện trò vui vẻ:
- Nhanh thật, chớp mắt đã mấy chục năm rồi, chả trách mà mình già. Lắm lúc nghĩ lại, thấy những trận đánh như mới hôm nào đây thôi.
Ông thân tình, gọi ông Mạnh là cậu tớ như những ngày còn trong quân ngũ:
- Chân cậu thế mà cứ đòi đi cho bằng được. Hôm trước nghe vợ cậu bảo tháng trước cậu ốm một trận đi viện cơ mà. Thế mà cũng chả báo gì để tớ về thăm. Dạo này tớ coi nhà cho thằng cả trên phố, chả biết tin gì cả.
Ông Mạnh cười xòa:
- Ốm xoàng thôi, ăn thua gì. Tại mẹ con bà ấy cứ làm quá lên bắt tớ đi viện đấy chứ. Mà cậu đừng coi thường, chân cẳng tớ thế này thôi mà mấy sào cây ăn quả tớ chăm đâu ra đấy đấy nhé. Bộ đội cụ Hồ mà, “nhiệm vụ nào cũng hoàn thành” chứ lại.
Rồi đột nhiên người đồng đội già của ông ngậm ngùi:
- Mà cũng mấy chục năm rồi mới có dịp vào lại Tây Nguyên, vào lại miền Nam. Ngày xưa thì tàu xe khó khăn, kinh tế không có lại vợ con bìu ríu. Giờ đi được chuyến này thì đã già, biết còn có lần sau. Phải vào mà thắp cho chúng nó nén hương. Thằng Hùng, thằng Chiến, thằng Mạo, chúng nó nằm ở trong đấy cả. Cùng nhập ngũ một ngày mà 5 đứa làng mình chỉ còn cậu với tớ...
Ngậm ngùi, ông chìm vào quá khứ. Chiếc xe lao đi, cảnh vật ngoài nhạt nhòa như những thước phim tua nhanh.
Năm 1975.
Tháng 3, bầu trời Tây Nguyên rực đỏ trong sắc hoa pơlang. Trong những ngày ấy, ông Tiến, ông Mạnh cũng những người đồng đội hừng hực tuổi đôi mươi với những bước chân “thần tốc” đã cùng góp sức giải phóng Buôn Ma Thuột, giải phóng Gia Nghĩa, giải phóng các tỉnh Tây Nguyên, tiến về Sài Gòn làm nên chiến thắng mùa Xuân vĩ đại, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Các đơn vị được huy động cho chiến dịch Tây Nguyên gồm các sư đoàn 10, 320, 316, 968, trung đoàn đặc công 198, Trung đoàn tăng thiết giáp 273 cùng 4 trung đoàn bộ binh khác. Các hoạt động nghi binh diễn ra dồn dập. Những trận địa giả được dựng lên. Những đoàn xe tải rầm rập kéo về Kon Tum. Địch bị đánh lừa vội vã điều quân đến tăng cường cho thị xã Kon Tum và phòng ngự Pleiku.
Ông Tiến có mặt trong đại quân bí mật hành quân hướng về Buôn Ma Thuột. Chiến thuật nghi binh đã khiến địch sa chân vào bẫy. Buôn Ma Thuột thất thủ. Địch không còn cách nào khác phải quyết định rút hẹp phòng tuyến, bỏ vùng rừng núi, co quân về giữ đồng bằng ven biển và các đô thị lớn nhưng vẫn ôm mộng chờ thời cơ phản công chiếm lại Tây Nguyên.
Buôn Ma Thuột được giải phóng, địch thất thủ tháo chạy về Gia Nghĩa tạo nên sự hỗn loạn. Ông Tiến ngậm ngùi. Chiến tranh chẳng bao giờ là trò đùa. Trong những ngày ấy, trên đường di tản đã có biết bao gia đình tan tác. Mấy chục năm sau ngày giải phóng rồi mà vẫn còn những gia đình chưa tìm được con, vẫn có những đứa trẻ chưa tìm về được cội nguồn của mình. Tự nhiên ông thở dài. Bên cạnh ông, ông Mạnh khẽ gọi:
- Cậu nghĩ gì mà thần người ra vậy. Có nhớ ngày giải phóng Gia Nghĩa, bọn mình gặp nhau, gặp cả thằng Hùng, thằng Mạo. Mặt còn lem nhem khói súng mà nhận ra nhau reo ầm lên như trẻ con. Có ngờ đâu đấy cũng là lần cuối cùng được gặp chúng nó.
Ông Tiến nhìn ra ngoài xa để che giấu nỗi xúc động của mình. Những cựu chiến binh trên xe đang hát vang bài “Tiến về Sài Gòn”. Năm ấy, sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột, chớp thời cơ, Bộ Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam quyết định tiến công giải phóng thị xã Gia Nghĩa, đồng thời chặn đánh quân địch rút chạy từ Buôn Ma Thuột qua Gia Nghĩa về Lâm Đồng. 5 giờ sáng 23-3-1975, thị xã Gia Nghĩa và huyện Khiêm Đức hoàn toàn giải phóng. Quân giải phóng làm chủ đường số 14 nối Buôn Ma Thuột với Bình Phước, mở thông đường Hồ Chí Minh đoạn Nam Tây Nguyên đến miền Đông Nam bộ. Sau chiến thắng Gia Nghĩa, những cánh quân tiến về Sài Gòn, ông Tiến bất ngờ gặp ông Mạnh, ông Hùng, ông Mạo. Kể từ khi nhập ngũ đến nay mới gặp lại những người đồng hương cùng làng, những người bạn từ thời thơ ấu, các ông tay bắt mặt mừng. Đến giờ, vẻ mặt vui mừng của ông Hùng vẫn thường hiện về trong những giấc mơ của ông:
- Sắp giải phóng rồi. Tớ tin thế các cậu ạ. Chúng mình sắp được về với mẹ rồi. Tớ sẽ về cưới Hương nếu cô ấy còn chờ đợi tớ.
- Còn tớ - Mạo mơ màng, khi chiến thắng trở về, việc đầu tiên là phải chạy ra sông tắm một phát. Tớ nhớ con sông làng mình đến mơ ngủ cũng gọi tên như gọi người yêu.
Mạo vốn là một chàng trai lãng mạn. Cậu giỏi thơ văn, vẫn mơ ước hết chiến tranh sẽ đi học tiếp, trở thành thầy giáo dạy Văn và thành nhà thơ.
Vậy mà ước nguyện ấy chẳng bao giờ trở thành hiện thực. Hùng và Mạo đều hy sinh trước cửa ngõ Sài Gòn, ngay trước chiến thắng. Cô gái tên Hương giờ đã thành bà Hương vẫn sống một mình, thủy chung với mối tình son sắt. Dòng sông quê hương đã chẳng thể đón Mạo về, dùng dòng nước trong mát của mình gột sạch khói bụi chiến tranh cho cậu. Còn Mạnh đã gửi lại một phần thân thể của mình trên mảnh đất miền Nam ruột thịt mà các dân tộc đã phải chiến đấu suốt hơn hai mươi năm mới giành lại được. Sau này ông biết thêm về trường hợp hy sinh của Chiến. Sau giải phóng Buôn Ma Thuột, Sư đoàn của Chiến được giao nhiệm vụ thần tốc hành quân tiêu diệt địch trên đường số 7. Biết quân ta chốt chặn đường số 7, địch tổ chức lại lực lượng chống trả quyết liệt. Hiểu rằng nếu không giải tỏa được chốt sẽ bị tắc đường rút chạy, địch dùng xe tăng, thiết giáp và nhiều mũi bộ binh để tấn công, đồng thời gọi máy bay ném bom vào phía sau đội hình quân ta. Các chiến sỹ giải phóng vẫn kiên cường bám chốt, bẻ gãy tất cả các đợt xung phong của địch. Chiến hy sinh khi tiêu diệt xe tăng của địch. Đến giờ vẫn chưa biết Chiến nằm đâu giữa Tây Nguyên bạt ngàn sắc xanh.
Trên xe, những câu chuyện kể lại quá khứ đến hồi rôm rả. Hành trình dài từ Bắc vào Nam không thể khiến những người lính năm xưa mệt mỏi. Một người bắt nhịp, cả xe lại hát vang những khúc quân hành. Hát xong, người lính già bắt nhịp tếu táo:
- Nói chẳng phải khoe chứ nhờ giọng hát này tớ mới lấy được vợ các cậu ạ. Hết chiến tranh, một cánh tay gửi lại chiến trường, về quê, để đỡ buồn, tớ tham gia các hoạt động văn nghệ của địa phương. Ấy thế mà chả hiểu thế nào trong một đêm giao lưu, một cô giáo mầm non của xã bên lại mê mệt giọng hát của tớ. Thế là nên vợ nên chồng. Có với nhau 3 mặt con rồi mà nàng vẫn mê nghe tớ hát. Đêm mà tớ không hát vài câu lại khó ngủ.
Cả xe cười vang. Một người trêu đùa:
- Thế đi mấy hôm nay thì ở nhà ai ru bà ấy ngủ?
Người thương binh mất một cánh tay cười giòn:
- Lo gì, trước khi đi bà ấy bắt tớ thu âm vào điện thoại rồi.
Những câu chuyện cứ tiếp nối không dứt. Tiếng hát, tiếng cười rộn rã. Đường từ Tây Nguyên về thành phố mang tên bác giờ đã thông thoáng, rộng lớn với, xe cộ giao thương cả ngày lẫn đêm không ngớt. Xe dừng trước cổng nghĩa trang. Ông Tiến dìu ông Mạnh. Không khí bỗng nhiên trầm lắng hẳn.
Ông Mạnh bước những bước tập tễnh, ông lấy ra một chai rượu, rót ra một chén, rải xuống đất mời đồng đội về. Hương được thắp lên. Ai cũng cố kìm cảm xúc. Rồi tất cả vỡ òa khi có tiếng một ai đó nấc lên “Đồng đội ơi…”. Những cựu binh già tóc đã bạc màu sương gió, từng lăn lộn trên chiến trường, đối mặt quân thù mặt không biến sắc, vượt qua sự mong manh giữa sự sống và cái chết trong những năm tháng mưa bom lửa đạn giờ khóc như trẻ con khi nhớ về những đồng đội đã hi sinh. Cậu lái xe trẻ măng cũng không kìm được nước mắt.
Khói hương bảng lảng. Bầu trời vẫn cao xanh vời vợi.
Kết Thúc (END) |
|
|