Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Chuyện Chép Dưới Chân Núi Kẹ Tác Giả: Sưu Tầm    
    Nông trường chuyển sang trồng dứa, giao đất năm mươi năm cho công nhân, ông bà Thuân nhận năm héc ta. Hai ông bà với chín cô con gái, nay thêm một thằng rể, mai thêm một thằng rể, làm nhẹ như không. Mỗi năm dứa đem về cho ông bà bao nhiêu là tiền. Mua cái nọ, sắm cái kia, đổi nhà gianh thành nhà ngói. Ông bà Thuân xây được nhà ngói thì cả làng Kẹ nhà ngói cũng mọc lên san sát.
    Đùng một cái, người ta thu đất, bảo làm sân gôn (golf), đất năm mươi năm đương nhiên được đền bù, chỗ nào toàn dứa thì đền bù đất nông nghiệp, chỗ nào có công trình xây dựng, bất kể là xây dựng cái gì, đều được đền bù đất công trình. Vậy là người nọ rỉ tai người kia, mua gạch bi, vôi vữa về xây nhà coi dứa, xây bể tưới nước cho dứa. Gạch bi, vôi vữa, cát đá canh cách khắp cánh đồng. Ông Thuân nghĩ ra sáng kiến mua ống cống về làm giếng, cũng là để đựng nước tưới thì giếng hay bể có khác gì nhau, cánh đồng mênh mông thế này, núi Kẹ xa xôi thế kia, ai mà xuống kiểm tra đáy giếng. Làng Kẹ náo nức làm theo. Hơn một tháng, giếng mọc lên như nấm. Cán bộ địa chính đến xác minh đền bù, đi mỏi chân, đành đứng xa đếm, cứ lố nhố trắng là ghi sổ, ký tên rồi tính ra số tiền được đền bù.
    Người làng Kẹ nhìn thấy tên mình trên giấy, thấy tiền của mình trong sổ, thấy tương lai rờ rỡ trước mắt. Vậy là bao nhiêu vạt đồi màu mỡ bị bỏ hoang. Mà bỏ là đương nhiên. Dứa cắm xuống đất mười tám tháng sau mới cho lứa quả đầu tiên, ấy là nhà ai khéo chăm chứ vụng xử lý thì phải hai mươi, có khi hai bốn tháng mới có quả. Giờ trồng lên, quả chưa ra người ta đã lấy đất thì phí cả công lẫn của.
    Đàn ông làng Kẹ xưa nay mở mắt ra đã phải lên núi, vào rừng, xuống thung, giờ được ngồi gốc mít uống nước chè tầu bàn chuyện sân gôn. Những cánh tay cày cuốc cuồn cuộn gân cơ giờ thả sức vung lên chém gió phần phật. Những bắp chân sạm đen nắng gió giờ gác chữ ngũ ve vẩy hòa nhịp cùng cái đầu đầy những phát minh cấp tiến và đôi mắt hiếm khi nhìn xuống đất.
    Cứ như tính toán của các đấng bậc làng Kẹ thì sau khi sân gôn xây dựng xong, nhà nào có con giai con gái dưới hai lăm tuổi sẽ được tuyển vào làm nhân viên, lương tháng bằng vụ dứa, đời sau sẽ không ai phải bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Bố mẹ nhờ thế mà sẽ được ăn sung mặc sướng. Mà muốn vậy thì phải nói được tiếng tây. Các thế hệ trồng dứa ở làng Kẹ chỉ biết tiếng ta, giờ con cái họ phải biết thêm tiếng tây mới mong đổi đời. Cuộc đầu tư cho con em đi học rầm rộ mà ngấm ngầm trong các gia đình làng Kẹ, là vì nhiều lẽ, cả làng có hơn trăm thanh niên dưới hai mươi tuổi, chưa kể những cháu chưa học hết lớp chín, mà sân gôn chỉ tuyển bốn chục. Nhà này dè chừng nhà kia, nhà kia chê bai con nhà nọ. Bọn trẻ đang là bạn bè rúm rít bảo nhau học nhóm cho nhanh tiến bộ, giờ đứa nào lo thân đứa ấy. Các ông bố bà mẹ tiêm vào đầu con những ý nghĩ kiểu như "Chỉ chênh nhau nửa điểm mà đứa được đứa rớt"..., vậy là bọn trẻ được kích thích phải học ngày học đêm thậm chí có đứa thay vì cố gắng hơn bạn lại tìm cách để bạn phải thua mình... Những ông bố bà mẹ có con lớn hơn tuổi tuyển vào sân gôn cũng đua nhau đầu tư cho con học tiếng Anh, tin học, quản trị kinh doanh. Nghe nói, sân gôn sẽ thu hút các đại gia khắp thế giới đến ăn chơi. Vậy nên cứ học, không được tuyển vào sân gôn thì bán hàng ăn uống, cho thuê nhà nghỉ khách sạn, cho thuê phòng hát ka-ra-ô-kê, mát-xa thư giãn... giống như mấy khu ăn chơi trên phố. Ngồi mát ăn bát vàng là đây chứ đâu... Những phép tính và những con số trong cuốn sổ đền bù đưa người làng Kẹ trở thành đại gia hết giây lát này đến giây lát khác.
    Người làng Kẹ ăn dần khoản tiền đền bù trong sổ.
    Cỏ dại ăn dần từng vạt đồi màu mỡ dưới chân núi Kẹ.
    Bà Thuân đang quen đồng ruộng, ngồi ở nhà mãi thấy tù chân nên thi thoảng vẫn ra đồng, trồng luống ngô luống lạc cho vui.
    Đúng là làm cho vui! Chứ cứ như cách tính của mấy ông ruộng đất thì mỗi héc ta đền bù vụ sân gôn này cũng bằng trồng dứa dăm bảy năm... dăm bảy năm không cần làm gì mà tiền rủng rỉnh thì tội gì không hưởng thụ. Người ta làm quen với khổ thì khó chứ làm quen với sung sướng thì dễ hơn trở bàn tay.
    Các ngân hàng kéo về làng Kẹ chào mời cho vay tiền. Có tiền, tội gì không vay. Vay rồi phải nghĩ cách tiêu. Người xây quán cà phê, quán karaoke, nhà nghỉ, nhà hàng ăn uống. Người cho con học tiếng Anh tại chức, đại học quản trị kinh doanh tại chức...
    Hết bốn năm, làng Kẹ có hơn trăm cử nhân tại chức các loại. Sân gôn vẫn chưa xong, ông Tọ, nhà ngay sát đường vào sân gôn, lại khéo thăm dò, bảo “nó làm cái sân năm mươi tư lỗ nhưng mới làm có mười tám lỗ đã hết làng Cọ rồi, chẳng mấy chốc nó sẽ lấy đến làng Kẹ này thôi". Mỗi lần nghe ông Tọ nói, làng Kẹ lại hy vọng chứa chan.
    Cả làng Kẹ đợi
    Hết một vụ củ từ
    Lại một vụ khoai lang
    Lại vụ ngô rồi vụ đỗ
    Đàn bà làng Kẹ như bà Thuân không ít, chơi mãi cũng buồn tay. Người nọ nhìn người kia hào hển ra đồng cho vui. Ai thích trồng chỗ nào thì trồng, không phải ke hàng đắp lối, phân chia đất này của tôi đất kia của ông nữa...
    Không trồng dứa, hàng năm nông trường không hỗ trợ tiền sản xuất cho nông dân, nhưng không sao, số tiền hỗ trợ của nông trường có đáng gì so với số tiền đền bù đất làm sân gôn trong sổ của xã.
    
    Năm năm, hết một vòng đời của cây dứa, hàng trăm mẫu đất để mâm xôi, xấu hổ, cỏ tranh bò khắp. Giếng nước, bể nước, nhà bảo vệ còn loáng thoáng trong cỏ.
    Ông bà Thuân cũng giống cả làng Kẹ, tiêu hết tiền ngân hàng cho vay, sống èo uột đợi tiền đền bù trong sổ để đổi đời. Nhiều hôm đứng xáo lạc, bà Thuân nhìn cánh đồng thẳng cánh cò bay của mình cỏ mọc xanh um, tiếc chảy máu mắt. Thi thoảng bà làu nhàu cho mình mình nghe “Biết họ lâu lấy đất thế này thì ngày ấy cứ trồng dứa có phải tốt không”... Rồi bà không nghĩ nữa, mà trồng thật. Một mình làm không xuể, bà gọi con về giúp, nay đứa này mai đứa kia. Còn cái Thin, nài nỉ xin đi học cấp ba, hết cấp ba lại đòi đi đại học, chẳng biết có làm nên công trạng gì, nhưng mỗi tháng ngốn của bà hơn triệu bạc, đều như vắt chanh. Hết năm nhất, nó lôi một lũ bạn học cùng đại học về, ào ra đồng giúp bà ba ngày đẫy, đồng dứa của bà lên hàng lên lối, ngày xưa được mười thì giờ cũng được sáu bảy phần. Dứa chỉ cần trồng nhanh, hái nhanh, còn ngày ngày một mình bà túc tắc làm cỏ bón phân cũng được.
    Ông Thuân lê la khắp nơi dò la tin tức. Ông bảo bà chuẩn bị cho ít tiền, đi một chuyến lên Hà Nội, nghe đâu nhà thầu hết vốn nên chỉ xây cái sân mười tám lỗ, các khu đất chưa lấy đến có thể sẽ không lấy nữa. Ông tìm gặp người này người kia ở huyện ở tỉnh nhưng họ cũng u u minh minh, gặp ban quản lý thì không ai cho gặp, vậy nên ông phải ra trung ương hỏi xem sự thể thế nào. Ít nhiều gì thì các ông ấy cũng phải biết tình thực nó ra làm sao, giả sử cái ông nước ngoài không đầu tư nữa, không dùng đến đất nữa thì cũng phải có thông báo chính thức cho bà con còn canh tác chứ ai lại tắc trách thế này. Cả làng này có mình ông biết chữ, ông không đi thì ai đi...
    Ngày không ăn, đêm không ngủ, ông nằm nói với bà hết bực dọc nọ đến bực dọc kia. Ban ngày tối mắt với miếng cơm manh áo, ban đêm chong mắt nghe ông rao rảng lẽ ra chúng nó phải thế này, lẽ ra chúng nó phải thế kia. Bà không biết "chúng nó" là ai, có khi ông cũng không biết, nhưng ông cứ coi như "chúng nó" đang ngồi chồm hổm ngoài cửa buồng nghe ông dạy khôn. Bà Thuân im lặng nghe, bà biết phận mình một chữ cắn đôi không biết nhưng biết cách im lặng để thích nghi với ông chồng nhiều chữ. Thỉnh thoảng bà thở dài bảo “may mà tôi trồng khoai trồng từ"... "may mà tôi trồng dứa mới có tiền cho ông đi trung ương"... Bà nói vậy, chứ bà biết ông vẫn đang mải nghĩ "chúng nó phải thế này phải thế nọ" chứ có nghe bà nói đâu.
    * * *
    Bây giờ, bà Thuân ra đồng một mình. Nắng lên, dứa chín nhanh như nhuộm phẩm, không chặt kịp, nó chín nẫu ra. Mắt nhìn chăm chăm vào từng quả dứa nhưng ruột gan bà bồn chồn, không yên. Có lúc nó nóng ran từng cơn. Lúc nó xót như có ai trộn vào ruột cả tạ muối. Bà hít thở sâu, nén chặt hơi trong ngực rồi dè xẻn thở ra từng ít một. Bà sợ ai người ta nghe thấy tiếng bà thở, sợ hơi thở ám vào quả dứa, rồi người ta không thu mua nữa thì lấy gì mà ăn, lấy gì mà trả nợ. Mấy năm nay nông trường khó tính, họ săm soi từng quả để loại ra chứ không như vài năm trước, nhặt từng quả để nhập vào.
    Bà xốc ki dứa lên vai, cõng ra bãi tập kết, mồ hôi chảy thành dòng. Đầu óc quay quay như say nắng. Bà đứng im một lúc để lấy thăng bằng. Có vài đêm mất ngủ mà bà xuống sức. Bà mất ngủ là vì bà nhớ thằng cu Tầm. Ông Thuân đi vài hôm thì nó cũng đi. Bà không biết nó đi đâu, làm gì... nó còn bé vậy, có một mình thì đi được đâu...
    Thằng Tầm là con út. Ông bà cố mãi mới đẻ được nó. Tính nết chẳng giống ai, lúc bé ốm ngược ốm xuôi, cơm không ăn sữa không uống. Cô chị cả lấy chồng trên tỉnh mang về cho đủ thứ thức ăn Tây thức ăn Tàu, nhưng nó như quả ổi đù, càng bồi bổ bao nhiêu càng còi cọc bấy nhiêu.
    Thằng Tầm vào lớp một thì ông Thuân cuốn vào chuyện đơn thư kêu cầu cho làng Kẹ. Lũ con gái ngày xưa đi học, ông kèm đến nơi đến chốn, đứa nào dốt quá cũng học hết lớp chín mới được bỏ. Con bé Thin học khá hơn nên ông cho học đến đại học, vài tháng nữa nó mang cái bằng cử nhân chính quy duy nhất, xịn nhất về cho cả làng Kẹ ngước nhìn. Con gái lớn rồi đi lấy chồng thành con thiên hạ thì ông Thuân bảo ban dạy dỗ đến nơi đến chốn, có tí con giai như của để dành thì ông lại bỏ rơi, mỗi lần nghĩ đến đấy, bà Thuân lại ức nghẹn đến cổ. Mà cũng chẳng trách được ông ấy, cũng là do bà không rèn rũa được con, là do con hư tại mẹ. Có tám tuần đầu tiên thằng cu Tầm đi học thì bảy lần ông Thuân được cô giáo gọi lên gặp, chỉ vì cái tội nó hay cãi. Nó như con ngựa hoang, quát không được, nịnh không xong, ông Thuân điên tiết quát cô giáo “Tôi già rồi, cố lấy thằng con giai để nó hương khói, các cô dạy nó được chữ nào thì dạy, không thì tôi cũng có vài héc ta đất sắp được cả mớ tiền đền bù kia rồi, cày cuốc làm ăn cũng chẳng chết đói được”. Thêm vài lần mời mà ông Thuân không đến nữa thì cô giáo cũng yên lòng thực hiện đề nghị của ông, “nó học được chữ nào thì học”... Chồng buông tay vì mải việc làng chứ bà Thuân thì không, bà xót giọt máu bà mang nặng đẻ đau nên dù nó có thế nào bà cũng phải kiếm cho nó cái chữ. Vậy là ngày hai chiều đưa con đi học, bà xin cô giáo, kê dép ngồi cạnh chân bàn, lúc nào thằng Tầm mải nghịch không nghe cô giảng bài là bà bấm chân nó một cái. Lúc nó say sưa học, bà cũng lấy đá vẽ chữ xuống nền nhà. Thằng cu Tầm học hết lớp một thì bà Thuân cũng biết đọc biết viết.
    Cu Tầm lên lớp ba thì bà không học theo nó được nữa. Bà Thuân còn nhớ cái buổi trưa cách đây vài hôm, nó đi học về phụng phịu khóc. Bà hỏi mãi nó mới nói “Tại mẹ dạy con làm toán sai nên cô giáo đánh con”. Bà chỉ bảo “Thôi lần sau con nghĩ sao thì làm vậy, mà có sai thì cô dạy lại cho đúng, lần sau cứ vậy mà làm...”. Bà chưa dứt lời nó đã khóc ấm ức “Nhưng mà con chả phục, con làm chả sai”. Hóa ra, tối hôm trước, thằng bé mang bài toán ra hỏi mẹ, “Bạn Hoa đi học về lúc mười bảy giờ, bạn Hồng về lúc năm giờ chiều. Hỏi bạn nào về trước". Bà còn đang nghĩ chưa ra thì nó đã bảo "Con làm là hai bạn về cùng nhau vì cùng là năm giờ, mười bảy trừ mười hai bằng năm, đúng không mẹ”. Từ lúc nó đi đến giờ, bà nhớ nó, nhờ mồn một từng lời nó nói, từng việc nó làm, từng ánh mắt nó nhìn, từng cái ngón tay nó quệt mắt, nó làm ruột gan bà lại quặn lên từng cơn. Bà còn nhớ rõ nét mặt nó lúc ấy hớn ha hớn hở như vừa tìm thấy tổ chim cu trên mái nhà, liền trả lời ngay cho con vui, “Ừ đúng rồi đấy, con giai mẹ giỏi nhỉ", vả lại, từ bé đến giờ bà chỉ thấy cái đồng hồ có mười hai giờ chứ chưa thấy cái đồng hồ mười bảy giờ bao giờ. Ai ngờ cô giáo lại bảo nó sai, phải làm thế này mới đúng, rằng thì là “Hai bạn về cùng lúc vì cả hai cùng về nhà lúc mười bảy giờ, phải lấy mười hai cộng năm bằng mười bảy”. Thằng bé bị trừ điểm, đứng lên cãi, bị cô quát nên tức quá, khóc từ trường đến nhà. Bà nịnh nó ăn cơm, nó không chịu ăn, bỏ ra đường chơi bi. Vậy là nó đi miết.
    Đi đến giờ chưa về.
    Bà tìm khắp làng trên xóm dưới không thấy, điện thoại cho ông Thuân thì ông ấy bảo “Tôi đang bận việc, chưa về được, chắc nó theo mấy đứa vào Thung Lang bắt rắn đấy mà, vài bữa là nó về, con nhà rừng, tôi cho nó theo tôi vào núi từ lúc nó biết đi cơ mà, nó không lạc đường đâu mà sợ, tám tuổi rồi còn gì, bằng tuổi nó tôi đã gánh củi mòn vai rồi”.
    Bà Thuân ngồi dưới gốc cây trẩu già, nhìn cánh đồng dứa đang vàng dần từng mảng. Vụ này làng Kẹ trồng dứa trở lại, quả nhiều, nông trường không mua hết, bán ra ngoài cho người ta ăn thì rẻ như tro. Bà cố chặt vài hôm, đủ số tiền vay cho ông Thuân đi trung ương, còn thì bán rẻ cũng được, ai người ta mua về còn ăn được, chứ đòi giá cao, không ai mua, để nó thối đi thì phải tội.
    Cõng thêm được ba ki dứa nữa thì bà Thuân thấy đầu óc choáng váng, chân tay rủn ra từng đốt. Trong tai như có đàn ong bò vẽ kêu râm ran. Biết sức mình đuối, bà quay về, đến gần nhà ông Tọ thì ngất xỉu. Bà Tọ vắng nhà, ông Tọ sợ mang đàn bà lạ vào nhà người ta điều tiếng, gần sáu chục tuổi rồi mà còn để đàn bà làm vấy bẩn thì còn ra làm sao, vậy nên ông mặc kệ bà nằm đó, vừa lấy dầu xoa vừa lẩm bẩm "cứ để chồng nó đi kiện cho lắm vào..." Nói vậy nhưng ông cũng pha cho bà cốc nước đường với củ gừng tươi, vẫy một cô gái đang đi ngoài đường, nhờ cô ấy cho bà Thuân uống.
    Chiều tối, ông Thuân về đến ngõ đã oang oang:
    - Bà nó có nhà không? Tôi gặp được các anh trung ương rồi nhá, ngày mai ngày kia họ cử đoàn thanh tra về làng Kẹ làm việc.
    Thấy nhà cửa im ắng, ông ra bể rửa mặt rồi vào nhà, cởi áo treo lên móc. Ông khép cửa lại rồi phăm phăm sang khoe thành tích với ông Tọ. Từ hồi có tin đồn sân gôn không mở vào làng Kẹ đến giờ, nhà ông Tọ thành điểm tụ họp của đàn ông, từ già đến trẻ.
    Cái tin ông Thuân đi "gặp các anh trung ương" về lan nhanh đến nỗi ruồi không có chỗ đậu. Là bởi vì ông Thuân ngồi chưa ấm chỗ, cốc nước vối trên tay chưa kịp nguội, thì nhà ông Tọ đã chật kín người. Ai cũng muốn đến nghe trực tiếp xem ông Thuân nói sao. Rồi câu chuyện của chính ông, khi kể cho mình ông Tọ thì "các anh trung ương hẹn vài hôm nữa về xem cụ thể thế nào" nhưng đến lúc người làng đến đông chật cửa, ông nói đi nói lại đến hàng chục lần thì lại là "tôi gặp cả chủ tịch nước, bác ấy bảo, vài hôm nữa sẽ về xem sao, chứ ai lại để làng Kẹ thiệt thòi thế được, mình đang muốn dân giàu cơ mà"... Ông Thuân không quên kể lại từ khuôn mặt, cử chỉ đến lời nói của ông chủ tịch giống như hình ảnh ông nhìn thấy trên ti vi.
    Trăng quá đỉnh đầu ông Thuân về đến nhà, người châng lâng trong cơn hưng phấn tận cùng. Lớn tiếng gọi:
    - Mẹ thằng cu Tầm đâu rồi, biết bố nó về mà không đi tìm phỏng. Cả làng người ta đón tôi mà chỉ thiếu bà thôi đấy, thiếu bà thì đời tôi còn có cái nghĩa lý gì...
    Nói xong, ông Thuân phừng phừng lên mặt. Mới đi thủ đô có mấy ngày về mà ông đã biết nói văn hoa.
    Nhà im ắng như nhà hoang. Bóng điện trong buồng hắt ra vàng vọt. Ông Thuân lại gọi:
    - Tầm ơi, Tầm, mẹ con mày đi đâu cả rồi?
    Không có tiếng trả lời. Chỉ thấy đàn lợn đột nhiên rống lên, như thể nó đang đói nghe thấy tiếng người xốc cám, chen nhau đòi ăn.
    Ông vào buồng. Bà vợ nằm sóng xoài trên nền đất, một tay với ra phía cửa, chân tay lạnh ngắt, hơi thở thoi thóp. Ông Thuân hốt hoảng kêu cứu rồi pha nước đường cho bà uống, đỡ bà lên giường nằm, đun nước sôi trần lòng đỏ trứng gà cho bà ăn. Ông biết mỗi khi kiệt sức, bà chỉ cần cái lòng đỏ trứng với vài hạt muối là hồi lại.
    Tỉnh lại, bà nhìn ông, nước mắt ngân ngấn: "Ông tìm thằng Tầm về cho tôi chưa?". Ông Thuân trấn an bà bảo: "Bà cứ yên trí, nó đi chán chân nó sẽ quay về. Trẻ con làng Kẹ này bảy đứa thì ba đứa đi hoang từ khi vắt mũi chưa sạch. Khắp triền đồi này còn chỗ nào xa lạ với chúng đâu mà sợ. Cũng chẳng biết được, khéo nó theo lão Đóm vào núi vàng săn sơn dương, dăm bữa nửa tháng rồi về, đi cho dạn dĩ, chứ ở quanh ở quẩn cái làng này thì bao giờ nhìn ra được khỏi chóp đất kia"...
    Nói vậy, nhưng mờ sáng hôm sau ông đã gõ cửa nhà từng đứa trẻ con hay chơi với thằng Tầm, hỏi từng chỗ nó hay đến chơi, tìm từng góc làng Kẹ. Chiều muộn, ông lại ghé vào nhà ông Tọ, rồi chuyện sân gôn lại cuốn ông đi.
    Nhập nhoạng tối, cô Thin khệ nệ xách ba lô về, mặt xị như bánh đa ngâm nước. Bà Thuân đã dậy nấu cơm quét nhà được, ngẩng đầu lên hỏi:
    - Được nghỉ hè rồi cơ à cô cử nhân?
    Thin không trả lời mà lại hỏi:
    - Con về đến đầu làng thấy họ bảo đêm qua mẹ ngất à?
    - Ừ, nhưng khỏi rồi.
    Bà Thuân trả lời rồi dựng chổi góc nhà, ngồi xuống ghế. Đúng là bà không quá khỏe nhưng được cái dẻo dai, từ bé đến lớn chả ốm bao giờ, mấy lần chửa đẻ, bị tụt huyết áp cũng chỉ cần cái lòng đỏ trứng gà là khỏi, mấy hôm nay bà làm nhiều mà ăn thì nuốt không trôi nên kiệt sức. Nhìn cô con gái ngời ngời trước mặt, bà yên lòng. Nhưng nó cúi đầu, bước vào nhà trong, dáng đi uể oải rời rã như người mới ốm dậy, bà hỏi lại:
    - Mày cũng mới ốm dậy hả con, hay học vất vả quá mà mẹ thấy mày mệt mệt là...
    Thin không nói gì, vào buồng, nằm dài ra giường, bà Thuân lại bảo:
    - Say xe à, nằm tí rồi ra rửa mặt còn ăn cơm.
    Dọn cơm xong, không thấy con gái dậy, bà Thuân vào buồng thấy con gái nằm khóc rưng rức. Bà ngồi xuống một bên, giật mình khi nhìn vạt áo hoa của con tốc lên trên rốn, cái bụng trắng lùm lùm hằn rõ vết thâm chạy dài từ rốn xuống qua cạp quần, bà nghèn nghẹn:
    - Sao thế này hả con, mày...
    Thin khóc nức lên, úp mặt xuống gối:
    - Con có thai bốn tháng rồi mẹ ạ. Anh ấy làm quản lý ở sân gôn. Năm ngoái về nghỉ hè con gặp. Con định bảo vệ tốt nghiệp xong là cưới, nhưng năm nay công ty điều anh ấy sang nước ngoài rồi. Anh ấy bảo chưa biết bao giờ mới về...
    Bà Thuân ngồi như hóa đá bên cạnh cô con gái trắng xanh mà ruột gan rách ra từng đoạn. Lâu lắm bà mới cất được một câu:
    - Một con người bằng mười con của, thôi, dậy ăn uống đi còn lấy sức mà sống.

Kết Thúc (END)
Sưu Tầm
» Vẫn Biết Rằng
» Lời Tình Không Dám Nói
» Dạ Khúc Tình Yêu
» Tìm Chút Ân Tình
» Thà Rằng
» Lời Cuối Cho Anh
» Mảnh Tình Sầu
» Cho Tôi Xin
» Đom Đóm Và Giọt Sương
» Cho Cuộc Tình Lỡ
» Khóc Cho Kỷ Niệm
» Một Thoáng Yêu Đương
» Khóc Cho Những Cuộc Tình
» Người Ấy
» Con Trai VS Con Gái
» Thư Bố Gửi Con
» Ba Giỏ Khoai Lang
» Crazy Fan!!!!
» Vở Kịch Câm Và Chai Nước
» Mơ Xuân
» Tiêu Sầu
» Ly Hôn
» Con Trai Của Vova
» Thổn Thức Dây Tơ
» Vẫn Chưa Đâu 1