Bí Danh:
Mật Mã:
Đăng Ký / Register
Tên Truyện   Tác Giả   Truyện hay Tác Giả
VietSingle - Tìm Bạn Chat - Trò Chuyện Hát Karaoke Xem Phim Video Nghe Nhạc Music Nấu Ăn Truyện & Thơ Từ Điển
Mục Lục
Nghe Truyện Ngắn Audio
Nghe Truyện Dài Audio
Nghe Truyện Ma Audio
Truyện Cổ Tích Video
Học Sinh Cười
Truyện Cổ Tích
Truyện Cười
Truyện Dài
Truyện Học Trò
Truyện Kiếm Hiệp
Truyện Ma (Kinh Dị)
Truyện Ngắn
Truyện Quỳnh Dao
Tất Cả Thi Sĩ
 
Truyện Ngắn » Sướng Khổ Một Đời Tác Giả: Thanh Thản    
    Những năm tám mươi của thế kỷ trước, ông Lương Văn Thực là cửa hàng trưởng công ty lương thực huyện chuyên việc thu mua thóc gạo. Dạo ấy ông mới ngoài bốn mươi tuổi. Người ông thấp, đậm, hàm én bạnh ra, râu ria lún phún, mắt hít, hay nháy liên tục.
    Ấy thế mà cũng có ối người khen là phong độ, quắc thước?! Chân ông lại đi vòng kiềng, vạt tép càng tạo thêm cho ông cái dáng khệnh khạng, đầy uy quyền. Có người bảo cái ông chuyên đi thu mua thóc gạo như mấy bà hàng xáo ở làng ta thì có uy quyền đếch gì. Nhưng thực tế thì ông lại có. Mạnh vì gạo, bạo vì tiền. Thời ấy thương nghiệp, lương thực, thực phẩm lên ngôi. Những người cao tuổi còn nhớ như in. Cán bộ lúc ấy được mười ba cân gạo tháng, thế mà cũng phải mất hai ba lần đi đong. Sổ gạo xếp hàng chồng cao. Chờ đến lượt có người phải mất cả ngày. Hôm nào bận không đi sớm được là phải nhờ người quen cầm đi hòn gạch xếp xí chỗ. Mỗi lần được đong ba, bốn cân gạo cũng phải mất một nửa là khoai, sắn khô hoặc hạt bo bo. Hôm nào được cân mì bột đã sướng. Các cửa hàng gạo thì xếp hàng dài như học sinh vỡ lòng xếp hàng vào lớp. Khi cô nhân viên gọi lại phải lên tiếng thật to, ai lí nhí là bị các cô ấy mắng cho xơi xơi, chả nể...
    Đi mua thực phẩm cũng vậy. Phiếu ưu tiên rõ ràng mà cũng toàn thịt bụng bầy nhầy. Nhiều người bỏ phiếu mua thực phẩm, mua đường sữa là chuyện thường.
    Lại đến cái anh thương nghiệp. Nhà có cưới xin mua cây thuốc lá dù là Trường Sơn, Tam Đảo... cũng phải qua bao nhiêu cửa. Săm lốp, xích líp xe đạp, đến đoạn dây chun, cái áo may-ô, đôi dép nhựa... công đoàn cũng phải họp bình xét hàng buổi. Thời ấy đã có nhiều câu chuyện, câu ca cười ra nước mắt. Nào là nói về việc phân phối áo may-ô thì: "Bắt phanh trần phải phanh trần/ Cho may-ô mới được phần may-ô". Chuyện lốp xe đạp lấy dây cao su quấn đến mấy vòng thì được gọi là "xe cố vấn".
    Trong khi đó, người ở cửa hàng lương thực, thực phẩm thương nghiệp thì chả thiếu thứ gì. Hàng tốt thì phân phối nội bộ, hàng ế ẩm trong kho thì đưa vào diện "cung cấp", "phân phối", sức giấy về các cơ quan thế là hết bay. Còn phải cám ơn nữa. Ai cũng mơ được vào làm các ngành ấy, dù chỉ là chị coi kho, anh cung ứng vật tư... cũng sướng. Mà nào có dễ, trừ những người thuộc loại "năm xê" (con cháu các cụ cả).
    Lắm lúc nghĩ lại, có nhiều người rùng mình bảo "Không có công cuộc đổi mới của Đảng thì bao cấp còn kéo đến bao giờ, nhiều người còn khổ đến bao giờ".
    Những năm ấy ông Thực nổi tiếng là một tay chơi, biết chơi. Ông thường cho anh em chở hàng yến, hàng tạ gạo đến các nhà "sếp" trên. Gạo thì toàn loại ngon, loại thượng hảo hạng. Như thế các "sếp" trên còn nói gì ông nữa. Họ kệ, ông làm gì thì làm nên ông mới khệnh khạng, giương oai. Ngày ấy có câu ca về bốn cái nhất là "Nhà ông Kiên, tiền ông Mạo, gạo ông Thực, ngực cô Son" mà đến giờ nhiều người vẫn còn nhớ.
    Công ty ông ngày ấy là một đơn vị có tiếng nhất toàn diện. Nào là phong trào Bổ túc văn hoá lúc nào cũng nhất huyện, các đoàn về kiểm tra lần nào cũng xếp hạng tốt. Ra về mỗi vị lại được vài yến gạo ngon đèo khệ nệ sau xe. Phong trào thể dục thể thao của ông cũng có đủ các đội bóng chuyền nam, nữ, đội bóng bàn, điền kinh, bơi lội. Toàn là những nam thanh, nữ tú. Đến phong trào văn nghệ ông cũng nhất. Ông cho thành lập riêng một đội, tới mười lăm người, người nào cũng đẹp như hoa khôi, hoa hậu, hát thì hay như Bích Liên, Thu Hiền. Các em thì đa phần do ông tuyển chọn. Các buổi tập văn nghệ hầu hết ông đều có mặt, nhất là buổi tối. Ông lại hay trực tiếp cầm dùi trống, đứng bắt nhịp, lại còn cầm tay các em uốn nắn từng động tác. Ông còn tự sáng tác thơ ca cho đội tập. Nhiều sáng tác của ông như "Bài ca công ty lương thực thân yêu", "Lời ca hạt gạo", "Bài ca thu mua"... Tuy cấu tứ lủng củng, vần vèo xộch xệch mà các em cứ tranh nhau trình bầy thể hiện. Ông còn đem đâu về vở kịch "Hạt gạo vàng" mà ông bảo do ông sáng tác cho đoàn tập, diễn. Ai cũng bảo nhất lé, nhì lùn. Ông ấy vậy mà khôn, lại giỏi, tài hoa...
    Chuyện vui nhất ở ông còn là chuyện mỗi dịp lễ tết hay sinh nhật ông là ông bắt mọi cán bộ từ anh đại học đến chị mới phổ cập cấp một, ai cũng phải làm thơ. Thơ ca ngợi công ty, thơ mừng sinh nhật ông. Ai làm hay, làm nhiều có thưởng, ai không có thơ thì phạt tiền trừ lương. Nhiều người nhăn nhó kêu khổ hơn đi làm. Chỉ cánh nhà thơ vườn nhà gần công ty là vớ bẫm. Mọi người cứ nhao nhao ra mà đặt thơ. Mỗi bài mười đồng. Tiền trao cháo múc. Bài nào cũng hàng hàng châu ngọc, lời lời gấm thêu. Có người "rặn" ra đến hai chục bài, thế là vài trăm đồng như chơi, bằng mấy tháng lương công nhân viên lúc ấy. Ai cũng vui. Những kỳ như vậy ông chỉ có việc ngồi vắt chân chữ ngũ, mắt lim dim, miệng phì phèo điếu thuốc mà nghe thơ ca tán tụng.
    Công ty ông thì suốt ngày tấp nập. Đến những ngày chủ nhật cũng có đoàn khi thì cấp trên xuống, lúc thì khách huyện bạn sang giao lưu bóng chuyền, bóng bàn rồi thưởng thức văn nghệ. Xong buổi lại gắp rót, tiệc tùng, bia bọt, đặc sản lươn, cua, ốc, ếch, dê núi, thịt rừng... Thế nào ông cũng bao hết. Vài tấn, chứ đến vài chục tấn gạo ngoài sổ sách cũng xong. Ô kê! Chuyện nhỏ! Các em văn nghệ, thể thao thì cứ ngày một phổng phao lên trông thấy. Có cậu tập văn nghệ vừa gõ phách vừa nghêu ngao hát: "Các em xinh hề. Người người béo tốt. Trăm người như một. Lãnh đạo (nuôi) giỏi hề!...". Ông nghe thấy lại càng khoái...
    Trong khi đó công nhân viên lương thấp hoặc chậm lương thì ông bảo còn sướng chán, ngoài kia cán bộ còn phải đong gạo hẩm, gạo mốc đấy.
    Ông có một bà vợ ở quê, lớp người răng đen, đầu chít khăn mỏ quạ, váy xắn quai cồng, là người "Nhà nàng ở cạnh nhà tôi...". Bà đã cho ông ba mặt con, nhưng rặt một "xê-ri vịt giời". Ông bị người ta trêu là "Đếch biết.. đẻ". Ông tức lắm. Bắt bà ấy đẻ nữa sợ cũng thế. Nhưng cái chí quyết có "thằng chống gậy" thì ông chưa chịu lùi. Chuyện ấy với ông không khó. Dạo còn trẻ mới lên Cửa hàng Phó ông đã em nọ em kia ối ra rồi. Huống chi trong tay ông lại có cả hàng tá các em xinh đẹp, mơn mởn. Hơn nữa ông lại sẵn có trong người nhóm máu "thứ tư". Thế là ông lại quyết nhưng có chọn lọc hơn. Vậy mà cái cô hành chính văn thư và cô kế toán cận kề lại cũng cho ông nối thêm nhãn hiệu "Máy khâu ba bướm". Ông điên lắm. Để gần ngứa mắt, ông liền cho hai cô "bay" luôn xuống cửa hàng lương thực tít xã cuối huyện. Rồi đến cô thứ ba thuộc loại "Nghệ sĩ ưu tú" của đội văn nghệ, người có chồng đi làm xa thì ông phơi phới hy vọng vì thấy cái bụng cô nó gòn gọn, lại nghe cô ấy bảo "Thằng này nghịch lắm, đạp liên tục". Ông chiều cô hết ý. Công ty có người biết nhưng cũng phải im re. Nói ra sợ ông cho lên bờ xuống ruộng như chơi. Chớ dại mà mó dái ngựa. Thế rồi sau chín tháng mười ngày ông cũng biết được kết quả. Hôm có tin ở bệnh viện về, biết lại cũng một "mã ngạch" thì ông muốn ngất xỉu.
    Vậy mà ông vẫn chưa chịu. Ông còn đang sung sức, còn được nhiều em "khen"...
    Một lần về dự đám cưới của một cán bộ công ty ở một làng nọ, có một cô gái chừng mười chín, đôi mươi lên hát. Ông ngồi cứ há hốc miệng nghe và ông lại thấy trong người giậm giật. Cô ấy đẹp lắm. Người cô đẫy đà, săn chắc. Mái tóc cô dài, xanh mướt. Đôi mắt cô lúng liếng, đôi môi cô tươi rói cứ như hút hồn ông. Ông vừa ngắm lại vừa tự nhận xét. Thật là một con nái tốt. Mông ngực nở nang, háng rộng, lưng ong. Loại mắn đẻ! Cô ta tên là Phượng. Cuối buổi ông bảo tay cán bộ gọi cô đến cho ông gặp. Ông chớp chớp mắt khen:
    - Cô hát hay lắm... Anh là Cửa hàng trưởng Công ty chú rể đây. Công ty anh có một đội văn nghệ nghiệp dư... Cô về đội văn nghệ anh nhá! Anh sẽ lo cho hết, cả đến chuyện vào biên chế và đi học chuyên môn nữa...
     Cô gái cảm động. Cô cất giọng thỏ thẻ như chim oanh, chim yến:
     - Dạ, cháu cám ơn chú... để cháu hỏi ý kiến bố mẹ cháu đã...
     Ông cười tươi rồi xì giọng một cái thân tình nói:
     - Hừ... chú cháu gì... anh còn trẻ mà... Nếu bố mẹ không nhất trí thì để anh nói cho... mai về luôn nhé! Trông dáng "Nghệ sỹ ưu tú" thế mà không làm văn nghệ nó phí đời đi!...
     Mấy hôm sau ông liền cho xe con xuống đón Phượng luôn. Về công ty Phượng được ông đệm thêm cho một tiếng Kiều nữa là Kiều Phượng. Ý ông muốn nói Phượng đẹp như Thuý Vân, Thuý Kiều. Phượng về đội văn nghệ công ty son phấn, lụa là vào càng đẹp gấp bội phần, làm ông càng say với văn nghệ hơn.
     Nhưng Phượng cũng là một cô gái khôn ranh. Khi về nghe chị em thì thào, kín kín, hở hở chuyện này chuyện nọ, rồi nghe cái anh hay gõ nhịp phách hát: "Cá cắn câu biết đâu mà gỡ... Chim vào lồng biết thuở nào ra...." thì Phượng đã tính cách đề phòng. Vậy mà có người còn nói bâng quơ "Chả thoát nổi đâu...". Ở đội văn nghệ có một cậu đẹp trai, hát hay, đóng vai giỏi nhất, hơn Phượng ba, bốn tuổi hay cặp kè hát song ca với Phượng, trước ông vô cùng quý mến bỗng trở thành người ông ghét nhất. Ông muốn đẩy cậu ta đi nhưng chưa có cách...
     Nhiều buổi tối tập văn nghệ xong, ông còn hay gọi Phượng lên phòng lãnh đạo "Bảo cái này...". Ông hay ép Phượng uống bia, mà Phượng thì chỉ nửa lon bia ngoại là đã say lử chẳng biết ông làm gì nữa. Đến khi tỉnh dậy thì mọi sự đã rồi. Lúc đưa Phượng ra đến cổng thấy cậu ta đứng đợi Phượng, ông lại càng ghét.
     Đến khi thấy Phượng ậm oẹ hay ăn vụng của chua thì ông mừng ra mặt. Ông lén đưa táo, đưa xoài cho Phượng luôn.
     Giữa lúc mọi phong trào đang lên như vậy thì Đảng, nhà nước có chủ trương xoá bỏ bao cấp, chuyển sang cơ chế hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa... Ông bỗng thấy lo trước thời làm ăn mới. Rồi lại có tin rằng ông sắp được đề bạt lên làm Phó Ty lương thực tỉnh. Ông mừng, nhưng bỏ công ty ông cũng tiếc. Đầu gà hơn đuôi voi. Vốn là người ích kỷ, ra đi, ông không muốn cái cơ ngơi này người khác thừa hưởng. Bao nhiêu thành tích là công sức của ông. Cũng là để cho thiên hạ thấy rằng thủ trưởng nào phong trào ấy, chỉ có ông mới làm được như vậy. Nhiều khi ông thức gần trắng đêm, vắt tay lên trán suy nghĩ rồi ông quyết định cho nó đi theo ông. Chứ thế nào mà chả đến tay Cửa hàng phó. Tay ấy thì ông chúa ghét. Làm anh phó thì một là phó phò, hai là phó mặc. Ông ta không biết điều lại còn tỏ ra là thẳng thắn, liêm khiết, dám nhiều lần khuyên nhắc ông chuyện này chuyện nọ. Có lần còn dám phê bình ông ngay trong cuộc họp của chi bộ. Rồi cái chuyện riêng của ông với các ả, bao nhiêu người biết cũng phải lờ đi, vậy mà ông ta thì cứ dòm dòm, ngó ngó..
     Xoá bỏ bao cấp thì công ty cũng không còn sức mà bao văn nghệ, thể thao nữa. Ông vỗ bụng cười sằng sặc như tiểu nhân đắc ý khi tìm ra cái lý chính đính ấy. Nghĩ và làm là thế mạnh của người có chức, có quyền như ông. Thế là một hôm ông cho triệu tập đầy đủ đội văn nghệ, đội thể thao lại tuyên bố giải tán. Ông phó cũng mừng vì thấy lâu nay công ty phung phí quá nhiều về những trò "vui chơi có thưởng", về những thành tích mua, thành tích rởm ấy. Anh chị em thì ngán ngẩm vì bao nhiêu lời hứa tốt đẹp của ông đã tan tành mây khói.
     Cuộc sống trăm đường mưu sinh, ai đâu lại về đấy. Nhưng riêng với Phượng thì ông thực sự ngậm ngùi, thương cảm. Ông đã tính kéo Phượng về trên Ty, nhưng nghe nói ông Trưởng Ty mới nghiêm khắc, mẫu mực lắm nên ông chưa dám. Ông cho Phượng rất nhiều tiền, nhưng Phượng không nhận.
    * * *
     Thoắt vậy mà đã hai mươi năm. Bây giờ ông Lương Văn Thực chỉ còn là một ông già hưu về làng. Ba con vịt giời thì đã bay đi ba ngả theo chồng, mà đứa nào cũng giầu có cả nên chúng chẳng cần đến tiền của của ông. Ông thì nhà cao cửa rộng, của chìm của nổi còn ối, ăn sao hết. Suốt ngày hai vợi chồng già thui thủi, hiu hắt. Căn nhà cứ lạnh như nhà mồ. Xưa sao phong gấm rủ là... Giờ thì sao mà buồn thế! Người đâu hết cả. Chẳng còn ma nào đến với ông. Ông hay kêu có ai khổ như ông không. Thật là nhà giầu cũng khóc! Đêm đêm cứ hễ chợp mắt là ông lại mơ. Ông mơ về những năm tháng hoàng kim xưa, thời đồng tiền, bát gạo bao cấp nuôi ông. Sao mà sướng!
     Nhiều người thương cho ông cảnh vắng con cháu, tuổi già cô quạnh. Có người còn nói kháy ông là "một mề" nhưng ông chỉ cười. Cũng đã có nhiều lần vịn chén rượu ông cất nhời chởi đổng tạt theo gió:
     - Mẹ cha đứa nào chứ... cứ chê là ông "dốt"! Được, rồi có lúc ông sẽ đem "thằng chống gậy" của ông về cho mà biết tay...
     Ấy là những lúc ông lại nhớ đến Phượng. Ông cũng biết, sau ngày ấy Phượng lên làm ở một Lâm trường trên Tây Bắc và đã có một thằng con trai đầu với ông? Chuyến này nhất định ông phải lên với Phượng mà xin nó về. Nó là máu mủ, là ruột thịt của ông. Nó phải về với tổ tiên của nó. Lúc ấy thì còn đứa nào dám mở miệng mà chê ông là "cây không cành"! Ba cô kia không đem lại kết quả gì cho ông thì ông cho "đi tầu suốt" luôn, không mảy may rung động. Ông chỉ hy vọng ở Phượng thôi. Đắn đo mãi rồi ông quyết định nói với bà. Bà Thực chả nói gì. Bà còn giận ông, từ ngày lên làm Cửa hàng Trưởng, ông có đoái hoài gì đến bà đâu. Lúc nào ông cũng bảo "Bận đại sự quốc gia" nên ít về nhà. Có hôm đáo qua về, ông lại cũng nằm một mình, sáng dậy đi sớm. Vì vậy khi nghe ông nói, bà chỉ im lặng. Ông muốn làm sao thì làm. Cũng có điều bà thấy vui vui. Thế là ông ấy vẫn còn có phúc, có hậu...
     Thấy bà mặc kệ nên ông quyết ra đi. Ông xem lịch chọn ngày tháng tốt rồi kéo anh cháu con chú em cùng đi...
    Qua hai ngày tầu xe chen chúc, cuối cùng bác cháu ông cũng hỏi thăm được đến Lâm trường nọ. Đến cổng Lâm trường ông đã gặp ngay nhà Phượng. Nhà Phượng nằm ở chân dốc. Một ngôi nhà mái bằng hai tầng, tường cao, cổng kín, xung quanh cây trái xum xuê.
    Ông vừa bấm chuông thì đã có một người đàn bà lẹp kẹp kéo dép bước ra. Ông nhận ra ngay là Phượng. Phượng vẫn còn khá trẻ, khá đẹp. Mới ngoài bốn mươi chứ mấy. Gặp lại Phượng ông mừng rơn. Anh cháu nhìn ông bác già run rẩy vội quay mặt, giấu đi một nụ cười.
    Thấy ông, Phượng nhìn chằm chằm rồi reo lên:
    - Kìa anh... Anh đi đâu mà lên được đây?... Hay đi thăm quan à? Hơn hai mươi năm rồi đấy nhỉ?... Mời anh và cháu vào nhà...
     Bác cháu ông theo chân Phượng vào nhà. Ông lại lặng lẽ ngắm mấy gian nhà Phượng. Tiện nghi khá đầy đủ, có phần sang trọng. Thế là cũng mừng cho cô ấy. Rồi ông quay nhìn Phượng. Lòng ông lại bỗng thấy giậm giật, thấy bùng lên một nỗi khát khao. Giá không có anh cháu ở đây thì có lẽ ông đã nhào đến mà ôm chầm lấy Phượng cho bõ nhớ thương rồi.
     Như thoáng nghĩ điều gì đó, ông vội lật đật rút tiền đưa cho anh cháu bảo ra phố mua giúp cho ông bao thuốc lá. Biết ý, anh cháu đứng dậy bước đi liền. Ông quay nhìn Phượng hỏi khẽ:
    - Có ai ở nhà không em?
    - Dạ, anh ấy nhà em giờ là Phó Giám đốc Lâm trường, về Hà Nội họp từ hôm qua...
    - Thế mấy con rồi?
    - Dạ, hai... Thằng lớn đi học đại học, con bé học cấp ba, chưa về...
     Mắt ông vẫn dán vào Phượng. Miệng ông tóp tép... Ông như muốn đứng dậy đến với Phượng. Nhưng nghĩ sao, ông lại thôi mà ông chỉ nghiêm giọng nói:
    - Phượng... Chuyến này anh muốn lên xin cô chú... cho thằng con anh nó về với anh, với dòng họ của nó...
    Phượng bỗng trừng mắt, như lườm:
    - Con nào?... Con nào của anh?...
    Ông kêu lên:
    - Phượng... đừng!... đừng thế... nó là con anh mà!...
    - Tôi... - Phượng bỗng chuyển thoắt sang xưng tôi và gọi ông là ông - Tôi, tôi nói thực với ông nhá... Thằng ấy không phải là con ông đâu...
    -...Thế... đừng... anh xin em...
    - Thế thế gì?... ông ngây thơ lắm!... Tôi nói thực với ông, ngày ấy… về công ty nhiều người đã nói trước với tôi... Tôi biết khó thoát khỏi tay ông, nên chúng tôi đành "ăn cơm trước kẻng". Nó... nó chính là con anh Tùng, người cùng đội văn nghệ hay song ca với tôi ấy, chắc ông còn nhớ? Chúng tôi là vợ chồng từ sau ngày ấy. Tiếc thằng bé hôm nay không có nhà để cho ông thấy nó giống bố nó đến như thế nào. Sau đó chúng tôi đưa nhau lên đây sinh cơ lập nghiệp. Cũng nhờ anh Tùng có ông chú họ làm Giám đốc trên này... chứ không thì... không biết đời chúng tôi sẽ ra sao. Lời hứa của ông còn đó...
    Nghe Phượng nói đến đấy thì ông Thực bỗng thấy hai mắt hoa lên, người quay cuồng lảo đảo… ông ngã vật xuống...

Kết Thúc (END)
Thanh Thản
» Chuyện Trên Chuyến Xe Khách
» Sướng Khổ Một Đời
Những Truyện Ngắn Khác
» Chữ Người Tử Tù
» Quán Chú Mùi
» Đau Gì Như Thể ....
» Làm Mẹ
» Bố Chồng
» Chén Trà Trong Sương Sớm
» Đời Như Ý
» Trên Đỉnh Non Tản
» Người Dưng Làm Má
» Quà Giáng Sinh
» Bông Hồng Vàng
» Bụi Quý
» Mùa Mắm Còng
» Báo Oán ( Khoa Thi Cuối Cùng )
» Đánh Thơ
» Bà hàng Xóm Da Đen
» Đời Khổ
» Bên Bờ Biển
» Bầu Trời Của Người Cha
» Người Thứ 79
» Hoa Học Trò
» Tuyết